© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
3.11.2004
Hoài Phi
Dịch giả là gì?
 
Hoài Phi, Ban biên tập talawas


Ðây là cuộc đối thoại giữa giảng viên và học viên. Ai là giảng viên, ai là học viên không quan trọng. Hai vai này có thể thay đổi bất cứ ở đâu, lúc nào. Nhưng luôn có một khoảng cách nhất định giữa họ.

“Dịch giả là gì?

Ðể xem:
  1. người giúp người đọc hiểu được ý tưởng của một người khác? (Ðủ rồi, xin đừng hạ thấp vai trò của dịch giả như vậy. Thái độ ấy vừa kẻ cả, vừa thiếu công bằng.)
  2. người bắc cầu nối hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa? (Nếu vậy, đây sẽ là cây cầu một chiều. Và tôi rất ghét những con đường một chiều hạn hẹp. Vì sao lại một chiều? bạn hỏi. Vì bạn dịch tác phẩm từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác, bạn không bao giờ dịch ngược một tác phẩm trở về ngôn ngữ nguồn. Không ai làm việc vớ vẩn ấy. Do vậy, một bản dịch dù hay, cũng chỉ có lợi cho người đọc bản dịch ấy mà thôi. Chẳng phải một chiều ư?)
  3. nàng dâu trăm họ, công không mấy ai biết, tội ai cũng kêu? (Một bản dịch hay: tác giả thật vĩ đại; nếu ngược lại: lỗi tại người dịch!)
  4. một nhà phê bình tồi? (Dịch giả này/kia đã bỏ sót hoặc/và hiểu sai ý của tác giả.)
  5. một nhà “văn” dở? (Dịch giả này/kia thậm chí không “viết” đúng ngữ pháp, chính tả... Bản dịch “Tây” quá.)
  6. người mở cánh cửa vào một thế giới khác? (Tôi thích định nghĩa này. Không, khoan đã, chẳng phải định nghĩa này có thể áp dụng cho bất cứ người nào, công việc gì ư? Ðịnh nghĩa này không cho ta thấy được vị trí riêng biệt của dịch giả.)

Ðược rồi, nếu vậy, vị trí riêng biệt mà bạn nói đó là gì?

Như bạn thấy, khi luận bàn về văn chương, người ta thường nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa tác giả - nhà phê bình - độc giả, ba ngôi thần thánh nếu bạn thích. [1] Dịch giả đứng ở chỗ nào trong bức tranh này? Dịch giả có mặt, nhưng chẳng được mấy ai nhìn thấy. Một cái bóng. Làm nền cho ánh đèn rọi sáng vào trung tâm của sự chú ý. Nhưng nếu thiếu cái nền này, ta sẽ chẳng nhìn thấy được gì. Hãy thử nghĩ mà xem. Làm thế nào mà hàng triệu triệu độc giả không biết tiếng Ðức vẫn có thể thích Kafka? Những người không biết tiếng Nga mà vẫn mê Chekhov? Không biết tiếng Hoa mà vẫn tâm đắc với Lỗ Tấn? Kể từ khi bắt đầu có quan hệ, trao đổi giữa các nền văn hóa, văn minh khác nhau, người ta đã cần đến các dịch giả, nhất là thời nay, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này. Bao nhiêu người trong số chúng ta có thể tuyên bố rằng mình biết hơn mười thứ tiếng khác nhau? Trong khi đó, gia tài (văn chương) của nhân loại đã, đang và còn tiếp tục được sáng/tái tạo bằng hằng vài trăm thứ ngôn ngữ? Nếu không có các dịch giả, làm gì có trao đổi, hợp tác? Hơn nữa, chúng ta thường phục tùng trước quyền lực của dịch giả mà hiếm khi nghĩ đến điều đó. Cái mà chúng ta thu được từ một bản dịch là một văn bản nguồn đã qua rất nhiều cân nhắc và biến đổi. Suy cho cùng, Lỗ Tấn chưa bao giờ viết, “Hãy cứu lấy trẻ em.” Dịch giả nói với chúng ta Lỗ Tấn đã viết như vậy. Và chúng ta (những độc giả không đọc văn bản bằng chữ Hán) đã chấp nhận câu nói đó như thể của Lỗ Tấn thực sự. Kỳ!

Ðược rồi, vậy thì dịch giả đứng ở chỗ nào trong bức tranh (văn chương) này?

Ở mọi nơi. Dịch giả chạy giữa các vị trí, như một con thoi nối điểm này với điểm kia. Không phải cầu nối! Cầu cố định. Thoi đưa. Dịch. Chuyển. Dịch giả cùng một lúc đóng vai trò của một độc giả (của văn bản nguồn), nhà phê bình, nhà văn, thậm chí nhà biên tập, và dĩ nhiên, lại là một độc giả (lần này của văn bản đích). Là một độc giả, dịch giả nhận biết những mối chỉ khác nhau (ý tưởng, chủ đề, liên hệ...) trong văn bản (nguồn) cần được tháo gỡ. Là một nhà phê bình, dịch giả biết mình có lúc phải chấp nhận theo mối chỉ này thay vì mối kia. Là nhà biên tập, dịch giả đôi khi cần sắp đặt lại thứ tự câu chữ cho hợp với việc dịch. Là một tác giả, người dịch phải sáng/tái tạo một mạng (mối chỉ) mới bằng ngôn ngữ đích. Và cuối cùng, là một độc giả của văn bản dịch, dịch giả không có được tự do đã từng có khi đọc văn bản nguồn vì phải chịu tác động của nó. Trong tâm trí dịch giả, hai hình ảnh song song chạy, một của văn bản nguồn và một của văn bản đích. Dịch giả cùng lúc nhận thức được sự bất lực (không ai “dịch” được cái đẹp) và quyền lực của mình (trong việc sáng/tái tạo một vẻ đẹp mới). Tiến trình này không ngừng gợi cảm hứng và dằn vặt dịch giả. Trong vương quốc đọc và viết, dịch giả là người duy nhất vừa yêu, vừa sợ sẽ phản bội, vừa buộc phải phản bội một văn bản để rồi lại yêu (biến dạng của) văn bản ấy. Tình cảm ấy cùng lúc gây hưng phấn và làm cạn kiệt sinh lực của dịch giả.

Vậy thì dịch giả phải làm gì?

Rất nhiều việc. Từng bước một.

???

Trước hết, khi đọc văn bản nguồn, cần (gắng) tránh để những thành kiến của bản thân áp đặt lên cách tiếp cận văn bản của mình. Ðọc văn bản như tự thân nó, không phải như mình “muốn.” Và điều này không dễ. Dịch giả luôn phải tranh đấu để giải phóng bản thân khỏi những lối mòn đọc văn bản của mình và của người khác quanh mình. Ðọc văn bản và ngoài văn bản. Viết là tạo ra những ranh giới, bất kể một tác phẩm độc sáng đến mức nào. Ranh giới vật thể: lề trang giấy (của một quyển sách), màn hình (máy vi tính); điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Ranh giới không gian và thời gian: những ranh giới này có mặt trong mỗi tác phẩm. Không tác giả nào có thể tuyên bố đã sáng/tái tạo ra một tác phẩm phi không gian, phi thời gian. Nhưng, là một độc giả, dịch giả có khả năng, và nên, phá vỡ những ranh giới đó, đẩy trí tưởng tượng của mình đến những bến bờ mới. Không chỉ “đọc” mà nhâm nhi, hưởng thụ. Lắng nghe những âm thanh trong văn bản. Tắm mình trong những cầu vồng màu sắc (hoặc khoảng trống). Sống (với/cùng) văn bản. [2] Vì sao điều này lại quan trọng như vậy? Bởi dịch giả không chỉ là một độc giả (vô danh) bình thường. Cách đọc của dịch giả sẽ ảnh hưởng tới những độc giả khác trước đó và sau này.

Thứ hai, trong vai trò của một nhà phê bình, dịch giả buộc phải lựa chọn. Ðã bao giờ có nhà phê bình nào bao trọn một lần tất cả mọi vấn đề có thể bàn đến trong một tác phẩm?! Nhà phê bình tùy nơi, tùy lúc, tùy trường hợp mà chọn phương án mở hoặc khép kín một khả năng. Năm ngoái, trên talawas có một cuộc tranh luận khá sôi nổi về việc dịch câu nói nổi tiếng của Camus “Je me révolte donc nous sommes” sang tiếng Việt như thế nào. [3] Cuộc tranh luận này xoay quanh hai chữ “révolte” và “sommes.” Ðiều đáng lưu ý là không ai để ý đến “je” và “nous,” vốn khó dịch hơn rất nhiều sang hệ thống đại từ nhân xưng phức tạp của tiếng Việt. Thậm chí trong trường hợp chúng ta đều nhất trí dịch “je” thành đại từ nhân xưng trung tính nhất là “tôi” (đây cũng là một vấn đề đáng bàn thêm), thì cũng vẫn còn “nous.” Tiếng Việt có hai đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều, là “chúng ta” (bao gồm cả người nghe/đọc/tiếp nhận) và “chúng tôi” (không bao gồm những người đó). Nếu chúng ta xét đến văn cảnh/bối cảnh thuộc địa, tôi tự hỏi không hiểu “văn bản” của Camus có tính gộp cả những người dân thuộc địa “chưa được văn minh hóa” trong đó không? Nói cách khác, không hiểu trong “nous” của Camus có người Việt da vàng mũi tẹt chúng ta không?

Thứ ba, trong vai trò một biên tập viên, dịch giả đôi khi phải biên tập lỗi trong văn bản nguồn. Nếu như có lỗi chính tả, dịch giả có dịch luôn lỗi chính tả đó không? Hơn thế nữa, đôi khi, để tạo ra sự nhất quán trong văn bản dịch, dịch giả có thể tự ý ngắt, sắp xếp lại thứ tự câu trong văn bản nguồn...

Thứ tư, trong vai trò tác giả (của bản dịch), dịch giả không nên để văn bản nguồn bức chế mình. Hãy thổi hơi thở vào văn bản của mình, vì văn bản dịch là của dịch giả. Câu thơ của Thôi Hộ, “Ðào hoa y cựu tiếu đông phong,” đã được Nguyễn Du “dịch” (trong Truyện Kiều) thành “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.” Câu trước gợi cho ta thấy một vẻ đẹp cổ kính được đóng khung trong không gian và thời gian cách biệt, không liên tục (y cựu: chỉ là y như cũ, không phải là chính nó.) Bản dịch của Nguyễn Du tạo ra một vẻ đẹp mới, sinh động, có hơi thở của gió xuân (còn cười: hoa đào cười từ năm ngoái và tiếp tục cười đến lúc đó. Ở đây ta có sự liên tục của thời gian. Hoa đào dường như đang lẳng lơ cùng gió đông). Chỉ cần thay/thêm một chữ “còn”, Nguyễn Du đã biến bức tranh tĩnh vật (tuyệt đẹp) của Thôi Hộ thành một bức tranh sống động. Một vẻ đẹp mới! Ðó chính là việc của một dịch giả trong vai trò của tác giả: sáng/tái tạo một cái đẹp mới.

Và cuối cùng, khi đọc lại bản dịch của mình, đương nhiên dịch giả sẽ không quên được văn bản nguồn. Dịch giả luôn sống trong nỗi sợ hãi mình đã đi quá xa. Vào thời điểm này, điều quan trọng dịch giả cần nhớ là độc giả (thực sự) của văn bản dịch hoàn toàn không phải là độc giả của văn bản nguồn. Ai đó nói, Once, there was a girl who played with her mother. That girl is no longer there. [4] Tiếng Việt: Ngày xưa, có một cô bé chơi với mẹ. Cô bé ấy nay không còn nữa. Với độc giả tiếng Anh, “once” sẽ gợi lên một chuỗi hình ảnh và liên tưởng khác hẳn với những gì mà chữ “ngày xưa” gợi lên cho độc giả tiếng Việt, cả về không gian, thời gian, vật chất lẫn tinh thần. Nhưng như vậy thì đã làm sao? Ðó chính là cái đẹp “dịch.”

Rốt cuộc thì dịch giả là gì?

Người tiến hành cuộc (thánh) chiến chống lại Chúa trời. Chúa khiến mọi người không hiểu tiếng nhau để họ không thể xây nổi tháp Babel. Dịch giả gắng sức giúp họ xây tháp ấy.”

Cuộc trao đổi đến đây là hết.



Hoài Phi (1970), hiện sống tại Mĩ

© 2004 talawas


[1]Trước đây, chúng ta thường đề cao vai trò của tác giả. Sau này, ta lại nhấn mạnh vai trò của độc giả. Nhà phê bình trước đây thường được xem là đứng dưới tác giả và đứng trên độc giả, thay mặt tác giả “giải thích” cho độc giả biết nhà văn “định nói điều gì. Về sau, người ta lại cho rằng vai trò của nhà phê bình là “tạo ra một ngôn ngữ thứ hai,” hay nói cách khác, là tự mình trở thành một tác giả. Vai trò của nhà phê bình lúch này không còn “đứng trên” độc giả, nhưng cũng không “đứng dưới” tác giả. Dù gì đi nữa, tam giác quan hệ tác giả – nhà phê bình – độc giả này vẫn là trung tâm của sự chú ý trong tiến trình đọc văn bản (văn học).
[2]Ở đây tôi mượn hình ảnh của Hélène Cixous trong “Vivre l’orange.” Quan hệ giữa Cixous và quả cam của bà gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa độc giả với tác phẩm mình đang đọc.
[3]www.talawas.org: xin xem các bài viết của các tác giả Ðỗ Nguyên, Phạm Xuân Nguyên, Thụy Khuê... tháng 1 và tháng 2 năm 2003. Trong các bài viết này, tất cả đều dịch “je” là “tôi” và “nous” là “chúng ta.”
[4]Tôi mượn hình ảnh này từ bộ phim mới nhất của Trịnh T. Minh Hà và Jean-Paul Boudiex, Night Passage (Lối Ðêm).