© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
19.6.2003
Trịnh Thanh Thủy
Chấn động văn hoá trong thi ca đương đại
 
Gần đây tôi nhận thấy có những góp ý của độc giả (phần lớn là phản ứng mạnh mẽ) về những bài thơ đương đại. Nhất là những bài thơ có những ngôn từ mà họ cho là trơ trụi, thô tục, mang nặng dục tính, đáng lẽ không nên xử dụng trong văn chương, nhất là thơ ca. Tình cờ tôi cũng xem được các cuộc tranh luận nóng bỏng với nhiều cảm quan khác nhau, bênh và chống. Có người phẫn nộ bảo "Thơ ca đương đại như thế này à?". Có người tỏ ra không hiểu tác giả viết gì vì có nhiều ẩn dụ và tu từ lạ. Có bài đọc lên nghe trúc trắc, trục trặc toàn những chữ mà trong đời họ chưa bao giờ thấy qua, nói gì đến hiểu nghĩa. Có bài hồ như nhà thơ đang bày trò chơi xếp chữ. Có người chán nản, thôi không đọc nữa. Có người kiên nhẫn đọc và đâm lo lắng cho tương lai thơ ca VN sẽ đi về đâu khi chỉ còn những thi sĩ làm thơ và viết riêng cho mình đọc vì độc giả không còn đồng hành cùng họ mà bị rớt lạc phía sau.

Tôi giật mình tự hỏi do đâu lại có sự xung đột như vậy. Có phải vì quá nôn nóng trong nỗ lực làm mới thơ, các nhà thơ đã đi sai đường hay vô tình tạo sự ngộ nhận từ phía độc giả thân yêu của mình chăng?

Sáng tạo đưa chúng ta đến những kỹ thuật giải phóng, làm tăng sự phổ biến và tái tạo những cảm giác mới lạ, dẫn chúng ta vào cuộc phiêu lưu bí mật hay giúp chúng ta cảm thấy tươi mát hơn trong môi trường sống hàng ngày.

Trong tiến trình mò mẫm đi tìm cái mới của văn học, một sự kiện thường hay xảy ra đó là sự chấn động văn hóa. Sự chấn động này gây dị ứng khó chịu, phiền nhiễu, không hưởng ứng, hoặc mạnh hơn thì chống đối. Tôi cảm thấy trong dòng chảy thơ ca Việt Nam đương đại đang có sự chấn động văn hóa. Sự kích động này tương tự sự dị ứng của một người đang sống trong một môi trường quen thuộc, bỗng dưng phải tiếp nhận một môi trường khác lạ. Để đối đầu với sự đổi thay, người tiếp nhận phải tập làm quen với văn hoá mới, bình tĩnh nhận xét điều hay, ghi nhận cái dở và không ngừng học hỏi. Học một sinh ngữ mới cũng vậy, học sinh không thể tránh phải học toàn phần nội dung văn hóa ngôn ngữ đó cộng thêm cấu trúc những khái niệm khác nhau trên thế giới.

Dòng chính của thơ ca VN đương đại đang luân lưu với sự kết hợp của hai nhánh sông: Hải ngoại và Trong nước. Vòng tay của mẹ VN không thể từ bỏ một trong hai đứa con ruột thịt. Ở hải ngoại những nhà thơ có nhiều cơ hội mặc áo mới với những tiếp cận văn hoá khác nhau của thế giới. Trong nước, các nhà thơ có sẵn tiềm năng với một lực lượng đông đảo hơn. Nếu thêm vào tư tưởng cấp tiến, ý thức cách tân đường lối tư duy, họ sẽ không ngần ngại đổi mới, phá bỏ định kiến cũ, bước vào kỷ nguyên kỹ thuật điện toán với cánh cửa văn hoá thế giới mang tính toàn cầu hóa đang mở rộng.

Trên dòng nước an bình trôi chảy, sự gắng sức tạo sóng sẽ gây những cơn chấn động. Đó là sốc (shock) văn hoá.


Trong lịch sử văn học thế giới, các cơn sốc văn hoá đã từng xảy ra làm xao động nền tảng văn chương nghệ thuật.

Tác phẩm "Ulysses" của James Joyce(1920) là một ví dụ điển hình. Khi " Ulysses" được đăng lần đầu trên tạp chí "The little review", nó lập tức gặp sự chống đối mạnh mẽ của cộng đồng xã hội New York. Nó bị kết tội vì nội dung miêu tả những hành động dục tính quá phô bàỵ "Ulysses" còn bị phạt và cấm lưu hành. Tuy nhiên nó đã gây ấn tượng trong lòng người đọc cũng như giới cầm viết. Năm 1922 nhà xuất bản Shakespeare and Co. phát hành ấn bản đầu tiên và bán chạy như tôm tươi. Nó được nhập cảng lậu vào Hoa Kỳ và Anh Quốc là nơi nó từng bị cấm đoán. Nhà xuất bản Random House đã mất 4 năm tranh đấu để in "Ulysses" ở Hoa Kỳ. Bốn năm sau Anh Quốc mới cho in ấn. Cuối thế kỷ 20 nó được giảng dạy ở các đại học trên toàn thế giới. Độc giả yêu một "Ulysses" đầy hài hước và nhân bản. Những bậc thức giả ngưỡng mộ tính can trường và thi vị của nó. Nhà phê bình quy nạp "Ulysses" vào tác phẩm hiện đại gây chấn động văn hoá. Năm 1998 một tập đoàn những người cầm viết của Random House's Modern Library tuyển chọn "Ulysses" như một tuyệt phẩm của thế kỷ.

Ngành Mỹ thuật hội hoạ cũng có cơn sốc văn hoá tương tự.

Khi bức hoạ "Olympia" của Edouard Manet được trưng bày trong phòng triển lãm tranh Paris, Pháp quốc năm 1865, nó bị cười nhạo, đả kích và khinh miệt. Nhân viên an ninh phải ngày đêm túc trực bên cạnh bảo vệ cho tới khi nó được treo cao lên ngoài tầm với của khách thưởng ngoạn. Hoạ sĩ Manet đã vẽ "Olympia" như một nổi loạn chống lại khái niệm nghệ thuật thời bấy giờ. Ông xem Titian như thần tượng nhưng thay vì bắt chước vẽ những bức hoạ nặng tính cách lịch sử, huyền thoại hay tôn giáo, Manet chọn vẽ khoả thân mà lại là một người nữ khoả thân thật sự. Ông vẽ trong tác phong riêng biệt với những đường nét mạnh, cứng và rõ rệt trên mặt vải bố. Ông không chọn phối cảnh hướng tầm mắt nhìn người xem lên không gian bao quát của bức tranh. Manet đặt bố cục khung tranh phẳng vào hai thế giới khác biệt: Nền trước bừng sáng với màu trắng thân thể người nữ nằm trên giường, nền sau đậm đặc tối. Thực chất trong tầm nhìn của Manet ông thách thức định kiến nghệ thuật xã hội Pháp. "Olympia" bước vào tranh từ thân xác một người con gái giang hồ. Người mẫu của Manet, Victorie Meurent, là một phụ nữ đổi chác thân xác mình bằng những cuộc mua bán có giá cả. Cô ta là biểu tượng của giai cấp bần cùng trong xã hội. Nam giới ở Paris, từ thượng lưu đến trung lưu thường lui tới và biết đến người phụ nữ bán hoa này. Cả Paris rúng động. Họ không muốn đối đầu với một Victorie lồ lộ, ngạo nghễ, khiêu khích trên nền bố nhìn ra với tia nhìn chòng chọc vào mắt người xem. Xã hội Pháp 1865 lúc đó, có lẽ chưa đủ sức đối đầu với một sự kiện như thế.

Bây giờ "Olympia" được treo ở "The Musée D'Orsay(Paris) và được coi như tác phẩm hiện đại vô giá đầu tiên của Pháp trong thế kỷ thứ 19.

Lịch sử âm nhạc thập niên 1920 cũng ghi nhận cơn địa chấn đặc biệt của jazz.

Giống nhạc rap ngày nay, jazz gặp lực đối kháng mãnh liệt. Nó được coi như thứ âm nhạc quỉ mị gây ảnh hưởng nguy hại đến tầng lớp thanh thiếu niên trẻ trong xã hội Hoa Kỳ. Âm hưởng nhạc jazz khuấy động tinh thần tự do trong cuộc cách mạng đòi quyền sống của người da màu. Người Mỹ chống lại sự phát triển của nhạc jazz như chống lại cơn áp lực đang áp đặt xuống đạo đức nền âm nhạc cổ điển.

Cuối cùng nó vẫn thắng và được chấp nhận như một thể loại nghệ thuật.

Trở lại với văn hoá VN chúng ta.

Làm thơ là cuộc chơi với chữ. Đắm mình trong trò chơi lý thú này mỗi nhà thơ dùng tài xử dụng ngôn ngữ của mình một cách khác nhau. Người thích tạo gương mặt mới cho thơ bằng những tu từ. Phương pháp bẻ cong hay xáo trộn ngôn ngữ để phục sinh, tái tạo cái tầm thường nhàm chán, gây được hình thái mới lạ, khơi dậy tính tò mò của con người cũng là một phương cách sáng tạo.

Tôi tắt nốt
những mặt trời rù
trên
rù rù
những đám đông đen
Trần Dần-Thơ chọn-Việt số 8

Hay

Gió chật chiều
mộng xới mắt đá vôi
những chiếc bóng ve vuốt im lặng
há hốc lời
miết tím lên môi…
Huy Tưởng- Tĩnh vật chiều-Hợp Lưu số 46


Người cố đưa độc giả vào thế giới bí hiểm sâu kín để họ tự khám phá những ẩn dụ. Ẩn dụ dễ bị lâm vào cảnh khó hiểu, tối nghĩa. Người đọc nếu không từng đọc nhiều hay bị lạc, sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, không hiểu. Nhưng nếu tình cờ bắt được mạch ngầm trong nguồn tư tưởng của tác giả, người đọc sẽ cảm thấy thích thú và sung sướng ghê gớm như vừa nhặt được một vật quý.

Trên con đường Vô Tích Sự, có một người đi lại bán con số không. Ông ấy reo chuông để rao hàng. Trẻ con và những bọn rác rưởi khác thường chọi đá để chọc ông.
" Tôi không sinh ra để làm nghề này. Tôi không muốn bán số không. Tôi cũng chẳng thèm mua số không"
"Số không hôm nay mắc đến thế à?"
"Hiển nhiên"
"Mua một tá thì rẻ hơn chứ."
"Nặng như vầy thì phải đắt thưa bà?"
"Mà con tôi có nặng ký đâu!"
"Như Pa nô đã dạy"Không cải tiến liền được!"
"Vậy thì gói lại cẩn thận nhé"
Đinh Linh-Người đi lại bán con số không- Tập thơ 26 nhà thơ VN đương đại


Hay

Lần đầu khi gia đình tôi dọn đến làng này, tội buộc phải đưa con gái tôi vào siêu-thị-tiếng-nói. Nó ba tuổi.
Nó bị một đứa con gái cùng tuổi dùng tiếng của xác kẹo cao su trét đầy mặt, một đứa khác dùng thứ tiếng lạ tụt quần để coi con tôi mặc quần lót hiệu gì, lần khác nó bị một hộp trái cây phun tiếng vào mắt, tới giờ tiếng nói của nó có màu vàng ngờ nghệch.
…………………………………………………………………………………………………

Tôi luôn luôn lo lắng cho số phận đứa con
Tôi không thể, tôi ham sống tốt, mục đích của tôi là sớm định hình hài từ thứ tiếng của cái làng này
Trần Tiến Dũng- Vũng hụt hơi- Tập thơ 26 nhà thơ VN đương đại

Người xoáy mạnh sự chú ý người đọc với những ngôn từ mạnh, hung bạo, dung tục để biểu hiện cảm xúc và phẫn nộ riêng mình. Có khi người viết cố tình cho những hình ảnh Sex vào với lý do bày tỏ thái độ phản kháng với định kiến văn hoá cũ. Việc xử dụng từ ngữ táo bạo trong thơ ca dễ tạo sự ngộ nhận. Người đọc khi đối diện từ ngữ này lập tức bị khó chịu do phản xạ tự nhiên mà họ quên đi nội dung thông điệp tác giả muốn chuyển tải. Những từ ngữ táo bạo, tôi muốn nói ở đây là từ ngữ xưa nay vẫn được xem là trơ trụi, thô tục như: Cu, cặc, lồn, vú, đái, ỉa, nứng, đụ, đéo v..v….

Bàn sâu hơn về tính tục, thanh của từ ngữ, chúng ta cần có cái nhìn xuyên suốt qua chiều dài văn hoá từ quá khứ tới hiện tại, từ Đông sang Tây. Để tránh quá lan man đi xa chủ đề, tôi xin bàn sơ qua về những từ ngữ này.

Những từ ngữ được xem là tục thường được dùng để diễn tả sự phẫn nộ của con người thường có liên hệ đến bộ phận sinh dục hay hành động tính dục. Khi dùng nhiều thành thói quen và được dùng như tiếng đệm mà không mang nghĩa gì cả. Định kiến xã hội và thói quen cảm nhận cho những từ này là thô tục, trơ trẽn, sống sượng và hung bạo .

Nó bị các phần tử xấu, ít học, trong xã hội lạm dụng. Vì thế người ta có thành kiến với kẻ dùng nó như một đồng hóa ngang hàng với kẻ xấu,. Cách đây khoảng 100 năm, ở Hoa Kỳ những từ như "hell", "damn', "penis", "vulva", "fuck", v.v...bị cấm xử dụng trong văn chương và truyền thông. Muốn viết, người viết phải thay vào đó những ẩn dụ xa xôi, hoặc nếu cần, họ dùng các chữ La Tinh. Bây giờ những từ này được dùng thường xuyên và đâu đâu chúng ta cũng nghe và thấy trong phim ảnh, truyền thông cũng như ngoài xã hội. Nói như vậy không có nghĩa việc xử dụng nó được hoan nghinh hay chấp nhận. Nó vẫn bị chỉ trích và gây tranh cãi trong các diễn đàn công cộng, ở học đường, ngoài công sở, trên truyền thông. Tuy nhiên sự cảm thông và tha thứ ngày càng lớn hơn. Có một lúc nào đó có lẽ người ta sẽ thôi không chỉ trích nữa.


Trong xã hội Việt Nam cũng vậy, ngay trong lúc này, hầu hết đều phải dùng ẩn dụ, bóng gió hoặc các từ Hán Việt để thay thế. Vì ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa nên người ta quen với các từ như "đại tiện, tiểu tiện, đi tiêu, đi tiểu, âm hộ..v..v" và cho là thanh tao và bác học hơn. Hơn nữa, mô thức đạo đức xã hội phong kiến đã khống chế tư duy của người Việt Nam một thời gian dài. Từ ảnh hưởng Khổng, Mạnh, Phật giáo tới tinh thần thanh giáo trung cổ của Công giáo VN, đến tinh thần thanh giáo của xã hội chủ nghĩa, người VN vẫn còn đặt nặng luân lý xã hội, đạo đức cách mạng, đạo đức xã hội chủ nghĩa...vv… trên bình diện nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng. Sự khống chế quá lâu làm nhụt can đảm tư duy của người Việt. Hiếm kẻ dám mạo hiểm vượt thoát hàng rào luân lý để tìm một đường hướng tư duy mới. Gặp một tư duy khác lạ, hay một hệ tư tưởng mới không giống những gì mình đang có liền khó chịu, lập tức có thái độ và phản ứng.

Hiện nay có một số nhà thơ VN xử dụng từ ngữ táo bạo như một thái độ bày tỏ lòng phẫn nộ trước những giá trị giả dối của cuộc sống và gặp chống đối từ phía độc giả. Việc dùng từ dung tục trong thơ ca không phải mới, nó đã có từ xưa. Trước lúc Cao Bá Quát bị xử chém, ông đã để lại hai câu thơ cuối đời.

Một hồi trống dục, mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa, đéo mẹ đời
Cao Bá Quát

Hay nhà thơ Tú Xương thời Pháp thuộc cảm thán phận mình:

Cao lâu thường ăn quịt
Thổ đĩ lại chơi lường
Tú Xương

Nguyễn Đức Sơn đã viết rất táo bạo trong thơ cuối thập niên 50, đầu 60 trước đây và đã gây một hiện tượng ồn ào chống đối. Thái Ngọc San đã kết án ông nặng nề trong một chương trình văn nghệ gởi vào Nam của đài Hà Nội. Ông xử dụng những từ như "đái"," đụ" một cách dữ dội để bày tỏ sự phẫn nộ.

Địa cầu
Địa cầu
Lãnh tụ
C…lõ

hay

Mắc đái là mắc đái
Làm thơ cũng cùng hình thái
Không còn chi để phải nói lại
Trừ cái sự vụ hai trứng dái
Săn cón lên báo giờ quan ngại
Trong khi thơ rụng như cây chín trái
Khôn ngoan ta đưa tay hái
Nguyễn Đức Sơn- Làm thơ-Hợp Lưu số 37,47

Từ ngữ táo bạo được các nhà thơ xử dụng như một thách thức lại rào cản luân lý, đạo đức, bất công xã hội. Và điều quan trọng hơn, là ý thức về sự bình đẳng giữa các từ ngữ trong phạm trù văn nghệ. Nghĩa là tất cả các con chữ được đều được xử dụng và chấp nhận một cách bình đẳng. Vấn đề còn lại là phong cách, tài hoa của tác giả trong kỹ thuật dụng ngôn, chọn chữ để diễn đạt ý tưởng và chinh phục độc giả. Cặc, lồn…cũng thiêng liêng không kém thượng đế, lý tưởng, tổ quốc…khi được xử dụng tốt, tạo được hiệu ứng lên người đọc.

Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Quốc Chánh đã dùng phương pháp này.

Bệnh chiến tranh dày vò sâu xương tủy
Nắng thời bình không xuyên nổi nắp hầm
Khúc ruột đói khổ trét đời này qua đời khác
đụ mẹ chùi hoài đít cứ dính Việt Nam
……………………………………….
cha mẹ khổ công đem tôi qua Mỹ
đụ mẹ đâu phải để tối ngày đi làm
tôi laaaaaaaaa
sướngsướngsướngquátôiđangsướng
Nguyễn Hoàng Nam- Baggage Y2K -Tạp chí Thơ số mùa xuân 2002

hoặc

Đụ má cái quá khứ, hầm nó với đuôi bò. Giữa hai chân là giống nòi. Một người khom xuống, Cho em bồng một tí! Lịch sử của bánh trôi và đồng xu là thỏi son, và cái mặt của lời bị méo. Những phần mềm của Mic sẽ thay quyền các thánh. Màu vàng chảy qua khe, máu không đủ ô xy cho vi rút ý nghĩ..
………………………………………………………………….
Mèo rượng đực trên mái, đứa bé suy tim ngất. Đồng bào là con bò cái, sữa bi vắt nuôi một lũ trâu gìa lở mồm long móng. Những thùng bia cạn nhanh, mặt trời qua chậm, một chấm sáng trên đồng. Chạng vạng chuột vào hang. Sắp đến giờ nhào lộn, ngủ ngày và chơi đêm. Thành phố bị dìm trong hỗn độn, những con đường nứng suốt. Sài Gòn gãy cặc.
Nguyễn Quốc Chánh- Của căn cước ẩn dụ

Các nhà thơ đương đại ý thức được thơ ca không thể tách rời đời sống. Việc xử dụng từ ngữ hung bạo chính là một dạng thức trực ngôn để diễn đạt thực tế hàng ngày. Ngôn ngữ thân xác là thực tại đầu tiên trong kinh nghiệm làm người. Họ mỉa mai cuộc đời, con người, cười nhạo sự lố lăng, quá đáng hay tạo tính bi hài của sự việc bằng ngôn ngữ thân xác.

Đinh Trường Chinh đã mang "kinh nguyệt, chửa hoang, trứng rụng" vào thơ mình như một nụ cười khôi hài nhè nhẹ, diễn tả tâm trạng những nhà thơ lúc lâm cảnh "bí" không sáng tác nổi hay những nàng thơ còn trong tuổi vị thành niên mà trưởng thành quá sớm như thứ trái cây chín "vú" bằng khí đá.

Đó là một thế giới nổi. Mọi đồ vật trầm mặc trôi, trôi một cách vô vọng. Kể cả tôi.
Đêm hoá thành mặt biển . Biển uống đầy rong kí ức, và nuốt trọng những đám mây chửa hoang. Tôi đã thấy những nhà thơ trống mang thai phơi bụng trên biển và thèm thuồng mùi kinh đàn bà. Tôi đã thấy những nàng thơ tuổi thành niên vội qua mùa trứng rụng. Họ là những loại rong bám dính bóng mây. Nhoài trôi như trứng vữa.
Đinh Trường Chinh -Về Những Giấc Mơ-Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng số 557

Ngôn ngữ thân xác và hành động dục tính được các nhà thơ tận dụng vì nó có khả năng mở được cánh cửa nội tâm con người, nó bày được những trạng thái tâm lý và sinh lý.

Biết gì không
Khuya chùng ngang những thủy tinh khoả thân xanh
Em cười rực rỡ, cười rực rỡ
Điạ cầu nứt rạn dưới chân
Giữa hai cõi riêng xa hút
Mềm trôi xanh cỏ tơ
……………………..
Vuốt mượt ngực em trần
đôi mắt bò rừng đắm say màu đỏ
mắt bé con khát thèm trái cây chín tới
trái chín ngọt thơm tầm tay
chới với những ngón xanh ngoài khoảng trống
Thận Nhiên-Tập thơ Đa giác

Nguyễn Đức Sơn đã xử dụng từ ngữ thân xác táo bạo cùng một mục đích đào xới tiềm ẩn nội tâm. Ông ngầm ca tụng cái đẹp của dục tính, cái mỹ của thân thể người phụ nữ, cái thuật của tình dục.

Em là chiếc bánh nếp
Với cái nhân quá to
Anh vừa lết vừa bò
Liếm một đời không hết
Mắc võng…
Trên đồi cao
Anh xôn xao
Như gió
Anh lấp ló
Như trăng
Anh lằng nhằng
Như dái

hoặc

Anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
Miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt
……………………………………………..
Hai đứa nhìn nhau bảo phải êm ru
Em sắp đái và hồn anh chết cứng
Nguyễn Đức Sơn-Hợp Lưu số 47

Ngôn ngữ thân xác còn có khả năng gây sốc. Nó gây sốc vì nó bị cấm kỵ. Càng bị cấm kỵ càng gợi tính tò mò của người đọc. Khả năng gây sốc chính là đề tài những cuộc tranh luận. Bài thơ "Linda Mặt Ngang" của Đỗ Kh.(Hợp Lưu số 31) tạo sóng gió trong thế giới thơ ca VN hải ngoại năm 1996 cũng là một dấu ấn đáng ghi nhận trong thơ ca đương đại. Khi bài thơ này được đăng trên Hợp Lưu lần đầu tiên, người đọc lập tức bị dị ứng. Trần Mộng Tú đã viết thư than phiền. Phan Xuân Sinh cũng tỏ thái độ phản kháng trên một diễn đàn văn học khác. Hợp Lưu dành riêng một số báo 36 để đăng tải những bài tiểu luận và ý kiến độc giả quanh bài thơ "Linda mặt ngang". Phạm Triệu Luật, Phạm Thị Hoài, Mộc Hương, Ngô Nhựt Tân, Hoàng Nguyên Nhuận, Thương Nguyên và Đỗ Kh. đã bày tỏ cảm nghĩ và ý kiến riêng của mình về bài thơ. Trong các buổi họp mặt văn nghệ hay quanh các bàn tiệc nhân lúc trà dư tửu hậu, bài thơ thường được mang ra làm đề tài tranh cãi. Người bênh kẻ chống, người dè bỉu, kẻ khen ngợi. Bộ mặt Linda được đem ra mổ xẻ thật kỹ lưỡng nhắc tôi nhớ bức tranh "Olympia" của Edouard Manet. Tình cờ cả hai đều dùng thân xác người con gái giang hồ làm người mẫu của mình. Manet dùng "Olympia" để thách thức định kiến nghệ thuật xã hội pháp. Đỗ Kh. vẽ Linda lồ lộ trên nền bố thi ca bằng từ ngữ thân xác để bày tỏ tính trào lộng hay nhân sinh quan của mình. Ông thường dùng từ ngữ táo bạo lên án thành kiến xã hội. Phản ứng giới thưởng ngoạn của hai tác giả đều như nhau. Khó chịu và chống đối mạnh mẽ. Trên một trăm năm sau
"Olympia" thành tuyệt phẩm. Tám năm sau khi đăng bài thơ trên Hợp Lưu, talawas đăng lại trên diễn đàn liên mạng, nó cũng bị chỉ trích. Tư duy và định kiến xã hội thường thay đổi theo thời gian. Thời gian sẽ có câu trả lời cho tác giả.

Linda mặt ngang
Không biết hôn chỉ biết cắn
……………………………….
Linda âm đạo chật
Vừa bằng hai ngón tay
Linda không bú
Linda không cho liếm
Bàn tay nàng rất đẹp che lấy cửa mình
nhan sắc cũng chẳng kém
Linda mặt ngang miệng rộng và lồn bé chút xíu.
Đỗ Kh.- Linda mặt ngang - HợpLưu, số 31,1996

Nhìn tổng quát thơ ca VN đương đại chúng ta thấy như có sự bùng nổ Sex trong số đông những người làm thơ chứ không phải một hai hiện tượng riêng lẻ.

Có khi, Sex không là một nhu cầu nghệ thuật thật sự, mà là một cách làm dáng chứng tỏ cái tôi chịu chơi của người viết. Sự lạm dụng thái quá có thể làm lạc đi mục đích văn chương thuần túy: truy tìm cái đẹp và cái mới.

Quan niệm cho rằng viết một cách táo bạo về Sex mới là mới, mới là khai phá; là một quan niệm ấu trĩ .Vì như thế thì chỉ mới chạm đến chức năng phản kháng đối với những quan niệm, qui ước xã hội, mà chưa chạm đến mục tiêu cao hơn: tính sáng tạo trong văn chương. Cách viết về quan trọng hơn cái được viết về. Viết về Sex là một trò đu dây đầy cám dỗ dành cho những cây bút nhiều năng lực và bản lãnh. Người viết non tay dễ dàng cho những dòng chữ mình viết rơi xuống sự khiêu dâm thấp kém. Hoặc đơn giản là những lời chưởi đổng thô tục, nhưng vu vơ, như những cú đấm mạnh bạo, hung hãn lại nhằm vào khoảng trống không hư vô. Ngược lại, với người viết cao tay, có thể soi rọi và làm thăng hoa những ẩn ức bí mật chìm sâu trong thế giới tâm linh, bản năng khuất lấp thân phận con người. Nó không thể là một trò chơi tập thể thời thượng. Và sau cùng, điều gì, thông điệp gì nằm sau những dòng chữ bản năng tính dục đó mới quan trọng. Nếu không còn gì khác, bản văn chỉ là sự thất bại khi so với các ngành nghệ thuật khác như điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa…

Khó có thể phủ nhận sự khéo léo của người nữ trong việc diễn đạt những cảm quan trong lãnh vực dục tính. Hồ Xuân Hương là một thí dụ điển hình. Qua bao thời đại thăng trầm cứ nói tới thơ Sex hầu như ai cũng đều nhớ tới một Hồ Xuân Hương với tài xử dụng những ngôn ngữ bóng gió để nói về Sex một cách tài tình. Vô hình chung người VN đã mặc nhiên đem HXH ra làm thước đo cho thơ Sex, cũng như coi Nguyễn Du là thước đo của lục bát. Thơ Sex mà không biết dùng ẩn dụ thì không được coi là thơ hay.

Vào thập niên 50, 60, ở miền Nam, Nhã Ca đã có ý thức rực rỡ về cái đẹp và giá trị thân xác của người nữ, và bà đã có những câu thơ thật hay:

Cám ơn thượng đế đã cho tôi đôi vú

Ngày nay, các nhà thơ nữ hoàn toàn tự do trong việc tư duy trên cái nhìn về thân xác của mình. Họ có một ý hướng đạo đức mới qua cuộc cách mạng nữ quyền ở các nước tiền tiến. Họ xử dụng ngôn ngữ thân xác như một ngọn lửa tiên phong thắp sáng tiếng nói của nữ quyền. Những Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… không còn thụ động và đã nói lên quyền lực tiếng nói trong thơ mình. Họ phát biểu về khát vọng dục tính và giá trị thân xác của mình một cách cởi mở và tự do.

Năm 1993, Lê Thị Thấm Vân đã khơi mở con đường tư duy thênh thang của người nữ trong thế giới thơ ca bằng cách nói về thân xác mình. Nói thật thà từng cảm xúc. Nói như mê trên niềm hân hoan. Nói như hát như say như lặng như chìm. LTTV đã rơi, rơi vào sự đam mê trong ý thức hiện hữu làm người, một người NỮ .

Năm mười ba tuổi lần đầu
nhìn xuống cơ thể mình
…………………………..
Năm mười lăm tuổi
đứng ngắm mình trần truồng trong gương
đưa nhẹ hai tay
vuốt ve cổ vai bụng
ngực dậy thì con gái
đầu vú nở bung
trong khoảnh khắc
cảm giác chan hoà như ngửa mặt hứng lấy nước mưa
từ máng xối tuông trào
để rồi yêu thương chính mính hơn.
……………………………
Năm mười bảy tuổi
trong đêm đen
lần đầu tiên
khám phá ra thân thể kỳ lạ của người đàn ông
sau nụ cười. Giọt nước mắt dâng hiến
……………………………..
Ơi! Em lạc mất em !
Lê Thị Thấm Vân-Bài học vỡ lòng-Hợp Lưu số 13

Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã đái qua ngọn cỏ. Chị leo lên bàn cầu chễm chệ đái trong thơ như một trả lời, một thách đố định kiến xã hội xưa nay vẫn coi thường người phụ nữ đái không qua ngọn cỏ.

Tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
Thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
Phải rồi tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
Nguyễn thị Hoàng Bắc- Ngọn Cỏ- Tập thơ 26 nhà thơ đương đại

Khát sống, khát yêu, khát hạnh phúc, khát được nhận biết và đối xử với giá trị sự hiện diện của mình một cách bình đẳng. Tại sao người phụ nữ không được nói lên nỗi khát, nỗi thèm của mình. Đạo đức xã hội VN thường lên án người phụ nữ dám nói lên ước vọng dục tính thầm kín là kẻ hoang dâm. Vi Thùy Linh bấp chấp, cô đã lắng nghe được tiếng vọng âm u của thân xác, của bóng tối hạnh phúc.

Khoả thân trong chăn
Thèm chồng. Thèm có chồng ở bên. Chỉ cần anh gối lên đùi
Mình ôm lấy anh anh ôm lấy mình
Biết sự bình yên của mặt đất
Vi Thùy Linh- Chân dung-Thơ Vi Thùy Linh

hay

Em bắt đầu yêu anh, và
Anh yêu em, bằng sự cực đại được khuếch tán
Sự tối tăm và sáng láng
Sự chôn chân và những cuộc bay
Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em
Làm thế giới hoá lỏng
Em như bông lúa chin
Vi Thùy Linh- Sinh ngày 4 tháng 4- Thơ Vi Thùy Linh

Phan Huyền Thư đánh thức được nỗi buồn người nữ trẻ, lũ con gái mười lăm trong lòng người đàn ông bốn mươi của thế hệ muốn nổi loạn.

Đàn ông những năm bốn mươi
da cam
mầu lửa
khủng hoảng giữa đời

Đàn ông những năm bốn mươi
không còn yêu mình nữa
lập loè
khinh công
Đàn ông những năm bốn mươi
tự dưng hối hả
Đến rồi đi

Lũ con gái mười lăm
đêm nằm khóc
Phan Huyền Thư- Đàn ông những năm bốn mươi- Tập thơ Nằm ngiêng


Qua những nhận định và phân tích trên tôi đã cảm nhận được sự chấn động văn hoá trong thơ ca Việt Nam. Nó như lượn sóng ngầm lan toả từ những thập niên sau 1975 tới nay lúc ẩn lúc hiện. Nó hiện diện trong phản ứng của người đọc.

Theo Nick Jones (1990), phản ứng của người đọc sau khi tiếp nhận nội dung của một bài thơ hay bản văn tùy thuộc vào mực độ phối hợp nhịp nhàng hay sự cách biệt chồng lấp lên nhau của hai nền văn hoá: một của văn bản , một của người đọc.

Cảm nhận có thể được xếp hạng từ một cảm giác thân quen gần gũi đến một cảm giác hoang mang, lạc lõng. Lúc thân quen ta có cảm giác như có được sự tự do trong chính nhà mình, thoải mái và dễ chịu. Khi lạc lõng người ta rơi vào trạng thái bị bật rễ và hoảng hốt.

Muốn thoát khỏi sự chấn động văn hoá trên, Pope R (1995) khuyên người đọc nên nghiên cứu và học hỏi, đào sâu hơn vào nền văn hoá của văn bản họ đang đọc. Khi làm quen với ngôn ngữ của văn bản ta sẽ không thấy được sự khác biệt nữa. Người đọc cần đọc nhiều và làm giàu kiến thức mình với văn hoá của các văn bản khác nhau, họ sẽ mặc nhiên chấp nhận được những viễn ảnh mới vào môi trường sống của riêng họ. Điều này cũng đem đến hệ quả người đọc có cái nhìn dung thứ hơn khi gặp sự khác biệt trong cấu trúc, ngữ nghĩa của một văn bản lạ.

Tôi hy vọng có thể áp dụng được phương pháp này vào lối đọc thơ của chúng ta. Và hy vọng các thi sĩ đương đại tiếp tục sáng tác những đứa con tinh thần đầy tính sáng
tạo.




Tài liệu tham khảo

Bakhtin M M (1981) The Dialogic Imagination Austin: University of Texas
Pope R (1995) Textual Intervention: critical and creative strategies for literary studies
London: Routledge
Making it strange: literature and culture shock Alan Pulverness
Hợp Lưu số 13, 31, 36, 37, 46, 47
Việt 8
Tập thơ 26 nhà thơ VN đương đại
Tạp chí Thơ số mùa xuân 2002
Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng số 557 )
Thận Nhiên-Tập thơ đa giác
Nguyễn Quốc Chánh- Tập thơ Của căn cước ẩn dụ
Vi Thùy Linh -Thơ Vi Thùy Linh
Phan Huyền Thư- Tập thơ Nằm ngiêng

© 2003 talawas