© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
Loạt bài: Giải Nobel văn chÆ°Æ¡ng 2004
 1 
16.10.2004
Elfriede Jelinek
Gõ vào ngôn ngữ
Đông Phương, Phạm Thị Hoài dịch
 
Franfurter Rundschau: Xin hỏi bà thế này: Elfriede Jelinek đã thật ý thức rằng Elfriede Jelinek được giải thưởng Nobel văn chương 2004 chưa?

Elfriede Jelinek: Chưa, hoàn toàn chưa, tôi còn đang thất thần. Nhiều chuyện dồn dập quá, chẳng đầu óc đâu mà nghĩ ngợi được.

12 giờ 30 ngày thứ năm, lúc điện thoại từ Stockholm gọi tới thì thế nào, bà nghĩ gì?

Chẳng nghĩ gì hết. Đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Nhưng cũng biết là cú điện thoại ấy từ Stockholm thật. Người đàn ông ở đầu kia phát âm giọng Thụy Điển. Từ thuở biết Helmut Qualtinger [1] tôi khó hình dung rằng lại có người không đâu mà bỏ công xì âm „ch“ thành âm „sch“ như thế.

Bà có trang riêng trên mạng, chắc bà nhận được nhiều điện thư chúc mừng. Có bao nhiêu thư và bà đã đọc vài cái rồi chứ?

Tôi đã hồi âm cả rồi, tuy chỉ ngắn gọn. Khoảng 300 cái thì phải. Trang nhà đó đối với tôi rất quan trọng, trước hết để giúp các sinh viên ngoại quốc, vì họ không dễ có được các văn bản của tôi. Gần đây tôi công bố nhiều công trình, nhất là các tiểu luận, trên trang nhà, vì tôi không muốn chúng xuất hiện dưới dạng sách. Chúng không thích hợp để sưu tập rồi in thành sách. Tôi cũng gặp nhiều rắc rối với công luận. Phương tiện điện tử nhỏ bé này cho phép tôi không cần ngồi nhà mà vẫn như ở nhà. Ngoài ra tôi còn một mục nữa: mục ghi nhớ. Ở mục đó tôi có thể nhanh chóng phản ứng trước những sự kiện chính trị và những trò đồi bại. Tạm gọi là mình nói cho mình nghe. Cái nói đó không phải là văn chương, mà như viết nhật kí thì đúng hơn.

Qua tác phẩm của bà, chỗ đứng của loại văn chương phê phán ngôn từ và thể nghiệm ngôn từ được đề cao. Trong khu vực Đức ngữ, loại văn chương này chưa bao giờ thực sự có số phận may mắn và hiện nay cũng phải vất vả lắm mới chọi lại được đủ loại mô hình của chủ nghĩa hiện thực. Lý do vì sao?

Loại văn chương này là đặc Áo, đối tượng của nó là chính ngôn ngữ, tiếp nối vào Wittgenstein thời kì đầu [2] và đặc biệt kế thừa nhóm Wien [3] , phần lớn sự nghiệp của tôi có lẽ là nhờ ở nhóm văn nghệ này cùng những tác giả như Artmann, Jandl và Mayröcker [4] . Tôi có cảm tưởng rằng người Đức không thật hiểu điều tôi viết, hoặc chỉ một ít người hiểu. Họ có một truyền thống văn chương khác hẳn, đó là thứ văn chương hiện thực, văn chương kể chuyện. Như thể cuộc tranh luận về chủ nghĩa hiện thực giữa Brecht và Lukács [5] chưa từng nổ ra. Họ vẫn tiếp tục kể lể mãi không thôi. Ngoài ra tôi xuất thân từ ngành nhạc, nên tôi gõ thành âm, thành nhạc điệu vào ngôn ngữ cho nó bật ra cái bản chất tư tưởng của nó, như thày thuốc gõ vào lồng ngực mà nghe bệnh vậy. Gõ xong thì ngôn ngữ phải khạc ra sự thật, dù nó muốn hay không.

Bà có tin rằng việc trao giải Nobel cho sự nghiệp văn chương của bà có thể sẽ tác động đến những tranh luận văn học trong tương lai? Quyết định trao giải này có tăng cường vị trí của sự phê phán ngôn từ trong văn học?

Tôi chẳng tin rằng mình sẽ đóng góp được gì vào bất cứ cuộc tranh luận văn học chưa xẩy ra nào đó. Tôi không phải một nhà lí thuyết, mà cũng chưa từng làm việc trong lĩnh vực lí thuyết. Tôi là một hỗn hợp của sự ngờ nghệch thật sự - thiếu kiến thức về thế giới! – và cái cách cảm nhận nhạc tính về ngôn ngữ. Đó là chuyện ở một cấp độ khác hẳn, có thể tương tự như ở Gerhard Rühm [6] , ông ấy cũng vốn là dân nhạc. Nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng truyền thống này sẽ có khả năng lan truyền khắp khu vực Đức ngữ. Tất nhiên truyền thống này cũng có trong văn học Thụy Sĩ, một nền văn học phải nói là vô cùng xuất sắc. Nguyên do chắc tại rặng Alps gây ra, hoặc do nước ở những vùng này nhiều chất vôi mà lại thiếu chất i-ốt. Đem cái đặc sản ấy trồng bừa ở nơi khác đâu có được. Không thể nhồi nó vào nền văn học Đức. Được tha cho cái khoản ấy là dân Đức tội nghiệp, hay ít nhất là phần lớn dân Đức, sẽ cảm ơn lắm. Họ chỉ thích phồng mang ngoạm tảng thịt văn chương cho ra thịt, thật dày.

Hàn lâm viện Thụy Điển đã trao giải Nobel cho toàn bộ sự nghiệp của bà. Theo bà thì kịch và văn xuôi của bà quan hệ ra sao?

Về cơ bản thì công việc của tôi – như phần lớn các tác giả - là một tác phẩm duy nhất, một bãi nấm chằng chịt dưới mặt đất, một thụ tầng nấm, lan rộng, rồi thỉnh thoảng một mũ nấm trồi lên, vì đơn giản là nó quá chán cái cảnh cứ phải nằm mãi dưới mặt đất. Nó phải ló lên. Các vở kịch của tôi - trừ vở đầu tiên, khi tôi mới tập bước vào thể loại này - đều không phải kịch theo nghĩa thường hiểu. Chúng là những bản văn để đọc lên, mà là đọc từ vị trí trên bục cao, tức là trên sân khấu, thế thôi. Và đạo diễn, thật là khổ, phải từ đó dựng thành kịch. May mà tôi vẫn còn tìm được những đạo diễn, đồng thời là những cộng sự ngang hàng với tôi, có thể đương đầu với việc đó.

Nhiều nhà chính trị và quan chức Áo trước đây phỉ báng cá nhân và tác phẩm của bà, nay đồng thanh ca ngợi bà. Điều này có khiến bà băn khoăn không?

Ấy, không phải tất cả đâu. May thay không có ông Jörg Haider [7] trong số đó. Tôi không coi nặng chuyện này. Hoặc là thế này: tôi biết rõ ai thật bụng, ai không. Nhận ra ngay thôi mà. Tôi cũng chẳng bực vì những lời chúc mừng không thật lòng. Chúng ta sống trong một xã hội văn minh, hay ít ra là nên sống như thế. Thành ra thứ lễ nghi này, cho dù sáo và rỗng, vẫn có nghĩa của nó.

Ông Haider, người đứng đầu bang Kärntner, đã tuyên bố sẽ không gửi hoa mừng bà. Hẳn bà cũng không chờ đợi. Nhà văn Đức Martin Mosebach đã trút hết bực dọc trên tờ „Die Welt“, nói rằng Elfriede Jelinek thuộc vào số „những người ngu nhất ở tây bán cầu“. Vì sao tác phẩm của bà và cá nhân bà lại gây ra những phản ứng „trật đường ray“ như thế?

Chà, ông Mosebach nói thế cũng vui. Tôi phải cười bò. Điều ngộ nghĩnh nhất là ông ấy lại nói đúng cũng nên, trong một cách nào đó. Thông minh không phải sở trường của tôi. Nhưng chắc chắn ông ấy không biết rằng ông ấy đã có lí phần nhiều. Thế mới vui. Tôi nói thật chứ không nói làm duyên đâu, dù làm duyên nói chung đối với tôi không phải là chuyện lạ.

Arnold Schwarzenegger [8] trở thành thống đốc bang California, còn Elfriede Jelinek được giải Nobel văn chương. Cơn say thành công này có nguy hại cho tâm hồn của nước Áo không?

Tâm hồn của nước Áo làm bằng sôcôla và bột hạnh nhân mà tôi đã có lần gọi là viên sôcôla hiệu Mozart có nhân bị thối. Vỏ ngoài thì ngọt và dễ thương nhưng cái nhân thì kinh tởm. Chọc vào cái nhân đó sẽ thấy rất đắng. Đôi khi nguy hiểm nữa. Kích động trên một tờ báo có độc giả là một nửa số dân biết chữ thì chẳng bao giờ tuyệt đối không nguy hiểm.

Bà đã nói rằng bà vui mừng trước số tiền thưởng. Phần lớn các nhà văn thường phản ứng thiếu tự nhiên trước chuyện tiền bạc. Là tác giả thì nên đóng vai người nhạc công nghèo hay vai tác giả nhạc Pop hết lòng theo luật chơi tư bản?

Cần phải nói rằng phần lớn đồng nghiệp của tôi sống ngang lằn ranh của nghèo túng, bảo hiểm khi về già, lúc đau yếu hay những khi gặp số phận hẩm hiu rất mong manh. So với họ thì tôi đã và hiện còn khá hơn rất nhiều. Tất nhiên tôi không thể trông vào sách mà sống được. Sách bỏ túi chẳng được mấy tiền bạc, thành ra tôi luôn phải dịch, viết kịch truyền thanh [9] và kịch cho sân khấu. Phần lớn những việc này, tôi làm với hứng thú thật sự; nhưng bây giờ, có thể nghỉ ngơi khi cần, thế là rất hay.

Một số nhà phê bình gọi bà là một Cassandra [10] , là tiếng kêu cảnh tỉnh mà thiên hạ bất đắc dĩ lắm mới chịu nghe. Chúng ta, những kẻ du mục toàn cầu, sẽ đi về tương lai nào?

Tôi không kêu gọi cảnh tỉnh. Tôi chỉ nói sự thật. Tôi không thể phù phép ra những sự không tưởng. Tôi biến sự vật thành kì quặc lố bịch, thành châm chọc, và hi vọng qua đó gây ra một chu trình ý thức kéo dài chừng hai phút.

(Tên bài do talawas đặt)

Người thực hiện: Andreas Puff-Trojan

© 2004 talawas



[1]Helmut Qualtinger (1928-1986): diễn viên và nhà văn Áo, là một trong những tiếng nói phê phán quan trọng nhất tại Áo những năm 50-60, nổi tiếng với giọng phát âm (nhất là trong các vở hài) đặc biệt.
[2]Ludwig Wittgenstein (1889-1951): triết gia Áo. Thời kì đầu được nói đến ở đây là thời của tác phẩm Tractatus logico-philosophicus (1921).
[3]Wiener Gruppe: Nhóm văn nghệ tiền phong-thể nghiệm ở Wien 1946-1964 (tránh nhầm với nhóm triết gia ở Wien -Wiener Kreis- những năm 20-30) với những tác giả như K. Bayer, G.Rühm, H.C. Artmann.
[4]H.C. Artmann, nhà thơ Áo (1921-2000), tham gia nhóm Wien đến năm 1958. Ernst Jandl, nhà thơ Áo (1925-2000), chịu ảnh hưởng của nhóm Wien. Friederike Mayröcker (1924), nhà thơ nữ Áo, chịu ảnh hưởng của nhóm Wien, bạn đời của Ernst Jandl.
[5]Cuộc tranh luận giữa Bertolt Brecht và Georg Lukács được nhắc đến ở đây diễn ra vào cuối những năm 30, xung quanh những khái niệm như chủ nghĩa hiện thực, tính đại chúng...
[6]Gerhard Rühm (1930), nhà thơ và nhà soạn kịch Áo, thành viên sáng lập nhóm văn nghệ Wien (1946-1964).
[7]Jörg Haider (1950): Người đứng đầu (Landeshauptmann) bang Kärtner, thủ lĩnh đảng cực hữu FPÖ. Năm 1999, FPÖ giành được 26,9% số phiếu vào Quốc hội Áo và cùng với đảng ÖVP cầm quyền. Năm 2002, FPÖ chỉ còn được 10% số phiếu nhưng vẫn tiếp tục cùng cầm quyền với ÖVP. E. Jelinek là một trong những nhân vật của công luận Áo thường xuyên chỉ trích J. Haider mạnh mẽ và cay độc nhất. Khi nghe tin bà được trao giải Nobel, J. Haider tuyên bố: „Nhà văn cộng sản thì tôi dứt khoát không gửi hoa mừng“. E. Jelinek gia nhập đảng cộng sản Áo năm 1974 và trả lại sổ đảng viên năm 1991.
[8]Arnold Schwarzenegger (1947): diễn viên Mĩ gốc Áo, nổi tiếng nhờ những phim khoe ‚bắp thịt’, được bầu làm thống đốc bang California tháng 10.2003.
[9]Kịch truyền thanh (Hörspiel) chỉ truyền qua đài phát thanh chứ không trình diễn trên sân khấu.
[10]Cassandra: nhân vật nữ trong thần thoại Hi Lạp. Vì không đáp lại tình yêu của Apollo, nàng được vị thần này ban khả năng tiên tri nhưng kèm theo là điều kiện: chẳng ai tin những lời tiên tri ấy.

Nguồn: © Frankfurter Rundschau, 12.10.2004, http://www.fr-aktuell.de/ressorts/kultur_und_medien/feuilleton/?cnt=524934