© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
24.11.2004
Đỗ Kh.
Một cánh đồng dương
 
Lúc đó trời mờ sáng và tôi đang ngủ, những cái đầu gật gù ở những băng trên theo nhịp lắc của xe choán hết tầm nhìn. Cái lúc lắc chót là cái làm tôi mở mắt, nhìn ngang ra ngoài thì người đàn bà bế đứa con trần truồng đang há hốc miệng bên cửa kính. Cô này lúc lên xe ở ngoài thị trấn Nha Trang thì lọt vào chỗ ngồi giữa nhưng cô vươn ngay mình qua người tôi bên cửa sổ. Xe rất chật, chiếm được chỗ này và thõng được một tay ra ngoài, tôi đã nhất định tử thủ ở vị trí cho đến khi xuống ở Đà Nẵng. Chẳng phải vì lịch sự với phụ nữ nhưng khi nhìn đứa bé 6 tháng chỉ bọc hờ bằng một cái khăn bông là tôi đã sợ, khi người mẹ giải thích “Đây là lần đầu em đi xe đường dài, chưa gì em đã muốn ói” là tôi vội vàng nhường ngay. Giờ thì bốn bên tôi đều không thấy hết quang cảnh, tứ chi thì không biết xếp vào đâu. Xe qua cầu chầm chậm, không một bóng bên đường còn đẫm đặc những làn sương. Trên khắp miền đất nước, tôi không nhớ một cảnh nào đẹp hơn là lúc ấy và chỗ ấy, sông Trà Khúc đâm ra biển ở thị xã Quảng Ngãi.

Nếu tỉnh hơn một chút và cựa quậy người được, có lẽ tôi đã kêu anh tài ngừng lại cho tôi xuống. Nhưng đánh thức bằng nấy người đang ngủ tôi không nỡ, chứ không phải vì tiếc dịp quan sát gần cái miệng đang mở của cô gái một con ngồi cạnh cho đến mòn con mắt. Phần nữa, phố chưa có hàng nào mở cửa, xách túi xuống ngồi ở vệ đường đợi đến lúc có quà sáng là một viễn tượng chẳng gì hào hứng. Cảnh thì có đẹp thật, nhưng ý tưởng vừa chợt nở trong óc không là để chụp hình. Đây là Quảng Ngãi, quê hương của phụ nữ hiếm lông theo lời đồn đại và có một cánh đồng dương bên bờ biển, nơi vào đầu tháng 9.1945 nhà cách mạng Tạ Thu Thâu [1] bị sát hại như là một tên Việt gian.

Do ai giết? “Thì thằng Giàu chứ còn ai!” người đàn ông quát. Tuy đã lớn tuổi và đẫy đà bệ vệ, từ chân mày đến giọng nói bác sĩ Hồ Tá Khanh, khi trong thập niên 80 tôi có dịp tiếp xúc với ông nhiều lần, vẫn còn cái quắc thước của một người trung trực. “Đến tôi mà nó cũng còn định giết! Đó là cái thằng… bất nhân bất nghĩa! Lúc nó sang Pháp, chính anh Thâu lo cho nó từng bữa ăn đến quyển sách!” Ông nghẹn cả giọng “Nó... nó... Có lần tôi lên Paris, anh Thâu đưa tôi mấy cuốn sách, nhắn là mang về Marseille cho Giàu nó đi học. Mà thằng đó thì học hành cái gì! Sau này nó sang Moscou vài tháng cho tụi Komintern huấn luyện, nó trở về học được cái giết người!” Thiếu điều ông ta văng tục. Nhưng tôi chưa bao giờ nghe bác sĩ Khanh chửi thề, ngay khi nhắc đến Trần Văn Giàu, học giả về sau này và nhân vật chủ chốt của Nam kỳ khởi nghĩa. Bác sĩ Khanh là người có học theo nghĩa cổ điển, và tư cách nhà nho tuy ông khoa bảng trường Tây (viết câu này có thể chạnh lòng ông nếu ông còn sống, tôi thường nghe ông nhắc “Cha tôi hay bảo, chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!”) [2] Ông thân thiết với Tạ Thu Thâu trong thời gian du học và vẫn quen gọi mỗi khi nói đến là “anh Thâu”. Chữ “anh” này đầy kính nể và thương mến, có khác với một chữ “anh” khác ông dùng theo thói quen đầu đời, lúc niên thiếu ở Phan Thiết, khi thày giáo Thành đến nhà ông ngụ và dậy học tại trường Liên Thành do thân phụ của ông (Hồ Tá Bang) lập ra. “Anh Thành” thày giáo này họ là Nguyễn Tất và chưa mang tên Ái Quốc.

“Chính nó xui tôi nhận lời vào chánh phủ Trần Trọng Kim để cho mình có tay trong tay ngoài. Tôi ngu dại mà nghe lời nó! Một hôm Mỹ ném bom Sài Gòn... Tôi xuống hầm trú thì gặp Huỳnh Phú Sổ. [3] Tôi hỏi ý dò la về chuyện này thì Huỳnh Phú Sổ cũng bảo “Anh nhận đi, chắc như bắp!”. Ông trợn tròn hai mắt “Tại vậy thì tôi mới nhận, chứ tôi biết gì về kinh tế! Tôi phải mang theo Trần Văn Văn [4] để giúp tôi làm Đổng lý Văn phòng! Ở tại Huế, mỗi lần họp xong nội các, tôi đều tường trình bí mật lại cho chúng nó, vậy mà...” ông lại nghẹn cơn giận của 40 năm về trước chưa nguôi “Vậy mà thằng Giàu còn ra lệnh giết tôi!”

Trên đường ra kinh nhậm chức Bộ trưởng trong “cơn gió bụi” này, bác sĩ Khanh đi cùng một xe với luật sư Trịnh Đình Thảo, [5] Bộ trưởng Tư pháp. Đến Đà Nẵng, ông theo luật sư Thảo đến nhà lao chứng kiến cảnh ân xá các tội phạm chính trị. “Thảo nói ‘Chính phủ độc lập thả các anh ra, nhưng mà các anh không phải là cộng sản à nhe! Không phải là cộng sản thì mới được!’ Tôi đứng đó bực mình quá, tuy không phải là chuyện của tôi, tôi mới cướp lời can thiệp ‘Ông Bộ trưởng nói vậy là không được! Tù chính trị quốc gia hay là cộng sản gì chính phủ cũng phải thả hết!’ Trước mặt mọi người, trước mặt tù, Thảo nó đành nghe tôi!” Sau khi Việt Minh cầm chính quyền, lúc về Nam qua Đà Nẵng, Hồ Tá Khanh bị họ bắt. Được vài hôm, một lãnh đạo công an hay huyện uỷ đến nói riêng “Tôi có mặt trong đám tù nhân được thả ngày hôm đó. Giờ, lệnh của Xứ uỷ là giết anh, nhưng anh đi đi, tại là anh chứ Trịnh Đình Thảo mà ở đây, không có lệnh thì tôi cũng giết!”

Bác sĩ Khanh về nhà, được mấy bữa thì nhà văn Đỗ Bá Thế [6] đến ôm ông khóc, bảo “Nó giết anh Thâu rồi! Em đi với anh Thâu đến Huế, ảnh bảo em đi riêng nghe ngóng và đánh lạc hướng đề phòng. Ảnh đi một mình đến Quảng Ngãi bị bắt, em xuống dò la thì biết là nó mới giết đây! Em đi theo anh Thâu thì em cũng đã chết rồi!” Chuyện giết này, Đỗ Bá Thế không chứng kiến và tất nhiên là không có chữ k‎ý, văn kiện. Điều ai cũng biết chỉ là Trần Văn Giàu một tay vỗ vào bao súng ngắn, tay kia cầm danh sách mà ông rêu rao là 200 người. Tại Miền Nam, các nhân vật từ Quốc gia như Hồ Văn Ngà, tôn giáo như Huỳnh Phú Sổ đến Trốt-kít như Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Phương… đều ở trong thời gian này bị thiệt mạng. Lữ Sanh Hạnh, thuộc Liên minh Cộng sản [7] và 30 người Đệ tứ khác bị Dương Bạch Mai bắt giam tại Khám lớn (14.9.1945), thoát khỏi xử trảm vào dịp quân Anh-Ấn đến Sài Gòn (22.9).

Cũng vào dịp này, Công binh Đệ tứ (xưởng Ba Son và Đề pô xe điện Gò vấp), khoảng 400 người, đã viết những trang chiến sử đầu của Việt nam độc lập. [8] Tại trận Thị Nghè, Gia Định, Cầu Bông chống lại lính Anh, 210 người trên 214 tử trận. Trần Đình Minh (tức nhà thơ Nguyễn Hải Âu, từ Bắc vào) dẫn vài trăm còn lại theo Đệ tam Sư đoàn của Nguyễn Hoà Hiệp, và tử trận khi đánh Pháp vào tháng giêng năm 1946. Tại Suối Xuân Trường, Thủ Đức, 68 người cuối chấp nhận để cho Việt Minh giải giới vì không muốn đổ máu giữa kháng chiến với nhau. 64 người bị dẫn đi Phan Thiết, đến sông Lòng thủ tiêu tập thể. [9] Lực lượng tiên phong của Nam kỳ khởi nghĩa bị hoàn toàn xoá tên, ngay cả trong ký ức của lịch sử cuộc nổi dậy. [10]

Mùa hè trước khi lên cấp 2, bố tôi mỗi ngày gởi tôi đi học nhạc. Ông là một nghệ sĩ... hụt nên có mộng cho con vào trường Quốc gia Âm nhạc, nhưng vì tôi không có khiếu nên mộng này phải vỡ sau 3 tháng kiên trì Do Re Mi. Lớp dậy tư luyện thi ở đường Tạ Thu Thâu, Sài Gòn, và tôi trở thành gắn bó với cái tên, có lẽ bởi vì cô bé cùng tuổi trong lớp được giao trọng trách đàn dương cầm cho tôi ngồi đoán và chép lại nốt nhạc. Tan lớp, tôi và cô này ra đi bộ dưới những tàn me, chia nhau mứt me đồng tiền [11] và trao đổi sách truyện. Tạ Thu Thâu tôi không rõ là ai hết, nhưng từ dạo ấy, mỗi lần nghe tên vẫn âm vang những hình ảnh êm đềm. Đường này tên đặt vào dưới thời Ngô Đình Diệm [12] (“Thằng Diệm…”, bác sĩ Hồ Tá Khanh lại nổi giận, “…Nó cũng muốn giết tôi nên tôi phải qua Pháp!”), như đường Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm và người thành phố vẫn còn quen gọi, bót Huỳnh Văn Phương. Và nếu đã xuống xe lần đó ở Quảng Ngãi, đến được cánh đồng dương ở bờ biển Mỹ Khê chắc tôi cũng chẳng nghe thấy gió hay là sóng, tiếng kêu hay là tiếng súng, mà nghe từng tiếng chậm nắn nót dương cầm.

Vài năm sau chuyến xe đò Quảng Ngãi, tôi có dừng lại ở Đồ Sơn. Tôi ngụ tại biệt thự Hoa Lan của Công đoàn, ngay tại phòng mà ban quản lý gọi là “phòng Lê Duẩn”. Phòng Lê Duẩn (hay Đỗ Mười?) này có môt cái tủ lạnh Saratov, một bộ ghế Trung Quốc có bày cả ống nhổ và phòng tắm thì bồn nằm hoen ố dưới một cái rôbinê sét rỉ, chắc phải gọi là phòng tắm (toàn quyền) Decoux. Nhưng phòng Lê Duẩn có một cái ban công rất rộng, một phần che bởi tàn cây cổ thụ. Đêm mới xuống, tôi ra đó đứng, Tôi đang mơ mộng ở cái khoảng thời gian nhập nhàng giữa chiều và tối này, phóng mắt ra hướng biển nhưng không nhìn thấy bãi. Mới vừa sinh tình định làm… thơ thì đèn bật, trước mặt tôi sáng chói nhiều màu và chớp nháy đăng hoa. Cách khoảng chừng 100 mét, là cái Casino vừa mới cất và dành riêng cho khách nước ngoài. Thì cũng bờ biển, cảnh thì không đẹp bằng sông Trà Khúc và theo tôi biết, chẳng có ai từng bị mang ra hành quyết. Nhưng những nốt dương cầm để tập viết chầm chậm bỗng nhiên tôi lại nghe thấy, giữa tiếng nhạc tăng âm vừa mới phát từ sòng bài đến của một bài hát Đài Loan.

© 2004 talawas



[1]Tạ Thu Thâu (1906-1945) sang Pháp học năm 1927 và tham gia Đảng Độc lập Việt Nam (PAI) của Nguyễn Thế Truyền. Năm 29 ông gặp Alfred Rosmer thuộc Tả Đối lập và trở thành Trốt-kít với Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh. Sau khi tổ chức cuộc biểu tình phản đối việc xử bắn tại Yên Bái (1930) trước điện Élysées (dinh Tổng thống Pháp) ông bị trục xuất về nước. Hoạt động trong nước (nhóm Tranh đấu) thời gian sau, Tạ Thu Thâu 5 lần lãnh án, tổng cộng 13 năm tù và 10 năm biệt xứ. Cuối năm 44, được thả từ Côn Đảo với ½ thân bại xuội, ông ra Bắc liên hệ với các đồng chí của đảng Thợ thuyền xã hội. Trên đường về, ông dừng lại Quảng Ngãi, có thể vì lời hứa chăm sóc một người con của Nguyễn An Ninh tại đây, nên bị bắt và thủ tiêu.
Ai đã ám sát Tạ Thu Thâu và những người Đệ tứ Việt nam?, Hoàng Khoa Khôi, Hồ Sơ Đệ Tứ, 1993 (Tủ sách Nghiên Cứu, B.P. 246, 75224 Paris Cedex 11, France)
www.marxists.org/history/ etol/revhist/backiss/vol3/no2/thau.html
Nhân chứng duy nhất thuật lại sự việc được chứng kiến là Nguyễn Văn Thiệt, trên tuần báo Hồn Việt số 7 và số 8 (30.7 và 7.8 năm 1949) có đăng lại trong Người Việt tại Pháp của Đặng văn Long, Tủ Sách Nghiên Cứu, 1997.
www.danchu.net/ArticlesChinhLuan/ CollectionVN/TanDuc001.htm
[2]“(Tạ Thu Thâu): ‘Hồ Tá Khanh là kẻ sĩ đời nay, một nhà nho trong tâm hồn, đội lớp tân học Âu Mỹ trong kiến thức. Theo tôi thì anh không thể ngồi cắm đầu thi hành đúng theo chương trình của phát xít Nhựt đưa ra để duy trì nền kinh tế chiến tranh đang tiếp diễn tại Thái Bình Dương” Bà Phương Lan, Nhà cách mạng Tạ Thu Thâu, Khai Trí, Sàigòn, 1974.
[3]Giáo chủ Phật giáo Hoà Hảo.
[4]Chính khách miền Nam, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Thương Mại Pháp (HEC).
[5]Sau này lại là nhân vật trong Mặt Trận Giải Phóng miền Nam!
[6]“Thím Bảy Giỏi”.
[7]Vì phong trào Trốt-kít chi sơ, tánh bản ưa cãi nhau (còn gọi là đa nguyên), nên tại Việt Nam ngoài nhóm Tranh đấu còn có nhóm Tháng Mười, Tia Sáng, Chiến Đấu… Đảng Thợ thuyền xã hội là nỗ lực kết hợp các lực lượng Trốt-kít.
[8]http://www.revolutionary-history.co.uk/backiss/Vol3/No2/Hanh.html
[9]Xem Phan Văn Hùm, Trần Ngươn Phiêu (Hải Mã, P.O. Box 19543. Amarillo, TX 79114-9543, USA)
[10]Nhìn lại chặng đường đấu tranh của Đảng chống bọn trốt-kít phản động, Thế Tập, Tạp chí Cộng sản, số 2-1983.
[11]Dầy khoảng 3-4 mm và ướt, đường kính 25mm, ăn chấm với muối ớt.
[12]Ông Diệm giỏi đặt tên đường, cho anh ruột của ông (Ngô Đình Khôi, tức Cách mạng 1.11 trong thời gian 1963-1975 và hiện là Nguyễn Văn Trỗi) nhưng tài nhất là đặt cả tên đường cho người ông ám sát (?) là tướng Cao Đài Trịnh Minh Thế.