© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
17.12.2004
Elfriede Jelinek
Nước Áo có thể đằm mình thoải mái trong cái vũng lầy dơ bẩn của nó...
(Phỏng vấn của Tuần san Kinh tế Thế giới Hungary [HVG] với nữ văn sĩ Áo Elfriede Jelinek-Nobel văn chương 2004)
Trương Đức dịch
Földvari Zsuzsa thực hiện
 
Nữ văn sĩ Elfriede Jelinek sinh ngày 20 tháng 10 năm 1946 tại Mürzzuschlag thuộc Miền Hạ - Áo. Từ 1966 đến nay, địa chỉ chỗ ở của bà tại thủ đô Wien không thay đổi. Chính vì thế, bà luôn coi mình là dân Wien "chính hiệu". Cha bà là người Do Thái gốc Séc, mẹ bà lại là một tín đồ rất ngoan đạo của Thiên Chúa giáo gốc Rumary-Đức. Thuở nhỏ bà học ba-lê. Từ năm 6 tuổi, bà học dương cầm theo yêu cầu của mẹ. Nhà văn thường tâm sự: "Trái tim của tôi có bốn ngăn tất cả, hai tâm thất và hai tâm nhĩ..." - ám chỉ việc bà phải chịu gánh nặng của hai luồng tư tưởng hoàn toàn đối lập nhau trong gia đình.

Tốt nghiệp Khoa Sáng tác và Biểu diễn dương cầm tại Viện Hàn lâm Âm nhạc và Mỹ thuật Wien, bà theo học và bảo vệ thành công luận án thạc sĩ khoa Văn của trường Đại học Quốc gia Áo. Những cuốn tiểu thuyết và các vở kịch nói [1] của bà đã gây tiếng vang lớn không chỉ trong xã hội Áo, mà còn trên khắp thế giới. Với tư cách nhà văn, bà hoạt động rất tích cực trên lĩnh vực chính trị. Đề tài bà quan tâm nhiều nhất là vấn đề "lịch sử cận hiện đại của nước Áo bị bóp méo" và tình hình "áp bức phụ nữ" trên thế giới. Tại Áo, cùng với nhóm chính trị của phe cánh tả, các thế lực chính trị "đối lập" khác cũng chấp nhận, giới thiệu và nghiên cứu nhiều tác phẩm của bà. Bên cạnh giải Nobel, bà còn nổi tiếng về tính cách không yêu "đủ" tổ quốc, đồng bào của mình. Bà than vãn rằng: thật đáng thương thay, đến tận giờ, nước Áo vẫn luôn giả mạo lịch sử của nó (!).
 
HVG: Nhiều lần, bà đã "cầu Chúa": Xin đừng trao giải Nobel cho bà. Tại sao vậy? Phải chăng, bà lo sợ sự "bình yên", "độc lập" của mình sẽ bị tổn thương? Hay cách đây không lâu bà đã phát biểu: bà lo sợ cho chủ nghĩa "vô chính phủ" của mình sẽ gặp nguy hiểm trước các loại "cơ quan ngôn luận"?

Elfriede Jelinek (E.J): Dĩ nhiên là tôi rất vui mừng khi được trao tặng giải văn học cao quí này. Sẽ rất phi lý, nếu không như vậy. Và tôi sẽ là một tên đạo đức giả nếu cứ tỏ ra là mình chẳng thiết tha gì với giải Nobel cả. Chỉ có điều, tôi nghĩ rằng: một nhà văn khác được nhận giải, sẽ hưởng thụ điều này một cách trọn vẹn và thoải mái hơn. Đối với tôi, "công chúng" như một con thú dữ, lúc nào cũng muốn "xé xác" tôi ra.
 
HVG: Bà đã tuyên bố trước: bà sẽ không đến Stockholm để dự lễ trao giải thưởng. Còn bài diễn văn của bà sẽ được đọc. Bà muốn gửi gắm gì trong bài diễn văn đó?

E.J: Bài nói chuyện của tôi sẽ được thu vào băng video [2] . Và người ta sẽ chiếu tại buổi lễ. Tôi muốn nói lời cám ơn tới những người đã chấp nhận và ủng hộ tác phẩm của tôi. Những người đã tạo cho tôi một khả năng viết lách "tự do", "không bị cản trở". Tôi luôn là một kẻ chịu ơn và chẳng bao giờ tạ lễ đầy đủ cho những tấm lòng quí giá đó.
 
HVG: Bà là một văn sĩ đã có nhiều tác phẩm. Danh tiếng của bà càng nổi lên sau giải Nobel. Tiếng nói, câu văn của bà như có thêm "trọng lượng". Bà có cảm thấy trách nhiệm "nặng nề" hơn trước công chúng?

E.J: Tôi biết mình chắc chắn không kham nổi cái gọi là "chịu trách nhiệm" trước bất kỳ ai. Tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình: tiếp tục nói ra những điều mình muốn nói. Đây là quyền của mọi công dân. Còn bắt đầu từ đây, tiếng nói của tôi có thêm "trọng lượng" ư? Lạy Chúa, tôi phải làm quen dần với điều này.
 
HVG: Không chỉ chính phủ của liên minh hai đảng - Đảng Nhân dân và Đảng Tự do - bị bà thường xuyên chỉ trích, mà cả nước Áo nữa. Tại sao bà vẫn luôn ác cảm với đất nước Áo của bà, với những người dân đồng tổ quốc với bà?

E.J: Đối với tôi, cái mốc năm 2000, khi Đảng Nhân dân bắt tay với cánh cực hữu thành lập chính phủ liên minh, đánh dấu sự tan vỡ to lớn trong mối quan hệ giữa chúng tôi. Điều làm tôi rất đau lòng và phải đi đến quyết định chia tay dứt khoát với nước Áo là sự kiện lên nắm chính quyền của cánh cực hữu, phe phát xít, kẻ đã gây ra bao tội ác cho nhân loại. Việc đảng của Haider [3] lên nắm chính quyền tại Áo là một dấu hiệu xấu xa cho cả Châu Âu. Nó mở màn, rồi khích lệ Berlusconi [4] ở Ý và Blocher [5] ở Thụy Sĩ được thời lấn tới. Tôi thật chán ngán với sự giả dối của nước Áo. Sự giả dối này đã khôn ngoan tạo ra cho nước Áo một bộ mặt "rất đáng thương", "cần phải che chở" trong suốt một thời gian dài, kể từ khi Hitler tấn công nước Áo cho đến tận bây giờ. Tôi nổi giận với cả giới trí thức Áo nữa. Tôi không thể hiểu được là tại sao họ lại có thể núp dưới danh nghĩa "vô chính phủ" để mà biểu hiện mình bằng cách phủ nhận tất cả. Phơi bày và tố cáo những "dây mơ rễ má" của sự bóp méo lịch sử nói riêng và của sự giả dối nói chung, là động cơ sáng tác của tôi, kể cả khi vẫn biết rằng sẽ chẳng đạt được ý nghĩa gì, mình chỉ ném một viên sỏi bé nhỏ vào một bức tường bê tông to lớn.
 
HVG: Một phần của thế giới phương Tây đã nhiều lần quay lưng lại với nước Áo, không tin vào "những giọt nước mắt của Wien", nghi ngờ công việc rũ sạch hoàn toàn quá khứ phát xít của Cộng hoà Áo. Bằng chứng là khối EU đã thi hành biện pháp trừng phạt nước Áo trong suốt nhiệm kỳ của Kurt Waldheim [6] và thời gian cầm quyền của Đảng Tự do cách đây bốn năm. Theo bà, điều này có tác động như thế nào với nước Áo?

E.J: Tôi không tin vào sự sửa đổi của nước Áo. Đất nước này đã làm lung lay lòng tin của giới trí thức, thậm chí tống vào nhà giam rất nhiều cá nhân tiên tiến trong số họ. Đất nước này dối trá ngay cả với lịch sử của mình. Trò chơi "ú tim" được nước Áo "chơi" một cách nhuần nhuyễn trong quá khứ, và đến tận bây giờ trong cái gọi là "quá trình nhận thức bản thân", "quá trình tiếp thu thời đại". Cái "tỏ vẻ tiến bộ" của đất nước này không ngoài mục đích lại khơi dậy "lòng thương" của thế giới văn minh đối với nó.
 
HVG: Cách đây hai năm, hơn một trăm nghìn bản in của kịch bản bộ phim Không số phận [7] đã được phân phát cho dân chúng thủ đô Wien. Bà có tưởng tượng ra rằng những cuốn sách của bà rồi họ cũng sẽ phát không cho công chúng? Đại để, bà có tán thành với những "hành động mỹ miều" tương tự?

E.J: Văn chương là viên ngọc đáng giá. Không cần phải vung vãi cho dân chúng. Những ai từ trước đã không "đọc" thì bây giờ họ cũng chẳng bận tâm đến việc tìm hiểu xem chữ nghĩa là thứ quái gì. Còn những người đã biết thế nào là "sống với văn chương" thì trong tương lai, họ tiếp tục khai thác cái "nguồn sống" ấy.
 
HVG: Ở nước Hung chúng tôi, cho đến khi thay đổi chế độ (1989), ba chữ "t" là chính sách hàng đầu của quản lý văn học: tài trợ, tha thứ và tịch thu [8] . Tại nước Áo của bà, tình hình có vẻ khả quan hơn nhiều. Nhà nước Áo không những "tha thứ" cho "đứa con khó trị", mà còn "tài trợ" cho bà trong quá trình sáng tác, tỷ dụ như việc đặt bà sáng tác kịch.

E.J: Tôi không nhận được tài trợ nhiều như thế đâu. Đó chẳng qua là khoản thù lao tương xứng với công việc, mà bất cứ nhà văn nào cũng nhận được khi họ đã có "tên tuổi". Lần duy nhất tôi nhận được học bổng của nhà nước Áo khi tôi còn rất trẻ. Những lúc cần "tài trợ" cho công việc sáng tác của tôi thì không bao giờ có ngân quỹ cả, tuy tôi có đệ đơn yêu cầu. Những vở kịch tôi viết, đúng là được biểu diễn ở các sân khấu quốc gia, các đài phát thanh trung ương. Nhưng, lạy chúa, tài trợ và đỡ đầu cho văn học nghệ thuật là nhiệm vụ bắt buộc của "ông" Nhà nước cơ mà. Chuyện đưa ngân sách thoả đáng cho văn học nghệ thuật không thể là vấn đề một vài chính khách có "hảo tâm" hay không.
 
HVG: Vì sao mà bà cảm thấycần gia nhập Đảng Cộng sản Áo (KPÖ) vào năm 1974? Đảng cộng sản Áo (KPÖ), lúc bấy giờ, có thể nói là một đảng khá "đơn thương độc mã" trên chính trường Áo. Và những nguyên do gì đã làm bà phải "từ bỏ ra đi" vào năm 1991?

E.J: Đảng Cộng sản Áo (KPÖ) là một trong những đảng thành lập nên nền Cộng hoà Đệ nhị [9] ở Áo -điều này không ai có thể phủ nhận được. Trên cương vị là một người mang tư tưởng cánh tả tôi đã không muốn mình phải đứng vào hàng ngũ của một số nhóm những người hoạt động chính trị ở các trường đại học. Bằng phong thái "qui phục", tôi muốn có mối quan hệ thực chất với giai cấp công nhân. Nếu thời đó, KPÖ mạnh hơn một chút, tôi đã không gia nhập. Đảng Xã hội Dân chủ (SPÖ) đã từ lâu không còn là đảng mang tính chất một đảng cánh tả nữa. Tôi chỉ mong muốn rằng: một đảng cánh tả thực thụ phải hiện diện trong quốc hội. Rất tiếc, nguyện vọng ấy của tôi không thành. Vì thế, tôi thấy việc có mặt trong Đảng KPÖ không còn mang một ý nghĩa gì nữa. Dù sao, tôi vẫn tin tưởng rằng, trong tương lai, nước Áo sẽ có một đảng cánh tả theo đúng nghĩa của nó, kiểu như đảng Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ Đức (PDS) bây giờ, chỉ có điều khác đi là sẽ không có những đảng viên vốn là nhân viên mật vụ Stasi ngày xưa. Trong một xã hội xã hội chủ nghĩa tồn tại thực, tôi chắc chắn đã không trở thành đảng viên.
 
HVG: Có thể nhận ra từ các phát ngôn của bà trong thời gian gần đây: kẻ thù tư tưởng "không đội trời chung" của bà chính là tờ báo lá cải Neue Krone Zeitung của phe cánh hữu, tờ báo dành cho tầng lớp độc giả "khiếm học" biết tiếng Đức. Tại sao bà có thể căm ghét tờ báo này đến như thế?

E.J: Ảnh hưởng của tờ Krone khá rộng lớn. Một nửa số người Áo biết đọc là độc giả của nó. Nó không làm nghĩa vụ cung cấp tin tức cho công chúng, mà ngược lại, là cơ quan ban phát tư tưởng cho cái gọi là "những người dân có tư duy lành mạnh". Lạy Chúa, nhắc đến tờ Krone, mà thấy lạnh cả sống lưng! Nó nói những điều người đọc muốn nghe, những điều họ đã luôn nghĩ đến, nhưng chẳng bao giờ thổ lộ. Tờ báo này không phải là "nhánh quyền lực thứ tư" [10] trong một xã hội dân chủ, mà là một thứ bùn lầy. Nước Áo có thể đằm mình thoải mái trong cái vũng lầy dơ bẩn của nó. Còn dân Áo thì có thể đồng tình với nhau một cách mỹ mãn.
 
HVG: Bà coi cuốn tiểu thuyết Những đứa con của Tử thần [11] là tác phẩm chính trong sự nghiệp viết văn của mình. Hội đồng trao giải Nobel cũng đánh giá như vậy. Tại sao cuốn sách lại chiếm vị trí quan trọng nhất trong trái tim của bà?

E.J: Đây là tác phẩm luôn muốn "trồi" ra khỏi tôi. Nếu chỉ viết được mỗi tiểu thuyết này thôi, thế là đủ. Tiểu thuyết này là bức tranh minh hoạ về sự bóp méo lịch sử của nước Áo: những kẻ bị giết đòi mạng sống từ những người đang sống. Đây là một Lịch Sử Ma Quỷ. Lịch sử nước Áo đáng thương của tôi cũng như thế. Những thây ma muốn "mồ yên mả đẹp", nhưng tôi lại cứ khai quật chúng lên ngày này qua ngày khác.
 
HVG: Trong phim Cô giáo dương cầm [12] , cũng như trong tiểu thuyết cùng tên của bà, nhân vật chính được bà miêu tả như là một người đàn bà có tâm lý dục vọng méo mó. Bà đã đồng hoá bản thân mình tới mức như thế nào với những nhân vật của mình? Bà có yêu thích họ không?

E.J: Nói chung là không cần phải yêu quí những nhân vật của tôi. Họ không phải là những mẫu người có thực. Họ chỉ là những đĩa CD đã được ghi trên đó những phần mềm cao cấp. Những phần mềm cao cấp ở đây là những tư tưởng triết học. Những CD này chỉ đáng giá khi chúng được "đọc" bởi một máy tính phù hợp. Những nhân vật của tôi cũng vậy, họ đã được điển hình hoá theo cách của tôi. Và chỉ những độc giả có "tâm tư tình cảm" giống của tôi mới hiểu hết được điều tôi muốn nói. Bởi vì tôi đã miêu tả những nhân vật của tôi một cách say mê, nghiêm túc, ngay cả khi phong cách sáng tác của tôi buộc phải lạnh lùng và xa cách.
 
HVG: Không những là một nhà văn xuất chúng, bà còn là một nhà biên kịch tài tình nữa. Một trong những vở kịch bà sáng tác năm 1985 nói về quá khứ thân phát xít của nữ nghệ sỹ nhân dân Paula Wessely [13] . Hoặc giả như vở kịch về tai nạn bãi trượt tuyết xảy ra tại Kaprun năm 2002. Vì những đề tài mang tính lịch sử và khá nóng hổi như thế, bà có lo ngại những tác phẩm của mình, rồi đây, sẽ vượt thời gian hay không?

E.J: Ngay cả khi xuất phát từ những nhân vật và các sự kiện lịch sử, tôi đều điển hình hoá và biến tất cả thành những "CD" có ích. Nói cách khác, tôi vừa thần thánh hoá, vừa bình dị hoá những đứa con tinh thần của tôi. Tôi không mong tác phẩm của tôi phải "trẻ mãi không già". Những đề tài nhuốm màu lịch sử sẽ chẳng làm tôi bận tâm, nếu tôi không biết cách chuyển tải chúng về hiện tại theo đúng ý nghĩa của chúng.
 
HVG: Khi đọc tác phẩm của bà bằng tiếng Đức, có thể cảm nhận được nhịp điệu âm nhạc rất đặc biệt trong từng câu. Bà có ý kiến gì về việc tác phẩm của mình được dịch sang ngôn ngữ khác. Những "bản giao hưởng" tuyệt vời ấy có mang được hết những "nốt nhạc" của mình sang một giàn nhạc công khác với một nhạc trưởng khác?

E.J: Tôi chỉ có thể kiểm tra lại những bản dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh. Thật khổ cho các nhà dịch thuật! Họ phải "viết lại" hoàn toàn công việc của tôi bằng ngôn ngữ nước họ để cho tác phẩm có thể chứa đựng giá trị nguyên gốc. Những trò chơi ngôn ngữ chỉ được yêu thích ở những nơi được phép. Và chỉ những nhà văn mới yêu thích trò chơi này, nhưng họ chẳng hơi đâu "dịch" tôi mà làm gì!
 
HVG: Sau khi nghe bà đoạt giải thưởng Nobel, nhà phê bình văn học "đại cổ thụ" Marcel Reich-Ranicki [14] phát biểu: "Tôi tìm thấy nhiều điểm hạn chế trong những tác phẩm của Elfriede, nhưng dù sao, sự đồng cảm của tôi đối với tấm lòng dũng cảm, tính không khoan nhượng, sự quyết liệt cũng như cơn phẫn nộ của nữ văn sĩ có tâm hồn cao cả có một không hai này là vô bờ bến". Bà có nhận định như thế nào với ý kiến này?

E.J: Tôi không bao giờ đọc những gì người khác viết về tôi. Do bản năng tự vệ. Chắc chắn có những điều, dù vô tình hay cố ý, sẽ làm tôi bị tổn thương. Tốt hơn hết, tôi cứ tự "che chở" bản thân mình.
 
HVG: Xin cảm ơn bà đã dành thì giờ cho tạp chí của chúng tôi.

E.J: Tôi cũng xin cảm ơn. Cho tôi gửi lời chào tới dân tộc Hungary, dân tộc có nhiều người con vĩ đại. Giá mà tôi được sinh ra ở Hung!
 

© 2004 talawas



[1]Những tác phẩm chính của Elfriede Jelinek:
Oh Wildnis, oh Schutz vor ihr (Oh Wilderness, Oh Protection from It, 1985),
Die Klavierspielerin (The Piano Teacher, 1988),
Lust (Lust, 1989),
Die Kinder der Toten (The Children of the Dead, 1995),
Was geschah, nachdem Nora ihren Mann verlassen hatte oder Stützen der Gesellschaft (What Happened After Nora Left Her Husband or Pillars of Society, 1979),
Clara S. (1982)
Krankheit oder Moderne Frauen (Sickness or Modern Women, 1984)
[2]Ngày 09.12.2004, băng video thu Diễn từ Nobel của Elfriede Jelinek đã được phát tại Thụy Điển
[3]Jörg Haider(1950) chủ tịch đảng cực hữu Tự do Áo (FPÖ)
[4]Silvio Berlusconi thủ tướng Ý, chủ tịch đảng Forza Italy
[5]Christoph Blocher, tỷ phú người Thuỵ Sĩ, đứng đầu chi bộ Đảng Nhân dân Thuỵ sĩ tại thủ đô Zürich
[6]Kurt Waldheim, cựu tổng thống Cộng hoà Áo, trước đấy ông từng là tổng thư kí Liên hợp quốc.
[7]Bộ phim Không số phận được dàn dựng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Hung Kertész Imre (giải Nobel năm 2002)
[8]Chính sách "quản lí" giới văn nghệ sĩ tại Hungary vào thời kỳ "xã hội chủ nghĩa"
[9]Nước Áo trong giai đoạn từ 1945 đến 1989
[10]Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí là bốn thế lực trong xã hội dân chủ.
[11]Tiểu thuyết viết vào năm 1995
[12]Bộ phim cùng tên với tiểu thuyết nổi tiếng của nữ văn sĩ được quay vào năm 2001, đạt Giải lớn cho phim hay nhất của ban giám khảo liên hoan phim tại Cannes. Ngoài ra, hai diễn viên chính Isabelle Huppert (nữ) và Benoit Magimel (nam) cũng nhận giải nhất cho hai thể loại diễn viên. Bộ phim nói về thế giới tâm lí khác thường của một người phụ nữ trung niên.
[13]Paula Wessely nữ diễn viên sân khấu và điện ảnh nổi tiếng, cùng thời với Marlene Dietrich, Wilii Forst...
[14]Marcel Reich-Ranicki, nhà lý luận và phê bình văn học lớn bậc nhất của nước Đức, được mệnh danh là Giáo hoàng văn học. Ông sinh năm 1920 tại Wloclawek(Ba-lan), từ 1929 đến 1938 ông sống ở Berlin. Năm 1943, ông trốn khỏi trại tập trung Vác-xa-va. Sau Đệ nhị Thế chiến ông sống và làm việc tại Đức
Nguồn: Tuần báo Kinh tế Thế giá»›i-Hungary (HVG) số 48 năm thứ 26, ra ngày 27 tháng 11 năm 2004