© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
10.11.2004
Hải Triều
Về văn học nghệ thuật
7 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Cụ Sào Nam giải thích chữ văn học thế là sai lầm

(Phê bình cách định nghĩa chữ văn học trong bài: "So sánh văn học Đông phương với Tây phương", Văn học tuần san, số 2)


Sào Nam tiên sanh lượng biết cho rằng tôi không phê bình cái sở bài luận: "So sánh văn học Đông phương với Tây phương" của tiên sanh. Tôi không phê bình là vì bài ấy mới đăng có được một kỳ thôi, chưa rõ cái nội dung nó còn có những gì. Chờ Văn học tuần san số 3 ra, nhưng nó vắng bặt tăm hơi. Tôi nghĩ nếu không được cái phước đọc toàn bài, thì cũng gắng cùng tiên sanh nói chuyện về cái định nghĩa của chữ văn học, mà tiên sanh đã giải thích trong số tạp chí ấy.

Giải thích chữ văn học tiên sanh tách ra làm hai chữ để cắt nghĩa: văn là gì, học là gì. Do đó tiên sanh chia văn của trời là thiên văn, văn của đất là địa văn rồi "mô phỏng văn trời văn đất mà thành ra văn người là nhân văn". Tiên sanh lại dẫn ra những câu của lời ông thánh đời xưa như: Qua hồi thiên văn, dĩ sát thời biến; kinh thiên vĩ địa viết văn [1] v.v...

Tiên sanh lại cắt nghĩa qua chữ học. Cũng có ba nghĩa: học là bắt chước, học là cầu cho biết, học là để mà làm.

Tôi quả quyết nói rằng cách tiên sanh định nghĩa chữ văn học như thế là sai lắm. Tôi cho rằng giải thích chữ văn học mà lại tách đôi ra để luận từng chữ một, thời làm mất cái nghĩa lý hiện tại của văn học đi. Chẳng khác nào như có người cắt nghĩa chữ kinh tế mà xách cắt nghĩa "kinh" ra một chữ, "tế" ra một chữ; rồi đưa những câu đời ông sơ ra như: kinh bang tế thế, hay kinh thế tế dân, v.v... ra mà trăng chứng thời sai bét cả.

Cái phương pháp giải thích của tiên sanh đã sai thời những luận điệu của tiên sanh - tôi xin lỗi - dầu tôi không đụng nó cũng đổ. Vả lại phương pháp phê bình buộc tội phải nhắm nơi "cái gốc" của bài bị phê bình (là cách tiên sanh giải nghĩa hai chữ văn học) chớ bây giờ chạy theo mà cãi phải chăng với những cái văn trời, văn đất, học là bắt chước, v.v... nghĩa là những "cái ngọn" trong bài, thời chẳng những tiên sanh đã lạc đề, chớ tôi theo đó cũng lạc nốt.

Nhân cái phương pháp giải thích chữ văn học của Sào Nam tiên sanh đã sai lầm, dưới đây tôi xin đem cái định nghĩa của chữ ấy ra để thương xác cùng tiên sanh và chư học giả.

"Văn học là cái biểu hiện sự phô diễn tất cả những tư tưởng hay". Đó là theo bộ Anh quốc bách khoa toàn thư giải thích như vậy.

Cái định nghĩa ấy xét kỹ cũng chưa đủ. Nói rộng ra chúng ta có thể giải thích rằng văn học chính là cái biểu hiện của tư tưởng mà nhất là tình cảm của nhân loại đối với vũ trụ và nhân sinh. Phô diễn cái tình cảm, cái tư tưởng ấy trên tấm đá, trong lóng tre, trên mặt giấy v.v... tất cả là văn học đó.

Nói hẹp lại mà cho thiết thực hơn, thì văn học ngày nay chỉ là cái biểu thị của cái giai cấp giác ngộ đó thôi. [2]

Hãy lấy văn học sử ra mà xét thì sẽ thấy lời giải thích của tôi không sai. Xem như thứ bát cổ văn bên Tàu là một thứ văn học đại biểu cho chế độ phong kiến, cho thời đại quân quyền. Nghi cổ chủ nghĩa (pseudo classicisme) về thời đại cận cổ ở Âu châu là thứ văn học của giai cấp quý tộc. Từ cuộc Cách mạng Pháp 1789 trở đi, lãng mạn chủ nghĩa (romantisme) là thứ văn học của giai cấp tư sản.

Thời đại biến đổi thì văn học cũng biến đổi. Giai cấp chống nhau thì văn học cũng chống nhau. Vì thế trên lịch sử có thứ văn học hợp tiến hóa mà cũng có thứ văn học phản tiến hóa. Diễn tả cho đúng cái tư tưởng, cái ý chí, cái tình cảm của mỗi giai cấp, mỗi thời đại trong lịch sử là một cái sứ mệnh tối cao của nhà văn học chân chính, dẫu ở đời nào cũng thế, ở xứ nào cũng thế.

Chính vì lẽ đó nên muốn cắt nghĩa cho đúng chữ văn học phải căn cứ vào xã hội, vào nhân sanh, chớ nói mơ hồ như cụ Sào Nam: "Mô phỏng văn trời văn đất mà thành ra văn người" thì đố ai hiểu nổi?

Tôi xin nói thật rằng: "Văn người" chính đẻ ra trong cái xã hội người ta chớ không mô phỏng trời đất nào hết. Nếu mô phỏng trời đất mà thành văn thì cái văn ấy của thánh, thần, ma, quỷ gì chớ không phải "văn người" nữa. Ai không tin lời tôi cố gắng đọc một bản văn chầu thánh của mấy ông hầu đồng thì rõ.

Ngày nay ở nước ta có một phái văn học tự xưng là mới, muốn đưa cái tình cảm người ta lên những đẹp đẽ tự nhiên "mây bay hoa nở" để khuây khỏa cái trạng huống thống khổ về vật chất. Nghe thì vui tai, chớ kỳ thật thì văn học ấy có chỗ giống cái thần bí chủ nghĩa của tôn giáo. Nhà tu hành đưa cho tôi cái thiên đàng để yên ủi, các anh đưa cho tôi cái "mây bay hoa nở", thời cũng vậy thôi. Ôm bụng đối mà thưởng trăng, cái ấy chỉ có ông thánh, bầy tôi là người làm chi nổi! Cho nên tôi cho thứ văn học ấy cũng không phải thứ "văn người". Nói cho vui hơn, thì nó cũng là na ná một thứ văn học của mấy anh hầu đồng bóng như trên tôi đã nói. Đọc đến đây có kẻ đứng lên cãi tôi: Phải "Lấy nghệ thuật vị nghệ thuật". [3] Anh đem cái nhân sinh bỏ vào nghệ thuật làm nghệ thuật mất tính chất siêu nhiên bạt tục đi.

Thật thế, tôi muốn văn học tẩy sạch cái tánh chất siêu nhiên bạt tục đi, tôi mong cho văn học gần người hơn gần trời. Tôi phản đối hẳn cái thuyết "lấy nghệ thuật vì nghệ thuật". Tôi cho rằng cái thuyết ấy sở dĩ phát xuất ra là để bảo vệ cho một thứ văn học tự nó không tiến hóa nữa, mà nó cũng chẳng giúp gì cho sự tiến hóa của nhân sinh. Cái tác dụng của nó hẹp hòi đến nỗi chỉ làm một món tiêu nhàn cho một số người thôi. Trong bài "Sự tiến hóa của văn học và sự tiến hóa của nhân sinh" đăng Đông phương số 872, 873, tôi đã nói rõ.

Quách Mạt Nhược, một nhà văn học trứ danh của Tàu bây giờ, nói: "Văn học là một thứ sản vật của xã hội. Cái sinh tồn của nó không thể trái với cái cơ bản của xã hội. Cái phát triển của nó không thể trái với sự tiến hóa của xã hội". Tôi dựa vào câu ấy mà xin thưa với các ngài có muốn giải thích chữ văn học hay bàn luận đến vấn đề văn học phải nhìn vào giữa xã hội chớ đừng nhìn bông lông giữa "văn trời" "văn đất" thì thật duy tâm và thần bí quá.

Tôi viết bài này, mẹ tôi ngồi một bên xem, cười mà mắng rằng: "mày là đưa thư sanh sao lại đi phê một bậc lão thành". Tôi cũng cười mà nói rằng: "Tôi không bao giờ mất tấm lòng cung kính các bậc trưởng thượng, nhưng cụ nói sai cũng cho tôi cãi với chớ".


Tái bút:

Lấy sự tinh tế của phương pháp phê bình, tôi có tìm thử có một lẽ gì ở trong bài ấy mà Sào Nam tiên sanh có thể viện để biện giải rằng cách giải thích văn học như thế là đứng về mặt Đông phương, tôi cố tìm mà không ra. Xem ngay câu đầu bài ấy thế này: "Bản tuần sau này đặt tên bằng hai chữ Văn học, đến kỳ thứ hai này phải giải thích cho rõ hai chữ văn học. Văn là gì? v.v...?

Thế là chứng rằng tiên sanh muốn đặt một cái tổng định nghĩa cho chữ văn học, chứ không phải đứng về từng phương diện Đông hay Tây mà giải thích.

Nhưng dầu thật có những ông Đông phương nào giải thích văn học theo kiểu ấy, thì chỉ có sống về thời đại xuân thu kia chớ những nhà văn học Đông phương ngày nay như Quách Mạt Nhược, Úc Đạt Phu, Trần Độc Tú (Tàu), Đào Thôn, Bảo Nguyệt (Nhật) v.v... không bao giờ cắt nghĩa văn học một cách kỳ khôi thế.

Báo Đông Phương số 893, ngày 1-11-1933


*


Kép Tư Bền, một tác phẩm thuộc về cái triều lưu «nghệ thuật vị dân sinh» ở nước ta

Ở xứ này muốn chủ trương một vấn đề gì mà đến khi tìm vài cái chứng giải thiết thực về xã hội, thật nhiều khi không biết vớ vào đâu. Tôi nhận thấy ở nước ta, trong văn học giới đã bắt đầu có cái triều lưu "Nghệ thuật vị nhân sinh", tôi đã thừa nhiều cơ hội để đề khởi đến nó và đã có phen bút chiến với ông Thiếu Sơn về vấn đề ấy (Báo Đời mới số 1, 3, 4). Nhưng đến khi ai hỏi tôi cái tư triều văn nghệ vị dân sinh ở nước ta đâu nào? Thật tôi cũng tự thấy lúng túng mà không biết kiếm đâu cho ra một cái chứng cớ đích xác. Nhưng đến ngày nay, tôi đã có thể tự đắc mà nói rằng: "Có rồi, có rồi, ông cứ xem quyển Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương "Nghệ thuật vị dân sinh" của tôi ngày nay, đã biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngọn bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay hay là "nhà văn của hạng người khốn nạn".

Tôi có người bạn gái rất thích đọc tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, v.v... Nhưng ngày nay tôi lại thấy bạn tôi thích đọc tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan làm cho tôi lấy làm lạ mà hỏi duyên cớ. Bạn tôi trả lời bằng một câu gọn gãy mà rất ý nghĩa: "Tiểu thuyết Nguyễn Công Hoan gần người hơn".

Sau những cuộc khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội, nước ta mấy năm gần đây, người nào có ý khảo sát về hiện trạng xã hội, đều nhận thấy có một sự triển chuyển (revirement) trong tinh thần của phần đông trí thức nước ta. Họ, hoặc vì kinh khiếp mà sinh ra bi quan, hoặc vì thất bại mà sinh ra hoài nghi, hoặc vì cùng kế mà sinh ra hưởng lạc. Những cái tư tưởng lãng mạn, thần bí, tôn giáo, cá nhân, khoái lạc do đó mà bồng bột phát sinh. Giữa cuộc phân tranh của xã hội, họ muốn kiếm một cái địa thế trung lập (Zône neutre) để tránh hết những sự gay go, bực bội đã đem đến cho họ gần mấy năm về trước. Văn học chịu cái ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng ấy rất nhiều, nên chúng ta thấy sản xuất ra không biết bao nhiêu là tác phẩm đầy rẫy những tư tưởng "yêu đời, vui đời, chán đời, lãng mạn, du dương, mơ mộng, thần bí". Tác giả tự đưa văn nghệ ra khỏi cái tình trạng thiệt hiện của xã hội; họ đánh cắp văn học lên núp trên những "cái tháp ngà" (tour d'ivoire) rồi ngồi trên ấy họ tự đắc mà bảo chúng ta: "Ở trên này chúng tôi lấy làm mãn nguyện lắm, chúng tôi lấy nghệ thuật mà phụng sự cho nghệ thuật cũng sướng chán. Chẳng những thế chúng tôi còn giúp ích cho đời nữa. Các anh khổ à? Hãy leo lên mà nếm những cái quà mà chúng tôi biếu dây, các anh cũng sẽ vui sướng như chúng tôi và quên hết nỗi khổ ở trần gian". Vô tâm hay hữu ý, các ông đã lừa chúng ta bằng cái thủ đoạn "nhìn rừng mơ cho đỡ khát nước".

Giữa sự sống vất vả và khốn khổ, đầy những mâu thuẫn của xã hội ngày nay, người ta đang ước ao, về mặt tinh thần, đọc được những tác phẩm có thể diễn dịch được nỗi lòng của họ. Cái buồn, cái vui, cái giận, cái tiếc, cái thương, cái mơ ước đều sáng suốt đẹp đẽ hay là cục cằn thô lỗ, cũng cứ việc tô vẽ ra cho họ bằng những câu văn chân chất, cứng cỏi, mạnh bạo. Họ không cần những lời văn hoa mỹ mà điêu toa. Họ ưa những thể văn bình dị mà thiết thực. Bao nhiêu những tác phẩm đương lưu hành trong xã hội hiện tại đều làm cho họ chán nản vô cùng, vì họ chỉ thấy rặt những chuyện tình với tình, cái tình mơ mộng ở đâu trong mây, trong mưu, còn những cái khổ sở lầm than của họ, sự bực tức tối tăm của họ, không mấy ai để ý đến. Giữa tình trạng ấy, quyển Kép Tư Bền ra đời, dầu nó chưa được hoàn toàn, nhưng cũng có thể gọi rằng nó phù hợp với cái khuynh hướng chung của một số đông người đương khát vọng. Thời cái ngài hãy học những chuyện như Người ngựa và ngựa người, Thằng ăn cắp, Kép Tư Bền, v.v... các ngài sẽ thấy trong xã hội, một số đông người phải bán thân nuôi miệng, hoặc các ngài sẽ thấy những đứa bé khốn quá, quyết ăn lường để chịu đấm, hoặc các ngài thấy một giai cấp đủ ăn đủ mặc, chực mua cái cười cái vui bên cái khổ của kẻ nghèo khó. Rồi các ngài lại đọc qua những chuyện như Báo hiếu, Mợ nó đi tây, Tới chủ báo, v.v... các ngài sẽ thấy trình bày biết bao nhiêu những sự xấu xa, mục nát của một chế độ xã hội. Những cái đạo đức, luân lý, tình ái mà trước họ cho là thiêng liêng cao quý lắm, thì ngày nay đã hóa ra một bức màn để che đậy biết bao nhiêu sự thối tha hèn mạt ở trong.

Sau khi nếm những cái vị cay chua, bực tức, buồn cười của cái xã hội nhố nhăng này, gấp quyển sách lại, dầu các ngài vô sự đến mấy, các ngài cũng nghe thấy như bồi hồi, man mác, cái bồi hồi man mác tự nhiên của con người có một chút tình đối với nhân loại. Cái mục đích của thuyết nghệ thuật vị dân sinh đến đây có thể gọi là có chút thành quả vậy.

Thứ văn nghệ mà ngày nay trên thế giới được công chúng hoan nghênh hơn hết là thứ văn nghệ có hàm xúc được hai cái đặc điểm này:

1. Về hình thức (forme) khuynh hướng về "tả thực"

2. Về nội dung (fond) khuynh hướng về xã hội

Hình thức và nội dung có đi đôi với nhau thì tác phẩm mới có giá trị. Xem văn của Kép Tư Bền, chúng ta nhận thấy rõ tác giả đứng về mặt tả thực chủ nghĩa (réalisme). Với những câu văn rất thành thực, chắc chắn, hí hởn, ngộ nghĩnh, nhiều khi cục cằn thô bỉ nữa, chúng ta phải phục Nguyễn Quân là một nhà kể chuyện rất thiệt và rất có duyên. Về phương diện tả thực, có thể nói tác giả đã đạt đến mục đích một phần lớn rồi vậy. Nhưng về phương diện xã hội thì thật chưa hoàn toàn. Cái đó cũng không đáng trách: vì dưới cái ngọn bút tài tình của tác giả, chúng ta vẫn thấy cái quan niệm kia còn đương phôi phai mà thôi; vả chăng bị hoàn cảnh bó buộc dầu muốn nói chưa chắc đã nói nên lời. Kép Tư Bền có thể nói rằng đã mở một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta.

Viết đến đây, tôi nghĩ không gì bằng nhắc lại câu phê bình của ông Thái Phỉ để kết thúc bài này: "Với Khái Hưng thì là cái thế giới đang tàn, mà với Công Hoan thì là cái thế giới mới nhóm vậy". Chính vì cái "thế giới mới nhóm" ấy nên mới có bài phê bình này.

Tiểu thuyết thứ bảy, số 62, tháng 8-1935

*


Lầm than, một tác phẩm đầu tiên của nền văn tả thực xã hội ở nước ta

Tôi còn nhớ cách đây ba năm về trước, nhân một bài phê bình của tôi về quyển sách Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, đã xảy ra một cuộc tranh luận rất kịch liệt về nghệ thuật.

Ngày tháng qua.

Cái vấn đề "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh" đã bị khuất lấp trong những tiếng súng trái phá ở Thượng-hải hay bị đè bẹp dưới những bức tường đổ ở thành phố Madrid.

Thật thế, hằng ngày bạn bè của tôi, những anh em trước kia trái ý kiến với tôi, hay là tôi cũng thế, chỉ lo lăng xăng hằng ngày ngóng đợi hoặc đi cóp nhặt những tin tức cuối cùng của mặt trận Hán-khẩu, của mặt trận Barcelone, của mặt trận Sudète, v.v... còn ai có thì giờ đâu ra để nghĩ đến mặt trận văn chương.

Thế rồi một buổi mai, một buổi mai nặng nề u uất, trên trời làn sống vô tuyến điện cứ dồn dập báo cho người ta biết những điều thường thức để đề phòng bom của địch quân, tôi bỗng nhận được quyển Lầm than của Lan Khai, một tác phẩm đem lại cho tôi vài ý nghĩ về văn chương giữa một bầu không khí phảng phất mùi thuốc súng.

Nền văn học lãng mạn đã hết thời rồi. Lúc này ai cũng thấy không phải lúc ngồi nghe tiếng địch du dương trầm bổng của một nhà dật sĩ trong khóm trúc già, lúc này không phải là lúc đứng nhìn cái mặt héo đau của một thiếu phụ sướt mướt khóc trăng tàn hoa rung. Những thực trạng của xã hội, những tình hình của thế giới hằng ngày cứ đập mạnh vào não cân của người ta, buộc người ta trước những vấn đề gì cũng phải đặt trên miếng đất thực tế để tìm sự giải quyết cho dễ, cho cấp tốc. Người ta không còn thì giờ đâu mà đi bởi tìm những cái bí ẩn trong một quả tim hư loạn vì một câu chuyện tình thất vọng, người ta không công đâu mà đi ca hát, mà đi ngâm vịnh những cái mầu nhiệm, những cái bóng vang phiêu diêu trong cõi u linh xa xăm mờ mịt.

Người ta đương nhảy nhót, đương chạy vạy, đương xô đẩy, đương tìm kiếm, đương đòi hỏi, đương gào thét cái sống, cái sống cho thân mình, cái sống cho giai cấp mình, cái sống chung cho nhân loại đương bị giày xéo dưới một bàn chân sắt, đương bị mờ mịt trong khói lửa chiến tranh.

Trong lúc này, nhà văn, tôi không nói riêng gì nhà văn Việt-nam, nếu còn giữ lương tâm, nếu còn trọng ngòi bút, thì sẽ hiểu được một cách dễ dàng sứ mệnh quan trọng và cao cả của họ, sẽ thấy rõ con đường mà họ phải đi, mặt trận mà họ phải sắp.

Đọc xong quyển Lầm than, tôi thấy tác giả của nó mạnh dạn tiến lên trên con đường sáng sủa mà đầy cả chông gai, con đường bênh vực cho giai cấp cần lao, con đường của chủ nghĩa xã hội. Điều ấy là một điều đáng ghi nhớ trong lịch sử văn học của xứ này.

Ngày nay ở nước ta, bên những quyển tiểu thuyết tả về cái tình oan oái ăm khúc chiết của đôi trai gái quý phái hay trung lưu, người ta đã bắt đầu nói đến tiểu thuyết của "bình dân".

Nhưng giống chừng như một cái thông lệ, khi người ta nói đến tiểu thuyết xã hội hay bình dân là người ta chỉ tả những tên ăn mày ăn xin, những đứa trẻ mồ côi, những phu xe kéo, những tên ăn trộm, hay những gái giang hồ, mà người ta quên tả, quên nhìn, quên nói đến một hạng người quan trọng hơn cả, một hạng người hiện tại bị bóc lột nhiều hơn cả, hạng người mà tương lai sẽ đắp móng xây nền cho xã hội mới, hạng người ấy là hạng thợ.

Chính vì thế, văn chương ở xứ này đã quên người thợ đi nhiều lắm, mà chính người thợ lại là người đáng nói nhất, và đáng nói nhiều nhất.

Đặc điểm của tác phẩm của Lan Khai là nói đến người thợ, cái hạng thợ khổ sở nhất trong giai cấp thợ thuyền, hạng thợ mỏ.

Với một ngòi bút sáng suốt giản dị, tác giả Lầm than đã miêu tả tất cả cuộc đời khốn khổ cay chua ghê gớm của hạng người mà sự sống đã hầu hóa ra một đàn súc vật, chịu đựng tất cả những sự bóc lột đê hèn của giai cấp sản chủ một cách tàn nhẫn vô cùng.

Luôn luôn đứng trên chủ nghĩa tả thực, tác giả không quên chỉ vạch một cách đau đớn mà sống sượng những tâm lý cộc cằn, những cách ăn nói thô tục, những thành kiến hủ bại, cho đến những tập quán xấu xa như rượu, như phiện, như cờ bạc, là cái bứu nó bám níu theo giai cấp thợ thuyền trong chế độ người bóc lột người.

Tuy vậy tác giả nên nhận thấy dưới những nét mặt cau có, bởi sự đối khổ ngu dốt, trong những thân hình tàn phế bởi những tập quán rượu phiện, vẫn ẩn nấp biết bao nhiêu là tâm hồn trong sạch, biết bao nhiêu là tinh thần cương quyết về đoàn thể và danh dự, biết bao nhiêu là cảm tình chan chứa đối với người đồng giai cấp, đối với loài người.

Những tinh thần ấy, những cảm tình đã chất chứa lâu ngày ấy, chỉ thừa một cơ hội là phát tiết ra ngoài một cách mãnh liệt vô cùng.

Giá trị tố cáo của tác phẩm Lan Khai là đã nhận thấy cái đặc điểm cao quý ấy trong tâm lý của giai cấp thợ thuyền mà hiện nay thiếu chi kẻ cố dìm đi.

Trông mong cho nhà văn đem ngòi bút mà bênh vực cho giai cấp thợ thuyền, tôi không bao giờ có cái ý nghĩ buộc nhà văn phải theo một khuôn khổ nào hết.

Bao giờ và ở chỗ nào cũng thế, nhà văn cần phải có tự do mới có thể sáng tạo được những công trình bất hủ. Gạch ra một con đường buộc họ phải theo là một sự điên cuồng. Mặc dầu họ có gây dựng một tác giả đúng như cái khuôn khổ đã định, thì tác phẩm ấy phần nhiều cũng có vẻ ngượng nghịu, cơ giới, không chút gì sanh sắc.

Tác phẩm Lầm than đã tránh cái nạn ấy. Tác giả của nó từ đầu đến cuối tự do viết một thôi, theo sự quan sát và cảm tình của mình, không theo một cái định lệ nào cả, không bó buộc ở trong một khuôn khổ nào cả.

Về phương diện hình thức tác giả đã đứng về tả thực, về nội dung cũng đứng về xã hội. Lầm than như thế là đã vạch một khuynh hướng trong văn học giới, cái khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa (réalesme socialiste) vậy.

Tả thực xã hội chủ nghĩa là một triều lưu văn nghệ của xã hội sau này. Hiện tại Lan Khai đã phất lá cờ tiên phong trên mảnh đất này. Tôi mong rằng các bạn làng văn sẽ tiếp chân tiến tới.

Báo Dân tiến, số 1, ngày 27-10-1938



Chú thích của người sưu tầm:

Báo Dân tiến, là "cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến" do một số đồng chí cộng sản và người có cảm tình với Đảng chủ trương, xuất bản ở Sài-gòn những tháng cuối năm 1938 để thay thế tờ báo Dân xuất bản ở Trung-kỳ bị thu hồi giấy phép. Hải Triều là một trong những cây bút chính của tờ Dân tiến cũng như của tờ Dân và của tờ Dân muốn (tờ này xuất bản sau khi tờ Dân tiến bị cấm).

Cuốn Lầm than do Lan Khai viết và Trần Huy Liệu đề tựa. Do chịu ảnh hưởng của phong trào Mặt trận dân chủ (1936-1939), Lan Khai, vốn là một nhà văn lãng mạn chủ nghĩa quay ra viết về đời sống của công nhân mỏ. Cuốn Lầm than vừa có tính chất phóng sự vừa có tính chất tiểu thuyết. Với tác phẩm Lầm than, Lan Khai có một độ muốn chuyển sang chủ nghĩa hiện thực. Tuy vậy đó chỉ là một hiện tượng nhất thời. Sau khi phong trào Mặt trận dân chủ bị đàn áp, Lan Khai lại quay trở lại chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực và tham gia những hoạt động chính trị phản động.

Trong hoàn cảnh hồi bấy giờ (năm 1938) việc khuyến khích những tác phẩm như Lầm than là đúng. Tuy vậy, cho rằng Lầm than là một "tác phẩm đầu tiên" của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt-nam, và Lan Khai là kẻ "phất lá cờ tiên phong" cho khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một sự đề cao quá đáng, không phù hợp với thực tế. Tuy vậy điều đó không hề làm giảm giá trị của bài của Hải Triều là bài mượn cớ phê bình một tác phẩm cụ thể để trình bày một số yêu cầu cơ bản của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.



[1]Nghĩa là: Xem văn trời để xét thời biến; dọc theo trời, ngang theo đất gọi là văn (sic) những câu này tiên sanh có lẽ rút trong kinh Dịch ra. Cắt nghĩa chữ văn học ngày nay mà đưa kinh Dịch ra thời làm sao mà trúng cho đặng.
[2]Xã hội bước vào chế độ giai cấp thì văn học đeo theo cái tính chất ấy.
[3]L'art pour l'art - Tàu dịch: dĩ nghệ thuật vị nghệ thuật.
Nguồn: Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng ChÆ°Æ¡ng sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Ná»™i 1965, tái bản lần thứ nhất 1969