© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Há»™i nghị lí luận phê bình của Há»™i nhà văn Việt Nam (14-15/8/2003)
 1   2   3 
21.8.2003
Lại Nguyên Ân
45 phút xuất thần của ý thức văn học
 
Trong tuần qua, sự kiện trung tâm của đời sống văn học tại Việt Nam là Hội nghị lí luận phê bình do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức và o hai ngà y 14 và 15.8.2003 tại nhà nghỉ công đoà n trên núi Tam Đảo, với 152 người tham dự. Chúng tôi xin giới thiệu bà i viết của nhà phê bình Lại Nguyên Ân về hội nghị nà y và lần lượt đăng một số tham luận trong điều kiện cho phép.
talawas
Hội nghị lý luận phê bình văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Ðảo (14 và 15/8/2003), trên thực tế làm việc trong 3 buổi: ngày 14/8, buổi sáng (8 giờ đến 11 giờ 30) và buổi chiều (14 giờ đến 16 giờ); ngày 15/8, một buổi sáng (8 giờ đến 11giờ 30). Tổng cộng thời gian làm việc khoảng 8 - 9 giờ, tức là trên dưới 500 phút. Trong tổng thời lượng này ít ra có 45 phút cao trào; tôi gọi đó là 45 phút xuất thần của ý thức văn học.

Tất nhiên thời gian còn lại không phải đều tẻ nhạt, nhưng thời tiết tự nhiên và cách làm của con người khiến sự việc thường không diễn ra nhất nhất như ý muốn. Cơn mưa rào trên núi cao bất chợt khua ầm ầm trên mái tôn phòng họp khách sạn Hoa Hồng đúng lúc Tổng thư ký Hữu Thỉnh đọc bài đề dẫn được soạn thảo rất công phu khiến cử toạ vừa gắng lắng nghe vừa tỏ chút ái ngại. Ở phần tham luận sau đó, khá đông diễn giả chọn cách đọc bài viết sẵn, đặt người nghe vào thế thụ động. Tất nhiên trong tổng số 20 lượt người tham luận (ban tổ chức cho biết đã nhận được gần 50 bản tham luận) có những bản thu hút được sự chú ý. Ví dụ nhà phê bình Trần Ðình Sử nêu vấn đề tính hiện đại của tư duy lý luận phê bình, cho rằng bên cạnh lý luận Mác - Lênin vốn là độc tôn trước đây, từ sau 1986 đã bắt đầu thấy có việc giới thiệu, dù ít ỏi và dè dặt, các lý thuyết khác; như vậy là đã xuất hiện thái độ khoan dung trong sinh hoạt lý luận, - một dấu hiệu của tính hiện đại. Cố nhiên, từ đây, lý luận và phê bình văn học cần được xây dựng thành những bộ môn độc lập chứ không thể mãi mãi là phần "ăn theo" bộ môn lý luận Mác - Lênin. Anh Sử lưu ý rằng ở các nền học thuật nước ngoài, kể cả Nga và Trung Quốc, người ta thấy chính ngay quan niệm về phê bình, về văn học cũng đang có sự phát triển, biến đổi, không phải bất biến.

Nhà văn Xuân Cang lưu ý: đừng lấy nê văn hoá đọc đang bị văn hoá nghe nhìn lấn át để bênh vực người viết kém, lười sáng tạo; nhà văn hãy chinh phục độc giả bằng sáng tác chứ đừng đòi hỏi dạy dỗ hướng dẫn bạn đọc. Nhà thơ Vũ Quần Phương dường như cảm thấy sự phân tán chú ý của cử toạ khi không có ít nhóm chụm đầu nói chuyện riêng, đã xếp bài tham luận viết sẵn lại để bàn đến những việc cụ thể như xét giải thưởng, xét kết nạp hội viên, hoặc thái độ trịch thượng không nên có của một vài nhà phê bình vốn là giáo sư đại học. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo dăm năm nay sống trong văn học bằng các trang phê bình, thấm cả cái sướng lẫn cái khổ của nghề mới này, đã nói về nó như "một niềm vui, một nỗi buồn và một nửa niềm hy vọng"...

Lại có những tham luận khiến nhiều người lấy làm lạ. Nhà lý luận Hồ Sĩ Vịnh nêu việc khôi phục các tiêu chuẩn tính Ðảng và hiện thực xã hội chủ nghĩa trong phê bình mà ông tiếc là đã bị lãng quên từ mươi năm gần đây. Nguyễn Duy Bắc, một nhà giáo còn khá trẻ cũng có viết phê bình, khi nêu yêu cầu đổi mới lý luận phê bình, đã nhận xét rằng: thay vì tập trung phân tích đánh giá văn học từ đổi mới đến nay, hoạt động phê bình trên báo chí văn học hầu như lại tập trung phê bình sự phê bình; - ý anh muốn trỏ việc nhiều nhà văn, nhà phê bình góp ý kiến cho sách giáo khoa ngữ văn mà Duy Bắc cho rằng xu hướng chung là "hạ bệ các nhà giáo, hạ bệ ngành giáo dục" - một nhận xét rất khó được đồng tình. Ông Phạm Ðỗ Nhật Tiến, một đại biểu đến từ Bộ Giáo dục, thì đọc bài viết sẵn, nói thay ngành giáo dục lời cảm ơn các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình với một cung cách lịch sự quá đáng, không giấu nổi vẻ lạnh lẽo và xa cách.

Khi phần đọc tham luận kết thúc, người ta chợt nghĩ: hội nghị này có cơ lặp lại nhiều hội nghị, hội thảo gần đây, tức là nội dung bị gói gọn vào những tham luận đã viết, đã gửi đến, chỉ làm nên độ dày cho cuốn kỷ yếu (nếu sẽ được in ra) chứ không chuyển được vào thần thái của diễn biến hội nghị.

Ðêm 14/8 chừng như nóng hơn đêm trước ngày khai mạc hội nghị. Bầu trời Tam Ðảo ít mây hơn, trăng sáng hơn. Thung lũng Tam Ðảo vẫn im ắng; một vài lời hát vọng ra từ vài quán karaoke nào đó không át được tiếng dế, tiếng côn trùng rỉ rả dưới các vòm cây rừng, các bụi lau lách, dưới những giàn su su tràn ngập thị trấn càng về khuya càng đẫm sương đêm...

Người mở đầu phần thảo luận sáng 15/8, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến, vài ba chục năm trước đây thường là người châm ngòi gây nổ. Vai trò ấy lần này dường như không lặp lại: ông già ngoại thất tuần có vẻ chỉ dùng 15 phút trên diễn đàn để biện hộ ít lời cho bạn ông, nhà phê bình Nguyễn Ðăng Mạnh, tuy vắng mặt nhưng lại có bài phỏng vấn đăng báo Ngày nay đón đầu hội nghị này, bài phỏng vấn mà một số ý kiến tại đây chỉ trích.

Khác với những người tham luận hôm qua, những người phát biểu thảo luận hôm nay thường nêu thẳng người và việc cụ thể, phê bình nhận xét về những quan niệm, những hoạt động văn học cụ thể. Nhà thơ Hoàng Minh Châu nêu việc nhà lý luận Hà Minh Ðức chuyển sang làm thơ, bỏ trống trận địa lý luận phê bình, việc nhà phê bình Phan Cự Ðệ đi làm nhạc "là việc không phải của anh Ðệ", - thế thì có làm gương về tính chuyên nghiệp được không?

Nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng, tân Viện trưởng Viện Văn học nhắc nhà thơ Trần Mạnh Hảo đừng lẫn nhiệm vụ phê bình của Hội Nhà văn với nhiệm vụ của Viện Văn học, nhắc nhà thơ Vũ Quần Phương rằng anh mới chỉ thấy một người "không có bằng cấp" (thật ra phải có bằng Cử nhân rồi chứ?) ở Viện Văn học lại viết hay hơn những người khác, nhưng hẳn anh Phương không đọc nên không biết những người khác ở Viện làm những việc khác, viết những cái khác.

Không khí nóng dần. Thời gian mỗi lúc mỗi trở nên quý hiếm. Nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1970) dám nêu nhận xét: nếu bảo cần tìm hiện trạng phê bình lý luận của ta đang ở đâu thì có thể tìm ngay ở phần tham luận hôm qua. Việc các diễn giả chỉ đọc cái mình viết sẵn, theo lý thuyết về hiệu quả truyền thông, may ra tác dụng chỉ đạt 17%. Hoặc tình trạng thiếu sự thể hiện bản sắc cá nhân trong nghiên cứu có thể thấy rõ ở tham luận của nhà nghiên cứu Trần Thanh Ðạm đọc hôm qua: trong đó chỉ thấy lặp lại những ý kiến người khác đã nói ở chỗ khác.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói những cái sợ trong phê bình: sợ những lý luận quá cũ; sợ những thứ phê bình không lý luận; sợ thứ phê bình chỉ đặt dưới góc độ chính trị hoặc đạo đức chứ không đặt dưới góc độ học thuật, - vì thứ phê bình ấy mà những nhận xét riêng của Phạm Xuân Nguyên về đóng góp cách tân thơ tiếng Việt thế kỷ XX đã bị Trần Mạnh Hảo vu cho là đem lá cờ máu từ nhóm này trao cho nhóm khác; cũng vì thứ phê bình ấy mà nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh bị bầm dập một cách bất công. Phê bình vẫn còn là một sân chơi nguy hiểm, thiếu luật và thiếu sự công bằng.

Mang thường trực ý thức nữ quyền, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái vạch ra cái yếu của các cây bút phái nam: các anh đang viết phê bình một cách rất thiếu triết học.

Nhà văn Bùi Bình Thi không khuyên giới phê bình đoàn kết nhất trí, chỉ mong từng nhà phê bình nên khác nhau. Anh than phiền về quản lý vĩ mô. Anh kể mấy năm trước chính anh từng khuyên một viên trợ lý cấp cao hãy "tham mưu" theo hướng đừng cấm Chuyện kể năm 2000; còn bây giờ anh đề nghị các cấp cao đừng cấm sách Thượng đế thì cười (đã in xong, đang bị "đắp chiếu"), vì trong ấy tác giả nói dối nhiều; cấm là chỉ làm sang cho tác giả ấy; sao không nghĩ có lúc tác giả ấy sẽ khoe rằng từng bị cấm sách?

Nhà phê bình Nguyễn Hòa tán thành nhận xét của Nguyễn Thanh Sơn nêu trên. Anh nhắc tới trách nhiệm của báo chí, của người biên tập các trang phê bình. Ngày nay hầu như không còn những người như chị Thiếu Mai ở báo Văn nghệ năm xưa chăm chút cho từng bài viết của các cây bút phê bình trẻ. Anh cho là nên xem lại thái độ của các bậc đàn anh đối với các thế hệ sau. Thấy cuốn sách dày với nhan đề huênh hoang của tác giả Ðoàn Hương viết kém lại được nhà nghiên cứu lão thành Hoàng Trinh đề cao, Nguyễn Hòa hỏi thì ông bảo ông khen cốt nâng đỡ giới nữ, nâng đỡ lớp trẻ. - "Thế họ làm hỏng, làm bậy cũng cứ động viên khuyến khích ư?" - Nguyễn Hòa cho là đã đến lúc phải xem lại tình hình lý luận phê bình một cách thẳng thắn, trung thực; anh nói: nếu các quan niệm như của Hồ Sĩ Vịnh, Trường Lưu, Ðỗ Văn Khang, Trịnh Ðình Khôi... vẫn cứ được coi như chính thống thì không thể nói lý luận phê bình có triển vọng sáng sủa.

Vào những giây phút chót của một cơn ngẫu hứng tập thể, giám đốc (Nhà xuất bản Văn học) Nguyễn Văn Lưu bỗng nhớ mình từng là một nhà phê bình, dường như cảm được cái nguy cơ giới quan liêu sẽ dựng rào cản ngăn việc phê bình sách giáo khoa, đã đề nghị dư luận khẳng định việc giới nhà văn góp ý thường xuyên về chất lượng và nội dung sách giáo khoa là việc tốt, và đừng bao giờ nên cho đó là đánh vào "quốc sách giáo dục".

Từ những phát biểu thảo luận buổi sáng 15/8, có thể thấy hai mối bận tâm của giới phê bình, nhất là của những người đang còn được coi là phê bình trẻ. Một là thực trạng yếu kém của lý luận phê bình, - nó cần được mổ xẻ và nhất là cần được vượt qua; điều này tại đây mới chỉ được động chạm tới bằng xúc cảm, chưa phải bằng sự phân tích. Thứ hai, từ việc phê bình góp ý sách giáo khoa ngữ văn nảy ra vấn đề học phiệt và chống học phiệt. Việc dạy, việc học, việc thi, những vấn nạn của ngành giáo dục ngoài xã hội không thể không vọng vào cuộc thảo luận ở đây, mặc dù giới các giáo sư soạn sách giáo khoa, chế tạo và quy phạm hoá các loại kiến thức, trong đó có các kiến thức văn chương vốn tinh tế, sinh động, - chính một số đại diện của cái giới có quyền và được giao quyền hoạch định nhận thức văn chương nhận thức xã hội của người đi học ấy, - chính các quý ngài còn đang tự thấy vô can đối với chất lượng rất thấp của số đông học trò, chính các quý ngài còn đang muốn bảo vệ độc quyền của mình trước mọi sự luận bàn, góp ý từ giới văn học.

Trong lời kết thúc hội nghị, Tổng thư ký Hữu Thỉnh cho rằng không khí thảo luận sáng nay là không khí của một ngày đại hội, - có lẽ ông nghĩ tới hồi đại hội nhà văn năm 1989. Dẫu sao mấy chục phút bừng lửa xuất thần này cũng cho thấy một ý thức văn học và ý thức xã hội vẫn tiềm tàng đâu đó trong giới cầm bút. Nó khiến người ta dẫu sao cũng còn một ít hy vọng, mặc dù khi lên xe xuống núi về lại đồng bằng, cái nóng bức, bụi bặm thường nhật sẽ khiến ý thức ấy trở lại trạng thái vật vờ trên các trang phê bình nay mai.

19/8/2003

© 2003 talawas