© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
11.10.2004
Nguyễn Viện
Tôi đang đứng đúng «điểm rơi» của lịch sử
Pierre Bùi thực hiện
 
Pierre Bùi (PB): Xin chào nhà văn Nguyễn Viện. Ðể không mất thì giờ quí báu của ông, xin đi ngay vào đề: Nhân đầu thế kỷ mới, cũng là thiên niên kỷ mới, quần chúng văn học của chúng ta còn đang mơ ngóng một ngôi sao lạ, song ai nấy chưa kịp định thần thì đã thấy lù lù xuất hiện một bên, chiếu thơ, là nhóm Mở Miệng, còn bên kia, chiếu văn, là Nguyễn Viện, lại chẳng vị nào trong số thiết tỏ ra mình là con nhà hiền lành tử tế. Chẳng hiểu, nên xem ấy là sự kiết hay sự hung cho cái gọi là Ðại Việt Tân Văn Vận này, thưa ông?

Nguyễn Viện (NV): Sự hung hay sự cát cũng là tùy người đón nhận, giống như ngũ hành tương sinh tương khắc, tôi nghĩ thế. Chắc ăn hơn thì nên hỏi thày bói.

Tôi không cảm thấy có gì chung với nhóm Mở Miệng. Thế mà ông lại còn cho rằng tôi chẳng thiết tỏ ra là con nhà hiền lành tử tế nữa chứ. Ông ạ, tôi vẫn nghĩ mình là con nhà hiền lành tử tế đấy. Tôi là người nói thật và chỉ nói những điều cần nói.

PB: Chúng ta vừa qua khỏi cái đại hạn có mỹ danh Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa chẳng được bao lâu, độc giả trở lại tinh khôi như (hồng) hài nhi, có vẻ còn phải chăm bẵm lâu mới dứt được sữa, ông đã nhăm nhăm tiếp thị rặt những trò mà bọn vú em, đám phụ huynh, chỉ nghe qua cũng biết chẳng lành. Trong cái kho báu trò chơi ấy của ông, người ta có thể tìm thấy gì? Thời sự? Thế sự? Ngôn ngữ? Thi ca? Triết học? Thần học? Ðạo đức? Tôn giáo? Chính trị? Lịch sử? Truyền thống? (Và những gì nữa?) Còn ông thì đang hào hứng lộn lèo, bóp vú, vỗ mông, tụt quần, tốc váy, vặt lông, đét đít, thọc lét hết thẩy. Xin hỏi, chủ đích của ông là gì?

NV: Hình như đã có lần ở đâu đó tôi nói rằng, chưa bao giờ nhà văn Việt Nam có những điều kiện thuận lợi như hiện nay để có những tác phẩm lớn. Bối cảnh xã hội phong phú bày cỗ sẵn cho những ai biết đón nhận, dĩ nhiên với điều kiện tiên quyết là anh không hèn. Với tôi, tôi cảm nhận một cách chân thành rằng mình đang đứng đúng “điểm rơi” của lịch sử. Bởi thế tôi đã viết miệt mài mê mải, viết tưởng như không bao giờ hết, viết ngấu nghiến, viết như sợ không còn cơ hội nào khác. Có lẽ vì thế người ta có thể tìm thấy tất cả các vấn đề: thời thế, ngôn ngữ, thi ca, triết học, thần học, đạo đức, tôn giáo, chính trị, lịch sử, truyền thống... như ông nói. Ngoài ra, tôi cũng muốn nói về đặc trưng trong sáng tác của tôi: dâm tính và sự vô danh phổ quát trong cuộc sống con người, thể hiện trong các nhân vật, một con đực (người đàn ông) và một con cái (cô gái), không hộ khẩu không lý lịch.

Nếu cần nói về một chủ đích thì có lẽ Chữ dưới chân tường (NXB Văn Mới vừa phát hành ở Mỹ) là một tiểu thuyết với cấu trúc mang tính lắp ráp, không đầu không cuối, chính là một “tuyên xưng đức tin” của tôi về văn chương cũng như cuộc sống.

PB: Ông muốn nói gì qua tựa đề tác phẩm,“Chữ dưới chân tường»?

NV: Tôi đã luôn viết trong tâm trạng của kẻ bị dồn đến chân tường. Tôi cũng muốn người đọc tôi bị dồn đến chân tường giống như tôi. Khi NXB Văn Mới có ý định sẽ in cho tôi một cuốn sách thì tôi nghĩ ngay cuốn sách sẽ mang tựa đề “Ðứng dưới chân tường và viết”. Bạn Thu Hồng của tôi góp ý “Viết dưới chân tường” cho gọn. Nhưng nhà thơ Thận Nhiên nói “Chữ dưới chân tường” hay hơn. Vâng, văn chương của tôi là chữ dưới chân tường bề bộn. Có thể nó giống như rác, hoặc chính là rác, tôi nhặt lên.

PB: Ông gọi tác phẩm trên là tiểu thuyết, dù hình thức của nó rất giống một tập hợp các truyện ngắn?

NV: Một phần của câu hỏi này tôi đã trả lời ở trên. Tôi muốn có một định nghĩa khác về tiểu thuyết. Tôi tin rằng, người đọc có thể tự giải thích được vì sao một tiểu thuyết lại có cấu trúc như thế, sau khi đọc nó.

PB: Những tác phẩm của ông, cũng như của nhiều tác giả khác, vẫn tiếp tục rơi tõm vào vùng tuyệt mù, tuyệt điếc, tuyệt câm của chủng loại phê bình ở đây. Theo ông, ấy là vì chủng loại này ở nội địa thực sự thiểu năng bẩm sinh, hay vì ở đây thực sự tồn tại một chính sách Tam Tuyệt, phi văn bản, phủ sóng vĩnh viễn lên các đối tượng như ông?

NV: Theo tôi, nếu nói tuyệt mù tuyệt điếc tuyệt câm thì có phần xúc phạm những người bị thiểu năng bẩm sinh. Tôi tin rằng không hề có một chính sách gọi là “Tam tuyệt”, bởi vì các nhà phê bình ở ta không ai mù mắt, không ai điếc tai, cũng không ai bị câm. Họ biết cả đấy, nhưng họ cần có mồm để ăn hơn là để nói.

PB: Trong một bối cảnh sinh hoạt văn học mà sáng tác không được phép chính thức công bố, không được phép chính thức phản hồi (dù tích cực hay tiêu cực) và, từ đó, không dễ tự điều chỉnh và định hướng, yếu tố nào khiến ông còn giữ được rất nhiều nhiệt tình để cầm bút như hiện nay?

NV: Thật ra, tôi vẫn nhận được phản hồi, đôi khi từ người đọc, đôi khi từ các ông chủ (quản). Tôi đã bị mất việc vì những điều mình viết. Và bị nhiều thứ quấy nhiễu, hăm dọa khác. Tuy nhiên, tôi vẫn viết như một niềm tin về giá trị cuộc sống.

PB: Thế giới của ông thật phong phú - một giải quang phổ thấu thị bao la: hành khất và vua chúa; hàn sĩ và đại phú ông; gái gọi, má mì, cùng mệnh phụ, phu nhân; lái buôn cũng như văn nghệ sĩ; đạo tặc, lưu manh, với sen đầm, cảnh vệ; tứ chiếng, giang hồ, hay đạo sĩ, tiên tri - từng ấy chúng sinh thập loại được / bị ông cho đầu thai vào một nồi lẩu nhân gian vô cùng hí lộng, suy nghĩ, nói năng, hết sức... hì hà. Phải chăng ông muốn công bố một Ðoạn Trường Tân Thanh hiện đại, hay đúng hơn, một Ðoạn Trường Ða Thanh, hay, để phù hợp hơn với trường ngữ ngôn báng bổ của ông, một Nhuận Trường Ða Thanh?

NV: Vâng, có lẽ “Nhuận trường đa thanh” là đúng nhất. “Xả” là một liệu pháp tối thượng. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe nhân dân không phải là nhiệm vụ của tôi.

PB: Từ những dòng ông viết, bất chấp những điều hí lộng, không khó nhận ra nỗi đau thế sự lớn lao. Vào cuộc trần ai khóc lộn cười, như cổ nhân đã nói? Phải chăng không có nỗi đau lớn, sẽ không có được tiếng cười lớn như thế?

NV: Nếu chỉ có nỗi đau lớn, có thể ta sẽ gục ngã. Nhưng nếu ta cười được, thì ta biết rằng ta còn sống.

PB: Nói đến Nguyễn Viện cũng là nói đến một kỹ thuật viết hiện đại, thể hiện ở cấu trúc chuỗi xoắn kép, cho phép cùng lúc tiến hành song song hai hay nhiều mạch truyện khác nhau, đem lại cho tác phẩm tính đa thanh, đa tầng, ngay từ bề mặt, cũng như hệ quả của nó là sự phức tạp khó hiểu. Ấy hẳn cũng là một nguyên do khiến không ít người đọc truyền thống, vốn chỉ quen với những cấu trúc tuyến tính giản đơn, từ chối tiêu thụ ông. Nguyễn Viện trung thành với kỹ thuật này trong hầu hết các truyện của mình, và cũng đẩy nó đến mức già dặn và tự nhiên nhất có thể. Những người khác đã từng gọi cấu trúc của ông là gì nhỉ?

NV: Cám ơn ông đã tìm ra một cách gọi khác về cách viết của tôi. “Chuỗi xoắn kép”, rất thú vị. Có lẽ những người khác cũng nhìn thấy tương tự như ông. Ông Dương Tường gọi nó là “phi thời gian phi tuyến tính”. Chị Thụy Khuê gọi là bút pháp song song. Ông Hàn Thủy bảo là “hai tầng trừu tượng”. Chị Thu Hồng lại nói “thái hiện thực”. Quả thật, tôi vẫn có tham vọng diễn đạt một thực thể ở cả hai mặt hiện thực và không hiện thực, xuyên suốt qua thời gian và không gian. Sự tương tác đa nguyên trong một nhất thể. Một hiện thực toàn diện nhất có thể.

PB: Một điều đáng kể khác, và hẳn là quan trọng nhất, khi nói đến Nguyễn Viện: Ngôn ngữ của ông - một thứ tiếng Việt chuẩn xác, tinh tế, khoái hoạt, trào lộng, phần lớn tục tĩu song vẫn giầu chất nghệ thuật. Ðặc biệt khi nhà văn bỏ qua những đặc ngữ hay những dụ ngôn theo phong cách của Kinh Thánh, hay của giáo lý KiTô Giáo, vốn không gần với phần lớn người đọc ngoại đạo, ông trở nên thuyết phục hơn rất nhiều. Ðiều này được thể hiện ở những tác phẩm như «Ăn ngủ và những thứ còn lại», «Ký tự ở đầu giường», «Chết không nhắm mắt», «Bức tường», «Giữ chùa ăn oản», «Cái chết của nhà thấu thị», «Mùi», v.v., nơi ngòi bút tác giả đạt đến độ tinh khiết và mãnh liệt đáng kinh ngạc của ngôn ngữ thơ. Ông còn là một nhà thơ?

NV: Vâng, tôi vốn là một nhà thơ. Nhưng tôi đã quyết định không làm thơ nữa vì không còn niềm tin vào nó.

PB: Dù sao, chúng tôi tin Nguyễn Viện đã dùng thi ca làm chất kết dính, để đi từ câu nọ đến câu kia, đoạn này sang đoạn khác một cách bất ngờ và khinh khoái. (Không có một chất kết dính như vậy, phần lớn chữ nghĩa của chúng ta dễ chỉ còn lại là những mảnh rời các thông tin, thiếu hẳn sức sống, nói làm gì sức hút, sức ám ảnh?!) Hiển nhiên, chất kết dính ở Nguyễn Viện thường nồng nặc đủ mùi dịch thể - máu, dãi, đờm, phân, nước tiểu, tinh dịch, song cũng chẳng có gì đáng giá hơn thế, một khi nó, như một thứ dấu ấn hay chữ ký, giúp phân biệt nhà văn tách bạch khỏi số còn lại một cách không thể sao chép hay giả mạo. Khi nghe Nguyễn Viện tuyên bố muốn thiết lập riêng hẳn một không gian văn học, người ta có thể hoài nghi, song rốt cuộc quả thật ông đã làm được điều đó, theo cách của mình. Nhân đây, một câu hỏi nữa, và cũng là cuối cùng: Chỉ từ đầu thế kỷ này, và cũng là đầu thiên niên kỷ, mới thấy ông sử dụng chất liệu kết dính như hiện giờ; diễn biến có thể gọi là hòa bình ấy ở ông khởi đầu như thế nào? Và nó có tất yếu không?

NV: Tôi cũng không chắc thi ca có phải là chất kết dính trong văn của tôi không. Nhưng tôi có thể nói, chất kết dính mà tôi nhìn thấy trong lúc viết là cái tương ngộ ngay trong bản thân chữ nghĩa. Tôi viết không cần chuyển mạch bằng một câu văn hay một liên từ. Tôi nhìn thấy trong chữ này có chữ kia. Chữ nghĩa ẩn nấp trong nhau và tôi bắt nó lộ diện theo một liên tưởng thông suốt và bất chợt, tạo nên cái đa tầng của chữ nghĩa. Cái hành động truy xét sỗ sàng ấy dường như đã dẫn tới hậu quả mà ông cho là văn tôi “tinh khiết và mãnh liệt” chăng? Trong lúc viết, tôi cũng nhìn thấy chữ nghĩa mang mầm mống hành động. Bởi thế, tôi thường không biết mình viết gì cho đến khi chính chữ nghĩa đòi hành động. Nó bày ra các sự kiện. Ô, dường như tôi đã luôn sống trong cảm thức hòa trộn với tinh thể ngôn ngữ. Nó làm cho tôi say đắm. Và ở ngay thời điểm này, tôi đã đồng ý với ông, một bản chất thi ca tinh khiết đáo bỉ ngạn đang hoan lạc trong tôi.

PB: Cám ơn nhà văn Nguyễn Viện. Chúc ông không ngừng sáng tác dồi dào và hiệu quả.

© 2004 talawas