© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
6.11.2004
Hải Đường
Đọc talawas ở chợ giời Đông Âu
 
Đó là một người đàn ông trung niên nhưng tóc đã bạc trắng, lúc nào tay cũng khư khư một lon bia hoặc một cốc rượu, ngồi trước quầy bán quần áo trong một khu chợ giời quốc tế lớn nhất nhì Đông Âu. Anh ta ngồi im như tượng, mặc bà vợ cạnh đấy cứ lao đi lao lại như con thoi để trả lời khách mua bằng thứ tiếng chẳng thuộc hệ ngôn ngữ nào, nhưng ai cũng hiểu. Đôi khi anh ta cũng bắt buộc phải lên tiếng, lúc đó khiến người mua ngạc nhiên vì cách phát âm, cũng như cách dùng ngữ pháp quá chuẩn, nhưng hình như lúc nào anh ta cũng say khướt nên rất ít người có dịp được ngạc nhiên.

Tôi chẳng bao giờ ngạc nhiên về anh ta. Có gì lạ đâu, đấy chỉ là một trong muôn vàn hình ảnh về lớp người thường gọi là “được đào tạo dưới giảng đường trường đại học xã hộI chủ nghĩa” ở Đông Âu ngày xưa, và nay theo tiến trình lịch sử của nước nhà, bất đắc dĩ ngồi uống rượu ở nơi rõ là xa nhà mình và nghề nghiệp của mình.

Thế rồi tôi vẫn phải ngạc nhiên. Khi một hôm vật vờ ra chợ chơi và được anh gọi lại, chẳng gì thì trước khi trở thành những người “di tản buồn” chúng tôi đã kịp cùng trở thành nhân viên Nhà nước tại cùng một cơ quan Nhà nước. Tôi ngạc nhiên vì được anh gọi, nhưng lập tức chuyển sang mủi lòng khi thấy anh vừa nói vừa… sụt sịt: “Buồn quá mày ơi! Có cái gì hay hay cho anh mày đọc với! Không thì tao chết mất thôi!”

Lúc đó tôi đã là độc giả thường xuyên của talawas. Về nhà suy đi nghĩ lại, tôi quyết định in ra 2 bài viết mới nhất từ diễn đàn này, rồi đem cho anh…

Như một nghiệp chướng, sau đấy tôi còn phải in, mang ra chợ nhiều bài viết, bài dịch của talawas không những cho anh mà còn cả cho những người tò mò khác được anh giới thiệu. Và tất nhiên cũng cảm thấy được đền bù khi thấy tinh thần anh thay đổi. Thậm chí có lần còn cảm thấy hân hoan vì một hôm được thấy anh trở lại tưng bừng như thuở sinh viên, vừa đọc một bài (của nhà phê bình N.H.Q. thì phải) vừa vỗ đùi cười ha hả như Tào Tháo…

Bây giờ thì talawas không còn xa lạ gì với nhiều độc giả Việt Nam sống ở Đông Âu, nhưng nhớ lại hồi đó, với nhu cầu về một món ăn tinh thần tương xứng với những kẻ ít nhất đã học xong đại học như người đàn ông kể trên, như tôi, hoặc nhiều người khác nữa, rõ ràng talawas đã làm được một điều gì đấy hình như rất có ích!

Đánh thức lại được nhu cầu đọc, viết, hứng khởi tranh luận, thậm chí nỗi ham biết nhiều hơn những gì đã xảy ra, đang xảy ra quanh ta, với ta, nói ra tưởng chừng quá ngây thơ so với nhu cầu tinh thần tối thiếu của thế giới…người Nhớn (chưa bàn đến chuyện những người Nhớn này thuộc tầng lớp học vấn nào). Vậy mà đối với thế giới tinh thần của những người “di tản buồn” Đông Âu, đấy lại là cả một vấn đề… triết học quan trọng.

Vì sao ư? Vì cuộc sống hàng ngày bị thu hẹp vào những nỗi vui buồn thu nhập, những quang cảnh chợ giời, những giải trí “dân gian” karaoke, những thú vui hội họp, đoàn thể, hoặc các buổi nhậu nhẹt, cơm khách thấm mùi vị quê hương thịt chó, tiết canh, tái dê…

Kẻ được gọi là trí thức Việt Nam ở Đông Âu lắm phen cảm thấy buồn tủi, đầy mặc cảm. Muốn tránh nơi đông người cùng xứ sở để khỏi vương vào cảm giác “cá mè một lứa” thì gặp ngay ánh mắt bực bội, cáu kỉnh của dân bản xứ (“tại sao chúng mày không về nước chúng mày mà sống?”), thế là kẻ sĩ đầy hoài niệm quá khứ cộng kiêu hãnh cá nhân không biết làm gì hơn ngoài việc tự… gặm nhấm bản thân qua men rượu cay hoặc vật vờ lủi thủi chờ đợi “cái gì muốn xảy ra thì cứ việc xảy ra”.

Tất nhiên, bàn về người Việt ở Đông Âu, nhất là về tầng lớp nhạy cảm như tầng lớp trí thức là cả một đề tài riêng cần tiếp cận từ nhiều góc độ, nhiều cách nhìn nhận, với nhiều ngòi bút khác nhau. Biết đâu một ngày kia talawas cũng sẽ trở thành nơi đăng tải chính của những đề tài ấy?

talawas ít nhất từ lúc xuất hiện đã nhiều phen dựng ngược những “người hiền” Đông Âu dậy, từ những đề tài thảo luận “chẳng giống ai” như “Mỹ thuật Việt Nam đi về đâu?”, “Bàn tròn về đồng tính luyến ái” đến những bài viết từ trong nước gửi ra, hoặc về thực trạng đất nước, và nhất là từ vô số những bản dịch điêu luyện mà chỉ kẻ sĩ chính hiệu mới làm nổi.

Tất nhiên một tiếng nói tích cực như talawas -cho dù rất sắc sảo- trong thời điểm hiện nay, vẫn đôi khi lẻ loi như một âm thanh quá mảnh, rơi vào sự im lặng dày đặc của màn đêm, nhưng một ai đã nghe thấy âm thanh đó, đều không khỏi giật mình, nếu không nhìn lại bản thân, thì chí ít cũng động não suy nghĩ hoặc đi tìm một kẻ khác để cùng tranh luận.

Đông Âu đang tự định hình sau những biến động chính trị cơ bản. Người trí thức Việt ở Đông Âu cũng đang mày mò tìm ra con đường đi riêng để tự thực hiện bản thân mình. Đọc talawas để thấy tuy cùng là trí thức Việt Nam sống ở khắp nơi trên trái đất, nhưng hoàn cảnh cụ thể của mỗi một xứ sở cũng ảnh hưởng và quyết định đến số phận của họ. Biết đâu không có một diễn đàn như talawas để đọc và suy ngẫm, nỗi vất vả ly hương này sẽ còn trĩu nặng và cô đơn hơn nhiều?

Budapest, 11.2004

© 2004 talawas