© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
24.7.2003
Nguyễn Ước
Một hồ sơ chủ nghĩa hậu hiện đại
 1   2   3 
 
Dẫn nhập - Ði tìm hậu hiện đại - Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì


1. Dẫn nhập

Gần như khắp nơi người ta đang nhắc tới "thời hậu hiện đại" "chủ nghĩa hậu hiện đại", hoặc "thời buổi hậu hiện đại"! Từ nhà trí thức trong đại học tới người trên đường phố biểu tình chống các hội nghị mậu dịch thế giới, toàn cầu hoá; từ nhà phê bình văn học, văn nghệ sĩ tới người hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ; từ người thủ cựu đang làm chính trị tới kẻ tiên phong vận động cách mạng, v.v. Các cụm từ ấy ngân lên với phơi phới kì vọng hoặc đắng cay nghi kỵ, phiền trách hoặc tự an ủi, khẩu hiệu hô hào thời thượng hoặc lời nguyền rủa thù nghịch...

Những gì được trình bày dưới đây không thuộc một văn bản nghiên cứu tổng hợp và có hệ thống về chủ nghĩa hậu hiện đại, mà chỉ là "một hồ sơ", lập theo kiểu "hậu hiện đại"! Ðây là một tập hợp các đoạn văn ngắn và các ý kiến rời, có vẻ khái quát, dễ hiểu, thích hợp cho việc giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại với người đọc có những bối cảnh không giống nhau. Chúng tôi lượm lặt chúng hầu hết từ một nguồn mà ai cũng có thể tiếp cận, rồi lắp ráp các mảnh đó theo một thứ tự gần như ngẫu nhiên; thỉnh thoảng đưa thêm chi tiết vào những chỗ cảm thấy cần đôi chút minh hoạ. Dù biết rằng sắp xếp như thế thì không tránh khỏi lỏng lẻo, khập khễnh và trùng lặp nhưng dụng ý là cứ để càng tự nhiên càng tốt, còn việc xử lý nội dung thì tin rằng sẽ có người đọc tiếp tay. Hơn nữa, lý do của cách bày biện này trước hết vì tự thân chủ nghĩa hậu hiện đại, như người đọc sẽ từ từ nhận ra. Thứ đến, vì cảm thấy khả năng rất giới hạn, chúng tôi e rằng khi đánh bạo viết một tổng lược các văn bản cô đọng thì những ý tưởng phong phú, đa dạng và đa phương của các tác giả sẽ lọt qua kẽ tay thô thiển và chủ quan của mình, ra dị dạng, không còn giữ được các ngụ ý và hương vị nguyên thủy.

Những trích đoạn có vẻ phổ thông dưới đây liên quan tới nhiều ngành học và nhiều lãnh vực sinh hoạt khác nhau, khi chuyển chúng từ bản gốc tiếng Anh thành "bản thế vì" tiếng Việt sẽ có nhiều sai sót lẫn bất cập, nhưng hy vọng có thể là một đóng góp nhỏ trong tình trạng chưa có nhiều bài viết bằng tiếng Việt về chủ nghĩa hậu hiện đại.


2. Ði tìm hậu hiện đại

Suốt hai thập niên vừa qua, những cuộc tranh luận hậu hiện đại khống chế hiện trường trí thức và văn hóa trong nhiều lãnh vực và trên khắp thế giới. Trong lý thuyết văn hóa và thẩm mỹ, đã xuất hiện những cuộc bút chiến về vấn đề chủ nghĩa hiện đại trong các nghệ thuật là gì, nó chết chưa, và kế tục nó là loại nghệ thuật hậu hiện đại nào. Trong triết học, đã bùng lên những cuộc tranh luận liên quan tới vấn đề không biết truyền thống triết học hiện đại kết liễu chưa, và nhiều người khởi sự liên hoan một triết học mới thời hậu hiện đại, kết hiệp với Nietzsche [1844-1900] Heidegger [1889-1976], Derrida, Rorty, Lyotard và những người khác. Rốt cuộc, cuộc đổ bộ hậu hiện đại đã sản sinh những lý thuyết mới về xã hội và chính trị, cũng như những nỗ lực lý thuyết nhằm xác định các khía cạnh muôn mặt của chính hiện tượng hậu hiện đại.

Hiện đại với hậu hiện đại

Những kẻ cổ vũ cho hậu hiện đại thì hướng sự phê phán đầy gây hấn vào văn hóa cổ truyền, lý thuyết và chính trị trong khi những kẻ bảo vệ cho truyền thống hiện đại thì đáp trả hoặc bằng hành động hay bằng thái độ không thèm đếm xỉa tới kẻ thách đấu mới mẻ ấy, hoặc bằng cách phản công hay bằng nỗ lực tiến tới một thoả thuận và chiếm đoạt những luận thuyết cùng những quan điểm mới mẻ ấy. Các nhà phê bình chủ nghĩa hậu hiện đại quay sang tranh luận rằng chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ là một mốt thời thượng và đang qua (Fo, 1986:7; Guatti 1986) một khám phá đẹp mã của các nhà trí thức trong cuộc tìm kiếm ngôn từ và nguồn cội mới để làm vốn liếng văn hoá (Britton 1988) hoặc, dù gì đi nữa nó cũng chỉ là một hệ tư tưởng bảo thủ đang ra sức phá hoại những lý thuyết và những giá trị mang tính giải phóng của thời hiện đại (Habermas 1981 và 1987a). Thế nhưng đang xuất hiện những luận văn và những vấn nạn của hậu hiện đại trong đó nêu ra những chủ đề nan giải, chống lại một cách dễ dàng sự bác bỏ nó hoặc sự tùy tiện kết hợp nó vào một mô hình hoặc một hệ biến hoá (paradigm) đã được lập sẵn.

Xét theo tầm mức rộng lớn của những cuộc tranh cãi về hậu hiện đại, chúng tôi đề nghị giải nghĩa và lựa ra những điểm dị biệt giữa các lối nói có ý nghĩa nhất của lý thuyết hậu hiện đại, và nhận dạng những quan điểm, những cái nhìn sâu xa, những giới hạn có tính trung tâm của nó. Tuy thế, như chúng ta sẽ thấy, không có một lý thuyết hậu hiện đại thống nhất hoặc thậm chí, không có một chuỗi quan điểm hậu hiện đại mạch lạc. Ðúng vậy, người ta giật mình bởi những điểm dị biệt giữa các lý thuyết thường gộp vào nhau của các quan điểm hậu hiện đại, như "hậu hiện đại" và đa nguyên, là hai cái thường xung khắc nhau. Người ta cũng giật mình bởi ý niệm không thoả đáng và không đạt tiêu chuẩn lý thuyết hóa của "hậu hiện đại" trong những lý thuyết đang được chấp nhận hoặc được đồng nhất hoá vào các thuật ngữ như thế. Do đó, muốn làm sáng tỏ một số từ ngữ chủ yếu trong các khái niệm chung một nhóm (family of concepts) của hậu hiện đại thì cần phân biệt các luận văn của hiện đại và của hậu hiện đại (xem Featherston 1988).

Hiện đại như một giấc mơ hư hoại

Ðể bắt đầu, chúng ta có thể phân biệt giữa "hiện đại" được khái niệm như là thời hiện đại và "hậu hiện đại" như một thuật ngữ có tính kỷ nguyên, dùng để diễn tả một giai đoạn được cho là kế tiếp thời hiện đại. Có nhiều luận văn về hiện đại, cũng như về sau có nhiều luận văn về hậu hiện đại và thuật ngữ ấy ngụ ý tính chất đa dạng của những chuyển biến kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Như đã được Marx [1818-83], Weber [1864-1920] và nhiều người khác lý thuyết hóa, hiện đại là một thuật ngữ mang tính giai đoạn lịch sử với hàm ý nói tới một thời đại kế tiếp thời Trung cổ (khoảng từ năm 400 tới năm 1100 sau Công nguyên) hoặc chế độ phong kiến. Ðối với một số người, thời hiện đại đối lập với xã hội cổ truyền và được đặc điểm hoá bằng sự canh tân, sự mới mẻ và thuyết duy động lực (Berman 1982). Những luận văn lý thuyết về hiện đại từ Descartes [1596-1650] qua Thời Khai sáng (hoặc Ánh sáng) với các hậu duệ của nó đã mạnh mẽ và tuyệt đối đề cao lý trí như một nguồn cội tiến bộ của tri thức và xã hội, một cứ điểm ưu tiên của chân lý và là cơ sở nền tảng của tri thức có hệ thống. Người ta cho rằng lý trí có năng lực khám phá những định chuẩn lý thuyết và thực tiễn, trên đó có thể xây dựng các hệ tư tưởng lẫn hành động và có thể tái cấu trúc xã hội. Dự án Thời Khai sáng này cũng thao tác tại Mỹ, Pháp và các cuộc cách mạng dân chủ nỗ lực để lật đổ thế giới phong kiến, và để sản sinh một trật tự xã hội bình đẳng và công chính mà sẽ thể hiện lý trí và tiến bộ xã hội (Toulmin 1990).

Mỹ học hiện đại đã xuất hiện trong các trào lưu hiện đại tiên phong (avant-garde) mới mẻ và các nhóm phụ lưu văn hoá sống phóng túng nghệ sĩ (bohemian subcultures) nổi loạn chống lại những khía cạnh vong thân của kỹ nghệ hoá và hợp lý hóa, đồng thời tìm cách chuyển biến hình thái văn hoá và tìm kiếm sự tự thể hiện đầy sáng tạo trong nghệ thuật. Tính chất hiện đại thâm nhập cuộc sống hàng ngày qua việc phổ biến nghệ thuật hiện đại, các sản phẩm của xã hội tiêu thụ, các công nghệ kỹ thuật mới, các cách thức vận chuyển và truyền thông mới. Những động lực, qua đó thời hiện đại sản sinh một thế giới thực dân và kỹ nghệ mới, có thể được mô tả như một sự "hiện đại hoá" - một thuật ngữ bao hàm các quá trình cá nhân hóa, thế tục hoá, kỹ nghệ hoá, phân biệt văn hoá, tiện nghi hóa, thành thị hoá, thư lại hóa và hợp lý hoá, tất cả cùng nhau cấu thành thế giới hiện đại.

Tuy thế, cấu trúc của thời hiện đại đã sản sinh đau thương và khốn khổ khôn xiết cho các nạn nhân của nó, từ tầng lớp dân quê, giai cấp vô sản và thợ thuyền bị áp bức bởi tư bản kỹ nghệ hoá tới sự ngăn cản địa vị xã hội của phụ nữ và tới sự diệt chủng của đế quốc thực dân hoá. Thời hiện đại cũng đã sản sinh một chuỗi các định chế kỷ luật, các thực hành, và các luận thuyết để hợp pháp hoá những phương cách khống chế và kiểm soát của nó. Tuy thế, "Biện chứng Thời Khai sáng" (Horkheimer và Adorno 1982) cũng mô tả một quá trình qua đó lý trí trở nên đối lập với chính nó và những lời hứa giải phóng của thời hiện đại đã ngụy trang cho những hình thức áp bức và khống chế. Tuy vậy, những kẻ bảo vệ cho hiện đại lại quả quyết rằng nó có "tiềm năng chưa thực hiện hết" và có tài nguyên để khắc phục các hạn chế và các hậu quả phá hoại của nó.

Ðã sang thời hậu hiện đại

Thế nhưng các lý thuyết gia hậu hiện đại lại quả quyết rằng trong xã hội truyền thống cao kỹ đương đại, các quá trình thay đổi và chuyển biến hình thái nổi bật ấy đang sản sinh một xã hội hậu hiện đại mới mẻ, và những người ủng hộ nó cũng quả quyết rằng kỷ nguyên hậu hiện đại đang cấu thành một trạng thái lịch sử mới lạ và một hình thái văn-hoá-xã-hội mới lạ, đòi hỏi các khái niệm mới và các lý thuyết mới. Các nhà lý thuyết hậu hiện đại (Baudrillard, Lyotard, Harvey,v.v.) quả quyết rằng những công nghệ kỹ thuật như máy điện toán và truyền thông, những hình thức mới của tri thức và những thay đổi trong các hệ thống kinh-tế-xã-hội đang sản sinh hình thái xã hội hậu hiện đại. Baudrillard và Lyotard diễn dịch những phát triển ấy bằng những kiểu cách mới lạ của truyền thông, tri thức và công nghệ, trong khi các nhà lý thuyết tân-mác-xít như Jameson và Harvey diễn dịch thời hậu hiện đại bằng sự phát triển một cấp độ chủ nghĩa tư bản cao hơn, được đánh dấu bởi sự thâm nhập tư bản ở một cấp độ lớn hơn và sự đồng nhất hoá toàn cầu. Các quá trình ấy cũng sản sinh tình trạng manh mún văn hoá đang ngày càng gia tăng, những thay đổi trong kinh nghiệm về thời gian và không gian, và những phương cách mới của kinh nghiệm, tính chủ quan và văn hoá. Những điều kiện ấy cung cấp nền tảng văn hoá và kinh-tế-xã-hội cho lý thuyết hậu hiện đại, và các phân tích về chúng đưa ra những viễn cảnh mà từ đó lý thuyết hậu hiện đại có thể quả quyết là nó hiện hữu ngay trên rìa mép sắc cạnh của những phát triển đương đại.

Những khước bác của hậu hiện đại

Thêm vào sự phân biệt giữa hiện đại và hậu hiện đại trong lãnh vực lý thuyết xã hội, cuộc luận đàm về hậu hiện đại đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực mỹ học và lý thuyết văn hoá. Ở đây cuộc tranh luận xoay quanh những điểm dị biệt giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại trong các nghệ thuật. Trong phạm vi cuộc luận đàm này, có thể dùng thuật ngữ "chủ nghĩa hiện đại" để mô tả các trào lưu nghệ thuật thời hiện đại (chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa nghệ thuật vị nghệ thuật, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, và các trào lưu tiên phong khác), trong khi thuật ngữ "chủ nghĩa hậu hiện đại" có thể được dùng để mô tả những hình thức thẩm mỹ đa loại đó và những hình thức xuất hiện hoặc về sau hoặc đã cắt đứt quan hệ với chủ nghĩa hiện đại. Những hình thức ấy gồm kiến trúc của Robert Venturi và Philip Johnson, các thử nghiệm âm nhạc của John Cage, hội họa và điêu khắc của Warhol và Rauschenberg, tiểu thuyết của Pynchon và Ballard, và các cuốn phim như Blade Runner hoặc Blue Velvet. Những cuộc tranh luận ấy tập trung trên vấn đề có hay không sự phân biệt rõ nét và mang tính khái niệm giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại cùng những thành quả tương đối và những hạn chế của hai trào lưu đó. Những luận văn hậu hiện đại cũng xuất hiện trong phạm vi lý thuyết, đặt trọng tâm phê bình lý thuyết của hiện đại cùng những lập luận ủng hộ cho sự đột phá của hậu hiện đại về mặt lý thuyết. Lý thuyết hiện đại - từ công trình triết học của Descartes, qua Thời Khai sáng, tới lý thuyết xã hội của Comte [1798-1857], Marx, Weber và những người khác - bị phê phán về việc tìm kiếm nền tảng của tri thức, về những quả quyết phổ quát hóa và toàn bộ hóa của nó, về thái độ ngạo mạn của nó trong sự cung cấp chân lý hiển nhiên và về chủ nghĩa duy lý bị cho là dối trá của nó. Ngược lại, những kẻ bảo vệ chủ nghĩa hiện đại thì tấn công chủ nghĩa hậu hiện đại là chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa phi lý tính và chủ nghĩa hư vô.

Ðặc biệt hơn nữa, lý thuyết hậu hiện đại cung cấp lời phê phán sự thể hiện và niềm tin của hiện đại rằng thay vì lấy quan điểm "duy viễn cảnh" và "duy tương đối" chủ nghĩa hiện đại lại cho là lý thuyết phản chiếu thực tại, rằng may mắn lắm thì lý thuyết chỉ có thể cung cấp những viễn cảnh cục bộ của các đối tượng, và rằng mọi sự thể hiện có tính nhận thức về thế giới đều bị qua trung gian điều giải của lịch sử và ngôn ngữ. Do đó, vài lý thuyết hậu hiện đại từ khước các viễn cảnh vĩ mô tổng thể về xã hội và lịch sử vốn được lý thuyết hiện đại ưa chuộng, mà thiên về lý thuyết vi mô và chính trị vi mô (Lyotard 1984a). Lý thuyết hậu hiện đại cũng từ khước những giả sử của hiện đại về sự gắn bó chặt chẽ có tính xã hội và các ý niệm về liên hệ nhân quả, mà thiên về đa nguyên, đa tầng, vỡ ra từng mảnh và không xác định. Thêm nữa, lý thuyết hậu hiện đại loại bỏ cái chủ thể hợp nhất và có lý tính vốn được nhiều lý thuyết hiện đại mặc nhiên công nhận, mà thiên về một chủ thể, về mặt ngôn ngữ và xã hội, bị vỡ ra từng mảnh và bị lệch khỏi tâm điểm.

Các bước khảo cứu

Như thế, nhằm tránh sự hoang mang khái niệm, ở đây, chúng tôi dùng thuật ngữ "hậu hiện đại" để mô tả một kỷ nguyên được giả sử là tiếp theo hiện đại, và "chủ nghĩa hậu hiện đại" để mô tả những trào lưu và những tác phẩm trong lãnh vực văn hoá mà về mặt hình thức, có thể phân biệt với các trào lưu, các văn bản và các thực tiễn hiện đại. Chúng tôi cũng sẽ phân biệt giữa "lý thuyết hiện đại" và "lý thuyết hậu hiện đại", cũng như giữa "chính trị hiện đại" vốn được đặc điểm hóa bằng đảng phái, quốc hội, sinh hoạt chính trị nghiệp đoàn, đối lập với "chính trị hậu hiện đại" vốn kết hiệp với sinh hoạt chính trị vi mô lấy địa phương làm căn bản mà hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, đang thách thức sự bày binh bố trận của các luận thuyết và các hình thức định chế hóa quyền lực.

Ðể góp phần làm sáng tỏ và minh hoạ cho cuộc đàm luận đầy hoang mang và lốm đốm màu sắc khác nhau của hậu hiện đại, việc đầu tiên của chúng tôi là sẽ cung cấp lai lịch khảo cổ của thuật ngữ ấy, đặc biệt nhấn mạnh lịch sử của nó, những lối sử dụng nó trước đây và những ý nghĩa đầy xung khắc nhau của nó. Tiếp đến, chúng tôi sẽ đặt sự phát triển của lý thuyết hậu hiện đại vào bối cảnh nước Pháp sau thập niên 1960, thời điểm mà khái niệm hậu hiện đại mới mẻ ấy trở thành một luận đề quan trọng vào cuối thập niên 1970. Sau đó, chúng tôi sẽ phác họa nan đề của những tra vấn về lý thuyết hậu hiện đại và những viễn cảnh đưa dẫn cuộc thảo luận của chúng ta xuyên suốt cuốn sách này.

(Tiến sĩ Mary Klages, Giáo sư Dự khuyết, Khoa Anh ngữ, Ðại học Colorado tại Boulner. Website: http://spot.colorado.edu/~klages. Thời điểm niên kỷ của những tác giả được tham chiếu và các tiểu đề là do chúng tôi thêm vào).


3. Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì?

Chủ nghĩa hậu hiện đại là một thuật ngữ phức tạp hoặc một chuỗi ý tưởng chỉ nổi bật từ giữa thập niên 1980 như một phạm vi nghiên cứu có tính hàn lâm. Thật khó định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại vì nó là một khái niệm xuất hiện trong những môn học mênh mông đa dạng hoặc trong những lãnh vực nghiên cứu, gồm điêu khắc và hội hoạ, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh, văn học, xã hội học, truyền thông, thời trang và công nghệ. Cũng khó xác định thời điểm và dấu mốc lịch sử của nó vì không thể nói chính xác và minh bạch lúc nào thì khởi sự có chủ nghĩa hậu hiện đại.

Có lẽ cách dễ dàng nhất để bắt đầu suy nghĩ về chủ nghĩa hậu hiện đại là suy nghĩ về chủ nghĩa hiện đại, một trào lưu mà hình như từ đó nảy sinh hoặc nổi lên chủ nghĩa hậu hiện đại. Có hai khía cạnh hoặc hai cách định nghĩa chủ nghĩa hiện đại và cả hai đều thích đáng trong việc giúp chúng ta am hiểu nó.

Nhìn từ mỹ học và văn học

Khía cạnh thứ nhất hoặc định nghĩa thứ nhất của chủ nghĩa hiện đại phát xuất từ một trào lưu thẩm mỹ được gắn nhãn hiệu một cách rộng rãi là "chủ nghĩa hiện đại." Trào lưu ấy gần như cùng chung đường biên với những ý tưởng về nghệ thuật của thế kỷ 20 ở phương tây (dù tại những hình thức nổi bật của nó, có thể tìm thấy dấu vết thậm chí của thế kỷ 19). Như ta có thể biết, chủ nghĩa hiện đại là một trào lưu trong các nghệ thuật thị giác, âm nhạc, văn chương và kịch, vốn từ khước những định chuẩn nghệ thuật đã cũ, thời Victoria [1819-1901], về cách thức tạo tác và tiêu thụ cùng ý nghĩa của nghệ thuật là gì. Trong giai đoạn "cao trào chủ nghĩa hiện đại", khoảng từ năm 1910 tới 1930, những khuôn mặt chủ yếu trong văn học của chủ nghĩa hiện đại đã triệt để tiếp tay nhau tái xác định những gì thơ và tiểu thuyết có thể là và có thể làm: những khuôn mặt như Woolf [1882-1941], Joyce [1882-1941], Eliot [1888-1965], Pound [1885-1972], Stevens [1879-1955], Kafka [1883- 1924] và Rilke [1875-1926], đều được xem là những người đặt nền tảng cho chủ nghĩa hiện đại của thế kỷ 20.

Nhìn từ viễn cảnh văn học, chủ nghĩa hiện đại có những đặc tính chính như sau:
  1. Nhấn mạnh vào chủ nghĩa ấn tượng và tính chủ quan trong văn bản (cũng như trong các nghệ thuật thị giác), một sự nhấn mạnh vào hành động thấy (hoặc hành động đọc hoặc tự thân hành động tri giác) xảy ra NHƯ THẾ NÀO hơn là nhấn mạnh vào CÁI được tri giác. Thí dụ tiêu biểu cho điều này hẳn là một văn bản theo dòng ý thức, nghĩa là viết theo phương pháp tự sự trong đó tác giả kể chuyện qua những tư tưởng tuôn trào một cách tự do và kết hiệp với một trong các nhân vật.

  2. Một trào lưu cách ly hẳn tính khách quan rõ rệt, được cung cấp bởi người kể chuyện - như một nhân vật thứ ba thông suốt mọi sự, bởi những quan điểm tường thuật cố định và bởi lập trường đạo đức minh bạch. Những câu chuyện được kể bằng nhiều cách khác nhau của Faulkner [1897-1962] là một thí dụ cho khía cạnh này của chủ nghĩa hiện đại.

  3. Những lờ mờ trong sự phân biệt các thể loại, tới độ thơ thì dường như có chất tài liệu hơn (như trong thơ của T.S. Eliot hoặc những gì liên quan tới Cummings [1894-1962] và văn xuôi lại dường như có chất thơ hơn (như trong Woolf hoặc Joyce).

  4. Nhấn mạnh những hình thức phần mảnh và những tự sự không liên tục cùng những lắp ráp các chất liệu khác nhau một cách có vẻ ngẫu nhiên.

  5. Hướng tới sự phản tỉnh (reflexivity) - lấy bản ngã [cái tôi] làm nhân vật, hoặc tới sự tự ý thức về việc trình bày tác phẩm nghệ thuật khiến cho mỗi mảnh khêu gợi sự chú ý tới cấp độ của chính nó như một sản phẩm, như một cái gì đó được cấu trúc và tiêu thụ theo những đường lối cá biệt.

  6. Từ khước mỹ học trau chuốt và hình thức để thiên về những thiết kế chi li nhất (như trong thơ của Williams Carlos Williams [1883-1963] ), và phần lớn, từ khước những lý thuyết thẩm mỹ hình thức để thiên về tính chất ngẫu hứng và khám phá trong sáng tạo.

  7. Từ khước sự phân biệt giữa "cao" với "thấp" hoặc với văn hoá bình dân, cả trong việc chọn lựa các chất liệu dùng để làm nghệ thuật lẫn trong các phương pháp trình bày, phân phối và tiêu thụ nghệ thuật.

Giống như chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng theo hầu hết các ý tưởng vừa kể. Nó từ khước các ranh giới giữa hình thức cao với thấp của nghệ thuật, từ khước những phân biệt cứng nhắc về thể loại, nhấn mạnh tính góp nhặt (gồm các thành tố lấy từ nhiều nguồn khác nhau), nhại lại, hí hoáy sửa chữa (bricolage), châm biếm và đùa giỡn. Nghệ thuật (và tư tưởng) hậu hiện đại thiên về sự tự phản tỉnh và sự tự ý thức, từng mảnh và không liền lạc (đặc biệt trong bố cục tường thuật), lấp lửng nước đôi, xảy ra trong cùng một lúc, và nhấn mạnh trên đối tượng được giải cơ cấu, giải tập trung và giải nhân hóa (the destructured, decentered, dehumanized object).

Nhưng khi chủ nghĩa hậu hiện đại có vẻ rất giống với chủ nghĩa hiện đại theo những cách thức đó thì nó lại khác với chủ nghĩa hiện đại trong nhiều thái độ đối với những khuynh hướng vừa kể. Thí dụ, chủ nghĩa hiện đại có khuynh hướng thể hiện cái nhìn phần mảnh về tính chủ quan của con người và lịch sử (như cuốn The Wasteland [1922] của Eliot hoặc cuốn To the Light House [1927] của Woolf), nhưng nó trình bày sự vỡ thành từng mảnh đó như một cái gì bi thảm, một cái gì xót xa hoặc thương tiếc như một mất mát. Nhiều tác phẩm hiện đại cố bảo lưu ý tưởng rằng tác phẩm nghệ thuật có thể cung ứng sự đồng nhất, sự mạch lạc và ý nghĩa mà đã và đang bị mất hầu hết trong cuộc sống hiện đại và rằng nghệ thuật sẽ làm cái mà các định chế khác của con người không làm được. Ngược lại, chủ nghĩa hậu hiện đại chẳng những không có ý tưởng xót xa về sự tản mác, tạm bợ hoặc không mạch lạc đó mà còn hoan nghênh nữa. Thế giới này vô nghĩa ư? Thế thì chớ nên giả vờ rằng nghệ thuật có thể làm cho nó có ý nghĩa, chúng ta hãy đùa giỡn với sự vô nghĩa ấy.

Nhìn từ lịch sử, kinh tế và xã hội

Có một cách nhìn khác vào mối liên hệ giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, góp phần làm sáng tỏ một số dị biệt của cả hai chủ nghĩa. Theo Frederic Jameson, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại là những hình thái văn hoá song hành với những giai đoạn cá biệt của chủ nghĩa tư bản (bao gồm loại nghệ thuật hoặc văn học nào mà nó sản sinh). Ðầu tiên là chủ nghĩa tư bản thương trường, diễn ra trong thế kỷ 18 cho tới cuối thế kỷ 19 tại Tây Âu, Anh và Hoa Kỳ (và hết thảy các khu vực ảnh hưởng của nó). Giai đoạn thứ nhất ấy được kết hợp chặt chẽ với những phát triển kỹ thuật cá biệt, đó là động cơ chạy bằng hơi nước, cùng với một loại mỹ học cá biệt, đó là chủ nghĩa hiện thực. Tiếp đến là giai đoạn thứ hai, diễn ra từ cuối thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20 (khoảng Thế Chiến Hai). Ðây là giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền, kết hợp với động cơ chạy bằng nhiên liệu chứa bên trong máy và bằng điện, cùng với chủ nghĩa hiện đại. Thứ ba là giai đoạn hiện nay của chúng ta, mang tính đa quốc gia hoặc chủ nghĩa tư bản tiêu thụ (chú trọng việc tiếp thị, bán và tiêu thụ hàng hoá chứ không vào việc sản xuất), kết hợp chặt chẽ với công nghệ điện tử và nguyên tử, và có tương quan với chủ nghĩa hậu hiện đại.

Tương tự với sự mô tả của Jameson về chủ nghĩa hậu hiện đại dựa trên phương thức sản xuất và công nghệ kỹ thuật, khía cạnh thứ hai hoặc định nghĩa thứ hai của chủ nghĩa hậu hiện đại có xuất xứ từ sử học và xã hội học hơn là từ lịch sử văn học và nghệ thuật. Tiếp cận này định nghĩa chủ nghĩa hậu hiện đại là tên gọi toàn bộ một hình thái xã hội, hoặc một chuỗi thái độ xã hội hay lịch sử; nói chính xác hơn, tiếp cận này đối chiếu "tính chất hậu hiện đại" với "tính chất hiện đại" hơn là đối chiếu "chủ nghĩa hậu hiện đại" với "chủ nghĩa hiện đại".

Hai đối chiếu ấy khác nhau thế nào? Một cách tổng quát, "chủ nghĩa hiện đại" ám chỉ những trào lưu mỹ học rộng lớn của thế kỷ 20 còn "tính chất hiện đại" thì ám chỉ một chuỗi tư tưởng đạo đức, chính trị và triết lý cung cấp nền tảng cho khía cạnh mỹ học của chủ nghĩa hiện đại. "Tính chất hiện đại" thì có trước "chủ nghĩa hiện đại"; nhãn hiệu "thời hiện đại" lần đầu tiên được nói tới một cách rõ ràng và rành mạch trong xã hội học thời thế kỷ 19 và nó mang ý nghĩa phân biệt kỷ nguyên thời ấy với kỷ nguyên trước nó vốn được đặt cho nhãn hiệu là "thời cổ". Các học giả tranh luận không nguôi về vấn đề thời điểm nào thì chính xác bắt đầu giai đoạn "hiện đại", làm thế nào phân biệt cái gì là hiện đại và cái gì không là hiện đại; và có vẻ như hễ mỗi lần sử gia nhìn tới giai đoạn hiện đại thì lại thấy thời điểm bắt đầu của nó thụt lùi sớm hơn. Nhưng nói chung, kỷ nguyên "hiện đại" được liên kết với Thời Khai sáng của châu Âu, bắt đầu giữa thế kỷ 18. (Các sử gia khi truy tìm dấu vết các thành tố có tính Khai sáng thì cho rằng nên lùi thời điểm tới Thời Phục hưng, từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 16, hoặc sớm hơn nữa, nhưng người ta cũng có thể tranh biện rằng tư duy Khai sáng bắt đầu với thế kỷ 18. Tôi thường dùng mốc thời điểm "hiện đại" là từ năm 1750 chỉ vì tôi lấy văn bằng tiến sĩ từ một chương trình của Ðại học Stanford có tên là "Văn chương và tư tưởng hiện đại", đặt trọng tâm vào các tác phẩm được viết ra sau năm 1750).

Từ chân lý của lý trí và khoa học...

Ðại thể, các ý tưởng căn bản của Thời Khai sáng thì cũng giống các ý tưởng căn bản của chủ nghĩa nhân bản. Bài viết của Jane Flax đã đưa ra một bản tóm tắt tốt các ý tưởng hoặc các tiền đề đó (xem bản liệt kê ở trích Mục 4). Tôi chỉ thêm vào danh sách đó mấy điểm.
  1. Có một bản ngã [cái tôi] ổn cố, rõ ràng và khả tri. Bản ngã này có ý thức, có lý tính, tự quản và phổ quát - không bị điều kiện thể lý hoặc dị biệt thể lý tác động đáng kể lên cách nó vận hành.

  2. Bản ngã ấy hiểu chính nó và hiểu thế giới qua lý trí hoặc sự hợp lý, cái được thừa nhận là hình thức cao nhất của hoạt động tinh thần và đó cũng là hình thức duy nhất.

  3. Phương thức hiểu biết, được sản sinh từ bản ngã có lý tính và khách quan đó, là "khoa học"; nó có thể cung cấp những chân lý phổ quát về thế giới, bất chấp nguyên trạng cá nhân của người hiểu biết.

  4. Tri thức hoặc kiến thức do khoa học cung cấp là "chân lý" và vĩnh cửu. [Theo định nghĩa của Ðào Duy Anh trong Hán Việt Từ Ðiển thì tri thức: những điều người ta vì kinh nghiệm hoặc học tập mà biết, hay vì cảm xúc hoặc lý trí mà biết (connaissances); kiến thức: những điều thấy và biết (connaissances); chân lý: cái lẽ chân thực, có tự nhiên, không phải người ta đặt ra được (vérité)].

  5. Tri thức/Chân lý do khoa học cung cấp (qua bản ngã có lý tính và khách quan) thì luôn luôn dẫn tới tiến bộ và toàn hảo. Mọi định chế và thực tiễn của loài người đều có thể được phân tích bằng khoa học (lý tính/khách quan tính), và được cải thiện.

  6. Lý trí là vị thẩm phán tối hậu của cái gì là chân lý, do đó, của cái gì là đúng và cái gì là tốt (cái gì là hợp pháp và cái gì là đạo đức). Tự do thì bao gồm sự tuân giữ những luật lệ thích ứng với tri thức được khám phá bởi lý trí.

  7. Trong một thế giới được lý trí cai quản, cái là chân lý thì luôn luôn làm một với cái thiện hảo, cái chính đáng (và cái đẹp) - chân thiện mỹ. Không thể có sự xung khắc giữa cái chân lý và cái chính đáng (v.v.)

  8. Như thế, khoa học đứng trụ như một mô hình hoặc hệ biến hoá cho hết thảy mọi hình thức hữu dụng về mặt xã hội của kiến thức. Khoa học thì trung tính và khách quan; các nhà khoa học - những kẻ cung ứng tri thức khoa học qua khả năng có lý tính và phi thiên kiến của mình - phải được tự do theo đuổi những lề luật của lý trí và không bị thúc đẩy bởi những quan tâm khác (thí dụ tiền bạc hoặc quyền lực).

  9. Ngôn ngữ, hoặc phương thức diễn đạt dùng để cung cấp và phổ biến tri thức, cũng phải có lý tính. Ðể có lý tính, ngôn ngữ phải trong sáng, với chức năng duy nhất là trình bày một thế giới hiện thực/khả tri, do tâm trí có lý tính quan sát. Phải có tương quan vững chắc giữa đối tượng của nhận thức và từ ngữ dùng để định danh nó (giữa biểu hiệu và cái ý nghĩa được biểu hiệu- signifier và signified - [tức chữ và nghĩa]).

Trên đây là một số tiền đề căn bản của chủ nghĩa nhân bản hoặc của chủ nghĩa hiện đại. Ta có thể nói rằng chúng được dùng để giải thích và biện minh cho hầu hết các cơ cấu và định chế xã hội của chúng ta, trong đó có chế độ dân chủ, luật pháp, khoa học, đạo đức và mỹ học.

tới trật tự và vô trật tự...

Một cách căn bản, hiện đại là ở trật tự - sự hợp lý và sự hợp lý hoá - nhằm tạo ra trật tự từ tình trạng hỗn độn. Người ta giả sử rằng càng tạo sự hợp lý thì càng khiến cho việc tạo trật tự được dễ dàng, và rằng xã hội càng trật tự thì càng hoạt động tốt hơn (tức là hoạt động hữu lý hơn). Vì hiện đại là ở chỗ theo đuổi sự tăng tiến không ngừng các cấp độ trật tự nên xã hội hiện đại liên tục cảnh giác và phòng chống bắt cứ cái gì bị gán cho nhãn hiệu "vô trật tự", nghĩa là cái có thể gây rối loạn "trật tự". Như thế, xã hội hiện đại dựa trên hành động liên tục thiết lập những cặp đối xứng giữa "trật tự" và "vô trật tự" để nó có thể khẳng định ưu thế của "trật tự". Nhưng để làm được điều đó, người ta bị buộc phải có những cái tiêu biểu cho "vô trật tự". Trong văn hoá phương tây, cái "vô trật tự" ấy trở thành "một cái gì khác" - được xác định liên quan tới những cặp đối xứng khác. Do đó, bất cứ cái gì phi-trắng, phi-đực, phi-dị tính luyến ái, không-vệ sinh, không-hợp lý, v.v. đều là thành phần của "vô trật tự", và phải bị loại trừ khỏi một xã hội hiện đại trật tự và hợp lý.

qua các đại tự sự

Những phương thức mà xã hội hiện đại tìm cách thiết lập các bản danh mục được gán cho nhãn hiệu "trật tự" và "vô trật tự" ấy thì liên quan tới nỗ lực nhằm đạt tới sự ổn định. Francois Lyotard (một nhà lý thuyết với các tác phẩm mà Sarup mô tả trong cái bài viết của mình là chủ nghĩa hậu hiện đại) xem sự ổn định ấy có giá trị ngang với ý tưởng về sự "toàn bộ", hoặc một hệ thống bị toàn bộ hóa (ở đây, ta hãy nghĩ tới ý tưởng của Derrida về "sự toàn bộ" như một tổng thể hoặc sự trọn vẹn của một hệ thống). Lyotard lập luận rằng trong xã hội hiện đại, sự toàn bộ cùng ổn định và trật tự được bảo quản bằng phương tiện các "đại tự sự" (siêu tự sự) hoặc các "tự sự chủ đạo, master narratives", tức là những câu chuyện mà một nền văn hoá tường thuật những thực tiễn và những niềm tin của chính nó. Trong văn hoá Mỹ, một "đại tự sự" có thể là câu chuyện tường thuật rằng chế độ dân chủ là hình thức cai trị khai sáng nhất (tức là hợp lý nhất), và rằng chế độ dân chủ có khả năng cũng như chắc chắn sẽ đưa loài người khắp thế giới tới hạnh phúc. Theo Lyotard, hệ thống niềm tin hoặc hệ tư tưởng nào cũng có các đại tự sự của nó, thí dụ, đối với chủ nghĩa Marx thì "đại tự sự" của nó là ý tưởng rằng chủ nghĩa tư bản sẽ tự sụp đổ và sẽ tiến tới một thế giới xã hội chủ nghĩa không tưởng. Chúng ta cũng có thể nghĩ tới những đại tự sự như một loại siêu lý thuyết hoặc siêu hệ tư tưởng, nghĩa là một hệ tư tưởng được dùng để giải thích một hệ tư tưởng (như trường hợp chủ nghĩa Marx); một câu truyện được tường thuật để giải thích các hệ thống niềm tin hiện hành.

Lyotard biện luận rằng mọi khía cạnh của xã hội hiện đại, kể cả khoa học như một hình thức nguyên thủy của tri thức, đều tùy thuộc vào các đại tự sự. Thế thì chủ nghĩa hậu hiện đại là sự phân tích phê bình các đại tự sự đó, là sự nhận thức rằng các truyện kể đó được dùng để ngụy trang cho những mâu thuẫn và những bất ổn cố hữu trong bất cứ tổ chức xã hội hoặc thực tiễn xã hội nào. Nói cách khác, mọi nỗ lực tạo ra "trật tự" đều đòi hỏi tạo ra một số lượng "vô trật tự" ngang với chính chúng, nhưng "đại tự sự" thì ngụy trang sự thiết lập các bản danh mục đó bằng cách giải thích rằng "vô trật tự" QUẢ THẬT là hổn độn và xấu, rằng "trật tự" QUẢ THẬT là hợp lý và tốt. Bằng sự từ khước các đại tự sự, chủ nghĩa hậu hiện đại thiên về các "tiểu tự sự", những câu chuyện giải thích các thực tiễn nhỏ, các biến cố địa phương, hơn là những khái niệm có tính toàn cầu hoặc phổ quát trên bình diện rộng lớn. Những "tiểu tự sự" hậu hiện đại thì lúc nào cũng mang tính hoàn cảnh, tạm bợ, ngẫu nhiên và nhất thời, không đòi hỏi phải có tính phổ quát, chân lý, lý tính hoặc ổn cố.

Thế giới của những bản thế vì

Một khía cạnh khác của tư tưởng Thời Khai sáng - điểm cuối trong 9 điểm tôi vừa nêu trên - là ý tưởng rằng ngôn ngữ thì trong sáng, rằng từ ngữ chỉ được dùng để thể hiện tư tưởng hoặc sự vật, ngoài ra nó không có thêm chức năng nào khác. Xã hội hiện đại tùy thuộc vào ý tưởng rằng biểu hiệu luôn luôn vạch cho thấy cái ý nghĩa được biểu hiệu. Hiện đang biến mất ý tưởng về bất cứ thực tại ổn cố hoặc thường trực nào, và cùng biến mất với nó là ý tưởng về cái ý nghĩa được biểu hiệu mà biểu hiệu vạch cho thấy. Ðúng hơn là, đối với xã hội hiện đại, chỉ có bề mặt, không có bề sâu; chỉ có biểu hiệu, không có cái ý nghĩa được biểu hiệu.

Theo Jean Baudrillard, có một cách khác để phát biểu về điều đó, là trong xã hội hiện đại không có những bản chính mà chỉ có những bản sao - hoặc những cái mà ông gọi là những "cái thế vì giả tạo". Thí dụ, có thể đan cử hội hoạ hoặc điêu khắc, lãnh vực chỉ có một tác phẩm gốc (thí dụ của Van Gogh [1853-90]) và cũng có thể có tới hàng ngàn bản sao, nhưng chỉ bản gốc là cái độc nhất có giá trị cao nhất (đặc biệt giá trị tiền tệ). Ngược lại, đĩa CD hoặc đĩa nhạc là lãnh vực không có "bản gốc" như trong hội hoạ - không có đĩa nhạc nào được treo lên vách hoặc giữ kín dưới hầm, mà thật ra chỉ có các bản sao, lên tới hàng triệu bản, mọi bản đều giống nhau và bán ra với giá tiền xấp xỉ nhau. Một diễn dịch khác của Baudrillard về "cái thế vì giả tạo" hẳn là khái niệm về thực tại ảo, một thực tại do sự mô phỏng tạo ra vì ở đó không có bản chính. Có bằng chứng cá biệt là trò chơi trên máy điện toán/những hành động giả vờ - đan cử trường hợp các trò chơi vi tính Sim City, Sim Ant, v.v.

Tri thức thành thực dụng và là trò chơi ngôn ngữ

Sau cùng, chủ nghĩa hậu hiện đại liên quan tới vấn nạn về sự tổ chức tri thức. Trong xã hội hiện đại, tri thức được xem có giá trị ngang với khoa học và tương phản với chuyện kể; khoa học là kiến thức tốt, chuyện kể là xấu, nguyên sơ và phi lý (vì thế thích hợp với phụ nữ, trẻ em, người nguyên sơ, người tâm trí không lành mạnh). Ngược lại, tri thức là tốt vì lợi ích của chính nó; nói chung, qua giáo dục, người ta thu lượm tri thức với mục đích am hiểu, để trở thành người có giáo dục. Ðó là lý tưởng của giáo dục và nghệ thuật theo tư tưởng Thời Khai sáng. Thế nhưng trong xã hội hậu hiện đại, tri thức trở thành thực dụng - bạn học hỏi điều này điều nọ không phải với mục đích am hiểu chúng mà là để sử dụng kiến thức đó. Như Sarup vạch rõ (trang 138), ngày nay, nói chung, chính sách giáo dục nhấn mạnh vào các kỹ năng và huấn nghệ hơn là vào lý tưởng nhân bản mơ hồ. Có một câu hỏi đặc biệt buốt nhói đặt ra cho các sinh viên chuyên đề tiếng Anh [môn học Giáo sư Mary Klages dạy] là: "Bạn sẽ LÀM GÌ với văn bằng tốt nghiệp đại học của mình?"

Trong xã hội hậu hiện đại, tri thức không những chỉ bị đặc điểm hóa bởi tính hữu dụng của nó mà còn bị phân phối, tàng trữ và sắp xếp hơn, so với xã hội hiện đại. Ðặc biệt, sự tiếp cận của kỹ thuật công nghệ điện toán và điện tử đã và đang cách mạng hoá cách thức cung ứng, phân phối và tiêu thụ tri thức trong xã hội chúng ta (thật thế, có thể một số người sẽ cãi rằng sở dĩ chủ nghĩa hậu hiện đại được mô tả tốt nhất là do bởi và nhờ có sự xuất hiện của kỹ thuật công nghệ điện toán bắt đầu vào giữa thập niên 1960 như một sức mạnh chế ngự mọi khía cạnh cuộc sống xã hội.) Trong xã hội hậu hiện đại, cái nào không thể diễn dịch thành một hình thức mà máy điện toán có thể nhận biết và tàng trữ - thí dụ cái nào không thể chuyển thành kỹ thuật số - thì sẽ chẳng còn là tri thức. Trong mô hình ấy, cái đối lập với "tri thức" không phải là "ngu dốt" như trong mô hình nhân bản/hiện đại, mà đúng ra là "nhiễu âm" (noise). Cái nào không hội đủ điều kiện như một loại tri thức thì là "nhiễu âm", một cái gì đó không thể nhận ra, không giống mọi cái trong hệ thống ấy.

Lyotard nói (và đây là điều Sarup mất nhiều thì giờ giải thích) rằng câu hỏi quan trọng đặt ra cho xã hội hậu hiện đại là: ai quyết định cái gì là tri thức (và cái gì là "nhiễu âm") và ai biết cái gì cần được quyết định. Những quyết định như thế về tri thức không liên quan gì tới các định chuẩn phẩm chất hiện đại/nhân bản thuở trước, thí dụ, để đánh giá tri thức là chân lý (phẩm chất kỹ thuật của nó), hoặc thiện hảo hoặc công chính (phẩm chất đạo đức của nó), hoặc đẹp (phẩm chất thẩm mỹ của nó). Lyotard biện luận rằng, thật thế, tri thức đang đi theo mô hình của trò chơi ngôn ngữ, như đã được Wittgenstein [1889-1951] trình bày. Tôi sẽ không đi vào chi tiết các ý tưởng của Wittgenstein về trò chơi ngôn ngữ - trong bài viết của mình Sarup đã đưa ra lời giải thích khá tốt về khái niệm này cho những ai quan tâm.

Chủ nghĩa hậu hiện đại và các chủ nghĩa bảo thủ

Có một lô câu hỏi được đặt ra về chủ nghĩa hậu hiện đại, và một câu hỏi quan trọng nhất là về sự liên quan tới chính trị - hoặc giản dị hơn, có phải trào lưu hướng tới sự từng mảnh, sự tạm thời, sự thể hiện, sự bất ổn cố này là một cái gì đó tốt hoặc một cái gì đó xấu? Có những câu trả lời đa dạng cho câu hỏi đó, tuy thế, trong xã hội đương đại của chúng ta, nỗi khao khát được quay về kỷ nguyên tiền hiện đại (tư duy Khai sáng/nhân bản/hiện đại) có khuynh hướng kết hợp với các nhóm bảo thủ về triết học, tôn giáo và chính trị. Quả thật, dường như một trong các hệ quả của chủ nghĩa hậu hiện đại là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo căn tôn giáo như một hình thức đề kháng sự tra vấn các "đại tự sự" của chân lý tôn giáo. Có lẽ điều ấy hiển nhiên nhất (dù sao cũng đối với chúng ta tại Hoa Kỳ) về việc chủ nghĩa bảo căn hồi giáo ở Trung Ðông đang nghiêm cấm những sách vở mang tính hậu hiện đại - như cuốn The Satanic Verses - Những Vần thơ Quỉ tính, của Salman Rushdie [1947] - vì chúng phá hoại những "đại tự sự" đó.

Liên đới này giữa sự từ khước của chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ nghĩa bảo thủ hoặc chủ nghĩa bảo căn có thể giải thích phần nào tại sao việc chủ nghĩa hậu hiện đại thừa nhận sự từng mảnh và đa dạng lại có khuynh hướng lôi cuốn cả người cấp tiến lẫn người bảo thủ. Trong chừng mực nào đó, đó là lý do khiến các nhà lý thuyết về nữ quyền nhận thấy chủ nghĩa hậu hiện đại rất quyến rũ, như cả Sarup, lẫn Flax và Buttler đều vạch ra cho thấy.

Những khả năng tích cực

Tuy nhiên trên một cấp độ khác, dường như chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đưa ra một số khả năng chọn lựa để gia nhập nền văn hoá tiêu thụ toàn cầu nơi những mặt hàng và những hình thức của tri thức được cống hiến bởi những sức mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân. Những khả năng chọn lựa ấy đặt trọng tâm vào tư duy về mọi hành động (hoặc phấn đấu xã hội) thiết yếu mang tính địa phương, giới hạn và cục bộ - thế nhưng lại tác động hữu hiệu. Bằng việc loại bỏ các "đại tự sự" (như sự giải phóng toàn bộ giai cấp lao động) và bằng việc đặt trọng tâm vào các mục tiêu đặc biệt địa phương (thí dụ cải thiện nhà giữ trẻ cho các bà mẹ lao động trong cộng đồng của bạn), hoạt động chính trị mang tính hậu hiện đại cống hiến cách thức lý thuyết hoá các hoàn cảnh rắn đặc ở địa phương thành thể lỏng và không lường trước được, dù chúng đang bị ảnh hưởng bởi các khuynh hướng toàn cầu. Khởi từ đó, phương châm sinh hoạt chính trị hậu hiện đại có thể là "tư duy toàn cầu, hành động địa phương" - và chớ bận tâm tới bất cứ kế hoạch lớn hoặc chương trình hàng đầu nào.

(Tiến sĩ Mary Klages)


© 2003 talawas