© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
21.12.2004
Phan Khôi
Việt ngữ nghiên cứu
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Tựa

Năm 1948, ở trong Đoàn Văn hóa kháng chiến Xuân Ang, Phú Thọ, tôi nhân đọc cuốn Tân quốc văn ngữ pháp của Lê Cẩm Hy, toan dựa theo viết một cuốn ngữ pháp tiếng Việt, mà cứ lúng túng mãi, không xử lý được nhiều trường hợp rắc rối trong ngôn ngữ, nên chưa viết được.

Tuy vậy, cái đại cương của ngữ pháp thì tôi thấy như mình đã nắm được, nhân tháng bảy năm ấy có Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở Đông Lĩnh, tôi có bài thuyết trình "Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta".

Có lẽ cũng vì cái thuyết trình ấy, sau đó không lâu, Hội Văn hóa Việt Nam thành lập, tôi được cử vào làm việc trong Ban Ngôn ngữ văn tự của Hội.

Muốn cho công việc của mình sớm có thành quả cụ thể, từ đó qua đầu mùa xuân 1949, tôi viết ba bài nghiên cứu được in ly-tô phát hành, tức là "Phân tích vần Quốc ngữ", "Một vài nhận xét trong tiếng ta theo chữ Nôm", và "Tiếng đệm" đặt ở đầu sách này.

Bấy giờ tôi lại muốn trở lại viết cuốn ngữ pháp, nhưng vẫn lúng túng không viết được, không làm sao xử lý được những vấn đề mình đã cho là rắc rối. Tôi bèn tỉnh ngộ, thấy ra cái chỗ tại làm sao mà mình bị bí ấy.

Một thứ tiếng mới thành lập như tiếng ta, mà muốn viết một sách ngữ pháp cho đâu ra đó, làm một việc tổng hợp, thì rất khó. Bí là tại đó. Phải làm việc phân tích trước, phân tích tỉ mỉ kẽ còi rồi, bấy giờ làm việc tổng hợp thì có lẽ dễ hơn.

Vì như thế, tôi bỏ cái dã tâm [1] viết sách ngữ pháp mà đi làm cái việc phân tích, tức là tám bài sau trong sách này, năm 1950 đã do Hội xuất bản bằng ty-pô, đề nhan sách là "Tìm tòi trong tiếng Việt".

Từ 1951 về sau, tôi không còn làm việc ngữ ngôn văn tự nữa, việc nghiên cứu bỏ dở.

Nay nhân thắng lợi hòa bình, trở về thủ đô Hà Nội, bèn góp lại những công trình nghiên cứu trong hai năm in thành một cuốn sách, phụ lục cái thuyết trình về ngữ pháp ra sau cùng, đổi tên mới là "Việt ngữ nghiên cứu".

Trước kia, sau khi in ly-tô hay ty-pô xong, tôi có thấy trong bài mình viết còn có chỗ nào sai sót thì điền bổ thêm vào; và hiện nay, trước khi ra cuốn sách này, tôi còn thấy cái gì đáng nói nữa cũng có nói thêm. Cả hai sự bổ túc ấy thuộc về bài nào thì để sau bài ấy chung dưới một cái đầu đề nhỏ là: Viết thêm về sau. Những mẩu viết thêm ấy hoặc có ghi đủ địa điểm và ngày tháng, hoặc chỉ ghi năm mà thôi, là tùy lúc bấy giờ có ý cẩn thận hay cẩu thả, nhưng đều để nghiệm thấy tư tưởng mình tiến hay thoái, và cũng để đánh dấu mình tuy không làm việc ngữ ngôn văn tự cũng để ý tới nó luôn luôn, một cách dùng mà tự an ủi lấy mình.

Hiện nay, các nhà giáo, các nhà văn chúng ta có cái trách nhiệm phải làm cho tiếng nước ta tiến dần lên đến bậc hoàn mỹ. Tiếng nói có hoàn mỹ thì mới đẩy văn học, khoa học tiến lên được, mới phục vụ được cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc đi nhanh trên con đường tiến hóa của hiện đại. Tiếng Việt Nam nếu còn cứ ở cái trình độ cũ thì dân tộc Việt Nam có tiến đi nữa cũng chậm lắm.

Tôi mong rằng khi sách này in ra, sẽ được nhiều lời phê bình thảo luận, để bổ cứu cho sự sai lầm, thiếu sót của ý kiến một người, và nhờ đó, công việc phân tích càng đầy đủ, tinh vi hơn để đi đến tổng hợp.

Nói như thế, không phải nói đợi phân tích xong rồi mới viết sách ngữ pháp. Chúng ta cũng cứ viết sách ngữ pháp đi, sau nhờ sự phân tích, phát hiện cái đúng đến đâu, sẽ sửa chữa nó đến đó.

Công việc này là công việc làm vĩnh viễn, không phải chỉ làm mười năm hay một trăm năm. Hễ thời đạo tiến hóa thì ngữ ngôn phải tiến hóa, ngữ ngôn tiến hóa tức là dân tộc tiến hóa.


Phan Khôi

(Viết tại Hà Nội ngày 22-11-1954)


*


Tâm hồn và trí tuệ của Phan Khôi trong "Việt Ngữ nghiên cứu"

Tuổi trẻ của Phan Khôi là một thời bi kịch của đất nước. Chủ quyền dân tộc đã mất dần! Chế độ thống trị của kẻ xâm lược coi như đã an bài! Nhưng bi kịch không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa. Dân trí còn quá thấp! Trong dân gian, vẫn còn được kể lại chuyện không lâu trước đó vua quan, sĩ phu, dân chúng chẳng ai tưởng tượng nổi là ở phương trời kia, có những ngọn đèn không cần cho dầu vào mà vẫn thắp được sáng trưng, lại chúc đầu xuống. Sang thế kỷ XX rồi kể chuyện đó lại để cười. Cũng để xót cho cái thân phận nghèo nàn, lạc hậu của người dân đất Việt.

Pháp lớn tiếng rằng sứ mạng cao cả của họ là khai hóa An Nam. Ở châu Á, châu Phi ở đâu họ cũng đều tuyên bố vậy trên cái thế mạnh của văn minh nước họ. Chính sách của họ là dân bản xứ thuộc địa phải Pháp hóa (Franciser). Dân An Nam thì trước hết phải phi Hán hóa (désiniser).

Giới trí thức nho học đông đảo nước nhà đứng vào thế bị động của một sự lựa chọn hết sức khó khăn. Rời bỏ văn hóa Hán, tiếng Hán? Đó là giá trị không còn là ngoại lai mà đã thành cổ truyền của dân mình rồi! Chấp nhận văn hóa Pháp? Đó đích thực là ngoại lai, là vô đại trước đạo lý truyền thống! Chấp nhận tiếng Pháp, tiếng Tây? Nó xa lạ, kỳ dị!

Trong điều kiện xã hội như thế, Phan Khôi đã làm một sự lựa chọn cho mình. Ông vốn xuất thân Hán học, nhưng vẫn đi vào Pháp học, vẫn học tiếng Pháp tới trình độ cao. Như thế, chẳng phải vì lẽ sống, vì vinh thân như ai, cũng chẳng phải như ai vì tán thành đường lối "hiệp tác", "đề huề" với Pháp, Phan Khôi có ý thức sâu sắc là ở nước Nam ta, sự mở mang dân trí phải là sự mở rộng không gian văn hóa. Quả nhiên, văn hóa có thời gian và cả không gian. Cái không gian văn hóa của xã hội người Việt đã thành quá ư chật hẹp, lại khép kín sau cả mấy ngàn năm tiếp xúc chỉ với Trung Hoa.

Khác với nhiều nho sĩ, Phan Khôi không đồng tình với cách nghĩ cho Quốc học phải tiếp tục là Hán học. Theo ông, xưa nay, nước ta chẳng có gì là Quốc học cả. Toàn những vay mượn đó thôi! Của ta chỉ có văn học với những sáng tác văn chương nghệ thuật. Nhưng văn học đó, dù xuất sắc như Truyện Kiều, chưa coi là Quốc học được. Quốc học, theo ông phải là học vấn, triết học, tư tưởng do chính ta xây dựng nên.

Mà xây dựng nên trong tiếng ta, quốc ngữ của dân tộc ta. Về quan điểm này, Phan Khôi gần với Phạm Quỳnh, tuy hai học giả này khác nhau xa về quan điểm chính trị, về quan hệ với chính quyền Pháp. Phan Khôi chẳng dính líu gì với chính quyền thực dân.

Ông đã xông vào nghề báo tự do. Đó là hoạt động để mở mang dân trí, và để luyện tiếng Việt trong văn chương báo chí còn mới mẻ. Từ đó, đã nảy sinh và được nuôi dưỡng ở ông ý đồ lớn và lâu dài là nghiên cứu tiếng Việt. Ý đồ này cũng đã sớm hình thành ở những nhà văn hóa "Đông Kinh nghĩa thục" và ở những người cộng sản Việt Nam. Nhưng đến năm 1943, mới có "Đề cương về văn hóa Việt Nam". Trong đó Đảng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu tiếng Việt về các mặt trong xây dựng ngôn ngữ dân tộc.

Nhưng nghiên cứu tiếng Việt là không dễ. Người nghiên cứu phải có tâm hồn. Chính trong tâm hồn dân tộc, mà trước Phan Khôi, không ít nhà văn hóa đã viết về ngữ pháp tiếng Việt. Nhưng người nghiên cứu tiếng Việt còn phải có trí tuệ, trí tuệ về tiếng Việt, về ngôn ngữ. Nếu không là dễ rơi vào lối mô phỏng tiếng Pháp, một ngôn ngữ văn hóa có uy thế rộng lớn.

Phan Khôi là nhà văn hóa rất quý trọng tiếng Việt, quyết tâm bảo vệ ngôn ngữ dân tộc. Ông theo đuổi sự nghiệp này, khi hoạt động ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội, rồi đi theo cách mạng giải phóng dân tộc, hoạt động cho tới cuối đời. Và Phan Khôi có trí tuệ của một nhà Việt ngữ học. Trí tuệ của ông hình thành từ một văn hóa mở rộng, với những hiểu biết không chỉ về tiếng Việt, tiếng Hán mà còn về tiếng Pháp, tiếng Anh.

Phan Khôi đã đi tới một nhận định có ý nghĩa phương pháp luận. Ông thấy giữa các ngôn ngữ khác nhau vẫn tồn tại những cái giống nhau mà ông gọi là "đại đồng". Và ngôn ngữ nào cũng được phân biệt bởi những cái mà ông gọi là "tiểu dị".

Nguyên lý "đại đồng tiểu dị" đã phải lâu lâu mới hình thành rõ trong ngôn ngữ học. Vốn có niềm tin là trên hành tinh chúng ta, thuở sơ khai, chỉ có một ngôn ngữ duy nhất. Nên loài người hiểu nhau, hòa thuận, không chém giết nhau. Thanh bình trong khắp nhân thế. Đó là phước lành của Chúa! Nhưng về sau, hóa ngông cuồng, loài người làm chuyện động trời, cố xây ngọn tháp muốn cao tận mây xanh. Chúa đã trừng phạt! Trong loài người, sinh ra những ngôn ngữ khác nhau và sự không hiểu nhau, rồi xung đột, chiến tranh. Khoa học không cùng niềm tin giáo lý ấy. Từ thuở sơ khai, thật kỳ diệu, đã tồn tại trong loài người sự đa dạng ngôn ngữ. Và từ đấy, hình thành ngày càng phong phú sự đa dạng văn hóa. Đó mới là phước lành của Chúa đã ban cho loài người!

Nhưng, các ngôn ngữ khác nhau là của dân tộc khác nhau! Quan điểm của dân tộc nổi lên ngày càng mạnh. Đến thế kỷ XX, người ta cho tiếng Đức là của dân tộc Đức, chẳng giống gì với tiếng Pháp của riêng dân tộc Pháp. Không thể có gì gọi là tư duy của loài người, chỉ có tư duy của dân tộc được biểu hiện trong ngôn ngữ dân tộc.

Cuối cùng, ngày nay, ngôn ngữ học lại đi tới một nhận định như Phan Khôi. Không, trong những ngôn ngữ khác nhau, có thể khác nhau xa, vẫn có những cái giống nhau. Đó là cái "đại đồng" như Phan Khôi gọi. Nhiều nhà ngôn ngữ học hiện đại gọi những cái giống nhau ấy là những "phổ niệm", tức "universaux" và ngôn ngữ nào cũng có những đặc điểm riêng, những "tiểu dị" theo cách gọi của Phan Khôi.

Rõ là Phan Khôi đã sớm vận dụng nguyên lý "đại đồng tiểu dị" ông đã đề ra, tức nguyên lý "phổ niệm và đặc điểm riêng", trong các bài của "Việt ngữ nghiên cứu".

Không ít nhà nghiên cứu nước ngoài và trong nước cho rằng tiếng Việt chẳng có gì là tư. Theo họ, tiếng Việt chỉ có cái đơn vị gọi là tiếng, mỗi tiếng có một âm tiết, như ăn, ngủ... và chỉ có cú pháp là sự tổ hợp các tiếng để làm nên câu. Phan Khôi không nghĩ thế. Theo ông, tiếng Việt vẫn có từ như mọi ngôn ngữ, đó là một cái đại đồng. Không nói ra hiển ngôn, ông cho rằng ngôn ngữ nào cũng có từ mới liên hệ được với thực tế, ngôn ngữ là công cụ tư duy. Đó cũng là quan điểm lôgic mà Phan Khôi rất đề cao.

Tiếng Việt có rất nhiều từ đơn âm tiết. Tiếng Pháp cũng có mà ít hơn. Tiếng Việt còn có những từ tạo nên bởi các tổ hợp tiếng, như lạnh lùng... Đó là những từ láy theo cách gọi hiện nay. Ngôn ngữ khác nhau cũng có những từ kiểu này, như tiếng Hán. Nhưng từ láy tiếng Việt khác từ láy tiếng Hán, sự khác nhau là ở các âm luật khác nhau chi phối sự cấu tạo từ láy trong hai ngôn ngữ. Phan Khôi đã nghiên cứu các âm luật đó trong từ láy tiếng Việt và từ láy tiếng Hán.

Tiếng Việt còn có những tổ hợp tiếng làm nên những đơn vị mà Phan Khôi gọi là những "thành ngữ", như nhà tranh... Đó là những từ ghép theo cách gọi hiện nay, hoặc những ngữ cố định hóa, từ vựng hóa. Tiếng Pháp cũng có từ ghép và ngày càng nhiều.

"Đại đồng tiểu dị" chỉ đạo sự nghiên cứu của Phan Khôi về cú pháp tiếng Việt. Trong tiếng Pháp, từ biến hình, tức biến đổi hình thức theo chức năng cú pháp. Như động từ dormir nguyên thức thành il dort, il dormait... Nó có một yếu tố gốc gọi là căn tố, kết hợp với các yếu tố biểu hiện các nghĩa ngữ pháp có tính chất phạm trù. Tiếng Việt không như thế. Nó không phải là ngôn ngữ biến hình, mà là ngôn ngữ đơn lập. Nên có những người thường bảo trong tiếng Việt chẳng có gì là phạm trù ngữ pháp. Phan Khôi cũng không nghĩ thế. Ông chú ý đến các hư từ trong tiếng Việt, và đã dành một sự nghiên cứu riêng cho các hư từ trong Truyện Kiều. Theo ông, phương thức dùng hư từ cũng là cái "tiểu dị" của tiếng Việt. Nó biểu hiện rất tế nhị nhiều nghĩa ngữ pháp.

Phan Khôi cũng chú ý tới loại từ tiếng Việt. Thấy trong tiếng Pháp có, chẳng hạn "la maison", trong tiếng Việt có "cái nhà", nhiều người đã cho cái, con... là quán từ, mạo từ chi đó. Phan Khôi đã nghĩ khác. Trong tiếng Việt, chẳng có cái nghĩa ngữ pháp "đực, cái" mà chỉ có nghĩa ngữ pháp "loại": cái, con... có thể coi là loại từ. Người viết bài này xin bình luận thêm là nếu nghĩ tới một câu tiếng Việt như "cái nhà đẹp quá!" thì loại từ cái ở đây cũng giống như article ở nghĩa ngữ pháp "xác định" (défini) như là, "la maison est si belle!".

Điều còn rất đáng chú ý là tác phong nghiêm túc của Phan Khôi. Có thể nhận xét là ở nhiều bài trong "Việt ngữ nghiên cứu" ông đã có, ở phần kết của bài, những điều chỉnh đối với các nhận định trình bày ở phần trên. Đó là những điều chỉnh do nghĩ thêm hay thấy thêm sự kiện trong thực tiễn sử dụng tiếng Việt. Không thể không thấy đó là tác phong đáng quý ở người nghiên cứu khoa học. Sự nghiên cứu của Phan Khôi chưa hoàn chỉnh chăng, có thể như thế đấy! Và đó là điều chúng ta thông cảm với cảnh hầu như đơn độc của ông lúc cuối đời.

Để khép lại những suy nghĩ và bình luận về "Việt ngữ nghiên cứu" của nhà Việt ngữ học Phan Khôi, tôi chân thành nói lên một đề nghị: Công trình này cần được đưa vào tủ sách các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hiện nay, đặc biệt các sinh viên đại học khoa Ngữ văn.


Hoàng Tuệ

Hà Nội, tháng 1 năm 1997


*


Phân tích vần quốc ngữ

Ta gọi "Vần quốc ngữ", theo thói quen xưa nay, gồm có: 23 tự mẫu hay chữ cái, 12 nguyên âm và vần xuôi, vần ngược, và năm dấu: huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng.

Gọi "vần xuôi", vì mỗi "vần" phụ âm ở đầu nguyên âm ở cuối; "vần ngược", vì mỗi "vần", phụ âm ở cuối, nguyên âm ở đầu. Xuôi ngược là nghĩa như thế, theo ước lệ, không cần có lý luận. Nhưng gọi "vần", thì thật không có nghĩa gì cả, vì đó chưa phải là "vần". Tuy vậy, cái danh từ đã thông dụng lâu rồi, đổi đi không tiện, cho nên ở đây cũng cứ gọi là "Vần quốc ngữ".

Vần quốc ngữ đã được đặt ra như thế, là do người đời xưa sau khi có một cuộc tổ chức bằng lý trí có vẻ tổng hợp rồi mới đặt ra. Nay chưa nói đến nó đã hoàn toàn hợp lý chưa, hẵng cứ công nhận nó như thế, song nếu không đem phân tích ra cho kỹ thì không sao thấy được cái công dụng của mỗi phần tử trong cuộc tổng hợp ấy, nhân đó cũng không nhìn biết được cái giá trị thật của vần quốc ngữ nữa, cho nên cần phải phân tích nó.


Tự mẫu hay chữ cái

a, b, c, d, đ, e, g, h, i, y, k, l, m, n, o, p, q, r, s, t, u, v, x: cộng 23 chữ cái. Trong đó có nguyên âm và phụ âm.


Nguyên âm

a, ă, â, e, ê, i, y, o, ô, ơ, u, ư; cộng 12 chữ. Trong 12 chữ ấy ă, â, sinh ra bởi a, ê bởi e, ô, ơ bởi o, ư bởi u, vì lẽ không sinh ra thêm thì không đủ dùng.

Nhưng tự trung, ă, â, không phải là nguyên âm độc lập, vì ă, thuộc về a, â thuộc về ơ, coi như khi viết không viết bă, khi viết bớ không viết thì đủ biết. Y tuy độc lập những cũng chỉ là i kéo dài ra và thuộc về i. Vậy ba âm ă, â, y phải kể là nguyên âm bất hoàn toàn. Rốt lại 12 nguyên âm chỉ còn có 9.


Nguyên âm ghép

Hai hay ba nguyên âm đi với nhau làm một, gọi là nguyên âm ghép, như ai, âu, eo, êu, oa oeo, ui, uôi v.v... Đó là những âm ở trong vần ngược, nhưng thực ra thì cũng là những nguyên âm do nguyên âm đơn sinh ra để cho đủ dùng trong tiếng nói đó thôi. Công dụng của nó cũng như nguyên âm đơn.


Nguyên phụ âm

Nguyên phụ âm cũng là những âm ở trong vần ngược, ghép bằng một hay hai nguyên âm ở đầu với một hay hai phụ âm ở cuối, như ac, it, ôn, uôn, ang, oanh, ương v.v... Công dụng của nó cũng như nguyên âm ghép, khác nhau chỉ ở chỗ: nguyên âm ghép dùng mấy nguyên âm ghép nhau, đọc nhanh nảy ra âm thứ ba, còn nguyên phụ âm thì cũng thế, mà cái phụ âm ở cuối còn làm như cái bánh lái để bẻ theo chiều cái âm mình muốn phát. Vậy trong những âm này có từng chiều của nó, tức là:


    ang - ac
  ăng - ăc
  âng - âc
  iêng - iêc
  ong - oc
1. Ng với C cùng một chiều ông - ôc
  oang - oac
  oăng - oăc
  ung - uc
  ưng - ưc
  uông - uôc
    ương - ươc


    anh - ach
  ênh - êch
2. Nh với Ch cùng một chiều inh - ich
  oanh - oach
    uynh - uych


    am - ap
  ăm - ăp
  âm - âp
  em - ep
  im - ip
  iêm - iêp
3. M và P cùng một chiều om - ơp
  ôm - ôp
  ơm - ơp
  ưm - ưp
  ưm - ưp
  uôm - uôp
    ươm - ươp


    an - at
  ăn - ăt
  ân - ât
  en - et
  in - it
4. N và T cùng một chiều iên - iêt
  oan - oat
  oăn - oăt
  uân - uât
  uôn - uôt
    ươn - ươt



Phụ âm

B, c, ch, d, đ, g, gi, gh, h, k, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x: cộng 26 chữ. Những phụ âm này dùng đứng đầu nguyên âm, nguyên âm ghép hay nguyên phụ âm, làm cho tiếng nói càng nảy nở thêm nhiều ra và đủ điều kiện sinh ra vần.

Trong hết thảy phụ âm trên đây có những phụ âm đôi ba như ch, ghi, ngh v.v... là vì phần phụ âm đơn không đủ dùng nên phải ghép mà đặt thêm ra, chứ không đồng một tính chất với phụ âm kép dr, pl, tr, trong tiếng ngoại quốc, bởi vậy dù nó có đôi ba cũng cứ coi như một. Lại, điều này rất quan hệ, phải biết: phụ âm chưa phải là âm; chỉ khi nào nó đứng đầu nguyên âm, nguyên âm ghép hay nguyên phụ âm thì mới thành âm mà thôi. Lệ như: b chưa phải là âm, mà ba, beo, buôn mới là âm vậy.


Âm giai

Hết thảy các âm: nguyên âm, nguyên âm ghép, nguyên phụ âm, chia làm hai loại: bình và trắc, nguyên âm (trừ ă, â ra) nguyên âm ghép và những nguyên phụ âm tận cùng bằng ng, nh, m, n thuộc về loại bình; còn những nguyên phụ âm tận cùng bằng c, ch, p, t thuộc về loại trắc (đây chưa nói đến bình trắc của năm dấu). Những âm bình ấy không cứ có phụ âm đứng đầu nó hay không, kéo dài ra thành bốn thanh, tám giọng phù (nổi) trầm (chìm), tức là cung bậc của nó, cũng tức là từ không dấu đến năm dấu theo thứ tự ấy gọi là âm giai. Lệ như a, à, ả, ã, á, ạ; beo, bèo, bẻo, bẽo, béo, bẹo; ang, àng, áng, ảng, ãng, ạng; ác, ạc; thanh, thành, thảnh, thãnh, thánh, thạnh; thách, thạch v.v...


Âm hệ

Do âm giai sinh ra âm hệ. Theo như trên mới vừa nói thì đã rõ, có hai thứ âm hệ: Một thứ nguyên âm hay nguyên âm ghép, không cứ có phụ âm đứng đầu nó hay không, chỉ có sáu âm giai; một thứ nữa: nguyên phụ âm theo từng chiều của nó, tức là bốn chiều, ng-c, nh-ch, m-p, n-t, không cứ có phụ âm đứng đầu nó hay không, thì có cho đến tám âm giai. Thứ âm hệ trên gọi là âm hệ sáu, thứ âm hệ dưới gọi là âm hệ tám.


Âm hệ của mỗi âm

Bất kỳ thứ âm nào, mỗi âm, không cứ thuộc về âm hệ sáu hay âm hệ tám, không cứ có phụ âm đứng đầu nó hay không, đều theo âm giai của nó mà có âm hệ riêng. Vậy như: âm hệ a gồm có a, à, ả, ã, á, ạ; âm hệ beo gồm có beo, bèo, bẻo, bẽo, béo, bẹo; âm hệ ang gồm có ang, àng, ảng, áng, ạng, ác, ạc; âm hệ thanh gồm có thanh, thành, thảnh, thãnh, thánh, thạnh, thách, thạch, v.v... Hay là nói một cách khác: ạ, à, ã, á, ạ, thuộc về âm hệ a; beo, bèo, bẻo, bẽo, béo, bẹo, thuộc về hệ beo; ang, àng, ảng, ãng, áng, ạng, ác, ạc thuộc về âm hệ ang; thanh, thành, thảnh, thãnh, thánh, thạnh, thách, thạch thuộc về âm hệ thanh v.v... Trong mỗi âm hệ, không dấu và dấu huyền là bình, bốn dấu hỏi, ngã, sắc, nặng là trắc. Xem bảng biểu dưới đây.


Biểu âm giai và âm hệ

                               
Hai loại: Bình   Trắc
Bốn thanh: Bình
thanh
  Thướng
thanh
  Khứ
thanh
  Nhập
thanh
 
Tám cung bậc:        
  Trầm
bình
  Trầm
thướng
  Trầm
khứ
  Trầm
nhập
 


                       
Nguyên âm: a                
  à   ã           Âm hệ sáu
Nguyên âm ghép có phụ âm:
beo đứng trước
               
  bèo   bẽo   bẹo          
Nguyên phụ âm: ang              
  àng   ãng   ạng   ạc     Âm hệ tám
Nguyên phụ âm có phụ:
thanh âm đứng trước
             
  thành   thãnh   thạnh   thạch      



Như thế, tỏ thêm ra rằng âm hệ tám có nhập thanh, còn âm hệ sáu không có nhập thanh. Lại cử lệ dưới đây một câu tám chữ đủ tám cung bậc khác nhau để khái quát các âm hệ. Bất kỳ gặp một âm có dấu gì cũng cứ bắt đầu tìm âm hệ từ không dấu:


Âm hệ

Nỗ   nổ   nố      
    nồ   nỗ   nộ    
lực lưng   lửng   lứng   lức  
    lừng   lững   lựng   lực
cưu   cửu   cứu      
    cừu   cữu   cựu    
chiên   chiển   chiến   chiết  
    chiền   chiễn   chiện   chiệt
nhân   nhẩn   nhấn   nhất  
    nhần   nhẫn   nhận   nhật
định đinh   đỉnh   đính   đích  
    đình   đĩnh   định   địch
thanh   thảnh   thánh   thách  
    thành   thãnh   thạnh   thạch
công   cổng   cống   cốc  
    cồng   cỗng   cộng   cộc



Thứ tự và sự phối hợp năm dấu với bốn thanh

Hỏi: Tại sao sắp năm dấu theo thứ tự: Không dấu rồi đến huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng, rồi đến hai dấu sắc, nặng của nhập thanh? [2] Lại căn cứ vào đâu đem chúng nó phối hợp với bốn thanh và chia ra phù trầm như thế?

Đáp: Ấy là theo tự nhiên của âm thanh tiếng Việt Nguyên cái luật bình trắc và bốn thanh đã có trong chữ Hán, mà nó cũng ám hiệp với tiếng ta. Cái luật ấy đã cai trị tiếng ta từ xưa, về sau có quốc ngữ mới có năm dấu, thì tự nhiên năm dấu phải phối hợp với luật ấy, miễn cho không cưỡng không sai là được.

Người bắt đầu ra luật bốn thanh là Thẩm Ước ở đời Nam Bắc triều bên Trung Hoa. Một hôm ông vua hỏi: "Thế nào là bốn thanh?". Ông ấy đáp ngay rằng: "Thiên tứ thánh triết". Ta không rõ bốn chữ ấy người Trung Hoa thuở Nam Bắc triều đọc như thế nào; chứ theo tiếng ta thì đó là bốn thanh bình, thưởng [3] , khứ, nhập thuộc về giọng phù, đem đánh dấu là không [4] , hỏi, sắc, sắc - nhập; nếu thêm "thiền, tữ, thạnh, triệt", bốn thanh giọng trầm, đánh dấu là huyền, ngã, nặng, nặng - nhập nữa, thì đủ tám cung bậc của bốn thanh. Ở đây căn cứ vào sự thực và tự nhiên ấy mà đem hai cái phối hợp với nhau.

Vả lại, bốn thanh chia ra tám cung bậc ăn với hai giọng phù trầm như thế, còn căn cứ ở sự liên quan giữa chúng nói với nhau nữa. Trong tiếng ta, thật thế, bốn âm có giọng phù, tức là bốn dấu "không", hỏi, sắc, sắc - nhập thường có họ với nhau; bốn âm có giọng trầm, tức là bốn dấu huyền, ngã, nặng, nặng - nhập thường có họ với nhau. Đây cử ra những chứng cứ rất chắc chắn.

  1. Những từ ngữ có tiếng đệm tận cùng bằng ang, hễ chữ đầu là dấu sắc, dấu hỏi thì tiếng đệm ấy ắt là không dấu. Như: xốn xang, bống bang, lối lang, ngổn ngang, vẻ vang, sửa sang v.v...
  2. Một số từ ngữ đôi, chữ trước hoặc sắc hoặc hỏi, thì chữ sau không dấu, và cái chữ trước ấy có thể hai dấu ấy thay nhau. Như: bảnh bao, bính bao; hớ hênh, hở hinh; trống không, trổng không v.v...
  3. Một số chữ Hán Việt có thể đọc được vừa bằng dấu sắc, vừa bằng dấu hỏi. Như: cung kính, cung kỉnh, khiêm tốn, khiêm tổn, tốn phí, tổn phí; ảnh hướng, ảnh hưởng, cảm ơn, cám ơn; giải thưởng, giải thướng, yểm thế, yếm thế; tự ải, tự ái v.v...
  4. Một số từ ngữ đôi, không dấu, dấu hỏi, dấu sắc thường đi với dấu sắc nhập. Như: trung trúc, anh ách, thin thít, háo hức, ráo riết, ấm ức; lẩn khuất, thổn thức, thẩm thoát và thổn, thẩm có thể đổi là thốn, thấm được v.v...
    Trên đó thấy bốn dấu giọng phù liên quan với nhau, dấu này thường đòi hỏi dấu kia, hay là dấu này có thể lẫn lộn với dấu kia.
  5. Những từ ngữ có tiếng đệm tận cùng bằng ang, hễ chữ đầu là dấu ngã, dấu nặng thì tiếng đệm ấy ắt là dấu huyền. Như: chững chàng, bẽ bàng, phũ phàng, vội vàng, rộn ràng, gọn gàng v.v... [5]
  6. Một số chữ Hán nguyên là nặng có thể chuyển ra Nôm là huyền. Như: lăng loạn, lăng loàn; nhất nhị, nhất nhì; lỗi nghị, lỗi nghì; mùa hạ, mùa hè; tin nhạn, tin nhàn; muôn vạn, muôn vàn; chuyển vận, chuyển vần; phỉ nguyện, phỉ nguyền v.v...
  7. Một số chữ Hán - Việt có thể đọc được vừa bằng dấu nặng vừa bằng dấu ngã. Như: trầm tịnh, trầm tĩnh, kỵ nữ, kỹ nữ, kỵ nghệ, kỹ nghệ; giá trị, giá trĩ; cô cựu, cô cữu; tự vận, tự vẫn; dần mẹo, dần mão v.v...
  8. Một số từ ngữ đôi, dấu huyền, dấu nặng, dấu ngã thường đi với dấu nặng nhập. Như: trùng trục, anh ách, thình thịch, ậm ực, nặn nọt, dại dột, mãi miệt, nghiệt ngã, vật vã v.v...

Trên đó thấy bốn dấu giọng trầm liên quan với nhau, sự đòi hỏi và lẫn lộn cũng như bốn dấu trên.

Những cái cử lệ trên đây nếu bị coi là sự tình cờ trong ngữ âm thì oan uổng quá. Ta nên chú ý ở những cái từ ngữ: ấm ức, ậm ực, anh ách, ành ạch, trung trúc, trùng trục, tại sao lại không nói ấm ức, ấm ực, anh ạch, ành ách, trung trục, trùng trúc - thì đủ thấy chắc chắn phù đi với phù, trầm đi với trầm là cái luật tự nhiên trong tiếng ta, không phải bịa đặt ra được mà cũng không thể cãi chối được.

Cái luật phù đi với phù, trầm đi với trầm, gọi tắt là luật phù trầm. Nó còn có những điều kiện chế bớt như đồng phụ âm, đồng vận thì có thể trái luật, tức như mơ màng, rình rang, tấp nập, tách bạch v.v... Tôi có viết riêng một bài đề là "Tiếng đệm", nói những điều ấy kỹ càng lắm, ở đây chỉ dẫn chứng vừa đủ mà thôi. Xem bài "Tiếng đệm" ở sau.

Tóm lại, trong tiếng ta chia ra hai loại: bình và trắc. Bình trắc lại phối hợp với bốn thanh: bình thanh thuộc về bình; ba thanh thướng, khứ, nhập thuộc về trắc. Bốn thanh lại chia ra hai giọng phù trầm thành tám cung bậc, phối hợp với năm dấu hay muốn cho tiện thì gọi ngay là tám dấu. Cả một sự tổ chức theo tự nhiên ấy biểu hiện đầy đủ trong cái biểu âm giai âm hệ như trên. Đó là thuộc về phần âm.


Vận và vận hệ

Do âm sinh ra vận. Vận cũng tức là vần. Mà đây mới là vần thật.

Vận, lấy một nguyên âm (nguyên âm ghép, nguyên phụ âm) làm gốc, buộc thêm hai cái điều kiện: 1) hạn chế bởi bốn thanh, 2) đổi khác bởi các phụ âm đứng đầu nó mà làm thành ra.

Do đó sinh ra vận hệ. Có hai thứ vận hệ. Một thứ: nguyên âm hay nguyên âm ghép làm gốc thì chỉ có hệ bình và hệ trắc; một thứ nữa: nguyên phụ âm làm gốc thì có hệ bình, hệ trắc và hệ trắc - nhập. Thứ trên gọi là vận hệ hai, thứ dưới gọi là vận hệ ba.

Hệ bình, gồm phù thướng, trầm thướng, phù khứ, trầm khứ, tức là bốn dấu hỏi, ngã, sắc, nặng, bốn cung bậc ấy làm vận với nhau.

Hệ trắc, gồm phù thướng, trầm thướng, phù khứ, trầm khứ, tức là bốn dấu hỏi, ngã, sắc, nặng, bốn cung bậc ấy làm vận với nhau.

Hệ trắc nhập, gồm phù nhập và trầm nhập, tức là dấu sắc - nhập và dấu nặng - nhập, hai cung bậc ấy làm vận với nhau.

Nhập thanh, tuy cũng thuộc về loại trắc, nhưng nó khác nhau ở cái chữ tận cùng, chứ ấy - tức là c, ch, p, t - làm cho phát âm phải cụt và gấp, khác với những chữ kia - ng, nh, m, n - có thể kéo dài ra, cho nên không vào chung với hệ trắc được mà phải biệt riêng ra một hệ.

Theo điều kiện thứ nhất, tạp âm, không phải là vận. Vậy như a với à là vận, nhưng với ả, ã, á, ạ không phải là vận, uy với ùy là vận, nhưng với ủy, ũy, úy, ụy không phải là vận; ong với òng là vận, nhưng với ỏng, õng, óng, ọng, với óc, ọc không phải là vận.

Theo điều kiện thứ nhì, đọc âm không phải là vận. Vậy như a với à nếu là đồng nghĩa thì không kể là vận được, mà phải khác nghĩa, nhất là phải có những phụ âm đứng đầu nó, thành ra ba, cà, kha, thà, sa, xà v.v... thì mới là vận. Đó là nói riêng về vận hệ bình; suy ra thì biết hệ trắc là hệ trắc-nhập cũng đồng một luật ấy. Xem bảng biểu dưới đây.


                                 
    Biểu 1, vận hệ hai             Biểu 2, vận hệ ba    
        Hệ bình                   Hệ bình    
        à, ba, cà, kha,
la, nhà, tha,
trà, xa...
  Vận               ong, bong, còng,
không, long, nhòng,
tròng, song, xong...
  Vận
        ùy, huy, chùy,
quy, tùy, truy,
thùy, suy...
  Vận                    
Gốc
vận
  A, uy         Gốc
vận
  Ong        
        Hệ trắc                        
        ả, á, ạ, ã...
đã, giá, hạ...
ngã, xã...
  Vận                    
Hệ trắc nhập     Hệ trắc
        ủy, úy, ụy
ũy, hủy, lũy...
nhụy, trụy, thủy
  Vận   óc, ọc, dóc,
chọc, khóc,
mọc, sóc, vọc,
trọc, xóc...
  Vận   ỏng, óng, ọng,
õng, dõng, mọng,
giọng, ngóng, võng
xỏng...
  Vận




Theo như trên, muốn tìm biết bất kỳ một chữ nào thuộc về vận gì, hệ nào, dễ lắm:

Nỗ: gốc vận Ô, hệ trắc.

Lực: gốc vận ƯNG, hệ trắc nhập.

Cửu: gốc vận ƯU, hệ trắc.

Chiến: gốc vận IÊN, hệ trắc.

Nhất: gốc vận ÂN, hệ trắc nhập.

Định: gốc vận INH, hệ trắc.

Thành: gốc vận ANH, hệ bình.

Công: gốc vận ÔNG, hệ bình.

Nói về vận như trên đây là nói theo nguyên tắc, còn khi làm thơ, làm văn, làm văn vần người ta cho ang, ương vần với nhau, ong ông, ung vần với nhau, ước, ác vần với nhau, thậm chí an vần với ang, ác vần với át, đó lại là chuyện khác, đây không nói đến. Tuy vậy, mặc dầu thế nào là ba cái vận hệ bình, trắc, trắc-nhập cũng phải phân biệt.

(Viết tháng 11-1948)


Viết thêm về sau

Đính chánh:

Đầu bài này nói: Gọi là "Vần quốc ngữ", thật không có nghĩa gì cả, vì đó chưa phải là vần.

Câu ấy tôi đã nói sai.

Vì cuối bài, chính tôi đã nhận rằng, a, uy, ong là gốc vận, thêm phụ âm đứng đầu: ba, cà, pha... huy, chùy, truy... bong, còng, long... là vận, vậy thì vần xuôi ba, ca, da vần ngược ac, ăc, âc... tức là vận gốc vận, tức là vần chứ gì. Trong vần quốc ngữ, 23 tự mẫu, 12 nguyên âm và 5 dấu là phụ, mà vần xuôi ngược là chính, cho nên gọi là "Vần quốc ngữ" đúng lắm, sao lại bảo là vô nghĩa được?

Sau khi viết bài này hơn một năm, tôi mới biết mình đã nói sai, nhưng không muốn chữa hẳn nguyên văn mà viết mấy lời đính chánh theo đây.

(5-2-1950)

Cắt nghĩa thêm:

Nói: "Phụ âm chưa phải là âm, chỉ khi nào nó đứng đầu là nguyên âm, nguyên âm ghép hay nguyên phụ âm thì mới thành âm mà thôi", là nghĩa thế nào? Phụ âm, đã gọi nó là âm, sao lại nói "chưa phải là âm"?

Theo ngôn ngữ học, có hai thứ tiếng tự nhiên: một là "tiếng động", như lấy cái dùi khỏ vào cây cột kêu cái "cốc", lấy cái búa nện vào hòn đá kêu "độp"; một là "tiếng nhạc" như tiếng suối reo, tiếng sáo diều. Tiếng động thì nó cấp xúc, cụt ngắn, phát ra là hết ngay. Tiếng nhạc thì nó du dương, có thể ngân dài ra bao nhiêu cũng được. Âm nhạc bắt chước thứ tiếng này mà làm thành, cho nên gọi nó là tiếng nhạc.

Tự mẫu La tinh đặt ra cũng bắt chước hai thứ tiếng tự nhiên đó. Phụ âm phỏng the tiếng động, như b đọc "bờ", t đọc "tờ", phải đọc gấp và cụt, nếu ngân dài ra thì lại nhờ công năng của chữ "ơ" theo sát nó, chứ b và t vốn không có cái công năng ấy. Nguyên âm phỏng theo tiếng nhạc như a, o, có thể ngân dài ra và có thể lên bổng xuống trầm nữa, nhờ vậy trong Quốc ngữ mới có được năm dấu: huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng. Năm dấu chỉ dùng cho nguyên âm, đó là cái lý do tại sao đánh dấu phải đánh trên chữ nguyên âm.

Ở chữ Hán, tiếng động là thanh, tiếng nhạc là âm, ở đây tôi nói "tiếng động", "tiếng nhạc", là dịch theo chữ Pháp cho dễ hiểu. Coi như tự điển giải: (Thanh thành văn vị chi âm) = thanh khi nào thành văn mới gọi được là âm thì đủ biết. Lấy nghiêm cách mà nói, thì phụ âm chỉ là (thanh) mà thôi, cho nên nói "chưa phải là âm". Đợi khi nó đi với nguyên âm, nghĩa là thành văn, thì nó mới thành âm được. Chữ "âm" này phải được coi trọng, nó có nghĩa là văn tự. Âm và văn tự, theo ngữ ngôn học, gọi chung là "ngữ", tiếng Pháp là (langue), chỉ cả hai sự ứng dụng: nói và viết.

Nói cách cụ thể, khi anh muốn viết một chữ đọc ra là "bê", thì anh không thể viết b mà phải viết b với ê, muốn viết một chữ đọc ra là "tê", không thể viết t mà phải viết t với ê, thì anh biết cái giá trị của phụ âm kèm nguyên âm nhiều lắm.

Phụ âm chưa phải là âm, cái lý do đã giải ở trên rồi. Gọi nó "phụ âm", chỉ có nghĩa là phụ với nguyên âm.

Nam Bắc triều, theo lịch sử Trung Hoa, chỉ một thời kỳ dài chừng một năm (?) trước Tùy và Đường. Trong thời kỳ ấy Trung Hoa chia hai quyền thống trị. Trường Giang trở về Nam thì có Tống, Tề, Lương, Trần nối nhau, gọi là Nam Triều. Trường Giang trở về Bắc thì có Bắc Ngụy; Bắc Tề nối nhau, gọi là Bắc Triều. Thẩm Ước ở về đời Lương thuộc Nam Triều, nhưng vì Lương là một triều đại không có tiếng, vả lại về sau còn có Lương ở thời kỳ ngũ đại nữa, cho nên nói "ở đời Nam Triều" để dễ thấy rõ thời đại hơn là nói "ở đời Lương".

Thẩm Ước là một văn sĩ có tiếng, lại làm quan to. Luật bốn thanh, mỗi thanh cũng có chia ra thượng và hạ, thanh tám cung bậc, giống như tiếng ta. Nhưng, tiếng Quảng Đông, về nhập thanh, lại chia làm ba, thượng nhập, trung nhập, hạ nhập, thành chín cung bậc. Còn tiếng phương Bắc, tức như tiếng Bắc Kinh, thì lại không có nhập thanh. Theo sự nghiên cứu của một vài học giả, thì tiếng phương Bắc đời xưa cũng có nhập thanh mà về sau mất đi.

Tiếng ta và tiếng Tàu, cách kết cấu vốn khác nhau, nhưng về thanh âm và từ ngữ thì rất có liên quan với nhau. Về điểm này, người Việt Nam chúng ta về sau phải sang Trung Hoa ở lâu mà nghiên cứu, may ra tìm được cái dấu vết tương quan dân tộc ta với dân tộc Trung Hoa từ đời thượng cổ. Tôi tuy chưa được nghiên cứu chứ cũng có thấy trong đó một vài tia sáng, rồi đây tôi sẽ viết ra để nêu lên vấn đề.

"Từ ngữ đôi", cái danh từ ấy dùng ở đây, tôi cũng thấy chưa được ổn thỏa lắm, song chưa tìm được chữ gì thích đáng hơn để thay nó. Từ ngữ đôi ở đây, tôi muốn chỉ những từ thuần Nôm mà mỗi từ có hai chữ. Sự thực, nó cũng là một thứ tiếng đệm. Xin đọc bài "Tiếng đệm" sau đây.

Về vận, khi viết bài này, tôi có tranh luận với ông Đoàn Phú Tứ mất hai giờ đồng hồ. Ông Đoàn có ý chủ trương bỏ cái giới hạn bình và trắc, cho chúng nó được làm vần với nhau, miễn là cùng một gốc vận, như "lương" có thể vần với "trượng", "đình" có thể vần với "chỉnh". Nhưng tôi chủ trương trái lại, cứ vận của tiếng ta nguyên là thế nào thì để y thế ấy như trong bài này.

Những thơ và phú của ta ngày xưa, về phép gieo vận, theo đúng như tôi nói đây. Chẳng những bình và trắc không được lẫn lộn mà nhập thanh cũng không được làm vận với thưởng thanh, khứ thanh. Chỉ đến Nguyễn Khắc Hiếu mới đem nhập thanh làm vận với thướng, khứ. Tôi hiện không có cuốn "Khối tình con" trong tay, không lấy mà cử lệ được, song nhớ chắc như thế.

Văn vần hay thơ của người Trung Hoa đời xưa, làm bằng văn ngôn, về sự gieo vần, cũng theo đúng quy luật y như quy luật của tiếng ta. Nhưng đến ngày nay, tôi thấy trong thơ bằng bạch thoại của họ nhiều khi xóa bỏ giới hạn bình trắc, cứ hễ đồng một vận mẫu (gốc vận) thì làm vận được, giống như chủ trương của Đoàn Phú Tứ.

Và gần nay, một thi sĩ trẻ tuổi miền Nam nói với tôi rằng anh đã làm mấy bài thơ gieo vận bình với trắc lộn lạo, anh lấy làm thích lắm và hỏi tôi như thế có nên không.

Tôi, vì đã để ý cái chủ trương của Đoàn Phú Tứ, thơ của Nguyễn Khắc Hiếu, thơ bạch thoại của người Trung Hoa, cho nên sẵn sàng trả lời ngay rằng: Anh cứ làm đi và đưa ra công chúng đi, hễ công chúng nhận thì thơ của anh sống, mà công chúng từ chối thì nó chết.

Ngữ ngôn luôn luôn biến hóa, đó mà một quy luật nhất định. Có biến hóa thì tiếng phương Bắc Trung Hoa mới mất nhập thanh đi chứ. Theo kiểu thơ bạch thoại ngày nay, có lẽ tiếng Tàu ở một thời gian lâu về sau không còn phân biệt bình trắc nữa cũng nên.

Lỗ tai của người ta khác nhau, có người "thính nhanh, có người "thính" chậm. Người thính nhanh bao giờ cũng cảm thấy một cái khả năng gì về âm thanh trước người thính chậm. Có lẽ Nguyễn Khắc Hiếu, Đoàn Phú Tứ, anh thi sĩ trẻ tuổi miền Nam đều là thính nhanh hơn tôi hay cả chúng ta chăng.

Hình thức văn học nó cũng biến hóa như ngữ ngôn. Nếu không biến hóa thì ba mươi năm nay chúng ta đã không có "thơ mới", "thơ bằng văn tản". Đành rằng chúng ta phải coi trọng hình thức dân tộc, nhưng nói như thế không phải là cứ bo bo giữ lấy hình thức dân tộc. Có biến hóa thì hình thức dân tộc lại càng thêm lắm vẻ.

Do đó, bây giờ, cái ý kiến về "vận" của tôi cũng có thay đổi. Trong bài này chỉ đưa ra cái nguyên tắc về vận của tiếng Việt là như thế, còn sự sử dụng nó thì tùy ý người ta, không buộc phải theo đúng nguyên tắc. Anh thi sĩ miền Nam muốn làm thơ bất chấp bình trắc thì cứ làm và đưa ra công chúng đi, hễ công cúng hoan nghênh thì chẳng những thơ của anh sống mà hình thức văn học Việt Nam lại thêm được một vẻ mới.


(Viết tại Hà Nội, 15-11-1954)


[1]Dã tâm: lòng tham muốn lớn (theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh), - Chú thích của Nhà xuất bản.
[2]Hai dấu sắc và nặng này, nên gọi nó là sắc nhập, nặng nhập để phân biệt với hai dấu sắc nặng về khứ thanh.
[3]Chữ Hán là: Theo từ điển, chữ này khi nào nghĩa là trên thì đọc thượng, về vận dạng; khi nào nghĩa là lên thì đọc thướng, về vận dưỡng. Chữ thướng trong bốn thanh thuộc về nghĩa sau.
[4]Chữ "không" này tức là không dấu, đây cũng coi như một dấu cho tiện hành văn.
[5]Điều này và điều 1 ở trên, về tiếng đệm ang, chỉ nói sơ lược, muốn biết rõ hơn, xin xem bài "Tiếng đệm".