© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
11.11.2004
Hải Triều
Về văn học nghệ thuật
7 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Maxim Gorki

18 Juin 1936!

Làn sóng vô tuyến điện phát từ Moscou, dồn dập tràn khắp thế giới, báo tin nhà đại văn hào Tô Nga đã mất, anh thợ tiên phong của nền văn hóa mới, ông thầy tinh thần nhân loại tương lai, đã qua đời rồi.

Than ôi! MAXIME GORKI, MAXIME GORKI yêu quý của chúng ta chết mất rồi!

Một ngàn bảy trăm triệu con người trên thế giới, trừ ra một thiểu số lo lục đục tham danh trục lợi, thì không đếm xỉa làm gì, chớ còn ra, thảy thảy đều nghe tin đau đớn kia, đều thở dài một tiếng, tỏ ra vô cùng cảm mến tiếc thương.

Xưa nay, trong lịch sử thế giới, có một số người, mà sự nghiệp của họ, tinh thần của họ, không những ảnh hưởng một quốc gia, một xã hội, mà lực lượng của họ có thể vượt lên hết thảy biên cảnh mà chi phối, điều khiển cả một bầu trời. Những mạng người như thế, đời sống của họ là một đạo hào quang mà cái chết của họ là một tang chung in dấu vào lòng cả mọi người.

Cái chết của Gorki ngày nay cũng đứng vào cái trường hợp ấy.

Chúng tôi thiết tưởng không cơ hội nào tốt bằng cơ hội này để nhắc nhở đến thân thế và sự nghiệp của nhà đại văn hào đã được năm châu yêu mến.


Thân thế của Gorki

Gorki tên thật là Alexéi Maximovitch Piechkov, tức danh là Maxime, sinh năm 1869 ở Nigni Novgorod, mồ côi sớm, từ nhỏ đã sống một cuộc đời lam lũ, phiêu lãng giang hồ. Sanh trưởng trong một xã hội "ma cà bông", Gorki hàng ngày tiếp xúc với bao nhiêu sự đói rét, khôn khổ, bất công của hạng người nghèo khổ. Chính hoàn cảnh đau đớn ấy đã làm cho Gorki cảm giác rất mạnh, nên sau này đã trở nên một nhà đại văn hào cúc cung tận tụy cho giai cấp vô sản.

Lên đến tuổi các trẻ em cắp sách đến trường, vì nghèo khổ quá, Gorki lại hàng ngày chỉ lo chạy vạy về miếng ăn. Vì thế nên lớn tuổi rồi, mà vẫn chưa biết đọc, biết viết, thế mà ai có ngờ, anh chàng cầu bơ cầu bất Gorki kia, ngày nay lại trở nên một nhà "kỹ sư của linh hồn" nhơn loại, mà mỗi lời nói, mỗi việc làm, đều như sắp từng tảng đá một cho nền văn hóa mới của tương lai.

Cái công trình tự học của Gorki thật có một không hai vậy.

Tham gia vào phong trào chánh trị năm 1905, rồi đến năm 1917, có lần bất đồng ý kiến với nhà đương cục Tô Nga, nhưng sau nhận thấy sự lầm lạc của mình, nên lại hăng hái tham gia vào công cuộc kiến thiết xã hội mới.

Từ năm 1923 trở đi, Gorki đã nổi tiếng một nhà văn của vô sản, và được quần chúng đặc biệt hoan nghênh. Đến năm 1928 được cử làm ủy viên trưởng Bộ Giáo dục của chính phủ Liên bang Xô-viết. Từ đấy, bao nhiêu nhà văn sĩ, thi sĩ Nga đều tôn Gorki làm thầy và bao nhiêu Hội mỹ thuật, văn chương, văn hóa đều yêu cầu Gorki đứng đầu sáng lập, hoặc giúp đỡ ý kiến.

Chánh phủ Xô-viết vì cảm tài năng và chí khí nhiệt thành của Gorki đã xây đắp nền văn hóa mới, nên đã tặng ông chiếc bội tinh lớn nhất cả toàn quốc và biếu ông một cảnh lâu đài rất đẹp ở Crimée để ông nghỉ mát.

Một chiếc máy phi cơ, một hãng máy to nhất ở nước Nga và cả thế giới, và thành phố Nigni Novgorod là quê hương của nhà văn hào, đều lấy làm vẻ vang mà mang được cái danh hiệu Gorki.

Sau Lénine và Staline, Gorki là người đã được quần chúng Nga và thế giới yêu mến nhất.


Sự nghiệp của Gorki

Khi phong trào cách mệnh nổi lên ở Nga thì Gorki đã gần 50 tuổi. Đến tuổi ấy, các nhà văn sĩ khác thì tự thấy mình "về chiều" rồi, chỉ còn lo góp nhặt tài liệu để viết lịch sử mình hòng "lưu danh với hậu thế". Trái lại, Gorki đến 50 tuổi mới bắt đầu phát triển một cách phi thường trên con đường văn học.

Trong các nhà văn như Tolstoï, Tchékov, Korolenko, Dostoïévski... hô quần chúng nên phục tùng yên phận say đắm cảnh thần bí thiêng liêng, thì nhà văn sĩ còn trẻ Gorki, trên mặt trận văn chương, đã nâng cao lá cờ vô sản.

Trái với tinh thần ủy mị, tùy thuộc, yếm thế, Gorki đưa ra những hình ảnh của những chiến sĩ oanh liệt, những lực lượng sáng tạo của con người đã tự do, đã thoát ly ra ngoài sự trói buộc của xã hội có giai cấp, đã có thể tự hào lấy cả bản ngã của mình.

Năm 1908, Gorki đứng đầu tổ chức ngay một văn đoàn, và sưu tập ngay thành những bản sách gọi “Sự hiểu biết”, văn đoàn ấy thâu góp hầu hết các nhà văn sĩ cấp tiến nhất trong thời kỳ ấy.

Thời cuộc ở Nga sau cuộc khủng bố 1905 đổi khác nhiều lắm. Bọn thi sĩ, văn sĩ trước có đôi chút cảm tình với quần chúng lần lượt ra mặt phản động qua đầu hàng giai cấp hữu sản, và trở lại chửi công, nông, như xối nước. Trong khi ấy, Gorki lại cho xuất bản những tiểu thuyết như Người mẹ, những kịch như Quân thù, cho người ta nhận thấy cái lực lượng tranh đấu của quần chúng không thể tiêu hủy được. Ngoài ra, Gorki còn cho ra những tiểu thuyết Xóm Okourov, Đời của Mathias Kojémiakine, Bọn lạc luận chỉ vạch những sự xấu xa đồi bại của hữu sản giai cấp, làm cho quần chúng nhận thấy cái giai cấp hư hỏng ấy không thể nào nắm mãi cái địa vị ưu thắng của nó được.

Trong cái sự nghiệp cách mệnh văn hóa của Gorki chúng ta nhận thấy có ba đường lớn.

Gorki, nhà viết kịch, viết tiểu thuyết, bao giờ cũng lo lắng cho tác phẩm mình diễn tả một cách đầy đủ, sâu sắc và cảm động, những sự thực tế của nhơn sanh.

Gorki, nhà viết báo, hết sức đánh đổ những xu hướng phản động trong văn học, và khẩn thiết thảo luận cái vấn đề quan trọng trong sự sinh hoạt hàng ngày.

Gorki, nhà chỉ huy cả cái triều lưu văn nghệ trong nước và cả thế giới vô sản. Gorki cảm thấy sự quan hệ rất lớn của nghệ thuật, văn chương đối với xã hội nên hết sức vận động cho văn chương mỗi ngày mỗi tiến bộ, nhất là cố huấn huyện và đào tạo nên những lớp văn sĩ mới, có thể kế chân mà xây đắp cho nền văn hóa cộng sản sau này.

Chính trên ba con đường lớn lao ấy, Gorki đã xuất hết bao nhiêu tâm huyết, vừa sáng tác vừa hô hào các bạn đồng chí đi cho đến cùng.


Gorki, nhà viết sách

Trong 40 năm sáng tác, văn phẩm của Gorki có thể sánh ngang với bộ Hài kịch loài người của Balzac, hay bộ Rougon Macquert của Zola.

Balzac tả cái quang cảnh nước Pháp sau khi chế độ phong kiến đổ, cho đến chính thể bảo hoàng năm 1830 (Monarchie de Juillet). Zola cũng viết bộ lịch sử xã hội và tự nhiên của một gia đình về thời đệ nhị đế quốc (L'histoire sociale et naturelle d'une famille sous le second empire). Gorki trong những tiểu thuyết Xóm Okourov, Đời của Mathias Kojémiakine, Họ Artamonov, Klim Samguine, đã tả hầu hết tình trạng của lịch sử nước Nga từ sự bỏ chế độ nông nô đến cuộc Cách mạng tháng Mười, và những tình trạng mới trong thời gian kiến thiết xã hội chủ nghĩa.

Balzac và Zola đã diễn tả cái tính chất tư bản và tiểu tư sản của thời đại họ đã sống.

Gorki cũng diễn tả cái tính chất cách mạng và vô sản của nước Nga từ năm 1871 về sau.

Những tác phẩm của Balzac và Zola có ý chắp vá cái áo rách nát của giai cấp phú hào, vẫn cứu cho chế độ tư bản bị hư nát. Văn phẩm Gorki thì chỉ cho người ta thấy rằng muốn cứu chữa cái bệnh trầm trọng của nhân loại ngày nay thì chỉ có cách bỏ cái xã hội này mà kiến thiết một xã hội mới mà thôi.

Với những tác phẩm về lịch sử, Gorki cố chỉ cho chúng ta thấy rằng một nhà nghệ sĩ có thể giúp ích rất nhiều cho quần chúng, trong khi quan sát và diễn dịch một cách sáng suốt những tình trạng quá khứ. Tuy vậy, Gorki còn cho chúng ta nhận thấy cái nhiệm vụ cần kíp của nhà nghệ sĩ đối với các vấn đề hiện tại và tương lai.

Năm 1931, Gorki trong tạp chí Bên kia biên giới, có đăng hai cái đoản thiên Sương mờ, Phong cảnh và nhân vật. Hai cái đoản thiên ấy có vạch rõ cái tình trạng khủng hoảng của chế độ tư bản ở Âu châu. Ai xem hai cái đoản thiên ấy, cũng nhận thấy nhà nghệ sĩ tả một cách mạnh mẽ, cay chua, hai cái tình trạng hết sức mâu thuẫn: một bên giầu có vô cùng, một bên đói rét hết sức.

Hồi bấy giờ ở Nga, có một văn phái do nhà thi sĩ có tiếng tăm Maïakovski - đã chết rồi - đứng chủ trương. Văn phái ấy chủ trương: bỏ hết thảy những tác phẩm chuyên về tưởng tượng. Maïakovski cho rằng cái thời kỳ tưởng tượng đã qua rồi; bây giờ chỉ cần lấy sự thực làm gốc. Những văn loại như đoản thiên tiểu thuyết, trường thiên tiểu thuyết, không nên viết nữa, mà chỉ nên một mực chú ý vào các thiên phóng sự cho vững vàng là đủ, vì phóng sự là cốt tả sự thật.

Các nhà phê bình ở Nga đều nhao nhao phản đối văn phái của Maïakovski. Họ công kích quá, đến nỗi khinh miệt cả các thứ văn về phóng sự, cho là không đáng quan tâm.

Đứng trước tình cảnh ấy, Gorki phải đem hết bao nhiêu tài năng của mình để đánh đổ cả hai trào lưu phản trái ấy. Một mặt ông chỉ cho phái trên nhận thấy sự hẹp hòi của mình trong khi chỉ nhận những thiên phóng sự là văn loại độc nhất của văn học, một mặt ông lại cho phái dưới thấy rằng giá trị của văn phóng sự không phải là nhỏ. Viết phóng sự như Gorki trong khi chép lại cuộc du lịch của mình qua thành phố dầu lửa của Nga, trước Cách mạng và sau Cách mạng, trong chuyện nhan đề là Bakou, thì có thể làm cho người đọc sanh ra vô cùng hứng thú.

Gorki không những viết tiểu thuyết, mà còn viết rất nhiều kịch nữa. Hiện tại khắp các sân khấu trong nước đều có diễn trên hai mươi bản kịch của Gorki. Bản kịch Cặn bã xã hội tuy ra đời đã 25 năm rồi, mà ngày nay vẫn còn được công chúng hoan nghênh đặc biệt.

Ảnh hưởng của Gorki ở trong kịch giới rất lớn lao!


Gorki, nhà viết báo

Ngoài thì giờ viết sách, Gorki là một nhà viết báo rất có tiếng tăm. Những tạp chí, tùng thơ, do ông chỉ huy rất nhiều, như: Những liên lạc của chúng ta, Bên kia biên giới, Niên lịch văn học, Tủ sách của thi sĩ, Tiểu sử của danh nhân, v.v...

Ông còn viết cho các nhà báo hàng ngày về các vấn đề hết sức linh tinh, như việc gặt lúa, đồ chơi trẻ con, giải phóng cho đàn bà, sự phát triển của Hồng quân, những vấn đề quan hệ đến văn hóa của thế giới và trong nước, tả sự sanh hoạt trong lò máy và đến cả tính tình của nhân dân nước Nga.

Gorki còn giúp bài cho các báo vô sản ở ngoại quốc. Các tạp chí ở Pháp như Công xã, Văn học quốc tế, Thế giới, v.v... đều thường nhận được bài của Gorki luôn.

Những bài báo của Gorki gần mấy năm lại đây, phần nhiều chuyên chú kêu gọi các nhà trí thức Tây phương và cả Liên bang Xô-viết, hoặc những bài luận về văn hóa tư bản và tiểu tư sản. Trong những bài ấy tài liệu rất dồi dào, văn chương lại điêu luyện có thể so sánh với công trình của Voltaire, của Hugo, hay của Léon Tolstoï. Chỉ có một điều khác nhau rất lớn là những bài của Voltaire,Tolstoï, những diễn văn Hugo, là những tiếng kêu gào rất đau đớn trước sự xấu xa đồi bại của đời người, những tiếng kêu gào ấy tỏ ra mình yếu đuối, không có năng lực gì để đối phó với hoàn cảnh hết.

Trái lại, một bài văn của Gorki là như một bản cáo trạng tuyên án sự xấu xa, bất công của thế giới cũ rồi đây sẽ bị đánh đổ đi.


Gorki, kĩ sư của nền văn hoá mới

Nhận thấy cái nhiệm vụ tối quan trọng của nghệ thuật đối với xã hội, Gorki hàng ngày chăm nom lo lắng cách mệnh nền văn hóa cũ để gây dựng một nền văn hóa mới hoàn toàn đẹp đẽ hơn.

Một công trình như thế, không phải một người làm nổi, mà phải nhờ sự hợp tác của quần chúng với những nhân phẩm giác ngộ nhất trong xã hội mới lập nên.

Vì thế Gorki, ngoài những thì giờ viết sách, viết báo, còn đem hết sức lực tâm huyết để đào tạo, huấn luyện, khuyến khích cho những lớp văn sĩ, nghệ sĩ hậu tiến, hòng có thể chia vai gánh vác công việc cách mệnh văn hóa Liên bang Xô-viết và cả thế giới.

Chúng tôi có thể nói hầu hết lớp văn sĩ gần đây ở nước Nga đều tôn Gorki vào bậc thầy và đã nhờ Gorki đưa đường chỉ lối trên con đường văn nghiệp. Hàng trăm văn sĩ trong nước gửi sách và văn cảo đến nhờ Gorki phê bình chỉ trích. Các sách ấy đều được đọc, được chấm một cách kỹ lưỡng, hoàn toàn. Một nhà đại văn hào có tiếng khắp thế giới Vsiévolod Ivanov kể chuyện lại có một lần ông viết một bản kịch gửi cho Gorki chấm, đồng thời ông lại gửi đi nhà in.

Sách đã lên khuôn, nhưng đến khi tiếp được thư phê bình của Gorki thì ông phải rút sách về và sửa lại hầu hết cả bản thảo. Đến khi so sánh hai bản, ông mới nhận thấy Gorki đã cứu ông khỏi một cuộc thất bại rất lớn.

Ở Nga, dân chúng có bức vẽ khôi hài rất ngộ nghĩnh. Họ vẽ một con gà mái để hình dung Gorki: con gà mái đương ấp dưới cánh một bầy gà con, mà mỗi con gà con lại mang tên một nhà văn sĩ rất có tiếng tăm ở nước Nga, nhà văn sĩ mà bao nhiêu tác phẩm đã được phiên dịch ra chữ ngoại quốc rồi.

Nhận thấy sự quan hệ mật thiết của nghệ thuật đối với nhân sinh và cái trình độ độc giả Nga từ sau Cách mạng tiến tới một cách phi thường, nên Gorki hết sức khuyên răn các nhà viết sách, viết báo nên thận trọng ngòi viết, phải lựa từng chữ, từng câu, từng hình ảnh mà dùng cho thật xác với hoàn cảnh thực tế, phải suy nghĩ kỹ càng và chịu hoàn toàn trách nhiệm những ý kiến của mình trước khi đặt bút viết xuống giấy.

Muốn cho công trình nghệ thuật không riêng gì của một người nào, mà thành ra một công việc chung của tất cả mọi người, nên Gorki xướng lập nên những công trình sáng tác chung.

Tất cả các nhà văn sĩ, nghệ sĩ, tất cả công chúng đều có chung hợp ý kiến để thảo những bản sách chung. Giá trị về tài liệu, về tư tưởng, về tình cảm nhờ thế mà sẽ dồi dào một cách lạ thường.

Những bộ sách như Lịch sử về nội chiến, Lịch sử những công xưởng và lò máy, Sông đào từ bể Ban-tít qua bể Trắng là những công trình văn nghệ vĩ đại, thế giới từ xưa đến nay chưa từng có, vì cái giá trị của nó cũng tương đương như những lò máy lớn, đồn điền rộng, mà hàng ngàn vạn dân Nga đã chung sức nhau mà gây dựng nên vậy.

Năm 1932, Gorki đề nghị giải tán tất cả các hội văn sĩ linh tinh để lập ra một hội văn sĩ chung cả toàn quốc, mục đích là để đánh đổ hết thảy những quan niệm biệt phái, và để cho nhà nghệ sĩ được tự do sáng tạo, khỏi phải bị những điều lệ của các văn đoàn bó buộc.

Hội văn sĩ cả toàn quốc, do Gorki chỉ huy đã cùng nhau đem bao nhiêu tác phẩm khuynh hướng về một chủ nghĩa: chủ nghĩa tả thực xã hội. Chủ nghĩa tả thực xã hội cốt ở sự tả một cách chân thật, rành mạch những hiện trạng quá khứ hay hiện tại, làm thế nào cho sự tả thực ấy có thể đưa quần chúng đến chỗ giác ngộ, tranh đấu để kiến thiết xã hội chủ nghĩa.

Tả thực xã hội chủ nghĩa ngày nay đã hóa ra một con đường đi duy nhất cho tất cả các văn sĩ Xô-viết và thế giới.

Cuộc hội nghị lần thứ nhất của các nhà văn sĩ Nga (17 Aoũt - Septembre 1934) mà Gorki đã làm chủ tịch, là một cuộc hội nghị lớn nhất thế giới. Hầu hết là các văn sĩ trong nước và đại biểu đoàn các hội quần chúng đều đến dự hội. Ngoài ra, các văn đoàn cấp tiến trên thế giớI đều có ủy viên đến dự.

Bài diễn văn khai mạc của Gorki về "Văn học Xô-viết" là một công trình khảo về văn chương có một không hai.

Những quyết nghị án của cuộc hội nghị ấy ảnh hưởng rất lớn cho nền văn hóa nước Nga và nền văn hóa tương lai của thế giới.

Sau cuộc hội nghị ấy, người ta vui vẻ khánh thành trường Đại học về văn học thế giới. Trường đại học ấy lấy làm vẻ vang mà đương mang tên "Trường đại học Gorki". Mọi nhà văn sĩ đều có thể vào Đại học viện để chịu huấn luyện trong một thời gian về các vấn đề văn nghệ, mỹ thuật, lịch sử, khoa học, v.v...

Sự nghiệp của Gorki đối với Liên bang Xô-viết đối với thế giới vô sản vĩ đại quá, hùng tráng quá! Cái thân thế sáng suốt của ông, cái công trình bao la của ông, chẳng khác nào như một lá cờ cắm trên mặt trận cho sự kiến thiết một xã hội mới, sự đào tạo những nhơn tài mới vậy.

Quần chúng Nga, vì cảm mến cái công nghiệp của ông, nên đã gọi ông là "anh thợ tiên phong của văn hóa mới".

Than ôi! Văn hóa mới vừa xây nền đắp móng mà anh thợ tiên phong đã qua đời! Nhưng thể xác của Gorki chết mà sự nghiệp của Gorki không bao giờ mất, cái chí lớn của Gorki không sợ phải lo đổ bởi vì rồi đây sẽ có vô số người đứng lên để nối chí của Gorki mà hoàn thành cái công trình vĩ đại ấy.

Những người đó là ai?

Tức là những hạng văn sĩ trẻ trung, xuất thân trong các giai cấp thợ thuyền và dân cày, đã chịu sự huấn luyện của Gorki, biết nhận thức cái sứ mệnh xã hội của văn chương và biết noi theo đường hoạt động của Gorki vậy.

Báo Hồn trẻ, tập mới số 5, ngày 4-7-1936



*


Romain Rolland

Một thế giới trong một con người!

Con người ấy là Romain Rolland.

Một quả tim hằng ngày rung động theo những tiếng kêu thương sầu khổ của cả một nhân loại bị giày xéo dưới gót sắt của bao nhiêu chế độ bạo ngược, tham tàn của bọn quân phiệt và phát xít.

Quả tim ấy là của ai?

Là của Romain Rolland.

Các bạn ơi! Romain Rolland, nghe đến cái tên khả kính ấy, các bạn hãy ngả mũ chào đi!

Với mười lăm năm tranh đấu, con người ấy đã cho chúng ta thấy ý nghĩa của văn chương.

Lấy lưỡi làm gươm, lấy bút làm súng với mười lăm năm tranh đấu, con người ấy đã đánh đổ bao nhiêu sự tàn bạo xấu xa và xây đắp những tảng đá đầu cho nền móng của văn hóa mới.

Một văn hào Nga, trong khi ca tụng Romain Rolland, gọi ông là "ông thầy của văn hóa", thật không quá đáng chút nào.

Tôi hồi tưởng lại những buổi tối còn cắp sách đi học ở trường, khi nào tôi cũng đem theo quyển Thánh Cam địa của Romain Rolland, giúi vào trong hộc bàn. Rồi những giờ thầy giảng về luân lý, tôi lại kéo Gandhi ra xem. Tôi thích nhất là câu chuyện mặc đồ nội hóa mà Romain Rolland tán dương một cách thành thật.

Nhưng ngày tháng qua... Trí phán đoán của tôi mỗi ngày mỗi lớn lên, tôi bắt đầu nghi ngờ những quan niệm của Romain Rolland. Nhất là những khi ông chủ trương "Sự độc lập của tinh thần".

Cái chủ trương "độc lập tinh thần" của ông đã làm cho tôi suy nghĩ mãi. Tôi thấy giữa một cái xã hội mà người ta còn đương bị vật chất ràng buộc như thế, đương bị giai cấp chi phối như thế, đương bị đế quốc đè nén như thế mà bảo độc lập tinh thần, thì độc lập làm sao?

Trong xã hội này mà ông chủ trương độc lập tinh thần, tự do nghệ thuật, thì chẳng khác nào bảo các ông nghệ sĩ cứ việc tự do mà tranh đấu, tự do mà nhồi sọ dân chúng, trong khi dân chúng không có mảy may tự do. Bảo độc lập tinh thần mà trở lại đi cướp đoạt cái tinh thần độc lập của dân chúng và trong khi dân chúng không có một tí độc lập nào.

Hồi ấy tôi hoài nghi Romain Rolland quá, đến nỗi có ông bạn hỏi tôi về nhà văn hào ấy, tôi phát bực mà trả lời: "Lão văn sĩ tiểu tư sản ấy không xài được".

Từ đấy tôi rất lãnh đạm với những tác phẩm của Romain Rolland.

Rồi mấy năm qua...

Cuộc đời của tôi, cũng như cuộc đời bao nhiêu bạn khác cũng theo với lớp sóng của thời đại nó lôi cuốn đi... Một ngày kia tôi ở tù về, tôi lại giở những sách mới của Romain Rolland ra đọc. Tôi đọc Romain Rolland cũng như các bạn trong những giờ nhàn rỗi, vô tư lự, giở từ báo hằng ngày đọc mục Câu chuyện vặt vậy thôi.

Không ngờ, các bạn ơi, thật là sự không ngờ. Romain Rolland, nhà văn hào đã được tôi kính phục, lại có lần đã làm cho tôi phải hoài nghi, thời này đã đánh bạt những mối hoài nghi của tôi và lại đưa đến cho tôi vô cùng sự yêu mến.

Romain Rolland ngày nay đã già rồi.

Với bảy mươi tuổi, cũng đã gần đất xa trời lắm.

Tuy thế, cái ông già quắc thước ấy, vẫn tuyên bố: "Cuộc đời tôi là một con đường đi tới mãi". [1] "Sự tiến hóa cả đời tôi đến đây chưa phải là cuối cùng, giờ này đây nó vẫn đeo đuổi tới một cách can đảm. Đến sáu mươi tuổi tôi mới ôn lại được tất cả những ý tưởng của cuộc đời tôi, mới xét được bao nhiêu mảnh thành kiến nó bám chặt vào da, mới bắt đầu sống một cuộc đời đầy đủ có ý thức của con người xã hội, con người nhân loại vậy". [2]

Cái gì đã làm cho ông già ấy nhận thấy sự sáng suốt của mình như thế: là thời đại đó thôi. Chính Romain Rolland bảo: "Tôi kể sự tiến hóa của tôi ra đây không phải là của tôi, mà chính là của cả một thời đại".

Vâng, trong khi mười ba triệu con người ta vô tội mà lại đem làm mồi cho súng đại bác, kết quả về ích lợi chỉ để riêng cho một vài nhà, như thế thì bảo R. Rolland làm thế nào lại không phản đối chiến tranh?...

Trong khi liệt cương chia năm sẻ bảy nước Đức bại trận, như một bầy người hì hục trước một cái thây ma, như thế thì bảo R. Rolland làm thế nào lại không công kích điều ước Véc-xai?

Trong khi mấy trăm triệu sinh lính ở Đức, ở Ý, ở Tàu bị giày xéo dưới gót giày của bọn quân phiệt Nhật và độc tài Mussolini, Hitler, chém giết, tù tội người anh tài, đốt nghị viện, đốt sách báo như đời dã man thượng cổ, như thế thì bảo R. Rolland làm thế nào lại không đả đảo quân mọi rợ phát xít?

Trong khi chính phủ Anh chém giết tù tội Ấn-độ, chính phủ Ý kéo quân qua xâm chiếm A-bít-xi-ni lại được một bọn trí thức liếm giày tung hô ủng hộ như thế thì bảo R. Rolland làm thế nào không thống mạ sự tàn ác của đế quốc chủ nghĩa?

Trong khi một trăm sáu mươi triệu con người ta trên phần sáu quả địa cầu đương vui vẻ hăng hái kiến thiết một chế độ xã hội mới mẻ đầy dẫy những sự rực rỡ cho tương lai thế thì bảo R. Rolland làm thế nào lại không hớn hở hoan nghênh?

Ngày xưa, R. Rolland tuyên bố đứng "trên sự loạn lạc", [3] không khuynh hướng phe đảng nào cả, ngày nay R. Rolland đã thấy rõ sống trong cái xã hội này không thể nói chuyện "đứng trên" được. Không ở chiến tuyến này tất phải ở chiến tuyến kia.

Ngày xưa R. Rolland tuyên bố "sự độc lập của tinh thần" gìn giữ lấy cái thế giới của nghệ thuật không cho các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quốc gia tràn lấn vào. Ngày nay R. Rolland đã thấy rõ sống trong cái xã hội này, chưa khi nào người ta thấy một tinh thần nào độc lập cả. Trái lại, một số văn sĩ, nghệ sĩ đã lợi dụng cái khẩu hiệu ấy để làm bức màn che mình trước những vấn đề khó khăn và khẩn cấp của thời đại. Núp sau tấm màn, các nhà văn sĩ, thi sĩ nung nấu liều thuốc độc, để đánh mê quần chúng đấy thôi.

Này, các bạn, hãy lắng tai nghe tiếng gọi của R. Rolland:

"Tôi cất tiếng gọi các bạn lao động trí thức. Cái địa vị của chúng ta là bọn quần chúng lao động vô sản. Chúng ta với họ chỉ là một thân thể thôi. Sự độc lập của họ và cái lực lượng của họ chính là của chúng ta. Họ là thân cây mà khoa học, văn chương, mỹ thuật là nhành lá. Nếu thân cây đau ốm thì nhành lá phải khô héo theo. Nhưng bọn trí thức vì lợi quyền, vì danh giá mà đi phản lại cái chủ nghĩa chung, thời chẳng khác nào như cành hoa bị cắt khỏi cây để đem cắm vào lọ sứ. Rực rỡ chỉ được một thời gian ngắn ngủi, nó sẽ tàn tạ rồi hóa ra phân, người ta sẽ vứt nó vào sọt phân". [4]

Đấy, các bạn đã thấy cái chân sứ mệnh của nhà văn sĩ bình dân là thế đó, cái chân địa vị của bọn văn sĩ phú hào là thế đó, nó cách xa nhau một trời một vực, nó chống chọi nhau như nước với lửa.

Một lần tôi đọc R. Rolland, mỗi lần tôi thấy ông già ấy bâng khuâng lo lắng trước những vấn đề của thế giới, kêu gọi quần chúng đánh đổ Hitler, thúc giục công nông ủng hộ Liên bang Xô-viết; tuy cách Đông-dương hàng ngàn vạn dậm, thế mà đã nhiều phen hô hào dư luận thế giới để ý đến nước ta; [5] với ông già ấy, một câu văn là một tia sáng, một lời nói là một tiếng sấm.

Thế rồi mỗi lần tôi lại đọc đến văn của "các ông văn sĩ" ở nước mình, đương loay hoay bênh vực cho cái chủ trương "nghệ thuật không vị gì cả", văn chương ảnh hưởng đến chính trị chỉ là một sự tình cờ, câu văn là lâng lâng như đám mây bay, là một ly hương man mác lúc canh trường...

Các bạn ơi! Cứ mỗi lần tôi đọc hai thứ văn ấy thì trán tôi như toát cả mồ hôi. Trước mặt tôi rõ ràng hiển hiện ra hai thế giới: một thế giới mới mẻ, sáng suốt, chân thật mà vấn đề vật chất giải quyết xong nên văn chương nghệ thuật đều phát triển một cách đầy đủ và mọi người đều thưởng thức được một cách hoàn toàn. Cái thế giới trẻ trung ấy lại do một ông bảy mươi tuổi ủng hộ, cổ xúy.

Trái lại, bên này là một cái thế giới mục nát, tối tăm, đầy những sự gian trá, kiểu ngụy, bất công, pha phách thêm những tính chất thiêng liêng, thần bí, lãng mạn. Cái thế giới già cỗi ấy lại do một bọn văn sĩ với những kiến thức non nớt cố giằng co mà giữ cho được.

Tuy rằng sự xung đột là của hai tư tưởng nhưng chính là cái biểu hiện của sự xung đột của hai thế giới vậy.

Romain Rolland! Romain Rolland! Ông ngày nay đã giải phóng được bao nhiêu thành kiến hủ mục, ông đã thoát ly ra ngoài hàng ngũ của bọn văn sĩ tôi tớ cho phú hào. Ông đã đem cái đầu tóc hoa râm với một bầu máu nóng gia nhập vào chiến tuyến của bình dân. Bình dân xin cực lực hoan nghênh ông, xem ông là một người bạn, gọi ông bằng anh và cái tên R. Rolland sẽ ghi dấu vào cái nền tảng văn hóa rực rỡ về sau vậy. [6]



Báo Hồn Trẻ, tập mới, số 6 ngày 11-7-1936
Tháng 3-1937 bài này được in lại trong quyển “Văn sĩ xã hội”. Thàng 10-1945 quyển này được tái bản và bài này có được sửa chữa.



[1]Adieu au passé (Europe 15-6-1936)
[2]Quinze ans de combat (1919-1934)
[3]Au-dessus de la mêlée (Trên sự loạn lạc)
[4]Appel à L'Union des travailleurs intellectuels evec le proléterist (1-4-1935)
[5]Adresse aux étudiants et travailleurs indochinois en France (17-5-1926). Pour les condamnés de Saigon (Mai 1933)
[6]Khi tái bản sách này thì Rolland, nhà văn rất thương yêu của ta đã qua đời rồi. Ông mất tại Yvonne (Pháp) ngày 30-12-1944 vừa khi quân phát xít Đức-Ý đã bị Mặt trận dân chủ đánh tan. Chắc ông lấy làm thỏa nguyện lắm. Nhưng trái lại, cái chết của ông làm cho những dân tộc nhược tiểu như ctal lấy làm thiệt thòi vô cùng. Vì chúng ta mất đi một vị trạng sư hết sức hùng hồn đã bênh vực cho cuộc vận động giải phóng các dân tộc bị áp bức trên 20 năm nay.
Nguồn: Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng ChÆ°Æ¡ng sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Ná»™i 1965, tái bản lần thứ nhất 1969