© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
4.11.2004
Tôn Văn
Văn hóa đọc - từ một góc nhìn
 
1.

Ðọc và viết là hai khả năng cơ bản của mỗi người. Ngay từ khi chưa hết thò lò mũi xanh, cắp sách vào lớp vỡ lòng đã bắt đầu „tập đọc tập viết“. Qua biết bao nhiêu thước kẻ vào đầu, roi quất lên tay mới „biết đọc biết viết“. Rồi lại qua bao nhiêu cơm thày cơm cô, ông bố hay bà mẹ mới dám qua nhà hàng xóm nói: Thằng bé, con bé nhà tôi đã „đọc thông viết thạo“. Lớn chút nữa thì việc đọc có giảm đi mà việc viết (tức là tập viết) tăng lên: Tập làm văn (môn này quan trọng!), tập làm thơ, tập làm báo tường, báo lớp, tập viết kiểm điểm... Lớn tiếp đi làm (cũng gọi là đi thoát ly) thì có thể hai việc „đọc-viết“ lại được gần nhau: „Nên đọc nên viết“, „được đọc được viết“, „phải đọc phải viết“ và cả „cấm đọc cấm viết“. Về cơ bản thì cái đoạn kế sau là do chữ mà suy chứ không phải từ nghĩa mà luận, nhưng cũng không phải không từng có trong thực tế.

Ðọc và viết là hai nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống con người, như đầu vào và đầu ra (input và output) của một hệ thống; nhưng hình như viết được để mắt nhiều hơn: Viết có lớp huấn luyện, khóa bồi dưỡng, có trường dạy, chứ đọc thì không.

Việc đọc, nói cho to ra là văn hóa đọc, là một thành tố cơ bản thuộc về quyền (yêu cầu và quyền lợi) cá nhân. Thành tố cơ bản ở đây tôi nói theo nghĩa nó là tiên đề của hệ tiên đề: Là cái cần và đủ cho hệ thống văn hóa của một con người. Thật khó tưởng tượng một thế giới không còn việc đọc. Thật đau thương cho một con người suốt đời không biết đọc, không được đọc, không dám đọc!


2.

Về nguyên tắc, tất cả những gì nhận ra bằng mắt đều được gọi là đọc: Nhà khảo cổ học đọc những thông điệp của người xưa qua hình vẽ trong hang đá, người họa sỹ đọc lên niềm xúc cảm từ những gam mầu của một bức tranh; rồi những chàng trai, những cô gái đọc trong ánh mắt người tình những lời trìu mến mà đôi khi nguyên bản của tác giả cũng chẳng hay bằng... Nhưng cái đọc ta nói đến đây là đọc những ấn phẩm bằng chữ được viết ra, được in lên, được đao-lốt (dowload). Nói về văn hóa đọc là nói đến những đối tượng này. Và điều cũng không kém phần lý thú là cái cách chúng ta đến với những ấn phẩm, cách chúng ta đi vào cái gọi là „văn hoá đọc“.

Những ấn phẩm đầu tiên con người tiếp xúc chắc là cuốn „tập đánh vần“, tiếp sau là những „sách chữ to có tranh“, những báo tuần báo tháng, tạp chí, bản tin; nhưng phần lớn thì phải kể những cuốn sách giáo khoa mà thời chúng tôi, nhiều người phải mua lại của những đàn anh đàn chị lớp trước. Ðọc những cái đó, thuộc những cái đó và viết theo những cái đó, càng được nhiều càng tốt. Tôi có cái may là được nhà chiều, và nhất là Thày tôi có một tủ sách con, không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi lục lọi. Ðạt trình độ „đọc thông“ rồi, tôi mò đọc Chinh phụ ngâm, Kiều... Ðã có thể thuộc từng đoạn đấy, nhưng không hiểu hết đâu. Ví như trong câu „Ðường rong ruổi, lưng đeo cung tiễn/ Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa“, tôi đã không hiểu cái „tiễn“ trước và cái „tiễn“ sau khác nhau thế nào. Nhưng cứ đọc mãi thì cũng thấm vào chút ít, nhất là cái không khí, cái thần của toàn câu chuyện. Hai cuốn sách khác cũng khá quan trọng đối với tôi, đó là tập sách giáo khoa Tự luyện thi cấp tốc bằng Tiểu học và một cuốn tóm tắt những kiến thức cơ bản và công thức toán học chắc dịch từ tiếng Pháp, đều được in từ thời cũ mà Thày tôi còn giữ được. Cuốn thứ nhất khổ lớn, chắc cỡ A4, giấy xấu, mầu xám ngà, còn cuốn thứ hai nhỏ bằng một phần ba, in giấy mỏng và tốt. Hai cuốn này là chỗ dựa, là bảo bối của tôi trong những năm phổ thông cơ sở. Chúng cho tôi những kiến thức mà các bạn cùng lớp không có được, nếu chỉ học theo sách giáo khoa. Viết ra như thế chỉ là muốn nói: Học trích giảng, đọc trích đoạn không giúp nhiều cho người học. Học là tự đọc, là tự sống trước cái đời ta sẽ sống, phải thật chăm chú và cẩn thận.

Nhưng đấy là những điều sau này nghĩ lại rồi rút ra thế, chứ lúc đó tôi chỉ thấy thích thú khi biết thêm những điều lạ, những điều hay ho nhận được qua sự đọc. Người Ðức có câu: Cứ ăn rồi sẽ thấy ngon (Appetit kommt beim Essen - Cái sự ngon miệng nó đến trong khi ta ăn). Nhờ tập đọc, tôi đã thích đọc và thích luôn cả việc tìm, chứa sách, cho mãi tới sau này.


3.

Năm tháng dần trôi, tuổi trời thêm nặng. Cái tính thích đọc, thích sách thấm vào người ta như ma túy, như bệnh nghiện. Nó làm ta nhiều khi phát cuồng, nhiều khi rã rời tưởng sắp về chầu Chúa. Những năm bảy mươi chả hạn, những „bài thơ sang sảng những tên người“ thấy ít viết ra và cũng thấy ít làm ta rung động hơn. Cô bạn cùng đoàn vào tiếp thu cơ sở kỹ thuật sau giải phóng, „tiếp thu“ nghiến ngấu những Vòng tay học trò, Một đời để hận... „Văn viết thế này thì hết chê luôn“ - cô nói dẻo quẹo giọng Xè-goòng mới tập! Anh bạn lớn tuổi thì hết Cô gái Đồ Long , Anh hùng xạ điêu, lại quay ra nạp cho cái máy hát mua nhặt ngoài phố mấy đĩa Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Tuyền... nghe đi nghe lại đến nhức cả đầu. Tôi bán đi mấy tút Sài Gòn Giải Phóng được phân phối, lấy tiền lượm Gánh hàng hoa, Làm đĩ ... ở mấy quầy sách đường Lê Lợi; đọc rồi nhờ đem ra Hà Nội trước. Sau này khi hết „biệt phái“, tôi về thì chỉ nhận lại được mấy cái chậu nhựa, cái quạt bàn National, còn sách thì chắc người nào đó đang đọc dở.

Rồi thì túi bụi lao vào đề tài, săn hợp đồng... Báo chí thì đọc ở cơ quan, mà cũng khó kiếm: mấy vị hưu trí đi xếp hàng từ sáng sớm, mua về đọc hết hay chưa hết cũng đem bán lại cho mấy bà hàng ở Bắc Qua, chợ Ðuổi... làm giấy gói, cũng là một khoản thu. Thèm đọc thì ra ngã ba mượn mấy anh „xế-lô“ đang vắng khách. Mượn một tờ thôi, đọc xong rồi đổi, tờ kia phải để anh làm quạt đuổi ruồi hay che mắt cho dễ ngủ. Buồn thì tha thẩn đạp xe đi chơi, Hà Nội hồi ấy còn có thể đạp xe tha thẩn được. Chợ Xanh chỗ cao-xà-lá có ông già bán sách cũ, mua nhặt nhiều lần cũng đủ bộ Ðông Chu (không phải không có tiền mà vì ông ấy cũng không có sẵn, phải đợi kiếm dần). Những sách khác thì ông có nhiều, như dạy đánh cờ, tiền vận hậu vận, bói bài... nhưng mình cũng đã thấy rồi, không ham lắm nên đọc không vào mà làm theo cũng không được. Thằng bạn tôi thì khác, nó say nhất là những sách kiểu chỉ tay giản yếu, tâm lý đàn bà... Nó lắm người nhờ nhưng cấm có khi nào xem cho tôi hoặc những người chúng tôi quen biết.

Thế rồi rộ lên sách dịch. Người ta khoe nhau: Tớ đã có Ka-ta-rin-na, sắp ra Bà Bô-va-ry, Thằng bé đấy... Thế rồi „ào ào đổ lộc rung cây“ với những Tôi và chúng ta, Tướng về hưu, Mùa lá rụng ... Ðọc thì có thấy hay, nhưng vợ vẫn không khỏi được cái bệnh thỉnh thoảng lại nhăn mặt lại, mắt trợn ngược lên (chẩn đoán nói là mắc bệnh viêm màng túi mãn), hết bảo đi xếp hàng mua dầu lại sai đem sửa cái vành xe đạp đảo. Bạn bè phiêu dạt, đứa đi Phi châu thử sức ruồi vàng, đứa sang Nga làm chân hợp tác. Ðọc quên, văn hóa cũng quên luôn!

Từ ấy đến nay, tính năm cũng đã trên cái số mười lăm của nàng Kiều, biết bao dời đổi! Sự đọc cũng khác đi nhiều. Sách báo bây giờ in ra đủ loại, giấy tốt, hình đẹp. Và nhất là internet: nhấn chuột mấy cái thì xem được đủ thứ, từ khắp mọi nơi trên cõi nhân gian. Cho nên bây giờ nói văn hóa đọc thì cũng gần như là nói văn hóa internet: tiện, nhanh và đầy đủ. Và có phải nhờ cái „mạng tin liên quốc“ này mà việc đọc lại phục hưng chăng?


4.

Nói rằng internet nhìn chung và văn hóa đọc internet nói riêng là bước tiến dài của văn minh thì đúng rồi, không ai phản đối. Nhưng không phải nó không có cái đáng lo, không phải không có cái cần bàn; thậm chí nhiều người còn lo, còn sợ internet, mỗi người mỗi kiểu. Tôi thì thấy hình như cái văn minh đọc internet có tiến bộ mà cái văn hóa đọc internet thì không khá hơn nhiều. Nói văn minh là nói tiện nghi kỹ thuật, nó tràn đầy ở số lượng vô kể những trang web, ở sự đa dạng các hình thức trình bày. Còn nói văn hóa là nói cái nội dung nó truyền tải, cái ta đọc được, cái „đầu vào“ cho hệ thống tri thức của cá nhân ta. Có thể nói mỗi người đọc đều có cái „gu“ (gout) riêng của mình; tìm cho được những web mình thích, những bài mình đọc được cũng phải mất chút ít thời giờ. talawas là một trong những trang tôi vào thường nhật.

Tôi tìm web theo cách ông chú tôi đi mua hàng. Cần mua cái ấm pha trà chẳng hạn, ông đi từ đầu chợ đến cuối chợ, hàng nào có ấm cũng vào xem, cũng hỏi giá. Ông bảo ấm mua được là cái có lỗ chặn đủ cho nước trà chảy ra mà bã trà thì giữ lại, cái vòi phải cao để nước không tràn khi đặt trên bàn còn nắp và miệng ấm thì tròn khít mà không vênh váo. Ông xem khắp chợ rồi cuối cùng về chỗ hàng có cái ưng nhất để mua. Tôi nghĩ rằng ông làm thế không phải vì cầu kỳ hay khó tính; ông làm và nói ra thế là ông muốn thể hiện cái thú của mình trong việc uống trà, ông muốn chia sẻ. Ðọc internet tất nhiên là khác, nhưng không phải không có những tương đồng với việc mua ấm, uống trà của ông chú tôi, cũng phải cầu kỳ. Nói ra thì e có người kêu khó tính, thượng đế ở đâu chứ ở ta thì biết cái gì là „thượng“ cái gì là „đế“, lúc nào là „thượng“ lúc nào là „đế“, mà đòi ! Nhưng đã gọi là cái „đầu vào“ thì cũng nên xem xét chứ đâu phải là chuyện bỡn?

Ðọc văn đọc báo, ngoài cái nhu cầu biết thêm, biết mới, còn cái nhu cầu quan trọng là thưởng thức cái hay, cái đẹp. Nội cái câu văn, cái dấu chấm dấu phẩy thôi, nhiều khi không khéo cũng bực mình. Lấy một bài gần đây chẳng hạn, làm thí dụ; câu mở đầu như sau: „Cho đến nay, đã 65 năm kể từ ngày mất của mình, qua nhiều cuộc hội thảo, nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, những giá trị của nhà văn Vũ Trọng Phụng ngày càng được khẳng định. Ðọc rồi, tôi hoang mang lắm: nếu „những giá trị“ của ai đó lại có „ngày mất“ tính ra năm tháng được thì... tỉ mỉ quá, mà cũng khó tính ra được nữa. Tất nhiên là hiểu ý, tất nhiên là bài viết có nhiều thông tin hay, nhưng làm sao dám hiểu ra ngoài cái ý không thành... ý của người viết?

Xin kể thêm về dấu chấm dấu phẩy („.“, „,“) và chữ viết tắt cho vui. Dấu phảy để ngắt một ý trong câu, dấu chấm để kết thúc một câu trong một đoạn, một đoạn trong một bài; chữ viết tắt gồm chức danh, danh hiệu, học vị ở đầu và giữa câu, chữ „vân vân“ ở cuối câu. (Những cái này thì rất „abc“ rồi, viết ra chẳng qua để có chung „cái nhìn quy chiếu“!) Theo đó thì những chú thích ảnh thường không phải là một câu trọn vẹn nên không bao giờ cần một dấu chấm để kết thúc nó. Vậy nhưng nhiều trang web lớn vẫn đề dưới ảnh: „Anh A. trong vườn - chấm“, „Chị B. giữa chợ - chấm“... Trong khi nhiều trang thơ thì người đọc cứ phải theo mạch mà bỏ dấu lấy. Cái này, tôi tự nghĩ, chắc có nguyên do của nó: Chữ và văn quốc ngữ của ta mới có ít trăm năm nay thôi; nó khác chữ Tây và nhất là chữ Tàu là cái nguồn ta thấm từ lâu. Chữ Tàu theo tôi thấy thì nó không có „chấm, phẩy“ gì, vậy nên khi ta viết văn ta mà không có cái mẫu trước nên thành ra khó! Nhưng chữ sau đây thì e là đã có mẫu rồi, là chữ „vân vân“. „Vân vân“ thường được đặt cuối một câu liệt kê nhiều thứ cùng chủng, cùng loại mà người viết không muốn viết hết ra và cũng đủ để người đọc hiểu được. Có hai cách là: dùng „vê chấm vê chấm“ (v.v.) hoặc „ba chấm“ („...“). Trong các văn bản chữ latin, các chữ „et cetera“, „und so weiter“... hoặc chữ viết tắt của chúng: „etc.“, „usw.“... cũng được dùng như vậy. Chữ viết tắt thường là một chữ cái đầu từ và một dấu chấm đi liền sau, được thống kê ở đầu hoặc ở cuối các cuốn từ điển. Khi đọc nhiều trang web của ta, thấy nhiều „vị“ dùng rất lung tung: „vê chấm chấm chấm, vê chấm chấm chấm“, „vân vân và vân vân“... Xem tình hình như thế, tôi suy ra rằng người Tàu cũng không hoặc chưa có chữ „vân vân“ này.

Những điều trên là nhỏ, rất nhỏ. Nhưng điều thú vị là khi đọc talawas tôi đã không gặp cái „chấm“ nạn này. Tôi tò mò hỏi đùa Ban biên tập: Quý báo có một người làm hay sao mà ít lỗi vậy? Thì được trả lời: Vấn đề bạn đề cập là một vấn đề lớn; có thể nói là vấn nạn của tiếng Việt: Không có một tiêu chuẩn nào cho chính tả cả, ai muốn làm gì thì làm. Còn việc biên tập ở talawas thì theo một bản quy chế gồm hàng chục điểm cần lưu ý cho mọi biên tập viên. Mỗi bài đăng trên talawas đều phải qua biên tập hết. Bất kể của ai, tác giả đã nổi tiếng hay người mới bắt đầu viết...

Tất nhiên đó chưa phải là tất cả những cái thuận tiện mà talawas đem đến cho người đọc. Thí dụ cái cách trình bày một bài tôi thấy cũng đơn giản, sáng sủa và nhất là tiện dụng. Ðọc báo điện tử có cái hay là bài nào mình thích thì có thể kéo nó ra, lưu vào rồi đọc kỹ lại sau. Ở talawas, mỗi bài tôi chỉ cần làm một lần „select – copy – past“; những web khác thì tiêu đề một lần, dòng „cập nhật ...“ một lần, đoạn tóm tắt một lần rồi tên người viết v.v., mỗi thứ lại một lần, hơi nhiều. Rồi đoạn tóm tắt (Summary, Zusammenfassung), cái này thuộc về kỹ thuật giản đơn của người viết, nhưng lại quan trọng đối với người đọc, nó giúp ta nắm sơ qua nội dung bài viết để đọc tiếp hay bỏ qua. Gọi là việc giản đơn vì ai làm xong bài tốt nghiệp cũng phải thực hiện. Nhưng nói thực là tìm được cái „xam-mơ-rai“ hay cũng hơi bị... hiếm. Hay những cụm chuyên mục, tủ sách... của talawas, chắc mới đang thời kỳ xây dựng, nhưng cũng tiện cho người muốn đi sâu vào một chuyên đề.


5.

Là người đọc, tôi suy nghĩ và thấy đằng sau mỗi bài mình đọc được là bao nhiêu công sức và tâm huyết của nhiều người đã bỏ ra. Làm ra được cái gì có tính văn hóa thì bản thân người làm cũng phải có lòng yêu văn hóa, cũng mang ít nhiều cái chất văn hóa trong người, cũng nên cố để có được cái „thư đồng văn“ (tạm hiểu là bài viết ra phải có cùng một quy tắc văn phạm)! talawas đã cho ra những bài đọc hay. Xin cảm ơn quý báo.

München, mùa Thu

© 2004 talawas