© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: TÆ° liệu văn học
 1   2   3   4   5   6   7   8 
29.11.2004
talawas
Ai là ai?
 
1.

Sau Ý kiến chính thức của Ban thư kí Hội nhà văn Việt Nam về bài “Gặp Tố Hữu ở biệt thự 76 Phan Đình Phùng” đăng trên báo Văn Nghệ ngày 20.11.2004, ông Hữu Thỉnh, Tổng thư kí HNVVN đã trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng về sự việc này. Nguyên văn bài phỏng vấn này đã được talawas link trong mục spectrum ngày 22.11.2004, xin gọi là bản 1, như sau:



Sự thật về bài báo "Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng"


Trên báo điện tử Taloas ở nước ngoài, số ra ngày 3/11 vừa qua có đăng bài “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng" của tác giả Nhật Hoa Khanh, tức Ngọc Tỉnh. Nội dung bài viết đã gây nên sự nghi hoặc trong dư luận bạn đọc về tính xác thực của những thông tin mà tác giả đưa ra. Trước sự bức xúc của gia đình nhà thơ và của bạn đọc đối với tính xác thực của bài viết trên, Ban thư ký hội nhà văn Việt Nam đã có các buổi làm việc với gia đình nhà thơ Tố Hữu và những người có liên quan. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phỏng vấn nhà văn Hữu Thỉnh-Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam về thực hư của bài viết này.

** Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm về bài viết của tác giả Nhật Hoa Khanh, với tư cách là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm của mình về bài viết này?

Sau khi bài viết này được phổ biến rộng rãi trên mạng thì Ban thư ký chúng tôi đã tiến hành nhiều buổi làm việc với gia đình nhà thơ Tố Hữu, với tác giả Ngọc Tỉnh là người trực tiếp phỏng vấn bà Vũ Thị Thanh-vợ của nhà thơ Tố Hữu. Bà Vũ Thị Thanh nguyên là phó Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và là thư ký riêng của nhà thơ Tố Hữu trong nhiều năm nên biết rất rõ những tư liệu, những bài viết, những cuộc tiếp xúc, hoạt động của nhà thơ Tố Hữu, nhất là những cuộc tiếp xúc vào những năm cuối đời của nhà thơ Tố Hữu. Chúng tôi cũng gặp một số nhân vật có liên quan đến bài viết của Nhật Hoa Khanh. Kết quả làm việc một cách thận trọng, nghiêm túc cho phép chúng tôi nói rằng bài viết của Nhật Hoa Khanh là một tài liệu giả mạo, mượn danh Tố Hữu để nói ý kiến riêng của tác giả. Đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân cách của một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, là một nhà thơ lớn, nhà văn hoá lớn của Cách mạng, của nhân dân Việt Nam được bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Thứ 2 là với lời lẽ bị đặt, mang tính vu cáo trắng trợn, tài liệu giả mạo nói trên của Nhật Hoa Khanh đã gây hoang mang nghi ngờ trong giới văn nghệ sĩ, tạo nên những nhận thức sai lạc đối với những bạn đọc thiếu thông tin, gây rối và làm lẫn lộn trắng đen trong đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta. Điều thứ 3 trong lời nói đầu của tờ Taloas nói rằng cuộc phỏng vấn của tác giả Ngọc Tỉnh với bà Vũ Thị Thanh, người vợ goá của nhà thơ Tố Hữu có mặt nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, có mặt ông Trịnh Thúc Quỳnh và ông Hà Minh Đức. Chúng tôi đã làm việc với các vị nói trên và được phép nói rằng đây là một thông tin hoàn toàn bịa đặt, đây là một cách làm báo bất chấp sự thật, bất chấp nguyên lý sơ đẳng và đạo lý tối thiểu của người làm báo và của nghề làm báo.

** Thưa ông, qua đây ông có thể nói gì thêm về trách nhiệm của 1 người cầm bút đối với bạn đọc?

Trách nhiệm của người cầm bút được hiểu theo nghĩa rất rộng là những người muốn cung cấp thông tin cho người nghe và người đọc thì trước hết phải là trung thực. Người làm báo khi làm bất cứ điều gì thì nguyên tắc tối thiểu và hàng đầu là phải tôn trọng sự thật bởi nếu không tôn trọng sự thật, bỏ qua sự thật, đánh mất sự thật thì đó là điều vô giá trị, phải có đạo đức và tư cách của người làm báo, của người viết văn. Đó là trách nhiệm xã hội, không thể nhân danh tự do sáng tác để chà đạp lên sự thật, bất kể đến những nguyên tắc tối thiểu của đạo lý. Điều đó sẽ bị chính đời sống bác bỏ./.

** Xin cảm ơn ông!

Thời sự VOV




Chậm nhất là ngày 27.11.2004, cũng ở điạ chỉ của bài này trên trang Thời sự VOV (http://www.vov.org.vn/2004_11_20/vietnamese/chinhtri1.htm), một số chi tiết trong bài bỗng nhiên thay đổi, xin gọi là bản 2 (các chi tiết có sự thay đổi được talawas in đậm để độc giả tiện theo dõi) như sau:


Sự thật về bài báo "Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng"


Trên báo điện tử Taloas ở nước ngoài, số ra ngày 3/11 vừa qua có đăng bài “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng" của tác giả Mai Quốc Liên, tức Ngọc Tỉnh. Nội dung bài viết đã gây nên sự nghi hoặc trong dư luận bạn đọc về tính xác thực của những thông tin mà tác giả đưa ra. Trước sự bức xúc của gia đình nhà thơ và của bạn đọc đối với tính xác thực của bài viết trên, Ban thư ký hội nhà văn Việt Nam đã có các buổi làm việc với gia đình nhà thơ Tố Hữu và những người có liên quan. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phỏng vấn nhà văn Hữu Thỉnh - Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam về thực hư của bài viết này.

** Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm về bài viết của tác giả Mai Quốc Liên, với tư cách là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm của mình về bài viết này?

Sau khi bài viết này được phổ biến rộng rãi trên mạng thì Ban thư ký chúng tôi đã tiến hành nhiều buổi làm việc với gia đình nhà thơ Tố Hữu, với tác giả Ngọc Tỉnh là người trực tiếp phỏng vấn bà Vũ Thị Thanh-vợ của nhà thơ Tố Hữu. Bà Vũ Thị Thanh nguyên là phó Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và là thư ký riêng của nhà thơ Tố Hữu trong nhiều năm nên biết rất rõ những tư liệu, những bài viết, những cuộc tiếp xúc, hoạt động của nhà thơ Tố Hữu, nhất là những cuộc tiếp xúc vào những năm cuối đời của nhà thơ Tố Hữu. Chúng tôi cũng gặp một số nhân vật có liên quan đến bài viết của Mai Quốc Liên. Kết quả làm việc một cách thận trọng, nghiêm túc cho phép chúng tôi nói rằng bài viết của Mai Quốc Liên là một tài liệu giả mạo, mượn danh Tố Hữu để nói ý kiến riêng của tác giả. Đây là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân cách của một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước, là một nhà thơ lớn, nhà văn hoá lớn của Cách mạng, của nhân dân Việt Nam được bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Thứ 2 là với lời lẽ bị đặt, mang tính vu cáo trắng trợn, tài liệu giả mạo nói trên của Mai Quốc Liên đã gây hoang mang nghi ngờ trong giới văn nghệ sĩ, tạo nên những nhận thức sai lạc đối với những bạn đọc thiếu thông tin, gây rối và làm lẫn lộn trắng đen trong đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta. Điều thứ 3 trong lời nói đầu của tờ Taloas nói rằng cuộc phỏng vấn của tác giả Ngọc Tỉnh với bà Vũ Thị Thanh, người vợ goá của nhà thơ Tố Hữu có mặt nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, có mặt ông Trịnh Thúc Quỳnh và ông Hà Minh Đức. Chúng tôi đã làm việc với các vị nói trên và được phép nói rằng đây là một thông tin hoàn toàn bịa đặt, đây là một cách làm báo bất chấp sự thật, bất chấp nguyên lý sơ đẳng và đạo lý tối thiểu của người làm báo và của nghề làm báo.

** Thưa ông, qua đây ông có thể nói gì thêm về trách nhiệm của 1 người cầm bút đối với bạn đọc?

Trách nhiệm của người cầm bút được hiểu theo nghĩa rất rộng là những người muốn cung cấp thông tin cho người nghe và người đọc thì trước hết phải là trung thực. Người làm báo khi làm bất cứ điều gì thì nguyên tắc tối thiểu và hàng đầu là phải tôn trọng sự thật bởi nếu không tôn trọng sự thật, bỏ qua sự thật, đánh mất sự thật thì đó là điều vô giá trị, phải có đạo đức và tư cách của người làm báo, của người viết văn. Đó là trách nhiệm xã hội, không thể nhân danh tự do sáng tác để chà đạp lên sự thật, bất kể đến những nguyên tắc tối thiểu của đạo lý. Điều đó sẽ bị chính đời sống bác bỏ./.

** Xin cảm ơn ông!

Thời sự VOV



Theo bản 1 thì Nhật Hoa Khanh, tác giả của Gặp Tố Hữu… chính là Ngọc Tỉnh, người đã thực hiện cuộc phỏng vấn bà Tố Hữu với nội dung phản đối Gặp Tố Hữu... Theo bản 2 thì Nhật Hoa Khanh biến mất, tác giả của cả Gặp Tố Hữu… lẫn cuộc phỏng vấn bà Tố Hữu bỗng là nhà nghiên cứu và phê bình văn học Mai Quốc Liên, trước đây chưa thấy được nhắc đến trong vụ việc này. Nói cách khác, độc giả chỉ có cách hiểu rằng Nhật Hoa Khanh, Mai Quốc Liên và Ngọc Tỉnh là cùng một người với những bút danh khác nhau. Như thế, xét từ văn bản đăng chính thức trên trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam, vấn đề nhân sự của vụ “Biệt thự 76 Phan Đình Phùng” có thể “gây hoang mang nghi ngờ”, “tạo nên những nhận thức sai lạc”, “gây rối và làm lẫn lộn trắng đen”… Nhưng thực tế có lẽ không hẳn trầm trọng như vậy. Ông Nhật Hoa Khanh và ông Mai Quốc Liên là hai nhân vật hoàn toàn khác nhau, đó là điều mà hàng trăm người trực tiếp quen biết hai ông có thể dễ dàng xác nhận. talawas cũng đã xác nhận nguồn tin, rằng ông Nhật Hoa Khanh không hề là phóng viên Ngọc Tỉnh. Về sự hiện diện đột ngột của ông Mai Quốc Liên, cũng như việc ông có chính là phóng viên Ngọc Tỉnh hay không, chúng tôi không có thông tin.

Cho đến đêm 28.11. rạng ngày 29.11.2004, khi talawas đưa bài này lên mạng, bản 2 trên trang Thời sự VOV vẫn còn nguyên nội dung như trên. Song việc thay đổi nội dung hay bóc một bài đã đăng mà không có thông báo gì cho độc giả không hẳn là hiếm trên báo điện tử Việt Nam. Phần 3 trích đoạn của Gặp Tố Hữu… trên trang điện tử của báo Quân Đội Nhân Dân ở điạ chỉ http://www.quandoinhandan.org.vn/right.php?id_new=25920 còn hoạt động đến ngày 25.11.2004, nay chỉ là một khoảng trống.

Hi vọng rằng sự lẫn lộn đang diễn ra chỉ là kết quả của một sơ suất về kĩ thuật, và vấn đề nhân sự không có gì là uẩn khúc của vụ “Biệt thự 76 Phan Đình Phùng” sớm được làm sáng tỏ.


2.

Uẩn khúc thật sự trong vụ việc này nằm ở chỗ khác.

Danh sách các tờ báo tại Việt Nam từng đăng những trích đoạn khác nhau từ tài liệu Gặp Tố Hữu… của Nhật Hoa Khanh đã dài thêm. Ngoài Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội, Quân Đội Nhân Dân như đã nêu, còn có thêm các tờ Công An Nhân DânTạp chí Sân Khấu. Trong số đặc biệt kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5.2004, Tạp chí Sân Khấu đã đăng trích đoạn Tố Hữu nói về đại tướng Võ Nguyên Giáp, và các trích đoạn Tố Hữu nói về Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng. Cho đến nay, các tờ báo này không bình luận về ý kiến của Ban thư kí HNVVN và cũng không cải chính về những trích đoạn đã đăng này.

Song bất ngờ lớn nhất đến từ chính tờ Văn Nghệ.

Phụ san Thơ của tờ Văn Nghệ, tờ báo của HNVVN, số 3, quý III năm 2003, dành nguyên một trang khổ lớn cho bài của Nhật Hoa Khanh ghi lời chuyện trò của Tố Hữu, với tấm hình Tố Hữu thuở trẻ. Đó là đoạn nói về hai bài thơ của Tố Hữu, Mười nămTiểu đội anh hùng, như có thể so sánh với cùng phần này trong tài liệu Gặp Tố Hữu ở biệt thự 76 Phan Đình Phùng mà Ban thư kí HNVVN vừa kết luận là giả mạo.

Thiết nghĩ, trong trường hợp này mọi bình luận đều là thừa.


3.

Vĩ thanh

Đây là những dòng bổ sung 12 tiếng đồng hồ sau khi bài này lên mạng. Lí do: Bản 2 như đã dẫn trong bài vừa được trang Thời sự VOV thay bằng bản 3, trong đó ông Mai Quốc Liên lại hoàn toàn biến mất, cũng đột ngột như khi ông xuất hiện; Nhật Hoa Khanh chỉ còn là Nhật Hoa Khanh, tác giả của bài Gặp Tố Hữu…, không có nhiệm vụ đồng thời là phóng viên Ngọc Tỉnh nữa. Câu hỏi về sự hiện diện và sự ra đi của ông Mai Quốc Liên sẽ ám ảnh những người soạn bộ Who is Who cho văn học Việt Nam sau này. Trong phạm vi khả năng của mình, với linh cảm về tính vô thường của các thông tin trên mạng, chúng tôi chỉ có thể lưu trữ giúp độc giả trang Thời sự VOV đã đăng bản 2. Mời bạn bấm vào đây.


© 2004 talawas