© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
5.11.2004
Mai Chi
Hà Nội rocks!
 
Sinh nhật tôi trùng với sinh nhật talawas, ngày talawas bắt đầu lên mạng. Khoảng thời gian từ cái ngày cuối tháng 7.2001 nắng ráo, khi các sáng lập viên gặp nhau tại một tỉnh lẻ ở miền Tây nước Đức, trong một quán café đầy các bà già về hưu nói chuyện về cháu và chó, cho tới tháng 11, là thời gian hưng phấn của những kẻ mới tìm được một trò chơi mới, khi chúng còn chưa hình dung được là cái trò mới này sẽ tiêu tốn của chúng bao nhiêu mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu xung đột và bao nhiêu lo lắng. Và từ 3.11.2001, chúng giống như những người mới mở quán bar, đếm lượng người thăm trang chủ như đếm khách vào uống (họ có thích cái loại cocktail mới này không nhỉ, nên mở loại nhạc nào đây…)

Hai năm sau, những nhà nghiên cứu vietnamese studies đầu tiên bắt đầu viết về talawas. talawas trở thành một academic subject, một đề tài nghiên cứu, trong những bài viết chuyên môn, quá trình hình thành talawas trở thành một cái gì trừu tượng.

Sinh nhật talawas năm ngoái, tôi còn ở thành Wien bên bờ sông Danube, nơi người ta thích chăm sóc nghĩa địa hơn là xây dựng kiến trúc đương đại. Năm nay, tôi đã ở Hà Nội bên bờ sông Hồng, nơi kiến trúc đương đại là nhà ống, và thành phố đông đúc tới mức bạn có thể cảm thấy hơi thở của những người khác ở sau tai. Mọi người hỏi tôi có hối hận về quyết định trở về của mình không, sau một khoảng thời gian dài trưởng thành ở nước ngoài như thế. Hell, no, tôi không bao giờ hối hận về những quyết định lên đường của mình. Tôi mở to mắt (trừ những khi bụi quá) quan sát một xã hội cùng một lúc tàn khốc và duyên dáng, vừa vội vã vừa nhẫn nại, vừa có gốc rễ sâu sắc vừa gấp gáp biến đổi bản thân. Tất nhiên, đây là một xã hội male-dominated, thống trị bởi nam giới. Khổng Tử gửi một nụ hôn gió. Tôi lắng nghe những câu chuyện quanh những bàn bia, phần lớn chúng xoay quanh quyền lực, tiền bạc, và đất đai. Những câu chuyện nam giới sặc mùi tinh trùng. Thời sốt Vàng ở Hoa kỳ ngày xưa chắc cùng sặc mùi tinh trùng như vậy. Ta cảm thấy có một sự cuống quít, vội vàng lơ lửng trên không trung: mua con xe nào bây giờ, đầu tư vào khu chung cư nào? Những câu hỏi quan trọng khi bạn là một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ và thu nhập 15 triệu. Vâng, 15 triệu. Một ngày.

Tối thứ bảy, quán bar The Boss là một địa điểm tốt để quan sát cái mà các nhà kinh tế phát triển gọi là hiện tượng “tái phân phối thu nhập”. Thu nhập từ túi các thương gia “nhỏ giọt” (trickle down) qua áo lót ngực của các cô gái tới các gia đình nông thôn ở Tuyên Quang hay Tiên Giang. Năm mươi cô gái mặc áo dạ hội. Quán tối, người ta soi đèn pin vào mặt các cô đứng hàng ngang để khách chọn. Henry, anh bạn Việt Kiều đồng nghiệp của tôi buồn bã ngắm cốc gin tonic của mình. Anh cho rằng vấn đề của anh ở Hà Nội này là con gái miền Bắc ác cảm với cái giọng Nam của anh. Tôi thì cho rằng điều cốt lõi là anh S&P [1] nhưng anh lại muốn GFS [2] . Ban nhạc bắt đầu chơi “Careless Whisper”. Đột nhiên, cả năm mươi cô gái xuất hiện trên sàn nhảy. Họ tay nắm tay, mắt nhìn ra xa, hầu như không chuyển động, chỉ thay đổi trọng tâm cơ thể.

Tôi không biết nội tâm của các cô gái trong The Boss ra sao, nhưng rất nhiều phụ nữ trong giới tôi quen nằm trong sự tự giằng xé dai dẳng. Giằng xé giữa bổn phận và khát vọng muốn khẳng định mình. Ngột ngạt trong những vạch phấn xã hội vạch ra, nhưng lại lo sợ những mảng tối hấp dẫn bên ngoài. Tôi cho rằng tác phẩm Núi Mâm của Ly Hoàng Ly thật hay. Bên trong cái núi đó, ngoài những ảnh phụ nữ khoả thân đang bay, Ly Hoàng Ly có thể để cả cuốn The secret garden – the sexual phantasies of women. Cuốn sách của Nancy Friday đã làm rung chuyển dư luận phương Tây cách đây 30 năm và nó đã trở thành một kinh điển của văn học nữ quyền. Giá có thời gian tôi sẽ dịch và đặt nó lên forum cổ xuý tự do tình dục ở Việt Nam (số lượng thành viên lên tới hàng nghìn, trong đó không ít các thành viên nữ). Trích lời forum tự giới thiệu: “…Tiêu chí của trang web là trao đổi thông tin, học tập nhau về tâm lý tình dục và sinh lý. Đại đa số thành viên chúng ta là thanh niên đang tuổi phát triển về tâm sinh lý mà lại đang phải sống trong điều kiện xã hội bưng bít thông tin, kể cả thông tin lành mạnh về tính dục. Sự có mặt cuả trang web này là một sự cố gắng phi thường...”

Ở Việt Nam, tôi có may mắn được làm việc cùng các bạn trẻ. Các kỹ sư tin học trong các dự án của tôi quá nửa xuất thân từ nông thôn. Tôi có thể lắng nghe họ nói chuyện với nhau hàng giờ, họ nói bằng ngôn ngữ đại loại như: “Chị Lữ giúp em, ngày mai release mà em vẫn còn một bug, em nhúng cái tag này vào cái template anh Cần code hôm qua, nhưng không gen được cái XML file.” Nếu như có một điều giúp tôi có được lòng tin ở Việt Nam, thì đó là sự bền bỉ và lòng trung thực toát ra từ các bạn trẻ. Những bạn trẻ này thành thạo các ngõ ngách của cyberspace hơn phố xá Hà Nội. Họ có thể có một tá địa chỉ để liên lạc trên mạng, mà không có địa chỉ chính xác ở quê (một vấn đề khi dự án cần họ làm visa sang nước ngoài làm việc). Cường độ làm việc, khả năng nắm bắt các công nghệ mới nhất và giải quyết vấn đề của họ làm các đồng nghiệp lớn tuổi hơn nhiều ở châu Âu phải kính nể.

Một số người hỏi tôi làm sao chịu được sự “primitive” của hệ thống Việt Nam. Các bạn có biết rằng nữ nhà văn Áo mới được giải thưởng Nobel, Elfriede Jelinek, đã bị báo Kronen Zeitung, tờ báo lớn nhất, đông độc giả nhất nước này tấn công trong nhiều năm như một kẻ thù không đội trời chung? Rằng đồng minh sát cánh của Kronen Zeitung trong chuyện này là Vatican? Đấy, người ta có thể primitive ở mọi nơi!

Cái mà xã hội Việt Nam cần nhiều hơn rất nhiều là mầu sắc. Không chỉ cái xám xịt, đều đều, hàng triệu người giống nhau này. Tôi ngả mũ trước bạn gái làm DJ tại 25oj, và sẵn sàng bỏ thời gian khênh loa cho ban nhạc hardrock nữ đầu tiên của Việt Nam. Tuần trước tôi có một buổi tối tuyệt vời với Rock Festival ngoài trời. Trăng tròn, nhiệt độ vừa khít, thanh niên mặc áo T-shirt đen, con trai tóc dài, con gái tóc ngắn, những solo guitar dài vô tận. Thật dễ chịu khi thấy có một văn hoá thanh niên không phải là Mỹ Tâm. Trong một khoảnh khắc, tôi có cảm giác sáng mai tỉnh dậy tôi sẽ có thể mua và đọc những tờ báo khác với những tờ báo của ngày hôm nay…

Sau buổi biểu diễn, chúng tôi uống ở Phúc Tân bar bên bờ sông Hồng cho tới khi mặt trời mọc và xe cộ bắt đầu xuất hiện trên cầu Chương Dương bên phải và cầu Long Biên bên trái. Rời quán, tôi tới trường Đại học Bách Khoa để nói chuyện trước 80 sinh viên sắp tốt nghiệp. Thông điệp của tôi là: Break the norms! Tôi thấy mắt các bạn trẻ sáng lên, và họ bắt đầu tranh luận, trong khi cô giáo của họ ngoảnh đầu nhìn đi chỗ khác.

Cho một Việt Nam đa dạng và phong phú hơn – đó là điều talawas đã làm bền bỉ trong ba năm qua, ít nhất theo cách hiểu của tôi. Trên chặng đường ấy, có các hardrock fans Việt Nam đồng hành, còn gì dễ chịu bằng.

Rock rules !!!



Mai Chi,
Ban biên tập talawas (2001-2004) hiện sống ở Việt Nam.

© 2004 talawas



[1]S&P: Screw and Pay (chơi rồi trả tiền)
[2]GFS: Girlfriend sex (sex như với bạn gái)