© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
14.9.2004
György Dalos
1985 - Báo cáo sử học (Hongkong 2036)
5 kì
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5 
 
György Dalos sinh năm 1943 tại Budapest, 1962-1967 học lịch sử Đức tại Moscow, đảng viên đảng cộng sản Hungari đến năm 1968, bị kết án 7 tháng tù treo vì tội „phiến loạn theo tư tưởng maoist“ và cấm xuất bản, 1977 đồng sáng lập phong trà o dân chủ đối lập tại Hungari, 1984 sang (Tây) Đức, hiện sống tại Berlin. Ông là tác giả của vô số tác phẩm thơ, tiểu thuyết, tiểu luận; thường xuyên viết bà i trên các tạp chí văn hoá và chính trị hà ng đầu tại Đức, Áo, Hungari; nhận nhiều giải thưởng văn học tại Đức; phụ trách Trung tâm văn hoá Hungari tại Berlin đến năm 1999; đồng phụ trách chương trình trọng điểm sách Hungari tại Hội chợ sách Frankfurt 1999. Tác phẩm mới nhất của ông là „Hungari trong vỏ hạt dẻ - Lịch sử đất nước tôi“ (2004). Ông viết tiếng Hung và tiếng Đức. Lời nói đầu gửi độc giả Việt Nam sau đây ông viết riêng cho bản dịch tiếng Việt của tác phẩm „1985“ công bố trên trang talawas.
talawas


Lời nói đầu cho bản tiếng Việt

Gửi độc giả Việt Nam

Thời sinh viên, tôi đã hăng say chống Mĩ trong chiến tranh Việt Nam và nhiệt thành ủng hộ Việt Cộng. Đến bây giờ tôi vẫn cho rằng, phó thác số phận của dân tộc Việt Nam đã chịu quá nhiều đau khổ cho cuộc tranh chấp của các siêu cường quốc là sai lầm. Tuy nhiên, sự phát triển của đất nước này sau thống nhất năm 1975 lại khiến tôi vô cùng thất vọng. Không phải một nền dân chủ đa nguyên như hứa hẹn, mà lại là trại cải tạo, đàn áp và kiểm duyệt. Thời gian đó, tôi đã tham gia phong trào dân chủ đối lập tại Hungari và tiểu thuyết „1985“ của tôi được viết để lưu hành dưới dạng truyền tay (samisdat), kiệt tác „1984“ của Orwell cũng được „xuất bản“ dưới dạng truyền tay như vậy. Tác phẩm ra đời vào đầu năm 1981, cùng thời điểm với phong trào Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc) ở Ba Lan, và từ đó những hi vọng lại nhen nhóm trong giới trí thức văn nghệ sĩ li khai cùng những nỗi sợ. Bạn đọc Việt Nam hẳn biết là người Hung rất nhạy cảm với thời tiết, vì kinh nghiệm đã dạy cho họ rằng sau một mùa xuân ngắn có thể là một mùa đông rất dài.

Giờ đây chúng tôi đang sống trong một nền dân chủ đa nguyên và tự do với một di sản phức tạp và nhiều vấn nạn xã hội mới. Bản „tường thuật lịch sử“ này của tôi nay được phép công khai xuất bản, như những tác phẩm từng bị cấm của nhiều tác giả khác. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng sớm muộn thì với các bạn, triển vọng này cũng sẽ trở thành hiện thực. Hay ít nhất, đó là điều tôi chúc cho cả văn học Việt Nam lẫn độc giả Việt Nam. [1]

Berlin, tháng Chín 2004
György Dalos


*


Sức sống của Anh Cả
(Lời nói đầu của bản tiếng Nga, in năm 1992 - lược dịch)

Tiểu thuyết 1984 của Gorge Orwell đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng, đã được nghiên cứu và bình giảng vô cùng cẩn thận và chi li. Loài người đã biết rõ những người Anh Cả của mình và danh sách những kẻ ăn thịt người không chỉ bao gồm những tên tuổi như Hitler và Stalin. Một số chế độ chuyên chế đã ra đi. Nhưng hiện thời tại một số nơi vẫn còn những tên quỉ sứ có râu hoặc không râu nắm quyền. Và tại nơi này hay nơi khác người ta vẫn tiến hành "hai phút hận thù", "hai phút" đó có thể kéo thành nhiều năm, hàng chục năm. Và hôm nay các Bộ Sự Thật vẫn tiếp tục làm băng hoại linh hồn, còn Bộ Tình Yêu thì tra tấn thể xác và những kẻ trung thành với các chế độ ấy tiếp tục hô, tiếp tục gào đến khản cổ những khẩu hiệu của đảng:

CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH

Lời tiên tri của con người bí hiểm đó vẫn tiếp tục trở thành hiện thực…

Bằng cố gắng của những Anh Cả và các Bộ Sự Thật của chúng ta, họ đã hoạt động hữu hiệu chẳng khác gì G. Orwell mô tả và hiện vẫn chưa chịu đầu hàng, cuốn sách 1984 đã bị giữ lại đến hàng chục năm. Nay cuốn sách đã đến tay độc giả Liên xô và đã được xuất bản mấy lần liên tục với số lượng lớn. Nhưng cuốn sách còn có đoạn tiếp theo. Gyorgy Dalos, một người Hungari đã viết phần này vào đầu những năm 80, ba mươi năm sau khi G. Orwell qua đời.

Lịch sử văn chương đã từng chứng kiến những cố gắng thay dấu chấm của một tác giả nào đó bằng dấu phảy và viết tiếp tác phẩm, kéo dài đời sống của các nhân vật, cho các sự kiện tiếp tục phát triển. Nhưng các thử nghiệm đó hiếm khi thành công vì những kẻ hậu sinh thường kém các vị tiến bối cả về tài năng và nghệ thuật. Thế thì tại sao chúng tôi lại in trong cùng một cuốn sách dưới nhan đề 1984 đoạn tiếp theo, được viết bởi một người ít tiếng tăm hơn G. Orwell? Chỉ là một trò chơi chữ thôi ư? Không. Đây là một trường hợp đặc biệt. Gyorgy Dalos cũng từng bị khốn khổ vì chế độ Anh Cả ở Hungari (nói cho ngay thì trong những năm sau này chế độ đó thoải mái hơn ở Oceania, ở ta [2] hay ở Rumani nhiều), ông không chỉ viết tiếp 1984, không chỉ tiếp tục suy tư về số phận các nhân vật. Ông đã làm một bước đột phá có tính nguyên tắc về đề tài này.

Ông đã kể cho ta nghe những chuyện có thể xảy ra sau khi Anh Cả chết. Ông đã viết câu chuyện này, xin bạn nhớ cho, trước cuộc cải tổ ở nước ta, trước khi chế độ của Anh Cả trên đất nước ta và các nước anh em khác (có phải từ cùng một Anh không?) cáo chung. Sức sống của các Anh Cả quả là đáng nể. Dĩ nhiên không phải theo nghĩa đen của từ này, mặc dù trong sách của Dalos, Anh "đã vĩnh viễn ra đi do khó ở» và sau khi đã bị phẫu thuật đến năm, sáu lần. Họ, cũng giống như mọi người, không thể nào tránh được sinh, lão, bệnh, tử và trước sau gì rồi cũng phải đi sang thế giới bên kia. Một số chết trên giường nệm, xung quanh là biết bao tài năng y học, số khác trút hơi thở cuối cùng trong cô đơn, bị ruồng bỏ và có người thì bị một viên đạn vào đầu. Bảo họ bất tử là sai! Và vì vậy mà những người bình thường như chúng ta có quyền hi vọng…

Sức sống của các Anh Cả không phải theo nghĩa đen (dù họ hằng mơ ước như thế), cũng không phải là sự sống dai của từng người trong số họ, mà theo nghĩa hoàn toàn khác. Sức sống của họ nằm trong những xung lực có tính cách đe dọa mà họ tiếp tục cấy vào trí não ta dù họ đã nằm trong lăng mộ, nó nằm trong sự dao động của chúng ta trước những cải cách dân chủ triệt để, nó nằm trong sự bấu víu mù quáng vào Chúa và đủ thứ triết lí điên rồ do các lãnh tụ quá cố để lại, nó nằm trong sự liệt dương về mặt tinh thần biểu hiện qua những bài diễn văn tràng giang đại hải nhưng rỗng tuếch hoặc trong những Ngômo què quặt được sáng tạo ra để thể hiện những tư tưởng còn què quặt hơn. Sức sống của họ còn thể hiện trong mỗi chúng ta, những người đã sống một phần đời dưới chính quyền Anh Cả, họ tiếp tục sống trong phần người đã bị suy đồi của mỗi chúng ta. Nếu mỗi chúng ta không rũ bỏ ngay phần suy đồi đó đi thì trước sau gì những tên ác ôn như kiểu O'Brien cũng sẽ lại xuất hiện trong cảnh sát mật, những kẻ phản bội như Julia Miller cũng sẽ thành bộ trưởng Bộ Văn hóa và những người trí thức như Winston Smith cũng sẽ được đưa đến nơi dành cho trí thức: nhà giam. Nói một cách khác, Anh Cả sẽ phục sinh và sẽ trở về. Tất cả chúng ta cần phải nhớ rằng Anh Cả sống rất dai. Cần phải đọc đi đọc lại 1984 và đọc cả tác phẩm chưa nổi tiếng lắm này –1985- để có thể nhận chân một điều: sau năm 1984 đen tối nhất định sẽ có những ngày tự do làm say đắm lòng người của năm 1985. Nhưng xin các bạn, những người yêu chuộng tự do hãy nhớ cho: không khí tự do năm 1985 mang lại có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào...

M. Krivich



*


Lời nói đầu của người chép sử

Những sự kiện tôi có ý định trình bày đã xảy ra cách đây nửa thế kỉ. Lúc đó trên thế giới có ba siêu cường: Nước Eurasia của chúng ta, Oceania và Eastasia. Ba nước này thường xuyên giao tranh với nhau. Tháng 12 năm 1984, Oceania bị Eustasia đánh cho thất điên bát đảo và mất địa vị siêu cường. Từ đó chủ quyền quốc gia của nước này chỉ còn giới hạn trong lãnh thổ nước Anh và Bắc Ailen, trên thế giới chỉ còn lại hai siêu cường là Eurasia và Eastasia mà thôi. Tình trạng chiến tranh thường trực được thay bằng “hòa hoãn vũ trang“ kéo dài đã hai mươi lăm năm qua.

Đã đến lúc nhìn lại một các khách quan các sự kiện mà nay ta hoàn toàn có quyền coi là trọng đại. Sự thất trận của Oceania, cuộc cách mạng tiếp liền sau đó và việc đàn áp nó là những sự kiện lịch sử có ý nghĩa không chỉ với các nhà sử học. Đáng tiếc là quá khứ cũng như những bài học của nó không được giới trẻ hiện nay quan tâm. Mục đích của cuốn sách này là đánh thức trí tò mò của giới trẻ và nhắc nhở họ rằng hiểu biết sâu sắc lịch sử là điều cần thiết không chỉ cho những ai muốn trở thành người phát triển toàn diện mà còn cho cho tất cả những người sống trong thế kỉ XXI nữa.

Cơ sở của tập tài liệu này là những bản hồi kí của ba tác giả đã in cách đây một thời gian nhưng nay đã gần như đã tuyệt tích. Bên cạnh đó còn có các tài liệu chính thức của chính phủ Oceania, các bài báo, bài thơ và tư liệu cá nhân chưa công bố. Tôi chỉ thêm vào bên cạnh các tài liệu đó một vài ghi chú và sắp xếp chúng lại theo trình tự thời gian. Tôi làm thế không phải là để gây ảnh hưởng đến trí xét đoán của độc giả, tôi chỉ sửa chữa những sai sót và xuyên tạc do định kiến của các tác giả mà thôi.

Số phận đã dành cho tác giả những cuốn hồi kí này những kết cục hoàn toàn khác nhau. Winston Smith, người có vai trò quan trọng trong các sự kiện năm 1985 ở Oceania, đã viết hồi kí vào cuối những năm 90. Cuốn sách được lưu hành dưới dạng bản thảo chép tay. Sau khi cách mạng thất bại ông bị bắt giam vì lí do chính trị một thời gian rồi bị đầy về quê. Ông bị tai nạn ô tô vào năm 2000 và chết trước khi cuốn sách được xuất bản (Sự thật qua nhiều khổ đau. Nhà xuất bản Oceania tự do, Brazzaville, 2010. Tiếng Anh).

Jame O’Brien, trước đây đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong cảnh sát mật của Oceania, viết hồi kí sau khi đã về hưu. Ông gửi cuốn sách ra nước ngoài và chỉ cho phép công bố sau khi chết (Không còn bí ẩn: Lời tố cáo của một nhân viên mật vụ. Nhà xuất bản “Penguin Book”. Hongkong, 2010. Tiếng Anh). Sau này ông bị đưa vào nhà thương điên ở London và chết vào năm 2008.

Bà Julia Miller, một trong những nhân vật chủ chốt của Phong trào cải cách Oceania xuất bản được tác phẩm của mình trong những điều kiện thuận lợi hơn cả. Sau khi cách mạng thất bại bà ta chuyển sang phục vụ cho chế độ mới và trở thành bộ trưởng Bộ văn hóa. Hiện nay tác phẩm của bà (Cuộc đời dành trọn cho Chủ nghĩa xã hội Anh: Hồi kí. Nhà xuất bản Quốc gia, London, 2010. Tiếng Anh) là tài liệu công khai duy nhất nói về các sự kiện của một quá khứ chưa xa dành cho độc giả Oceania và Anh quốc.

Tôi xin đặc biệt cám ơn Viện nghiên cứu sử học ở Irkutsk đã tạo điều kiện cho tôi thâm nhập vào các tài liệu mật cũng như các tài liệu lưu trữ có giá trị, chiến lợi phẩm mà quân Eurasia thu được khi chiếm đóng Oceania. Tôi sẽ không thể hoàn thành được tác phẩm nếu không có sự giúp đỡ như vậy. Tôi xin đặc biệt tỏ lòng tri ân đến ông viện trưởng, một nhà sử học lỗi lạc, người hướng dẫn tôi trên con đường nghiên cứu khoa học. Tinh thần khách quan không lay chuyển và lòng nhiệt tình của ông là sợi chỉ xuyên suốt, tôi luôn đi theo trong quá trình làm việc để cho ra tác phẩm này. Tôi đã thành công đến mức nào – xin để cho độc giả phán xét.

Irkutsk, Eurasia, Tháng 5 năm 2035
György Dalos, 1985


1.Thông báo chính thức về cái chết của Anh Cả.

London, 3 tháng 1 năm 1985.

Hội đồng y tế quốc gia chuyên trách về sức khỏe của Anh Cả thông báo. Ngày 2 tháng 12 năm ngoái, Anh Cả cảm thấy khó ở vì sự rối loạn chức năng của một số cơ quan nội tạng. Theo quyết định của Hội đồng y tế quốc gia chuyên trách về sức khỏe của Anh Cả, nhằm cải thiện sức khỏe bệnh nhân, tay phải và chân trái đã tạm thời được cắt bỏ. Đồng thời các biện pháp nhằm tạm thời cắt bỏ thận trái cũng đã được thực hiện.

Sau đó tình trạng sức khỏe của Anh Cả đã ổn định và Anh đã đề nghị đọc cho nghe bài xã luận tờ Times. Sau đó tình trạng bệnh có nặng thêm cho nên một Hội đồng mở rộng đến 250 người, gồm cả các nhà hoạt động xã hội, đã quyết định cắt bỏ chân phải Lãnh tụ yêu quí của chúng ta.

Công tác phẫu thuật và truyền máu diễn ra một cách thành công. Lãnh tụ chìm dần vào giấc ngủ trong tiếng nhạc những bài hành khúc của thời trai trẻ của Người.

Sau khi cắt tay trái vì bệnh hoại thư, Anh Cả đọc một bài diễn văn dài ba phút trên đài phát thanh, Người mong rằng sự khó ở của Người không làm ảnh hưởng đến việc ăn mừng những thắng lợi chưa từng có gần đây của lực lượng phòng không Oceania trước những máy bay kẻ cướp của bọn Eurasia. Sau đó nhờ tạm thời cắt bỏ lá phổi bên phải nên tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện. Ngày 5 tháng 12, tình trạng sức khỏe Anh Cả không thay đổi. Ngày 6 tháng 12, sức khỏe Anh Cả trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7 tháng 12, sức khỏe Anh Cả không thay đổi, vẫn trong tình trạng nguy kịch. Ngày 8 tháng 12, sức khỏe Anh Cả vẫn trong tình trạng nguy kịch và không thay đổi. Ngày 9 tháng 12, Hội đồng nhất trí cắt tay trái bệnh nhân (Theo như chúng tôi được biết thì kể từ năm 1960, đây là lần biểu quyết đầu tiên ở Oceania. Cũng từ thông báo này ta có thể thấy Anh Cả có những hai tay trái. Ông ta có hai cánh tay trái thật sao? – ghi chú của người chép sử). Anh Cả ra đi vĩnh viễn vào lúc không giờ 32 phút ngày 10 tháng 12.


2. Hai lời phủ nhận

(Bắt đầu từ đây có một chiến dịch sau này mang tên là “ngoại giao phủ nhận”, chiến dịch này cuối cùng đã dẫn đến hiệp ước hòa bình giữa Oceania và Eurasia và vì vậy mà tạo ra căng thẳng giữa những nước này với siêu cường thứ ba là Eastasia. Trong giai đoạn này lưu hành một chuyện tiếu lâm như sau: hai công dân Oceania gặp nhau trên phố vào tháng 2 năm 1985 thì thay vì hỏi: “Có gì mới không?”, họ lại hỏi nhau: “Phủ nhận gì rồi?” – ghi chú của người chép sử)

  1. Hãng thông tấn Oceania ANO được các cơ quan có thẩm quyền giao cho trách nhiệm tuyên bố như sau. Một số cơ quan truyền thông Eurasia phát tán các thông tin bịa đặt và có chủ đích về việc dường như lực lượng phòng không Oceania đã bị “đập tan” trên quần đảo Kanarisk. Hãng thông tấn Oceania ANO tuyên bố rằng những tin tức đó là hoàn toàn bịa đặt và tuyệt đối không có cơ sở. Điều đó không giúp ích gì cho việc cải thiện quan hệ giữa các nước tham chiến và việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề đang tranh cãi, một việc vô cùng cần thiết nhất là trong tình hình chiến sự cấp bách như hiện nay.

  2. Hãng thông tấn Oceania ANO được các cơ quan có thẩm quyền giao cho trách nhiệm tuyên bố như sau. Một số cơ quan truyền thông Eurasia, xuất phát từ mục đích giả dối và xuyên tạc, đã cố tình coi việc phủ nhận do chúng ta công bố về việc dường như lực lượng phòng không Oceania đã bị không quân Eurasia “đập tan” như là gián tiếp “thừa nhận” sự “tan rã” đó. Đấy là một điều bịa đặt cực kì trắng trợn. Họ cũng phát tán các tin đồn rằng dường như chính phủ Oceania đã "gửi tín hiệu hòa hoãn” cho chính phủ Eurasia, mặc dù chuyện này không bao giờ có, và như vậy là đã cố tình phá hoại hiệp ước hòa bình của chúng ta với Eastasia. Điều bịa đặt trắng trợn này có ảnh hưởng xấu đến quan hệ hữu nghị giữa Oceania và Eastasia và có mục đích tạo ra ảo tưởng cho quân thù, là nước Eurasia, rằng chính phủ ta sẵn sàng tiến hành đàm phán hòa bình.


MÙA XUÂN

(Các nhà nghiên cứu sử học trong một thời gian dài bị lẫn lộn vì Phong trào cải cách ở Oceania được gọi là "mùa xuân London". Nhiều người nghĩ rằng các sự kiện xảy ra vào khoảng thời gian từ tháng hai đến tháng sáu. Thực ra mãi sau này, đến tận mùa đông năm 1985 người ta mới nói đến "mùa xuân". Chúng tôi sử dụng khái niệm này không phải theo nghĩa tượng trưng mà hoàn toàn theo nghĩa thời tiết - ghi chú của người chép sử).


3. Winston Smith (sau này gọi là Smith) nói về việc ra phụ trương văn học cho tờ Times.

Hôm ấy là một ngày tháng Hai đầy nắng, một sĩ quan cao cấp của Cảnh sát Tư tưởng mời tôi đến để bàn "công chuyện". Đây là nói về Cảnh sát Tư tưởng thời còn Anh Cả, Cảnh sát Tư tưởng (viết tắt là CA)hay còn gọi một cách khác là "Kiểm soát khối óc" gieo rắc biết bao kinh hoàng. Độc giả ngày nay có cảm giác gì khi nghe thấy cụm từ "Cảnh sát Tư tưởng"? Liệu anh ta có biết tên của bốn bộ tọa lạc trong những cao ốc ngất ngưởng giữa những tòa nhà thấp lè tè tại thủ đô của nước Anh cũ không? Bôta, Bôti, Bôbi, Bôno… Chỉ nghĩ đến những điều đó cũng đã rùng mình rồi: rất may là thế hệ ngày nay chỉ nghe đồn về những chuyện đó mà thôi. Hi vọng rằng cuốn sách khiêm tốn này của tôi sẽ giải thích phần nào những sự kiện quan trọng sống còn của những ngày ấy, đấy là các sự kiện dẫn đến sự cáo chung của chế độ Anh Cả, chiến thắng của Phong trào cải cách và cuộc cách mạng của chúng ta, sau đó là sự thất bại của cách mạng và những hệ lụy mà đến nay chúng ta vẫn phải chịu đựng.

Khi được O'Brien mời, tôi đã nghĩ ngay là không có lí do gì để sợ điều tồi tệ nhất: bị bắt một lần nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ như in, mới năm ngoái chứ đâu, những cuộc hỏi cung, những phòng giam, những vụ tra tấn bằng dòng điện và chuồng chuột cống, tôi phải thú nhận rằng họ đã khuất phục được tôi và buộc tôi, nếu chưa phải là từ bỏ những quan điểm thì ít nhất cũng phải từ bỏ các kế hoạch của mình. Lần này thì rõ ràng là O'Brien khó có thể quay về với những hành động tàn ác như thế. Đảng Nội bộ, kẻ nắm quyền lực ở Oceania, đã không còn như trước nữa. Cái chết của Anh Cả và sự thất bại thảm hại của lực lượng phòng không Oceania đã làm cho những người cầm quyền của chúng ta mất tự tin. Họ càng bớt hung hăng thì các đảng viên Đảng Ngoại vi, thí dụ như các đồng nghiệp của tôi trong Bôta, càng dũng cảm thêm. Bạn tôi, một nhà kinh tế học tên là Whiters vừa ra tù được một thời gian, dám làm những chuyện ngông cuồng nhất. Trong một buổi nghỉ trưa, anh ta đem chương trình thể dục bắt buộc trên truyền hình ra diễu ngay trong nhà ăn của Bộ. "Cúi thấp nữa", anh ta nhại tiếng the thé của giáo viên, "cái này sẽ làm bạn trẻ dai và hoạt bát". Mọi người rũ ra cười khi trông thấy anh ta cố thót cái bụng phệ, mặt méo sẹo đi vì đau. Một điều lạ lùng là không ai tỏ ra sợ là anh ta sẽ bị bắt vì chuyện này cả.

O'Brien tiếp tôi trong phòng làm việc của mình ở Bộ Sự thật. Trông anh ta có hơi khác so với năm ngoái, lúc anh ta, một sĩ quan cao cấp của Cảnh sát Tư tưởng, tra tấn tôi bằng dòng điện và đủ mọi cách khác để moi cho bằng được những lời thú nhận giả dối. Dĩ nhiên là anh ta vẫn cao, má vẫn phính, ánh mắt vẫn thông minh và mệt mỏi như ngày nào, nhưng bây giờ vai có so hơn, tóc cũng bạc thêm vài phần. Anh ta mời tôi uống cà phê, tất nhiên là không phải loại cà phê Chiến thắng đáng tởm mà là loại bán trong cửa hàng dành riêng cho đảng viên Đảng Nội bộ.

Trước hết anh ta đề nghị tôi bỏ qua cho "sự kiện hồi năm ngoái", anh ta gọi những nỗi khổ đau không bút nào tả xiết mà anh ta đã gây ra cho tôi như thế đấy. Anh ta bảo rằng mình là sĩ quan cấp dưới buộc phải thi hành lệnh trên và tôi có thể tin là anh ta đã nương nhẹ với tôi. Ngoài ra, anh ta nói thêm một cách đầy ẩn ý rằng tôi phải cám ơn anh ta vì được ngồi đối diện với anh ta như thế này.

Tôi ngồi im, sốt ruột chờ xem anh ta cần gì ở tôi.

"Tổ quốc đang lâm nguy", anh ta nói.

"Tôi biết rồi", tôi bảo, mặc dù chính ra thì tôi cũng không rõ bởi vì chỉ có những tin đồn mà thôi. Kiến thức của tôi dường như không làm O'Brien ngạc nhiên.

"Oceania phải kí hòa ước với Eurasia", anh ta nói tiếp. "Nếu không làm ngay thì chỉ hai tuần nữa kẻ thù sẽ chiếm được London. Nhưng trước khi tiến hành đàm phán ta phải củng cố nội bộ đã".

"Chả lẽ chúng ta không đủ mạnh rồi ư?", tôi giả vờ hỏi.

"Nếu ý anh là chúng ta có thể tin vào sự bàng quan của dân chúng không, thì câu trả lời là có thể", anh ta đáp. "Nhưng lúc này thì chỉ như thế thôi chưa đủ. Ngày xưa, khi còn Anh Cả - anh ta làm như không phải hai tháng mà là năm mươi năm rồi không bằng - thì chỉ cần dân chúng sợ ta là được. Nhưng nay ta cần phải được dân chúng ủng hộ nữa kia. Mà không ép buộc, phải tự nguyện, tự giác cơ".

Giọng anh ta bỗng trở nên trang trọng.

"Chúng ta sẽ ra một tờ tuần báo, phụ trương văn học của tờ Times. Anh sẽ là tổng biên tập. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền trong đảng viên tư tưởng hòa bình. Hòa bình là gì? - dường như anh ta tự hỏi mình - Trước đây tất nhiên hòa bình là chiến tranh. Nhưng bây giờ hòa bình nghĩa là thất bại. Chúng ta phải làm quen dần với tư tưởng rằng Oceania không thể cứ tiếp tục như cũ được nữa. Muốn tồn tại chúng ta phải thay đổi, chúng ta phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Điều đó có nghĩa là - anh ta đưa ngón tay trỏ lên - phải có những tiếng nói mới. Một ít phê bình, một ít thơ ca và sau đó, có thể là một ít chính trị nữa. Chúng ta xây một chiếc cầu nối với tương lai, đặt nền móng cho con đường vào một thế giới hợp lí hơn. Anh Smith ạ, tôi hi vọng là anh đã hiểu được ý Đảng"

Tôi hỏi lại anh ta xem đề nghị đó có thật sự nghiêm túc không. Liệu có lặp lại "sự kiện hồi năm ngoái" không?

"Vâng, vâng", anh ta vừa đáp vừa lắc đầu một cách buồn bã. "Anh sợ là phải. Tôi rất thông cảm với anh. Nhưng lần này việc tôi đề nghị không phải là một âm mưu mà là công tác báo chí thực sự. Hơn nữa, chúng ta sẽ làm việc với nhau vì cả hai chúng ta đều không muốn tờ báo rơi vào tay Đảng. Anh sẽ thường xuyên liên hệ với tôi. Tôi đã chọn đủ cộng tác viên cho anh rồi. Phụ trương văn nghệ không thể chống lại các nguyên tắc của Chuanh và của Đảng, nhưng Chuanh là một khái niệm rất rộng - anh ta vừa nói vừa khẽ nháy mắt với tôi - có thể giải thích theo nhiều kiểu khác nhau. Đầu tiên ta sẽ cho in năm ngàn bản. Phân phối trong nội bộ đảng viên bốn ngàn, một ngàn dành cho sinh viên trường Hàng không. Chúng ta cũng đưa sang Eurasia một số bản. Kẻ thù hôm qua của chúng ta phải hiểu rằng Oceania không phải là một đất nước dã man như chúng vẫn nghĩ. Chúng phải tin rằng thực ra chế độ ta là chế độ dân chủ, mà nó đúng là như vậy, có phải không?"

Có người sẽ hỏi tại sao tôi lại chấp nhận lời đề nghị của tên đao phủ gớm ghiếc đó. Chẳng có gì phải giấu. Trong hoàn cảnh lúc ấy tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Tôi nghĩ rằng nếu tôi từ chối thì chức tổng biên tập sẽ rơi vào tay người khác và tờ báo sẽ ra sao? Trong hoàn cảnh đó tôi phải đặt những yêu cầu về đạo đức sang một bên. Để có thể tống khứ được quỉ sứ - bóng ma của Anh Cả ra khỏi Oceania thì phải hợp tác (ít nhất cũng trong giai đoạn đầu tiên) với quỉ sứ [3] , tức là với O'Brien. Và hôm nay tôi có thể nói rằng cái liên minh tạm thời, có tính cách chiến thuật đó, đã mang lại cho chúng tôi nhiều lợi ích hơn là cho O'Brien.


4. Julia Miller (sau này sẽ gọi là Julia) - cũng về tờ báo.

Các bạn nam nữ thanh niên thân mến, hãy tạm thời tắt máy ghi âm và đừng vội vàng lên sàn nhảy, dù tôi biết rằng đối với các bạn chuyện đó thật là khó! Tôi không phản đối chuyện vui chơi và giải trí: xã hội ta, sau khi giải thoát khỏi chủ nghĩa khắc kỉ giả tạo thời Anh Cả đã công nhận thanh niên có quyền vui chơi giải trí. Nhưng đôi khi cũng cần suy nghĩ một cách nghiêm túc và có trách nhiệm về quá khứ hào hùng và cũng có lúc đầy bi thương để từ đó rút ra những bài học bổ ích cho hiện tại và tương lai. Cuốn sách này là dành cho các bạn, những bạn trẻ thân yêu của ngày hôm nay, những người có may mắn không phải trải qua những năm tháng đen tối, khi những người trung thực, dù sao mặc lòng, vẫn hoàn thành nghĩa vụ của mình, vì cả các bạn nữa!

Tôi không phủ nhận sạch trơn quá khứ. Không được quên rằng chính quyền của Anh Cả không phải chỉ là tra tấn và nhà tù mà còn là lao động sáng tạo của hàng triệu người, bằng bàn tay và khối óc của mình họ đã biến Oceania thành một đất nước vĩ đại. Nhưng giai đoạn tuyệt vời nhất, nhân bản nhất là sau năm 1985, khi Đảng đã rút được kinh nghiệm từ những bài học cay đắng trong quá khứ, bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại sai lầm đã mắc phải và hiện tượng vô chính phủ đang hoành hành trong nước và bằng cách đó đã khôi phục được niềm tin của nhân dân.

Các công trình nghiên cứu lịch sử đã chứng tỏ rằng Phong trào cải cách của nước ta bắt đầu bằng PCV - Phụ trương văn học của tờ Times. Như mọi người đều biết Winston Smith, lúc đó là bạn và chiến hữu của tôi, đã đóng vai trò quan trọng trong việc xuất bản tờ báo này. Đáng tiếc là sau này anh ta đã đi chệch hướng và trở thành kẻ thù của nhà nước. Nhưng nếu vì vậy mà tôi phủ nhận những đóng góp của anh ta thì hóa ra tôi đã quay trở lại những biện pháp đê tiện thời Anh Cả mất rồi. Đánh giá các hoạt động của Smith là công việc của các nhà sử học, tôi chỉ xin trình bày những nhận xét cá nhân ở mức độ mà mình cho là cần thiết mà thôi.

Bây giờ xin chuyển sang một nhân vật khác tên là O'Brien, một sĩ quan cao cấp trong lực lượng an ninh, sau này Đảng đã khai trừ anh ta, cũng đúng thôi, vì khi còn Anh Cả anh ta đã lạm dụng quyền lực một cách thái quá. Cuối cùng anh ta đã thoái hóa đến mức viết hẳn một cuốn sách vu khống Oceania, chứng tỏ anh ta đã trở thành một kẻ đê mạt không khác gì Smith và đồng bọn. Điều đó một lần nữa chứng minh rằng chỉ cần rời bỏ những nguyên lí cao thượng của Chânchuanh (Chânchuanh - Chủ nghĩa xã hội chân chính Anh quốc, học thuyết chính trị chính thức sau thất bại của cuộc cách mạng năm 1985. Thay cho Chuanh cũ - ghi chú của người chép sử) thì trước sau gì người ta cũng rơi vào đống rác của lịch sử.

Nhưng không nghi ngờ gì rằng O'Brien, đấy là nói khi anh ta chưa thèm khát quyền lực một cách bệnh hoạn, đã đóng một vai trò tích cực nhất định trong Phong trào cải cách của chúng ta. Là người liên lạc giữa Cảnh sát Tư tưởng và Bộ Sự thật, chính anh ta đã đồng ý cho ra tờ PCV và chọn lựa ban biên tập. Cần phải nhắc lại rằng một hôm, đấy là một ngày tháng hai lạnh và gió, tôi đã phát hoảng khi nghe tin O'Brien mời Smith đến gặp vì mới non một năm trước cả hai chúng tôi đã từng bị O'Brien hành hạ. May là nỗi sợ của tôi hoàn toàn vô căn cứ. Những lực lượng lành mạnh trong Đảng đã thức tỉnh, mùa đông lạnh lẽo đã qua và những tín hiệu báo mùa xuân đang dần xuất hiện.

Thí dụ ngay từ đầu tháng giêng các thành viên của Hiệp hội Thanh niên Chống Tình dục trong Bộ Sự thật đã bắt đầu đánh môi son rồi. Đầu tiên chỉ là lớp son mỏng, màu hơi hồng, sau đó thì son dày thêm, màu cũng đa dạng hơn, từ hồng nhạt đến đỏ thậm. Chắc là họ kiếm được son trong kho của Đảng Nội bộ hoặc trên thị trường chợ đen trong các khu vô sản. Trước đó chúng tôi chỉ thấy phụ nữ môi son má phấn trong các phim lên án chế độ cũ hoặc nghe đồn rằng có những phụ nữ như thế trong các buổi nhậu nhẹt bí mật trong Đảng Nội bộ mà thôi. Cái hôm Winston được mời đến gặp O'Brien thì tôi cũng đánh môi son rồi. Tôi vô tình chạm trán O'Brien ở ngoài hành lang.

"Trông cô đẹp quá", con chó khát máu ấy bảo.

"Mùa xuân đã về rồi!", tôi đập thẳng vào mặt hắn.


5. Jame O'Brien (sau này sẽ gọi là O'Brien) - cũng nói về việc ra báo.

Người ta đã vu khống tôi đủ điều. Người ta gọi tôi là nóng nảy, háo danh, vô liêm sỉ, nhưng không có người nào gọi tôi là hèn và ngu cả. Thực ra tất cả những thành công cũng như thất bại của tôi đều bắt nguồn từ hai phẩm chất sau đây: dũng cảm và điềm tĩnh. Bây giờ, sau hơn mười lăm năm bị đẩy khỏi quyền lực, tôi vẫn có thể nói: tôi không ân hận gì!

Tôi sinh trong một gia đình bình thường (Theo một số nguồn tin thì O'Brien là con ngoài giá thú của một bá tước và cô hầu của ông ta. Anh ta nhận họ của người bố dượng vốn là công nhân gốc Ái nhĩ lan làm họ của mình. Trong chế độ cũ con đường hoạn lộ của anh ta bị cản trở, đến thời Anh Cả anh ta cũng bị phân biệt đối xử vì xuất thân là ngưới Ái nhĩ lan: khi mới bắt đầu hoạt động chính trị anh ta phải cố gắng rất nhiều mới rũ bỏ được nguồn gốc thiên chúa giáo của mình - ghi chú của người chép sử). Cha tôi đã tham gia vào cuộc đấu tranh ngay từ trước khi diễn ra cuộc Cách mạng vĩ đại năm 1960 nhưng ông không sống được đến ngày Cách mạng thành công. Mặc dù bị bệnh tim, ông đã nhiều lần phải vào tù ra khám của chế độ cũ. Nhà chúng tôi thường xuyên bị khám xét và tôi cũng bị cảnh sát Hoàng gia Anh quốc theo dõi. Mẹ tôi trở thành góa bụa và nghèo túng nên tôi đã buộc phải từ bỏ ước mơ bước vào giảng đường đại học. Ngay từ lúc còn rất trẻ tôi đã nung nấu môt lòng căm thù sâu sắc đối với mọi hình thức áp bức và chà đạp. Chính điều đó đã đưa tôi vào hàng ngũ những người cách mạng và phải một thời gian khá lâu sau đó tôi mới tìm được lĩnh vực hoạt động phù hợp. Năm 1965 tôi trở thành sĩ quan của Cảnh sát Tư tưởng, hay như bây giờ người ta gọi một cách khinh thị là cảnh sát chìm.

Vâng, tôi là nhân viên của cảnh sát chìm. Càng leo lên cao tôi càng tin rằng những người bị tôi hỏi cung không những không dũng cảm mà cũng chẳng có đầu, ngược lại, họ rất ngu và hèn nhát nữa. Công việc trong các phòng điều tra khác nhau đã đưa tôi đến kết luận rằng các chiến sĩ cách mạng kiên cường có thể làm tất cả những chuyện bỉ ổi và phản bội trắng trợn nhất. Trong tay chúng tôi những "lí luận gia vĩ đại" đã biến thành những tên bẻm mép vô hại. Nhưng xin đừng nói rằng chúng tôi đã hủ hóa họ về mặt đạo đức. Tra tấn, dù có dã man đến đâu, cũng chỉ có thể phát hiện được những phẩm chất đáng ngờ vốn đã là thuộc tính của mỗi người.

Tất cả những ai từng thú nhận tội lỗi đều có thể phạm chính những tội đó. Cho nên xin hãy quên những chuyện cổ tích đi!

Điều này rất quan trọng vì năm 1985 tôi đã cảm thấy vô cùng thất vọng. Tôi đã hiểu rằng không chỉ đa số người là ngu và hèn đâu, cả những hệ thống quốc gia đôi khi cũng như thế nốt. Lịch sử Phong trào cải cách, một phong trào đã đưa đất nước đến thảm họa, đã chứng tỏ điều đó.

Tôi không muốn bị hiểu lầm. Cải cách là cần thiết! Nhưng không phải để cho mọi người sống thoải mái hơn như Julia Miller, một người đa cảm, phát biểu trong các bài diễn văn của mình. Không một nhà chính trị nghiêm túc nào đặt ra mục tiêu như vậy cả. Cải cách cần là để bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu hơn vì nói một cách rốt ráo thì sự an toàn của mỗi người chỉ có thể được đảm bảo nếu nhà nước có an ninh. Muốn như thế thì nhà nước phải được điều khiển bởi một bàn tay sắt. Tất nhiên là trong những giai đoạn khó khăn thì nhà nước cũng cần có những chính sách mềm dẻo. Nhưng mềm dẻo đòi hỏi lòng quả cảm và trí thông minh. Nhưng năm 1985 thì chẳng có quả cảm mà thông minh cũng không cho nên khi mặt trận bên ngoài bị vỡ thì mặt trận bên trong cũng gặp tai họa.

Không thể phủ nhận rằng Anh Cả cũng phần nào có lỗi. Ông không được coi thường vấn đề kế vị đến mức như thế. Ngoài ra, trong những năm cuối đời ông đã rơi vào tình trạng lão suy đến nỗi không nhận thấy rằng tất cả các nhóm đang đấu tranh với nhau để giành quyền kế vị chỉ thống nhất với nhau ở mỗi một điểm: mong ông chóng ra đi. Họ bắt đầu chia chác ngay khi ông vừa nhắm mắt.

Có hai phái gọi là “Nhôm” và “Mẩu” kình địch với nhau. Phái Nhôm, do Chị Cả, vợ góa của Lãnh tụ kính yêu của chúng ta đứng đầu, yêu cầu nhanh chóng tái vũ trang, trước hết là không quân để có thể tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại kẻ thù là nước Eurasia trong thời gian ngắn nhất. Phái Mẩu, ngược lại, cho rằng lực lượng không quân đã bị đánh tan tác, ít nhất phải một năm mới khôi phục được (điều này hoàn toàn có lí). Ngoài ra cần phải giảm một nửa khẩu phần và kết quả là đất nước sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đồng minh là Eastasia, thực chất cũng chẳng hơn gì kẻ thù là Eurasia. Vì vậy phái Mẩu cho rằng bằng mọi giá phải kí ngay hòa ước (mẩu giấy) với Eurasia. Vì lúc đó ở Eurasia đang có những cuộc đình công cho nên người ta cho rằng đề nghị vãn hồi hòa bình có thể sẽ được chấp nhận.

Lúc đầu Cảnh sát Tư tưởng và cá nhân tôi không can thiệp vào cuộc đấu tranh giữa hai phái này. Nhưng khi phát hiện việc phái Nhôm chuẩn bị làm đảo chính chống lại phái Mẩu thì tôi cho rằng phải huy động Đảng Ngoại vi để chống lại kế hoạch của họ. Tôi chuẩn bị các đề xuất và trình với lãnh đạo Cảnh sát Tư tưởng.

Trước hết, tôi viết, chúng ta phải tạo ra một tổ chức xã hội, dĩ nhiên là tổ chức này phải nằm dưới sự quản lí của chúng ta. Lấy thí dụ nếu có một tờ tuần báo có thể phản ánh dư luận xã hội, trước đây ở Anh người ta vẫn gọi như thế, thì ta có thể tạo áp lực với Chị Cả và những người xung quanh trước hết là về vấn đề kí hòa ước. Bằng cách đó chúng ta có thể lôi kéo cả Đảng Ngoại vi tham gia vào chính sách mới. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất khó vì sau hàng chục năm truyên truyền mọi người đều biến thành những kẻ cuồng tín điên khùng hết cả rồi.

Nhưng ai sẽ là người làm báo? Chẳng nên nói tới những người trung dung trong Đảng Nội bộ làm gì: không bao giờ họ chịu để cho Cảnh sát Tư tưởng lãnh đạo. Chính Cảnh sát Tư tưởng cũng không thể trực tiếp tham gia xuất bản được: cả hai phe sẽ cùng chống lại ngay. Chỉ còn một cách, đấy là giao cho Đảng Ngoại vi.

Vấn đề quan trọng nhất chính là: đảng viên nào sẽ tham gia trực tiếp vào cái công việc mạo hiểm này? Dĩ nhiên người đó không thể là một viên chức quan liêu dốt nát hay một nhà thơ mơ mộng được rồi. Lí tưởng nhất là một nhóm biên tập viên thông minh nhưng tương đối dễ bảo. Cần phải xem xét trước hết các đảng viên Đảng Ngoại vi đã từng đi tù, chúng ta đã biết rõ họ mà họ thì cũng không sao thoát khỏi ảnh hưởng của chúng ta. Tôi đã mời Winston Smith đến nói chuyện.

Smith tỏ ra là một người khá mềm dẻo. Anh ta hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với chúng tôi. Tôi giới thiệu cho anh ta những cộng tác viên như nhà tu từ học và triết học Syme, nhà kinh tế học Whiters, nhà thơ Ampleforth và nhà sử học Parsons. Tất cả những người này đều mới ra tù và rất mừng vì được bổ nhiệm chức vụ mới. Số báo đầu tiên ra vào thượng tuần tháng ba. Về hình thức nó cũng giống như mọi tờ báo khác ở Oceania: nào là thông tin chính thức, nào là cờ thế và trò xếp ô chữ. Nhưng ngay số đầu tiên đã có một bài mà nếu tôi không đồng ý thì không thể nào được đăng. Đấy là bài thơ “Nước mắt người lính Oceania” của thi sĩ đã thành danh là David Ampleforth.


6. Nước mắt người lính Oceania [4]
David Ampleforth

Những chiếc phi cơ đàn chim tuyệt vời rơi
(trong bản thảo: đàn chim của Đảng –ghi chú của người chép sử)
Rồi sẽ ra sao
Tổ quốc Tôi
Kẻ thù đánh tơi bời
Tổ quốc Tôi
Không quân trên bầu trời
Tổ quốc Tôi
Sao ta không chết cho rồi
Tổ quốc Tôi
(Trong bản thảo có thêm câu: Thất bại này trách nhiệm về ai Tổ quốc Tôi – ghi chú của người chép sử)
Tôi muốn chết trong biển lửa cho rồi
Tổ quốc ơi
Khi sắt thép vỡ trên bầu trời và nước biển sục sôi
Tổ quốc Tôi
Họ là những anh hùng và sáng mãi niềm tin
Tổ quốc Tôi
Những gì đã mất không thể hồi sinh
Tổ quốc Tôi
Tôi muốn được là nhà thơ lớn suốt đời hát mãi
Tổ quốc Tôi
Đừng nói rằng rồi sẽ liền da
Tổ quốc Tôi
Đừng nói rằng còn nữa chiến công
Tổ quốc Tôi
Đừng tin những kẻ mị dân lắm lời
Tổ quốc Tôi
Những kẻ an ủi ta lúc này chính là gián điệp
Tổ quốc Tôi
(nguyên văn: gián điệp Eurasia – ghi chú của người chép sử)
Tổ quốc tuyệt vời Oceania của ta ơi


7. O’Brien – nói về cuộc tranh luận xung quanh bài thơ của David Ampleforth

Như chúng tôi đã dự liệu, bài thơ của David Ampleforth đã gây nên một trận cuồng phong. Ban thư kí của Chị Cả yêu cầu Cảnh sát Tư tưởng bắt giam ngay tất cả những người dính líu đến việc công bố bài thơ. Nhưng đây là lần đầu tiên Cảnh sát Tư tưởng không chấp hành chỉ thị của Đảng Nội bộ. Ông đại tá của chúng tuyên bố rằng Oceania có Hiến pháp, theo đó chỉ có Viện công tố mới có thể ra lệnh bắt giam công dân. Ban thư kí nổi giận đòi giải thích.

“Tôi nói về luật cơ bản năm 1965”, ông đại tá bình tĩnh trả lời.

Bộ luật cao quí này được các nhà cách mạng thông qua ngay khi họ vừa nắm chính quyền, nó chưa bị bãi bỏ, chỉ mới bị bỏ xó mà thôi. Các thiết chế được qui định trong bộ luật, kể cả Viện công tố, đã ngưng hoạt động từ lâu. Như vậy nghĩa là không thể bắt được ai vì không có người nào có quyền khởi tố nữa. Nhưng suốt hai mươi năm qua, kể từ năm 1965 nói một cách nhẹ nhàng thì thỉnh thoảng cũng có người bị bắt đấy. Tính trung lập của Cảnh sát Tư tưởng lần này không chỉ là do lòng trung thành của chúng tôi đối với Hiến pháp, cũng không hẳn vì chúng tôi là những người cổ vũ cho thơ phú của Ampleforth mà còn vì chúng tôi có một vài kế hoạch riêng về vấn đề này. Chúng tôi dự định tổ chức hội thảo về bài thơ ở quán cà phê Cây dẻ. Cuộc hội thảo được quyết định vào thứ hai, hôm đó chúng tôi sẽ cùng với những thành phần ôn hòa trong Đảng thực hiện những biện pháp ngăn chặn cuộc đảo chính do phái Nhôm tiến hành.

Vì trong Cảnh sát Tư tưởng cũng có những thành viên phái Nhôm nên chúng tôi cho họ mặc thường phục và cử đi theo dõi cuộc hội thảo. Như vậy là bọn đó không thể chia sẻ vinh quang với chúng tôi trong vụ ngăn chặn đảo chính cũng như sẽ khó khăn trong bước đường hoạn lộ sau này, nhưng bù lại, họ được tham gia vào một hoạt động dân chủ đầu tiên trong lịch sử Oceania.

Tuy thế Cảnh sát Tư tưởng vẫn tiến hành những biện pháp phòng bị cần thiết. Dĩ nhiên là chúng tôi không đứng ra tổ chức hội thảo rồi. Chúng tôi cũng không cho phép tổ chức, chúng tôi chỉ không cấm mà thôi. Chỉ có thông báo miệng, thế mà có rất nhiều người tham dự.


8. Julia - cũng nói về bài thơ.

Những ai từng quen tôi đều biết rằng tôi không thích những từ đao to búa lớn. Nhưng khi hồi tưởng lại buổi hội thảo tháng ba trong quán cà phê Cây dẻ, tôi phải nói rằng đấy là một cuộc hội thảo có tính lịch sử. Đề tài trung tâm là bài thơ của Ampleforth. Nó phản ánh nỗi lo lắng bao trùm lên các đảng viên khi hay tin thất trận. Lúc đó nhiều người cho rằng đã là nhà thơ thì không được viết những bài thơ buồn, càng không được viết những bài bi quan. Hệ thống tuyên truyền của Anh Cả thường tâng bốc rằng Oceania là vương quốc của hạnh phúc. Vì vậy vấn đề chủ yếu được đưa ra thảo luận là: "Có được phép viết những bài thơ buồn hay không?", đây là vấn đề hoàn toàn mới và có tính nguyên tắc.

Quán cà phê Cây dẻ hôm đó chật như nêm, khói thuốc Chiến thắng đặc quánh lại, tưởng có thể lấy dao mà cắt được. Bàn nào cũng có mấy chai Gin Chiến thắng, nó có tác dụng giúp mọi người thêm hứng khởi. Nhiều người không vào được đại sảnh, một số phải đứng trong phòng chơi bi-a, phòng treo quần áo và cả phòng hành chính nữa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ban tổ chức không nghĩ là có nhiều người đến thế nên đã không chuẩn bị micro. Vì vậy ngay các diễn giả có quan điểm ôn hòa cũng phải gào đến lạc giọng. Kết quả là buổi thảo luận có vẻ như sôi nổi hơn.

Ban tổ chức đứng bên trong quầy bar ở ngay giữa phòng. Để cho mọi người có thể nhìn rõ, thỉnh thoảng họ lại đi quanh quầy. Smith phát biểu trước. Vừa bước lên anh ta vừa nói:

"Thế giới không đơn giản…" Tiếng vỗ tay như sấm dậy, những từ này sau đó trở thành khẩu hiệu của Phong trào cải cách.

Smith nói rằng cá nhân anh không hoàn toàn đồng tình với từng câu từng chữ của thi sĩ Ampleforth nhưng anh tin chắc rằng đây là một tác phẩm có ý nghĩa to lớn, còn tinh thần ái quốc của nó thì rõ ràng không thể nào tranh cãi được. Smith nói Đảng dạy chúng ta phải dám đối mặt với khó khăn. Trong lịch sử quốc gia có những hoàn cảnh có thể gọi là buồn, thậm chí bi đát nữa. Nhưng chúng ta không được biến thành những con đà điểu rúc đầu xuống cát.

Smith nói xong thì có một người tên là Ogilvy xin phát biểu, anh ta tự giới thiệu là cán bộ của Bộ Ấm no, nhưng thực ra là công tác trong Cảnh sát Tư tưởng. Anh ta bảo rằng không có hiểu biết gì về thơ phú nhưng lên án thái độ hư vô chủ nghĩa một cách thái quá của Ampleforth. Hư vô chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ với tư tưởng của Đảng. Không phải là vô tình, anh ta nói, mà Ampleforth và những kẻ đồng lõa đã viết trên lá cờ của họ những khẩu hiệu buồn và cố gắng khơi dậy thái độ đầu hàng chính vào lúc Tổ quốc đòi hỏi điều ngược lại. “Những bài thơ như thế”, Ogilvy gào lên, “không tạo ra các anh hùng mà chỉ tạo ra tù binh chiến tranh mà thôi”. Ngoài ra, anh ta nói thêm, bài thơ không thể nào chấp nhận được vì thiếu những đặc trưng truyền thống của thơ ca Oceania là có vần điệu và du dương.

Một người tự nhận là công nhân của hãng sản xuất máy bay còn đòi khai trừ nhà thơ ra khỏi Đảng. Bài thơ này, anh ta tuyên bố, không khác gì một lưỡi dao đâm vào sau lưng các chiến sĩ Oceania đang chiến đấu ngoài mặt trận. Đúng lúc đó thì dàn đồng ca của các kĩ sư hãng sản xuất máy bay cất tiếng: “Đất nước vinh quang tuyệt vời, cần chi buồn đau người ơi”.

Lời kết án này đã bị nhà kinh tế học Whiters kiên quyết bác bỏ. “Ai có thể khẳng định”, anh tức giận hỏi, “rằng người đã viết ra các tác phẩm đã trở thành kinh điển như “Thi đua sản xuất đường” hay “Kiên cường chiến đấu chống kẻ thù chung Eurasia” là phản bội Tổ quốc và các nguyên tắc của Chuanh? Ngay cả bài thơ đang bị phê phán đây cũng chứng tỏ thi sĩ toàn tâm toàn ý trung thành với đất nước mình. Câu nào cũng có cụm từ Tổ quốc tôi, điều đó, hơn tất cả mọi vần điệu, đã nói lên thái độ thực sự của tác giả. Buồn có nhiều loại. Có những người buồn chống lại chúng ta, nhưng có những người buồn cùng với chúng ta. Đồng chí Ampleforth thuộc loại thứ hai”.

Nhưng người nói hay nhất chính là nhà tu từ học và triết học Syme. “Thưa đồng chí Ogilvy, nếu các đồng chí cho rằng cuộc đời này toàn là niềm vui”, anh nói bằng giọng kẻ cả, “ thì đồng chí cũng như dàn đồng ca tự phát vừa rồi đã lầm” (tiếng vỗ tay như sấm dậy). Khác với Ogilvy, Syme có hiểu biết về thơ ca và anh sẵn sàng giải thích những cách tân về mặt kĩ thuật của tác giả. Bài thơ không có vần điệu, được xây dựng trên cơ sở song hành. Tác giả gần như không sử dụng dấu ngắt câu. Giải pháp mang tính hình thức này có thể chưa hoàn toàn thành công, nhưng nó đã giành được chỗ đứng trong thơ ca Anh quốc trước đây, đặc biệt là trong tác phẩm của các thi sĩ tiến bộ. Các nhà tu từ học mấy thập niên gần đây không ủng hộ lối cách tân như thế. Nhưng nội dung mới, như Anh Cả đã nhiều lần nhắc nhở, đòi hỏi hình thức mới. Không chỉ thơ ca mà cả cuộc sống đang đòi hỏi một nội dung mới. Cần phải chỉ ra ngay các khó khăn. “Che đậy chỉ làm cho thảm họa càng thêm khủng khiếp hơn”, anh kết thúc bài diễn văn bằng những lời có cánh như thế.

Ngay nhà sử học Parsons, ai cũng biết anh này rất rút rát và ngây thơ, cũng lên tiếng bảo vệ Ampleforth. “Trên thực tế”, Parsons nói, “không chỉ thất bại thảm hại mới là lí do cho ta buồn”. Thính giả chết lặng như tờ. “Cuộc sống tươi đẹp của chúng ta mỗi ngày lại được cải thiện thêm một bước, nhưng đáng tiếc là vẫn còn mặt tối và điều đó có thể làm phiền lòng mọi công dân trung thành với Đảng”. Tất cả nín thở chờ đợi, ai cũng sợ anh ta sẽ bốc lên và đi quá đà. Nhưng anh không nói điều gì sai về mặt chiến thuật cả. “Lấy thí dụ việc khan hiếm thực phẩm. Liệu có một đồng chí nào cảm thấy hài lòng khi phải chứng kiến những cảnh xếp hàng rồng rắn lên mây không?” Thính giả đồng loạt vỗ tay hoan hô và anh kết thúc bài diễn văn như sau: “Tôi cho rằng kẻ nào không cảm thấy như thế là đáng buồn, kẻ nào cảm thấy thế là vui thì hắn đích thị là tên phản bội, là gián điệp của quân thù Eurasia rồi”.

Lúc Ogilvy và nhóm bạn của anh ta chuẩn bị rút lui thì có một người đàn bà trông vừa xấu lại vừa như bị tâm thần xin phát biểu. Sau này tôi được biết đấy là vợ của Smith, hai người đã chia tay từ lâu. Bà ta dĩ nhiên cũng là mật vụ của Cảnh sát Tư tưởng. (Julie Miller đã lầm, thực ra Katherine được coi là thuộc phái Nhôm vì bà ta rất trung thành với Chị Cả - ghi chú của người chép sử)


9. Smith. Cũng nói về cuộc hội thảo.

Tội nghiệp cho Katherine! Tôi không bao giờ nghĩ rằng cô ta sẽ đến hội thảo, lại còn phát biểu nữa. Trong đầu tôi chỉ còn những ý nghĩ nặng nề về chuyện buồng the của chúng tôi. Cô làm trong ngành khác, trong phòng tuyên truyền vũ khí của Bôbi và sống ở đầu kia của London cơ. Chúng tôi ở xa nhau đến nỗi có thể sẽ chẳng bao giờ còn gặp mặt nhau nữa. Tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy cô đến trước quầy bar. Mái tóc dài màu sáng đã lâu không được gội của cô rũ loà xoà trên chiếc sơ mi đồng phục cài sát tận cổ. Trông cô gầy, trán đẫm mồ hôi, thực ra cả phòng lúc đó sặc mùi mồ hôi chua lòm, cô run quá, hai mắt như muốn nhảy ra khỏi tròng. Cô nắm trong tay bài diễn văn.

“Tôi nói không chỉ nhân danh cá nhân mình”, cô bắt đầu như thế. Sau đó cô nhắc lại lời Anh Cả rằng trên đời này không chỉ có những tình cảm ngọt ngào, không chỉ có tình yêu, lòng hăng hái và niềm vui mà còn có cả lòng căm thù, nó có vai trò không nhỏ trong chính trị. “Hãy nghĩ đến Hai phút hận thù trên màn Ti vi, mục đích của nó là hâm nóng lòng căm thù của chúng ta đối với tên phản cách mạng Emmanuel Goldstein, kẻ đã trở thành gián điệp của Eurasia. Hay như những Tuần lễ hận thù vĩ đại, chúng ta đã động viên được biết bao nhiêu đảng viên tham gia. Lòng hận thù chính là một phần không thể thiếu của chúng ta đối với Đảng, với Chuanh”.

Khán phòng giao động. Có người cười khẩy, có người thì thầm, một số khác nói khẽ: “Có phải họp chi bộ đâu!”. Katherine bỗng vò tờ giấy và thét lên:

“Tôi biết rằng đây không phải là cuộc họp chi bộ. Người ta đã giả vờ thảo luận về tang lễ để lôi kéo chúng ta chống lại Anh Cả! Nhưng thưa các đồng chí và đặc biệt là thưa những người không phải đồng chí”, lúc đó cô bỗng ngước đôi mắt đầy thù hận nhìn khắp lượt gian phòng, “các vị phải biết rằng thất bại trên quần đảo Kanarski chỉ là một giai đoạn không đáng kể trong lịch sử Oceania. Oceania rồi sẽ vùng lên. Tổ quốc ta không cần những giọt nước mắt cá sấu của các người. Oceania và Đảng của nó sẽ vùng dậy từ đống tro tàn, như chim phượng hoàng và sẽ đập tan những kẻ cố tình lợi dụng giây phút yếu mềm của chúng ta ngày hôm nay”.

Tôi vẫn biết Katherine là người cực kì chính thống, cô tuyệt đối tin tưởng vào lí tưởng của Đảng, ngay trong mơ cô cũng là người tuyệt đối chính thống. Nhưng lòng nhiệt tình của cô trong việc bảo vệ những chân lí tưởng tượng của mình làm người ta phát hoảng. Đầu tiên tôi đã có ý nghĩ khôi hài: giá cô ấy cũng cuồng nhiệt như vậy lúc ở trên giường thì hay biết mấy! Nhưng sau đó tôi nhớ lại những lần cô đòi tôi phải ngủ với cô: “Bây giờ hãy làm nhiệm vụ đảng viên đi” thì tôi thấy lạnh sống lưng.

Katherine sắp kết thúc. Có cảm giác như cô không chịu nổi sự căng thẳng mà chính cô đã tạo ra vì cô bỗng nấc lên và gào đến lạc giọng:

“Chúng tôi sẽ không cho các người tước đoạt niềm vui! Đả đảo bọn phản bội-khóc than!”

Mắt đẫm lệ, cô rẽ đám đông để đi ra, mọi người như trút được gánh nặng vội tránh sang hai bên.

Vì hồi hộp mà mồ hôi tôi túa ra như tắm, nhưng tôi biết rằng bài diễn văn ngu xuẩn của Katherine đã làm thái độ đám đông thay đổi hoàn toàn. “Những kẻ khóc than” ồ lên sung sướng. Trong niềm phấn khích tột độ, họ nâng trên tay Parsons, Whiters, Syme và tôi, những người anh hùng của buổi hội thảo. “Tang lễ muôn năm!”, có ai đó hô và mọi người cùng hô theo. Những đảng viên Oceania mặt đỏ bừng cùng hân hoan chào mừng quyền được buồn, quyền tự do đầu tiên họ vừa giành được. Còn nhữnng người ủng hộ niềm vui và lòng hăng hái thì ngượng ngùng, đầu cúi gằm lủi thủi bước ra khỏi quán cà phê Cây dẻ.

© 2004 talawas



[1]Bản dịch từ tiếng Đức của talawas
[2]Nước Nga.
[3]Nguyên văn Be-el’zel-bub (Bê-ên-xê-bun) – Chúa quỉ trong Kinh Tân Ước (Xem Tin lành theo Ma-thiêu XII, 24-27, theo Mac III, 22; theo Luca XI, 16-20)
[4]dịch nghĩa - ND

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Nga của A. Iordanski 1991: http://lib.ru/INPROZ/DALOSH/1985.txt
Bản tiếng Việt đăng trên trang talawas với sự cho phép của nhà văn György Dalos.