© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
20.12.2004
Karl Popper
Xã hội mở và những kẻ thù của nó
Tập I: Bùa mê của Plato
Nguyễn Quang A dịch
 1   2 
 
“Một tác phẩm quan trọng loại một nên được đọc rộng rãi vì sự phê bình tài giỏi của nó đối với các kẻ thù của dân chủ, cổ xưa và hiện đại.” - Bertrand Russell

“… có lẽ là quyển sách thú vị, độc đáo, và thật sự quan trọng nhất xuất hiện trong nhiều năm… [Nó], cả toàn bộ hay một phần, cũng là một tổng quan về triết học Hy Lạp và triết học hiện đại kể từ Kant, một tiểu luận về logic khảo cứu, một chuyên luận về nghệ thuật cai trị, một thẩm vấn các mục tiêu của các khoa học xã hội, một lịch sử về sự nổi lên và sụp đổ của Athens, một phê phán triết học hình thức đối với chủ nghĩa duy tâm, một phân tích ý thức hệ của chủ nghĩa phát xít và sự thành công tràn khắp của nó, một nghiên cứu về ý nghĩa của Marx, một kho tổng quan lỗi lạc, và một sự bảo vệ, và trong nhiều phương diện là tấm gương, về sự sáng sủa, phương pháp khoa học, và thủ tục dân chủ. Không người biết suy nghĩ nào có thể bỏ qua cuốn sách của Popper.“ - Joseph Kraft, The Nation

“Thành tựu của Popper là tuyệt diệu và kịp thời… Tôi coi cuốn sách của ông như công trình vượt trội quan trọng nhất về xã hội học đương thời.“ – Hugh Trevor-Roper, Polemic

“Một tác phẩm lớn về triết học xã hội đương thời. Kết hợp tư duy sáng tỏ của một nhà khoa học lành nghề với sự trình bày dễ hiểu, Popper đã viết một cuốn sách sâu sắc và khiêu khích khác thường.” -Hans Kohn, Yale Review

“… uyên bác, lập luận tài tình và được viết nhiệt thành… Popper đã viết một cuốn sách kích thích một cách khác thường.” – Sidney Hook, New York Times



Lời giới thiệu của dịch giả Nguyễn Quang A

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ mười [1] của tủ sách SOS2, tập I của cuốn Xã hội mở và những kẻ thù của nó của Karl Popper. Có thể nói cuốn sách này là minh hoạ về ảnh hưởng dai dẳng và nguy hại của các tư tưởng lịch sử chủ nghĩa được phân tích kĩ [về lí thuyết] trong Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử của ông bằng các sự kiện và tư liệu lịch sử từ Plato đến Hegel và Marx. Cuốn sách này cũng có xuất xứ từ các năm 1930 và lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1943. Tập I này bàn về triết học cổ Hy Lạp và chủ yếu về Plato.

Cuốn sách đã có tiếng vang lớn, và gây ra sự phẫn nộ dữ dội từ phía các nhà Platonist. Tôi nghĩ nó cũng sẽ gây tranh luận trong giới học giả Việt Nam nữa, nhưng có lẽ Tập I không nhiều như Tập II, tập bàn đến Hegel và Marx, các tác giả được nhiều học giả Việt Nam biết đến.

Khi dịch xong phần văn bản và một phần chú thích của tập I, tôi được anh Nguyễn Đức Mậu ở Viện Văn học cho biết cuốn sách này và cuốn Logic of Scientific Discovery đã được dịch ra tiếng Việt, và anh đã vui lòng cho tôi một bản sao. Nhìn bề ngoài có thể thấy sách đã được dịch từ lâu, không rõ ai dịch hay cơ quan nào tổ chức dịch. Theo anh Mậu có lẽ nhóm nghiên cứu của Nguyễn Hồng Phong đã dịch. Tuy vậy không thấy có bản dịch của Tập I. Sau khi dịch hai chương đầu của tập II (từ bản tiếng Anh) và so với bản dịch đó (chắc từ bản tiếng Pháp) tôi đã quyết định tự mình dịch nốt cả tập II. Ít nhất nó cũng mang lại thêm một sự lựa chọn khác cho bạn đọc. Và đánh giá cuối cùng là của bạn đọc.

Plato là triết gia vĩ đại nhất trong các triết gia từ trước đến nay, như chính Popper thừa nhận. Song chính vì ảnh hưởng to lớn của ông đến sự phát triển của nhân loại nên càng quan trọng hơn đi chỉ ra các ảnh hưởng xấu của ông, một công việc khó khăn và thường được coi là “phạm thượng” mà Popper đã dũng cảm đảm đương.

Cuốn sách không dễ đọc. Soros cũng thấy văn Popper lủng củng với các “chủ nghĩa” và “thuyết” [Soros, Xã hội Mở p. 122]. Người dịch đã cố hết sức để làm cho bản dịch được chính xác và dễ đọc hơn, song do hiểu biết có hạn nên khó thể tránh khỏi sai sót. Phần chỉ mục nội dung, ở mỗi mục chính, có kèm theo thuật ngữ tiếng Anh để bạn đọc tiện tham khảo. Tên các tác phẩm mà tôi không chắc đã được dịch ra tiếng Việt được để nguyên như nguyên bản để bạn đọc tiện tham khảo. Tên người cũng được để nguyên, không phiên âm, riêng Plato cũng được nhiều người gọi là Platon, theo cách dùng trong tiếng Pháp, bản dịch này dùng Plato như trong tiếng Anh. Một số tính từ được tạo ra từ các tên riêng như Marx – Marxian, Pythagoras –Pythagorean, Athens –Athenian, Socrates-Socratic, Plato-Platonic, v.v. được để nguyên như trong tiếng Anh. Bạn đọc lưu ý để phân biệt tên người riêng như Gorgias với Gorgias là một tác phẩm đối thoại của Plato. Tên tác phẩm luôn được in nghiêng.
 
Mọi chú thích của tác giả được đánh bằng số. Tất cả các chú thích đánh dấu sao (*) là của người dịch [Dấu * còn được tác giả sử dụng trong phần chú thích, song sẽ không bị lẫn với chú thích được đánh dấu sao]. Bản dịch chắc còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm, lượng thứ, và chỉ bảo; xin liên hệ theo địa chỉ Tạp chí Tin học và Đời sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25/B7 Nam Thành Công], hoặc qua điện thư thds@hn.vnn.vn hay nqa@netnam.vn

Hà Nội 11-2004

Nguyễn Quang A


Toàn văn bản dịch, bản PDF (356 trang, 3300 KB)


Nếu không có Adobe Reader™ để đọc bản PDF, xin bấm vào




© 2004 talawas



[1]Các quyển trước gồm:
  1. J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002.
  2. J. Kornai: Hệ thống xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
  3. J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
  4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính, sắp xuất bản
  5. H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản, sắp xuất bản
  6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu? sắp xuất bản
  7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô, sắp xuất bản
  8. G. Soros: Xã hội mở, sắp xuất bản
  9. K. Popper: Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử, sắp xuất bản.