© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
28.12.2004
Phan Khôi
Việt ngữ nghiên cứu
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Đề nghị về danh từ ngữ pháp I

Trong bài, dưới cái đầu đề "Thời gian và không gian trong ngữ pháp", tôi có dùng chữ "phó từ" (theo danh từ hiện hành phải nói là "trạng từ") và có chứa mấy dòng ở dưới, đại ý nói rằng từ ngày làm việc ngôn ngữ văn tự, về danh từ ngữ pháp tôi dùng theo danh từ hiện hành, nhưng thấy trong đó có một vài điều không đúng tôi muốn đề nghị xin sửa đổi, thì hôm nay tôi trình bày một phần cái đề nghị ấy ra đi.

Trước hết tôi phải thanh minh rằng tôi không có ý lập dị để phủ nhận những danh từ hiện hành ấy, nhưng tôi chỉ thật thà nói rằng hễ cái nào tôi thấy hợp lý thì tôi theo, còn cái nào thấy chưa hợp lý thì tôi muốn đưa ra để thảo luận rồi sửa đổi.

Cái tôi thấy hợp lý mà tôi theo, tức như trước kia, trong bài thuyết trình ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1948, tôi dùng chữ "văn pháp", nhưng sau đó tôi bỏ đi mà dùng chữ "ngữ pháp" theo danh từ hiện hành cho đến bây giờ.

Dùng chữ "văn pháp", tôi lấy lẽ rằng "sách mẹo" (nói theo Trương Vĩnh Ký) để dạy nói và viết cho đúng, mà viết (văn) trọng hơn nói (ngữ), cho nên dùng chữ "văn pháp" đắt hơn, vì cử cái trọng tự nhiên bao hàm được cái khinh. Nhưng sau khi nghe một người bạn bảo cho biết danh từ hiện hành là "ngữ pháp" và có nói rằng năm trên, sau một cuộc tranh luận khá lâu mới quyết định dùng chữ ấy, thì tôi ngẫm nghĩ mới thấy là đúng, từ đó, tôi tự đánh đổ cái lẽ đã lấy như trên mà tìm thấy một lẽ khác xác đáng hơn.

Truy nguyên ra, chữ "văn pháp" là do người Trung Quốc dịch ngữ grammar hay grammaire ra trước đây đến năm sáu chục năm. Lúc bấy giờ, ở nước Tàu, ngữ và văn còn chưa có cái khuynh hướng hợp nhất, họ nói bằng bạch thoại, viết bằng văn ngôn, mà họ cho viết trọng hơn nói, nên mới dịch là "văn pháp", ý muốn nói đây là phép tắc cho sự viết. Cuốn "sách mẹo" đầu tiên của Trung Hoa là cuốn Mã thị Văn thông, không nói "văn pháp" mà nói "văn thông", thì cũng là "văn", cùng một ý ấy.

May mắn cho tiếng nói nước ta không ở vào cái trường hợp ấy mà ở vào cái trường hợp ngữ văn hợp nhất, nói thế nào, viết thế ấy, như các thứ tiếng của các nước Âu châu.

Chữ "ngữ" tương đương với chữ langue trong tiếng Pháp: Pháp ngữ: Langue Françcaise; Anh ngữ: Langue Anglaise. Thứ tiếng nào đã là ngữ văn hợp nhất thì khi nói gọi là khẩu ngữ (langue parlée), khi viết gọi là bút ngữ (langue écrile), đều là "ngữ" cả. Vậy thì ngữ pháp tức là văn pháp, phép tắc cho sự nói tức là phép tắc cho sự viết, hễ nói đúng thì viết đúng. Và như thế, ở trường hợp tiếng Việt lại có cái lẽ của nó trái với trên; ngữ bao hàm được văn chứ văn không bao hàm được ngữ, cho nên nói "ngữ pháp" phải hơn là "văn pháp".

Cái điều tôi đem đề nghị ở đây là cái mà tôi thấy không hợp lý. Trước hết là chữ "tự" trong những cái danh từ: tự loại, danh tự, động tự, mạo tự v.v... chữ tự ấy không đúng với nguyên lý của ngữ pháp, thế nào cũng phải đổi làm chữ từ mới đúng.

Hết thảy danh từ ngữ pháp của ta đều dịch ở tiếng Pháp ra, vậy khi thảo luận về nó phải lấy nguyên lý ở ngữ pháp tiếng Pháp làm căn cứ. Lại khi lập nên danh từ ngữ pháp ta đều mượn ở chữ Hán, vậy phải lấy nguyên nghĩa chữ Hán làm căn cứ. Hai điều này rất chính đáng, tưởng chúng ta có thể phải đồng ý với nhau. Được rồi, ta đứng trên lập trường này mà thảo luận.

Danh từ hiện hành gọi là "câu tự loại" đó theo tiếng Pháp là gì? Là Les parties du discours. Trong tiếng Pháp chia làm chín từ loại cho nên nói les neuf parties du discours. discours là gì? Theo tự vị Larousse thì là la suite des mots qui forme le langage: sự nối tiếp nhau của những tiếng làm thành ngôn ngữ. Xin chú ý ở chỗ: Không nói "những tiếng làm thành ngôn ngữ" mà nói "sự nối tiếp nhau của những tiếng làm thành ngôn ngữ".

Những tiếng nối tiếp nhau đủ tỏ một ý tưởng thì tiếng Pháp gọi là gì? Gọi là proposition mà ta dịch là mệnh đề. Trong mỗi một mệnh đề có ba phần và mỗi một phần ấy tiếng Pháp gọi là một terme. Cũng theo tự vị: Terme là: un des élemént de la proposition: một phần tử của mệnh dề. Xin chú ý ở chỗ: Không nói mot là một phần tử của mệnh đề mà nói terme là một phần tử của mệnh đề.

Xem đó thấy trong ngữ pháp, cái địa vị của terme trọng yếu hơn mot lắm lắm. Bây giờ ta thử đi tới dần dần để tìm biết cái lẽ sở dĩ nhiên ấy và so sánh xem chữ "tự" hay chữ "từ" là đúng với nguyên lý.

Mở miệng ra thành tiếng, đó gọi là "tiếng", chữ Hán gọi là "âm", tiếng Pháp gọi là son. Tiếng Pháp là phức âm, cho nên một son hoặc nhiều hơn son hợp lại tỏ được một khái niệm, gọi là mot. Và mỗi cái tỏ được khái niệm ấy nói ra hay viết ra đều gọi là mot. Nhưng tiếng ta là đơn âm, một phần lớn mỗi tiếng đủ tỏ một khái niệm, và cái tiếng ấy viết ra gọi là "chữ", mà chữ Hán gọi là "tự". Tuy vậy, trong khi nói nếu chỉ dùng độc một tiếng, dù tiếng ấy đủ tỏ một khái niệm chăng nữa, người nghe cũng không hiểu là gì. Như khi ta vẫy một người mà nói độc một tiếng "lại", hay độc một tiếng "đây" thì người ấy chắc không hiểu được ý ra. Phải nói cả hai tiếng "lại đây" thì người ấy mới hiểu (trừ ra khi có hỏa hoạn mà la lửa! lửa! đã thành ước lệ ai cũng hiểu, không kể). Trong khi nói, dùng hai tiếng trở lên để đạt được ý như vậy người ta gọi là "lời". Tục ngữ có câu "ăn cho nên đọi, nói cho nên lời", vậy biết rằng khi nói cốt trọng ở lời chứ không trọng ở tiếng tức chữ. Chữ "lời" ấy theo chữ Hán là "từ", hợp hai ba tự mới thành một từ, tương đương với terme tiếng Pháp, hoặc một mot hoặc mấy mot hợp lại cũng gọi là terme.

Theo những điều vừa chỉ ra trên đây thì "tự" tức là mot, "từ" tức là terme. Và "tự" chỉ là hình thức của ngôn ngữ, mà "từ" mới là tinh thần của ngôn ngữ vậy. Nói một cách khác, "tự" chỉ là chất liệu rời rạc, mỗi một tự là một đơn vị của tự vị tự điển chứ không có công dụng mấy nổi trong ngữ pháp mà có công dụng lớn trong ngữ pháp là "từ"; từ là đơn vị trong ngữ pháp vì chính nhờ nó mà làm thành ngôn ngữ.

Muốn được càng rõ hơn, xin cử ra thêm một nghĩa này nữa dưới chữ terme trong tự vị Pháp: Les termes d'un syllogisme, les termes dont les idées combinées deus à deux forment les trois propositions: Các từ của tam đoạn luận, là các từ mà ý nó cứ hai cái một giao hỗ với nhau làm thành ba mệnh đề. Đây tuy nói về luận lý học nhưng cũng tương quan với ngữ pháp, vậy ta hãy đặt ra một cái tam đoạn luận để càng nhận thấy rõ cái giá trị của terme hay "từ" là dường nào:

Người ta phải chết; tôi là người ta; tôi phải chết.

Trong ba mệnh đề đó duy có "người ta" là hai chữ mà thôi, còn "phải", "chết", "tôi" đều chỉ có một chữ. Chỉ có một chữ mà cũng gọi là terme, đủ biết rằng trong ngữ pháp không kể phần chất liệu của văn tự mà chỉ kể phần công dụng của nó; gọi là terme hay "từ", cái chữ ấy là để biểu dương cái công dụng trong ngôn ngữ của nó ra. Đến đây, thấy rằng trong ngữ pháp chỉ có "từ" là đơn vị trọng yếu; còn "tự", hầu như nó không còn có địa vị nào ở đó.

Còn một lẽ này nữa tuy có hơi vụn vặt nhưng không phải là không đáng kể: Tiếng ta tuy là đơn âm, kỳ thực không hoàn toàn là đơn âm. Như "loét chét", "dửng dừng dưng", "lủng ca lủng củng"... hai, ba, bốn, chữ mới hợp thành một nghĩa (mỗi chữ riêng ra không có nghĩa gì cả, hay nếu có thì là nghĩa khác), những tiếng ấy không gọi là đơn âm được. Mỗi một âm của ta viết thành một chữ tức là "tự", mà nó đã hợp hai, ba, bốn "tự" mới thành một nghĩa thì không còn là "tự" nữa rồi, nó là "từ". Đây này: cái máng xối, cái cối đạp, con ngựa nhà trời[1], con chim bắt cô trói cột... những cái những con ấy mà gọi là "danh tự" thì oan nó quá: cái tên của nó là bằng một "từ" chứ có phải một "tự" đâu.

Căn cứ cái lý do trên đây, chữ "tự" đã dùng trong ngữ pháp mà bài này gọi là danh từ hiện hành ấy không còn viện lấy lẽ gì nữa mà không đổi làm chữ "từ", các tự loại phải đổi làm các từ loại; danh từ, động tự, mạo tự v.v... phải đổi làm danh từ, động từ, mạo từ v.v...

Nói đến cái danh từ "trạng từ". Chữ "tự" ấy đã phải đổi làm chữ "từ" rồi, chỉ chữ "trạng" còn nên đưa ra để thảo luận. Nên nói sớm rằng theo cái lẽ sẽ trình bày dưới đây thì "trạng từ" nên đổi làm "phó từ".

Trạng từ, do chữ adverbe dịch ra. "Trạng" là trạng mạo, trạng thái, nói Nôm là bộ, là cách, là dáng, như bộ đi, bộ đứng, cách nói, cách làm, dáng buồn, dáng vui, miêu tả cái "nhiên"[2[ của động tác và của chất, tính, sắc, thái thuộc về người hay sự vật, nghĩa chữ trạng chỉ có thể. Chỉ có thế thì không đủ để dịch chữ adverbe.

Theo ngữ pháp tiếng Pháp, adverbe chia ra nhiều thứ và ngữ pháp tiếng ta cũng thế. Trạng từ, như nghĩa chữ trạng đã giải ở trên, chỉ đủ để dịch một thứ là adverbe de manière (Việt Nam văn phạm gọi là trạng tự chỉ thể cách) mà thôi. Còn mấy thứ khác như adverbe de liu, adverbe de temps (Việt Nam văn phạm gọi là trạng tự chỉ không gian, trang tự chỉ thời gian)... chữ trạng không bao hàm nổi, vì mấy thứ adverbe này nó đã vượt ra ngoài cái "trạng".

Thử lấy những câu Truyện Kiều dưới đây mà xết thì đủ rõ. Như:

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham;

Hỏa bài tiền lộ ruổi mau;

Mồ hồi chàng đã như mưa ướt đầm;

Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.

thì "sạch sành sanh" trạng cái động tác "vét"; "mau" trạng cái động tác ruổi; "đầm" trạng cái chất "ướt"; "phau" và "dầm" trạng cái sắc "bạc" và "đen": gọi là "trạng" được lắm. Còn như:

Tìm đâu cho thấy cố nhân;

Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa;

Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau:

Trong sao châu nhỏ doành quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam Điềm mới đông.

thì những chữ "đâu", "rày", "phỏng", "đã... chưa", "trước", "sau", ấy đều là adverbe nhưng không gọi là nó trạng các cái động tác "tìm", "xem", "cam", "dàn", "phục" được; và hai chữ "sao" cũng không gọi được là trạng cái tính "trong" và "ấm' của tiếng đàn. Nếu những adverbe này mà cũng gọi là trạng tự thì chỉ gọi một cách ép uổng chứ không đúng.

Nên nói thêm một lần nữa rằng trạng tự không dùng để dịch chữ adverbe được, vì chữ trạng nghĩa nó không bao hàm nổi hết thảy các thứ adverbe.

Có nhiều sách ngữ pháp chữ Hán gọi adverbe là "phó từ". Chữ "phó" đây tức là chữ phó đối với "chính". Nó có nghĩa là "phụ", như ta nói phụ giáo, phụ bút, phụ biện, cùng giữ một chức vụ với vai chính nhưng kém vai chính một bậc.

Theo ngữ pháp tiếng Pháp, adverbe dùng để "phụ" với danh từ, hình dung từ, làm sáng thêm nghĩa chúng nó ra. Thế thì trong khi danh từ hay hình dung từ làm vai chính, adverbe làm vai phụ, phụ tức là phó: gọi nó là "phó từ" ổn lắm.

Dùng chữ phó nó có nghĩa rộng bao hàm hết thảy các thứ adverbe, không thiên về chỉ một mặt như chữ trạng, vậy nên đổi "trạng tự" làm "phó từ".

Pronom, theo danh từ hiện hành dịch là "đại tự", tưởng nên đổi là "đại danh từ". "Đại" đây nghĩa là "thay". Đại danh từ nghĩa là thay cho danh từ, đủ ý và đúng nghĩa lắm. Còn chỉ nói "đại" mà bỏ chữ "danh" đi thì không đủ ý, không biết thay cho cái gì. Bớt đi một chữ thì cái danh từ cón gọn đôi chút, nhưng đã không đủ ý không đúng nghĩa thì cái danh từ ấy không có thể thành lập được vậy.

Adjectif, theo ngữ pháp tiếng Pháp là chỉ một tự loại rồi chia ra làm mấy thứ; nhưng theo danh từ hiện hành thì lại chai làm hai từ loại riêng biệt nhau: adjectif déterminatif gọi là "định tự"; adjectif qualificatif gọi là "tính tự". Chia ra và gọi như thế nghe cũng chưa ổn.

Sự chia làm hai loại này hình như là theo Việt Nam văn phạm. Việt Nam văn phạm chia như thế thành thử ngữ pháp tiếng Việt có cho đến mười ba từ loại. Có lẽ là nhiều từ loại hơn hết thảy trong các sách ngữ pháp của các thứ tiếng trên tiếng Hán. Thật chỉ làm thêm rộn trí mà không có ích gì. Cả cái vấn đề này một bài sau sẽ bàn đến.

Trong khi chưa dứt khoát, ở bài này, tôi tạm gọi adjectif là hình dung từ như trước kia quen gọi, vẫn biết gọi như thế cũng vẫn là chưa ổn.


Viết thêm về sau

Về adjectif:

Sau khi viết bài này, tôi mới nghĩ ra được rằng adjectif có thể dịch là định từ. Chữ "định" này có nghĩa như chữ định trong "định giá" hay "định nghĩa", mọi vật mọi sự được định cho sai biệt về hình dạng, tính chất, số lượng hoặc định cho vị trí về không gian, thời gian.

Như vậy, hết thảy mấy thứ adjectif đều gọi một tên chung là "định từ", rồi chia ra, như adjectif qualificatif thì gọi là "hình dung định từ", adjectif démenstratif thì gọi là "chỉ định từ".

Trong tiếng Việt không có adjectif posessif. Những ngữ như "cuốn sách của anh", "cái nhà của tôi" thì không liệt vào định từ mà liệt vào hạng danh từ có túc từ.

Tôi chỉ mới nghĩ phác được như thế, cốt tìm cho được một cái tên ổn hơn cái tên "hình dung từ" mà tôi cho là chưa ổn.

Năm 1951, ở trong Vụ Văn học nghệ thuật, nói chuyện về ngữ pháp với anh Phan Ngọc, anh nói muốn đổi hình dung từ làm "hạn định từ". Thấy giống ý kiến tôi, tôi reo lên và tán thành. Nhưng bàn với anh không cần có chữ "hạn", thì anh cũng đồng ý với tôi mà bỏ chữ "hạn", chỉ xưng là "định từ".

Cái tên "hình dung từ" do người Trung Quốc dịch từ lâu rồi, mấy chục năm nay các sách ngữ pháp Trung Hoa vẫn theo như thế. Theo ý tôi thì nó chỉ được adjectif qualificatif mà thôi, không bao hàm được mấy thứ adjectif khác, cũng như cái tên "trạng từ" không bao hàm được hết thảy các adverbe, cho nên tôi cho là chưa ổn.

Cuối năm 1951, vào chơi một cơ quan khác, tôi thấy trên bàn có tập báo "Nhân dân giáo dục" là tờ báo mới của Trung Quốc. Mở ra xem, gặp một bài nói về văn học, trong đó có một câu có chữ 定 詞 (định từ) mà chua bằng chữ Tây là adjectif, thì ra cũng đã có người thấu như chúng tôi, đổi hình dung từ làm định từ rồi. Ở đó, muốn reo lên, không tiện, khi nào gặp anh Phan Ngọc, thuật lại chuyện này, tôi sẽ reo lên với anh.

(Tại Bệnh viện Quẵng ngày 1-3-1952)


Ngôn ngữ đổi làm ngữ ngôn

Ở Trung Quốc, từ lâu, dùng chữ "ngôn ngữ" dịch chữ langue, "ngữ ngôn học" dịch chữ linguistique. Nhưng ở ta thì nói "ngôn ngữ", "ngôn ngữ học". Từ năm 1948, tôi làm việc ở Ban Ngôn ngữ văn tự cũng dùng quen như thế.

Có một lần tôi muốn dịch chữ langage, định dịch là "ngôn ngữ", mà sợ nó trùng với ngôn ngữ là langue theo sự quen dùng của ta, tôi bèn tra Pháp Hoa tự điển thử xem. Thì ra họ dịch là "ngôn ngữ". Tôi nhận thấy họ có lý lắm: Có dùng "ngữ ngôn" mà dịch langue thì mới té chữ "ngôn ngữ" ra để mà dịch langage.

Tôi quan niệm như thế không đúng. Đó không phải là sự vụ lấy tiện lợi, mà là sự vụ lấy chính xác.

Trung Quốc từ xưa, chữ "ngữ" đã có nghĩa là tiếng nói (langue) rồi, đã có một bộ sách tên là Quốc ngữ (Langue nationale) rồi. Về sau, còn dùng để chỉ tiếng nói Giang Tô, Chiết Giang là Ngôn ngữ, tiếng nói Quảng Đông là Việt ngữ. Còn chữ "ngôn" (danh từ) chỉ là lời, lời nói thường. Theo phép cấu thành từ ngữ, phải đặt chữ có ý chính lên trên, chữ có ý phụ xuống dưới, cho nên langue là ngôn ngữ mà langue là ngữ ngôn.

Ta nói "ngôn ngữ", "ngôn ngữ học", đã làm choán mất phần, không còn có chữ gì để dịch chữ langage, đã đành, mà cái điều không đúng là trái với phép cấu thành từ ngữ.

Bởi những lẽ đó, tôi đề nghị đổi chữ "ngôn ngữ" làm "ngữ ngôn" trong khi nói langue, để phần "ngôn ngữ" cho chữ langage.

Gần nay, tôi đã bắt đầu dùng chữ ngữ ngôn để chỉ langue, ngữ ngôn học để linguistique mà không nói ngôn ngữ và ngôn ngữ học nữa.


(Hà Nội, ngày 20-10-1954)



[1] Ở Trung Nam gọi con bọ ngựa là "ngựa nhà trời".
[2] Adverbe không miêu tả cái động tác và những cái chất, tính, sắc, thái thuộc về người hay sự vật, nhưng miêu tả cái gì của động tác và của tính chất, tính, sắc, thái thuộc về người hay sự vật. "Cái gì" ấy tôi tìm không ra tiếng để gọi, phải mượn chữ "nhiên" để gọi nó. Trong chữ Hán có một số nhiều adverbe đều có chữ "nhiên" theo sau một chữ khác để chỉ "cái gì" ấy, như ngẫu nhiên, đột nhiên, hốt nhiên, hân nhiên, nghiễm nhiên, uyển nhiên, hồn nhiên, đương nhiên, tự nhiên, ngạc nhiên, sốt nhiên, xán nhiên v.v... Và những adverbe ấy ta cũng thường dùng trong quốc ngữ.
Nguồn: Nxb Đà Nẵng, 1997