© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
6.11.2004
Phạm Thị Hoài
Và lí trí phê phán khắc nghiệt được thiền trước niềm hoan lạc …
 
Phạm Thị Hoài, Ban biên tập talawas



Ba mươi năm tôi viết tay. Những năm đầu thập niên 80 sờ được sợi giang vắt ngang mặt giấy, tôi lại ghét dùng bút bi giỏi chịu xóc nên ngòi bút mực vênh, gãy nhiều lần. Những năm đầu thập niên 90 ngửi được mùi thơm của giấy ngoại bắt đầu tràn về, tờ nào cũng mịn như tờ nào. Không gì có thể mịn hơn. Chiếc máy chữ Olivetti tậu được năm 1989 bằng nhuận bút dịch cuốn sách bị cấm phát hành, Chiếc chìa khoá của Junichiro Tanizaki, chỉ dùng để gõ sạch những trang viết tay cần nhân bản. Năm 1990, háo hức đọc cuốn Con lắc Foucault mới ra, những đoạn then chốt về cái nhật kí điện tử mà Jacopo Belbo để lại trong chiếc PC Mac cho Casaubon khám phá, tôi không hiểu gì hết. Toàn bộ 11 trang đoạn 5, chương CHOCHMAH, Casaubon đi tìm password, tôi đọc như vịt nghe sấm. Có một đoạn về cái file mang tên Abu như sau: Giả sử bạn đã lỡ viết hẳn một cuốn tiểu thuyết về câu chuyện tình giữa một gã Rhett Butler ở miền Nam nước Mĩ với một nàng Scarlett đỏng đảnh, rồi sau đó bạn ân hận, bạn thấy chán? Có gì đâu, chỉ cần ra một lệnh là Abu khắc biến tất cả các Butler thành Andrej, mọi Scarlett thành Natasha, Atlanta thành Mạc Tư Khoa, và thế là bạn đã thành tác giả của Chiến tranh và Hoà bình. Tôi sẽ nói dối, nếu bảo mình hiểu Umberto Eco đang giới thiệu phép mầu gì, và tại sao lại “tất cả” các Butler, “mọi” Scarlett? Tôi vẫn viết tay, nên không dễ thành một tác giả nữa của Chiến tranh và Hoà bình.

Khi chuyển nhà sang Berlin năm 1993, tôi ngồi ba tháng trước chiếc computer không bật nút chạy, không viết tay một dòng, ba tháng hoàn toàn tê liệt để vĩnh biệt ba mươi năm. Một ngày cuối năm ấy, tôi thở dài chấp nhận số phận như người ta thường nói, ấn nút start, gõ phứa trên bàn phím với những chữ cái và dấu hiệu chẳng thân sơ gì. Lẽ ra tôi phải ghi lại ngày trọng đại ấy nếu biết rằng nó sẽ thay đổi đời mình, thay đổi tới mức thiếu cái bàn phím đó tôi không đủ khả năng, hay ít nhất không tin vào khả năng viết ra một dòng nào vừa ý nữa. Những dòng vừa ý vốn dĩ ngày càng hiếm; dòng nào thòi ra là ta xét nét: Mày ra làm gì? Mày non quá. Mày nặng nề vô cớ. Mày bẹt. Mày chậm. Mày vô trùng. Mày hỏng nhạc điệu. Mày khiên cưỡng. Mày có thừa không? Đủ sáng tỏ không? Sáng tỏ nhưng thiếu chính xác? Ừ chính xác, nhưng có đúng không? Đúng thì đúng, nhưng có thật không? Đúng rồi, thật rồi, song có đích đáng không? Cứ cho là đích đáng, nhưng có hay không? Hay để mà hay hả? Hay mà chẳng đẹp thì sao? Vẫn đúng, vẫn hay, vẫn thật, vẫn đẹp, mà vẫn vô nghĩa? Không có mày, tao vẫn sống khoẻ, phải không?… Đã khó khăn như thế, mất lòng tin vào khả năng viết ra những dòng vừa ý là mất hết.

Bây giờ tôi có thể đọc lại Con lắc Foucault để tâm đắc: Bút lông ư? Cào xước giấy, tay liên tục chấm mực, đuổi chẳng kịp những ý tưởng chồng chất. Máy chữ ư? Lọc xọc, cần nọ vướng cần kia, chẳng giữ nổi tốc độ chuyển giao năng lượng thần kinh của chính mình. Chỉ với chiếc PC ngón tay ta mới bật ra sức tưởng tượng, tinh thần ta chạm vào bàn phím, ý tưởng ta tung bay tráng lệ, ngẫu nhiên và tất yếu cộng sinh nơi monitor, và lí trí phê phán khắc nghiệt được thiền trước niềm hoan lạc của cú gõ đầu tiên vào máy… Đồng ý. Nhưng còn một niềm hoan lạc khác.

Cho đến năm 1999, sau sáu năm sống tại một đất nước hiện đại giữa lòng châu Âu, tôi không buồn ghi nhận cái thực thể có tên là internet. Kẻ phát triển muộn thường có những cực đoan –như vừa kể ở trên, tôi đã thành nô lệ của chiếc computer- và cố chấp không thể lí giải bằng lí trí: tôi cự tuyệt email.

Tháng 7.2001, khi nhóm sáng lập talawas bàn thảo việc ra đời một trang web, hiểu biết về internet của tôi đủ để đặt những câu hỏi khiến các bạn trong nhóm phải nín cười; đại loại tôi hình dung theo kiểu văn hoa rằng người ta có thể viết thẳng lên trời xanh và cái web site của chúng tôi là vì sao nhỏ xíu, mọc vào ngày 03.11.2001, treo ở đâu đó giữa triệu triệu tinh tú, những ngày trời quang ở Hà Nội cũng ngửa cổ ngắm được như ở Berlin.

Con người là loài có thể cải tạo được, tôi là một ví dụ. Ba năm talawas, chưa đến mức tuyên bố rằng cái gì không tồn tại trên mạng thì không tồn tại, nhưng tôi khó lòng trở về với một tồn tại tiền-internet, phi-internet của bản thân, và tiếc cho Jacopo Belbo đã không còn dịp để chiêm ngưỡng trạng thái của lí trí phê phán khắc nghiệt trước niềm hoan lạc của cú chạm đầu tiên vào một URL.

Nhưng bất kể niềm hoan lạc ấy mênh mông tràn đầy thế nào, nó không hề là an lạc. Không gian ảo do con người sinh ra, những điểm mù trong bản tính người ở đó chẳng đỡ mờ hơn trong thế giới thực; tốc độ lướt trong world wide web chẳng đền bù tốc độ tư duy; thời đại của thông tin là thời đại của sự vô cảm trước thông tin; và trí nhớ của chúng ta đạt những kỉ lục phi thường về độ ngắn. Từ lúc một bài thơ được viết ra, được đưa lên mạng, được đọc, và được quên - thậm chí bởi chính tác giả của nó - là một khoảng thời gian ngày càng rút lại, rút lại mãi, rút tới mức bài thơ ấy như chưa bao giờ tồn tại. Cái gì chỉ tồn tại trên mạng thì không thật sự tồn tại.

Vậy mà với một niềm tin không thể tuyệt đối hơn, các công dân internet của hành tinh này tiếp tục hăng say chuyển những sở hữu thật ở dưới đất của mình lên mạng. Tất cả những gì có thể dịch ra kí hiệu digital. Với nền dân chủ kĩ thuật số, mọi nhà văn đều có thể tự xuất bản toàn tập tác phẩm của mình theo ý mình cho muôn đời; và nếu lợi tức từ văn chương không đáng trọng bằng việc được bạn đọc chia sẻ thì chỉ e viết chẳng kịp sức ngốn của một site cỡ mini nhất. Nếu muốn, ngay sáng mai mọi nhà văn tại Việt Nam đều có thể lên mạng, nghĩa là chấm dứt gõ cửa những nhà xuất bản còn ảo hơn cái không gian ảo kia, chờ mua tấm giấy phép sặc sụa mùi giao phối của chính trị hạng bét và thương mại hạng ba; chấm dứt ảo tưởng và tự vỗ về, thụ động và phó mặc; chấm dứt làm một con giun ngưỡng mộ kiếp quằn, một con lừa nghiện roi, một con thoi thoăn thoắt trong một và chỉ một quỹ đạo. Lên mạng là cuộc lên đường của hôm nay. Chế độ toàn trị có thể chặn thành công hầu hết mọi ngả đường, nhưng nó đã không lường đến sự ra đời của internet. Với chúng ta, người Việt, nhà văn Việt, internet là ân sủng không thể lớn hơn của số phận. Luật cấm xuất bản tư nhân nào còn hiệu lực trước hàng trăm ngàn cơ sở tự xuất bản của mỗi tác giả trên mạng? Hạn chế tự do ngôn luận nào còn tác dụng trước hàng triệu diễn đàn tự lập và tự quản trên mạng? Lên mạng là lên đường. Bỏ lại sau lưng rất nhiều thứ đã đáng quẳng đi từ lâu lắm.

talawas không hề khác hàng triệu diễn đàn tự lập và tự quản ấy. Tôi lại cho phép mình trở về với hình dung văn hoa về một bầu trời giăng đầy tinh tú. Arthur Schopenhauer chia các thiên thể làm ba loại: sao băng, hành tinh và sao cố định. Sao băng vụt sáng rồi vụt tắt, tắt hẳn. Tất cả những loé sáng một phần mười giây ấy gộp lại chẳng thể nuôi nguồn sáng của vũ trụ. Hành tinh không tự sáng, chúng chỉ mượn ánh sáng từ những chỗ khác, chúng không hề là những vì sao đúng nghĩa. Chỉ những vì sao cố định là thực sự phát sáng, dù ánh sáng ấy trong mắt ta thường nhạt nhoà và xa lắc. Với một chút lí trí phê phán chưa cần phải quá khắc nghiệt, tôi không dám chắc rằng một trang web như talawas có thể là một trong hàng triệu điểm sáng lâu dài, thực sự, bằng năng lượng của chính mình hay không. Hay chúng ta phải bằng lòng với những loé sáng vài ba năm tính theo thời gian của người, tức một phần mấy giây của vũ trụ?

Nói cách khác và một lần nữa: còn rất nhiều việc phải làm. Câu hỏi ta là gì chỉ có thể trả lời bằng câu hỏi ta làm gì. Tôi thừa nhận rằng Abu, với mọi mầu nhiệm của nó, không thay đổi được kết cục thảm khốc của Jacopo Belbo. Nhưng nhật kí điện tử trong chiếc PC Mac còn đó.




Phạm Thị Hoài (1960), hiện sống tại Berlin.

© 2004 talawas