© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: 3 năm talawas (03.11.2001-03.11.2004)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17 
11.11.2004
talawas
Công bằng
 
Trong ba năm qua, bên cạnh những lời cổ võ và khen ngợi, đã nhiều lần Ban biên tập talawas nhận được sự phê bình, góp ý ở các cấp độ khác nhau. Đó là dấu hiệu cho thấy talawas không gặp phải sự lãnh đạm từ phiá các tác giả và độc giả, cũng như cho thấy Ban biên tập (BBT) không bị coi như một uy quyền xa lạ. Chúng tôi xem đó là một phần thưởng lớn.

Một trong những vấn đề thường được đề cập nhất trong các trao đổi với BBT là sự công bằng. Chúng tôi cho rằng, sở dĩ nguyên tắc công bằng được mong mỏi như vậy vì hiện thực mà chúng ta đang sống là một hiện thực không công bằng. Hiện trường điển hình nhất cho sự bất cập và bất lực của công bằng là tình yêu. Đặt nguyên tắc trên hiện thực hay đặt hiện thực trên nguyên tắc, quyết định này luôn là phản ứng trước từng tình huống cụ thể. Một quy luật chung, có thể ứng với mọi hoàn cảnh, chẳng những là một ảo tưởng mà còn giảm thiểu tự do quyết định của mỗi cá nhân, vừa làm nghèo hiện thực vừa không giúp nguyên tắc trở thành hiện thực.


*


Hãy lấy tình huống không lấy gì làm sang trọng, thường xảy ra trong phần việc ít hấp dẫn nhất của một toà báo làm ví dụ. Tác giả A có bài viết phê bình tác giả B được chọn đăng. Tác giả B có bài trả lời và không được đăng. Kết quả: tác giả B cho rằng BBT không công bằng, thậm chí không dân chủ, không tôn trọng tự do ngôn luận.

Tất cả các tác giả đã cộng tác với talawas và rơi vào vị trí B nêu trên, dù cuối cùng có thể không đồng ý với BBT, song chắc chắn đều phải thừa nhận rằng talawas không bao giờ gạt ngay ý kiến của họ đáp lại lời phê bình của người khác. Bao giờ cũng vậy, BBT bỏ ra nhiều thời gian để trao đổi với các tác giả, những bài cuối cùng không được chọn đăng trong các tranh luận như vậy luôn chiếm nhiều công sức của BBT hơn hẳn các bài khác. Một ý kiến phản hồi, theo chúng tôi, là vô tác dụng nếu không muốn nói là phản tác dụng, khi chất lượng của nó quá kém. Thế nào là chất lượng kém? Những chỉ báo rõ rệt nhất cho một chất lượng kém là: không có lập luận liên quan đến vấn đề đang bàn luận, lạc đề, lặp lại, quá sa vào tiểu tiết, nhận định không có cơ sở, nguỵ biện quá thô thiển, dẫn chứng thiếu sức thuyết phục hoặc thậm chí thiếu dẫn chứng, kết luận quá vội vã, diễn đạt lười nhác, cẩu thả, lan man... Và tiếc rằng, như để bù lại cái thiếu của chất lượng, những bài như vậy thường thừa khả năng dẫn cuộc tranh luận vào một ngõ cụt của những cãi vã cá nhân mà kết quả cuối cùng là các bên tham gia đều cảm thấy mình không được gì ngoài việc bị tổn thương và độc giả không được gì ngoài sự thoả mãn qua nhanh của tính hiếu kì. Những trận bút chiến như vậy qua đi, chỉ để lại cái xác của lí trí và những bóng ma oan ức ngang nhau. Công bằng, nếu hiểu như sự chính đáng bất khả xâm phạm của ăn miếng trả miếng, sẽ là một vũ khí hủy diệt lẫn nhau hơn là phương tiện bảo vệ các quan hệ bình đẳng.

Có thể thấy rằng giới hạn chịu đau mà talawas cho phép trong các cuộc tranh luận không phải là quá hẹp, nếu không muốn nói rằng nó có vẻ là một giới hạn thả nổi đối với nhiều độc giả ưa trật tự. Chúng tôi cho rằng một độ „loạn“ nhất định là cần thiết cho việc phát huy sức đề kháng của một tinh thần năng động. Nhưng giới hạn vẫn là giới hạn, vượt qua đó là nguyên tắc công bằng không còn hiệu lực. Nếu có một sự phân biệt đối xử thì đó là: khắt khe hơn với các tác giả đã thành danh và dễ dàng hơn với những tác giả còn ít nhiều vô danh. Theo chúng tôi, có những sai phạm mà một tác giả mới xuất hiện trước công luận có thể và có quyền mắc phải, trong khi cũng những sai phạm tương tự lại là không nên, thậm chí tối kị ở một tác giả đã có chỗ đứng vững vàng. Nhưng mặt khác, trong khi một tác giả đã có tên tuổi phải chịu trách nhiệm gần như tuyệt đối cho nội dung và cách phát biểu của mình trước công luận thì BBT phải chia sẻ một phần trách nhiệm trong trường hợp các tác giả còn ít nhiều chưa được khẳng định. Tất cả những cân nhắc như vậy đều có thể đóng một vai trò trong việc chọn đăng bài.

Nhưng bài không được chọn đăng trên talawas hoàn toàn không có nghĩa quyền tự do ngôn luận của các tác giả đó bị tước đoạt. Dù vui mừng được sự tham gia của đông đảo các tác giả, chúng tôi luôn ý thức rằng talawas chỉ là một trong hàng ngàn tạp chí và diễn đàn tiếng Việt hiện thời. Sự lựa chọn, đăng hay không đăng, của BBT không hề mang tính đại diện phổ quát. Cuối cùng, đó vẫn là sự lựa chọn chủ quan và hoàn toàn có thể sai lầm của một nhóm nhỏ. Dân chủ, công bằng, và tự do ngôn luận nảy sinh từ sự tồn tại và bổ sung lẫn nhau của muôn vàn nhóm ngôn luận khác nhau. Không một nhóm ngôn luận duy nhất nào nên nuôi tham vọng thực hiện và có thể độc tôn thực hiện những giá trị ấy.


*


Sự hiện diện chênh lệch nhau của các đề tài và các tác giả là một khiá cạnh nữa của tình trạng không bình đẳng. Để xem xét khiá cạnh này, chúng tôi muốn lưu ý một trong những tính chất quan trọng nhất, quyết định toàn bộ sự tồn tại của một diễn đàn như talawas: tính chất tự lập, tự quản và tự nguyện. Tính chất này dẫn tới ba hệ quả như sau:
  1. Cho phép talawas nằm ngoài mọi luồng áp lực, kể cá áp lực về tài chính.

  2. Diện mạo của talawas hình thành bằng sự tham gia, đóng góp của tất cả các tác giả và độc giả biết tới sự tồn tại của nó và quan tâm đến nó. Đó là một sự tham gia không bắt buộc và không thể trù liệu trước. Nói cách khác, BBT dù muốn nhấn mạnh một đề tài nhất định hay mong có thêm sự hiện diện của một số tác giả thế nào chăng nữa, kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào ngẫu nhiên. Tuyệt đại đa số các tạp chí và diễn đàn tiếng Việt độc lập và phi thương mại hiện nay tồn tại trên sự ngẫu nhiên ít nhiều được định hướng này. Không ít trong số đó thường xuyên sống với một mối lo duy nhất: lo không đủ bài vở. Đó cũng là tình trạng của talawas trong một thời gian không ngắn, trước khi BBT phần nào trút được nỗi lo này để đứng trước một nỗi lo khác: không đủ bài vở chất lượng cao. Chừng nào còn bị yếu tố ngẫu nhiên này chi phối ở mức đáng kể, chúng ta không thể đi xa hơn giới hạn cuối cùng có thể đạt được của hoạt động báo chí phi chuyên nghiệp.

  3. Không phải chịu áp lực về tài chính, đối với hầu hết các diễn đàn như talawas đồng nghĩa với việc không có bất cứ nguồn tài chính nào ngoài sự đóng góp của chính các thành viên trong BBT và một số ít thân hữu, độc giả, chủ yếu để trang trải các phí tổn kĩ thuật. Chừng nào cộng đồng Việt độc lập ở cả trong và ngoài nước còn chưa đủ khả năng, chưa có nhu cầu, hay chưa có thói quen chi tiêu thích hợp cho sản phẩm văn hoá do chính người Việt làm ra; chừng nào chất lượng tiếp tục là món quà biếu không, người viết không được bất kì một đền bù vật chất nào dù ở mức tượng trưng, người làm báo buộc phải dùng phần lớn thời gian vào nghề khác để kiếm sống và nuôi tờ báo, chừng đó chúng ta chỉ có thể thực hiện những mảnh nhỏ của những dự án khiêm tốn. Phạm vi quá hạn hẹp ấy không đủ để thực sự biến những nguyên tắc lớn thành hiện thực. Để trở lại với câu hỏi về công bằng: trong những điều kiện của tự do vô hạn và phương tiện hữu hạn này, may mắn lắm chúng ta duy trì được những công bằng nho nhỏ.


*


Văn học, ngay sau tình yêu, là hiện trường nóng nổi tiếng của sự không công bằng. Vì sao? Vì cũng như tình yêu, đó là chuyện riêng tư nhất của mỗi cá nhân mà những nguyên tắc và hệ thống giá trị của một tập thể, một cộng đồng, một xã hội, một thời đại chỉ có thể can thiệp tới ngưỡng nào đó. Từ việc dành ngôi thi hào số một của dân tộc cho Nguyễn Du, thừa nhận Shakespeare như tác gia của mọi tác gia trong văn học Anh ngữ, đến việc trao giải thưởng của mọi giải thưởng văn học, giải Nobel, cho Elfriede Jelinek mới đây..., tất cả đều có thể bị coi là những bất công, bất công khổng lồ. Và điều lạ lùng nhất là: chúng ta không từ bỏ văn học vì những bất công ấy và sẵn lòng chịu đựng những bất công mới, rất có thể còn trầm trọng hơn.

Những bất công mà nhà văn Trần Hoài Thư nói tới đối với toàn bộ nền văn học miền Nam 1954-1975 là điều hoàn toàn rõ ràng với một số rất đông người quan tâm tới văn học tiếng Việt, song một số còn đông hơn thậm chí không hay biết rằng có một nền văn học như vậy từng tồn tại. 75% dân số Việt Nam hiện nay dưới 35 tuổi, chưa biết đọc khi Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ, phần lớn các tác phẩm của hai mươi năm ấy bị tiêu hủy và hầu hết các tác giả của những tác phẩm ấy rút lui khỏi đời sống văn học hoặc rời khỏi đất nước. Một khoảnh di sản đang lặng lẽ biến khỏi kí ức của dân tộc. Phải làm gì? Câu hỏi ấy trước hết đã được cộng đồng Việt hải ngoại, đặc biệt ở Mĩ, với chính những tác giả và độc giả từng tham dự vào hai mươi năm văn học ấy, cố gắng trả lời trong ba mươi năm qua. Hàng chục tờ báo và hàng trăm diễn đàn văn nghệ đã và đang chăm sóc và kế thừa di sản ấy. Dù xuất phát từ một bối cảnh khác và ra đời muộn hơn nhiều, talawas mở rộng cửa cho mọi khuynh hướng và thời đại văn hoá, văn học. Song vấn đề then chốt vẫn là: chất lượng của các bài viết. Những cách tiếp cận sơ lược không làm một di sản phong phú hơn, những cách đặt vấn đề hời hợt không làm một di sản tăng sức nặng và những yêu cầu dễ dãi có thể làm một di sản mất đi sức quyến rũ tự nó. Văn học miền Nam 1954-1975 là một di sản nhạy cảm. talawas luôn hân hạnh đăng những bài viết cho phép độc giả của ngày hôm nay tiếp cận thích đáng di sản ấy.

Đời sống văn học tiếp tục dòng chảy của nó, rất nhiều khi bỏ lại những mảnh di sản nhất định trên bờ. Muốn hay không, nền văn học tiếng Việt mà chúng ta đang có được quyết định bởi cộng đồng tiếng Việt đông đảo nhất: cộng đồng tác giả, độc giả, giới nghiên cứu phê bình, giới quản lí văn nghệ và giới truyền thông xuất bản tại Việt Nam. Lượng thông tin trên talawas về văn học trong nước, thông qua những bài viết của các tác giả trong nước, chiếm phần nhiều hơn, theo chúng tôi là hợp lí. Song hợp lí không đồng nghĩa với công bằng.


*


Nhà phê bình Đức Marcel Reich-Ranicki, 15 năm toàn quyền quyết định trang văn học của tờ nhật báo lớn Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), nơi được coi là trung tâm quyền lực mạnh nhất của guồng máy văn học Đức những năm 70 và 80, đặc biệt yêu mến nhà văn Wolfgang Koeppen. Chẳng những thường xuyên ưu tiên bài của Koeppen, trả nhuận bút ở mức cao nhất để nhà văn này khỏi bận tâm đến mưu sinh, ông còn lấy uy tín cá nhân đề nghị bốn nhà văn viết tiếng Đức đã rất nổi tiếng và sung túc, Heinrich Böll, Günter Grass, Max Frisch và Sigfried Lenz, cùng góp tiền vào một tài khoản riêng, hàng tháng chu cấp cho Koeppen. Nhiều người trách ông quá thiên vị với Koeppen và không công bằng với những tài năng khác, Reich-Ranicki đáp: Tôi có thể là giáo chủ văn chương thật, nhưng không là Thượng Đế.

© 2004 talawas