© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.12.2004
Phan Khôi
Việt ngữ nghiên cứu
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Con, Cây, Cục, Cái

Theo như cái tiêu đề trên đây, tôi định nghiên cứu một ít chữ về phương diện ngữ pháp mà trước kia trong mấy sách nói về ngữ pháp người ta gọi là mạo tự hay quán tự, tương đương với ngữ pháp tiếng Pháp gọi là article.

Bốn chữ ấy, con, cây, cục, cái, chưa có thể cấp cho nó một cái danh hiệu gì vội, như nó hiện đã được gọi là mạo tự hay quán tự. Tôi muốn những lột trần nó ra, coi nó có cái tính chất gì, có cái công dụng thế nào đã, rồi hãy đặt tên cho nó sau.

Người ta quen với mạo từ tiếng Pháp là để phân biệt giống đực giống cái, số một số nhiều, rồi tưởng những chữ đứng trên danh tự của tiếng ta cũng như thế; thực ra thì không hoàn toàn như thế đâu.

Như bốn chữ trên đây, xét kỹ ra, là chữ để đặt trên những danh tự chỉ vật theo từng loại.


(Bốn chữ ấy đều có phụ âm "c" đứng đầu, hình như không phải sự tình cờ, là điều đáng chú ý, nhưng tạm gác lại đó, khoan nói đến).

Nên nói thêm: Con, đặt trên danh tự chỉ động vật, không chừa giống người ra: con người. Điều đó tỏ ra tiếng Việt có quan niệm ngay thực, nhìn nhận người ta cũng là một giống động vật, y như cái quan niệm của khoa học ngày nay và của người Trung Hoa xưa, họ nói thật thà rằng hết thảy động vật là loài trùng: giống cá có vảy là lân trùng; giống rùa có mai là giáp trùng; giống chim có lông vũ là vũ trùng; giống thú có lông mao là mao trùng; giống người không có mao không có vũ là lõa trùng.


Nhưng chữ đặt trên danh từ còn nhiều nữa, như đóa hoa, hột cát, củ khoai, thoi vàng, thỏi sắt, cuốn sách, tờ giấy, thì chứ đóa, chữ hột, chữ củ, chữ thoi, chữ thỏi, chữ cuốn, chữ tờ, cũng đồng một tự loại với bốn chữ này; đây chỉ kể bốn chữ này là để khái quát bốn loại lớn của mọi vật đó thôi.

Đi tới một bước nữa. Tự trung hai chữ con, cái thì lại có cái công dụng đặc biệt của nó.

Có người tưởng lầm rằng con, cái trong tiếng ta cũng như le, la trong tiếng Pháp, để chia ra giống đực giống cái. Không phải đâu: tiếng ta, con, cái, không để phân biệt đực và cái, mà để phân biệt động và tĩnh.

Căn cứ theo nghĩa trên, con đặt trên danh tự chỉ động vật, cái đặt trên danh tự chỉ vật nhân tạo, là vật không động mà cũng không sống nữa, rồi suy rộng ra, bất kỳ vật nào có vẻ động thì cũng gọi là con; vật nào không phải nhân tạo mà tương đối tĩnh hơn vật cùng hàng với nó thì cũng gọi là cái.

Cái thuyền, cái tàu, cái dao, cái quay, cái roi cũng gọi là con thuyền, con tàu, con dao, con quay, con roi, vì cái thuyền thì đi, cái tàu thì chạy, cái dao thì cắt, cái quay thì quay, cái roi thì quất: đều có vẻ động.

(Cái điều sáo liệng trên không, kêu o o, theo lệ này, có thể gọi là con. Nhưng nếu gọi như thế thì e lẫn với con diều thật đi mất, cho nên vẫn gọi là cái diều sáo hay cái diều).

Cùng là chỗ chứa nước mà hồ, ao, đầm gọi là cái, sông gọi là con, vì hồ, ao đầm thì nước đứng yên, sông thì nước thường chảy, có vẻ động.

Trong thân người ta, đầu, mặt, tai, mũi, tay, chân thì gọi là cái (cũng như trong thân cây, hoa, lá, đài, nụ gọi là cái; trong thân chim muông, lông, cánh, vỏ, cựa gọi là cái) mà mắt, tim thì gọi là con, vì mắt mở, nhắm và luân qua luân lại, tim đập, đều có vẻ động.

Cái nghĩa tinh tế và minh xác hơn nữa, là: sinh thực khí của đàn ông thì gọi là con, vì nó có những lúc cử động như một động vật thực; của đàn bà thì gọi là cái, vì nó chỉ chịu đựng, chẳng khác cái bình, cái lọ, một vật nhân tạo.

Tựa vào những chứng cứ đành rành và đầy đủ ấy, ta có thể tin rằng con cái không để phân biệt về giống mà để phân việt về tính trạng: con đặt trên danh tự chỉ vật nào động hay có vẻ động; cái đặt trên danh tự chỉ vật nào không động, tĩnh.

(Còn có nhiều chữ cái, con con, cái có nghĩa khác, đừng lầm với chữ con, cái trên đây: 1) Cái sinh ra con, tức là mẹ con, nói về cả người và vật, như: con dại cái mang; bò cái bò con, lợn cái lợn con. 2) Cái lớn, con nhỏ, như: cột cái cột con, sông cái sông con. 3) Cái một, con nhiều; như: đánh bạc có tay cái tay con. 4) Con là con trai, cái là con gái, người ta cũng gọi con cái là cái nọ cái kia, như cái Cún.

Lại đi tới một bước nữa. Chữ cái còn có cái công dụng đặc biệt hơn chữ con.

Trước hết, chữ cái có sức làm cho những danh tự trừu tượng thành ra cụ thể. Bao nhiêu những cái tên của sự (tạm nói như thế), không phải của vật, chẳng những không sờ mó được mà cũng không chỉ ra được, khi dùng đến, ta đặt chữ cái lên trên nó, nó khắc thành ra như một vật bất động ngay. Ấy là khi ta nói: cái đạo, cái lý, cái chế độ, cái sở dĩ, cái vô cùng...

Nó còn có sức làm cho động tự, hình dung tự thành ra danh tự. Như cái ngủ trong câu ru em "cái ngủ mầy ngủ cho ngon"; cái bòn trong câu tục ngữ "con gái là cái bòn"; cái đẹp trong câu tục ngữ "cái nết đánh chết cái đẹp".

Không những thế, muốn làm cho một vật động trở nên tĩnh, và một vật tĩnh càng tĩnh hơn, cũng dùng chữ cái đặt trên một danh dự, đặt cả trên những chữ cùng một tự loại với nó, như chữ con, chữ cây, chữ cục chẳng hạn.

Cứ lệ:

  1. Cái người chúng ta gặp hôm qua là một cán bộ.

  2. Cái con người làm sao mà tệ bạc quá.

  3. Cái cây cam này đáng chặt đi: trồng mười năm rồi mà chưa có quả.

  4. Cái cuốn sách in thật đẹp.

  5. Cái tờ giấy gì mà mỏng quá, không viết được.

Câu lệ 1, dùng chữ cái thay chữ con, vì muốn làm cho cái sức động của con người ấy trở nên tĩnh; khi nói đó, trong ý ta như muốn bắt người ấy hiện ra đứng im trước mặt ta, làm một vật động để tiện ta chỉ băm vào mà nói cho khỏi lẫn với người khác.

Câu lệ 2, cùng có một dụng ý và một công hiệu như câu lệ 1, nhưng tại sao câu sau để được chữ con mà câu trước không để được chữ con? Điều này hơi khói giải. Hình như tiếng Việt tuy công nhận cái danh tự con người, mà cũng công nhận rằng trong danh tự ấy có hàm cái ý "còn có thú tính", cho nên khi nói đến con người thường là nói về người xấu, tức như trong Truyện Kiều có ba câu có danh từ ấy mà đều có ý xấu cả: "... thì con người ấy ai cầu mà chi". "Mà con người ấy ra người đong đưa", và "... đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh", vì vậy nên câu lệ 2 nói được con người mà câu lệ 1 không nói được chăng. Cố nhiên con người có nghĩa trung lập, không tốt không xấu, là khi nói chung không chỉ riêng ai, như nói "con người đứng trong trời đất". Cái nghĩa ấy, từ ngày cái cá nhân chủ nghĩa bắt đầu nảy nở, hay dùng đến lắm.

Ba câu lệ 3, 4, 5 đặt chữ cái lên trên ba chữ cây, cuốn, tờ cốt làm cho nhưng vật đã tĩnh càng tĩnh hơn, hầu cho cũng thu được cái công hiệu như đã thu được ở hai câu lệ trên.

Trải qua sự xét nhận như trên đây rồi, bây giờ mới có thể bàn đến cái danh hiệu của những chữ ấy.

Mạo tự hay quán tự đều có nghĩa là cái chữ trùm lên trên danh tự. Đã gọi trùm lên thì trên nó phải là không còn có đứng được chữ nào nữa. Đàng này, những chữ như con, cây, cục, cái, cho đến đóa, hột, củ, thoi, thỉ, cuốn, tờ, đều có thể bị chữ cái (nghĩa cuối cùng trong bài này) đặt lên trên, trừ ra chữ cái (nghĩa đầu tiên) không bị thế, thì lại có thể bị chữ những đặt lên trên (những cái nhà, những cái bàn), vậy thì hết thảy những chữ ấy đều không phải là mạo tự hay quán tự rồi.

Rốt lại, chỉ có chữ cái nghĩa cuối cùng đáng gọi là mạo tự hay quán tự, sắp hàng với những chữ nào, như chữ những chẳng hạn, có đủ cái tính chất trùm lên như nó. Còn hết thảy những chữ kia, con, cây, cục v.v... vốn là danh tự dùng đứng trước danh tự, nên đặt cho nó cái tên chung là tiền danh tự, và cho thuộc vào loại danh tự trong ngữ pháp.

(Viết xong bài này, có người đưa cho xem cuốn "Việt Nam văn phạm" của ông Trần Trọng Kim, thấy đại khái những chữ ấy ở đây gọi là tiền danh tự thì ông Trần gọi là loại tự. Tại sao tôi không gọi loại tự theo ông Trần, sẽ nói trong bài sau. Cũng khi viết xong, tôi nhớ thêm một câu có danh từ con người nữa trong Truyện Kiều: "Con người thế ấy, thác oan thế này", chỉ riêng Thúy Kiều, mà ý muốn nói tốt cho chứ không nói xấu. Ghi vào đây để còn xét nữa, tôi chưa thủ tiêu hẳn cái ý nói trên).


Tiền danh tự và mạo tự

Những chữ đứng trước danh tự như con, cây, cục, cái cho đến đóa, hột, củ, thoi, cuốn, tờ theo bài trước, đã đặt cho nó cái tên chung là tiền danh tự. Bây giờ nên nghiên cứu thêm về những điều sai dị giữa chúng nó và điều chúng nó liên quan với mạo tự.

Trước hết nên hỏi: Vì lẽ gì cũng đồng là danh tự mà có những chữ cần có tiền danh tự đặt lên trên, lại có những chữ không cần có tiền danh tự đặt lên trên? Tức như làng nước, đảng, công ty, nói trổng là làng, nước, đảng, nước, đảng, công ty được, mà núi, sông, trâu, gà, tơ, gạo, thì lại không nói trổng được, phải nói hòn núi, con sông, con trâu, con gà, sợi tơ, hột gạo?

Đặt câu hỏi như thế chưa rõ lắm. Phải đặt cách khác. Phải mượn chữ một làm then chốt cho câu hỏi, mặc dầu ta chưa nghiên cứu đến chữ một, chưa nói rõ nó có tính chất công dụng thế nào và thuộc về tự loại nào.

Hỏi: Tại làm sao nói một làng, một nước, một đảng, một công ty được, mà không nói được một núi, một sông, một trâu, một gà, một tơ, một gạo, phải nói một hòn núi, một con sông, một con trâu, một con gà, một sợi tơ, một hột gạo? Nghĩa là vì lẽ gì bốn danh tự trên không có tiền danh tự mà sáu danh tự dưới phải có tiền danh tự đặt lên trên?

Lại hỏi: Tại làm sao nói một nhà được, như "một nhà sum họp trúc mai", lại cũng nói được một cái nhà, như "bên sông có một cái nhà?" Nếu cái danh tự nhà này nói hai cách đều được cả, thì sự phân biệt được và không được trên kia chẳng hóa ra vô giá trị?

Đáp rằng: Danh tự có nhiều thứ; đây kể lấy hai thứ đối nhau là: danh tự cá thể và danh tự tập thể. Danh tự cá thể là những chữ chỉ sự vật nào có riêng từng đơn vị; danh tự tập thể là những chữ chỉ sự vật nào do nhiều đơn vị tập họp lại mà làm thành ra. Trong tiếng ta, hễ là danh tự cá thể thì, theo trường hợp, phải có tiền danh tự đặt trên nó; mà hễ là danh tự tập thể thì trên nó không có tiền danh tự. Nhờ đó ta biết rõ được cái công dụng của tiền danh tự là để làm nổi bật lên cái tính chất cá biệt của danh tự nào có cái tính chất ấy. Ấy sẽ là cái định nghĩa của nó.

Theo luật đó, làng họp nhiều nhà, nước họp nhiều tỉnh, đảng họp nhiều đảng viên, công ty họp nhiều cổ đông lại mà làm thành ra, là danh tự tập thể, cho nên trên nó không có tiền danh tự; núi riêng từng hòn, sông riêng từng con, trâu, gà riêng từng con, tơ riêng từng sợi, gạo riêng từng hột, là những danh tự cá thể, cho nên trên nó phải có tiền danh tự.

Về câu hỏi thứ hai, chữ nhà trong "một nhà sum họp trúc mai" và chữ nhà trong "bên sông có một cái nhà", khác nghĩa nhau, vì đó mà có tiền danh tự hay không có. Chữ nhà trong câu trên, kể luôn cả những người trong nhà ấy, nói nhà cũng như nói gia đình, là danh tự tập thể, cho nên nói được một nhà, cũng như nói một làng một nước; chữ nhà trong câu dưới chỉ cái nhà trước con mắt mà nói, hoặc bằng tranh, hoặc bằng ngói, một vật nhân tạo, là danh tự cá thể, cho nên phải đặt tiền danh tự cái lên trên. Thế thì hai cái nghi vấn trong câu thứ nhất và thứ hai đều theo luật mà giải đáp được cả, chẳng có gì là tương phản.

Về danh tự cá thể có một điều ngoại lệ, là khi người ta chỉ cần nói đến cái chất của sự vật chứ không cần chỉ rõ cái cá thể của nó, thì không dùng tiền danh tự đặt trên nó. Như nói "ba bò chín trâu", "chín đụn mười kho", không có chữ con chữ cái. Câu thơ truyền rằng của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Một mai, một cuốc, một cần câu"; câu đối của Cao Bá Quát: "Một thầy, một cô, một chó cái", cũng chung một trường hợp ấy. Nhất là bảy chữ của Cao Bá Quát [1] muốn tỏ cái ý bất đắc chí và khinh đời, cho nên nói một cách "xa lạ" làm cho "cái chất" của thầy của cô của chó cái ngang hàng với nhau.

Tuy vậy, những sự vật có tính chất cá biệt, không phải hết thảy đều giữ mãi cái tính chất ấy được đâu. Những sự vật nào có thể tập hợp được, và khi muốn tập hợp nó, ta đặt lên trên nó một tiền danh tự khác, nó sẽ thành ra danh tự tập thể.

Một dãy núi, gồm nhiều hòn; một bầy trâu, một đàn gà, gồm nhiều con; một chẽ tơ, gồm nhiều sợi; một bao gạo, gồm nhiều hột. Những chữ dãy, bầy, đàn, chẽ, bao cũng lại là những tiền danh tự làm cho núi, trâu, gà, tơ, gạo thành ra tập thể, mất cái tính chất cá biệt đi.

Đến đây, thầy ra một cái luật nữa: Những danh tự cá thể, theo trường hợp, phải có tiền danh tự đứng trên nó; mà khi muốn biến nó thành ra tập thể, cũng lại phải đặt trên nó một tiền danh tự.

Trên đó là kể những tiền danh tự thông thường; còn thứ tiền danh tự đặc biệt nữa.

Thứ tiền danh tự sắp kể đây có cái công dụng trái với thứ tiền danh tự mới vừa kể; Những chữ như dãy, bầy, đàn, chẽ, bao là để tổng hợp những cá thể riêng biệt; nhưng những chữ dưới này, lại để: hoặc làm nát vụn những cá thể quá lớn, hoặc dồn lại những cá thể quá nhỏ, hoặc "đồng oản" những vật không có cá thể mà phân tích ra cho có cỡ, có ngữ, hầu tiện lợi cho sự sinh hoạt người ta hằng ngày.

Đất, kể cái cá thể của nó phải là cả diện tích của quả địa cầu, nhưng thôi, hẵng rút nhỏ lại trong địa phận một làng cũng đã thấy là quá lớn. Muốn cho tiện, người ta chia đất trong làng ra từng mẫu, từng sào; có thế, ta mới nói được một sào đất, một mẫu đất.

Hột thóc, hột gạo, cái cá thể quá nhỏ, không hơi sức đâu ngồi mà đếm cho hết được. Muốn cho tiện, người ta đặt ra phép cân, phép đong; có thế, ta mới nói được một thùng thóc, một đấu gạo, một tạ thóc, một cân gạo.

Dầu, rượu, tùy không gian thời gian mà sản xuất càng nhiều, cũng như trước, không làm sao biết được cái cá thể của nó: nó không có cá thể. Người ta lấy một cái mực nào đó làm cho nó có cá thể, vì vậy ta mới nói được một lít dầu, một chai rượu hay là một duộc dầu, một cút rượu.

Thời gian cũng không có cá thể, người ta cũng đã chia nó ra có cỡ, có ngữ điệu để tiện sự đếm kể, nhưng lại nói được một năm, một tháng, một ngày, mà không cần có tiền danh tự là vì sao? Nguyên những chữ năm, tháng, ngày là tiền danh tự đấy, như ta có nói một năm trời, một tháng trời, một ngày trời, trời đó tức là thời gian, và nói thế chẳng khác nào nói một mẫu đất, một sào đát. Nhưng mẫu, sào không những kể đất mà còn kể cát kể nước [2] cũng được nữa, vậy phải nói rõ là đất, không thì không biết là mẫu, sào gì. Còn năm, tháng, ngày chỉ dùng để kể thời gian mà thôi, không lẫn với gì được cả, nhờ vậy chúng nó đã lòa được chữ trời ra mà thành những danh tự độc lập. Rồi khi nào ta muốn biểu hiện cái ý lâu dai dẳng, nói một năm trời, một tháng trời, một ngày trời, thì chúng nó trở lại đứng cái địa vị tiền danh tự như xưa. Vả chăng, nói một năm, một tháng, một ngày, thì lại hợp với cái luật danh tự tập thể trên vai, vì năm gồm mười hai tháng, tháng gồm ba mươi ngày, ngày gồm hai mươi bốn giờ. Kể đến một giây tích tắc cũng vẫn hợp với luật ấy, bởi thời gian còn có thể chia nhỏ hơn nữa.

Những tiền danh tự từ con, cây, cục, cái cho đến dãy, bầy, đàn, chẽ, bao... nên đặt tên cho nó là tiền danh tự phổ thông; còn như mẫu, sào, thùng, đấu, tạ, cân, lít, chai, duộc, cút... tên là tiền danh tự số lượng.

Đây nói đến vì sao không đúng cái danh tự "loại tự".

Phải chi chỉ có bốn loại: con, cây, cục, cái thì nói "loại tự" được lắm. Đàng này, dưới mỗi loại, còn có nhiều thứ lắm kia. Như loại cây, còn có cành, lá, hoa, quả, trong hoa lại có nhụy, trong quả lại có múi, có hột...

Người ta có thể nói cành đào, cành mơ, lá mít, lá chuối, hoa lan, hoa huệ, quả hồng, quả bưởi, nhụy sen, nhụy cúc, múi chanh, múi quít, hột na, hột dưa [3] . Nhưng chữ ấy Việt Nam văn phạm đều phải gọi là "loại tự" tất cả, thành ra mọi vật thể trong thế giới không biết bao nhiêu là loại! Một lẽ nữa là: theo Việt Nam văn phạm "nói về loại chim, lấy chim làm loại tự riêng: chim hoàng oanh, chim bồ câu, chim họa mi; nói về loại cá, lấy cá làm loại tự riêng: cá rô, cá trích, cá thu". Nhưng quẫn thay! Về loại thú, phải nói con trâu, con bò, chứ không nói "thú trâu thú bò" được, té ra lũ này không có "loại" và chữ "loại" phải đi đến bước đường cùng! Dùng chữ như ông Trần là không hợp với luận lý; vậy ở đây không theo ông; tôi nói tiền danh tự, chỉ nghĩa đơn giản tầm thường là danh tự đứng trước danh tự, may ra khỏi vấp phải cái chướng ngại nào hết.

Tiền danh tự có dính dấp với mạo từ, bài trước đã nhân chữ cái mà nói sơ qua chữ những rồi; đây thêm chữ các nữa, và phân tích luôn cả ba chữ.

Chữ cái, mạo tự; phải là khi nào đặt trên tiền danh tự, như cái con người, cái cục đá, cái hoa sen, cái cành bứa, cái cánh gà, cái vẩy cá... Còn những chữ cái khác như cái nhà, cái đầu, cái hoa, cái lông, cho đến cái đạo, cái lý, cái sở dĩ, cái ngủ, cái đẹp, đều là tiền danh tự cả, không phải mạo từ.

Mạo từ cái có hai thứ công dụng: một là chỉ số một của sự vật; một là làm cho sự vật càng rõ mồn một và chắc mẩm, không chạy đi đường nào, không lẫn với sự vật khác. Cái công dụng thứ hai đã nói rõ ở bài trước rồi; đây cử thêm hai câu Truyện Kiều cho càng phơi cái nghĩa ấy ra: "Chém cha cái số hoa đào...", "... Cái điều bạc mạng có chừa ai đâu", cùng hai chữ cái như kêu xách mé cái số hoa đào và cái điều bạc mạng ra mà đay nghiến.

Chữ những chữ các đều chỉ số nhiều và đều đặt trên danh tự, lại đặt được cả trên tiền danh tự. Như những người, những vật, những hòn núi, những con sông; các nước, các lẽ, các vị tân khách, các ngôi sao...

Hai chữ khác nhau ở chỗ:

Chữ những dùng chỉ số nhiều mình không thấy, không đếm được, số nhiều vô định, như Truyện Kiều nói: "... Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", "... Lại như những thói người ta...", bao nhiêu cái điều cái thói đó người nói không kể ra được, chỉ nhận thấy nó là nhiều mà thôi.

Chữ các dùng chỉ số nhiều có trước mặt mình, nếu không thì mình cũng có thể kể ra được, số nhiều hữu định, như Truyện Kiều "... Lại đem các tích phạm đồ hậu tra", "... Các tên tội ấy đáng tình còn sao", câu trên chỉ hết thảy những người đã bị bắt giải về; câu dưới chỉ Ưng, Khuyển, Tú bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Bạc Hà là những kẻ bị hành hình.

Trong khi diễn thuyết, diễn giả nói "thưa các ngài" mà không nói "thưa những ngài", điều ấy chứng cho sự giải thích trên đây là không thể sai được.

"Viết thì không đến nỗi, nhưng nói thì có nhiều người nói những các, chữ những đè sát lên chữ các, thật không có nghĩa gì cả; tưởng nên chữa đi: khi đáng nói những thì nói những, khi đáng nói các thì nói các, chứ đừng nói những các".

Tôi đồng ý với ông Trần Trọng Kim sắp ba chữ (chỉ ba chữ thôi) cái, những, các vào loại mạo tự. Nhưng tôi còn thấy những chữ mọi, mấy, một, mỗi hình như cũng có đồng một công dụng với ba chữ trên; có nên cho chúng nó vào mạo tự không; tôi đang còn nghĩ xem đã.

Riêng về chữ mấy, thấy nó có công dụng chẳng khác gì chữ những. Nó đặt trên danh tự được, như "mấy năm", "mấy lời"; lại đặt được trên tiền danh tự, như "mấy nóc nhà", "mấy con trâu". Trong Truyện Kiều có hai câu có chữ mấy tỏ ra nó ứng dụng đắc lực lắm:

Mấy người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương

Mấy người hiểu nghĩa xưa nay,

Trời làm chi đến lâu ngày càng thương.

Hai câu ấy sao không dùng chữ những mà dùng chữ mấy? Kể thì nói "những người", chiếu với ngữ pháp cũng không có lỗi, nhưng chiếu với luận lý học thì có lỗi. Bởi vì những người bạc ác tinh ma có phải là bị trừng phạt hết cả đâu, và những người hiếu nghĩa cũng không phải hết thảy đều bị đày đọa, cho nên phải nói mấy để tách lấy một phần trong số nhiều, cho hợp với luận lý tức là hợp với sự thực ở đời. Đành rằng đó là cái khiếu hành văn tinh tế thận trọng của Nguyễn Du, nhưng ta cũng nên nhìn nhận cái công dụng của chữ mấy với chứ. Tôi muốn nhắc nó lên địa vị mạo tự lắm, không biết có điều ngăn trở gì chăng.


Thời gian và không gian ngữ pháp

Thời gian và không gian, từ xưa đến nay, người ta vẫn coi là hai cái đối lập với nhau. Trong tiếng ta nói "vũ trụ", vũ là không gian, trụ là thời gian; nói "thế giới" thế là thời gian, giới là không gian. Mỗi cái độc lập và hai cái đối nhau, không hơn không kém. Theo học thuyết gần nay thì thời gian lại không độc lập được mà phải phụ thuộc vào không gian, vì, người ta bảo, thời gian chỉ là chiều thứ tư (quatrième dimension) của không gian (Thuyết tương đối của Einstein).

Nhưng, mặc dù thời gian không gian đối lập hay là thời gian phụ thuộc vào không gian đi nữa, cái đó chỉ là chuyện ở trong phạm vi khoa học hay triết lý hay gì gì kia; chứ ở trong ngữ pháp thì bất luận tiếng nói nước nào, thời gian cũng được coi là quan trọng hơn không gian bội phần.

Như tiếng Pháp, ở loại từ phó từ [4] đã có những chữ chỉ thời gian (adverbe de temps) và những chữ chỉ không gian (adverb de lieu) rồi, mà riêng về thời gian, ở loại động từ còn chia ra các thì nữa. Đại khái có ba thì chính, là quá khứ, hiện tại, vị lại, rồi lại do thì chính chia ra nhiều thì phụ nữa, hết thảy có mười tám thì. Tiếng La tinh lại còn có nhiều thì hơn. Trong ngữ pháp Pháp và La tinh chỉ riêng động từ là có sự tỉ mỉ như thế, chứ phó từ không có. Mà ngay động từ cũng không có tỉ mỉ về không gian như thế đâu.

Tiếng ta cũng vậy, cũng coi trọng thời gian hơn không gian. Về không gian, có những chữ như phía đông, phía tây, phía nam, phía bắc, bên trên, bên dưới, bên trong và bê ngoài... cho đến như: đây, đó, chỗ này, chỗ kia... lại cho đến như: xa, gần, cao, thấp... để chỉ những cái vị trí nó khác nhau. Về thời gian, có những chữ như đời xưa, đời nay, năm ngoái, năm nay, hôm qua, ngày mai... cho đến như: khi, lúc, hồi, thuở, bây giờ, bấy giờ, ban nãy, chặp nữa, vừa rồi, rồi nữa... lại cho đến như: chóng, chầy, nhanh, chậm, thỉnh thoảng, thường thường, luôn luôn, mãi mãi... để chỉ những cái quãng nó khác nhau. Về điểm đó, không gian với thời gian ngang nhau, không có gì chênh lệch. Nhưng về động từ, tiếng ta không chia thì như tiếng Pháp thì lại ngắt vụn thời gian ra bằng một cách khác: bằng cách dùng một số phó từ khác đi với động từ để phân tích ra cho thấy sự sai biệt về những cái quãng của nó. Ấy là những chữ như: đà, đã, đã rồi, đang, hiện đang, đang còn, sẽ, rồi sẽ... cho đến như: từng, vốn, vẫn, vừa mới, bưa vừa, sắp, rắp, chưa, còn chưa, để rồi... là những chữ mà trong loại phó từ chỉ tương đương. Điểm này là điểm hai bên chênh lệch, vì vậy ta nói được:

    Nước Mỹ ở về Tây bán cầu
1.    
    Nước Trung Hoa ở về Đông bán cầu.


    Các đế quốc đã đánh nhau lần thứ hai trong năm 1939-1945 rồi;
2.    
    Chưa biết ngày nào, họ còn sẽ đánh nhau nữa.


Và đó, ta thấy hai câu 1, không gian khác nhau mà không có chữ gì để phân biệt sự khác nhau ấy cả, chẳng bù với hai câu 2, thời gian khác nhau thì có chữ đã chữ sẽ để phân biệt quá khứ là "năm 1939-1945" với vị lại là "chưa biết ngày nào".

Do đó ta không thể nói được rằng về động từ tiếng Việt không chia thì, mà phải nói rằng tiếng Việt chia thì của động từ bằng một cách khác với mấy thứ tiếng Âu châu, là dùng một số phó từ đặc biệt mà trong loại phó từ chỉ không không hề có. Sở dĩ tiếng Việt không chia thì như kiểu tiếng Pháp, vì nó là thứ tiếng đơn âm, chữ nào chết chữ ấy, không có biến hóa như tiếng Pháp, cho nên phải tìm lối khác mà chia, không chia như tiếng Pháp được. Chia như thế có tinh tế bằng lối chia của tiếng Pháp không, thì là chuyện khác chưa nói ở đây.

Tại sao có sự chênh lệch giữa không gian và thời gian trong ngữ pháp như thế? Bởi vì không gian thì im lặng, ở đâu yên ở đó; mà thời gian thì lưu chuyển luôn luôn, hết thảy những sự động tác của muôn vật, nhất là của người ta, đều nhờ thời gian mà thấy ra sự biến thiên không trùng nhau. Tức như Thăng Long hay Hà Nội chỉ khác với tên, chứ vẫn là cái đô thành lớn ở phía Bắc nước Việt Nam từ trước đến nay. Tại trong cái quãng không gian ấy, trải qua bao nhiêu lần thành bại hưng vong của Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn và thực dân Pháp, Thăng Long hay Hà Nội cứ nằm y nguyên một chỗ, mà trong gần mười thế kỷ ở đó đã xảy ra không biết bao nhiêu biến cố đều do sự động tác của người ta. Vả chăng, tiếng nói là dấu hiệu riêng của người ta để ghi lại tự động tác của mình, cho nên về phương diện thời gian trong tiếng nói họ không có thể không chú trọng một cách đặc biệt vậy.

Chẳng biết trong ngữ pháp có thể có triết lý chăng? Nếu có thì cái điều giải thích trên đây phải được coi là một triết lý của ngữ pháp.

Trên đây cực luận đến như thế là vì muốn lập một nền móng vững chãi để phản đối cái chủ trương của ông Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam văn phạm.

Trong Việt Nam văn phạm, ở cuối chương IX nói về động tự, đại khái thế này:

"Tiếng động tự cũng như các tự loại khác không đổi hình. Bởi vậy, khi dùng một mình thì chỉ biểu diễn cái ý nói về cái dụng [5] mà thôi:

"Tôi nói; nó viết; anh ấy làm thơ.

"Muốn nói rõ cái dụng thi hành ra lúc nào đối với lúc người ta nói thì người ta đặt thêm một tiếng trạng từ chỉ thời gian để làm trường hợp túc từ.

"Bây giờ tôi viết; hôm qua nó gặp ông ấy; mai tôi viết thư cho anh".

Cả đoạn đó ở dưới một cái mục chữ lớn, đề là:

"Cách biểu diễn các thì". Sau mục đó, thêm một cái mục chữ nhỏ hơn, để là: "Cách biểu diễn mấy cục diện tiếng động tự", và nói rằng: "Khi người ta muốn biểu diễn một việc đang làm trong thời hiện tại, quá khứ hay tương lai thì người ta dùng tiếng trạng tự..."

Rồi lần lượt kể ra những chữ như là đang, đã, sẽ... và những câu lệ về những chữ ấy.

Vậy thì ra ông Trần chỉ nhận những chữ như bây giờ, hôm qua, mai là để "biểu diễn các thì" mà thôi, còn những chữ như đã, đang, sẽ, không phải để "biểu diễn các thì" mà để "biểu diễn cục diện".

Cái chủ trương ấy của ông Trần không đúng.

Đã nói rõ là bây giờ, hôm qua, mai, thì các thì đã rành rành ra đó, có biểu diễn gì nữa? mà ở đây, nói biểu diễn cái thì hay cục diện được. Mà cho là biểu diễn được đi, cũng chỉ biểu diễn cái xác mà thôi, cái hồn của thì đã biểu được đâu?

Những chữ như đã, đang, sẽ mới thật là "biểu diễn" được cái hồn của thì. Vì nó là những chữ có tính linh hoạt, có sức làm nổi bật lên cái ý nghĩa vững chắc sâu sắc của quá khứ, hiện tại và vị lai. Vậy nếu đã thừa nhận rằng trong động từ tiếng Việt cũng có thì, thì chính những chữ ấy mới thật là thì chứ.

Ông Trần gọi những chữ này là để "biểu diễn mấy cục diện tiếng động tự". Sao lại "mấy?" [6] Sao lại "cục diện?" Cục diện có ý bề mặt rộng, mà thì của động từ có ý là chiều dài, thế mà nói "cục diện tiếng động tự" được ư? Vả trong sách ấy không thấy chỗ nào cắt nghĩa hai chữ "cục diện" cả, thành thử cũng không biết được về hai chữ ấy ý tác giả định nói thế nào.

Do sự nhận những chữ như đã, đang, sẽ là để "biểu diễn cục diện", chứ không để chỉ thì, cho nên trong sách ông Trần, về động tự và trạng tự, có điều võ đoán và mâu thuẫn.

Gần rốt chương IX có "lời chú", nói như lập luật rằng: "Khi trong một mệnh đề đã có một trường hợp tức từ chỉ thời gian, định rõ cái thời quá khứ hay tương lai thì người ta thường không dùng trạng tự đã sẽ nữa".

Sao lại lập luận như thế? Chắc tác giả nghĩ rằng đã "biểu diễn các thì" rồi thì không lẽ nào còn "biểu diễn cục diện" nữa chứ gì. Thật là võ đoán và sai lầm.

Chữ đã chữ sẽ để làm cho chắc chắn cái việc mình nói về cái thì mình chỉ. Mặc dù trong mệnh đề đã có trường hợp túc từ chỉ thời gian, nó cũng cứ dùng được như thường. "Hôm qua nó đã gặp ông ấy", "mai tôi sẽ viết thư cho anh", chữ đã chữ sẽ để tỏ rõ sự gặp rồi và thế nào cũng viết thư, người ta vẫn nói và phải nói như thế, chứ sao lại bảo là "không" được?

Cái luật lập một cách võ đoán đó chính người lập luật đã phạm. Ở chương X, nói về trạng tự, dưới cái mục đề là: "trạng tự chỉ thời gian", tác giả lập hai câu lệ rằng:

Ngày kia nó sẽ làm xong,

Hôm kia nó đã đi vào Huế rồi.

Hay chưa! Ở nơi này nói đã có trường hợp túc từ thì không dùng đã sẽ, ở nơi khác lại dùng đãsẽ trong câu đã có trường hợp túc từ: thật là mâu thuẫn đến cực đoan! Thực ra thì hai câu lệ này vẫn đúng: còn cái luật kia do sự ngộ nhận mà lập ra, cho nên nó không được tuân hành, và chính người lập luật cũng có lúc phạm phải.

Tóm lại, những chữ như bây giờ, hôm qua, mai chỉ là những chữ coi như phó từ chỉ thời gian, mà những chữ như đã, đang, sẽ mới là những phó từ đặc biệt đi với động từ để chia thì của nó.

Có điều nên nói là: người ta hay lầm tưởng chữ đã chuyên chỉ vào quá khứ, chữ đang chuyên chỉ hiện tại, chữ sẽ chuyên chỉ vị lại; kỳ thực không phải hoàn toàn như thế mà đơn giản như thế đâu.

Nói cho thật đúng ra thì chữ đã không hẳn chỉ quá khứ mà chỉ sự hoàn thành của quá khứ, lại cũng chỉ được sự hoàn thành của hiện tại và vị lai nữa. Cử lệ:

Tôi đã tản cư đến làng này từ năm 1947 (hoàn thành của quá khứ). Kia, anh Nam đã đến kia (hoàn thành của hiện tại). Hãy ở lại chơi với anh Nam một hôm, kẻo đến mai anh ấy đã lại đi rồi (hoàn thành của vị lai).

Chữ đang không hẳn chỉ hiện tại mà chỉ sự thực hữu của hiện tại, lại cũng chỉ sự thực hữu của quá khứ và vị lai nữa. Cử lệ:

Tôi đang đọc sách (thực hữu của hiện tại).

Năm ngoái tôi đang ốm thì được tin em tôi hy sinh ở mặt trận (thực hữu của vị lai).

Chữ sẽ không hẳn chỉ vị lai mà chỉ sự dự định về vị lai, lại cũng chỉ được sự dự định về quá khứ và hiện tại nữa. Cử lệ:

Đến mai tôi sẽ đi (dự định về vị lai)

Tôi sẽ đi bây giờ (dự định về hiện tại)

Năm rưỡi năm trước, nếu cuộc kháng chiến của Quang Trung thất bại thì nước ta cũng sẽ bị đô hộ lần nữa (dự định về quá khứ. Nhưng chữ sẽ này có thể thay bằng chữ đã. Ghi ở đây để còn nghiên cứu sau).



[1]Câu cả đối: "Nhà dột đôi ba gian, một thầy một cô một chó cái; học trò năm bảy đứa, nửa người nửa ngợm nửa đười ươi". Cao Bá Quát sống từ triều Minh Mạng cho đến đầu triều Tự Đức. Truyền rằng Cao tự phụ học giỏi tài cao, mà chỉ được bổ chức giáo thụ, nên có làm câu đối ấy dán ở cột nhà trường.
[2]Ở Thừa Thiên có một làng choáng một khúc sông Hương, kể mấy trăm mẫu nước, dân làng chuyên nghề đánh cá.
[3]Nguyên văn của Việt Nam văn phạm: "Nói về loại hoa, lấy hoa làm loại tự riêng: hoa sen, hoa cúc, hoa đào; nói về loại quả, lấy quả làm loại tự riêng: quả chuối, quả cam, quả quít", đây suy rộng ra mà nói đến cành, lá, nhụy, hột. Chỗ này có thể sinh ra vấn đề. Vì "hoa sen", "quả chuối" có nghĩa là hoa của sen, quả của chuối, nó là danh tự có túc từ đi theo mà không là "loại tự" chăng.
[4]Về danh tự ngữ pháp, tôi từ trước đã có định sẵn theo luận lý của tôi. Từ khi làm việc ngôn ngữ văn tự, tôi dẹp nó lại một nơi mà theo danh từ hiện hành, như không nói văn pháp mà nói ngữ pháp, không nói từ loại mà nói tự loại. Nhưng khi viết bài này tôi bắt đầu thấy nếu theo như thế thế thì cái hệ thống luận lý trong đầu tôi sẽ đảo lộn hết, cho nên từ hôm nay tôi trở lại tạm dùng những danh tự ấy theo ý tôi: phó từ ở đây tức là trạng từ (adverbe). Về sự này tôi sẽ viết một bài đề nghị. Khi cái đề nghị của tôi bị đánh đổ hẳn, tôi sẽ lại theo danh từ hiện hành.
[5]Theo Việt nam văn phạm, adjectif là tĩnh tự, chỉ cái "thể" của sự vật: verbe là động từ, chỉ cái "dụng" của sự vật. Cái "dụng" ở đây là đối với cái "thể" mà nói.
[6]Ở chương X, nói về trạng tự, có một mục đề là "trạng tự chỉ các cục diện tiếng động tự", thì lại nói "các", không nói "mấy", nói "chỉ", không nói "biểu diển".

Nguồn: Nxb Đà Nẵng, 1997