Phần thứ sáu
BẢY MƯƠI BA TỪ
Năm 1968 và 1969, cuốn Lời đùa cợt
được dịch ra tất cả các ngôn ngữ phương Tây. Nhưng thật bất ngờ! Ở Pháp, người dịch đã viết lại cuốn tiểu thuyết bằng cách trang trí văn phong của tôi. Ở Anh, nhà xuất bản đã cắt tất cả các đoạn suy tưởng, loại bỏ các chương nói về âm nhạc, thay đổi thứ tự các phần, tổ chức lại cuốn tiểu thuyết. ở một nước khác, tôi gặp người dịch cuốn sách của tôi: ông không biết một từ Séc nào. “
Vậy ông dịch thế nào?”
Ông trả lời: “
Bằng trái tim của tôi”
, và đưa cho tôi xem tấm ảnh tôi mà ông lấy từ trong ví ra. Ông ta đáng yêu đến mức tôi đã suýt tin rằng người ta có thể dịch bằng một thứ thần giao cách cảm của con tim. Tất nhiên, đơn giản hơn: ông đã dịch từ bản viết lại bằng tiếng Pháp, cũng như người dịch ở Achentina.
Một nước khác: người ta đã dịch từ tiếng Séc. Tôi mở cuốn sách và tình cờ đọc đoạn độc thoại của Helena. Các câu dài, mỗi câu ở cuốn sách của tôi chiếm hết cả một tiết, được chia ra thành vô số câu đơn giản... Cú sốc do các bản dịch cuốn Lời đùa cợt
gây ra còn để lại dấu vết mãi trong tôi. May thay về sau tôi đã gặp được những người dịch trung thành hơn... Tuy nhiên, đối với tôi là kẻ thực tế không còn có công chúng Séc, các bản dịch là tất cả. Vì vậy vài năm gần đây, cuối cùng tôi đã quyết định lập lại trật tự trong các lần xuất bản bằng tiếng nước ngoài các cuốn sách của tôi. Chẳng phải không có xung đột và không mệt: đọc, kiểm tra, xem lại các tiểu thuyết của tôi, cũ và mới, trong ba hay bốn thứ tiếng nước ngoài mà tôi đọc được đã chiếm hết trọn cả một giai đoạn trong đời tôi...
Anh chàng tác giả ra sức canh giữ các bản dịch tiểu thuyết của mình chạy đuổi theo vô số các từ giống như một gã chăn cừu chạy theo một đàn cừu hoang; hình ảnh thật đáng buồn đối với chính anh ta, đáng buồn đối với cả những người khác. Tôi ngờ rằng bạn tôi Pierre Noza, giám đốc tờ tập san Tranh luận
đã thấy rất rõ cái tình cảnh cuộc sống chăn cừu khôi hài của tôi. Một hôm, với một sự đồng cảm lộ liễu, anh nói với tôi: “
Thôi hãy quên những day dứt của anh và viết cho tôi một cái gì đi. Các bản dịch đã buộc anh phải suy nghĩ về từng từ của anh. Vậy thì hãy viết cuốn tự điển cá nhân của anh đi. Cuốn tự điển các tiểu thuyết của anh. Các từ - chìa khoá, các từ - vấn đề, các từ - yêu của anh...”
Tôi đã làm xong rồi, đây này [1] .
ẩn dụ (métaphore)
Tôi không thích chúng nếu chúng chỉ là một thứ trang trí. Và tôi không chỉ nghĩ đến các hình ảnh sáo mòn như “bức thảm xanh của một bãi cỏ”, mà cả, chẳng hạn như khi Rilke viết: ”Cái cười rỉ ra ở miệng họ như những vết thương mưng mủ”. Hoặc: “Lời cầu khấn của anh ta đã rơi rụng hết lá và mọc lên trên miệng anh ta như một cái cây con đã chết”. (
Tập san của Malte Laurids Brigge) (Theo tôi, Kafka, từ chối rõ ràng các ẩn dụ, là cố ý chống lại cá nhân Rilke.) Trái lại, tôi thấy không gì thay thế được ẩn dụ trong vai trò là phương tiện để nắm bắt, trong một phát lộ bất ngờ, bản chất không thể nắm bắt được của các sự vật, các tình thế, các nhân vật. Ẩn dụ - định nghĩa. Chẳng hạn, ở Broch, ẩn dụ về thái độ hiện sinh của Esch: “Anh thích sự sáng rõ rành mạch: anh muốn tạo ra một thế giới giản dị một cách sáng rõ đến mức niềm cô đơn của anh có thể được buộc vào sự sáng rõ đó như buộc vào một cây cột sắt” (
Những kẻ mộng du). Quy tắc của tôi: rất ít ẩn dụ trong một cuốn tiểu thuyết; nhưng các ẩn dụ này phải là những đỉnh cao nhất.
biên giới (frontière)
“Chỉ cần một chút, một chút xíu vô cùng nhỏ bé thôi là đã có thể chuyển sang bên kia biên giới rồi nơi chẳng còn có gì có ý nghĩa nữa: tình yêu, những niềm xác tín, đức tin, lịch sử. Toàn bộ bí ẩn của cuộc sống con người là ở chỗ nó diễn ra sát rạt bên cạnh, thậm chí tiếp giáp trực tiếp với các biên giới đó, không phải cách xa hàng cây số, mà chỉ có một milimet...” (
Sách cười và lãng quên)
bút danh (pseudonyme)
Tôi mơ tưởng một thế giới trong đó các nhà văn sẽ bị pháp luật bắt buộc phải giữ bí mật lý lịch của mình và phải dùng bút danh. Ba điều lợi: hạn chế cơ bản chứng cuồng viết; giảm thiểu sự gây gổ trong văn học; mất hẳn cái lối giải thích tác phẩm bằng tiểu sử nhà văn.
các con chữ (caractères)
Người ta in các cuốn sách với những con chữ ngày càng nhỏ. Tôi hình dung ra cảnh kết thúc của văn học: dần dần, chẳng ai nhận ra, các con chữ cứ nhỏ dần đi cho đến khi hoàn toàn không còn nhìn thấy gì nữa hết.
cái cười (của châu Âu) (rire (européen))
Ðối với Rabelais, cái vui và cái hài còn là một. Ðến thế kỷ XVIII, cái hài hước của Sterne và của Diderot là một kỷ niệm êm đềm và buồn nhớ về niềm vui kiểu Rabelais. Sang thế kỷ XIX, Gogol là một nhà hài hước “buồn”. Ông bảo: “Nếu ta nhìn chăm chú và thật lâu một câu chuyện buồn cười, nó càng lúc càng trở nên buồn hơn.” Châu Âu đã nhìn câu chuyện buồn cười của sự tồn tại của chính mình trong một thời gian dài cho đến nỗi, sang thế kỷ XX, thiên sử thi vui của Rabelais đã chuyển thành vở hài kịch tuyệt vọng của Ionesco, là người đã nói rằng: “Từ cái ghê rợn đến cái hài có bao nhiêu đâu.” Câu chuyện của châu Âu về cái cười đã đến hồi kết thúc.
chảy (couler)
Trong một bức thư, Chopin mô tả những ngày ông ở Anh. Ông chơi trong các phòng khách và các quý bà bao giờ cũng biểu lộ niềm hứng khởi của mình bằng một câu: “Ôi đẹp quá chừng! Cứ như là nước chảy vậy!” Chopin khó chịu vì chuyện đó, cũng giống như tôi khi tôi nghe người ta khen một bản dịch cũng bằng cái lối đó: “Thật trôi chảy” hoặc “Cứ như là do một người Pháp viết vậy”. Nhưng đọc Hemingway như là một nhà văn Pháp, là đọc rất tồi! Không thể tưởng tượng được văn phong của ông ở một nhà văn Pháp! Roberto Calasso, người xuất bản sách của tôi bằng tiếng Ý nói: Người ta nhận ra một bản dịch tốt không phải ở sự trôi chảy của nó mà là ở những thể thức khác thường và độc đáo mà người dịch đã có cam đảm giữ nguyên và bảo vệ.
châm ngôn (aphorisme)
Từ từ Hy Lạp
aphorimos có nghĩa là “định nghĩa”. Châm ngôn: hình thức có tính thơ của sự định nghĩa. (Xem:
định nghĩa.)
châu Âu (Europe)
Thời Trung Cổ, sự thống nhất của châu Âu dựa trên tôn giáo chung. Thời Hiện Ðại, tôn giáo nhường chỗ cho văn hóa (cho sự sáng tạo văn hóa) đã trở thành thành tựu của các giá trị tối cao qua đó những người châu Âu nhận ra nhau, tự định nghĩa, tự xác định nhau. Song, ngày nay, đến lượt văn hóa nhường chỗ của nó. Nhưng cho cái gì và cho ai? Ðâu là lĩnh vực nơi những giá trị tối thượng có khả năng thống nhất được châu Âu có thể được thực hiện? Những kỳ tích kỹ thuật chăng? Thị trường chăng? Hay là chính trị với lý tưởng về dân chủ, với nguyên lý khoan dung? Nhưng đức khoan dung ấy, nếu nó không bảo vệ cho một sáng tạo phong phú hay một tư tưởng mạnh mẽ nào cả, thì nó có trở thành trống rỗng và vô ích không? Hay có thể xem tình trạng thoái lui của văn hóa là một sự giải thoát khiến ta có thể sảng khoái buông xuôi? Tôi chẳng hiểu gì sất. Tôi chỉ biết rằng văn hóa đã từ bỏ vị trí của mình rồi. Và như vậy, hình ảnh của bản sắc châu Âu đang lùi xa vào quá khứ. Người châu Âu, đó là con người đang tiếc nhớ châu Âu.
chủ nghĩa giới tinh hoa (élitisme)
Từ chủ nghĩa giới tinh hoa chỉ xuất hiện trong tiếng Pháp từ năm 1967, từ người theo chủ nghĩa giới tinh hoa năm 1968. Lần đầu tiên trong lịch sử, tự chính ngôn ngữ phủ lên khái niệm giới tinh hoa một thứ ánh sáng tiêu cực nếu không phải là khinh bỉ.
Tuyên truyền chính thức trong các nước cộng sản bắt đầu đả kích chủ nghĩa giới tinh hoa và những người theo chủ nghĩa giới tinh hoa cùng một lúc. Qua những từ đó, nó không nhằm vào những người chủ xí nghiệp, những nhà thể thao nổi tiếng hay những nhà chính trị, mà chỉ nhằm riêng vào giới tinh hoa văn hóa, triết học, nhà văn, giáo sư, triết gia, sử gia, những người làm điện ảnh và sân khấu.
Một sự đồng bộ kỳ lạ. Nó khiến ta nghĩ rằng ở toàn bộ châu Âu giới tinh hoa văn hóa đang nhường chỗ cho những giới tinh hoa khác. Bên kia, là cho giới tinh hoa của bộ máy cảnh sát. Bên này, là giới tinh hoa trong các phương tiện thông tin đại chúng. Các giới tinh hoa mới, sẽ chẳng ai lên án họ về cái tội chủ nghĩa giới tinh hoa cả. Như vậy, từ chủ nghĩa giới tinh hoa nay mai sẽ rơi vào lãng quên.
chủ nghĩa trữ tình (và cách mạng) (lyrisme (et révolution))
“Chủ nghĩa trữ tình là một cơn say và con người say để tự hòa mình dễ dàng hơn vào thế giới. Cách mạng không muốn người ta nghiên cứu và quan sát nó, nó muốn người ta gắn liền với nó; chính trong ý nghĩa đó nó là trữ tình và chủ nghĩa trữ tình cần thiết cho nó.” (
Cuộc sống ở mãi ngoài kia) “Bức tường, đằng sau đó giam cầm những người đàn ông và những người đàn bà, hoàn toàn được phủ bằng những câu thơ, và trước những bức tường đó người ta nhảy múa. Không đâu, không phải là một điệu nhảy tử thần. Ở đây chính là sự ngây thơ nhảy múa! Sự ngây thơ với nụ cười đầy máu của nó.” (
Cuộc sống ở mãi ngoài kia)
chuỗi lải nhải (litanie)
Lặp lại: nguyên lý của kết cấu nhạc. Chuỗi lải nhải: lời nói trở thành âm nhạc. Tôi muốn tiểu thuyết, trong những đoạn suy tưởng, thỉnh thoảng biến thành bài hát. Sau đây là một đoạn chuỗi lải nhải trong cuốn
Lời đùa cợt được kết cấu trên cơ sở từ
nhà mình:
“... và tôi nhận ra rằng trong những bài hát ấy có lối thoát của tôi, dấu hiệu nguyên lai của tôi, nơi nhà mình của tôi mà tôi đã phản bội song nó lại càng là nơi nhà mình của tôi (bởi vì lời than trách thống thiết nhất cất lên từ nơi nhà mình bị phản bội); nhưng cùng lúc tôi hiểu rằng cái nơi nhà mình đó chẳng thuộc về thế giới này (nhưng là nơi nhà mình nào vậy, nếu nó chẳng thuộc về thế giới này?), rằng tất cả những gì chúng ta hát chỉ là một kỷ niệm, một tượng đài, là sự lưu giữ trong tưởng tượng những gì không còn tồn tại nữa và tôi cảm thấy mặt đất nơi nhà mình đó biến mất đi dưới chân tôi và, chiếc kèn gắn trên môi, tôi trôi trượt vào chiều sâu không đáy, và tôi kinh ngạc tự nhủ rằng nơi nhà mình duy nhất của tôi chính là sự đi xuống, sự rơi này đây, tìm kiếm và hau háu, và tôi buông mình vào đó và vào niềm khoái lạc của cơn chóng mặt này.” (Lời đùa cợt, tr.393)
Trong lần xuất bản thứ nhất bằng tiếng Pháp, tất cả những từ lặp lại đều được thay thế bằng những từ đồng nghĩa:
“... và tôi nhận ra rằng trong những khúc hát ấy, tôi đang ở nơi nhà mình, tôi từ đó mà ra, thực thể của nó là dấu hiệu nguyên lai của tôi, là gia đình tôi, mà vì tôi đã phạm phải trọng tội, nó lại càng thuộc về tôi hơn (bởi vì lời than trách thống thiết nhất cất lên từ cái tổ ấm mà ta đã phụ lòng mến yêu); quả là cùng lúc đó tôi đã hiểu ngay tức khắc rằng nó chẳng thuộc về thế giới này (nhưng nó là cái nơi trú ngụ nào vậy, nếu nó không ở nơi cõi trần này?), rằng những tiếng hát và những giai điệu của chúng ta cũng mỏng manh như một kỷ niệm, là tượng đài, là hình tượng tàn tích của một cõi thực hoang đường không còn tồn tại, và tôi cảm thấy nền tảng lục địa của ngôi nhà ấy đang biến mất đi, tôi cảm thấy mình đang trôi trượt, với chiếc kèn trên môi, bị lôi tuột vào cái hố sâu những năm tháng, những thế kỷ, vào một vực thẳm không đáy, rằng cuộc lao xuống đó là nơi trú ngụ duy nhất của tôi, sự rơi này đây, tìm kiếm, hau háu, và thả mình lao trượt, vào niềm khoái trá của cơn chóng mặt này.” (Lời đùa cợt, tr.343)
Các từ đồng nghĩa không chỉ phá hủy giai điệu của văn bản mà cả sự rõ nghĩa của nó. (Xem:
lặp lại)
chứng cuồng viết (graphomanie)
Ðấy không phải là chứng cuồng “viết thư, viết nhật ký, viết những thứ biên niên sử gia tộc (tức là viết cho mình hay cho những người thân của mình), mà là viết sách (tức là có một công chúng những độc giả không quen biết)” (
Sách cười và lãng quên). Không phải là chứng cuồng sáng tạo nên một hình thức mà là áp đặt cái tôi của mình cho những người khác. Là dạng thể hiện lố bịch nhất của ý chí quyền lực.
công khai (Transparence) [2]
Trong diễn từ chính trị và báo chí, từ này có nghĩa là: phơi bày cuộc sống của các cá nhân ra trước cái nhìn của công chúng. Khiến ta nhớ đến André Breton và ý muốn của ông được sống trong một
căn nhà bằng kính trước mắt mọi người. Căn nhà bằng kính: một sự không tưởng xưa cũ và đồng thời là một trong những phương diện kinh khủng nhất của cuộc sống hiện đại. Quy tắc: các sự vụ của Nhà nước càng tù mù bao nhiêu, thì các công việc của cá nhân càng phải công khai bấy nhiêu; chủ nghĩa quan liêu dầu là đại diện của một
việc công lại là
vô danh, bí mật, mã hóa, tối nghĩa, trong khi
con người riêng tư lại buộc phải phơi bày sức khỏe, tài chính, hoàn cảnh gia đình của mình ra, và nếu bản án của các phương tiện thông tin đại chúng đã quyết định như vậy rồi, thì anh sẽ không còn có được một khoảnh khắc riêng tư nào hết cả trong tình yêu, lẫn trong bệnh tật, cả trong cái chết. Ý muốn xâm phạm vào chốn riêng tư của người khác là một hình thức cổ xưa của tính hung hăng, ngày nay được thể chế hóa (chủ nghĩa quan liêu với các phiếu của nó, báo chí với các phóng viên của nó), được chứng thực về mặt đạo đức (quyền được thông tin trở thành quyền thứ nhất trong các quyền con người) và thi vị hóa (bằng cái từ đẹp: công khai).
cộng tác (collabo)
Những tình thế lịch sử luôn luôn mới bóc lộ những khả năng hằng lượng của con người và cho phép ta gọi tên chúng lên. Như từ cộng tác, trong chiến tranh chống phát-xít, đã có thêm một nghĩa mới: tự nguyện phục vụ cho một quyền lực bẩn thỉu. Một khái niệm cơ bản! Làm thế nào mà nhân loại đã có thể bỏ qua nó cho đến tận năm 1944? Một khi đã tìm ra được từ đó, càng ngày người ta càng nhận ra rằng hoạt động của con người có tính chất của một sự cộng tác. Tất cả những kẻ tán dương cái inh ỏi của các phương tiện thông tin đại chúng, cái cười đần độn của quảng cáo, sự quên lãng thiên nhiên, sự xoi mói được đưa lên hàng đức hạnh, cần phải gọi họ là:
những kẻ cộng tác với tính hiện đại.
cuộc sống (viết hoa) (Vie (avec le V en majuscule))
Trong bài văn đả kích các nhà siêu thực
Một xác chết (1924), Paul Eluard nặng lời với thi hài Anatole France: “Bọn đồng loại của ngươi, hỡi xác chết, ta chẳng hề yêu...” v.v. Lời biện bạch sau đó còn đáng chú ý hơn cả cú đá vào quan tài ấy: “Ðiều tôi không còn có thể hình dung mà không ứa nước mắt, là Cuộc sống, ngày nay nó vẫn còn hiện ra đó trong những điều nhỏ nhặt không đáng kể bây giờ chỉ còn dựa vào niềm âu yếm. Hoài nghi, mỉa mai, hèn nhát, hỡi France, tinh thần Pháp là gì vậy? Một cơn gió lãng quên cuốn tôi đi xa tất cả những cái ấy. Có thể tôi chưa từng bao giờ đọc thấy, nhìn thấy một cái gì, nó làm ô nhục Cuộc sống?”
Ðối lập lại với hoài nghi và mỉa mai, Eluard đã đưa ra: những chuyện nhỏ không đáng kể, mắt đẫm lệ, niềm âu yếm, vinh dự của Cuộc sống, vâng, của Cuộc sống viết hoa! Ðằng sau cái cử chỉ chống hình thức chủ nghĩa đầy ấn tượng, là cái tinh thần Kitsch nhạt nhẽo nhất.
cửng lên (bander)
“Cơ thể anh chấm dứt sự kháng cự thụ động của nó. Édouard xúc động!” (
Những mối tình nực cười). Một trăm lần tôi dừng lại, không thỏa mãn, trước từ “xúc động” này. Trong tiếng Séc, Édouard “hưng phấn”. Nhưng cả xúc động lẫn hưng phấn không làm tôi thỏa mãn. Rồi, đột ngột, tôi tìm ra; phải viết là “Édouard cửng lên!” Tại sao ý nghĩ đơn giản đến vậy lại không đến với tôi sớm hơn? Bởi vì từ ấy không có trong tiếng Séc. Ôi xấu hổ làm sao: tiếng mẹ đẻ của tôi không biết cửng lên! Thay vì “cửng lên”, người Séc buộc phải nói: con bòi của anh ta đứng thẳng dậy. Hình ảnh thú vị, nhưng hơi trẻ con. Tuy nhiên nó lại cho ta cái thành ngữ dân gian đẹp đẽ này: “Họ đứng đó, thẳng đơ, như những con bòi.” Trong tinh thần Séc, đầy hoài nghi, thành ngữ đó có nghĩa là: họ đứng đó, sững sờ, tiu nghỉu, lố bịch.
định nghĩa (définition)
Cái nền trầm tưởng của cuốn tiểu thuyết được chống đỡ bởi đôi ba từ trừu tượng. Nếu tôi không muốn rơi vào cái thứ mập mờ ở đó mọi người tưởng mình đã hiểu hết mọi thứ mà chẳng hiểu gì cả, thì không những tôi phải chọn các từ ấy cực kỳ chính xác, mà còn phải định nghĩa đi rồi định nghĩa lại chúng nhiều lần. (Xem: số phận, biên giới, tuổi trẻ, cái nhẹ tênh, trữ tình, phản bội) Dường như đôi khi một cuốn tiểu thuyết chỉ là một cuộc đuổi bắt dài đôi ba định nghĩa cứ lủi trốn.
đồng phục (đồng nhất - hình thức) (uniforme (uni- forme)) [3]
“Bởi vì hiện thực là một con tính đơn điệu có thể diễn dịch thành sơ đồ, cho nên con người cũng phải đi vào sự thống nhất về hình thức nếu nó còn muốn liên hệ với thực tại. Một người không có đồng phục ngày nay là đã gây cảm giác phi thực rồi, giống như một “di vật trong thế giới của chúng ta” (Heidegger,
Vượt quá siêu hình học). Anh nhân viên đo đạc K. không đi tìm một tình hữu ái, mà tuyệt vọng đi tìm một sự đồng nhất - hình thức. Không có sự đồng nhất - hình thức, không có bộ đồng phục viên chức, anh ta không có mối “liên hệ với thực tại”, anh ta gây “cảm giác phi thực”. Kafka là người đầu tiên (trước Heidegger) nắm được sự thay đổi tình thế đó: hôm qua, còn có thể nhận ra trong sự đa dạng hình thức, trong sự thoát ra khỏi bộ đồng phục, một lý tưởng, một cơ hội, một thắng lợi; ngày mai, mất bộ đồng phục sẽ là tai họa tuyệt đối, là bị ném ra khỏi cõi người. Kể từ Kafka, nhờ có những bộ máy lớn tính toán và kế hoạch hóa cuộc sống, sự đồng nhất hóa thế giới đã tiến những bước khổng lồ. Nhưng khi một hiện tượng trở thành phổ quát, thường nhật, có mặt khắp nơi, thì người ta không phân biệt được nó nữa. Trong cơn sảng khoái vì cuộc sống đồng nhất của mình, người ta không còn nhìn thấy bộ đồng phục của mình nữa.
ghét đàn bà (misogyne)
Mỗi chúng ta ngay từ khi mới ra đời đều đã được đối chiếu với một người mẹ và một người cha, với một nữ tính và một nam tính. Và, như vậy, được in dấu bằng một mối quan hệ hài hòa hay đối nghịch với mỗi vế trong hai mẫu gốc đó. Những kẻ ghét giống cái (ghét đàn bà) không chỉ có trong đàn ông mà cả trong đàn bà, và có bao nhiêu kẻ ghét giống cái thì cũng có bấy nhiêu kẻ ghét giống đực (những người đàn ông và đàn bà đối nghịch với
mẫu gốc đàn ông). Những thái độ ấy là những khả năng khác nhau và hoàn toàn hợp pháp của thân phận con người. Ðạo thiện ác nữ quyền chẳng bao giờ đề cập đến vấn đề tính ghét giống đực và biến thói ghét đàn bà thành một lời nguyền rủa đơn thuần. Như vậy người ta đã tránh né nội dung tâm lý học của khái niệm này, là nội dung duy nhất đáng quan tâm.
ghét nghệ thuật (misomuse)
Không có cảm quan nghệ thuật, thì chẳng có gì nghiêm trọng. Người ta có thể không đọc Proust, không nghe Schubert, mà vẫn sống yên ổn. Nhưng kẻ ghét nghệ thuật chẳng chịu sống yên. Hắn cảm thấy bị sỉ nhục vì sự tồn tại của một thứ vượt quá hắn và hắn ghét cái thứ ấy. Có một thứ chủ nghĩa ghét nghệ thuật có tính dân gian cũng như có một thứ chủ nghĩa bài Do Thái dân gian. Các chế độ phát-xít và cộng sản biết lợi dụng cái đó khi họ săn đuổi nghệ thuật hiện đại. Nhưng lại có chủ nghĩa ghét nghệ thuật trí thức, màu mè: nó trả thù nghệ thuật bằng cách cột chặt nghệ thuật vào một mục đích nằm ở bên kia mỹ học. Lý thuyết về nghệ thuật dấn thân: nghệ thuật được coi như là phương tiện của một đường lối chính trị. Các nhà lý thuyết coi một tác phẩm nghệ thuật chỉ là một cái cớ để thực thi một phương pháp (phân tâm học, ký hiệu học, xã hội học, v.v). Ngày tận thế của nghệ thuật: bọn ghét nghệ thuật tự mình đứng ra làm nghệ thuật; lúc ấy cuộc trả thù lịch sử của chúng sẽ hoàn tất.
giá trị (valeur)
Chủ nghĩa cấu trúc những năm 60 đã để vấn đề giá trị trong ngoặc đơn. Tuy nhiên người sáng lập mỹ học cấu trúc luận nói: “ Chỉ có giá trị mỹ học khách quan mới đem đến cho sự phát triển lịch sử của nghệ thuật một ý nghĩa” (Jan Mukarovsky:
Chức năng, chuẩn mực và giá trị mỹ học với tư cách là sự kiện xã hội, Praha, 1934
). Xem xét một giá trị mỹ học có nghĩa là: cố gắng xác định và gọi tên những khám phá, những cách tân, sự soi sáng mới mà một tác phẩm đem lại cho cõi nhân sinh. Chỉ có những tác phẩm được công nhận là giá trị (tác phẩm mà sự cách tân được nhận ra và gọi tên lên) mới có thể trở thành bộ phận của “sự tiến hóa lịch sử của nghệ thuật”, nó không phải là một chuỗi đơn thuần các sự kiện mà một công cuộc đeo đuổi các giá trị. Nếu ta xa rời vấn đề giá trị, chỉ bằng lòng với một mô tả (về chủ đề, về xã hội học, về hình thức) một tác phẩm (một giai đoạn lịch sử, một nền văn hóa v.v.), nếu ta đặt ngang hàng tất cả các nền văn hóa và các hoạt động văn hóa (Bach và nhạc rock, hoạt hình và Proust), nếu phê bình nghệ thuật (chiêm nghiệm về giá trị) không còn tìm được chỗ để biểu đạt, thì “sự tiến hóa lịch sử của nghệ thuật” sẽ mờ tối ý nghĩa đi, đổ sụp xuống, trở thành cái kho chứa mênh mông và vô nghĩa các tác phẩm.
giấu (celer)
Có thể tôi thích từ này vì nó cùng âm vang với từ niêm phong (sceller). Giấu: niêm phong mà không có con dấu; giấu đi bằng cách niêm phong; niêm phong bằng cách giấu đi.
hài (comique)
Tạo cho ta ảo tưởng về sự cao quý của con người, cái bi đem đến cho ta một niềm an ủi. Cái hài thì ác hơn: nó tàn nhẫn phát lộ cho ta cái vô nghĩa của mọi thứ. Tôi nghĩ rằng mọi sự nhân thế đều có cái khía hài của nó - mà, trong một số trường hợp, được nhìn nhận, chấp nhận, khai thác, trong một số trường hợp khác, bị che đi. Những thiên tài chân chính của cái hài không phải là những người làm cho ta cười nhiều hơn cả, mà là những người làm phát lộ một
miền chưa được biết đến của cái hài. Lịch sử bao giờ cũng được xem là một lãnh địa đặc biệt nghiêm túc. Song, lại có cái hài không được biết đến của Lịch sử. Cũng như có cái hài (khó được chấp nhận) của cái giới tính.
hiện đại (là người hiện đại) (moderne (être moderne))
“Mới, mới mới là ngôi sao của chủ nghĩa cộng sản, và ngoài cái đó ra không còn có tính hiện đại nào nữa hết”, năm 1920 nhà tiểu thuyết tiền phong chủ nghĩa lớn người Séc Vladislav Vancura đã viết như vậy. Tất cả thế hệ ông chạy ùa đến với đảng cộng sản để khỏi lỡ mất cơ hội là người hiện đại. Thời suy tàn lịch sử của đảng cộng sản được đóng dấu khi ở đâu đảng cũng “đứng ngoài tính hiện đại”. Bởi “phải tuyệt đối hiện đại”, như Rimbaud đã ra lệnh. Mong muốn là người hiện đại là một thứ mẫu gốc, nghĩa là một mệnh lệnh phi lý, cắm rễ sâu trong chúng ta, một hình thức ngoan cố có nội dung luôn thay đổi và không xác định: hiện đại là cái tự tuyên bố mình là hiện đại và được công nhận là như vậy. Bà mẹ Lejeune trong cuốn
Ferdydurke trưng ra một trong những dấu hiệu của tính hiện đại của mình bằng “lối đi đến buồng vệ sinh một cách ngang nhiên, trong khi xưa kia người ta đi đến đó một cách len lén”. Cuốn
Ferdydurke của Gombrowicz: sự phi lý huyền thoại hóa rực rỡ nhất đối với hình mẫu gốc của cái hiện đại.
hiện đại (nghệ thuật hiện đại; thế giới hiện đại) (moderne (art moderne; monde moderne))
Có một thứ nghệ thuật hiện đại, với một sự ngây ngất
trữ tình, tự đồng nhất mình với thế giới hiện đại. Apollinaire. Tán dương kỹ thuật, mê mẩn tương lai. Cùng với ông ta và tiếp sau ông ta.: Maiakovski, Léger, các nhà vị lai chủ nghĩa, các nhà tiền phong chủ nghĩa. Nhưng đối lập với Apollinaire là Kafka. Thế giới hiện đại như là một chốn mê cung trong đó con người lao tới. Chủ nghĩa hiện đại
phản trữ tình, phản lãng mạn, hoài nghi, phê phán. Cùng với Kafka và sau Kafka: Musil, Broch, Gombrowicz, Ionesco, Fellini... Con người ngày càng dấn thân vào tương lai, thì di sản của “chủ nghĩa hiện đại phản hiện đại” càng to lớn.
hoàng hôn (và người đi xe đạp) (crépuscule (et vélocipédiste)
“Người đi xe đạp (cái từ ấy anh thấy đẹp như một buổi hoàng hôn) ...” (
Cuộc sống ở mãi ngoài kia) Tôi thấy hai thể từ đó thật thần diệu, bởi chúng đến với tôi từ rất xa xôi.
Hoàng hôn, từ được Ovide rất yêu. Người đi xe đạp, một từ đến với chúng ta từ những buổi đầu xa xôi và ngây dại của thời đại kỹ thuật.
hư vô (non - être)
“... cái chết phơn phớt xanh êm dịu như cõi hư vô”. Người ta không thể nói: “phơn phớt xanh như chốn hư không”, bởi vì chốn hư không không phơn phớt xanh. Bằng chứng rằng cõi hư vô và chốn hư không là hai cái khác nhau.
hưng phấn (excitation)
Không phải là thú nhục dục, lạc thú, tình cảm, say mê. Hưng phấn là nền tảng của hứng dục, bí ẩn sâu xa nhất của nó, từ - chìa khóa của nó.
kitsch
Khi viết cuốn
Nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh tôi có khi lo vì đã dùng từ “Kitsch” làm một trong các từ - trụ cột của cuốn tiểu thuyết ấy. Quả vậy, mãi đến gần đây, từ ấy hầu như không được biết đến ở Pháp, hoặc là được biết đến trong một nghĩa đã bị làm nghèo đi rất nhiều. Trong bản dịch ra tiếng Pháp của thiên tiểu luận nổi tiếng của Herman Broch, từ “Kitsch” được dịch là “nghệ thuật tầm tầm”. Một phản nghĩa, bởi vì Broch chứng minh rằng Kitsch là cái khác với một tác phẩm chỉ đơn giản là thị hiếu tồi. Có thái độ Kitsch. Cách ứng xử Kitsch. Nhu cầu Kitsch của
con người - Kitsch (Kitschmensch): đấy là cái nhu cầu tự nhìn mình trong tấm gương dối trá làm đẹp người lên và tự nhận ra mình trong đó với một sự thỏa mãn đầy xúc động. Ðối với Broch, cái Kitsch gắn chặt một cách lịch sử với chủ nghĩa lãng mạn tình cảm thế kỷ XIX. Vì ở Ðức và ở Trung Âu thế kỷ XIX lãng mạn hơn (và ít hiện thực hơn) ở những nơi khác nhiều, nên chính ở đấy đã sinh ra từ Kitsch, đến nay vẫn còn thông dụng. Ở Praha, chúng tôi coi Kitsch là kẻ thù chính của nghệ thuật. Ở Pháp thì không thế. Ở đây, đối lập với nghệ thuật chân chính, là cái giải trí. Ðối lập với nghệ thuật lớn, là nghệ thuật nhẹ, nhỏ. Nhưng về phần tôi, tôi chẳng bao giờ lấy làm khó chịu đối với các tiểu thuyết của Agatha Christie! Ngược lại, Tchaikovski, Rochmaninov, Horowitz chơi trên piano, các bộ phim lớn của Hollywood,
Kramer chống lại Kramer,
Bác sỹ Jivago (ôi Pasternak khốn khổ!), đấy là thứ tôi ghét, một cách sâu sắc, chân thành. Và càng ngày tôi càng khó chịu với cái tinh thần Kitsch hiện diện trong các tác phẩm mà hình thức cố làm ra vẻ hiện đại chủ nghĩa. (Tôi nói thêm: việc Nietzche ghét các “từ xinh xẻo” và các cái “vẻ phô trương” của Victor Hugo chính là sự ghê tởm đối với cái Kitsch khi nó còn chưa hoàn bị.)
[1]Chương này được viết như một cuốn từ điển nhỏ. Các mục từ được sắp xếp theo thứ tự trong vần tiếng Pháp. (Cuốn sách này được viết trực tiếp bằng tiếng Pháp.) Trong bản dịch tiếng Việt này, chúng tôi xếp lại các mục từ theo vần tiếng Việt.
Có những từ được tác giả xem xét cả về mặt âm vang của chúng. Ðể bạn đọc có thể phần nào hình dung được ý tứ của tác giả, sau từng tên mục từ dịch ra tiếng Việt, chúng tôi ghi thêm nguyên văn tiếng Pháp.
[2]Còn có thể dịch là trong suốt.
[3]Ở đây tác giả chơi chữ, bằng cách tách từ đồng phục (uniforme) ra thành hai phần uni (đồng nhất) và forme (hình thức).