© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
7.10.2004
Milan Kundera
Nghệ thuật tiểu thuyết
8 kì
Nguyên Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Phần thứ năm
ĐÂU ĐÓ Ở PHÍA SAU KIA


Các nhà thơ không sáng chế ra các bài thơ
Bài thơ nằm đâu đó ở phía sau kia
Lâu lắm rồi nó vẫn ở đó
Nhà thơ chỉ có việc khám phá ra nó.
Jan Skacel


1

Bạn tôi, Josef Skvorecky, trong một cuốn sách của anh kể câu chuyện có thật này:

Một viên kỹ sư thành Praha được mời đi dự một cuộc hội thảo khoa học ở Luân Ðôn. Anh đến đó, anh tham gia thảo luận và anh trở về Praha. Vài giờ sau khi trở về, tại công sở của mình, anh cầm tờ nhật báo Rudo Pravo, và ở đấy anh đọc thấy: một viên kỹ sư Tiệp, đại biểu tại một cuộc hội thảo ở Luân Ðôn, sau khi đã phát biểu trước báo chí phương Tây một tuyên bố nói xấu tổ quốc xã hội chủ nghĩa của mình, đã quyết định ở lại phương Tây.

Một cuộc di tản bất hợp pháp gắn thêm một tuyên bố như vậy chẳng phải chuyện vặt. Vài chục năm tù. Viên kỹ sư của chúng ta không còn tin nổi ở mắt mình. Nhưng bài báo nói về chính anh, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Cô thư ký của anh bước vào phòng anh, hoảng hốt khi trông thấy anh: Trời đất, cô kêu lên, anh về đấy à! Thật chẳng biết điều tí nào, anh đã đọc những gì người ta viết về anh chưa?

Viên kỹ sư đọc thấy nỗi lo sợ trong mắt cô thư ký. Anh có thể làm gì đây? Anh bổ đến tòa soạn tờ Rudo Pravo. Ở đấy, anh gặp người biên tập viên có trách nhiệm. Anh chàng này xin lỗi, quả thật, chuyện này đúng là thật phiền, nhưng anh ta, biên tập viên, chẳng dính dáng gì vào đây cả, anh ta đã nhận văn bản bài báo này trực tiếp từ Bộ Ngoại giao.

Viên kỹ sư chạy sang Bộ Ngoại giao. Ở đấy, người ta nói với anh, vâng, chắc chắn, đây là một nhầm lẫn, nhưng phần họ, họ đã nhận được báo cáo về anh kỹ sư từ cơ quan mật vụ của họ ở sứ quán tại Luân Ðôn. Viên kỹ sư đòi một sự cải chính. Người ta bảo anh, cải chính, không, không có làm cái đó đâu, nhưng họ bảo đảm với anh rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với anh cả, anh có thể yên tâm.

Nhưng viên kỹ sư không yên tâm. Trái lại, rất nhanh, anh nhận thấy đột nhiên anh bị theo dõi rất chặt, điện thoại của anh bị nghe trộm và anh có kẻ bám đuôi ngoài đường. Anh không thể ngủ được nữa, anh bị những cơn ác mộng, cho đến ngày, không thể chịu đựng sự căng thẳng đó được nữa, anh thật sự mạo hiểm trốn ra khỏi nước một cách bất hợp pháp. Vậy là anh trở thành một kẻ di tản thật sự.


2

Câu chuyện tôi vừa kể là một trong số những câu chuyện mà người ta gọi ngay không do dự là có tính chất Kafka. Từ ngữ đó, rút ra từ một tác phẩm nghệ thuật, chỉ được xác định bởi những hình tượng của một nhà tiểu thuyết, trở thành mẫu số chung duy nhất của những tình huống (cả văn học lẫn có thật) mà không một từ nào khác có thể nắm bắt được, và cả khoa chính trị học, xã hội học lẫn tâm lý học không thể cung cấp nổi chìa khóa.

Nhưng vậy thì tính chất Kafka là gì?

Hãy thử cố mô tả vài phương diện.

Thứ nhất: Viên kỹ sư đối mặt với quyền lực nó có tính chất một cung bất tận. Anh sẽ không bao giờ đến được tận cùng những hành lang vô tận của nó và sẽ không bao giờ tìm ra được ai là người đã đọc lên bản án định mệnh. Như vậy anh lâm vào tình trạng giống như Joseph K. đối diện với tòa án hay anh nhân viên đo đạc K. đối diện với tòa lâu đài. Tất cả họ đều ở giữa một thế giới nó là một thiết chế có tính mê cung duy nhất mênh mông mà họ không thể thoát ra và không thể hiểu được. Trước Kafka, các nhà tiểu thuyết thường tố cáo các thể chế như là những trường đấu ở đó va chạm những lợi ích xã hội hay cá nhân khác nhau. ở Kafka, thiết chế là một cơ chế tuân theo những quy luật của chính nó đã được đặt chương trình không biết do ai và lúc nào, chúng chẳng liên quan gì đến lợi ích của con người và do đó không thể hiểu được.

Thứ hai: Trong chương V cuốn Lâu đài, viên xã trưởng giải thích cho K., một cách chi tiết, câu chuyện dài dòng về hồ sơ của anh ta. Ta hãy tóm gọn lại: cách đây chừng mươi năm, tòa lâu đài có gửi đến chính quyền xã đề nghị tuyển dụng cho xã một nhân viên đo đạc. Viên xã trưởng đã trả lời từ chối bằng thư (chẳng ai cần nhân viên đo đạc nào cả) nhưng thư trả lời ấy bị lạc sang một cơ quan khác và, như thế, do cái trò rất tinh vi những sự hiểu lầm quan liêu chủ nghĩa kéo dài nhiều năm, một ngày nọ, do vô ý, giấy mời đã thật sự được gửi đến cho K. đúng ngay vào lúc mà tất cả các cơ quan có liên quan đang vứt bỏ cái đề nghị cũ đã thành lỗi thời. Vậy là sau một chuyến đi dài, K. đến làng nọ do nhầm lẫn. Còn hơn thế nữa, vì rằng đối với anh ta không còn có cái thế giới khả dĩ nào khác nữa ngoài tòa lâu đài với cái làng kia, toàn bộ cuộc sống của anh chỉ là một nhầm lẫn.

Trong thế giới của Kafka, bản hồ sơ giống như ý tưởng của Platon. Nó đại diện cho thực chất của con người, chỉ là ánh phản chiếu hắt lên trên tấm màn của các ảo tưởng. Quả vậy, cả gã nhân viên đo đạc lẫn viên kỹ sư thành Praha chỉ là những cái bóng của các tấm phiếu của họ: và còn ít hơn thế rất nhiều: họ là những cái bóng của một nhầm lẫn trong một hồ sơ, nghĩa là những cái bóng không có cả quyền tồn tại như những cái bóng.

Song, nếu cuộc sống con người chỉ là một cái bóng, và thực tại nằm ở đâu kia, trong cái không với tới được, trong cái phi nhân và siêu nhân, tức thì ta bước vào thần học. Quả vậy, những người đầu tiên chú giải Kafka đã giải thích các tiểu thuyết của ông như là một ngụ ngôn tôn giáo.

Cách hiểu đó theo tôi là sai (bởi vì nó thấy một thứ phúng dụ ở nơi mà Kafka đã nắm bắt những tình thế cụ thể của cuộc sống con người) tuy nhiên vẫn có ý nghĩa phát hiện: ở tất cả nơi nào mà quyền lực nghi ngờ, nó tất yếu tạo ra thứ thần học của chính nó; ở tất cả nơi nào mà nó cư xử như là Thượng đế, nó gợi lên những tình cảm tôn giáo đối với nó; thế giới có thể được mô tả trong một từ vựng thần học.

Kafka không viết những phúng dụ tôn giáo, nhưng tính chất Kafka (trong thực tại và trong hư cấu) là không thể tách rời với phương diện thần học của nó (hay đúng hơn: giả thần học).

Thứ ba: Raskolnikov không thể chịu nổi sức nặng tội lỗi của mình, và để tìm được sự yên bình, anh tự nguyện nhận sự trừng phạt. Ðó là tình huống rất quen thuộc tội lỗi đi tìm sự trừng phạt.

Ở Kafka, logic bị đảo ngược. Kẻ bị trừng phạt không biết nguyên nhân của sự trừng phạt. Tính phi lý của sự trừng phạt không thể nào chịu được cho đến nỗi, để tìm được sự yên tĩnh, kẻ bị kết tội muốn đi tìm một cách bào chữa cho hình phạt của mình: sự trừng phạt đi tìm tội lỗi.

Viên kỹ sư thành Praha bị trừng phạt bằng một sự theo dõi ráo riết của cảnh sát. Sự trừng phạt đó đòi hỏi một tội lỗi không hề phạm phải, và viên kỹ sư mà người ta kết tội di tản cuối cùng đã di tản thực sự: sự trừng phạt cuối cùng đã tìm thấy tội lỗi.

Không biết mình bị kết tội vì cái gì, K. trong chương VII cuốn Vụ án quyết định xét lại toàn bộ cuộc đời mình, toàn bộ quá khứ của mình “đến tận những chi tiết nhỏ nhất”. Bộ máy “tự kết tội” đã khởi động. Kẻ bị kết tội đi tìm tội lỗi của mình.

Một hôm, Amalia nhận được một bức thư tục tĩu của một viên chức thuộc tòa lâu đài. Bị xúc phạm, cô xé đi. Tòa lâu đài thậm chí chẳng cần quở trách cách cư xử táo bạo của Amalia. Nỗi sợ (chính là cái nỗi sợ mà viên kỹ sư thấy trong mắt cô thư ký của anh) tự nó tác động. Chẳng có mệnh lệnh nào cả, chẳng có chút dấu hiệu có thể nhận thấy nào cả từ phía tòa lâu đài, mọi người vẫn tránh gia đình Amalia như là cô bị dịch hạch vậy.

Bố Amalia muốn bảo vệ gia đình mình. Nhưng có một khó khăn: không thể tìm ra tác giả của bản án, mà ngay cả bản án cũng không có! Muốn chống án, thì phải bị kết án chứ! Người cha van nài tòa lâu đài tuyên bố tội lỗi đi. Như vậy nói rằng sự trừng phạt đi tìm tội lỗi còn là ít. Trong cái thế giới giả - thần học này, kẻ bị trừng phạt van xin người ta nhìn nhận là nó có tội!

Vẫn thường xảy ra tình trạng một người dân thành Praha hôm nay bị thất sủng, không còn tìm được chút việc làm nào. Anh ta hoài công xin một chứng nhận chỉ rõ rằng anh đã phạm một lỗi và cấm không ai được dùng anh. Bản án không thể tìm ra. Và vì ở Praha, lao động là một nghĩa vụ được pháp luật quy định, cuối cùng anh bị kết tội là kẻ ăn bám: điều đó có nghĩa là anh có tội trốn lao động. Sự trừng phạt đã tìm ra tội lỗi.

Thứ tư: Chuyện viên kỹ sư thành Praha có tính chất một chuyện khôi hài, chuyện đùa; nó gây cười.

Hai gã hoàn toàn bất kỳ nào đó (không phải là những “vị thanh tra” như bản dịch tiếng Pháp đã khiến ta tưởng nhầm) một buổi sáng nọ chộp được K. trên giường ngủ của anh, tuyên bố là anh ta đã bị bắt và chén mất bữa ăn sáng của anh. K., một viên chức có kỷ luật, đáng lẽ tống họ ra khỏi nhà anh, lại tự bào chữa dông dài trước mặt họ, trong khi đang mặc áo ngủ. Khi Kafka đọc cho các bạn ông nghe chương một cuốn Vụ án, ai nấy đều cười, kể cả tác giả.

Philip Roth mơ ước quay một cuốn phim dựa theo cuốn Lâu đài: ông định đưa Groucho Marx vào vai gã nhân viên đo đạc K. và Chico Harpo vai viên phụ tá của anh ta. Vâng, ông hoàn toàn có lý: cái hài là không thể tách rời chính bản chất của chất Kafka.

Nhưng thật là một niềm an ủi tồi đối với viên kỹ sư nếu anh biết rằng câu chuyện của anh là hài. Anh bị nhốt trong câu chuyện đùa của chính cuộc đời mình như một con cá trong cái bể cá; anh chẳng thấy chuyện ấy buồn cười tí nào cả. Quả vậy, một chuyện đùa chỉ buồn cười đối với những người đứng trước bể cá; chất Kafka, trái lại, đưa chúng ta vào bên trong, vào tận gan ruột của một chuyện đùa, vào đến chỗ ghê tởm của cái hài.

Trong thế giới của Kafka, cái hài không phải là một đối âm của cái bi (cái bi - hài) như trong trường hợp ở Shakespeare; nó có mặt ở đó không phải để làm cho cái bi dễ chịu đựng được hơn nhờ sắc thái nhẹ nhàng; nó không đệm cho cái bi, không, nó hủy diệt cái bi từ trong trứng bằng cách tước mất của các nạn nhân niềm an ủi duy nhất họ còn có thể hy vọng: niềm an ủi nằm trong sự cao cả (có thật hay giả định) của tấn bi kịch. Viên kỹ sư đã mất tổ quốc của mình và tất cả cử tọa cười ồ lên.


3

Trong lịch sử hiện đại có những thời kỳ mà cuộc sống giống hệt như trong các tiểu thuyết của Kafka.

Hồi tôi còn sống ở Praha, bao nhiêu lần tôi đã nghe người ta gọi tòa nhà Ban Bí thư Ðảng (một ngôi nhà xấu xí và hiện đại) là “tòa lâu đài”. Bao nhiêu lần tôi đã nghe người ta gọi nhân vật số hai trong Ðảng (một đồng chí Hendrych nào đó) là Klamm (càng thú vị hơn là trong tiếng Séc “klam” có nghĩa là “ảo ảnh” hay “trò bịp”).

Nhà thơ A., một nhân vật cộng sản lớn, bị tù vì một vụ án kiểu Stalin hồi những năm 50. Trong tù, ông viết một tập thơ trong đó ông tuyên bố lòng trung thành của mình đối với chủ nghĩa cộng sản bất chấp tất cả những điều ghê rợn ông đã phải chịu đựng. Không phải vì hèn nhát. Nhà thơ coi sự trung thành của mình (trung thành với những tên đao phủ của mình) là dấu hiệu đức hạnh của ông, sự cương trực của ông. Những người dân thành Praha biết tập thơ đó và đặt cho nó cái tên mỉa mai thật hay là: Lòng biết ơn của Joseph K.

Những hình tượng, những tình huống, cả những câu chính xác rút ra từ các tiểu thuyết của Kafka, tham gia vào đời sống thành Praha.

Tuy nhiên sự khẳng định đó cần được chữa lại: chất Kafka không phải là một khái niệm xã hội học hay chính trị học. Người ta đã cố giải thích các tiểu thuyết của Kafka như là một sự phê phán xã hội công nghiệp, phê phán sự bóc lột, sự tha hóa đạo đức tư sản, tóm lại, phê phán chủ nghĩa tư bản. Nhưng trong thế giới của Kafka, gần như không hề tìm thấy những gì làm nên chủ nghĩa tư bản. Không có đồng tiền và quyền lực của nó, không có thương mại, không có quyền sở hữu và những kẻ sở hữu, không có giai cấp.

Chất Kafka không tương ứng với định nghĩa về chủ nghĩa toàn trị. Trong các tiểu thuyết của Kafka, không có đảng, hệ tư tưởng của nó và từ vựng của nó, không có chính trị, không có cảnh sát, không có quân đội.

Hình như đúng hơn là chất Kafka biểu hiện một khả năng sơ đẳng của con người và thế giới của nó, khả năng không được xác định về mặt lịch sử, nó theo đuổi con người gần như vĩnh hằng.

Nhưng giải thích đó không làm mất đi câu hỏi: vì sao ở Praha các tiểu thuyết của Kafka đã có thể trộn lẫn với cuộc sống, và tại sao ở Paris cũng những cuốn tiểu thuyết ấy lại có thể được tiếp nhận như là biểu hiện bí hiểm thế giới riêng biệt chủ quan của tác giả? Ðiều đó có nghĩa là cái tiềm năng trong con người và thế giới của nó mà ta gọi là chất Kafka dễ dàng trở thành những số phận cụ thể ở Praha hơn là ở Paris chăng?

Có những xu hướng trong lịch sử hiện đại tạo nên chất Kafka tầm cỡ xã hội lớn: sự tập trung dần dần quyền lực hướng đến sự tự thần thánh hóa; sự quan liêu hóa hoạt động xã hội biến tất cả các cơ quan thành những mê cung bất tận; sự phi cá tính hóa cá nhân là kết quả của tình trạng trên.

Các Nhà nước toàn trị tập trung cực độ các xu hướng đó đã làm nổi bật những quan hệ chặt chẽ giữa các tiểu thuyết của Kafka với cuộc sống thực. Song nếu ở phương Tây người ta không nhìn thấy mối liên hệ đó, đấy không phải chỉ vì cái xã hội gọi là dân chủ ít chất Kafka hơn xã hội Praha hôm nay. Tôi tưởng còn là vì ở đây người ta đã đánh mất, một cách không tránh được, cảm giác về cái có thật.

Bởi vì xã hội gọi là dân chủ cũng từng biết quá trình phi cá tính hóa và quan liêu hóa; cả hành tinh đã trở thành sân khấu của quá trình ấy. Các tiểu thuyết của Kafka là một thứ ngoa dụ như trong chiêm bao và tưởng tượng về tình trạng đó; nhà nước toàn trị là một thứ ngoa dụ nôm na và vật chất của nó.

Nhưng vì sao Kafka lại là nhà tiểu thuyết đầu tiên nắm bắt được những xu hướng đó kỳ thực chỉ diễn ra trên sân khấu lịch sử, sáng rõ và dữ dằn nhất, sau khi ông đã chết?


4

Nếu ta không muốn bị lừa vì những sự phỉnh phờ và những truyền thuyết, ta không tìm thấy một dấu vết quan trọng nào cả về những mối quan tâm chính trị của Franz Kafka. Về mặt đó, ông khác tất cả những người bạn thành Praha của ông, Max Brod, Fran Werfel, Egon Erwin Kisch, cũng như tất cả những nhà tiền phong chủ nghhĩa, tự cho là biết được ý nghĩa của lịch sử, thích gợi lên diện mạo của tương lai. Tại sao không phải tác phẩm của họ, mà lại chính là tác phẩm của người bạn đường cô đơn của họ, lạc loài và chỉ chăm chú vào cuộc sống riêng của mình và vào nghệ thuật của mình, ngày nay đã trở thành một thứ tiên tri chính trị - xã hội và, do đó, bị cấm trên một bộ phận lớn của hành tinh?

Tôi đã nghĩ đến điều bí ẩn đó một hôm sau khi được chứng kiến cái cảnh này ở nhà một bà bạn già. Bà bạn này, hồi những vụ án kiểu Stalin ở Praha năm 1951, đã bị bắt và xử vì những tội ác bà không hề phạm. Thời ấy, hàng trăm người cộng sản đã rơi vào hoàn cảnh giống như bà. Suốt đời, họ hoàn toàn đồng nhất cuộc đời họ với Ðảng của họ. Khi Ðảng đột nhiên trở thành kẻ kết tội họ, họ đã chấp nhận, đúng như Joseph K., “xem xét lại toàn bộ cuộc đời mình cho đến những chi tiết nhỏ nhất” để tìm cho ra tội lỗi che giấu trong đó và, cuối cùng, thú nhận những tội ác tưởng tượng. Bà bạn tôi đã sống sót nhờ lòng dũng cảm phi thường của mình, bà đã không chịu làm như tất cả các đồng chí của mình, như nhà thơ A., “tự đi tìm tội lỗi của mình”.

Từ chối tiếp tay cho bọn đao phủ của mình, bà đã chẳng có ích gì cho cảnh tượng vụ án kết cục. Cho nên, thay vì bị treo cổ, bà chỉ bị tù chung thân. Mười lăm năm sau, bà được phục hồi danh dự hoàn toàn và thả ra.

Bà bị bắt khi con trai bà mới một tuổi. Khi bà ra tù, cậu ta đã 16, và bà đã có được niềm hạnh phúc hai mẹ con sống cùng nhau trong một cảnh cô đơn khiêm nhường. Bà yêu con mê mẩn, chẳng có gì là lạ. Một hôm, lúc cậu con trai bà đã 26 tuổi, tôi đến thăm họ. Tôi thấy bà mẹ khóc, vì bất bình, giận hờn. Nguyên do chẳng có gì đáng kể: buổi sáng cậu con trai dậy muộn quá, hay một chuyện gì đó kiểu như vậy. Tôi bảo bà: “Việc gì phải giận hờn vì chuyện vặt vãnh như thế? Ðáng gì đâu mà khóc! Bà cường điệu quá đấy!”

Cậu con trai bà trả lời tôi, thay mẹ: “Không, mẹ cháu không cường điệu đâu. Mẹ cháu là một người phụ nữ tuyệt vời và dũng cảm. Mẹ đã biết kháng cự chính ở nơi mà mọi người đã chịu thua. Mẹ muốn cháu trở thành một con người trung thực. Ðúng là cháu đã dậy quá muộn, nhưng điều mẹ cháu chê trách cháu là một cái gì đó còn sâu xa hơn nhiều. Ðấy là ứng xử của cháu. Ứng xử ích kỷ của cháu. Cháu muốn được đúng như mẹ cháu mong muốn ở cháu. Và cháu xin hứa điều đó với mẹ cháu trước mặt bác.”

Ðiều Ðảng đã không thể nào làm được với người mẹ, người mẹ đã làm được với con trai mình. Bà đã buộc nó phải tự đồng nhất mình với lời buộc tội ngu ngốc, phải “tự tìm ra tội lỗi của mình”, phải thú tội công khai. Tôi đã kinh ngạc đứng nhìn cái vụ án kiểu Stalin mini ấy, và tôi lập tức hiểu ra rằng những cơ chế tâm lý vận hành bên trong những biến cố lịch sử lớn (có vẻ không thể tin được và thật phi nhân) cũng chính là những cơ chế chi phối các hoàn cảnh riêng tư (hoàn toàn tầm thường và vô cùng con người).


5

Bức thư nổi tiếng mà Kafka đã viết và đã không bao giờ gửi cho bố ông chứng minh khá rõ ràng chính là từ trong gia đình, trong mối quan hệ giữa đứa con và quyền lực được thần thánh hóa của bố mẹ, mà Kafka đã rút ra được hiểu biết của ông về cái cơ chế nhận tội đã trở thành một trong những chủ đề lớn trong các tiểu thuyết của ông. Trong Bản án, truyện ngắn có quan hệ chặt chẽ với kinh nghiệm gia đình của tác giả, người bố kết tội đứa con trai của mình và ra lệnh cho nó phải nhảy xuống sông tự vẫn. Người con nhận cái tội tưởng tượng của mình và đi nhảy xuống sông cũng ngoan ngoãn như, sau này, kẻ nối nghiệp cậu ta là Joseph K. bị một cơ quan bí hiểm nào đó kết tội, đi đến chỗ cho người ta cắt cổ. Sự giống nhau giữa hai lần buộc tội, hai lần nhận tội và hai cuộc hành quyết bộc lộ tính liên tục trong các tác phẩm của Kafka, nối liền “chủ nghĩa toàn trị” riêng tư trong gia đình với chủ nghĩa toàn trị của những ảo ảnh xã hội to lớn.

Xã hội toàn trị, nhất là trong những biến thái cực đoan của nó, có khuynh hướng xóa bỏ ranh giới giữa cái công cộng và cái riêng tư; quyền lực ngày càng trở nên bí hiểm đòi hỏi cuộc sống của mọi công dân phải rõ ràng không chê vào đâu được.

Người ta rất thường nói rằng các tiểu thuyết của Kafka biểu lộ mong muốn say mê cộng đồng và sự tiếp xúc với con người; có vẻ như sinh linh bị mất gốc là anh chàng K. chỉ có một cứu cánh duy nhất: vượt lên sự trừng phạt phải chịu cô đơn của mình. Song, lối giải thích đó không chỉ là một thứ sáo rỗng, một sự làm giảm ý nghĩa, mà còn là một cách hiểu sai.

Gã nhân viên đo đạc K. không hề đi tìm những con người và hơi ấm của họ, anh ta không muốn trở thành “con người giữa những con người” như Oreste của Sartre; anh muốn được thu nhận không phải bởi một cộng đồng, mà bởi một cơ quan. Ðể đạt được điều đó, anh phải trả giá đắt: anh phải từ bỏ sự cô đơn. Và đây là địa ngục của anh: anh không bao giờ được ở một mình, hai viên phụ tá do tòa lâu đài phái tới bám theo anh liên tục. Ngồi trên quầy cà phê nhìn xuống cặp tình nhân, chúng dự vào hành động làm tình đầu tiên của anh với Freida, và từ lúc đó không rời khỏi giường ngủ của hai người nữa.

Không phải là sự trừng phạt phải chịu cô đơn, mà là sự cô đơn bị cưỡng hiếp, đấy là ám ảnh của Kafka.

Karl Rossmann không ngừng bị mọi người quấy rầy: người ta bán quần áo của anh; người ta lấy mất của anh tấm ảnh duy nhất có hình bố mẹ anh; trong nhà ngủ, cạnh giường anh, bọn trẻ đấm bốc và, thỉnh thoảng, ngã cả vào anh; Robinson và Delamarche, hai gã lưu manh, buộc anh phải sống chung với vợ chồng chúng, đến nỗi những tiếng thở dài của mụ Brunelda béo ụ vang đến tận trong giấc ngủ của anh.

Câu chuyện về Joseph K. khởi đầu cũng chính bằng cảnh riêng tư bị xâm phạm: hai gã lạ mặt đến bắt anh ngay trên giường ngủ. Từ hôm đó, anh không còn cảm thấy một mình nữa: tòa án sẽ bám đuổi anh, theo dõi anh và nói với anh; cuộc sống riêng tư của anh cứ biến mất dần, rồi sẽ bị nuốt chửng bởi cái cơ quan bí hiểm vây dồn anh.

Những tâm hồn trữ tình thích rao giảng về sự xóa bỏ những bí mật và ca ngợi sự rõ ràng của cuộc sống riêng tư không hiểu được cái quá trình mà họ đang bậm vào đó sẽ đưa đến đâu. Ðiểm xuất phát của chủ nghĩa toàn trị giống như điểm xuất phát của Vụ án: người ta sẽ đến tóm cổ anh ngay tại giường ngủ của anh. Họ đến đấy hệt như bố anh và mẹ anh vẫn thích làm vậy.

Người ta thường tự hỏi không biết các tiểu thuyết của Kafka có phải là phản ánh những xung đột rất cá nhân và riêng tư của tác giả, hay là sự mô tả “guồng máy xã hội” khách quan.
Chất Kafka không tự giới hạn cả trong lĩnh vực riêng tư lẫn trong lĩnh vực công cộng; nó bao gộp cả hai. Cái công cộng là tấm gương chiếu của cái riêng tư, cái riêng tư phản ánh cái công cộng.


6

Khi nói đến những lĩnh vực xã hội đã tạo ra chất Kafka, tôi không chỉ nghĩ đến gia đình, mà còn nghĩ đến một tổ chức khác ở đó Kafka đã trải qua cuộc đời thanh niên của ông: cái công sở.

Người ta thường giải thích các nhân vật của Kafka như là phản ánh có tính phúng dụ của người trí thức, nhưng Grégore Samsa chẳng có chút gì là một nhà trí thức. Khi anh thức dậy và thấy mình biến thành con gián, anh chỉ có một nỗi lo: làm thế nào, trong tình trạng mới này, đến công sở cho kịp giờ? Trong đầu anh chỉ có sự phục tùng và tính kỷ luật mà nghề nghiệp của anh đã làm cho anh quen: anh là một người làm công, một viên chức, và tất cả các nhân vật của Kafka đều là vậy; viên chức không phải được quan niệm như một hình mẫu xã hội học (sẽ là như vậy ở Zola), mà như một khả năng nhân loại, một cách tồn tại sơ đẳng.

Trong thế giới quan liêu của người viên chức, thứ nhất, không có sáng kiến, phát minh, tự do hành động, chỉ có các mệnh lệnh và quy tắc: đấy là thế giới của sự phục tùng. Thứ hai, người viên chức thực thi một bộ phận nhỏ của một hoạt động hành chính lớn mà mục đích và phạm vi ở ngoài tầm biết của anh ta: đấy là thế giới ở đó các cử động trở thành máy móc và không ai hiểu ý nghĩa những gì mình làm. Thứ ba, người viên chức chỉ làm việc với những kẻ vô danh và với các hồ sơ: đấy là thế giới của các trừu tượng.

Ðặt một cuốn tiểu thuyết vào trong cái thế giới của sự phục tùng, của máy móc và của trừu tượng, ở đó phiêu lưu duy nhất của con người là đi từ bàn giấy này sang bàn giấy khác, đấy là điều có vẻ ngược lại với chính bản chất của chất thơ sử thi. Từ đó nảy ra câu hỏi: làm sao Kafka lại có thể biến cái chất liệu phản thi ca xám xịt ấy thành những tiểu thuyết mê hồn?

Ta có thể tìm thấy câu trả lời trong một bức thư ông viết cho Milena: “Công sở không phải là một cơ quan ngớ ngẩn đâu; nó thuộc về cái hư ảo hơn là cái ngớ ngẩn”. Câu đó chứa đựng một trong những bí mật lớn nhất của Kafka. Ông đã biết nhìn thấy cái không ai thấy: không chỉ tầm quan trọng cơ bản của hiện tượng quan liêu chủ nghĩa đối với con người, với thân phận của nó và với tương lai của nó, mà (điều này còn đáng ngạc nhiên hơn) cả cái tiềm năng chất thơ ẩn chứa trong tính cách ma quái của các công sở.

Nhưng “công sở thuộc về cái hư ảo” nghĩa là thế nào?

Viên kỹ sư thành Praha sẽ hiểu được điều đó: một lầm lẫn trong hồ sơ của anh đã bắn anh sang Luân Ðôn; như vậy anh đã lang thang ở Praha, là một bóng ma thật sự, đi tìm cái xác đã mất, còn những công sở mà anh đã tìm đến đối với anh trông như một mê cung bất tận thuộc một thần thoại xa lạ nào đó.

Nhờ cái hư ảo mà ông đã nhận ra trong thế giới quan liêu chủ nghĩa, Kafka đã có thể làm được điều trước ông khó tưởng tượng nổi: biến một chất liệu phản thơ một cách sâu sắc, thành chất thơ lớn của tiểu thuyết; biến một câu chuyện cực kỳ nhạt nhẽo, chuyện một người không thể tìm được cái chức vị đã được hứa hẹn (chính là cốt truyện của Lâu đài) thành huyền thoại, thành sử thi, thành vẻ đẹp chưa từng thấy.

Sau khi đã mở rộng cảnh trí các công sở đến tầm cỡ khổng lồ vũ trụ, Kafka không thể ngờ đã đạt đến hình ảnh làm mê hoặc chúng ta bởi nó giống quá cái xã hội mà ông chưa từng bao giờ biết và đang là xã hội thành Praha ngày nay. Kỳ thật, một xã hội toàn trị chỉ là một cơ quan hành chính mênh mông duy nhất: vì rằng toàn bộ lao động ở đấy đều đã được nhà nước hóa, mọi người thuộc mọi ngành nghề đều trở thành những người làm công. Một công nhân không còn là công nhân, một viên quan tòa không còn là quan tòa, một linh mục không còn là linh mục, tất cả họ đều là viên chức của nhà nước. “Tôi thuộc về tòa án”, vị giáo sỹ đã nói với Joseph K. như vậy, trong thánh đường. Các luật sư cũng thế trông thế giới của Kafka, tất cả đều phục vụ tòa án. Một người dân thành Praha hôm nay chẳng ngạc nhiên gì chuyện đó. Anh ta cũng sẽ chẳng được bào chữa gì tốt hơn K. Các luật sư của anh ta cũng vậy, không phục vụ các bị cáo mà phục vụ tòa án.


7

Trong một bài thơ gồm 100 đoạn tứ tuyệt, viết giản dị đến gần như trẻ con, mà soi thấu đến cái nghiêm trọng nhất và phức tạp nhất, nhà thơ Tiệp vĩ đại viết:

Các nhà thơ không sáng chế ra các bài thơ
Bài thơ nằm đâu đó ở phía sau kia
Lâu lắm rồi nó vẫn ở đó
Nhà thơ chỉ có việc khám phá ra nó.

Như vậy đối với nhà thơ, viết có nghĩa là phá vỡ bức vách ngăn ở phía sau đó một cái gì đấy bất biến (“bài thơ”) bị giấu trong bóng tối. Chính vì vậy (nhờ vào động tác vén màn che kỳ lạ và bất ngờ đó) “bài thơ” hiện ra với chúng ta trước hết như một ánh sáng lòa.

Tôi đọc Lâu đài lần đầu tiên lúc tôi 14 tuổi, và về sau không bao giờ cuốn sách ấy khiến tôi sung sướng đến thế, dầu bấy giờ tôi không thể hiểu được tất cả tri thức mênh mông chứa đựng trong đó (tất cả tầm quan trọng thực sự của chất Kafka): hồi đó tôi bị chói lòa.

Về sau mắt tôi đã quen với nguồn sáng của “bài thơ” và tôi bắt đầu nhận ra trong cái đã khiến tôi bị chói lòa những trải nghiệm của chính tôi; tuy nhiên, nguồn sáng vẫn còn đấy mãi.

Bất biến, “bài thơ” chờ đợi chúng ta, Jan Skacel nói, “từ rất lâu rồi”. Song trong cái thế giới biến đổi không ngừng, cái bất biến phải chăng chỉ là thuần túy ảo ảnh?

Không. Mọi tình huống đều là bản chất của con người và chỉ có thể chứa đựng cái gì có trong con người; như vậy người ta có thể hình dung rằng nó tồn tại (nó và tất cả chất siêu hình học của nó) “từ rất lâu rồi” với tư cách là khả năng của con người.

Nhưng trong trường hợp đó, lịch sử (cái không - bất biến) là gì đối với nhà thơ?

Trong mắt nhà thơ, lịch sử, lạ thay, nằm trong một tư thế song song với chính nó: nó không sáng chế, nó khám phá. Bằng những tình huống chưa từng thấy, nó bóc trần con người là gì, cái gì nằm sẵn trong nó “từ rất lâu rồi”, đâu là những khả năng của nó.
Nếu “bài thơ” đã nằm sẵn ở đó rồi, sẽ là phi lý khi ban cho nhà thơ năng lực dự báo; không, anh ta “chỉ khám phá” một khả năng của con người (cái “bài thơ” ấy “đã nằm sẵn ở đấy từ rất lâu rồi”) mà lịch sử đến lượt nó, cũng sẽ khám phá ra một ngày nào đó.

Kafka không tiên tri. Ông chỉ thấy cái “ở đằng sau kia”. Ông không biết rằng cảm nhận của ông cũng là một tiên cảm. Ông không có ý định lột mặt nạ một chế độ xã hội. Ông đã đưa ra ánh sáng những cơ chế mà ông biết trong hoạt động riêng tư và vi - xã hội của con người, không ngờ rằng sự tiến hóa về sau của lịch sử lại làm chuyển động chúng lên sân khấu lớn của nó. Cái nhìn thôi miên của quyền lực, cuộc đi tìm tuyệt vọng tội lỗi của chính mình, sự loại trừ và nỗi kinh hoàng bị loại trừ, tội buộc phải xu thời, tính chất hư ảo của cái thật và thực tại ma thuật của hồ sơ, sự xâm phạm thường xuyên đời sống riêng tư v.v..., tất cả những trò thí nghiệm đó mà lịch sử đã thực hiện với con người trong những ống nghiệm khổng lồ, Kafka đã thực hiện chúng (vài năm sớm hơn) trong các tiểu thuyết của ông.

Sự gặp gỡ giữa thế giới thực của các Nhà nước toàn trị với “bài thơ” của Kafka sẽ còn giữ mãi một chút gì đó bí mật, và nó sẽ chứng tỏ hành động của nhà thơ, từ ngay trong bản chất của nó, là không toan tính được; và ngược đời: tầm quan trọng khổng lồ về mặt xã hội, chính trị, “tiên tri” của các tiểu thuyết Kafka nằm chính ngay trong tính chất “không dấn thân” của chúng.

Quả vậy, nếu, thay vì đi tìm “bài thơ” giấu “đâu đó sau kia”, nhà thơ “dấn thân” phục vụ một chân lý đã biết trước (nó tự hiến thân cho anh ta và nằm đó “ở trước mặt”) như thế anh sẽ từ bỏ sứ mệnh riêng của thơ. Và chẳng quan trọng bao nhiêu cái việc chân lý tiên định có tên là gì, là đức tin cơ đốc giáo hay là vô thần, là đúng nhiều hơn hay là đúng ít hơn; nhà thơ phục vụ một chân lý khác với cái chân lý phải khám phá (nó là chói lòa).

Nếu tôi tha thiết nồng nhiệt đến thế với di sản của Kafka, nếu tôi bảo vệ nó như là tài sản của chính mình, không phải là tôi thấy cần bắt chước cái không thể bắt chước được (và khám phá thêm một lần nữa chất Kafka) mà vì tấm gương tuyệt vời về tính tự trị triệt để của tiểu thuyết (của cái chất thơ có tên là tiểu thuyết). Nhờ nó, Franz Kafka đã nói về thân phận con người của chúng ta (như nó biểu hiện ra trong thế kỷ này) điều mà không một suy tưởng xã hội học hay chính trị học nào có thể nói được với chúng ta.
Nguồn: Milan Kundera, tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch từ tiếng Pháp, Nxb Văn Hoá Thông Tin và Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Ná»™i 2001. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.