© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
5.9.2003
Phạm Thị Hoài
Thứ Hai tuần sau của văn chương
 
Trong tất cả những đối tượng được hân hạnh hứng chịu sự bất mãn khôn nguôi của chúng ta, văn chương Việt nam luôn ở hàng số một. Danh mục những sản phẩm made in Vietnam kém chất lượng không đến nỗi ngắn, mà ít mục nào được điểm danh thường xuyên như văn chương. Mười năm nay mỗi lần về tôi đều nghe một bộ phận đáng kể của văn giới và công chúng than rằng văn chương trong nước dạo này nhạt nhẽo, xuống cấp, không có gì đáng đọc. Trong cảm giác ngôn ngữ của tôi, dạo này là một khoảng thời gian vô tận, chẳng chừa cả thời Nguyễn Du âm thầm viết Kiều. Mười năm nằm tốt trong một dạo này, và một dạo này không có vẻ gì là ngày mai sẽ dứt. Cũng mười năm ấy, văn giới Việt hải ngoại quen dần với nhận định có vẻ cay đắng nhưng không nhất thiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của cộng đồng, rằng văn chương Việt ở ngoài nước hiện nay buồn tẻ, khủng hoảng, cạn kiệt sức sống. Cảm giác ngôn ngữ của tôi ở đây cũng vậy, hiện nay là một khái niệm trùng với đoạn thời gian vài ba thập kỉ về phía trước và về phía sau cái hiện tại. Đem phận mình ra tính thì được một đáp số sáng tỏ: toàn bộ đời viết của tôi, trừ khúc đầu thử bút tập nghề và khúc cuối dọn nghề bằng hồi kí, phần chính còn lại rơi gọn trong một dạo này và một hiện nay ê chề ấy. Người viết, người phê bình, người đọc, và cả người không hề liên quan đến ba hành vi ấy mà chỉ quan sát, chẳng ai thua ai trong khả năng thất vọng về văn chương nước nhà. Bản thân tôi cũng đã nhiều dịp luân phiên từ bốn vị trí ấy mà tự giày vò mình và kẻ khác. Thất vọng là thứ không bỏ công chăm sóc vẫn sinh sôi, đầu tư vào đó chẳng bao giờ sợ hớ, song một lúc nào đó kẻ đầu tư khôn ngoan sẽ tự hỏi: văn chương Việt nam có quan trọng đến mức ta cứ phải bền bỉ thất vọng về nó như vậy, hay bóng đá Việt nam mới thực xứng đáng hưởng cái ưu đãi ấy hơn.

Philip Roth, đại gia của một trong những nền văn học có sức mạnh và thế lực nhất hiện thời, văn học Mĩ, người suốt sự nghiệp cầm bút năm mươi năm chưa bao giờ phải lo thiếu độc giả hoặc không được giới phê bình để mắt, khẳng định trong một phỏng vấn vào tháng ba năm nay [1] , rằng sự cáo chung của văn chương từ nước Mĩ đã lan rộng khắp hoàn cầu, ba mươi năm nữa là văn chương tuyệt chủng. Khi người phỏng vấn trách ông xem thường mấy ngàn năm của văn học sử, Philip Roth đập lại: Mấy ngàn năm thì đã sao? Lịch sử của khủng long những mấy triệu năm rồi cũng chấm dứt. Mỗi thời đại có kết cục của nó.

Nửa thế kỉ vừa qua không nơi nào sản sinh ra nhiều tác phẩm văn chương có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn học thế giới hơn Mĩ. Lời tiên đoán đen của một nhà văn thành đạt nay đã đi đến đoạn chót đời mình như Philip Roth cũng chỉ nên hiểu như một cách nói, mà những sứ giả của buổi cáo chung lại thường chăm chỉ hơn các đồng nghiệp phía bên kia của họ. Ba mươi năm nữa nòi khủng long cầm bút nhất định chưa tận diệt, cái chết được báo trước nhiều lần ấy hàng năm đều được gia hạn, ít nhất là đến năm 2545, khi cái Brave New World - trong đó chúng ta sẽ được nếm mùi sốc điện mỗi khi sờ vào sách và hoa, cho đến khi chừa hẳn - của Aldous Huxley khai trương. Nhưng ta hãy nói thẳng: ngày nay, trong một trăm điều chi phối trực tiếp đời sống của con người hiện đại, văn chương đã tụt xuống hàng 90-100; trong những quyết định trọng đại có thể biến một số phận này thành một số phận khác hay thành một không-số-phận, văn chương hầu như vô can; trong cuộc mưu cầu hạnh phúc của 6 tỉ người trên trái đất, văn chương không hề là giải pháp ưu tiên. Điểm hẹn và điểm đến của thế kỉ vừa bắt đầu này ở đâu, chắc chắn không ở trong nghệ thuật viết văn. Tương lai và văn chương, hai thứ đó tách khỏi nhau ngay khi ta đưa con đến trường và thầm mong nó sau này thà làm thợ hơn làm thơ, thành một kĩ sư cầu đường chứ đừng kĩ sư tâm hồn, giỏi thí nghiệm với những cái ống thủy tinh chứ đừng lắc, trộn và phân hủy những con chữ..., vì nói như George Steiner, một nhà hùng biện khác của buổi cáo chung: giới khoa học kĩ thuật là những ông hoàng hạnh phúc, họ biết rằng Thứ Hai tuần sau còn thú vị hơn Thứ Hai tuần này.

Thứ Hai tuần sau của văn chương không phải là ngày Thứ Hai cuối cùng, tôi còn đủ gan tuyên bố như vậy. Nhưng nó ngắn hơn Thứ Hai tuần trước. Chiếc áo choàng của văn chương từng trùm hết dáng vóc ta bao nhiêu thế kỉ tuy không rơi cùng nền quốc học khoa bảng truyền thống, song kể từ ấy, vỏn vẹn trong vòng một thế kỉ, qua mỗi thế hệ lại hụt thêm vài gang, hẹp đi vài tấc, thiếu mất vài vạt. Đụp những mảnh cuối cùng còn lại thành món trang sức hay lưu niệm đã là nhiều. Anh Nguyễn Hữu Liêm mong xã hội Việt bỏ cái phong hoá văn chương, cái tật văn chương, làm báo, làm thơ và giục văn giới bước ra khỏi vũng bùn của văn chương tào lao. Cái lo này có vẻ như lo bò trắng răng. Đất nước một thuở rũ bùn đứng dậy sáng loà ấy có những đầm lầy đáng kinh hãi hơn cái vũng bùn bé xíu sót lại của văn chương. Sục được nửa bàn chân vào đó là hết, chết đuối trong chậu giặt còn dễ xảy ra hơn. Đừng nhìn thơ trên báo Nông nghiệp, truyện ngắn trên báo Công an và phê bình văn học trên báo Sức khoẻ và đời sống mà lầm rằng văn chương trấn thủ ở mọi trọng điểm. Trang đầu không dành cho nó, và ở cột báo bên cạnh, Mác-Lê-học cũng thở những hơi cuối cùng. Thời đại đã đi theo một tinh thần khác hẳn. Người ta mua Công an vì Năm Cam, mua Sức khoẻ và đời sống vì SARS, không ai mua Nông nghiệp. Khi tạm trú ở mọi nhà là khi văn chương sắp hoàn toàn vô gia cư, lâu đài một thuở của nó đã thanh lí sang chủ khác. Nhà văn thành kẻ ăn mày, độc giả là người bố thí. Cũng đừng nhìn sự nở rộ của ngành công nghiệpVăn với dây chuyền Học văn-Dạy văn-Thi văn ở trường phổ thông, ngành kinh tế mới mẻ đang thu hút toàn bộ tinh hoa của giới nghiên cứu và phê bình văn học nuớc nhà, mà cho rằng văn chương vẫn vẫy gọi. Nó chỉ là hòn gạch gõ vào cánh cửa lập nghiệp, nói theo cách của Lỗ Tấn [2] , cửa mở rồi thì quăng gạch, không đoái nhìn. Sớm muộn nó sẽ bị những chìa khoá hợp lí hơn thay thế. Tôi không thật hiểu anh Nguyễn Hữu Liêm muốn nói đến văn chương nhân loại nói chung, hay một kiểu văn chương nhất định, hay gộp mọi văn chương của người Việt vào cái phong hoá văn chương (?) và cái tật văn chương. Nói cách khác: anh chỉ đề cập đến thứ văn chương tào lao hay anh cho rằng đã văn chương thì ắt tào lao, hoặc đã văn chương Việt thì ắt tào lao? Các phạm vi khác nhau này không được anh phân biệt thật chu đáo, nhưng bất luận thế nào, cho phép tôi trấn an: đừng lo văn chương kìm chân chúng ta. Hãy lo giữ nó ở thêm một tuần nữa.

*

Trong mọi cố gắng giải thích sự thất vọng của chúng ta với văn chương Việt nam, nhận định rằng văn chương ấy thiếu tư tưởng chiếm một vị trí đặc biệt: nó được đưa ra vô điều kiện và thường được tiếp nhận cũng vô điều kiện. Nó ít nhiều mang mầu sắc của lời phán xử cuối cùng, nhưng lại là khả năng phán xét truớc nhất. Nói cách khác: con bệnh văn chương Việt nam chỉ cần nằm ra là được chẩn đoán rằng thiếu tư tưởng trước khi mắc những chứng hiểm nghèo khác, nhưng không cần mắc những chứng hiểm nghèo khác nó cũng tắc tử, vì thiếu tư tưởng được coi như thiếu máu, mà lại đúng nhóm máu dường không tồn tại ở người Việt.

Để so sánh: Nhận định rằng "ẩm thực Việt nam thiếu tư tưởng" không có hi vọng được đồng tình ở bất kì cấp độ nào, dù vai trò của văn hoá nói chung và một vai trò nhất định của triết lí, thậm chí của triết học, trong những thành tựu ẩm thực là hiển nhiên. Chúng ta sẽ tiếp tục chắt từ chè, cháo, phở, cơm đầu ghế và cỗ bàn, thịt chó, nuớc mắm và rượu quốc lủi ra minh triết, vũ trụ quan và cả nhân sinh quan của phương Đông truyền thống và của riêng dân tộc - tôi từng được đọc một khảo cứu rất đáng yêu về tư tưởng hiện sinh trong sự ăn của người Việt-; chúng ta sẽ không ngừng nâng tâm hồn ăn uống lên cấp quốc hồn, người sành thì trọng tiêu chuẩn này, kẻ ăn máng uống gầu thì đề cao điều kiện kia, song tất cả đều biết rõ, tư tưởng không hề là phương tiện, lại càng không là mục đích của nền ẩm thực nước nhà. Còn văn chương Việt nam, vì sao lời trách nó thiếu tư tưởng lại có thể là một lời trách cần lưu ý?

Thêm một so sánh nữa: Một nhận định có tần số xuất hiện cao khác, rằng văn chương Việt nam thiếu chuyên nghiệp, buộc phải đi kèm lí giải về tính chuyên nghiệp trong văn chương, dù hình dung của chúng ta về điều này thường xa nhau không kém quan niệm của mỗi người về bản chất của nghệ thuật. Có lần ở Hội chợ sách Frankfurt, khi được hỏi bao giờ cái hội chợ sách lớn nhất hành tinh này lấy một nước thế giới thứ ba làm trọng điểm, giám đốc một nhà xuất bản Đức chuyên về văn học các nước Á, Phi, Mĩ Latinh do dự một hồi, xin lỗi nhiều vòng, rồi cho biết: Văn chương các nước bị coi là chậm phát triển ấy có thể hay thật, có thể hết sức quan trọng, không ai nghi ngờ điều đó, nhưng có phần thiếu thao tác chuyên nghiệp. Dường như 99% sách xuất bản ở những xứ còn tương đối lạc hậu ấy không nằm chờ phút nào trên bàn của biên tập viên. Chúng tự do mắc những lỗi mà không một tác phẩm dù tầm thường nào ở đây còn mắc phải. Trong những cuốn tiểu thuyết có thể rất vĩ đại ấy, một nhân vật bị tấn công bất ngờ lúc đang tắm dưới vòi hoa sen có thể rút ngay súng ra để tự vệ. Độc giả khó chấp nhận được là nhân vật đó giắt súng trong người, nghĩa là để nguyên quần áo và cả súng nữa mà tắm. Việc của biên tập viên là tế nhị đề nghị tác giả cho nhân vật của mình để súng ở đâu đó trong tầm tay, chỉ cần kẻ tấn công không trông thấy là được. Hoặc một nhân vật đang dạo chơi ngoài đồng cỏ mênh mông bỗng nghe bản tin truyền hình buổi tối. Độc giả chắc cũng không chịu hình dung rằng ở xứ ấy, mỗi đồng cỏ đều có ti vi đặt sẵn.Việc của biên tập viên là khéo léo gợi ý rằng, có lẽ đồng cỏ ấy không mênh mông lắm, có thể là một vạt cỏ cạnh nhà, từ đó có thể nghe rõ bản tin nếu tivi trong nhà vặn to hết cỡ. Nhưng nhà văn các nước ấy rất kiêu hãnh, luôn nhấn mạnh quyền tự do sáng tác và hư cấu, đem những trọng lượng khổng lồ của trường phái hiện thực huyền ảo ra làm vật tổ, rồi kinh tởm thói bò sát hiện thực của biên tập viên và cho rằng mình xứng đáng được những nhà xuất bản và biên tập viên có nhận thức văn học cao hơn quan tâm đến. Kết quả như thế nào thì đã rõ.

Các nhà văn nước ta tất nhiên cũng kiêu hãnh và không buộc phải chia sẻ quan niệm khiêm tốn này về tính chuyên nghiệp, nhưng ít nhất đó là một nhận định rành mạch, giới hạn rõ ở phạm vi "thao tác". Còn nhận định về sự thiếu vắng tư tưởng ở văn chương Việt nam lại thuộc loại nhận định không buộc phải rành mạch như vậy. Rất gần với một nhận định khác, rằng văn chương Việt nam không lớn nổi, với thoả thuận ngầm rằng ai cũng hiểu thế nào là lớn và bé, nhận định của tác giả bài Cái tật văn chương tào lao cũng dựa trên sự thoả thuận ngầm rằng chúng ta đều hiểu thế nào là tư tưởng, hay ít nhất hiểu điều đang bàn tới. Cho phép tôi đứng ngoài thoả thuận ấy.

Tôi không hề dám chắc, cái gọi là tư tưởng đang thiếu trong văn học Việt nam ấy thực ra là cái gì. Chủ nghĩa Mác-Lê là cả một hệ tư tưởng khổng lồ, đương nhiên như vậy, không vì việc đã thất bại với tư cách quốc đạo mà nó mất vị trí là một trong những hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn và đáng ghi lại trong lịch sử nhân loại, rút cục thì Nho giáo với hệ tư tưởng của nó cũng từng là quốc đạo của chúng ta một thuở và cũng đã cáo chung. Song lễ tiễn đưa một quốc đạo không bao giờ được cử hành trùng ngày với buổi chia tay toàn bộ hệ thống các giá trị tinh thần mà nó để lại. Cũng không vì tính chuyên chế trong sự tiếp nhận, truyền bá và ứng dụng nó mà chủ nghĩa Mác-Lê bị tước quyền là một thành tựu tư tưởng, rút cục thì rất nhiều chương trong lịch sử Thiên chúa giáo, tôn giáo chỉ cho phép thờ một đấng tối cao, được viết bằng sự không khoan nhượng đẫm máu đối với những kẻ không cùng đức tin. Hệ thống tư tưởng biện minh cho chủ nghĩa phát xít chắc chắn là một trong những sản phẩm kinh hoàng nhất của nhân loại, song khó mà lập luận rằng nó vốn không thể gọi là tư tưởng vì có Lò Thiêu. Nếu tư tưởng nằm trong những hệ tư tưởng, hệ ý thức như vậy, dù đang thịnh vượng hay chỉ còn là cái bóng, chúng ta dễ đồng ý với nhau rằng văn chương Việt nam đã và đang tải nhiều tư tưởng, đặc biệt là triết lí xã hội và nhân sinh, tới mức cái khao khát quẳng bớt đi chút ít mà vui với con chữ thuần túy là một khao khát chính đáng, một phản ứng tự nhiên, một nhu cầu giải phóng, dù con chữ chẳng bao giờ thuần túy. Có gì đáng ngạc nhiên, khi thế hệ cầm bút trẻ nhất của chúng ta thà nghịch những trò như nẫng đào tiên, đái vào rượu thánh, đại náo một thiên cung nào đó và chịu chôn dưới trái núi khổng lồ của bản năng, chứ nhất định không nhận cái vòng tư tưởng xiết vào đầu để theo ai lên đường đi làm việc lớn? Kiệt sức vì lên gân tư tưởng, phải vài ba thế hệ liên tiếp cho phép mình quyền nằm khểnh, hoặc quay lưng với những "câu hỏi lớn" và "đại tự sự", những "vấn nạn tư tưởng" và "trăn trở siêu hình", những "nỗi đau nhân loại" và "tiến bộ xã hội", những "suy tư bản thể" và "đối thoại tâm linh", những "ý thức dân tộc" và "đi tìm bản sắc", những "tầm vóc lịch sử" và "viễn kiến tương lai", những "chiều kích tư duy", "độ sâu tư tưởng" và "tầm cao trí tuệ", những "cột mốc của lí trí phê phán" và "bước ngoặt của nhận thức"..., hoặc biến chúng thành đối tượng giải trí, khi ấy nhu cầu về tư tưởng mới có thể trở lại như một nhu cầu tự nhiên và căn bản nhất.

Không ngừng tải đạo, trước hết là các quốc đạo, nếu trách chỉ có thể trách văn chương Việt nam suốt lịch sử đã quá chăm chỉ thực hành bổn phận tư tưởng, như thể đó là điều duy nhất có hiệu lực, như thể văn chương là nghệ thuật móc mấy bộ chữ lên những chiếc đinh tư tưởng đã đóng chắc. Cái có mặt quá nhiều thường giống cái thiếu vắng ở chỗ: giá trị hiện diện của cả hai đều bằng nhau. Anh Nguyễn Hữu Liêm đã lấy thừa làm thiếu có lẽ vì như vậy. Nhưng viện dẫn lịch sử văn học Việt nam để bảo rằng nó quá thừa tư tưởng thì cũng chỉ là một cách nói hùng biện.Vấn đề hẳn không nằm ở cái thừa hay thiếu của một thứ không cân đong được trong một thứ không tính đếm được. Nếu không thể tránh dùng chữ tư tưởng ấy, câu hỏi giản dị nhưng thiết yếu hơn sẽ là: giá trị tư tưởng của một tác phẩm văn học -chứ không phải của một luận văn triết học, của một chương trình tôn giáo, của một cương lĩnh chính trị, của một phong trào xã hội, của một lối sống, của một cuộc cách mạng kĩ thuật, v.v.- là cái gì? Trả lời được câu hỏi ấy, ít nhất ta biết rằng, nếu một nghị quyết chính trị có nhã ý đem tặng giá trị tư tưởng của nó cho văn học thì đó là một món quà mà văn học khó từ chối, nhưng đừng đem ra dùng; nếu một nhân vật tiểu thuyết xuất hiện chỉ để thỉnh giảng khoá triết học cắt theo chiều dọc của hắn thì người đọc hãy kiễn nhẫn gấp sách lại chờ hắn xong việc, ra đi, xông vào một tiểu thuyết khác; nếu một bài thơ ngỏ ý chở bạn đến thắng cảnh tuyệt diệu nhất của chân lí cao nhất, bạn hãy đọc nó như một tờ quảng cáo du lịch.

Song đó là một câu hỏi hóc búa mà mỗi thế hệ văn học đều phải đặt lại cho mình. Hô hấp văn chương của thế hệ tôi suốt những năm đi học là hít thở nội dung-tư tưởng. Mọi bài giảng văn đều bắt đầu bằng ý nghĩa nội dung và giá trị tư tưởng của tác phẩm: tư tưởng nhân đạo của Hồ Xuân Hương, tư tưởng chống phong kiến, cường hào của Ngô Tất Tố, rồi lại tư tưởng nhân ái của Victor Hugo, rồi Tolstoi cũng chống phong kiến, và trùm lên tất cả là tư tưởng yêu nước, yêu giống nòi. Đó là phần dưỡng khí. Độc khí và tà khí là những tư tưởng đồi trụy, tư tưởng phản động, tư tưởng lạc hậu, tư tưởng tiểu tư sản, tư tưởng chia rẽ... Nhất cử nhất động diễn ra trong óc, trong tim, trong tâm hồn, trong tiềm thức và vô thức, trong cả thói quen và cảm giác, đều được xếp vào tư tưởng. Chúng ta đấu tranh tư tưởng với kẻ thù, và đấu tranh tư tưởng khi phải quyết định có nên mua một chiếc áo giá nửa tháng lương hay không. Chúng ta giác ngộ tư tưởng cho một thành phần chậm tiến, giải quyết tư tưởng cho người yêu đang giận dỗi, đả thông tư tưởng một người bạn đang do dự trong việc hùn vốn. Khi các tư tưởng lớn gặp nhau thì không phải Alexis de Tocqueville (De la Démocratie en Amerique, 2ème partie, 1840) gặp José Ortega y Gasset (La rebelión de las masas, 1930), mà chẳng hạn là cuộc gặp không hẹn trước của hai kẻ đã gán linh hồn cho bàn nhậu. Dĩ nhiên những cách nói ấy thật thú vị, nhưng khi có thể là đủ thứ, được dùng vô điều kiện như vậy thì tư tưởng không còn là một phạm trù đủ độ nét để một thoả thuận ngầm về nó có giá trị sử dụng. Sự phá giá của các khái niệm xảy ra thường xuyên, trong mọi ngôn ngữ. Mỗi thế hệ chịu trách nhiệm cho phần hỏng qua tay mình.

Đòi hỏi tính tư tưởng ở một tác phẩm nghệ thuật luôn là một đòi hỏi về nội dung. Nó rất gần với câu hỏi của chân tường: "Tác phẩm này nói lên điều gì?" Cuối cùng thì mỗi tác phẩm đều nói một hay nhiều điều nhất định, tôi không phủ nhận. Nhưng nó nói bằng ngôn ngữ của nó và dành cho kẻ hiểu ngôn ngữ ấy. Mọi cố gắng chuyển dịch và diễn giải ngôn ngữ nghệ thuật sang những ngôn ngữ khác đều ít nhiều mang sắc thái của một vụ cưỡng hiếp. Susan Sontag, trong essay nổi tiếng Against Interpretation (Chống diễn giải, 1964) miêu tả Franz Kafka như nạn nhân của những cưỡng hiếp tập thể mà thủ phạm ít nhất là ba đạo quân: những kẻ sục vào và rút ra các ẩn dụ về một xã hội quan liêu và phi lí, những kẻ ấn ngập mũi khoan của phân tâm học để phát hiện các ẩn dụ tâm lí tầng sâu, và những kẻ cố đào cho ra các ẩn dụ tôn giáo. Tôi có thể tính thêm vào đó một vụ cưỡng hiếp cá nhân khác, sau phút hưởng lạc đơn phương thì Kafka ngã xuống hai lần, lần thứ nhất cho một thế giới tốt đẹp hơn, và lần thứ hai cho sự cách tân văn học [3] . Chí Phèo (1941) của Nam Cao cũng là một ca tranh chấp giữa nhiều xu hướng diễn giải. Điểm yếu nhất của tác phẩm đặc sắc và then chốt này, theo tôi, là ở lời tuyên bố "Tao muốn làm người lương thiện" và câu hỏi "Ai cho tao lương thiện" của Chí, dẫn đến cái chết cho phép câu chuyện khép lại và đồng thời cho phép các đạo quân diễn giải cùng tập kết dưới ngọn cờ của luân lí. Như thể Nam Cao đã tính sẵn giải pháp đó và tìm cách neo con thuyền vừa băng qua một hành trình rất phức tạp của mình tại một cái bến thuộc loại an toàn. Nó sẽ mãi mãi nằm lại đó. Bằng cách dịch và diễn một tác phẩm văn học ra những thông điệp nội dung và tư tưởng, người ta mong nắm bắt và kiểm soát được nó. Bước tiếp theo rất có thể là chi phối và sử dụng nó vào những mục đích không có gì chung với lí do khiến nó ra đời. Chúng ta quả thật không cần lo văn chương nước nhà thiếu tư tưởng. Nếu người sáng tác không đẻ ra tư tưởng thì cũng chưa lấy gì làm tuyệt vọng, và nhà văn Việt không cần mang mặc cảm tội lỗi, rằng mình là kẻ duy nhất chịu trách nhiệm cho cảnh neo bấn giả tưởng này. Người diễn giải vẫn còn đấy, sẵn sàng trút vào bát cháo loãng của văn chương Việt tất cả những miếng tư tưởng bổ béo và vừa miệng nào đó. Ăn bằng đầu chứ không bằng lưỡi. Vậy công chúng văn chương nên tuyển một đội ngũ nhà văn hợp nhu cầu dinh dưỡng tư tưởng của mình, hay người viết nên bầu ra một công chúng với cái dạ dày khác?

*

Trong những quan niệm khác thường về văn chương, có lẽ tôi phải xếp quan niệm của anh Nguyễn Hữu Liêm vào hàng đáng ngạc nhiên nhất. Theo đó, tư tưởng là kết quả của quá trình trừu tượng hoá sự vật, sự thể, vật liệu, biến chúng thành những khái niệm và nguyên tắc, còn văn chương dừng lại ở bình diện cụ thể và trực tiếp của các sự thể, sự vật, vật liệu mà không thoát ra được; tư tưởng là hiện thực đã được chuyển hoá, đã chín để trở thành ý thức, có lợi cho tiêu hoá, còn văn chương đơn giản là hiện thực còn sống sít, bất lợi cho tiêu hoá và nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng.

Trái cây tươi sống có khó tiêu hơn móng giò ninh nhừ không, có lẽ tùy ở đường tiêu hóa và môi trường dinh dưỡng của mỗi người, tôi chỉ không thật hiểu so sánh giữa vật liệu văn chương và thực phẩm thiếu nhất quán nêu trên. Một mặt anh cho rằng thực phẩm trên bàn nhậu văn chương là những thứ chưa qua pha chế, mặt khác anh ghi nhận rằng chúng được nêm rất nhiều gia vị, mà gia vị hiển nhiên là phương tiện pha chế, loại phương tiện rất căn bản, khiến cá thành mắm, cải thành dưa, hạt mơ thành ô mai...Nhưng bất luận thế nào, cho phép tôi bác bỏ sự đối lập vô sở cứ giữa văn chương và tư tưởng đó: Chúng ta đều biết rằng không phải vì nhà dột mà giọt mưa trên mái thành giọt mưa trong văn chương. Quá trình ý thức hoá và trừu tượng hoá bắt đầu ngay khi sự vật được đặt tên. Dùng chữ ghi lại tên sự vật là thêm một buớc tiến dài của tư duy và nhận thức. Rồi đến lượt nó, mỗi con chữ là kết quả của muôn tầng chuyển hoá từ cái sự vật ban đầu, và chọn chữ đương nhiên là một hành động của ý thức. Dù bản thân hành động viết của ai đó có thể sơ đẳng, có vẻ như đơn thuần cầm mưa trên mái đặt vào trang văn, thì cái mà William Butler Yeats gọi là The Great Memory ít nhất cũng khiến cho giọt mưa hôm nay của nhiều nhà thơ Việt nam có mùi của giọt mưa thu tiền chiến. Ngẫu nhiên dùng chữ cuộc chiến là đã thuộc vòng chi phối của kí ức phía Nam. Phía Bắc không bao giờ gọi cuộc chiến tranh chấm dứt năm 1975 là cuộc chiến [4] . Tôi có cảm giác là không một chữ nào trong tiếng Việt còn trùng khít với sự vật mà nó đại diện ban đầu. Và cái hiện thực khách quan, hiện thực bên ngoài -có một thứ như thế chăng?- trước khi rơi vào tay nhà văn Việt đã không còn là chính nó. Trong Hư cấu thật, hiện thực giả (2002) tôi đã thử nói về điều đó. Có lẽ chẳng cần lo hiện thực trong văn chương Việt nam còn quá sống sít. Hãy lo bớt xào xáo đi thì hơn. Trong lịch sử văn học Việt, chủ nghĩa hiện thực đến muộn, ở ép, tiếng thơm không được bao nhiêu. Tôi tin rằng nó đáng được đối đãi tốt hơn. Nó không là thứ chủ nghĩa vô ơn nhất.

*

Thứ Hai tuần sau văn chương Việt nam rất có thể đột ngột chuyển hướng, nhận ra điều xưa nay mình thiếu nhất: khả năng giải trí. Harry Potter hẳn không là mẫu mực của sáng tạo nghệ thuật nhưng đã chiếm nhiều chỗ trong lòng độc giả hơn Shakespeare; hẳn không là đỉnh cao của tư tưởng nhân loại, nhưng đã đẩy Kinh Thánh xuống hàng thứ hai trong số những tác phẩm được in ra nhiều nhất mọi thời. Nếu Joanne K. Rowling là người Việt và HP là sản phẩm Việt, chúng ta sẽ nói gì về văn chương Việt nam?

© 2003 talawas


[1]Berliner Zeitung số 69, ngày 22/23 tháng 3.2003
[2]Lỗ Tấn, Thày Khổng ở Trung Quốc ngày nay, Tạp văn Lỗ Tấn, Trương Chính dịch và giới thiệu, Nxb Giáo dục, 1998
[3]Nguyễn Văn Dân, Kafka với cuộc chiến chống phi lý
[4]Tôi có dịp nói về điều này trong essay Zwiesprache Vietnamesisch (Lưỡng ngôn Việt ngữ), Tạp chí Du, số đặc biệt về Chiến tranh Việt Nam, Zürich, tháng 6/7.1996