© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
2.10.2004
Jason Gibbs
Kịch nói, La Scène Tonkinoise (Hội kịch Bắc kỳ), và những bài hát tân nhạc Việt Nam đầu tiên
Nguyễn Trương Quý dịch
 1   2 
 
Trần Ngọc Quang và những bài hát Tân nhạc Việt Nam đầu tiên

Mặc dù ta không còn kịch bản vở Kịch trường vạn tuế, có thể thấy trên nhật báo Đông Pháp danh sách 7 bài hát trong đó với phần lời của Trần Ngọc Diệp và nhạc của Trần Ngọc Quang (Đông Pháp 2 tháng Chạp 1934: 3):

  1. Đời tài tử
  2. Giọt lệ đêm thu
  3. Người ta yêu
  4. Bả kim tiền
  5. Tham vàng bỏ nghĩa
  6. Bè bạn đời nay
  7. Kịch trường vạn tuế

Các bài số 1, 3, 4 và 6 sau được in trong tuyển tập Những bài hát mới cùng với hai bài nữa: “Lời thề” và “Nghề cinéma”. Không có bài nào bằng tiếng Pháp, Hoa hay Anh là những thứ tiếng từng được đồn rằng Ái Liên hát trong vở diễn, có lẽ là phần những bài thêm vào không được đưa vào tuyển tập hay trong tờ báo (Lê Vũ Thái và Trần Ngọc Quang 1935).

Trong những bài bình luận cho vở kịch, cả hai tác giả đều tán tụng về khả năng của họ trong trình diễn âm nhạc và đặt lời Việt cho điệu Tây. Phụ họa cho hai người này là Antoine Đô, trong tờ báo được giới thiệu là một “giáo sư âm nhạc”, đã lo nhạc nền. Đô là một nhạc công chơi piano trong vũ trường và đàn harmonium (đàn đạp hơi) ở Nhà Thờ Lớn (Đông Pháp 10 tháng Mười Một 1934: 3; 30 tháng Mười Một: 3). [1] Từ những lời hát và bài báo đưa tin, có thể biết cốt truyện kể về những thăng trầm của một người đàn ông trẻ duy tâm tên Chàng Anh (do Quang đóng – tức Trần Ngọc Quang, ND), người bất chấp sự thay đổi của bạn bè, thử ra tay làm một bộ phim cho Việt Nam – tức khát vọng chính yếu của các nhà thành lập La Scène Tonkinoise. [2]

Những bài hát do Trần Ngọc Quang sáng tác có thể là những sáng tác đầu tiên của một người Việt Nam bằng cách diễn đạt phương Tây, và ít nhất thì xem như những bản sớm nhất có ký âm và được xuất bản. Bìa trước của tập Những bài hát mới hứa hẹn với người đọc là một thứ “Không cần tập lâu có thể hát theo đúng dịp, đúng điệu không lạc tiếng” (Lê Vũ Thái và Trần Ngọc Quang 1935). Cho dù những sự dễ dàng này được khẳng định như thế, những bài hát này khác hẳn so với những bài truyền thống Việt Nam về giai điệu, nhịp điệu và phong cách thẩm mỹ. Chúng dùng các điệu nhảy Tây phương và nhịp hành khúc, dùng gam âm nguyên, ngược với gam âm ngũ cung truyền thống Việt Nam.

Rất hữu ích khi nghiên cứu những bài hát của Quang chi tiết hơn khi xem những ảnh hưởng Tây phương cùng mối quan hệ giữa kiểu điệu nhạc mới này với ngôn ngữ Việt. Một bài hát là “Nghề cinéma” có một giai điệu trong ghi chú khuông nhạc. Hai bài “Đời tài tử” và “Bả kim tiền” cũng dùng giai điệu này. “Lời thề”, “Người ta yêu” và “Bè bạn đời nay” được trình bày trong kiểu cách không thông thường, với lời in ở trang bên trái và solfège (xướng âm) – các hàng ký âm in ở trang đối diện.

Mặc dù đúng quy cách nhưng các ký âm vẫn còn hơi thô sơ – những hình đầu nốt còn bé tí tẹo, đặt trên vị trí nốt bị cao hơn dòng kẻ thứ ba của khuông nhạc mà lẽ ra nên chỉ xuống dưới – bài này đã trình bày theo cách ký âm tốt có tính ngoại lệ ở mức thấp của đào tạo ký âm học Tây phương ở Việt Nam năm 1934. Nó chính xác về nhịp điệu, tuân theo quy tắc của giọng chủ âm, dùng vòng lặp và các ký hiệu lặp đoạn, thậm chí thay đổi khoá Son trưởng (G major) sang Đô trưởng (C major). [3]

“Nghề cinéma” với bản ký âm nguyên thủy trong Những bài hát mới (Lê Vũ Thái và Trần Ngọc Quang 1935: 8-9).


Mối tương quan giữa giai điệu và lời văn của “Nghề cinéma” không khác những gì trước đó trong việc đặt lời Việt cho giai điệu Tây (bài ta theo điệu Tây) – mỗi âm tiết ứng với một nốt đơn. Sự tương phản với lối hát truyền thống này ở chỗ điệu nhạc thường có những chỗ nhiều nhóm nốt cho một âm tiết hơn. Đường nét ngữ âm mang nhạc tính của ngôn ngữ tiếng Việt cho người biểu diễn có phạm vi rộng rãi trong việc luyến láy diễn cảm có âm điệu. Trong giai điệu của Trần Ngọc Quang, nốt móc có chấm với nốt móc kép là như trong hành khúc. Bởi vì những nhịp nhanh và gấp này, lời chỉ dùng 3 trong số các thanh điệu của ngôn ngữ tiếng Việt – không thanh, thanh “huyền” và thanh “sắc”. Mối quan hệ một-đối-một giữa các từ và thanh và nhịp điệu cuả bài hát giải thích một phần tại sao các thanh động hơn về thanh điệu là “hỏi” và “ngã” lại không được dùng. Cả hai thanh này tùy vào việc chuyển âm của cách phát âm đúng.

Những lời dưới đây thể hiện chủ đề về vinh quang sắp tới khi người Việt Nam sản xuất được phim của chính mình. [Xem hình bản nhạc có lời]

Lời bài hát “Đời tài tử” và “Bả kim tiền” theo cùng giai điệu và cũng giới hạn ở cùng 3 thanh điệu.

Giai điệu cho bài “Lời thề”, “Người ta yêu” và “Bè bạn đời nay” được cấu trúc lại theo một hệ thống duy nhất của bảng ký âm để sản xuất ra một giai điệu hợp với thanh điệu của lời hát.

Lời và solfège của bài “Lời thề” trong tập Những bài hát mới (Lê Vũ Thái và Trần Ngọc Quang 1935: 2-3)


Việc trình bày song song lời và ký âm solfège tiếng Pháp có hiệu chỉnh của Trần Ngọc Quang dù không thấy được dùng trong các bài hát hiện đại nhưng có một tiền lệ trong âm nhạc cổ truyền. Bảng ghi nốt bằng chữ và ký âm tiếng Việt hay công xích phổ (gongche pu) tiếng Hoa cùng song hành đã từ lâu là một phương pháp sư phạm trong việc dạy các giai điệu cổ truyền (Nguyễn 1998: 451-2; Trần Văn Khê 1962: 191-197; Nguyễn Thụy Loan 1993: 51). [4]

Vì không định nghĩa quãng âm để có thể xác định rõ từ một mình bảng ký âm solfège, Trần Ngọc Quang đã tận dụng sâu hơn ưu điểm của hệ thống chữ quốc ngữ trong việc dịch thanh điệu, thêm các dấu như “sắc” và “huyền” của tiếng Việt vào solfège như một mối kết nối với đường nét âm điệu. Theo đó nốt ký âm “sol” chuyển thành “sól” trong quãng lên cao và “sòl” trong quãng xuống. Về nhịp điệu, cách thức ghi nốt này không được chính xác. Một nhịp độ và số đo được đưa ra – trong trường hợp của “Lời thề” là slow fox, một nhịp phổ biến ở phòng khiêu vũ của thời này. Bài “Người ta yêu” dùng một điệu giống với valse gọi là “mélody dịp ba”. Dấu phẩy xuất hiện trong hệ ký âm solfège nhằm tương ứng với khuông nhịp tiêu chuẩn. Nếu nhóm hai hay bốn nốt ký âm chen vào trong một phách (ô nhịp) slow fox nhịp bốn, đơn giản là để thể hiện chúng như một nốt trắng hay một nốt đen nốt tách ra. Trong trường hợp một nhóm không đều như ba nốt ký âm trong một khuông, một nốt ký âm trở thành nốt trắng theo sau bằng hai nốt đen, ví dụ, với các nốt ký âm “dầu ly biệt” trong phách thứ 5, hoặc đảo ngược lại. Trong bản chuyển biên của mình, tôi đã cố gắng để thể hiện sự nhập nhằng này theo một cách xem ra hợp lý nhất để diễn tả được lời tiếng Việt. Việc làm tỉ mỉ có tính nhịp điệu sâu hơn xuất hiện trong một vị trí như phách 6 là chỗ mà theo trật tự đủ chỗ cho 5 nốt ký âm trong một phách, các nốt ký âm in nghiêng “fa” và “mi” trở thành 8 nốt nhạc.

“Lời thề” không chính thức hay ký âm một cách trọn vẹn thành một bài hát như “Nghề cinéma”. Nó mở với hai câu nhạc gán cho giai điệu có 7 phách (từ phách 1-7 và 7-14), tiếp theo là một câu nhạc gần như có 6 phách (từ phách 14-20). Đoạn mở kết thúc với một câu nhạc khác có 5 phách (phách 21-25). Theo sau đó là một điệp khúc hợp lại từ hai phần có độ dài 11 phách không thông thường (26-36 và 37-47). Khi được giai điệu hóa lên, có những khoảng lặng thứ bảy nhỏ hơi vụng về ở phách 27 và 38. Hơn nữa, cả đoạn nhạc đầu lẫn điệp khúc đều kết thúc không có phách kết – trong phách 25 câu hát kết thúc với một quãng ba từ Mi đến Đô trưởng; trong các phách 46-47, giọng chủ Si rơi xuống Son thay vì thuận tai là chuyển sang một giọng kết Đô.

Một bản chuyển biên từ solfège bài “Lời thề”


Mặc dù là một người tiên phong cho ca khúc hiện đại Việt Nam, rất ít người biết về Trần Ngọc Quang. Bài viết “Thời tiến chiến trong tân nhạc 1938-1946” của nhạc sĩ Lê Thương thời sau có phỏng đoán rằng ông Quang có viết vài bài hát hướng đạo sinh và thanh niên (1971: 66). [5] Ông viết và đóng một vở kịch có tên A-lê-sĩ, do đoàn La Lyre dàn dựng vào ngày 13 và 14 tháng 6 năm 1931 ở Cải lương hí viện. Vở kịch diễn với trang phục thời La Mã và dùng bối cảnh thời cổ đại, được mô tả như một vở “comédie musicale”, mà có giả thiết là ông Quang có thể sáng tác vào lúc đầu (Ngọ Báo 27 tháng Năm 1931, 3; 9 tháng Sáu 1931, 3; 12 tháng Sáu 1931, 3). Ông có diễn muộn hơn sau đó cùng với Antoine Đô trong một gala hướng đạo vào 27 và 28 tháng Hai 1932 ở Nhà hát Lớn Hà Nội (công việc hướng đạo xuất hiện ở Việt Nam vào tháng Mười 1930 (Marr 1981; Phụ nữ thời đàm 19 tháng Hai 1932, 2).

Trần Ngọc Quang là một thành viên sáng lập của La Scène Tonkinoise và diễn một phần trong vở Vì đâu cô… tự sát?Vụ ly dị kỳ khôi (Ngọ Báo 21 tháng Giêng 1934, 2; 11 tháng Ba 1934, 3). Đoàn kịch quảng cáo tập thứ hai các ca khúc mà trong đó gồm các phần sáng tác thêm của ông Quang. Trong Những bài hát mới, ông giới thiệu rằng sẵn sàng để giảng dạy những thanh niên muốn học đến các giai điệu của ông, dạy học viên hát chúng bằng cách dẫn giải với đàn viôlông của mình. Điều này khá là phù hợp nếu ông chính là học viên viôlông của Phạm Đăng Hinh, một thành viên tham gia vào vở kịch hồi đầu tiên của La Scène Tonkinoise. Lời giới thiệu còn lưu ý sâu hơn rằng ông sống ở số 6 Ngõ Huyện. điều này cho thấy ông là một người Công giáo. Trước 1954 phố này trong một khu Công giáo, gồm các láng giềng lao động sống trong các căn nhà chật hẹp bao quanh ngôi nhà thờ lớn Hà Nội (Lê Vũ Thái và Trần Ngọc Quang 1935: 15-16). [6]

Một tuyển tập các bài hát hướng đạo sinh năm 1940 cho biết Trần Ngọc Quang đã qua đời, vì vậy ca khúc Việt Nam bị tước đi mất một trong số những người tiên phong của mình vào lúc nó đã trở thành một loại hình âm nhạc phổ thông (AB.BA 1940: 3). Bản thân ông Quang cũng là một người huấn luyện cho các hoạt động hướng đạo. Giai điệu của ông cho “Nghề cinéma” tiếp tục đời sống của nó trong những phiên bản mới được dùng trong các sách nhạc hướng đạo, bây giờ với lời của Phạm Văn Xung người đã viết hai tên khác nhau “Luật hướng đạo” và “Đường trường”. “Đường trường” được xuất bản trên tạp chí danh tiếng Ngày Nay để thành ra trong số những bài hát đầu tiên được in ra trong cuộc vận động ủng hộ những bài tân nhạc Việt Nam năm 1938 (Gibbs 1997: 10-11). Giai điệu trở lại trong một hình thức hơi đa dạng hơn với tên gọi “Mười điều luật” vào một hợp tuyển các ca khúc cho hướng đạo sinh năm 1940, cũng với lời của Phạm Văn Xung. [7] Một bài viết năm 1942 về ca khúc Việt Nam nói về sự yêu thích đối với “Đường trường” trong các hướng đạo sinh, dù nhầm về tên gọi bài hát với mấy từ mở đầu ca khúc “Đi đi ta cùng đi” và chỉ mới xét đến phần lời của ca khúc (May Văn Lương 1942: 6).


Những ngày cuối cùng của La Scène Tonkinoise

Chương trình của La Scène Tonkinoise ngày 8 và 9 tháng Chạp 1934 là một thành công lớn. Tờ báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau ngày 13 tháng Chạp 1934 đánh giá buổi trình diễn Kịch trường vạn tuế là hoàn thiện, nêu bật tên Trần Ngọc Quang về phần hát điệu nghệ, “rất cảm động” của ông. Họ cũng ngợi khen nồng nhiệt Ái Liên là một tài năng lớn đầy hứa hẹn. Khi một vài ngày sau, vở kịch được diễn lại ở Nhà hát thành phố Hải Phòng, La Patrie Annamite ghi lại rằng mọi công chức quan trọng đều có ở đó và họ có vẻ khá hài lòng. [8]

Mặc dù họ đã đem lại một đêm để nhớ, La Scène Tonkinoise không tồn tại lâu. Năm 1935 mang đến cho đoàn một chuỗi những rắc rối. Năm mới khởi đầu với hứa hẹn, với thông báo về một bữa tiệc “hàng năm” diễn ra vào 12 tháng Giêng. Vài ngày sau đó họ thông báo đã thuê rạp Cinéma Olympia trên đường Rue de la Citadelle (bây giờ là rạp Hồng Hà ở phố Đường Thành ngày nay. Đông Pháp 11 tháng Giêng 1935: 3; 14-15 tháng Giêng 1935: 2). Nhưng đến cuối tháng, kế hoạch của họ đã có vấn đề - tờ nhật báo Đông Pháp thông báo đoàn kịch đã kiện ngôi sao Ái Liên của họ , giờ được phong là hoa khôi Hà Nội “Miss Hanoi”, về việc vi phạm hợp đồng của cô (“Chướng mắt nghịch tai”, Đông Pháp 31 tháng Giêng 1935: 2). Để vượt qua được khó khăn lúc này và dịp Tết tiếp theo, họ thông báo về việc xuất hiện của đoàn cải lương Huỳnh Phước ở rạp Anh Vũ Đài vào ngày 8 đến 10 tháng Hai 1935, do Nguyễn Gia Kình đạo diễn. Đồng thời họ lập kế hoạch cho một tour xuyên Đông Dương. [9]

Vào ngày 16 tháng Hai, La Scène Tonkinoise thông báo chương trình kết hợp nguyên bản của họ giữa vở Người hay ma?, một vở kịch câm với “âm nhạc điện ảnh” và vở Truyện cô Ái Liên. Vở sau là màn giới thiệu về ngôi sao một thời của họ và đương sự “tả quãng đời thanh niên của cô gái cho trăm anh say mê về mỹ thuật và hy sinh cho nghề kịch chớp bóng”. Tuy nhiên, vào 19 tháng Hai, họ đã hủy bỏ chương trình này, quy việc thất bại này cho việc không được phép của thị trưởng (đốc lý) Hà Nội cho diễn sân khấu trực tiếp ở rạp Cinéma Olympia, vốn là rạp chiếu phim. Tuy nhiên thật dễ để suy xét rằng cuộc tranh cãi không giải quyết được với ngôi sao Ái Liên là nguyên nhân cho việc hủy diễn của họ. Mặc dù một mẩu tin trên báo ngày 7 tháng Ba 1935 xác nhận cô sẽ tham gia tour xuyên Đông Dương với đoàn của họ, thật sự là cô không đi (Đông Pháp 15 tháng Hai 1935: 3; 18 tháng Hai 1935: 3; 19 tháng Hai 1935: 4; 7 tháng Ba 1935: 2; 22 tháng Ba 1935: 3).

Kế hoạch đi xuyên Đông Dương của đoàn kịch bắt đầu thành hình trong tháng Giêng khi họ thông báo đang tìm kiếm “anh em chị tài tử ai có rộng thì giờ đi du lịch”. Họ cũng gửi thư đến quan thống sứ của ba kỳ Việt Nam – Bắc Kỳ, An nam (Trung Kỳ) và Nam Kỳ - đề nghị cho phép được tặng lợi nhuận biểu diễn cho các nạn nhân bão lụt ở địa phương miền Bắc và Trung. Mặc dù việc cho phép như thế thật sự không cần thiết, đoàn kịch đăng các bức thư mà họ nhận được từ Bắc và Trung Kỳ trên tờ Đông Pháp, tiện cho việc gây ấn tượng với độc giả với sự quan tâm đang được chỉ ra cho họ thấy (Đông Pháp 28-29 tháng Giêng 1935: 3; 21 tháng Hai 1935: 5; 3 tháng Ba 1935: 3) [10] (26). Cho đến hết tháng Ba, trong lịch trình của họ, bảng phân vai và chương trình bắt đầu thành hình. Vào thời điểm bắt đầu tháng Tư họ sẽ phải vào miền Nam trình diễn hai vở mới của Nguyễn Vinh Lan và Lê Vũ Thái, Gan bà chủLỗi của ai?. Nhưng tháng Tư đã đến mà họ vẫn còn ở Hà Nội, đang xúc tiến để trình diễn một vở mới khác – Bánh đúc có xương. Không còn kịch bản hay bản tóm tắt của những vở này tồn tại nữa (Đông Pháp 10 tháng Ba 1935: 5; 22 tháng Ba 1935: 3; 24 tháng Ba 1935: 2).

Đồng thời với những nỗ lực bị nhiều cản trở của mình để thực hiện tour và trình diễn, La Scène Tonkinoise cũng đi đến những thay đổi về tổ chức. Họ tiếp tục thu hút các cổ đông, trong chuyến đi gây quỹ tới tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, mở một văn phòng chi nhánh ở Hải Phòng, và vào 31 tháng Ba 1935 mở một cuộc bầu chọn các nhà điều hành (Đông Pháp 20 tháng Ba 1935: 3; 30 tháng Ba 1935: 4; 1-2 tháng Tư 1935: 4). Nguyễn Vinh Lan và Lê Vũ Thái trở thành Quản lý và Tổng Thư ký. Người điều hành mới là Tạ Quang Cát, không nghi ngờ gì là người từng liên quan chặt chẽ với đoàn trong năm trước từ khi văn phòng của ông ở đường Rue Balny được dùng làm trụ sở. Không như ông Lan và Thái, ông Cát không phải diễn viên hay kịch tác gia, nhưng thay vào đó là chủ sở hữu của Au Paradise, một vũ trường ở 39 Rue de la Chaux/ Hàng Vôi. Vợ ông là Jeannine Tạ Quang Cát, người cũng thỉnh thoảng đóng cho La Scène Tonkinoise, là một vũ sư ở đó. Ông Cát cũng là nhà sáng lập một tạp chí xuất bản ở Hải Phòng có tên Nghề mới, trong số hai đã in một cột báo khuyến khích các nhà đầu tư mua cổ phiếu để giúp đoàn kịch đưa diễn viên của mình sang Thượng Hải để quay phim tiếng Việt (Nghề mới 1 (1 tháng Năm 1935): 8-9; 2 (1 June 1935): 11).


Kết luận

Từ giữa năm 1935 La Scène Tonkinoise suy tàn không kèn không trống. Có lẽ là hệ thống cổ phiếu của công ty hoặc các đối tác kinh doanh ưu tiên đi đến rã đám. Họ cũng bị ảnh hưởng liên đới với chuỗi thất bại gồm cả việc để mất ngôi sao của mình là Ái Liên, nơi gặp gỡ của họ, những trì hoãn trong chuyến đi – không rõ ràng chút nào để tour này diễn ra. Đoàn cũng theo đuổi một cách thái quá việc làm bận rộn cho mình trong các việc như các cuộc thi thố, tìm một kiến trúc sư để thiết kế trụ sở, và trong việc cố gắng tạo ra một nét tinh túy của sự đài các thông qua các tiệc tùng và các đám đưa rước kíp diễn tới nhà hát (Ngọ Báo 4 tháng Hai 1924, 3; 9 tháng Hai 1934, 3; 3 tháng Ba 1934, 3; 11 tháng Ba 1934, 3). Lịch sử chính thống của kịch nói Việt Nam trước 1945 chỉ đề cập đến La Scène Tonkinoise cho những lần biểu diễn của nó vào năm 1935 của một số vở kịch Việt Nam “kinh điển” từ đầu những năm 1930 như Chàng NgốcÔng Tây An Nam đều của Nam Xương. Vở diễn Kịch trường vạn tuế, mặc dù sự ca ngợi nhận được vào thời đó, không hề được đề cập ở đây (Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý 1978: 53, 109). Đoàn kịch mặt khác cũng không tồn tại trong lịch sử sân khấu và âm nhạc Việt Nam. Nhiều cuốn sử này có tập trung vào những nhân vật có tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 và tiếp sau là kháng chiến của người cộng sản, trong khi đó ở vào thế tương phản, La Scène Tonkinoise là một hội đoàn tư sản theo chủ nghĩa tư bản, do giới thượng lưu phụng sự người Pháp hỗ trợ. Trần Văn Khê đưa ra một lý do cơ bản hơn cho cái chết của đoàn kịch – sự thật đơn giản là số đông khán giả Việt Nam vẫn không sẵn sàng đón nhận kịch nói (Trần Văn Khê 1961: 206).

La Scène Tonkinoise - Hội kịch Bắc Kỳ


Đoàn kịch không tồn tại đủ lâu để đạt được giấc mơ của mình về việc làm ra những bộ phim nói Việt Nam đầu tiên. Vài năm trôi qua, Việt Nam thiếu cả thiết bị lẫn sự thành thạo để làm phim. Năm 1937 hai phim nói tiếng Việt đầu tiên, Trận Phong Ba, tác giả Trần Hữu Kim và Cánh đồng ma, được sản xuất ở Hồng Kông với sự trợ giúp kỹ thuật và những phim này được tiếp nhận một cách đáng buồn là không mang đến sự ngạc nhiên nào, kể từ khi khán giả Việt Nam đã thưởng thức phim Pháp và Mỹ từ vài năm nay, vốn quen đưa ra một tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao cho một đạo diễn phim với nhiều khao khát để đáp ứng (Trần Hữu Kim 1936; Nguyễn Duy Cẩn 1983: 21-22; Tô Hoài 1992: 16-17).

Mặc dù chắc chắn là tác giả sáng tác đầu tiên của ca khúc Việt Nam theo lối Tây phương, Trần Ngọc Quang chỉ được đối xử một cách ngoài lề trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. [11] Một lý do cho việc này là khi những bài hát của ông xuất hiên lần đầu trong một kiểu thức quá mới đối với người Việt Nam mà chúng được nhận dạng chỉ như “bài Ta điệu Tây” (Đông Pháp 2-3 tháng Giêng 1935: 4). Bài “Nghề Cinéma” của Trần Ngọc Quang được in vào năm 1935, ba năm trước khi bài hát Việt Nam tiếp theo xuất hiện. Trong hiện thân sau này của mình là giai điệu hướng đạo “Đường trường” nó đã có được một cuộc sống có tính nghi thức, chắc rằng đã được hát bởi hàng trăm hướng đạo sinh Việt Nam ở miền Bắc đầu những năm 1940. Ngày nay ca khúc mang ảnh hưởng Tây phương chiếm ưu thế trong âm nhạc Việt Nam, và Trần Ngọc Quang đáng được công nhận về việc sáng tác đầu tiên theo phong cách này.

Những buổi trình diễn vở Kịch trường vạn tuế trong tháng Chạp 1934 của La Scène Tonkinoise dù tất cả ngày nay đã quên, dẫu vậy vẫn chứng tỏ những khát khao và quan điểm thẩm mỹ của những người Hà Nội trẻ với một nhãn quan tiên tiến ảnh hưởng Tây phương. Trong vở kịch và các phần được viết ra, đoàn kịch mong chờ một ngày mà những nỗ lực kịch nghệ và kinh doanh của họ sẽ mang lại một kỹ nghệ phim ảnh đủ lông đủ cánh có thể giới thiệu Việt Nam với thế giới rộng lớn. Kịch trường vạn tuế đã trở thành khoảnh khắc tốt đẹp nhất của họ, tranh đua với opéra comique Pháp, dù kết quả còn lại có thể (chỉ) là những bài hát theo điệu Tây đầu tiên do một người Việt sáng tác – những bài hát theo một phong cách mà chỉ thành ra phổ biến với việc xuất hiện của bản thân phim nói sớm hơn trước đó trong cùng thập niên. Vở kịch cho thấy thành công của nó đối với sự kết hợp của kịch nói, vẫn còn là một thể loại văn chương, với lòng yêu thích của người Việt vốn dành nhiều hơn cho ca kịch. Một lý do trọng yếu cho sự tiếp nhận tích cực vở kịch là thực sự thì sự kết hợp những bài hát này giống như chúng được biết đến và thưởng thức qua phim ảnh. La Scène Tonkinoise với cuộc đời ngắn ngủi của mình đã chứng minh sự thay đổi khẩu vị và sự hăng hái của những thanh niên Việt Nam – đến với sự thu hút của một thế giới văn hóa đại chúng xa lạ bên ngoài nhưng đầy kích thích đã mang đến cho họ thông qua phương tiện điện ảnh.


Nguồn: Asian Music, volume XXXI, số 1, Thu/Đông 1999/2000


Tài liệu tham khảo:

AB.BA (Phạm Văn Xung): Sách hát hướng đạo Việt. Hànội: bản sao lục, 1940.

Bourrin, Claude: Le vieux Tonkin: le théâtre – le sport – la vie. Saigon: J. Aspar, 1935.

Cao Thị Như Quỳnh and Schafer, John C., “From Verse Narrative to Novel: The Development of Prose Fiction in Vienam”. Journal of Asian Studies 40 (1998), 756-777.

Đông Pháp: “Phim ảnh nói”, (26 tháng Ba 1931), 1.

Đông Pháp: “Một vai đào có hi vọng… Năm nay tôi vừa 16 tuổi”, 3: (20 tháng Chạp 1954), 3.

Gibbs, Jason: “Reform and Tradition in Early Vietnamese Popular Song”, Nhạc Việt 6 (Thu 1997), 5-33.

Gibbs, Jason: "The West's Songs, Our Songs: The Introduction of Western Popular Song in Vietnam before 1940," Asian Music vol. 35, no. 1 (Fall/Winter 2003-2004), 57-83.

Hồng Nhân: “Cái bệnh tự tử”, Nam Phong 177 (1932), 340.

Jamieson, Neil: Understanding Vietnam. Berkeley: University of California Press 1993.

Lê Thương: “Thời tiền chiến trong tân nhạc 1938-1946” trong Nhạc tiền chiến.

Saigon: Kẻ sĩ xuất bản, 1971: 62-70.

Lê Vũ Thái và Trần Ngọc Quang: Những bài hát mới. Hànội: Tài Xuyên, 1935.

Lộng Chương: “Kịch nói đầu tiên trên sân khấu Việt Nam”, Văn hóa Nghệ thuật 43 (1974), 63-64.

May Văn Lương: “La chanson annamite”, Indochine hebdominaire illustrée 5 (tháng Ba 1942), 6-11.

Marr, David G.: Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945. Berkeley: University of California Press, 1981.

Ngân Hà: “Nghệ sĩ nhân dân Ái Liên “Bông hồng Á Đông”, Người đẹp Việt Nam (Tháng 11 1997), trang 18-19.

Nguyễn Công Hoan: Nhớ và ghi. Hà Nội: Nxb Tác phẩm mới, 1978.

Nguyễn Duy Cẩn, biên kịch: Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam. Hànội: Cục Điện Ảnh, 1981.

Nguyễn, Phong T.: “Vietnam” in Southeast Asia. The Garland Encyclopedia of World Music, vol. 4. Terry E. Miller and Sean Williams, editors. New York: Garland Publishing, 1997: 444-517.

Nguyễn Thành: “Guiness Sài gòn”, Thanh Niên (Tháng 1 1997), 10.

Nguyễn Thụy Loan: Lược sử Âm nhạc Việt Nam. Hà Nội: Nhạc viện Hà Nội, Nxb Âm nhạc, 1993.

Nguyễn Văn Tý: “Đôi điều bàn luận”, Âm nhạc số đặc biệt (n.d. [1995]), 46-48.

Nguyễn Văn Uẩn: Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tập I và II, Hà Nội: Nxb Hà Nội, 1993.

Nguyễn Vinh Lan và Lê Vũ Thái: Chúng tôi bàn về Kịch nước Nam Vì đâu cô … tự sát?; Xã hội bi kịch, bài phản đối chung các nhời bình phẩm, dị nghị về cuộc diễn kịch tối 31 Oct. 1933 tại nhà Hát Tây. Hà Nội: Impr. Moderne, 1933a.

Nguyễn Vinh Lan và Lê Vũ Thái: “Người giết cô Tâm Hương lên tiếng”, Ngọ Báo (8 novembre 1933b), 1.

Phạm Duy: Musics of Vietnam. Dale R. Whiteside, ed. Carbondale, Ill.: Southern Illinois University Press, 1974.

Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý: Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam trước cách mạng tháng tám. Hà Nội: Nxb Văn hóa, 1978.

Rạng Đông: “Vì đâu cô tự sát?,” (21 tháng Mười 1933), 6.

Rạng Đông: “Tôi đi xem kịch Vì đâu cô… tự sát?,” (4 tháng Mười Một 1933), 4.

La Société Indochine-Films and Cinémas: La Société Indochine-Films presente Kim Vân Kiều. Hanoi: Edition Ideo, 1924.

Sỹ Tiến: Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb TPHCM, 1984.

Song Kim: Những chặng đường sân khấu. Hà Nội: Nxb Sân khấu, 1993.

Teston, Eugène và Percheron, Maurice: L’Indochine moderne: encyclopédia administrative, touristique, artistique et économique. Paris: Librarie de France, 1931.

Thái Phỉ: “Tôi đi xem kịch “Vì đâu cô … tự sát,” Ngọ Báo (7 novembre 1933a), 1.

Thái Phỉ: “Hai ông Lan, Thái tự phản đối mình mà không biết,” Ngọ Báo (9 novembre 1933b), 1-2.

Thanh Hương: “Nói về nghề diễn kịch của ta ngày nay,” Rạng Đông (26 auot 1931), p. 5.

Thẩm Oánh: “Trên Đường Vắng”, Hà Nội: Éditions Thẩm Oánh, 1941.

Thuy Tinh: “Những kết quả không ngờ”, Ngọ Báo (10 novembre 1933), 1.

Tô Hoài: Cát bụi chân ai. In lại. Westminster, CA: NXB Hồng Lĩnh, 1993 (1992).

Trần Hữu Kim: Trận phong ba: Phim nói tiếng Việt Nam. Hà Nội: Nhà in Thái Bình Dương, 1936.

Trần Văn Khải: Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Saigon: Nhà sách Khai Trí, 1970.

Trần Văn Khê: “Le théatre vietnamien”, Les théatre d’Asie. Jacquout, Jean, ed. Paris: Editions du Centre National de la Recherche Scientifique, 1961: 203-219.

Trần Văn Khê: La musique vietnamienne traditionnelle. Paris: Presses Universitaires de France, 1961.

Woodside, Alexander: Community and Revolution in Modern Vietnam. Boston: Houghton Mifflin Company, 1974.

Vương Hồng Sển: Hồi ký 50 năm hát. Sài gòn: Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 1968.

Y Ốt: “Ô hay! Ông cô mi Nguyễn Vinh Lan”, Rạng Đông (15 novembre 1932), 2.


Báo và tạp chí:

Đông Pháp, từ 1930 đến 1941
Khai hóa Nhật báo, 1924-1927
Ngày Nay, 1936-1940
Nghề Mới, 1935, 1936, 1938
Ngọ Báo, 1931-1934
Phong Hóa, 1933-1935
Phụ nữ thời đàm, 1931-1935
Rạng Đông, 1933

Phỏng vấn:

Ngọc Bích, Nguyễn Hiền và Lữ Liên, 9 tháng Giêng 1998 tại Westminster, CA.
Đỗ Văn Cách, 12 tháng Mười, Hà Nội.
Hà Quang Định, 25 tháng Hai 1998, HCMC.
Tô Hoài, 27 tháng 11 1998, HN.
Đào Mộng Long, 25 tháng 11 1998, HN.
Nguyễn Văn Quỳ, 8 tháng 9 1996, HN.
Phạm Huy Quỹ, 10 tháng 9 1996, HN.
Phạm Huy Quỹ, 8 tháng 10 1997, HN.
Hoàng Trọng, 12 tháng 6 1998, Mountain View, CA.
Nguyễn Thiện Tơ, 12 tháng 10 1997, HN.
Nguyễn Thiện Tơ, 27 tháng 11 1998, HN.

© 2004 talawas


[1]Bên cạnh việc dạy nhạc, Antoine Đô chơi trong các ban nhạc khiêu vũ ở khách sạn Hôtel Majestic và câu lạc bộ khiêu vũ Takara ở Hà Nội. Ông ta sống ở khu phố Tây và có thể có quyền công dân Pháp. Người ta nói ông đã chết trước 1945 (Đỗ Văn Cách, phỏng vấn 1997; Nguyễn Thiện Tơ, phỏng vấn 1997, 1998; Ngọc Bích, Nguyễn Hiền và Lữ Liên, phỏng vấn 1998; Thẩm Oánh 1941).
[2]Các thành viên tham gia vai khác gồm Nguyễn Huy Tưởng, Lê Vũ Thái, Lưu (Louis) Văn Trình, Trần Hữu Sự, Phạm Thiều và Phạm Đức Phong. Lưu Văn Trình sau đó sống hoạt động tại rạp với cương vị chủ đoàn cải lương Nam Hồng (Đông Pháp 1 tháng Chạp 1934: 3; Đào Mộng Long, phỏng vấn 1998).
[3]Nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922-1998) xác nhận điều này cho tác giả (phỏng vấn 1998).
Nguyễn (1998: 452) cho thấy một ví dụ của ký hiệu song song trong nhạc Việt Nam viết bằng các chữ Hán.
[4]Nguyễn (1998: 452) cho thấy một ví dụ của ký hiệu song song trong nhạc Việt Nam viết bằng các chữ Hán.
[5]Lê Thương gọi nhầm Trần Ngọc Quang thành Trần Quang Ngọc.
[6]Những số lượng lớn các tín đồ Công giáo của khu vực này đã di cư vào Nam để sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa sau khi Hiệp nghị Geneva được ký kết (Tô Hoài, phỏng vấn 1998).
[7]] “Đường trường” được in trong tạp chí hướng đạo Thẳng tiến (20 juillet 1936) và trên Ngày Nay 25 septembre 1938. “Mười điệu luật” được in trong Vui chơi ca múa, tập III (Hànội: Sách hoa xuân của tuổi trẻ, 1940), trang 3-7. Phạm Văn Xung viết lời cho ít nhất 3 tập ca khúc hướng đạo giữa năm 1938 và 1940 và cũng viết lời cho các bài hát của Phạm Đăng Hinh, Đào Sĩ Chu, Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu và Minh Tâm. Rất năng động trong hoạt động hướng đạo, ông dùng bút hiệu AB-BA – thay cho “abeille bavarde” tức “con ong láu lỉnh”. Sau 1954 ông là một nhà khoa học và xuất bản một số sách giáo khoa khoa học cho trung học.
[8]L’Annam nouveau 13 tháng Chạp 1934, trích dẫn theo Đông Pháp 28 tháng Chạp 1934: 3. La Patrie Annamite trích dẫn trong Đông Pháp 29 tháng Chạp 1934, trang 3.
[9]Nhà cải cách cải lương miền Bắc, đạo diễn và nhà nghiên cứu lịch sử Sỹ Tiến mô tả Nguyễn Gia Kình là một nhà tiên phong của cải lương ở Hà Nội (1984: 75-76). Đoàn Huỳnh Phước trình diễn bốn vở khác nhau trong bốn đêm (Đông Pháp 8 tháng Hai 1935: 3; 9 tháng Hai 1935: 3; 11 tháng Hai 1935: 3).
[10]Nghệ sĩ cải lương Đào Mộng Long có nói các gánh hát lưu động không đề nghị được giấy phép từ Công sứ ở các kỳ (phỏng vấn 1998).
[11]Các văn bản lịch sử chính thức của âm nhạc Việt Nam xác nhận bài hát hiện đại Việt Nam đầu tiên là “Cùng nhau đi Hồng Binh”, được cho là do Đình Nhu viết năm 1930, trong phong trào Xô-Viết Nghệ-Tĩnh (Nguyễn Thụy Loan 1993: 101-104). Nếu điều này đúng, nó chắc chắn chỉ được ghi âm, xuất bản và được biết đến vào khoảng giữa cho đến cuối những năm 1950 (Nguyễn Văn Tý 1995: 46-48). Nguyễn Thụy Loan (1993: 88-89) có kể đến giai điệu của Trần Ngọc Quang là bài “Đường Trường” và in lại nó chính xác như trên Ngày Nay. Không may là bản này có hai lỗi – việc bỏ sót ký hiệu khóa Son trưởng trong phần mở đầu điệp khúc và thêm vào một nốt Rê thăng ở phách thứ chín. Bài hát gần đây được in lại với những lỗi đó trong tạp chí Âm Nhạc 1 (1998), trang 29.