© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.12.2004
Đỗ Khiêm
Kí sự đi Tây
6 kỳ
 1   2   3   4   5   6 
 
Đi là về

Cái sướng của người đọc du ký là mình chẳng phải đi đâu, cứ ngồi một chỗ (hoặc trùm chăn, nếu là mùa đông) mà cũng biết được khối chuyện thiên hạ, từ chuyện lạ tới chuyện quen cứ như mình đang phất phơ ở những trời ấy biển ấy đất ấy, gặp những người ấy. Hồi xưa mấy nhà thám hiểm, mấy ông cố đạo đều từng viết du ký, trước để cho vua đọc, sau để thần dân cùng đọc, cùng sướng (hay cùng khổ). Bây giờ thì bạn đang có trên tay một tập du ký, tập KÝ SỰ ĐI TÂY của anh chàng Ðỗ Khiêm. Anh chàng Khiêm này không phải nhà thám hiểm, cũng không phải cố đạo, những cái “sự” trong tập ký của anh chỉ là những chuyện linh tinh, lòng vòng, có vẻ như không quan trọng gì, ấy vậy mà đọc thấy sướng, nhất là với người chưa được sang Pháp, chưa một lần đến Paris như tôi. Từ chuyện cái khăn vuông Hermès, mốt thời trang của các cô gái Pháp mà bà bác của tác giả lại “sáng kiến” may thành cái bao lót chân mùa đông ngủ cho ấm, từ cái cầu vệ sinh công cộng mang tên Decaux tới chuyện hót phân chó trên đường phố Paris, từ cửa hàng Tati chuyên bán “xon” quần áo, tới anh người máy Situ lịch sự chỉ đường cho du khách, chỉ cặn kẽ hơn cả cảnh sát; những chuyện hay hay vui vui như thế cứ được kể một cách lẩn mẩn, cà rà, với một nụ cười, hiểu là giễu cũng được, hiểu là hóm cũng xong. Ðỗ Khiêm là một người viết ký có giọng, cái giọng khề khà, cà rỡn của anh nó tự nhiên chứ không phải do anh làm dáng hay uốn éo. Tôi chúa ghét những người văn chương uốn éo, những vị hay trình diễn thời trang (khỏe đẹp) trong văn. Ðỗ Khiêm không thuộc diện đó. Giọng của anh là do cách nhìn cách cảm cách nghĩ cách liên tưởng của anh mà có, nó chọn cho anh được một cách dẫn dắt các câu chuyện thật tự nhiên và đậm vị. Chẳng hạn, đây là đoạn tác giả chơi nghịch, hỏi ông người máy Situ cách đến nhà người yêu cũ bằng năm cách đi như sau: “Năm phút sau tôi lại tần mần cả năm tờ giấy chỉ đường ở trên tay do anh Situ trao tặng. Tôi xin lỗi là đã làm phiền máy. Tại hỏi chơi cho biết chứ người yêu cũ có cách nào mà đến được và hiện đại thì hiện đại, Situ không tài nào chỉ nổi. Tình nhân mới, may ra còn nhờ máy Minitel được, chứ tình nhân đã cũ rồi thì máy nào cũng phải chịu thua”. Những nhận xét vừa bất ngờ vừa có duyên như thế có nhiều trong tập sách này, có giòn tan như những miếng bánh mỳ baguette hay bánh sừng bò (croissant) đặc biệt Pháp và nướng chín kỹ. “Theo tôi nếu ở Pháp mà nói đến những cánh tay tròn trịa lẳng túi Vuitton là chẳng biết gì. Ở Pháp, không có cánh tay nào lẳng hơn những cánh tay đeo giỏ bánh mỳ”. Dĩ nhiên là cánh tay ấy thơm thơm mùi bánh mỳ căn bản và nó cũng đẹp một cách căn bản, không kiêu kỳ bắc bậc gì. Du ký, cái thể văn vừa bình dân vừa có văn hóa cao ấy, hình như thích hợp với Ðỗ Khiêm; ta thấy anh tung tẩy trong nó khá thoải mái, lúc đi lúc đứng lúc tạt ngang, chuyện kèo néo qua chuyện cột mà người đọc không bất mãn, vẫn vui lòng theo anh để cùng “du ký”. Có thể Ðỗ Khiêm còn là một nhà thơ. Một khi nhà thơ viết ký hay có thói lan man nhẩn nha đáng yêu, đằng nào rồi cũng tới đích, vội gì, mà có vội cũng không được nào, văn chương là chuyện dài dài, chuyện đời người, chứ đâu phải một sớm một chiều, ăn sống nuốt tươi mà xong. Chuyện văn chương cũng trùng với chuyện thưởng lãm cái đẹp, du khách phải đi tới đi lui, nhìn ngang nhìn ngửa, chọn nhiều góc độ để chiêm ngưỡng thì cái đẹp mới lộ dần ra. Tôi chưa được đi Tây (nghĩa là sang Pháp), nhưng hồi xưa qua những du ký của Ilia Êrenbua, của Pauxtôpxki, tôi đã mê Paris, một Paris hơi sương mờ lãng đãng như tranh ấn tượng, một Paris hơi cổ kính và đầy văn hóa. Sau đó, tôi lại đọc tiểu thuyết “Thao thức” (Bécxônnhítxa - nghĩa đen là - “Chứng mất ngủ”) của Alếcxăngđ Krôn, nhà văn Nga, lại được gặp gỡ một Paris khác, hiện đại hơn với Folies-Bergère, với Crazy Horse, với sex-shop. Các show-sex này dưới mắt một nhà văn Nga có văn hóa và không định kiến, không mặc cảm, hiện ra cũng không lấy gì đáng kinh sợ cho lắm. Bây giờ đọc KÝ SỰ ĐI TÂY của Ðỗ Khiêm, cũng thấy sex-shop, dưới mắt nhìn của một người du lịch văn hóa, vấn đề này hiện lên cũng chừng mực, không đến nỗi làm ta phải rùng mình vì “chủ nghĩa tư bản thối tha rẫy chết”, nhưng cũng không đến nỗi khiến ta mất ngủ, như khi đọc một số tác phẩm của một số nhà văn mình. Họ tả thực tận tình quá, nhiệt tâm quá về một chuyện đúng là “xưa như trái đất”.

Có thể gọi cuốn du ký này là “Paris mười bảy chặng” cũng được, từ lúc ngửi thấy cái mùi Pháp ở phi trường LAX, đến đoạn kết lấy hai câu thơ Garcia Lorca:

“Dẫu ta thuộc hết đường hết lối
Chẳng bao giờ tới được Cordoba”.

(Hai câu này, tôi (Th.Th.), lấy theo bản dịch của Hoàng Hưng), thì người đọc có thể ngả người, khà một tiếng: “Paris là thế, Tây là thế!”. Kiếm được tiếng khà ấy của người đọc, kể như người viết ký đã hoàn thành nhiệm vụ. Mười bảy chặng du hành, mười bảy khoảnh khắc, mười bảy đoạn phim vừa lướt qua. Có điều, qua mười bảy đoạn văn Việt rất sinh động ấy, thấy còn hơi nhiều những chữ tiếng Anh, tiếng Pháp xen vào. Ðiều này làm người đọc sực nhớ tác giả là một Việt kiều, thường xuyên cư trú tại Mỹ và Pháp. Những chữ tiếng Anh tiếng em này, phải hồi trước thì thấy cũng mệt, nhưng bây giờ, với phong trào ngoại ngữ đang dấy lên khắp ba miền Nam Trung Bắc, mạnh mẽ như phong trào đuổi chim sẻ ngày xưa bên Trung Quốc, thì hóa ra cũng hay hay. Các bạn độc giả có dịp trau dồi thêm ngoại ngữ mà mình đang theo đuổi, với những hy vọng mơ hồ... Ở Pháp có món chim sẻ rán không nhỉ?

Quảng Ngãi, giữa Ðông 93
Thanh Thảo


Chiếc khăn vuông lụa

Chỉ mới đến trước cửa phi trường, tôi đã đánh mũi ngay cái mùi quen thuộc: mùi Pháp Quốc. Nó không phải cái mùi lò bánh mỳ Poitou, Le French Bakery, mùi Café Croissant Doré, La Pagode, cái mùi Tây của Phở 99 mà mãi một hôm cô bạn đầm từ Pháp sang nhắc nhở tôi mới biết. Ðang ngồi ăn bánh xèo trên lầu trong khi giọng hát Khánh Ly nheo nhẻo nheo nhẻo, ngay lúc nhắc nhở gì về Paris, cô ta chợt bảo “Thì Paris đây này” làm tôi giật mình. Ngước đầu lên khỏi đĩa bánh xèo tôi nhìn lên tường treo mới thấy. Có hình Tour Eiffel đóng khung, có hình Arc de Triomphe, có hình Ðiện Invalides thì phải. Phố xá vắng tanh như vào dịp nghỉ hè tháng tám hay tháng bảy, loe hoe ở trong góc hình một vài mạng du khách ngớ ngẩn. Thì ra “Phở 99” cũng mang một cái tên Tây, là gì thì tôi quên mất, một cái tên Tây đi kèm với tên Việt, như là Cathy-Huệ, như là Carol-Kim, như là Elvis.

Ngày hôm đó làm tôi hơi quê với cô đầm cà chớn sang chơi Cali này. “Ờ, thì Paris”, tôi chỉ trả lời được bấy nhiêu. Nhưng lần này thì tôi nhận ra cái mùi Pháp Quốc thật (tuy là ở Paris, ngoài điện Invalides, Arc de Triomphe và Tour Eiffel, các bạn đừng lo, cũng có bánh xèo). Xe vừa đậu ngoài International Departures của LAX, ngay lằn trắng dưới bảng Air France (“The white zone is for loading and unloading only...” - khu vực trắng chỉ dành cho bỏ hành lý xuống, chất hành lý lên và cấm đậu...), tôi vừa lễ mễ khiêng mấy cái vali xuống vỉa hè đã bắt ngay được cái dáng của Kinh Ðô Ánh Sáng lập lòe. Ba ông tây ăn mặc business đứng ngoài nấn ná cái chút gió Santa Ana còn lại trước khi về nước, nhưng tại họ đàn ông nên tôi không buồn tả kỹ làm gì, và một cô loáng thoáng đi vào phía trong building. Áo blazer xanh chéo strict, váy plissé xanh, giày vernis, tóc vuông cắt ngang vai và không thể lầm lẫn, không thể nào lầm lẫn được, khoác Carré Hermès.

“Cổ chuỗi ngọc trai, vai khăn Hermès” là thành ngữ thông dụng chỉ một týp đàn bà đầm, thông dụng đến nỗi người ta viết tắt và nói tắt được, CPCH (Collier de perles, Carré Hermès) tương tự như là NATO, UNHCR và ICBM. Cái chuyện Carré Hermès thì rất là khúc mắc, tôi không rõ nó có tự bao giờ, chỉ biết là mươi mười lăm năm nay nó càng ngày càng thịnh hành ở những nơi gọi là lịch sự. Bao nhiêu tuổi đeo Carré Hermès cũng có thể được, nhưng thường thường là lứa hai mươi - bốn mươi. Nó biểu tượng cho sự chững chạc thì phải, tuy là trùm nó hẳn lên đầu chạy vội để tránh mưa ngoài bờ biển ở Deauville vào tháng tư khi trạm nghỉ mát này vừa hồi sinh, nhất là nếu để băng đoạn đường giữa viện thalassothérapie và khách sạn Normandie thì coi cũng dễ thương (nhớ đeo kính mát Miki xanh cây nhạt gọng cổ có chút strass và đi giày Carel đế thấp không mang vớ). Nói tóm lại, không có vật tùy thân nào tượng trưng cho cái tinh thần Paris miệt Tây hơn là khăn vuông Hermès nếu bạn là phụ nữ, kể cả túi Vuitton (túi Vuitton bị lạm phát Nhật Bản và nhất là hơi nhiều Made in Taiwan). Thành thử ra, mới thoáng bóng kiều nữ này, tôi bắt ngay cái mùi đầm trở lại. BCBG (Bon Chic, Bon Genre), xin tạm dịch là đàn bà Pháp CNL - SNC (Con Nhà Lành, Sạch Nước Cản), tắm kỳ cọ kỹ và không bôi mùi nước hoa nặng.

Ở bên Mỹ, chẳng khi nào thấy đàn bà khoác khăn Hermès. Ở Bolsa, lại càng hiếm. Cái khăn Hermès rất dễ nhận, nó có đủ kiểu nhưng ưa viền ngoằn ngoèo linh tinh những hình cột đền Hy Lạp, lá nho. Có khăn vẽ cảnh du thuyền, cảnh đi săn bằng ngựa, cảnh chơi golf nhưng không có khăn nào tả cảnh đá banh cà na hay là trượt sóng. Màu thì nó cũng đủ cả, xanh, tím, đỏ, nhưng hơi chìm và nhã nhặn nên cũng khó nói. Chữ Hermès lại đề trên khăn rất kín đáo, trải ra mà tìm mới thấy nên nhận diện loại khăn này phải có kinh nghiệm. Dễ nhìn ra nhất là cái sắc nước của nó.

Khăn Hermès làm bằng lụa nhưng là một thứ lụa đặc biệt riêng của nhà Hermès. Có lụa Hà Ðông, có lụa Thái Lan, và có lụa Hermès. Nó hơi bóng, lại cứng hơn các loại lụa khác, thành ra khăn nào mà èo uột trên vai thì ắt không phải Hermès. Loại tơ này, hình như mỗi sáng ông Hermès, bà Hermès và các con, cô cậu Hermès phải dậy sớm ra vườn nhà cắt lá dâu cho tằm nó ăn hay sao thành ra chỉ có nhà Hermès có. Khăn vuông lụa thì thiếu gì nhãn; khăn Céline cũng là sang trọng vậy, khăn Dior tận Phi Châu người ta còn biết, cũng là lụa hết, nhưng không phải là lụa Hermès. (Ông Dior, bà Céline có thuộc loại ngủ trễ, tôi không rõ). Dậy sớm như vậy, cho nên nó đắt. Trong Duty Free Shop của phi trường LAX (phải nhá Boarding Pass mới vào được một vòng xem xét) thì một cái khăn Hermès $160, những 90 cm x 90 cm, như thế một phân vuông twill de soie vẫn còn rẻ chán, chỉ có hai cents. Nhưng mà vẫn đắt hơn những khăn hiệu khác, $100, $135. Người ta siêng năng, làm giàu là thế (early to rise...)

Tôi có một bà bác, ở bên Pháp năm nay là mười năm. (Ðây là ký sự, nghĩa là toàn những chuyện có thật, có sao tôi nói vậy không phải là tiểu thuyết hư cấu từ đầu óc tôi lệch lạc và thừa phong phú). Bà cụ ưa tiết kiệm, hướng về quê hương, đi chợ được cái túi plastic hay giữ lại, vừa phủi nó cho phẳng phiu vừa than thở “Cái túi này, ở bên nhà bây giờ không có được”. Sống ở bên Tây, lại theo tiêu chuẩn ở bên nhà, thì tôi cũng lạ, (nhưng chắc không lạ được bằng sống ở bên nhà, lại theo tiêu chuẩn ở bên Tây). Cái gì recycle (tái dụng) được, bà bác tôi recycle hết; bao giấy, bao nylon, thùng carton, chỉ trừ có lon nhôm nước ngọt là cụ không có giữ, dùng để bày hoa trên bàn thờ cụ thấy thiếu thẩm mỹ. Áo len đan xong không vừa ý, cụ gỡ ra lấy len đan lại kiểu hợp thời trang hơn; vải vụn cụ cất một bên, nếu không đủ để may gối thì cụ làm giẻ nồi hay nhét vào dưới khe cửa mùa đông gọi là cho đỡ gió. Chuyện bà bác tôi ăn nhập gì đến đầm BCBG, rồi bạn sẽ thấy.

Nếu cụ ra chợ Tàu phố Mười Ba ở Paris nhân ngày cửa hàng Tang Frères hạ giá mấy thùng mỳ gói mà đầu lại quấn khăn Hermès thì cũng chẳng có gì để nói. Ðằng này, một hôm sang nhà cụ, vào trong phòng ngủ, tôi thấy một cái bao giống như là bao gối đầu. Nói thế thì phạm thượng, thật ra nó là một cái bao cụ may lấy, dùng để đêm đút hai chân vào cho khỏi lạnh. Ý kiến phát minh rất dân tộc này từ đâu ra tôi không rõ, có lẽ tại cụ không quen mang vớ, nhưng tôi thấy rất là ngộ nghĩnh, đại để như những chuyện hỏa tiễn Sam 2 bắn không đến máy bay B52, ta gỡ bộ phận bằng sắt ra thế vào bộ phận bằng tre cho nó nhẹ, nó bay cao hơn chẳng hạn. Phía ngoài của cái bao làm bằng vải nhung màn cửa, tuy có tróc nhưng chưa bạc lắm, vẫn giữ được màu xanh cây trang nhã. Tôi xin nói rõ là phía ngoài, vì người ta ai cũng thế, bao giờ cũng ráng giữ bên ngoài cho trang trọng và đẹp đẽ, đó là căn bản về thể diện. Bên trong thì khác, vớ được miếng vải xấu xí nào lót nó mà chẳng được, có ai để ý. Tôi cũng chẳng để ý và chắc cũng chẳng ai để ý đến miếng vải hoa hoét vàng bà bác dùng lót ở bên trong cái bao tối ngủ để thọc chân. Vất ở trên giường, nó cũng chỉ thập thò được một tí. Nhưng vợ tôi là người tinh mắt (nếu không tinh thì đã chẳng chịu lấy tôi, dĩ nhiên rồi) khều tôi nói khẽ: “Ê, khăn vuông Hermès”.

Tôi không tin, nhìn kỹ lại. Làm sao có chuyện đó. Bà bác tôi, những ngày tế lễ, mặc đồ đẹp để chụp hình mới vào tủ gỡ cái khăn quấn đầu thứ năm, bảy đồng gì đó còn giữ nguyên trong giấy bóng kính, mang ra đội vài tiếng rồi lại xếp vào tủ trở lại trong bao origin của nó đợi dịp sau. Với polyester cụ còn kính trọng như vậy, có lẽ nào cụ lại đối xử tệ với hàng lụa thế kia. Tôi nhất định không tin, “no way”, chắc là khăn gì đó. “Khăn Hermès, cái sắc lụa Hermès, anh nhìn mà anh không biết”, vợ tôi quả quyết. Tôi lại gần, lộn cái bao ra, thì khăn Hermès. Bà bác tôi bị bắt quả tang, hơi xấu hổ, thấy cần phải phân bua: “Nó xấu xí nhưng còn lành lặn, cũng còn dùng được nên mới nhặt mang về làm vải lót ấy mà, bên trong mà sao cháu cũng thấy”. Tôi quan sát kỹ, cái khăn lành lặn thật, cũng chưa bị cụ cắt xén khúc nào “còn dùng được chứ, sao bác lại lót bao gối làm gì, tốt chán, bác cho cháu mang về, may quần xà lỏn” tôi năn nỉ cụ. Tôi gỡ chỉ ra, mang về may quần xà lỏn, cho đến nay vẫn chưa ai biết nhưng ở đời nhiều chuyện không ngờ tới được, lỡ hôm nào xui xẻo đụng xe, người ta chở vào nhà thương cũng còn mát mặt với mấy cô y tá. Như bên Pháp các bà mẹ vẫn ưa dặn con, ra đường nhớ thay đồ lót, đề phòng trường hợp bị tai nạn.

Tại vì, nhân tiện tôi nhắc đến, thời trang đồ lót đàn ông từ vài năm nay là đổi kiểu trở về quần xà lỏn nhưng lịch sự làm từ khăn vuông Hermès thì nhờ bà bác tị nạn bên Tây, chỉ mình tôi có.

Câu chuyện này Tây chứ, tuy có phải là “đi Tây” hay “về Tây” thì tôi không rõ. Tôi là người Cali hay người Paris, người Bolsa hay người Porte d’lvry tôi chẳng biết. Ðiều này cần suy nghĩ kỹ, có lẽ đến cuối loạt bài này tôi mới có thể tự trả lời. Tôi là người ở Mỹ từ một năm nay hay là tôi là người về Pháp sau 12 tháng? Lúc đi, lúc về, thật ra ở đâu cũng thế. Thôi thì để phù hợp với đề tài, cho là tôi đi Tây đi. Nhưng chuyện đi Tây đến đây chỉ mới lẩn quẩn ở phi trường LAX và chung quanh cái khăn vuông Hermès thì cũng chán. Khăn vuông năm nay, mẫu được thời trang ưa chuộng nhất là “Pierres d’Orient et d’Occident”. Muốn sành điệu cho trót xin đừng dùng những mẫu đã cũ, trừ trường hợp để may thành quần lót. Nhưng một cái khăn vuông có đủ để làm cả một thành phố hay không? Ngày trước, Nguyễn Tuân chỉ có mỗi một cái vali đã làm mê mẩn, phải ra nhà ga thổn thức những chuyến tàu xuôi Nam. Tôi ra đến phi trường, bắt gặp một cái Carré Hermès gần quày Air France, cũng nôn nao như là đã đến được Tây.


Cô Papae Fiu

Phi trường Charles De Gaulle đóng cửa hai ngày vì sương mù, chuyến bay này trễ bốn tiếng, tôi biết. Anh chàng người miệt Bretagne này nói tiếng Pháp điềm nhiên tuy ở đây cách vùng bán đảo quê anh có mười ngàn cây hơn. Quày Air France như là một thứ sứ quán, bầu không khí đã bắt đầu rất Pháp. Tôi trao anh bịch hành lý đựng các thùng sách mới (cuốn tập truyện đầu tay của tôi vừa in xong, tựa tên “CÂY GẬY LÀM MƯA”, Tân Thư xuất bản, gồm mười một truyện, giá mười hai đồng, nghĩa là một truyện hơn được một đồng chút xíu), anh trao tôi một cái phiếu ăn miễn phí mười lăm đồng để giết thời gian trong khi đợi máy bay. Cuộc trao đổi văn hóa này, tôi leo lên lầu tính toán, đủ để qua bên phía bar ăn sò sống uống Long Island Tea khỏi cần ngồi bên quày tự phục vụ lấy ăn mỳ Nhật Bản Udon và uống Diet Pepsi. Ừ, lịch sự.

Cái bảng “Departures” nhấp nháy, tôi nhìn những chuyến bay vào buổi tối. Ngoài AF006, SFO-CDG (San Francisco - Charles De Gaulle) 9:45 Cổng 105 còn có vài ba chuyến Trung Mỹ, Manila, Tokyo, London, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan. Trước lối vào phía tay phải, ở đây mỹ miều gọi là South Concourse, bộ lạc Philippines tụ tập vài năm người ồn ào nam phụ lão ấu chờ đợi, hình kỷ niệm chụp trước restrooms (nhà vệ sinh) đàn ông đàn bà, chốc chốc lóe lên tia flash trắng xanh. Xích lại gần thêm, lui ra, ôm vai nhau, đổi chỗ, ngắm máy ngang, ngắm máy dọc. Con nít lăng xăng đuổi bắt cười nói, vài người lớn cũng chơi trò ú tim nấp sau mấy hàng ghế. Trước lối vào tay trái, North Concourse, vắng vẻ hơn, vài người Nhật thẫn thờ qua lại. Ở giữa là cầu thang máy dẫn lên lầu ăn uống, phía dưới là tiệm Duty Free vắng vẻ. Ngay lối lên xuống, một ông đen lực lưỡng ngồi trên một cái xe đẩy hành lý quay ngược lại, quần áo chỉnh tề bất động cầm giỏ xin tiền cho một họ đạo Ki-tô. Thỉnh thoảng, như để duỗi người, ông ta lại dang hai tay ra thật rộng, lẩm nhẩm mấy câu Kinh thánh. Vài đứa trẻ cầm tiền cha mẹ đưa cho đến bỏ vào giỏ, tò mò nấn ná lại một vài giây. Cách đây vài năm, để ngăn các vị quảng bá tôn giáo này làm phiền người qua lại, tôi nhớ lại ngay phi trường LAX, dưới chân, trên đầu các thang máy lên xuống có kẻ một vùng an toàn bằng gạch đỏ với bảng giải thích bằng hai thứ tiếng “Ban quản trị phi trường không có quyền cấm những người quảng đạo thi hành Ðiều Một Tu Bổ của Hiến Pháp nhưng họ không được phép quấy rầy hành khách ở bên trong vạch đỏ vì lý do an ninh”. Tấm bảng này dạo đó cũng có hiệu lực trấn an được những người yếu bóng vía như tôi, phải chờ đợi ở phi trường tôi không bao giờ đứng xa đầu cầu thang máy, lỡ có gặp nhà truyền giáo nào nài nỉ chỉ việc bước qua vạch đỏ là an toàn tức khắc (dù cho sau khi chết có phải xuống địa ngục, cái đó thì hậu tính). Dạo này không thấy những tấm bảng kiểu đó được yết thị nữa, chẳng hiểu vì tệ nạn (?) này đã giảm hay là Ðiều Một Tu Bổ của Hiến Pháp (trong đó có tự do truyền bá) đã lớn mạnh với thời gian hơn cả những lý do nhỏ nhặt về an ninh như là ngã cầu thang?

Ðến lúc qua khỏi cổng kiểm soát vũ khí, vào đến phòng đợi của cổng 105 bốn mươi lăm phút trước giờ dự định thì nước Pháp lại gần thêm một bước. Mấy chục người ngồi rải rác chẳng có ai mang vẻ gì là Mỹ. Bây giờ vào tháng hai, ngoài dịp nghỉ, người Mỹ chắc ít ai sang Âu Châu chơi vào giữa mùa đông. Tiếng Pháp rì rào các góc, từng đám chào hỏi nhau, mấy anh tây chị đầm hôn má phải trái xã giao, vài người điềm nhiên ngồi hút thuốc dưới bảng cấm. Ngay cả với người nặng hai tai hay là điếc (nghĩa là không nghe được họ nói tiếng gì), quang cảnh trên cũng rất là “Pháp” ở hai điều vừa kể. Người Mỹ chỉ hôn nhau vào dịp gì đặc biệt, người Pháp thì thân sơ gì, mới gặp lần đầu giới thiệu cũng phải túi bụi “bise” nhau. Tôi nói thí dụ, học trung học, đến trường trước khi vào lớp, con trai con gái mươi, hai mươi người phải hôn đủ cả mười hay hai mươi. Có người hai cái, một bên trái, một bên phải, có người đến bốn, trở đi, trở lại. Nó là lễ phép khi đến, khi đi, làm tôi nhớ thằng bạn Việt Nam lúc cùng ở bên Thái. Mỗi lần sắp giao thiệp với người bản xứ, nó lại nháy mắt bảo tôi “Mày coi nè, nó sắp lạy tao, đó, thấy chưa”. Người Thái gặp ai cũng vái, chẳng cần là ông bà ông vải thì người Pháp gặp ai cũng hôn má, chẳng cần là tình nhân. Hơi phiền một tí, thì đã sao. Ðiều thứ hai là dân Tây hình như vô kỷ luật hơn ở bên này, những chữ kẻ “No Smoking” ngông nghênh chẳng coi ra gì cả, tuy là gần đây, dĩ nhiên phong trào chống hun khói người khác cũng đã lan sang tận đó.

Chuyến bay chỉ có mình tôi là người Việt, có lẽ đồng bào ta mải lo ăn Tết, ai ở đâu ăn ở đó, ai lấy máy bay đi đâu làm gì vào trước đêm trừ tịch. Tôi lắng tai nghe loáng thoáng, mấy người ở sau lưng làm nghề tiệm cơm ở L.A. biết mặt nhau bàn những chuyện lặt vặt về business “... Mickey Rourke, diễn viên điện ảnh, mới mua lại cái bar bên cạnh quán của tôi...” Tôi lên tàu, bụng mừng thầm vì tưởng chuyến bay xuất phát ở Los, có bấy nhiêu mạng thôi, thế nào chả kiếm ra được ba bốn ghế trống để mà nằm ngủ. Nào ngờ, tàu đã đầy sẵn quá nửa. Chuyến bay này khởi hành từ Papetee, Tahiti, ở Thái Bình Dương thuộc Pháp. Tahiti thuộc về Nam Bán Cầu, ở phía dưới Hawai cách Cali tám giờ máy bay và hiện nay đang vào hè. Câu chuyện trên tàu xôn xao thời tiết (xấu) ở Paris, sương mù được dân quần đảo nhiệt đới nhắc đến như là một tai họa kinh hoàng. Trên máy bay đại đa số là người Pháp, ngay cả người chủng tộc khác coi cũng rất là “Tây”. Cô chiêu đãi Tàu nói tiếng Pháp không mang giọng ngoại quốc, anh hành khách ngăm ngăm đen chắc người Phi Châu Djibouti, Afars và Issas. Co ro trên một ghế, cổ quấn kỹ khăn choàng len, ông Trung Phi hói đầu cũng chẳng có gì đen “Mỹ”. Týp đen này cũng không thể lộn với Giáo sư phụ giảng của Howard University ở D.C. Áo blazer xanh, kiếng đồi mồi gọng lớn, người trí thức Châu Phi văn hóa Tây điển hình. Tôi tìm ra hàng ghế 40 A, B, C window; 40D, aisle. Ðầu bên kia aisle, một cô tóc vàng nhuộm lăn tăn, còn trẻ, pull lót đen ngực không đeo nịt vú, quần jean trắng háng rộng đang ôm một cuốn sách bỏ túi của tủ sách “J’ai lu”. Bốn ghế tôi và cô mỗi người hai ghế. Mấy tờ Libé, Le Monde thiên hạ đã vơ hết, tôi lục giá đựng báo phía sau lưng tìm ra USA Today và Newsweek. Lật ra nhìn, cả hai đều ấn bản phát hành ở Âu Châu. Trang chót của Section I tờ USA Today, cái bản đồ khí tượng Âu Châu bốn màu lòe loẹt. Tôi nhìn Paris, 5 độ C (tối đa), hơn cả London.

Cho mãi đến mấy tiếng sau, vật lộn với hai chỗ ngồi để tìm ra một vị thế co giò cho êm ấm mà không được, tôi lịch sự nhường cả ba cho người con gái cùng hàng ghế. Nàng lăn ra yên ả còn tôi tự an ủi, hai chỗ hay một chỗ gì cũng khó chịu, thà để cho có người còn lợi dụng được để duỗi chân. Ðàn bà Pháp bình đẳng, cô ta đề nghị sòng phẳng tao một giấc, hết lượt lại đến mày, tôi lên cơn tử tế, chả sao, chả sao, rồi cũng thiếp được ngay sau khi cuốn phim bắt đầu được chiếu sau bữa ăn. Ðến lúc sáng, cô ta choàng dậy rất tự nhiên: “Họ có báo là máy bay đang bắt đầu xuống hay là tôi nằm mơ?” Cô ta nằm mơ, còn những hai ba giờ nữa gì đó mới đến, có lẽ tại mùi café sữa. Trong tàu chưa bật đèn nhưng vài người không ngủ được kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài làm ánh sáng hắt chéo vào bên trong. Tôi nhìn cô bạn đồng hành dưới cái ánh sáng phảng phất này rọi vào trong khi phần lớn thân tàu còn tối. Qua một đêm chung, cô thân mật dùng “tutoiement” với tôi mày tao.

Corinne ở Papetee được hai năm hơn, giờ đang hè như đã nói, về Pháp lục địa chơi với gia đình một tháng. Tahiti hiện ban ngày hơn 40 độ C nhưng vào mùa mưa rất ẩm. Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Thái Bình Dương, dĩ nhiên là trong đầu đầy dừa xanh, cát trắng, tiếng hò thôn nữ hở ngực váy rơm và Gauguin. Ở Tahiti có ba chủng tộc - Corinne giải thích, người bản xứ, người Tàu (điều này giải thích cô chiêu đãi viên hồi nãy trước khi đổi phi hành đoàn ở San Francisco) và người da trắng, dân từ Pháp lục địa “métro”. Người Tàu đến đây di dân mấy đời để buôn bán, dân lục địa trắng làm công sở hải quân, Trung tâm Nguyên tử Thái Bình Dương để thử bom. Ðời sống cái gì cũng đắt đỏ hơn đất liền “Mày có tiền nghỉ hè hãy đến”. Cách đây mười lăm năm, người bản xứ còn hiền lành, chưa có trộm cắp, hiếp dâm như gần đây. Corinne lúc bé đã từng ở với bố mẹ nhà binh đồn trú ở Tahiti nên còn nhớ. Có lẽ cô này vì con cái dân võ bị nhà nghề nên đầu óc hơi hẹp, tôi tự nghĩ. Nàng than phiền gần đây có biến động chính trị, biểu tình, đình công ở địa phương. Vào năm ngoái, tôi nhớ lại, phải rồi, cũng nhờ câu chơi chữ tìm thấy được làm tôi thích thú mãi. Năm 1968, sinh viên ở Paris chiếm đường phố, cậy đá lót đường lên làm vũ khí với khẩu hiệu vô cùng lãng mạn “Dưới gạch lót đường là bãi biển”. Năm 1988, công nhân bến tàu Papetee đánh nhau với nhân viên công lực, tôi hồi tưởng, lại bật cười “Dưới bãi biển là gạch lót đường”. Hai mươi năm, nửa vòng trái đất, thiên đàng hạ giới theo Corinne đã bắt đầu ung thối. “Dân Tahiti rất hiền và dễ thương, nàng nói, chỉ trừ khi nào họ say rượu, nghĩa là suốt cả ngày”. Nhưng mà nói đi nói lại, vẫn lý tưởng chán, Tahiti núi lửa, bãi cát đen từ thạch nham, Bora Bora atoll, bãi cát trắng từ san hô, suốt ngày bơi lội. Việc dễ kiếm, lương làm không cao tuy là có đắt. Corinne ở căn nhà một phòng ngủ có hồ tắm và tí vườn mỗi tháng trả 4000 quan ($630 US). Lương chuyên viên điện toán cho ngân hàng Indosuez $25000, một năm cũng năm tuần được nghỉ, pas de (no) problème. Nàng có cái cũng nhớ nhà “Tao mong ở bên Tây có tuyết, về nhà tắm nước nóng nằm ngâm người trong bồn và ngủ trên giường với chăn đệm bằng lông ngỗng”. Ðó, đi đây thì lại nhớ kia là như thế. Hai mươi tiếng máy bay, bố mẹ từ Bordeaux (cách Paris 700 km về phía Tây Nam ở phía bờ biển Ðại Tây Dương) lên đón bằng xe, lại còn phải sáu bảy tiếng để lái về “Qua đêm ở Paris cũng được nhưng tao muốn về nhà sớm, ngủ trong phòng tao”. Ðược một lúc Corinne lại sợ. Sợ dân Paris mặt mày khó chịu đăm chiêu khó chịu, gắt gỏng và vội vã. Nàng tạm quên đi chuyện thiếu niên bản xứ vào nhà nàng mở tủ lạnh lấy bia ra uống và ngồi sa-lông coi vidéo thản nhiên. “Năm sáu đứa mười mấy tuổi, tao hỏi ‘tụi bay làm gì đó vậy?’ chúng trả lời ngon ơ ‘Thì mày không thấy sao, coi T.V.’ tao muốn đuổi nhẹ ‘Ê, OK, giờ tao về rồi tụi bây đi chỗ khác đi’, hên mà không đứa nào làm gì tao”. Cũng câu chuyện đó, giờ càng đến gần phi trường Roissy nàng lại thấy có cái hay. “Ở Pháp, tụi nó vào nhà mày là khiêng hết đi, cái gì không mang được nhiều khi còn phá nữa, ít ra ở Tahiti không có vậy”. Tôi nhún vai làm phép, phải nói cô này coi cũng được, cao lớn, xương vuông vắn, hai bàn tay đẹp. Con người phải mâu thuẫn chứ, mâu thuẫn là nhân tính. Ở xa thì nhớ, về gần lại sợ, con người thôi. Paris, Bordeaux có hay hơn Papetee, Bora Bora? Cũng đều là nước Pháp. Tạm thời, có lẽ được thêm vài năm nữa. Tình hình ở Tân Ðảo (Nouvelle Calédonie) dạo này sôi sục đòi độc lập. “Dân Canak có vẻ dữ dằn hơn phong trào đấu tranh ở Tahiti” Corinne nhận xét. Tôi hỏi “Ngoài ra, người da trắng ở Tahiti có kỳ thị lẫn nhau người mới người cũ như ở Tân Ðảo không?” Ở Tân Ðảo, dân da trắng lập nghiệp lâu đời “Caldoche” không ưa người da trắng “Zoreille” mới đến vài mươi năm sinh sống. Không, Corinne cho biết, ở Tahiti da trắng là da trắng, không phân biệt cũ mới, “papae” là “papae” thôi, người da trắng nào cũng vậy. Corinne cười. Và tất cả mọi người, bản xứ Tahiti, Tàu di dân, Tây trắng papae ai nấy đều “fiu”. Chữ “fiu” nàng giải thích đại để là trạng thái thông cảm và dễ dãi cóc cần. Fiu là phè phè, là tà tà. Fiu là “cool” như ông Phật (“O Phật, you’re so cool”, chữ của Hoàng Mai Ðạt). Ở Tahiti thường thì ai cũng phải fiu thôi.

Nhưng ở Paris, hẳn là không vậy. “Tao chỉ sợ mới xuống máy bay đã gặp người giành giật ba cái xe đẩy hành lý. Ra ngoài đường, dẫm lên chân nhau mà chẳng thèm ngó lại”. Corinne nói, “Paris khó mà fiu”. Tàu đến nơi, Paris ở bên ngoài, tôi nhìn ra thấy đã tối om. Sáu giờ chiều, chúng tôi mới vừa ăn sáng xong, người còn uể oải. Tôi hơi tội nghiệp cho cô này, tuy là cô ta hơi có cái tinh thần thuộc địa trong khi nói chuyện. Phần đông ai cũng thấy, ở đâu thì cũng kiếm ra những thứ đáng chê, đến lúc gần trở về lại đâm ra tiếc. Corinne giờ này nôn nao với cái lạnh thèm muốn hay là đã bắt đầu hối tiếc cái nóng bỏ lại đằng sau cách đây hai mươi giờ máy bay? Tôi nhìn nàng trùm vào người hai lượt áo len cũng lục túi lấy khăn cổ ra choàng vào mấy vòng cẩn thận. Khăn cổ tôi không phải bằng Cashmere mà bằng Cashmore nhãn hiệu cầu chứng 100% acrylic made in Korea, mùa rồi tôi bị lạnh phải mua ở New York. Cũng ở khu Upper East Side nhưng không phải ở trong Bloomingdale’s, ở trong đường tàu điện ngầm, anh da đen bán năm đồng một cái. Tôi nhìn Corinne ái ngại, an ủi nàng một câu “Paris không fiu đâu nhưng còn đỡ hơn là New York”. Nàng lên tinh thần hẳn, gật đầu.


Căn nhà ba bếp

Nếu mà mang ví với New York thì thành phố nào chả dễ chịu. Tôi mang Paris ra so sánh thì cũng quá lố. Paris có lắm cái bực mình, cũng như tình nhân, ở lâu với nhau rồi có tật, nhiều khi hờ hững, nhiều khi gắt gỏng, đến ngày sinh nhật không còn tặng hoa, sáng ngủ dậy không pha giùm café sữa bưng vào tận giường nữa. Nhưng Paris đẹp, lại vừa có nết. Có lần nào, một đêm tháng năm, mưa rơi lất phất đường Monsieur le Prince mà tôi không chạy, còn dừng chân lại nửa phút để mà nghĩ ngợi xem mình có biết được chỗ nào đẹp hơn. Ba mươi giây thôi nhưng trong vòng ba mươi giây không tìm ra hình ảnh thành phố nào khác có thể đẹp hơn trong ký ức. Ba mươi giây thôi nhưng ba mươi giây, đủ đẹp rồi.

Có lẽ tại con đường Monsieur le Prince là con đường đầu tiên ở Paris tôi biết đến và đến giờ vẫn là con đường tôi rõ nhất ở trong thành phố, thuộc từng căn. Ðúng hai mươi năm trước, cũng vào tháng này, lần thứ nhất trong đời tôi thấy tuyết, thứ tuyết mỏng bất thường, chưa kịp xuống đến mặt đường đã chực trở thành mưa. Tôi ngồi nhìn sau cửa kính xe, đầu tự bảo đây là kinh thành ánh sáng về đêm dưới tuyết không ra tuyết, mưa chẳng ra mưa và con đường đầu tiên tôi đặt chân xuống là đường Monsieur le Prince.

Bây giờ hai mươi năm sau, cũng vào cùng dạo trong năm đó, tôi đi Tây lần nữa. Tôi đến Paris bằng Roissy thay vì Orly. Roissy mới có từ mươi năm nay, đặt ở ngoại ô xa vẫn còn được vây quanh bởi những cánh đồng vắng vẻ. Trời sương mù nhưng không lạnh như tôi tưởng, lúc rời Los đã gió bão gần chết, đến đây cách biệt không đến nỗi to lớn lắm. Xa lộ A3 vào thành phố lại vắng vẻ làm tôi ngạc nhiên không chờ đợi đến. Thằng em đến đón càu nhàu cái Peugeot 205 mới hai năm đã làm lại máy “Trước tao bị cái tội kỳ thị, thích xe AÂu Châu. Giờ tao thấy bảo đảm nhất là xe Nhật, ít bị hư nhất, bằng mười xe Tây”. Thằng này có lẽ từ ngày Nhật nhảy vào thị trường sang trọng với loại Acura mới đâm ra đổi ý, dạo trước nó kỳ thị là phải, xe Nhật lúc đó còn mang tiếng rẻ tiền và tiết kiệm. Qua cái giai đoạn bền một thời gian giờ xe Nhật đua đòi cái tiếng sang chứ chẳng có gì. Cái này cũng như mê con gái đẹp tự nhiên khen ầm là nó ngoan. Cái nết đánh chết cái đẹp, thí dụ trường hợp Mercedès. Ở Mỹ người ta mang kền của Mercedès ra mà mạ vàng vì nó lịch sự, ở Âu người ta dùng loại Mercedès chạy xăng dầu cặn Diesel để làm taxi vì nó bền. Thì cũng vậy, nếu có cái Checkers vàng loại taxi New York để chạy bên này ai chả phải ngoái đầu lại, ăn đứt Mercedes 300SD đang rù rì rước khách. Còn nhiều cái ngược lại nhau nữa, sao giống được, bên này và bên kia bờ Ðại Tây Dương.

Lúc bắt đầu qua nhánh A86 để về nhà, thằng em lộn exit, rời xa lộ để vào thành phố. Tự nhiên hiện ra trước mặt tôi cái gì như một di tích cổ. Sương mù ở đây không phải như trong phim kinh dị, bạn đừng tưởng tượng lâu đài Dracula vàng vọt như trong những chương trình truyền hình vào lúc hai giờ sáng với Mistress Elvira. Cái bùng binh ở lối ra xa lộ này hiền hòa hơn. Ở ngoại ô đìu hiu này người ta dựng lên ngay giữa bãi đất trống những cái cổng chằng chịt như một hí viện La Mã còn sót lại sau cơn địa chấn. Carthage, Baalbeck và gì nữa. L.A. mưa gió lúc hắn lên tàu đã giống như một cảnh của phim “Blade Runner” thì ở đây phảng phất dưới sương mù như Riddley Scott lúc còn thời kỳ “Duellists”. Nước Pháp một năm tôi đi vắng, ngoại ô miền Ðông dở chứng dựng lên ở bùng binh công cộng thứ kiến trúc thành phố phường tuồng. Ở điểm này ngoại ô Paris và ngoại ô Cali giống nhau, tôi giương mắt ra tìm sau làn sương có ánh đèn Mc Donald nào chớp nháy nhưng không thấy, sương đặc quá, chỉ thấy giữa bùng binh vắng ngắt một người con gái đứng chờ xe buýt, các cổng đền giả tạo trùng điệp vây quanh. Người con gái da đen. Ở điểm này Paris và L.A. thì khác, người con gái da đen tôi chẳng thấy có gì ngần ngại (“Ê, chết mẹ, lạc vào khu đen rồi”) mà cô ta đợi xe chỉ mang trên mặt cái vẻ buồn chán chứ không có gì sợ hãi. Ở đây an toàn hơn, không có gang “Bloods” Inglewood, không có đảng Compton cầm AK hay Serial killer đường xa lộ. Ở đây trắng đen nếu không bình đẳng thì cũng bình thường hơn là ở Mỹ, ra ngoài đường cầm tay nhau được, lẫn lộn nhau mà không ai để ý. Ở Mỹ, da đen chỉ lẫn lộn với da trắng được ở trên T.V, trong những phim trinh thám và trong vai cảnh sát phụ diễn. Nói thế không hẳn là người Pháp không kỳ thị, là bên Tây bảo đảm an toàn, tối đợi xe buýt một mình ở bùng binh vắng không sợ bị giật bóp, hiếp dâm hay là lạc đạn. Nhưng mà tương đối thảnh thơi hơn, thấy người da đen hiện ra trong sương mù mà không phải giật mình.

Căn nhà tôi đến ở phía Ðông thành phố. Paris không rõ do thầy địa lý nào bày ra, ở phía Ðông nhà rẻ, ở phía Tây nhà mắc, ở phía Bắc nhà tù túng, ở phía Nam nhà thảnh thơi. Nước Pháp chia ra làm chín mươi chín départements, nghĩa là một thứ hạt (không kể ba hạt ngoài nước là Martinique và Guadeloupe ở mãi tận Caríb và hạt Réunion ở Ấn Ðộ Dương). Paris là hạt mang bí số 75, vùng Ile de France gồm ba hạt giáp ranh thủ đô là Seine St Denis (Bắc và Ðông Bắc, số 93), Val de Marne (Ðông Nam, số 94) Hauts de Seine (Nam và Tây Nam, số 92). Bốn hạt nữa ở vòng ngoài cũng thuộc vùng này và được coi là thuộc về ngoại ô lớn: Yvelines (Tây và Tây Bắc, số 78), Val d’Oise (Bắc, số 95), Seine et Marne (Ðông và Ðông Nam, số 77), Essonne (Nam, số 91). Ở hạt 93, 95 đại khái là không được khá mấy, ở hạt 92, 78 đại để được ung dung hơn. Gần thành phố thì hạt 94 là hạt nhì nhằng xôi đậu, ở xa thì hai hạt 91, 77 vừa lẫn dân cư bình dân với nhà nghỉ mát, trang trại cuối tuần của những nhà khấm khá nội thành. Xem hạt thì bắt hình dong, nhất là xem bảng số xe. Hai số cuối trên bảng xe hơi Pháp là số hạt, lâu ngày người ta quên đi cả những cái tên thơ mộng để mà gọi những địa danh này bằng bí số trống trơn. Ðối với người ngoại quốc lại càng dễ, hai chữ đầu của zip code bao giờ chẳng dễ nhận hơn là những linh tinh Val de Marne (94) hay là Hauts de Seine (92). Một luật khác để đoán sang hèn là mức độ gần sông và gần rừng. Càng gần rừng thì càng tốt, chắc là mùa đông đi kiếm củi khô mang về bỏ lò sưởi cho tiện, mùa hè ra sông múc nước tắm đỡ khó khăn. Paris có hai cái rừng ở hai đầu, Bois de Boulogne ở Tây Bắc và Bois de Vincennes ở Ðông Nam, như hai lá phổi mang dưỡng khí vào nuôi thành phố. Sông chạy ngang Paris chỉ có một giòng, giòng Seine có gì lạ không em mà ai cũng biết với nhánh Marne chia ra phía ngoài thành phố ở hướng Ðông Nam. Sông Marne chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào phổ nhạc nên không nổi tiếng bằng đàn chị, ở bên này được biết đến nhờ trận đánh quyết liệt ngăn quân Ðức bằng xe taxi vào cái thời quân vận Pháp chưa có trực thăng và Sư Ðoàn 11 Không Chuyển của Lực lượng Can thiệp Tức thời chưa được thành lập.

Căn nhà tôi đến ở cái ngoại ô nhì nhằng miệt Ðông này nhưng lên được một nấc vì không xa rừng mấy, lại lên thêm nấc nữa nhờ ở sát cạnh bờ sông. Những năm nước đột ngột lên cao thì hơi phiền một tí, ngồi hàng hiên có thể câu cá được mà xuống hầm đựng rượu thì rất tiện giặt giũ đồ, khỏi cần ra cầu ao. Việc sưởi là vấn đề vì ẩm ướt hơn bình thường nhưng lại được cái nhìn ra ngay bến du thuyền thì cũng đỡ, ấm lòng ngay kẻ tị nạn thuyền nhân. Thật tình mà nói, ở ngoại ô tôi không thích mấy, hàng quán quá xa xăm mà tôi không thuộc loại người thể thao để chiều về thay đồ jogging chạy bộ ra dọc bờ sông hay lấy thuyền ra bơi sải một hai một hai. Lý tưởng theo tôi thì phải ở Paris Intra - Muros, Nội vi quận tư hay quận sáu, ở từng năm nhìn ra vườn Lục Xâm hay khu Marais nhưng mà ở đời phải thực tế. Nhà ở Paris dạo này mười ngàn franc (1700 USD) một thước vuông là giá chót, nếu đi thuê phải tính cỡ 20 đôla một mét ở những chỗ trung bình. Ðằng này, cũng chẳng phải nhà tôi, kỳ này tôi đến đây ở tạm độ mươi ngày. Ở dưới đây (dương thế) cái gì cũng là tạm cả, mươi ngày hay mươi năm, ngoại ô Paris hay là ngoại ô L.A.

Tôi vào đến nhà, thượt người ra. Bận đi Tây này, hay là bận trở về, tôi không thấy gì làm hứng thú tuy cảm tưởng đầu tiên của tôi cũng không có gì là xấu. Trừ người nhà ra, dân Tây từ lúc ở phi trường đến giờ tôi chưa thấy được ai, chỉ trừ cái cô đứng đợi xe buýt và những cái xe nhà băng qua băng lại xuôi ngược trong sương mù. Tôi bước ra cái hàng hiên lồng kính ở tầng ba nhìn xuống bờ sông đen ngòm không một mống. Ðang ở cái Hạt Cam nhà quê, dẫn xác về đây, ờ thì có sương mù tình tứ, có đồi dốc chập chờn, nhưng mà hay ho gì thêm. Trước kia, tôi rất thích cái nhà kính này, có cây kiểng um tùm, có đèn vàng loe loét, sưởi lại rất ấm giữa mùa đông, ở trên đầu kính, ba mặt kính, tưởng với tay bắt được rặng cây ở bên kia trên hòn đảo giữa sông mang tên “Ðảo chó sói” (nó kém thơ mộng hơn cái tên của hòn đảo ngay bên cạnh mang tên “Ðảo tình yêu”). Người đi dưới đường có lẽ nhìn vào thấy ấm cúng, tôi đứng ở trong nhìn ra chỉ thấy tù mù lạnh lẽo. Tôi trở vào trong, T.V đài 1 đang lải nhải, tôi đứng nhìn mà không theo dõi, thường thì tôi vẫn thích T.V Tây. T.V Pháp chỉ có sáu đài mà cũng có lúc còn xem được, T.V Mỹ hai mươi đài tôi chỉ bật có PBS. Không có gì tôi chỉ ngồi lật lật, lật hết đài này sang đài khác, được hai ba vòng tôi chóng mặt đi ngủ. Nhưng mà bây giờ, T.V Tây tôi cũng không muốn xem. Trong nhà có tờ Le Monde trong ngày, ừ, Nga ở Kabul đang triệt thoái, quốc nội phe thân chính đang rắc rối gì với xì-căng-đan thị trường chứng khoán và công ty Péchiney, mặt xã hội không ổn định, gác dan nhà tù biểu tình phản đối dự án cải cách mới. Tờ Figaro Magazine cuối tuần vẫn nhạt nhẽo giấy láng như thường lệ, chẳng có gì thay đổi. Tôi ngồi lật lật báo của ông Hersant một lúc, tôi chóng mặt y như là tối ở Mỹ lật T.V Mỹ, từ Current Affair đài 4 Fox sang Eye on L.A. đài 7. Tôi đi ngủ.

Ðến giữa đêm, chưa quen giờ giấc, tôi tỉnh dậy và đói bụng. Ðã sang ngày mồng một Tết. Căn nhà này là loại nhà biệt lập, ba tầng và bao quanh bởi vườn riêng. Gia đình tôi có máu xây cất, ưa cải biến, mỗi tầng đều có phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, cái đó thì chẳng có gì là lạ. Nhưng mỗi tầng đều có cả bếp riêng thành ra theo đúng lệ thì phải thờ đến ba Táo. Ðêm rạng mùng một tết, tôi lò mò ra cái bếp ở từng một, tủ lạnh trống trơn, nồi niêu xếp ở trong tủ ngăn nắp. Tôi lò dò lên từng nhì, thấy có bề bộn hơn, đâm ra hy vọng. Mở tủ lạnh ra, linh tinh đủ loại nước ngọt, có cả vài chai Champagne để sẵn nữa nhưng mà uống Champagne, dù là thứ thật, và vào ngày mùng một Tết, tuy là hợp lý nhưng cũng không no được. Tôi tìm ra một mớ trái cây tươi, măng cụt, chôm chôm, vải. Những thứ này tươi ở bên Mỹ không có, kể thì cũng lạ miệng, lâu rồi chưa ăn, mỗi thứ tôi làm vài trái. Bụng tôi không đồng ý, vẫn còn ấm ức, tôi mở tủ lôi ra được một hộp cua Nga. Nga nhất định không còn là thiên đường xã hội chủ nghĩa nhưng cua hộp Nga hiệu Chatka tức là snow crab Tây Bá Lợi Á thì ăn đứt cá các loại cua hộp khác. Tôi khui ra ăn một phần tư hộp, chẳng hiểu có phải tại tôi chán đời hay không nhưng cua hộp ăn với trái vải tươi nó cũng chẳng nhịp nhàng. Tôi leo lên tận từng thứ ba.

Bàn thờ để đâu thì tôi không biết nhưng trong căn bếp chót, tôi tìm ra được một cái bánh chưng. Ôi, ý nghĩa của ngày Tết. Có thế chứ, văn hóa dân tộc vẫn còn được duy trì. Tôi vừa bóc lá chuối vừa chùi tay, cái bánh chưa kịp nguội, còn nhơm nhớp gạo nếp. Cắn một miếng, bánh chưng ngọt, nhân đậu rơi vãi ra khắp nơi. Lúc bé, tôi vẫn thích bánh chưng ngọt hơn là bánh chưng mặn, có lẽ tại nhân nó người ta nhuộm đỏ, lại không có mấy cục mỡ lều phều. Ðằng này, sang đến Pháp không ai buồn nhuộm ruột bánh chưng ngọt nữa, phải nếm mới biết, tại nhìn thì nó cũng chỉ vàng vàng màu đậu như là bánh chưng mặn. Tôi không chờ đợi đến, đâm ra bất bình. Ðang đói đêm rạng mùng một Tết, lục những ba căn bếp mà còn bị miếng bánh chưng lừa mặn ngọt. Ngày đầu tiên của năm vào ba mươi lăm tuổi, chẳng cần thầy, chẳng cần xăm, chẳng cần chim bói, tôi biết thế nào cũng xui.

Nguồn: Nxb Văn hoá Thông tin, 2003