© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
16.11.2004
Hải Triều
Về văn học nghệ thuật
7 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Đi tới chủ nghĩa tả thực trong văn chương: những khuynh hướng trong tiểu thuyết

Phê bình quyển Lầm than của Lan Khai, tôi có ý phác họa qua chủ nghĩa tả thực xã hội trong văn chương, nhưng trong phạm vi của một bài phê bình tôi không thể nói được nhiều, lần này tôi muốn đưa một vài chi tiết trong vấn đề ấy ra bàn bạc cùng các bạn làng văn cho tường tận hơn một tý nữa nếu có chỗ nào sai thất mong các bạn bổ khuyết cho.

Ai cũng thừa nhận ở nước ta gần đây đã sản xuất ra một số tiểu thuyết về phương diện hình thức đã có ít nhiều văn chương và phương diện nội dung đã có ít nhiều ý nghĩa. Đó là một điều đáng mừng cho nền văn học nước ta vì chỉ có những thứ tiểu thuyết ấy mới giúp được cho sự xây nền đắp móng cho văn hóa nước nhà sau này.

Nhưng sự khả quan ấy không làm cho ta quá khoái trá mà quên cả nhược điểm to lớn của chúng ta, chúng ta phải luôn luôn nhìn đến sự thực dù là sự thực rất đau đớn. Hãy nói ngay, phần nhiều trước tác ở nước ta đã làm cho chúng ta phải thất vọng nhiều lắm. Nói thế tôi không dám vơ đũa cả nắm vì tôi cũng biết hiện nay đã có một số nhà văn làm cho chúng ta có thể tin cậy ở văn tài và tư tưởng của họ. Nhưng đó chỉ là một số ít thôi còn phần đông thì họ đã làm cho người đọc rất buồn bực, nhất là rất tiếc phải bỏ một số thì giờ quý hóa để đọc những cái vô duyên non nớt ngớ ngẩn của họ.

Họ đã làm cho chúng ta thất vọng không những ở cốt chuyện cóp lại (cliché) cách bố trí vụng về, mà còn ở chỗ giãi bày tâm sự của họ, xu hướng của họ cũng để cho chúng ta phàn nàn nhiều lắm. Viết một quyển tiểu thuyết bao giờ nhà văn cũng có một chủ ý muốn trình bày cùng độc giả một chủ nghĩa gì, một triết lý gì, hay không nữa thì cũng ghi lấy một ý nghĩa gì thoáng qua nhưng nó thiết tha cảm động hay ngộ nghĩnh khôi hài.

Vả chăng trong một số xã hội đã phân chia ra nhiều giai cấp cái vị trí sinh hoạt của mỗi hạng người đều hết sức cách biệt từ vật chất lẫn tinh thần, lẽ tất nhiên không có thứ văn chương gì mà không có xu hướng.

Một số văn sĩ phú hào tuyên bố với chúng ta rằng: "Văn chương là độc lập" nó đứng trên tất cả sự thăng trầm sự xung đột sự xáo động của xã hội, nó không cần phải mang theo một xu hướng gì để mất tính chất thuần túy trong sạch của văn chương. Tuyên bố như thế là nhà văn muốn trốn vào tháp ngà để tự dối mình hay dối người mà thôi.

Xét cho kỹ, chúng ta thấy bất kỳ một công trình nghệ thuật gì cũng biểu diễn nhiều hay ít, rõ rệt hay mơ hồ cái lập trường xã hội của tác giả, nói một cách khác là cái xu hướng của nhà văn.

Ở đây tôi khoan nói xu hướng nào là hay, xu hướng nào là dở, tôi chỉ nói cách tác giả trình bày xu hướng của anh ta, cách trình bày ấy chiếm một phần quan trọng trong giá trị của tác phẩm.

Văn học nước Nga gần đây có một câu tuyên bố rất có ý nghĩa, họ bảo "nhà văn là kỹ sư của linh hồn". Với cách định nghĩa ấy, ta thấy họ ấn định cho văn chương một cứu cánh, và ủy thác cho nhà văn một nhiệm vụ quan trọng vô cùng.

Linh hồn của một dân tộc nói chung là linh hồn của nhân loại sau này sáng suốt hay ngu đần, tiến tới hay dật lùi chính là do trách nhiệm của các nhà kỹ sư kia vậy.

Nhưng chắc bạn cũng thấy như tôi, một nhà kỹ sư linh hồn khác với một nhà kỹ sư lò máy, nhà kỹ sư lò máy có thể sai người này bảo người kia, vặn máy này quay máy kia để cho công việc mau tiến. Chớ còn linh hồn, cũng có thể cho nó là bộ máy nhưng nó là một bộ máy hết sức tinh vi, uyển chuyển phiền phức trừu tượng không thể dùng lối truyền lệnh theo kiểu nhà binh hay lối giảng kinh của các giáo sĩ mà cảm hóa được.

Thật thế tôi nghĩ con người ta là một vật cứng cổ nhất, và có lẽ cũng tự phụ nhất. Cho nên những huấn lệnh những pháp luật cho đến cả châm ngôn về luân lý, những tín điều về đạo đức, họ chỉ nghe bằng nửa lỗ tai, họ chỉ tuân theo với một sự miễn cưỡng. Còn muốn rung động đến thâm tâm của họ, muốn quyến rũ linh hồn của họ tất nhiên phải có phương pháp kín đáo, nhẹ nhàng, khôn khéo hơn.

Tôi nghĩ trong đời các bạn không có lúc nào bực bội chán nản bằng những lúc đọc nhầm phải một quyển tiểu thuyết mà tác giả của nó vì tuyên truyền đại với chúng ta những tràng lý thuyết này, với lý thuyết khác, buộc ta nên thế này, khuyên ta phải nên thế kia. Một nhà kỹ sư linh hồn phải dùng đến những phương pháp truyền giáo hay ra lệnh như thế không những đã kém nghệ thuật mà còn có vẻ một nhà giáo sư tự phụ và đạo mạo rất đáng ghét. Vì thiệt ra độc giả khi đọc một quyển tiểu thuyết chỉ cốt tìm lấy một ít cảm giác mới mẻ lạ lùng, đau thương, hùng dũng chứ nào ai nghĩ đọc tiểu thuyết là để tìm một bài học, nhất là một bài học về luân lý hay triết lý chẳng hạn.

Chủ nghĩa tả thực xã hội vẫn luôn luôn thừa nhận mỗi tác phẩm đều có một khuynh hướng, nhưng chủ nghĩa tả thực xã hội hết sức kiêng kỵ những xu hướng chủ quan, độc đoán, cơ giới, những tư tưởng cố định, những tín điều bất dịch mà tác giả đã vụng về ấn ghép vào câu chuyện.

Vì thế xưa nay những thứ tiểu thuyết luận đề (roman à thèse) những tiểu thuyết luân lý, bao giờ cũng có vẻ nặng nề sống sượng, nghèo nàn. Chừng như tác giả vì bị trói buộc theo luận đề của mình nên đã bỏ mất nhiều sáng kiến hay và mới, nhất là đã bỏ mất phương diện nghệ thuật đi nhiều lắm.

Một tác phẩm hay (tôi dùng chữ hay trong vòng tương đối) không những vì nó đã đi đúng với các thị hiếu đương thời của độc giả, mà nó còn hay ở nơi xếp cảnh xếp tình của tác giả nhẹ nhàng kín đáo, đẹp đẽ. Quan niệm của tác giả tự bộc lộ ra trong sự hoạt động của các vai chính và vai phụ cùng sự bố trí và kết thúc của tác phẩm chớ tác giả không cần phải tuyên bố ra.

Một nhà văn khuynh hướng về chủ nghĩa tả thực xã hội chỉ nên phụng sự sự thật, chớ không nên buộc sự thật phải phụng sự mình. Trong khi đem hết văn tài đem hết tình ý để diễn tả cuộc đời một cách tinh vi linh hoạt, như thế là nhà văn đã giữ kín cho văn chương ít nhiều xu hướng rồi. Nhưng cái xu hướng ấy không phải là xu hướng chủ quan của tác giả, mà chính là xu hướng khách quan của sự vật ở đời, cái xu hướng tất nhiên của các phần tử trong xã hội vậy.

Viết đến đây tôi xin giới thiệu với các bạn một nhà văn hào nước Pháp, mà có lẽ các bạn đã biết nhiều hơn tôi, tôi muốn nói Honoré de Balzac. Balzac là một nhà văn khuynh hướng về bảo hoàng và theo đạo Thiên chúa. Ông ta thường nói: "Tôi viết văn giữa hai luồng ánh sáng: quân chủ và tôn giáo". Nhưng cái đặc điểm của Balzac là ông không để cho tư tưởng chính trị và tín ngưỡng tôn giáo của mình đàn áp những chước thuật của ông. Nếu Balzac để tư tưởng chủ quan của ông ấn ghép vào tiểu thuyết của ông, thì hậu thế không làm sao mà thừa hưởng được những bộ tiểu thuyết giá trị bất hủ như bộ "Tấn tuồng đời" (Comédie humaine). Với bộ sách ấy ta thấy Balzac đã đứng trên chủ nghĩa tả thực để đi tận đáy lòng những người về thời đại này. Ông đã vẽ tất cả những sự đê hèn đồi bại bẩn thỉu của xã hội ông sống, ông không kiêng nể những bọn quý phái hoàng gia cũng như ông không nể hạng thầy tu giáo sĩ. Ông đã nhìn thấy sự bóc lột của tư bản cũng như ông đã nhìn thấy xa xa cuộc giai cấp đấu tranh và sự biến đổi của xã hội sau này. Balzac thường nói: "Không phải lỗi tại tác giả khi sự vật tự nó nói ra và nói một cách to như thế". Trong lúc các bạn nghe một nhạc sĩ đánh đàn, cái đoạn mà họ đánh hay nhất chính là lúc họ đã thoát tiếng tơ tiếng đồng mà chỉ còn buông ra giữa không trung những âm điệu nhẹ nhàng êm ái hay mãnh liệt hùng hồn.

Trái lại chắc các bạn đã từng có khi đi xem hát bội. Một cô đào cho ta một câu rất lâm ly buồn bã đáng lẽ ta cũng cảm động ít nhiều, nhưng chán quá, nhìn dưới ghế ta thấy một thằng cha thầy tuồng đầu búi tó gương cận thị lép nhép nhắc cho chị đào hết câu bắc đến câu nam thì thật dù ta cảm động đến mấy cũng hóa rất bật cười.

Tôi nghĩ một thiên tiểu thuyết hay cũng giống như cái điệu đàn đã thoát tiếng tơ, mà nhà văn sĩ biết trọng nghệ thuật chắc không bao giờ lại đi bắt chước thằng cha nhắc tuồng, vọt ra ngồi chõm ngõm giữa sân khấu.

Tạp chí Tao đàn số 2, ngày 16-3-1939





Nói chuyện thơ

Vừa chân ướt chân ráo từ Quảng-trị ra, anh Lưu Trọng Lư đọc cho tôi một thôi, một hồi cả một tập thơ, những vần thơ nóng hổi rướm máu căm thù, chan hòa một tình yêu tha thiết đối với đồng bào, đối với đất nước, những thanh âm những hình ảnh, những ý, những lời, những chữ, những vần đã gieo xuống một cách táo bạo, ngang tàng mà vẫn hài hòa với nhau, ăn khớp với nhau một cách sung sướng. Cái độc đáo ấy nhiều khi đến chỗ kỳ diệu, làm rung dậy cả lòng người.

Tả cảnh đồng bào vùng bị chiếm, tranh với giặc để gặt lúa ban đêm, có những câu thần tình như thế này:

Đồng vắng vắng teo
Đêm về đen tối
Gặt mau gặt hối,
Gặt vội cho nhiều,
Một hai, ba, bốn cũng liều.
Gặt mau kẻo giặc đốt thiêu lúa đồng.
Ông ơi cứ tối đi ông!
Giúp cho kẻ khó một công ngày mùa,
Gặt xong rồi sáng cũng vừa,
Đêm nay là buổi giao thừa đói no.
(Gặt lúa của Trung đoàn 95, thơ tập thể)


Cả một bức tranh, cả một cuộc sống linh động, biết bao cảm tình kháng chiến. Những chữ "một, hai, ba, bốn" đã hình dung tất cả một tác động, một ý chí một quyết tâm ghê gớm. Câu "ông ơi cứ tối đi ông" nó biểu hiện một tâm trạng rất người, trong những phút lo sợ cay cực của người dân quê "đêm nay là buổi giao thừa đói no". Chữ giao thừa dùng ở đây thật là tuyệt tác. Đây là chỗ giáp múi của sống và chết, của đói và no. Cướp được hột lúa lúc này là yên vui, là sống, là kháng chiến. Không cướp được là rụng rời, là khốn khổ, là chết.

Và đây là hình ảnh người dân quân:

Giặc trên không đổ xuống
Giặc dưới nước đùn lên
Giặc vây chặt bốn bên,
Giặc đen dày bổ lưới!
Những giặc vào xóm dưới,
Anh đã tới làng trên
Giặc cất bước đi lên,
Anh vòng quanh trở xuống,
Anh lộn quèo lộn cuống
Giữa lũ giặc sói lang,
Quyết ôm chặt xóm làng
Như ấp iu núm ruột.
(Vĩnh Mai)


Thật là cả cái hình ảnh vĩ đại của cuộc chiến tranh ác liệt giữa ta và địch, giữa các xóm làng. Một cuộc vật lộn để giành từng tấc đất, từng tấc dân, từng tấc sống. Nhưng mà cảm động biết bao là cái ý chí sắt đá của người dân quân:

Quyết ôm chặt xóm làng
Như ấp iu núm ruột.


Một chữ núm ruột, đã diễn tả được cái máu mủ, cái ruột thịt của người dân: níu lấy nó là sống, buông nó ra là chết. Và thêm mấy chữ "lộn quèo lộn cuống" lại càng diễn được cái cảnh vật lộn xoay tròn để giành lấy nó.

Tả cuộc sống cứ trỗi dậy giữa cảnh tàn phá đốt cướp của giặc, có những câu như:

Tóc vàng rụi, mạ xanh rờn
Tre già cháy trụi, măng non đâm chồi.
Hồng Chương


Biết bao là màu sắc, là thanh âm, là ý nghĩa nó cô đọng lại trong câu lục bát ấy.

Và còn bao nhiêu bài thơ nữa, thi tứ rất dồi dào, nhạc điệu rất phong phú, của những tác giả mới lạ, mà phần lớn tôi không quen biết. Cố nhiên trong nhiều vần thơ còn lắm vụng về, bừa bãi nhưng mà đó là những cái dấu hiệu tất nhiên của thơ trẻ.

Sau một phút im lặng để lắng lại lòng mình, chúng tôi không ai bảo ai, đều phải xác nhận một sự thực. Sống phải sống cái sống vĩ đại của nhân dân, phải cảm cái cảm sâu sắc của đại chúng, phải chiến đấu trong cái chiến đấu anh dũng của dân tộc, mới nảy nở ra những vần thơ nóng hổi ấy.

Bình-Trị-Thiên, nơi đã chuyển bại thành thắng, nơi từ trong máu lửa và nước mắt đã vươn mình ra ánh sáng để một lớp thi nhân vừa làm thơ, vừa bắng súng vào đầu giặc ấy.

Nhưng thơ đây không phải sự nghiệp một người, thơ đây là tất cả. Đồng bào trong khi đánh giặc là họ đã làm thơ rồi, đây là một thiên anh hùng ca hào hứng vô cùng. Còn thi nhân, anh chỉ một chàng trẻ tuổi, vô danh nào đó cũng được, chỉ làm cái việc "nhớ, hiểu, và sắp đặt lại cho nó thứ tự còn tất cả là của dân chúng sáng tạo ra" (Glinka).

Báo Thép mới số 1, ngày 10-10-1949



Chú thích của người sưu tầm:

Báo Thép mới là cơ quan của Chi hội văn nghệ Liên khu 4, xuất bản tại Nghệ-an trong thời kỳ kháng chiến.



*




Những dòng chữ cuối cùng của Hải Triều

Trước lúc thở hơi cuối cùng tại bệnh viện Hà-lũng (Thanh-hóa) hồi 13 giờ ngày 6-8-1954, đồng chí Hải Triều đã cố gắng viết một bức thư cho đồng chí Tố Hữu, một chúc thư gởi các đồng chí văn nghệ, và mấy dòng tỏ lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Dưới đây là nguyên văn những tài liệu đó.



Bức thư gửi đồng chí Tố Hữu

Anh Tố Hữu thân mến,

Tôi về đến Khu IV thì đau nặng và hôm nay viết chúc thư gửi anh đây.

Công tác tuyên truyền trong thời gian này quan trọng quá. Tôi chúc anh thắng lợi. Anh nói với anh Trường Chinh tôi chúc mạnh giỏi và chúc Trung ương Đảng ta thắng lợi trong công tác cách mạng. Tôi còn một hơi thở nhẹ viết cho anh đây. Vấn đề văn nghệ và văn hóa cần tiến mạnh hơn quân thù xa.

Hồ Chủ tịch muôn năm.

Trước khi chết nhớ Bác quá.


Chúc thư

Các đồng chí văn nghệ. Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng. Các đồng chí cố gắng lên. Chúc tất cả mạnh giỏi và hôn tất cả. Hải Triều.

Đời tôi không thắc mắc với đời.
Đấu tranh kịch liệt chống đế quốc đi.
Còn đế quốc là còn chiến tranh.
Một công tác kiến thiết cũng là một phát súng vào đầu giặc Mỹ.
Hòa bình muôn năm. Cách mạng thành công...
Ban. Hải.

Nguồn: Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng ChÆ°Æ¡ng sÆ°u tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Ná»™i 1965, tái bản lần thứ nhất 1972