© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.11.2004
Hải Triều
Về văn học nghệ thuật
7 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Nghệ thuật với nhân sinh



I. Lời nói đầu

Cách đây vài năm về trước, hồi tôi còn nằm ở khám lớn Sài-gòn, tôi gặp anh Tư Sẹo (anh có cái sẹo thiệt to ở ngang trán).

Anh Tư Sẹo là tay "anh chị" nhất trong khám. Mà cũng vì anh quá "anh chị" nên tòa án đã mượn của anh hết 5 năm tự do. Anh Tư Sẹo rất tử tế với tôi, nên thường vẫn đánh truồng cho tôi ngắm... ngắm cái cặp rồng nằm ở trước bụng của anh ta.

Tôi cam đoan chưa có cặp rồng nào đẹp bằng cặp rồng ấy. Nên cái cặp rồng, thêu trên áo đại trào của bọn phường chèo vị tất đã sánh kịp. Thì các ngài cứ tưởng tượng lâu một cặp rồng chạm rất tinh xảo, cái đuôi bắt đầu từ cổ anh Tư mà xuống, hai chân sau quấn lấy hai cái vú của anh Tư chạm thành hai đám mây. Hình rồng quấn quýt xuống quá bụng rồi lộn lên đỡ lấy cái rốn chạm thành bán nguyệt có thủy ba.

Anh Tư lấy làm tự đắc cái bộ "lưỡng long triều nguyệt" của anh lắm. Mà tự đắc cũng phải. Tôi chưa từng thấy cái nghệ thuật chạm người ở chỗ nào mà đẹp bằng của anh Tư.

Một hôm trong khi ngồi nói chuyện khào, tôi ngắm cái bộ "lưỡng long triều nguyệt" mà hỏi:


Tôi liền đánh đổ cái ấy. Tôi nói cho anh hiểu tổ tiên chạm vào người để xuống sông mà bắt cá lên, mà đi săn để cho các thú dữ sợ, tóm lại để sống. Mà ngày nay anh Tư chạm vào mình anh là chỉ biến cái ý tưởng của tổ tiên anh đấy thôi.

Sau một cuộc cãi nhau "vang trời" anh Tư Sẹo vui vẻ nhận ý tôi là đúng.

Ngày nay trên bao nhiêu trường văn trận bút tôi đã gặp gỡ vô số là anh Tư Sẹo, nhưng toàn là những anh Tư Sẹo cực kỳ ngoan cố, ngoan cố gấp mấy lần anh Tư Sẹo của tôi trong khám lớn Sài-gòn. Mấy anh Tư Sẹo mới này là những nhà văn của giai cấp quyền quý giàu sang.

Họ thường bảo: chúng tôi làm nghệ thuật là vì nghệ thuật, làm nghệ thuật để mà chơi, để cho đẹp, chỉ có thế thôi.

Tôi hết sức chỉ cho họ thấy cái phát nguyên của nghệ thuật là trong sự sống mà thôi. Nghệ thuật là vì nhân sinh chứ không bao giờ có cái nghệ thuật vì nghệ thuật.

Cũng như tôi đã chỉ cho anh Tư Sẹo thấy rõ cái phát nguyên của cái nghệ thuật xăm vào mình anh là ở nơi sự sống mà ngày nay anh ấy xăm vào mình thì cũng chỉ là một cái hiện tượng của cái ý tưởng "vì nhân sinh" của tổ tiên anh đời trước thôi.

Anh Tư Sẹo tôi, tuy cục cằn mà còn chút thông minh hơn, vì anh ấy đã nhận thấy cái lầm của mình một cách dễ dàng.


II. Phát nguyên của nghệ thuật

Ngày nay hầu hết các nhà có học đều đồng thanh công nhận rằng bao nhiêu các hình vẽ, những hình chạm các giống thú vật của người thượng cổ ở các vách đá là có cái dụng ý để nhớ những hình dạng các con vật cho tiện việc săn bắn: Tiến bộ lên một bước nữa, họ lại chạm các cuộc chiến tranh của bộ lạc này với bộ lạc khác, dụng ý cũng để ghi chép lấy những chiến công rực rỡ để lưu truyền cho người sau. Đó là cái hình thức và cái ý nghĩa đầu tiên của cái nghệ thuật về hội họa và điêu khắc.

Người xưa mà mãi cho đến những giống người lạc hậu ở các miền sơn lâm ngày nay mỗi khi bắt được con mồi hay trước khi đi đánh giặc, thường bắt tay nhau nhảy múa và rung lên những điều kỳ quặc để thêm sức hăng hái, hay để nghinh cúng thần linh. Ngày nay ta thấy trong những điệu hát dô ta, đưa đò, giã gạo, nện vải, kéo gỗ, đạp nước, v.v... đều nhịp nhàng theo sức lao động, dụng ý làm cho đỡ bớt sức mệt và thêm mạnh bạo.

Cái ý nghĩa đầu tiên của nghệ thuật ca nhạc và khiêu vũ là thế.

Người đời xưa khi thấy "cái ngày" và muốn nói "cái ngày" cho một kẻ khác hiểu thì chỉ biết nhắm mắt vào mặt trời rồi vẽ vào một vòng o tròn và chấm ở trong (chữ nhật).

Đến như chữ "gió" thì không biết lấy hình ảnh đâu, nhưng người ta cũng kiếm ra được một cách là vẽ một cái mặt con người với cái mồm tu hú thổi. [1]

Chữ "gió" thì còn dễ viết, đến như những chữ "thiện" là lành, là hiền, thì người ta không biết vớ vào đâu mà tả. Rốt cuộc, người ta cũng phải tìm trong cái hoàn cảnh sinh hoạt của các sự vật mà diễn tả ra. Họ viết chữ dương là con dê dưới chữ khẩu, trên chữ khẩu lại sổ hai gạch xuống. Chúng ta có thể giải như thế nào? Con dê đã là một giống vật rất hiền lành mà lại còn bị khóa mồm lại thì lại càng hiền lành hơn nữa. Muốn viết chữ thiện, người ta phải dùng cả một hình ảnh của ngoại giới lại thêm phương pháp suy diễn ra mới nổi.

Xem thế đủ thấy người xưa khi tạo ra chữ, khi viết ra văn là phải tìm ngay những tài liệu trong sự động của vạn vật xung quanh mình để diễn đạt cho người khác biết những ý tứ ẩn náu trong tâm trí mình.

Cái hình thức này và ý nghĩa đầu tiên của văn nghệ là thế.

Các bạn đã thấy rõ từ cái nghệ thuật vẽ chạm, ca hát, nhảy múa đến chữ nghĩa, văn chương, v.v... đều lấy gốc tích trong hoàn cảnh sinh hoạt vật chất của người ta. Mà cái cứu cánh của nó cũng vì sự sinh hoạt của người ta mà có.

Chúng mình nói thế các ông nghệ sĩ, văn sĩ duy tâm lấy làm khó chịu lắm, kêu ó lên, họ cho tụi mình là "nói tục". Vì mình đã đụng đến chỗ tim non của họ. Họ cho nghệ thuật là phát nguyên ở những cái hiện tượng thần bí thiêng liêng. Mình đánh đổ sự thiêng liêng thần bí ấy đi, mình giải phẫu cái cô "Ly Tao thần nữ" của họ, mình kéo cái nghệ thuật của họ ở trên mây xanh mà hạ xuống đời thực tế, thì bảo họ chịu làm sao cho nổi mà không kêu ó lên!

Xưa nay họ sống trong hoàn cảnh mầu nhiệm thần bí ấy vừa có lợi, vừa có danh, một mặt thì phụng nghinh người trên, một mặt thì mê hoặc kẻ dưới. Sự nghiệp về nghệ thuật của họ như thế, bảo họ làm sao mà không cố sống cố chết trì kéo lấy được đã chứ.

Chúng ta vẫn biết rằng trong khi chúng ta nâng cao lá cờ "nghệ thuật vị nhân sinh" để hiệu triệu tất cả những nhà nghệ sĩ đồng một khuynh hướng với chúng ta, để quyết tâm khai chiến với cả một thế giới nghệ thuật cũ kỹ mục nát đã làm trở ngại cho sự tiến hóa của nghệ thuật không phải ít.

Con đường của chúng ta đã vạch ra, chúng ta cứ quả quyết mà tiến tới. Sau lưng chúng ta đã sẵn có một nhân loại mới mẻ mạnh bạo với những ý tưởng, những tình cảm lớn lao hơn sẽ làm hậu thuẫn cho chúng ta.


III. Cái tính cách xã hội trong nghệ thuật

Cái tình cảm của một người đã phức tạp mà cái tình cảm của một xã hội lại càng phức tạp hơn. Sắp đặt những tình cảm ấy cho có hệ thống, phân biệt những tình cảm ấy cho minh bạch rồi diễn dịch lên trên mặt giấy, trên tấm đá, trong âm điệu, v.v... tất cả là nghệ thuật vậy.

Boukharine bảo rằng "nghệ thuật là một cái phương pháp để xã hội hóa tình cảm" là thế. [2]

Phái "nghệ thuật vì nghệ thuật" tưởng lầm rằng tình cảm trong nghệ thuật là cái sản vật của từng cá nhân mà thôi. Trong khi họ viết một quyển sách, làm một bài thơ, họ nghĩ rằng đó là họ phát biểu cái bản ngã của họ. Họ tự ví như đem những vật quý gì ở trong tim non của họ để mà diễn dịch ra. Có thế mà mới dám chủ trương cái vật của họ làm ra là chỉ vì nó mà làm ra không cần phải hỏi làm ra để làm gì? Họ có ngờ đâu cái bản ngã của họ chỉ là một cái tổng kết của vô số cái bản ngã xã hội mà có, mà cái tim non của họ chỉ dịp dàng đập theo với vô số quả tim giữa xã hội. Trong khi họ viết sách, làm thơ họ vô tình hay hữu ý đã diễn tả cái tình cảm giữa xã hội đương thời đấy thôi. Họ vẫn có thiên tư, họ vẫn có sáng tạo. Nhưng những điều kiện để cho cái thiên tư của họ nảy nở, những phẩm liệu để cho cái sáng tạo của họ gây dựng là họ phải lấy trong xã hội. Những tác phẩm của họ là những sản vật của xã hội, vậy nên mỗi tác phẩm về nghệ thuật đều hàm súc cái tính cách xã hội ở trong.

Một công trình văn nghệ, hay mỹ thuật càng diễn đạt được rõ ràng cái tính cách xã hội thì lại càng có giá trị. Nói một cách khác, nếu một tác phẩm mà có thể biểu hiện được cái tình cảm tư tưởng phổ biến của số đông người trong một thời đại (cái số đông người đã biết thưởng thức nghệ thuật) thì cái công trình nghệ thuật ấy sẽ được hoan nghênh. Cái giá trị của nghệ thuật trong xã hội này chỉ tương đối và hữu hạn thôi. Vì tác phẩm đối với giai cấp này, thời đại này, xứ sở này thì cho là có giá trị, mà đối với giai cấp khác, thời đại khác, xứ sở khác thì chả ra gì.


IV. Cái giá trị trong các tác phẩm nghệ thuật

Nhà nghệ sĩ duy tâm đã cho rằng làm nghệ thuật chỉ là vì nghệ thuật. Vì nghệ thuật có cái giá trị vốn có của nó (sa valeur intrinsèque). Họ không cần sự phẩm bình của dư luận, sự thưởng thức của công chúng, tự nó đã sẵn có một giá trị... giá trị cố hữu của nó. Tôi đã từng gặp một nhà thi sĩ quả quyết với tôi những cái ý tưởng ấy. Tôi liền chỉ ngay cái mũ dạ của ông ấy mà nói rằng: "Vậy chớ cái gì quyết định cái giá trị của cái mũ ông ở thị trường". Ông lấy làm ngạc nhiên. Thời cái mũ ông ấy có đưa ra giữa thị trường mới thành ra cái giá.

Mà cái giá trị ấy là do sự nhu cầu (le besoin), người cần dùng phải mua để đội, sự sử dụng (l'usage), dùng được lâu được bền, sự thiếu thốn (la rareté) ở thị trường ít ai bán, sự thời thượng (la mode), người ta thích "bo" nhỏ, múi xanh v.v. mấy cái ấy quy định giá trị của cái mũ. Vậy thì văn chương hay các công trình về nghệ thuật khác cũng thế thôi. Ví thử nhà thi sĩ viết ra quyển sách rồi bỏ vào rương khóa lại đến khi chết đem theo xuống đất thì dầu ông ấy muốn cho tác phẩm của ông cái giá trị cố hữu, ta cũng chả nói làm gì. Bên này thì ông viết ra ngâm chán rồi lại muốn đưa ra cho xã hội biết, tất cũng như cái mũ đưa ra giữa thị trường vậy thôi. Nó cũng tùy theo sự nhu yếu, sự sử dụng, sự thiếu thốn, sự thời thượng v.v. của mỗi giai cấp, mỗi thời gian, mỗi không gian mà quyết định cái giá cho tập sách của nhà thi sĩ.

Cái giá trị ấy không thể nói rằng tập sách vốn sẵn có rồi, hay là ông Xoài, ông Mít, hay nhà thi sĩ tôi tự cho nó được. Cái giá trị đó, chỉ có xã hội cho nó mà thôi.


Báo Trung-kỳ, số 1, ngày 9-10-1935 & số 4, ngày 6-11-1935




Chú thích của người sưu tầm:

Câu "tái bút" của tác giả viết dưới bài này cho biết rằng bài này còn 2 phần:

  1. Cái dã tâm của phái nghệ thuật vị nghệ thuật.
  2. Cái nhiệm vụ cần kíp của nhà nghệ sĩ vị nhân sinh.

Nhưng sau đó không thấy đăng tiếp vì tờ báo Trung-kỳ bị đình bản. Báo Trung-kỳ xuất bản ở Vinh từ tháng 10 năm 1935 đến tháng 10 năm 1936, do Vương Đình Quang làm chủ nhiệm.



Văn học và chủ nghĩa duy vật


"Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề thùy tạo nhân" [3]


1. Văn học và sinh hoạt xã hội

Thấy cuộc đời luôn luôn thay đổi, lúc thịnh lúc suy, khi trị khi loạn, tang thương biến cố vô cùng, người xưa chỉ biết ngưỡng mặt lên trời mà hỏi một câu rất đau đớn: "Than ôi, ai đã làm ra chuyện ấy?"

Ngày nay giở mỗi trang lịch sử loài người là ta thấy mỗi trang biến động, nào cách mệnh, nào chiến tranh, chế độ cũ đổ, chế độ mới thay vào, xương chất thành núi, máu chảy thành sông, cuộc tiến hóa cứ vẫn lôi kéo loài người đi tới trên những quãng đường gập ghềnh, khuất khúc; mà sự xài phí về nhân mạng giống chừng không ai thèm đếm xỉa tới.

Ta tuy không như người xưa chỉ ngưỡng mặt lên trời, nhưng ta cũng nên bình tâm mà hỏi thử: "Cái gì đã thúc giục, đã xúc sử những sự biến động ấy?"

Trong phái học giả duy tâm có kẻ trả lời: đó là mệnh trời (thiên mệnh) hoặc có kẻ lại trả lời: đó là tại lòng người (nhân tâm).

Phái duy vật trả lời: đó là tại sự sống về vât chất, nói cho khít hơn chút nữa, đó là tại nền kinh tế của xã hội biến đổi nên lôi kéo cả xã hội phải biến đổi theo.

Ai đúng? Ai sai? Ngày nay người ta đều nhận được cả rồi.

Cái thực tế giữa xã hội, và sự phát triển về khoa học đã làm trạng sư một cách hùng hồn cho phái duy vật nhiều. Vì ai cũng thấy rõ một bộ máy có thể cãi được mệnh trời, một đồng tiền có thể sửa được lòng người một cách dễ dàng.

Vậy chúng ta nên tóm tắt lại một câu:

Sự biến đổi trong nền kinh tế làm cho cả xã hội cùng biến đổi theo. Xã hội trong khi biến đổi không những biến đổi về một phương diện chính trị mà thôi, mà biến đổi cả các phương diện khác nữa, như về phương diện văn hóa chẳng hạn.

Mã Khắc Tư nói: "Cái thể cách sinh sản quyết định sự sinh hoạt xã hội", mà trong sự sinh hoạt xã hội tất nhiên phải đếm kể đến sự sinh hoạt về tinh thần.

Văn chương hay là mỹ thuật, cũng như các môn khác thuộc về tinh thần như triết học, luân lý, đạo đức, tôn giáo, v.v... là những sản vật của xã hội, đều phải chịu cái ảnh hưởng hặc trực tiếp hoặc gián tiếp của nền kinh tế của xã hội vậy.

Mới nghe chừng ấy chắc có bạn đã nóng ruột mà phải hỏi: vậy văn chương hay mỹ thuật chỉ chịu ảnh hưởng của nền kinh tế rồi thôi hay sao? Văn chương không ảnh hưởng gì đến ai cả hay sao?

Có lắm, chúng tôi nào có chối cãi rằng văn chương không ảnh hưởng đâu? Văn chương chịu ảnh hưởng của nền kinh tế lại trở lại ảnh hưởng vào xã hội và thay đổi cái nguyên trạng của xã hội đi. Phái duy vật không bao giờ khinh miệt cái tinh thần, cái ý chí của người ta. Phái duy vật chỉ cố giải thích vì sao mà loài người trong khoảng thời gian ấy trong khoảng không gian ấy lại có cái tinh thần ấy, cái ý chí ấy? Vì sao trong thời buổi ấy anh lại suy nghĩ cách ấy? Vì sao về thế kỷ 18 lại có những tác phẩm của J.J. Rousseau, của Montesquieu, của Diderot ra đời?

Phái duy vật căn cứ vào sự sinh hoạt vật chất giữa xã hội, căn cứ vào những sự biến đổi trong nền kinh tế mà giải thích những trào lưu văn nghệ trong lịch sử quá khứ và hiện tại, từ cái nguyên nhân phát sinh, đến cái bước đường tiến triển của nó và đến chỗ diệt vong của nó nữa. Chỉ đứng trên cái lập trường duy vật mà giải thích thời mới đúng thôi.

Trái lại nếu không dựa vào đó mà bàn cãi, mà tìm kiếm thì chỉ sa vào những sự mập mờ huyền hoặc thần bí vu vơ.

Muốn xét trào lưu tư tưởng của người ta, mà lại đứng xa sự sinh hoạt của xã hội, thì làm thế nào mà hiểu cho nổi. Xét đến thời đại "văn nghệ phục hưng" mà chỉ cho đó là một sự phục hồi lại phong khí, đời thượng cổ thời thật lầm vô cùng. Ít nhất là phải nhìn ngay vào cái xã hội của thời đại ấy mới thấy rõ những nguyên nhân của sự phục hưng ấy. Nếu không có những sự phát minh lớn lao như những cuộc viễn du trên mặt biển để buôn bán, nền thương mại khởi hưng, nền công nghiệp phát triển và bắt đầu tìm được thị trường trên thế giới nhất là ở Ấn-độ, Trung-quốc, châu Mỹ, v.v... thì làm gì mà có cuộc "văn nghệ phục hưng" kia.

Lại muốn xét sự phát triển của nền văn học thế kỷ 18 ở nước Pháp, tất nhiên phải nhìn ngay vào sự phát triển về kinh tế của giai cấp phú hào, đã bắt đầu có lực lượng và bị chế độ phong kiến ràng buộc đè nén một cách gắt chặt nặng nề.

Rousseau trong khi viết bản sách Contrat social, hay Diderot trong khi cho ra đời bộ Encyclopédie, không phải vì thiên mệnh hay vì nhơn tâm, mà chính các ông ấy đã chịu cái ảnh hưởng rất sâu xa của sự sinh hoạt xã hội, của nền kinh tế thời đại ấy.

Nhà văn duy tâm thường có cái quan niệm trong khi mình viết văn là mình thoát ra khỏi sự thực tế của xã hội, không chịu ảnh hưởng một cái lực lượng gì của hoàn cảnh hiện tại. Đó là họ chỉ tưởng tượng vậy thôi, chớ thiệt ra trong khi họ viết một trang tiểu thuyết, làm một bài thơ, dầu có kể chuyện xưa, hoặc chuyện huyền hoặc thần tiên, họ vẫn đem tất cả những thành kiến, những quan niệm, những tập tục của thời đại họ sống rồi phả cho người xưa, người trong trí của họ đấy thôi.

Cụ Nguyễn Du trong khi khóc thân thế của cô Kiều ở bên Trung-quốc, chẳng qua là để giãi tỏ cái thân éo le của mình cùng bao nhiêu nỗi đắng cay về thời đại Hậu Lê. Bao nhiêu những tay anh hùng, hiệp sĩ trong truyện Enéide, chỉ là hình ảnh của người Romains bị trá hình đấy thôi. Những ma, quỷ, tinh, thầy tu, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Tam Tạng, Sa Tăng trong truyện thần tiên Tây du chỉ là những người Trung-quốc với bao nhiêu tập quán, quan niệm, đúng như vậy, chỉ đội lốt yêu quái một chút vậy thôi.

Xem thế đủ rõ không có nhà văn sĩ nào có thể thoát ly ra khỏi sự sinh hoạt xã hội mà sáng tác văn chương được.

Cái ảnh hưởng của sinh hoạt vật chất trong văn nghệ là một lẽ tất nhiên không còn ai chối cãi được nữa.


2. Văn học và đấu tranh giai cấp

Marx và Engels có câu: "Lịch sử của tất cả các xã hội từ xưa đến nay chỉ là lịch sử của đấu tranh giai cấp".

Thật thế, cứ giở lịch sử của loài người ra mà xem, từ thời đại thượng cổ mãi cho đến cái xã hội hiện tại, chúng ta chỉ rành thấy cuộc đấu tranh của các giai cấp, ngày xưa thời giai cấp nô lệ chống giai cấp chủ nô lệ, rồi đến giai cấp nông nô chống quý tộc, gần đây thì giai cấp vô sản chống tư bản. Tóm lại là giai cấp bị áp bức, bị bóc lột chống giai cấp áp bức, bóc lột. Cuộc đấu tranh ấy dưới chế độ nô lệ và phong kiến chỉ có cái tính chất tranh ngôi đoạt vị; bọn nô lệ đánh tụi chủ nô lệ là để bắt tụi chủ nô lệ lại làm nô lệ cho mình. Bọn nông nô đánh đổ tụi quý tộc là để trục ngôi vua phong kiến đi, để mình chiếm chính quyền, rồi cũng làm vua lại. Trái lại, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản với giai cấp tư bản lại có một đặc tính khác hơn là: giai cấp vô sản đấu tranh với giai cấp tư bản, không phải để duy trì một cái xã hội có giai cấp. Giai cấp vô sản đấu tranh với giai cấp tư bản là để tiêu hủy tất cả các giai cấp đi. Giai cấp tư bản đổ, đã cố nhiên, chớ giai cấp vô sản sau khi hoàn thành cuộc cách mệnh rồi, cũng tự mình phải tiêu hủy. Cuộc tranh đấu của giai cấp vô sản không chỉ lợi riêng cho một thiểu số mà lợi chung cho đại đa số nhân loại. Cuộc đấu tranh ấy không chỉ đánh đổ một nền móng chính trị của tư bản mà thôi, mà đánh đổ tất cả chế độ xã hội về chính trị, văn hóa, nghệ thuật, rồi gây dựng lên một nền chính trị mới, kinh tế mới, văn hóa nghệ thuật mới.

Chúng ta đã nhận thấy rõ cuộc đấu tranh giai cấp bá chiếm lịch sử loài người như thế nào rồi. Chúng ta cũng có thể đoán được cuộc đấu tranh giai cấp ấy thâu tóm hết bao nhiêu lực lượng về vật chất, về tinh thần của cả toàn thể một xã hội.

Không những cái ăn, cái mặc, cái ở, của mỗi người đều chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh ấy, mà đến cái tình cảm, tư tưởng, trí thức của người ta đều bị cuộc đấu tranh kia ghi dấu, khắc tên một cách sâu sắc.

Phái văn sĩ duy tâm cho rằng văn học hay nghệ thuật là những sản vật thiêng liêng thần bí, Trái lại văn sĩ duy vật nhận thấy rõ văn học nghệ thuật chỉ là những sản vật trong xã hội và chịu tất cả những ảnh hưởng của cuộc đấu tranh giai cấp. Mỗi giai cấp lên cầm được chánh quyền, thâu tóm tất cả nền sinh sản trong tay, độc quyền tất cả nền kinh tế, lẽ tất nhiên họ cũng độc quyền tất cả nền văn hóa. Marx nói: "Những ý kiến mạnh nhất của một thời đại, chính là ý kiến của giai cấp cầm quyền" (Tuyên ngôn Đảng cộng sản). Trong một xã hội phong kiến quân chủ, thời những ý kiến "tôn quân" là ý kiến mạnh nhất. Giai cấp cầm quyền chỉ truyền bá một thứ ý kiến ấy và bắt ép tất cả nhân dân đều phải suy nghĩ theo đó, phải uốn nắn theo đó. Trái lại có những phần tử nào suy nghĩ khác tất bị xem như để "yêu đạo" nguy hiểm vô cùng phải kịch liệt bài trừ.

Xem đó chúng ta thấy rõ rằng nền văn học của một thời đại nào chỉ là cái phản ánh của cuộc đấu tranh giai cấp. Mỗi triều lưu văn nghệ chỉ là sự diễn dịch những tình cảm, những tư tưởng của các giai cấp trong xã hội. Mà sự xung đột của những triều lưu ấy chính là hình ảnh của sự xung đột của giai cấp đấy thôi.

Giai cấp cầm quyền lấy văn học và mỹ thuật để tô vẽ cho cái chế độ của mình, ca ngợi những cảnh cao sang, lộng lẫy, hùng dũng của xã hội mình. Không nữa họ cũng lợi dụng văn chương để khỏa lấp những việc thối tha, mục nát của xã hội họ, để đánh lừa, ru ngủ cái quần chúng bị áp bức, bị bóc lột bằng những danh từ xán lạn, du dương, đầy thần bí, mộng mị. Những khúc ca hùng dũng dưới chế độ phụ quyền, những lối hát vè hồi Trung cổ, những bi kịch cổ điển thế kỷ 17, cho đến những tiểu thuyết tình lãng mạn của giai cấp tư bản đều là những sản vật tinh thần của các giai cấp cầm quyền từ trước đến nay.

Đó là chúng ta lấy cái thí dụ ở nền văn học châu Âu, nay xét đến nền văn học Trung-quốc, chúng ta cũng thấy cái tính chất giai cấp vẫn ăn sâu vào trong văn chương. Từ những tác phẩm nghiêm trang đạo đức như bộ kinh Xuân thu của Khổng Tử, cho đến thơ phóng túng của Lý Thái Bạch, Tô Đông Pha, thơ bi đát như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, đều miêu tả cái hưng vong suy thịnh của chế độ quân quyền và phụ quyền ở nước Trung-quốc hồi trước. Lại gần đây, từ phong trào dân quốc nổi lên, những văn phái như Ngô Trĩ Huy, Chương Thái Viêm, Hồ Thích, đều là những tay văn sĩ cự phách có thể đại biểu cho giai cấp tư bản Trung-quốc đã bắt đầu giác ngộ vậy.

Giai cấp thống trị lấy văn học nghệ thuật làm món chơi riêng của họ. Giai cấp bị áp bức chỉ được phép đứng nhìn xa xa thôi. Vì giai cấp bị áp bức làm gì có đủ điều kiện sinh hoạt cho sung túc mà ngồi thưởng thức nghệ thuật với văn chương.

Tuy vậy trên con đường đấu tranh, bộ phận đi tiên phong cho giai cấp bị áp bức đã kiếm cách đánh toạc được cái màn hắc ám mà giai cấp cầm quyền cố bao vây họ. Họ cũng nghiên cứu triết học, họ cũng bàn bạc văn chương. Rồi những triết học ấy, văn chương ấy trở nên những khí giới rất sắc bén giúp họ trên đường đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh để đánh đổ một chế độ xã hội khởi đầu bằng cái hình thức đấu tranh về tư tưởng. Cuộc chiến tranh bằng bút mực đi tiên phong cho cuộc chiến tranh bằng súng ống. Ấy thế cho nên trên vănđàn khắp cả thế giới thí dụ như nước Pháp hồi thế kỷ 18 hay nước Nga hồi thế kỷ 19 và 20, một nền văn học mà người ta thường gọi là "văn học cách mệnh" ra đời.


3. Văn học cách mệnh và văn học

Phản cách mệnh

Phía trên tôi đã nói giai cấp thống trị chiếm độc quyền các cơ quan sinh sản, tất chiếm độc quyền cả nền văn hóa. Nghệ thuật văn chương trở thành món chơi riêng của giai cấp cầm quyền, không nữa cũng trở nên cái lợi khí để nhồi sọ quần chúng, dẫn dụ quần chúng vào những quan niệm lãng mạn, yếm thế, an phận, không đấu tranh và chịu cái trật tự của xã hội hiện tại. Tuy giai cấp cầm quyền cố đem một cái màn hắc ám để bao trùm lấy giai cấp bị áp bức, nhưng, một phần trong đội quân tiên phong của giai cấp bị áp bức đã đánh toạc cái màn khốn nạn kia, và đã gây dựng một nền triết học mới, một nền văn học mới cho giai cấp bị áp bức. Triết học và văn học cách mệnh vì thế mà xuất đầu lộ diện trong lịch sử văn hóa của loài người.

Hồi giai cấp phú hào đương chống với phong kiến, đương vận động để trục xuất ngôi vua phong kiến, thời những văn sĩ của nó đều khuynh về sự tả thực. Bọn này hết sức khinh miệt những sự chạm trổ tỉ mỉ, những khuôn sáo chặt chẽ, những điển tích rườm rà. Họ muốn một lối văn về hình thức cho phóng túng hơn, tự do hơn, giản dị hơn, thiết thực hơn, mà về nội dung thì họ ca tụng cho được cái cá nhân của họ. Cái cá nhân mà chế độ phong kiến chà đạp, họ cố dựng đứng cái cá nhân ấy lên, họ muốn cho nông nô cũng bình đẳng với quý tộc. Văn học của họ vì thế mà có tính chất cách mệnh. Trong văn học giới nước Pháp xảy ra những vụ xung đột kịch liệt giữa văn phái cổ điển và văn phái lãng mạn là vì bị ảnh hưởng của cuộc cách mệnh về văn học đó.

Giai cấp thống trị cố làm thế nào giữ cho được cái địa vị ưu thắng của mình nên hết sức xuyên tạc sự thật, tô vẽ thêm để lừa dối dân chúng. Cái đặc điểm của văn học phản động là thế. Trái lại nền văn học cách mệnh là cốt nhìn vào sự thật, sự thật trong xã hội hiện tại, họ phân tích, họ chỉ vạch tất cả những sự xấu xa, mục nát và sự bất bình của quần chúng, cùng sự đấu tranh của dân chúng để đánh đổ cái chế độ ác liệt ấy đi, và gây dựng lại một cái xã hội khác mà họ hằng mong mỏi cho "bình đẳng" hơn, cho "tự do" hơn, cho "nhân đạo" hơn. Cái hình thức của văn chương cách mệnh cốt ở sự tả thực là vì thế.

Bọn phú hào đương hồi còn cách mệnh tuy mang danh là lãng mạn nhưng họ vẫn chú trọng về tả thực. Cái lãng mạn của họ là để chống với sự ràng buộc của cổ điển phong kiến. Mà sự tả thực của họ là để chỉ vạch cái hư hỏng của xã hội quân chủ. Diderot nói: "Phải tả thế nào cho con người ta đúng như nó". Nói đến cái đẹp, Diderot bảo: "Phải tả cho đúng cái bóng với cái hình". [4] Những quan niệm tả thực của Dederot, là quan niệm tả thực của văn sĩ phú hào đương hồi còn cách mệnh vậy.

Đến khi giai cấp phú hào đã hoàn thành cách mệnh rồi, đã chiếm được bộ máy sinh sản của xã hội rồi thời trở ra phản động và đàn áp ráo riết giai cấp vô sản. Trong văn học giới cũng diễn lại cái tấn tuồng phản động ấy. Văn học phú hào không khuynh về tả thực nữa, cái lãng mạn phú hào cũng không có tính chất lãng mạn cách mệnh nữa. Trái lại văn học phú hào hóa ra một lối văn thần bí, dâm ô, pha phách những chuyện huyền hoặc, nhục dục, để mua vui cho những hạng người say sưa sau những tiệc rượu, những xóm điếm. Chế độ tư bản càng phát triển, bọn tư bản càng ăn chơi, càng xài phí, càng dâm dục, càng cướp bóc lẫn nhau, càng cướp bóc của thợ thuyền, thời trong văn học giới của tư bản cũng sản xuất ra những văn phẩm sặc mùi cướp bóc, dâm dục ấy. Ở các kinh thành lớn ở Âu Mỹ: Paris, Londres, Berlin, New York, Chicago, mỗi ngày kể hàng ngàn, vạn quyển sách kể chuyện cướp dựt, chuyện tình dục xuất bản ra như nước. Những bọn đầu trộm đuôi cướp như Arsène Lupin, Alphonse Capone, v.v... vẫn được các ông, các bà tư bản xem như là khách quý trong xa-lông.

Kể ra như thế này là để các bạn nhận thấy sự đồi bại của nền văn học phản động của tư bản nó phá sản đến bực nào.

Bên cái nền văn học thần bí dâm ô của giai cấp phú hào, đã bắt đầu gây dựng nên một nền văn học mới của giai cấp vô sản. Nền văn học này quyết nhiên là một nền văn học cách mệnh. Cái hình thức của nó khuynh hướng hẳn về tả thực mà cái nội dung của nó là về xã hội. Cái triều lưu văn học này ta có thể bao gồm trong một danh từ là: tả thực xã hội (la réalesme socialiste).

Văn chương của giai cấp vô sản tất là văn chương tả thực tả thực xã hội vậy.

Trong bài sau tôi sẽ nói về văn tả thực xã hội.



Báo Sông Hương tục bản, số 8, ngày 26-8-1937; số 9, ngày 2-9-0937 & số 10, ngày 11-9-1937



Chú thích của người sưu tầm:

Vì sau khi đăng 3 phần trên đây, ngày 14-10-1937 báo Sông Hương bị thu hồi giấy phép nên phần nói về "Văn tả thực xã hội" của bài này không được in tiếp. Thật là một điều đáng tiếc.

Câu "Cái hình thức của nó khuynh hướng hẳn về tả thực mà cái nội dung của nó là về xã hội" không hoàn toàn đúng vì "tả thực" không chỉ ở mặt "hình thức" mà còn ở cả về mặt "nội dung".



[1]Chữ hiéroglyphe ở Ai-cập.
[2]L'art est un moyen de socialisation des sentiments.
[3]Bà Đoàn Thị Điểm trong Chinh phụ ngâm dịch thế này:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai xui khiến cho nên nỗi này.
[4]Diderot: Troisième entretien sur Le fils naturel, trang 156. Nhà xuất bản Garnier Frères.
Nguồn: Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng ChÆ°Æ¡ng sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Ná»™i 1965, tái bản lần thứ nhất 1969