© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
6.11.2004
Trịnh Hữu Tuệ
Vài lời về tình yêu
 
Trịnh Hữu Tuệ, Ban biên tập talawas



Nói chuyện về việc mỗi thành viên talawas nên viết một bài nhân dịp sinh nhật ba tuổi của trang nhà này, tổng biên tập Phạm Thị Hoài nhẹ nhàng hỏi tôi: „Lại về ngôn ngữ à?“ Vậy nên sau một đêm suy nghĩ về sự nghèo nàn của cuộc đời mình, tôi quyết định sẽ viết vài dòng về tình yêu. Cụ thể hơn, tôi sẽ trình bày cách giải thích một tính chất của tình yêu. [1]

Tính chất này được minh họa rõ nhất bằng câu trái tim có lý trí riêng của nó mà lý trí không hiểu nổi, phổ biến trong việc tán gái của nam giới trong độ tuổi 15 đến 25 cũng như 45 đến 60. [2] Một kết luận tương tự là people who are sensible about love are incapable of it, tạm dịch những ai hợp lý trong tình yêu không biết yêu. [3] Ý tưởng nằm trong hai câu trên có thể tìm thấy ở nhiều nơi khác. Chỉ cần liếc qua tập Thơ Tình của Xuân Diệu là ta có thể tìm thấy vô số những làm sao cắt nghĩa được tình yêu hay ai lý luận với ân tình cho đáng… Hơn nữa, tình yêu hay đi liền với những hiện tượng như say sưa, ngây ngất, thẫn thờ, hồi hộp, run rẩy, tim đập thình thịch, toát mồ hôi, tóc dựng đứng và những hình thức mất tự chủ (cũng như dựng đứng) khác.

Tại sao yêu lại không được tính toán, lại phải không kiềm chế được mình? Tóm lại, tại sao tình yêu lại phi lý trí? Đây là câu hỏi mà bài viết này muốn trả lời.

Chúng ta đều biết rằng câu đầu tiên trong hiến pháp Mỹ sai bét. Mọi người không bình đẳng chút nào. Chúng ta cũng biết rằng quá trình tìm bạn đời là một quá trình đầy lý trí. Hãy lấy một cá nhân bất kỳ X nào đó để làm ví dụ. X luôn muốn tìm một người vừa đẹp, vừa giàu, vừa nhân hậu… và hoàn toàn có thể là nếu X cứ tìm mãi thì cũng sẽ ra. Nhưng không ai cứ tìm mãi được. Ai cũng sẽ đến lúc phải thỏa mãn với cái tốt nhất mình tìm được để rồi còn lập gia đình và đẻ lấy một đứa cho nó yên tâm.

Nhưng điều này lại khiến cho bạn đời của X, gọi là Y, không yên tâm. Nếu X luôn muốn tìm người tốt nhất thì rõ ràng là X sẽ bỏ ngay Y khi X tìm được ai tốt hơn. Và như vậy, bao nhiêu công sức thời gian Y đã bỏ ra để đầu tư vào X coi như đổ xuống sông xuống biển hết.

Vậy nên để khiến cho Y đồng ý trở thành người bạn đời của mình, X phải làm Y tin được rằng X chọn Y không phải vì Y giàu hay IQ của Y cao – vì sẽ luôn luôn có người giàu hơn và thông minh hơn – mà là vì…chẳng vì sao cả. X phải bảo Y rằng anh không hiểu tại sao anh lại yêu em, [4] hay có một ma lực nào đấy khiến anh yêu em, hay duyên số đã khiến chúng ta yêu nhau, muốn tránh cũng không được… Đại khái là tình yêu của X đối với Y phải xuất phát từ một cái gì đó X không tự chủ được, mà cũng không nắm bắt được bằng lý trí.

Cho người khác thấy là mình mất tự chủ nhiều khi là cách thuyết phục tốt nhất. Đây là có thể gọi là phương pháp tao muốn cho mày vay cũng không được vì vợ tao nó cầm hết rồi. Chí Phèo cũng theo phương pháp này nên trước khi đến ăn vạ Bá Kiến là phải uống rượu say. Thật vậy, hãy tưởng tượng nếu bạn đang đi trên đường mà bị một người chặn lại đòi tiền nếu không xin tí tiết, bạn sẽ sợ gấp bội nếu như mắt hắn đỏ ngầu và hơi thở sặc sụa mùi rượu.

Steven Pinker, trong cuốn How the Mind Works, kể về bộ phim trong đó Mỹ và Nga dọa nhau bằng một chiếc máy có tên là Tận thế. Công dụng của Tận thế là khi bên địch ấn nút bắn tên lửa hạt nhân, Tận thế sẽ tự động bắn lại tên lửa hạt nhân sang bên địch. Như vậy, nếu Mỹ bắn Nga thì tên lửa Nga sẽ tự động bay sang Mỹ, kể cả nếu Moscow không muốn. Đây là một ví dụ nữa về phương pháp thuyết phục người khác bằng cách cho thấy là mình thiếu tự chủ.

Nhưng phương pháp này chỉ hữu hiệu khi sự thiếu tự chủ lộ rõ ra ngoài. Nếu Mỹ không biết là Nga có Tận thế thì Nga có Tận thế cũng bằng không. Nga phải làm thế nào cho Mỹ biết được rằng Nga có cái máy này. Nếu Chí Phèo say rượu nhưng không lộ ra cho Bá Kiến thấy được thì coi như phí rượu.

Vậy nên không những X phải nói với Y là X không thể tự chủ được cảm xúc, X còn phải đưa cho Y những bằng chứng sờ thấy lấy được, ví dụ đỏ mặt, lắp bắp, run rẩy…Đây là lý do tại sao tình yêu lại đi kèm với những hiện tượng nhắc đến ở trên.

Đọc đến đây, bạn đọc có thể nghĩ rằng tôi cho tất cả những thứ run rẩy lẩy bẩy trong tình yêu là giả dối. Hoàn toàn không đúng. Tình yêu, và tất cả những thứ hiện tượng đi kèm, là có thật 100 phần trăm. Lý do là như sau.

Theo Darwin, ai có khả năng thuyết phục người khác trở thành bạn đời của mình, gien của người đó sẽ có nhiều cơ hội tiếp tục duy trì trên trái đất. Tóm lại, gien tán giỏi sẽ càng ngày càng đông, và sẽ phải cạnh tranh nhau, dẫn đến những gien còn tán giỏi hơn. Đến một lúc nào đó, một loại gien tán cực giỏi sẽ xuất hiện, và sẽ càng ngày càng đông, cho đến lúc gần như ai cũng có nó.

Thế nào là tán? Như ở trên đã cho thấy, táncho người khác thấy sự mất tự chủ của mình. Và như vậy có nghĩa là gien nào dẫn đến cách triển lãm sự mất tự chủ hiệu quả nhất chính là gien tán giỏi nhất, gien tán cực giỏi. Cho người khác thấy mình mất tự chủ bằng cách nào là hữu hiệu nhất? Câu trả lời tất nhiên phải là: bằng cách mất tự chủ thật.

Nếu qua chọn lọc tự nhiên, đa số chúng ta đều mang gien tán cực giỏi, và tán cực giỏi có nghĩa là mất tự chủ thật khi nhìn thấy người mình muốn tán, thì việc tim chúng ta đập thình thịch mỗi khi nhìn thấy người mà ta nghĩ có thể có con được cùng với ta trở nên không có gì khó hiểu.




Trịnh Hữu Tuệ (1976), hiện sống tại Berlin.

© 2004 talawas



[1]Những gì tôi viết ra ở đây dựa trên cuốn sách mang tên How the Mind Works của Steven Pinker, trang 363 – 424.
[2]Tất nhiên là những con số này giao động tùy theo sức khỏe, nghề nghiệp và hobby của đối tượng. Đối với những cá nhân thích làm thơ thì giới hạn có thể lên đến 65 hoặc thậm chí 70, đặc biệt nếu bạn đời của cá nhân quan yếu có thân hình từ trung bình kém đến kém và một bộ mặt nặng nề thì độ tuổi có thể là từ hôn nhân cho đến lúc chết.
[3]Douglas Yates, trích theo Steven Pinker.
[4]Tôi dùng anh/em ở đây chỉ để cho tiện, chứ không hề có ý nói rằng X phải là đàn ông và Y phải là đàn bà.