© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
27.9.2004
Lê Anh Dũng
Đứng trên hay đứng ngoài? Đối thoại hay đối thọi?
 
Khoảng đầu thập niên 1990, tôi được đọc một bài chính luận của Trương Vũ trên báo Văn Học, hình như viết về Đông Âu. Đọc xong tôi tấm tắc, hay quá, nghị luận khúc chiết, giàu tư liệu, có tài, có tâm, đọc cả bài không hở chỗ nào, có những nhận định độc sáng, không tìm thấy được ở bất cứ chỗ nào khác. Qua Võ Đình, tôi được biết và được gặp Trương Vũ. Không thất vọng. Suy nghĩ, phong cách thể hiện không những qua chữ nghĩa của Trương Vũ mà còn qua sinh hoạt của các con anh trong gia đình, những trao đổi qua lại một cách rất văn hóa, trí thức mà văn nghệ, dung dị, tự nhiên trong những câu chuyện, những nhận xét bình thường của đời thường. Trương Vũ có thể có những hoạt động văn hóa khác, lâu nay ít thấy bài của anh. Gần đây anh trở lại với nhận định về vụ kiện WJC.

Tôi được biết tới Nguyễn Hữu Luyện, “Người tù kiệt xuất”, chữ của Phan Lạc Phúc trong cuốn Bạn bè gần xa. Văn chương Phan Lạc Phúc đẹp, bay bướm, nên người nào được anh diễn tả cũng đẹp ra, kỳ vĩ hơn. Dầu vậy, tôi vẫn thấy Nguyễn Hữu Luyện thật đặc biệt. Không đặc biệt, không ngang bướng khác thường, không suy nghĩ khác người, sẽ không giữ được một thái độ sống cứng cỏi như vậy trong hàng chục năm tù đày “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, khi VNCH còn tồn tại, sau khi VNCH biến mất, khi hàng trăm ngàn tù đồng cảnh ngộ đều nín thở qua sông. Trong tù, mà cứng cỏi như vậy, thì mạng sống không có gì bảo đảm, anh Luyện có thể chết vì bất kỳ lý do lãng xẹt nào. Rồi thường trực bị đói, lạnh, ngăn cách, bị hành hạ từ năm nay qua năm khác vẫn ngang như cua. Đói, dù chỉ hai, ba ngày, mới cảm thấy được sự kinh khiếp của nó… trong giấc ngủ, cơn đói quằn quại vẫn thường trực hiện diện. Sự lì lợm, cố chấp hơn người của Nguyễn Hữu Luyện là một sức mạnh để anh tồn tại, rồi hiện ra qua ngòi bút của Phan Lạc Phúc như một người tù kiệt xuất. Cái lì lợm này là ưu hay khuyết điểm, hạ hồi phân giải, nhưng tôi tin nó là tố chất của anh, gắn liền với anh. Nó đưa anh qua những năm tháng tù đày dài dằng dặc, có thể là dài hơn bất kỳ người tù lính VNCH nào khác, không bị khuất phục, bẻ gãy. Nó cũng làm cho anh dính cứng ngắc vào vụ kiện WJC, với ít khả năng dung hòa, thỏa hiệp. Đã yêu mến anh như một tráng sĩ thời cổ với hành xử theo chuẩn mực cổ tích, thì ta cũng nên cởi mở, khoan thứ hơn khi anh có những lời nói thái quá, phong thái đánh chết bỏ.

Khi được biết vụ kiện do anh khởi xướng, do cảm tình có sẵn với anh qua mỹ văn của Phan Lạc Phúc, cảm giác đầu tiên của tôi là đồng tình, yêu mến. Rồi tôi nghĩ chuyện kiện cáo đã xong, ai ngờ chuyện vẫn còn nguyên, kéo theo một số lời qua, tiếng lại, bút chiến trên Internet, báo chí.

Gần đây, trong Lối mòn của tâm thức Trương Vũ viết như một lời kết “Với những dòng chữ này, tôi chấm dứt phần tham dự của tôi vào những tranh luận liên quan đến vụ kiện William Joiner Center”. Trên talawas, bài Trở lại vụ WJC (William Joiner Center) Phạm Hữu Trác phản biện lại Trương Vũ, cũng chửi TV nhè nhẹ, chửi mà làm như không chửi, bằng Nho chùm “cổ nhân nói hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu” và cũng kết luận “Tôi chấm dứt tranh luận ở đây, hứa sẽ không làm bận lòng những ai đã đọc hai bài viết của tôi”. Bất đồng ý thì trao đổi, giải thích, có gì mà phun huyết ở đây?

Kỳ cục, cả hai ông Trương Vũ, Phạm Hữu Trác đều kỳ cục.

Việt Nam mình không có thói quen đối thoại trao đổi thực sự, cầu thị tới nơi, tới chốn. Nếu có bất đồng câu trước, thì câu sau hoặc lăng mạ, nói trên đầu nhau, phun vào nhau những lời ác độc, hoặc cao hơn thì phán bảo, nhận định kiểu Trương Vũ, Phạm Hữu Trác rồi quay lưng đi, chấm dứt tranh luận. Tôi không biết diễn tả thế nào cho đúng cảm tưởng của mình khi đọc những câu “tôi chấm dứt phần tham dự của tôi…”, “tôi chấm dứt tranh luận ở đây…” Cũng có thể xem đó như một thái độ của những bậc tao nhân, mặc khách, đứng trên những thị phi, eo sèo nhân thế, nói những điều nhân gian không thể hiểu, hay ít nhất là đối tượng của đối thoại không thể hiểu, nên phán bảo xong là ngài thăng; nếu còn những tồn đọng, thắc mắc, tranh biện là chuyện của mấy người cõi dưới. Tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của sự ngúng nguẩy, chơi trên, chơi trội.

Cách đây vài năm, trên Hợp Lưu, từ một số bất đồng, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn, Đặng Tiến, và một số học giả trong nước cũng buông những lời cạn tàu ráo máng với nhau. Điều đáng chú ý là Nguyễn Hưng Quốc là một cây viết xuất sắc thuộc thế hệ trẻ, bụng đầy kinh sử mà sự sáng tác, dấu ấn cá nhân cũng không phải vừa. Anh làm việc trong môi trường đại học Tây phương, thế nhưng những sự cay độc, xấc xược, nói trên đầu người khác của anh cũng rất xuất sắc, không có đối thoại, trao đổi một cách bình tĩnh. Anh miệt thị, nói cứ như bố người ta, anh đập từ Đặng Tiến, Hoàng Ngọc Hiến (tôi không nhớ chắc), tới một văn hữu tại Úc…, rõ ràng là đánh nhau bằng đòn giang hồ, nhưng dùng một cây viết, chứ không bút chiến gì sất. Người đọc cảm thấy được tất cả những sự độc ác, hằn học được chân tình gửi gấm cho nhau, tìm cách làm đau đớn nhau bằng chữ nghĩa. Điều đáng để ý: đây là những tranh biện “cao cấp” giũa những người có thể coi là tinh hoa của văn giới Việt Nam.

Năm ngoái, tôi có dự một buổi ra mắt sách của đại tá Phạm Văn Liễu, có lời đưa đẩy giới thiệu của tiến sĩ sử học, tiến sĩ luật Vũ Ngự Chiêu. Đại tá Liễu là thượng cấp của bố tôi. Khi ông Liễu làm chỉ huy trưởng trường hạ sĩ quan Đồng Đế, là học sinh tiểu học của trường Đồng Đế, tôi được nôn nao xếp hàng cùng với nhiều nhóc con khác để ông phát kẹo bánh dịp lễ, tết. Nay ông đã già, tóc bạc, tật nguyền, đi xe lăn; bố tôi cũng tật nguyền, đi xe lăn, tóc bạc ngang ngửa; ông Liễu như bố tôi. Tiến sĩ Chiêu thì tôi đọc ông cũng nhiều, tiểu thuyết, sách sử v.v. Trong cuốn Một ngày có 26 giờ, ông mạt sát mặt trận Hoàng Cơ Minh không tiếc lời thấp. Khoảng năm 1982, lúc còn ở Pháp, tôi và Vũ Anh Đạt, Trần Tôn Trí… có giúp việc in ấn cuốn Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành của ông Chiêu. Lúc đó, mới nghe tin kháng chiến, tôi cũng thắc mắc làm sao có được một mặt trận với 10 ngàn tay súng, thống hợp 36 hội đoàn và tổ chức, hiện ra như một phép lạ như vậy. Nói vậy để rõ là, từ 22 năm trước, tôi đã không tin tưởng những gì mà mặt trận tuyên bố, và tôi không đứng ở phe của ông Hoàng Cơ Minh để thốt lời bênh vực. Thế nhưng, trong buổi ra mắt sách của đại tá Liễu năm ngoái, khi nghe đại tá Liễu nói về người đã chết 17 năm bằng tất cả những sự hằn học, ác độc, nói về người còn sống là “mặt dơi, tai chuột, môi thâm sì”; khi nghe tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu bằng một giọng rõ ràng, khúc chiết, một giọng Bắc của người có khẩu tài, xổ nho, dùng những chữ cao đẹp về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín trong lời nói về đại tá Liễu, song song với việc mạt sát tướng Hoàng Cơ Minh. Khi đứng lên phát biểu yêu cầu đại tá Liễu chừng mực trong lời ăn, tiếng nói với người đã khuất, tôi đau lòng, nước mắt chảy tràn, không thốt nổi nên lời. Kháng chiến giả làm sao chết thực được. Dầu gì đi nữa, tướng Hoàng Cơ Minh và một số chiến hữu của ông đã thực sự nằm xuống lúc tay đang cầm súng. Dù cho nhóm của ông Minh hoặc chính ông có thể làm một số điều bất xứng, nhưng ông đã nằm xuống, ông đã làm được nhiều điều mà những người đang sống, đang chửi ông không làm được, đó là thực sự đi vào chốn sinh tử, và không trở về nữa. Vẫn tiếp tục chửi những người đã chết với súng trên tay từ 17 năm là một nhóm kháng chiến bịp bợm, thì có gì rất không ổn về mặt logic. Sao một ông già như đại tá Liễu, một người đang già như tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, sắp rủ nhau “về cõi” không thốt nổi những lời tử tế, nhân hậu?

Khi một ông già tật nguyền, gần đất xa trời, di chuyển bằng xe lăn, một ông mà hai tiến sĩ vừa nói lời lễ nghĩa, vừa mạt sát tàn tệ người đã chết với tất cả sự căm ghét, vừa chửi người sống bằng những lời như “mặt dơi, tai chuột…,” thì sự tàn bạo, sự ác độc giữa người với người, nhất là đối với người đã chết, được thể hiện ở mức độ cao nhất, nó khiến ta đau lòng, chảy nước mắt. Sự thật còn đó và trước sau sẽ hiện ra, những lời ác nói về nhau cũng được ghi lại cho hậu thế. Trong cuốn Trả ta sông núi, tập 3, vừa được xuất bản, cường độ chửi rủa ông Hoàng Cơ Minh không giảm bớt. Trong suốt cuốn này, rất ít thấy ông cựu Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại Phạm Văn Liễu đề cập tới chiến lược, đối sách với cộng sản lúc ông đương nhiệm Tổng vụ trưởng, rất ít lời vẽ ra cái xã hội tương lai mà ông và các cựu chí hữu, chiến hữu sẽ xây dựng sau khi “trả ta sông núi”, ngoài nhiều danh từ và tĩnh từ. Độc giả được ông dành rất nhiều lời để nói xấu ở nhiều cấp độ, nhiều sắc độ về ông Chủ tịch Hoàng Cơ Minh và phe đảng, chấm dứt bằng một crescendo “Hoàng Cơ Minh chết thảm, chết không toàn thây, chết mất xác, mà hồn khó siêu thoát. Những kẻ còn lại của họ Hoàng và phe đảng rồi đây sẽ phải trả cái giá nặng nề hơn nữa.” (trang 476, Trả ta sông núi, tập 3). Lần này sự mạt sát, lời nguyền dữ trên giấy trắng, mực đen sẽ không xóa đi được.

Dân Việt Nam là cái giống dân gì mà từ thế hệ già như thế hệ đại tá Liễu, tiến sĩ Chiêu, Nguyễn Hữu Luyện qua thế hệ trên trung niên như Trương Vũ, Phạm Hữu Trác, tới thế hệ sồn sồn như Nguyễn Hưng Quốc lại đối thoại với nhau như vậy?! Quí vị là tinh hoa của tinh hoa. Tôi chưa thấy một bất đồng ý kiến nào xảy ra mà sau đó có một bên nhận lỗi, nói lời tử tế với nhau. Chưa hề thấy.

Hoàng Ngọc Hiến viết trên talawas:

“Trong tác phẩm Le moine et le philosophe (Tăng sĩ và triết gia), đánh giá trên tổng thể thái độ của phương Tây đối với sinh tồn, tăng sĩ Matthieu Ricard nhận xét: phương Tây coi trọng “có” (“l’avoir”) hơn “là” (“l’être”), thái độ này xem ra không lành mạnh lắm, trong khi đó, Phật giáo thiên về sự thay đổi tương quan này, coi trọng “là” hơn “có”. Tương quan giữa “có” và “là” là một vấn đề triết học lớn. “Có” thuộc phạm trù “sở hữu”, “là” thuộc phạm trù “thực thể”. Sự nhầm lẫn hai phạm trù này hết sức tai hại, vậy mà lẽ sống của không ít người dựa trên sự nhầm lẫn này. Có thể học vị nhưng không phải người trí thức; có thể học hàm nhưng không phải người thày; có thể quyền chức nhưng không xứng đáng người lãnh đạo; có thể vợ nhưng không xứng đáng người chồng; có thể đầy kiến thức nhưng không phải cái đầu biết nghĩ (từ của Montaigne: “une tête bien faite”); có thể có tất cả nhưng không là gì cả...”

Hàng trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh, hàng chục năm Quốc-Cộng/ Nam-Bắc Việt tương tàn, triệu, triệu người chết; lếch thếch kéo nhau qua xứ người, sau khi hàng trăm ngàn người chết rừng, chết biển, bao nhiêu bé gái, thiếu nữ bị sa vào động mãi dâm Thái Lan, giờ không biết nơi đâu… Bây giờ cũng áo vest, cravate như ai, nhưng vẫn không nói chuyện được với nhau khi có bất đồng, câu trước, câu sau thì hoặc chửi nhau tắt bếp, cay độc, tàn tệ, nguyền rủa nhau, hoặc phán vài điều rồi bỏ đi! Chấm dứt nói chuyện.

Khi nghịch ý nhau, mà nói với nhau không bằng lời được, thì trước sau cũng đi tới chuyện có súng, dùng súng, có gươm, dùng gươm, có lựu đạn, dùng lựu đạn, có Anthrax, dùng Anthrax…

Nếu có phép lạ xảy ra tức thì, chế độ độc tài toàn trị chấm dứt, người Việt Nam không tập đối thoại, bỏ cái thói chửi nhau tới chết vẫn chửi, hoặc chửi nhau xong rồi đi, thì chuyện đối thọi là đương nhiên, tất yếu.

© 2004 talawas