© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
29.12.2004
Phan Khôi
Việt ngữ nghiên cứu
8 kỳ
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Phụ lục

Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta

(Thuyết trình tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 16-7-1948)

Tôi không có cái học chuyên môn về văn pháp, vả lại không biết được nhiều thứ tiếng ngoại quốc, thế mà dám gánh lấy cái công việc khó khăn này đem trình bày trước các ngài, thật tôi tự biết là táo bạo quá. Chỉ bị bắt buộc phải có một cái thuyết trình về văn học ngày hôm nay mà tôi không biết nói cái gì, nhân gần nay có đọc được cuốn sách văn pháp của người Tàu, thấy cái phương pháp dạy rất hợp lý, muốn căn cứ vào đó để soạn văn pháp tiếng ta, đến nỗi quên cái việc mình làm là hấp tấp, mang nó ra giới thiệu cùng các ngài trong buổi họp văn hóa toàn quốc này.

Cuốn sách ấy nhan là Tân trước quốc ngữ văn pháp, dày hơn năm trăm trang, tác giả Lê Cẩm Hy, văn khoa, bác sĩ, xuất bản đã nhiều lần trong mấy chục năm nay và đã dùng dạy trong các trường trung học cho đến văn khoa đại học. Tôi sở dĩ căn cứ vào nó không phải vì khiếp cái quyền uy ấy, mà rất đồng ý với cái nội dung, huống chi tiếng ta và tiếng Tàu cùng một thứ tiếng đơn âm vả lại có chỗ giống nhau, thì mượn mà giúp cho nhau cùng có phần dễ.

Sách của người Tàu làm để dạy văn pháp tiếng Tàu, mà trong đó cái phương pháp lại dùng của người Tây. Như thế, có lẽ cái phương pháp ấy không lạ gì với các thính giả của tôi ở đây đều là người có nhiều Tây học chăng. Tôi lo lắm. Đời xưa có người nhà quê có con lợn cái đẻ mười con đều trắng đầu cả, anh ta nghe nói xứ Liêu Đông có nhiều nhà giàu thích mua của lạ, bèn gánh sang bán, không ngờ đến chợ Liêu Đông thấy nhiều lợn bán ở đó mà con nào cũng trắng đầu, anh phải cụt hứng mà gánh trở về. Tôi lo lắm. Rủi mà cái thuyết trình này của tôi lại là mười con lợn của anh nhà quê kia, thì tôi còn nguy hơn anh ta nữa, vì tôi không gánh nó trở về được.

Phương pháp này gọi là phương pháp dạy văn pháp theo "cú bản vị" và "đồ giải".

Cách sách văn pháp của các thứ tiếng trên thế giới từ trước đều làm theo lối "từ bản dị", nghĩa là lấy từ làm căn bản của văn pháp. Trước hết chia ra các từ theo từng loại, hết một phần lớn của cuốn sách, rồi sau đến phép đặt câu, chỉ một phần nhỏ thôi. Như thế là có ý trọng ở phần phân tích mà khinh ở phần tổng hợp.

Nhưng thấy nói, gần nay trong các nước Âu châu đã có những sách văn pháp làm theo lối khác, lối "cú bản vị", nghĩa là lấy câu làm căn bản của văn pháp. Trước hết dùng một phần lớn của sách dạy phép đặt câu, rồi một phần nhỏ sau mới chia loại các từ. Trái với lối trên, thế này lại trọng ở phần tổng hợp mà khinh ở phần phân tích.

Dạy theo lối sau, người ta lấy lẽ rằng cái công dụng của mỗi một từ phải là khi nó ở trong câu mới thấy được rõ. Vậy nếu khi chưa biết phép đặt câu mà cứ dạy cho phân tích các từ loại, kẻ học dù có biết được rành mạch chữ nào thuộc về từ loại nào chăng nữa, sự học cũng thấy vô vị, dễ chán. Chi bằng cho nghiên cứu phép đặt câu trước, nhân đó chỉ ra chức vụ, công dụng của mỗi từ và ghép nó vào loại nào, thì sự học sẽ thấy linh hoạt có hứng vị hơn nhiều.

Ấy là một sự tiến bộ về văn pháp học. Sự tiến bộ ấy, tôi tưởng phải được nhìn nhận ở giữa chúng ta. Văn pháp của tiếng nước ta từ trước đến giờ chưa có đủ điều kiện để thành lập. Ba mươi năm nay đã có mấy thứ sách văn pháp ra đời, đều làm theo lối "từ bản vị" nhưng đều chưa được người trong nước công nhận.

Tiếng nước ta viết thành chữ tuy đã lâu nhưng mới thông dụng bốn năm chục năm nay, cái quy luật của một thứ ngữ ngôn còn chưa đủ thì giờ để nhất định được, thì cái sự chưa thành lập được văn pháp vẫn không đáng trách. Tuy vậy, mấy thứ sách văn pháp đã ra đời mà chưa được công nhận đó thì lại có một phần lỗi ở chỗ theo lối "cú bản vị", nhất là theo sát với văn pháp tiếng Pháp, không hợp với tính chất riêng của tiếng ta.

Người Âu châu ngày nay làm sách văn pháp theo "cú bản vị", và văn cứ ở cái lý luận của họ như đã nói trên, nếu chúng ta cho là hợp lý thì văn pháp tiếng ta làm theo "cú bản vị" lại còn hợp lý hơn bội phần. Bởi vì, các thứ tiếng Âu châu, như tiếng Pháp, khi có nhiều tiếng có họ với nhau, thì mỗi chữ đều tự phân biệt ở cái đầu chữ, hoặc đuôi chữ, lại phân biệt ở giống đực giống cái, số một số nhiều, về động từ còn phân biệt ở "cách" và "thì". Do những sự phân biệt ấy, hình như chữ khác nhau, thấy thì biết công dụng khác nhau, không đem dùng lẫn lộn với nhau được, cũng vì vậy mà văn pháp của họ lúc đầu dễ dàng lắm mà chia ra từng loại. Thế mà họ còn bỏ "từ bản vị" đi để theo "cú bản vị" huống chi tiếng ta là thứ tiếng mà mỗi chữ, công dụng của nó chỉ có khi nào dùng vào trong câu mới phân biệt, chứ tự nó không phân biệt sẵn bởi hình của nó.

Như chữ "ăn", khi nghe một mình nó, ta có thể nhận cho là động từ được lắm, nhưng khoan đã. Vì còn nhiều khi nó vẫn mang cái hình ấy đứng trong những chỗ khác, như trong "nhà đủ ăn", "đứa bé háu ăn", "đồng tiền ăn sáu", thì nó lại thuộc về từ loại khác, hoặc là danh từ, hoặc là hình dung từ. Vậy thì chỉ có khi nào thấy chữ "ăn" dùng trong câu "tôi ăn cơm" - Vì đó quả là một câu - mới nên quả quyết nhận nó là động từ mà thôi.

Đối với một thứ tiếng có tính chất riêng như thế, mà sách văn pháp lại cứ bắt đầu chia ra từ loại, thì thật là xa với sự thực quá nếu không nói là vô lý. Mỗi chữ hay mỗi từ có thể thuộc về nhiều loại, ít nhất là hai loại, dùng cách nào mà chia? Sự chia không dứt khoát đã đành, mà còn sau khi chia, trong cuốn văn pháp ấy nếu có chín từ loại thì là chín đơn vị đứng riêng, không có liên quan với nhau, đọc xong chẳng thấy linh hồn của cuốn sách ở chỗ nào: không được công nhận cũng là phải.

Theo "cú bản vị" thì lấy tổ chức của câu làm gốc, làm phần chính trong sự dạy văn pháp. Bắt đầu từ câu ngắn rồi đến câu dài, từ câu đơn rồi đến câu kép, rồi sau nữa đến những câu ấy hợp lại mà thành một bài, một thiên.

Trong khi ấy mới tùy ở vị trí và chức vụ của từng từ mà quy nhập nó vào loại, và nhân đó mà nhìn rõ công dụng của nó, cả đến sự liên quan của câu này với câu kia, đoạn trên với đoạn dưới, cũng dần dần thể nhận và lĩnh hội được một cách hoàn toàn, không đến nỗi mập mờ hay hẩu lốn. Dạy cách ấy làm cho kẻ học chóng thông, rất có lợi cho sự nói và viết, và nhất là để nhìn thấy sự viết trúng hay viết trật trong khi đọc văn của mình hay của người. Điều này cũng ví như người thợ máy đã biết rõ chỗ then chốt của cái máy ở đâu và các bộ phận của nó tương quan như thế nào, thì một khi máy hỏng, khắc biết hỏng tại đâu mà chưa, hơn là người thợ chỉ mò mẫm ở từng cái răng cưa, từng cái dây sên, từng cái đinh ốc của máy.

Nói đến "đồ giải".

Muốn thực hành cái phương pháp dạy văn pháp theo "cú bản vị", không gì thích hợp bằng dùng phép "đồ giải". Nó cũng là phép đặt ra bởi người Âu châu mà ta đem châm chước ứng dụng theo các đặc điểm của tiếng bản quốc.

Ngày xưa trong các trường học dạy tiếng Pháp cũng có dạy phân tích từng chữ trong một câu viết ra trên giấy, kể rõ mỗi chữ thuộc về từ loại nào, giữ chức vụ gì trong câu. Phép đồ giải cũng hơi giống như thế, nhưng không phải viết suôn trên giấy mà là dùng phấn vẽ thành đồ trên bảng đen để làm cái việc phân tích.

Ta nói mỗi từ ở trong câu đều có vị trí, chức vụ, công dụng, quan hệ của nó, nói thế cho cặn kẽ đến đâu đi nữa là kẻ học cũng còn chưa lĩnh hội ngay được. Nhưng khi đem vẽ ra trên bảng đen thì rõ ngay.

Ấy là nhờ đã thấy cái vị trí của mỗi từ ở chỗ nào trong đồ, tự nhiên nhận biết được các cái khác của nó vậy.

Đến bậc học cao lên, chẳng những dùng "đồ giải" phân tích từng câu, hoặc đơn hoặc kép, mà có thể dùng để phân tích từng đoạn từng bài dài nữa. Một bài văn có sự sống và linh hoạt của nó, song dùng lời nói mà thuyết minh, dù thuyết minh khéo đến thế nào cũng gần như trừu tượng, chỉ có vẽ ra thành đồ mới thấy là cụ thể mà thôi. Ấy là cái mục đích gần nhất của phép "đồ giải", nó làm cho cái phương pháp "cú bản vị" được thực hiện một cách thỏa mãn.



*


Trên đó là nói về cái phương pháp căn bản. Từ đây bắt đầu nói về cái thứ tự dạy văn pháp theo phương pháp mới ấy.

Trước hết hãy làm cho kẻ học biết những điều này:

Một là: Phân biệt về tự, từ, ngữ, cú.
  1. Tự và từ - "Tự", là từng chữ từng chữ rời ra. "Từ" là một lời để tỏ ra một khái niệm trong khi nói. Có khi một tự tức là một từ, vì chính nó đủ tỏ ra một khái niệm, như "người", "ngựa", "trắng", "khóc" v.v... Có khi phải hai từ trở lên mới đủ tỏ một khái niệm mà thành một từ, như "ông già", "bồ câu ra ràn", "trăng trắng", "hắt hơi" v.v... Văn pháp lấy từ làm đơn vị, không cứ một chữ hay mấy chữ, hễ đủ một khái niệm thì gọi là một từ. Vậy không nên tưởng mỗi tự nào cũng là một từ cả, để khỏi nhận lầm mỗi đơn vị ở trong câu.

  2. Ngữ và cú - Hai từ trở lên hợp lại mà còn chưa thành câu thì gọi là "ngữ". Còn khi nói về sự vật nào mà chỉ rõ được những động tác, tính chất, tình hình của nó, đủ biểu thị được một ý hoàn toàn trong tư tưởng thì mới thành câu, tức là "cú". Vậy như "nước chảy" có thể là một câu, vì chỉ rõ được động tác của nước. Và trong câu ấy có hai từ mà mỗi từ là một tự. Lại như "đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị phá cả" cũng là một câu, vì chỉ rõ được tình hình của đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Và trong câu này, chặng trên, dùng ba từ "đường sắt", "Hà Nội", "Lào Cai" họp lại thành một ngữ, chặng dưới, dùng hai từ "bị phá" "cả" để chỉ rõ tình hình: thế là câu ấy nhờ một ngữ hai từ kết hợp mà thành ra "cú" vậy. Vậy không nên coi những ngữ chưa thành câu là những cú, để được nhận định rõ ràng các điểm chủ yếu trong khi đặt câu và cũng rành rẽ trong khi chấm câu.

Hai là: Phân biệt chín thứ từ và thành phần trong câu
  1. Chín thứ từ. - Tiếng nước ta có thể chia làm chín thứ từ gồm vào năm loại. Ấy là:

    1. Danh từ
    2. Đại danh từ gồm vào loại Thực thể từ.
    3. Động từ vào loại Thuật thuyết từ.
    4. Hình dung từ
    5. Phó từ gồm vào loại Khu biệt từ.
    6. Giới từ
    7. Liên từ gồm vào loại Quan hệ từ.
    8. Trợ từ
    9. Thán từ gồm vào loại Tình thái từ.

  2. Thành phần của câu. - Hai phần khinh khí, một phần dưỡng khí hợp lại thành ra nước. Thế thì nói: trong nước có hai thành phần là khinh và dưỡng; hay nói: khinh và dưỡng là hai thành phần của nước. Đằng này, câu hay cú trong văn pháp cũng có thầnh phần như vậy.
    Câu có ba thành phần hay kể tách ra làm sáu cũng được. Ấy là:

    1. Thành phần chủ yếu, gồm có: g Chủ ngữ, dùng danh từ hay đại danh từ làm nên; d Vị ngữ, dùng động từ làm nên.
    2. Thành phần liên đới, gồm có: g Tân ngữ, dùng danh từ hay đại danh từ làm nên; d Bổ túc ngữ, dùng danh từ, đại danh từ hay hình dung từ làm nên.
    3. Thành phần phụ gia, gồm có: g Hình dung phụ gia ngữ, dùng hình dung từ làm nên, gọi tắt là hình phụ; < Phó từ phụ gia ngữ, dùng phó từ làm nên, gọi tắt là phó phụ.
      Như thế, thành ra tuy có chín thứ từ gồm vào năm loại, mà thực ra chỉ có năm thứ từ gồm vào ba loại được kể làm thành phần của câu mà thôi. Còn bốn thứ từ thuộc vào hai loại kia tuy có giữ chức vụ trong câu nhưng không kể làm thành phần được.

      Điều này nên biết rõ và nhớ kỹ trước khi đem thực hành phép "đồ giải".

Ba là: Định nghĩa chín thứ từ.

Đây chưa phải đã đến chỗ phân tích các loại từ tỉ mỉ đâu. Cũng như hai điều trên, cái mục đích chỉ là nói cho biết qua đại khái, để thuộc lòng các tiếng chuyên môn về văn pháp, ngõ hầu đi đến cái mục đích khác chú trọng hơn, là phép tổ chức câu và ghép "đồ giải".

Trên kia đã nói rõ số mục và danh xưng của các thứ từ rồi, đây là định nghĩa của mỗi thứ từ và về mỗi thứ cử ra một vài cái lệ.


I. Thực thể từ có hai thứ:
  1. Danh từ là danh xưng của sự vật, dùng để biểu thị cái thực thể trong quan niệm của người nói. Như "súng", "mặt trời".
  2. Đại danh từ dùng để thay thế cho danh từ. Như: "tôi" vác súng; "nó" (chỉ mặt trời) là "cái gì" - "tôi", thay cho tên họ người nói; "nó", thay cho cái vật tròn, đỏ, sáng và nóng ở trên trời; "cái gì", thay cho cái danh xưng mà người nói chưa biết.


II. Thuật thuyết từ có một thứ:

Động từ còn chia ra nội động và ngoại động, dùng để tự thuật những động tác của sự vật. Như: Những người thợ đang "đúc" súng; mặt trời "mọc" rồi.

Ngoài ra còn một thứ cũng thuộc về động từ, nhưng gọi là chuẩn động từ, dùng để thuyết minh cái tính chất hình trạng của sự vật. Vì nó không tự thuật những động tác nên không được gọi hẳn là động từ, nhưng nó thuyết minh chủ ngữ là thế nào, thì công dụng của nó cũng như động từ, cho nên được coi như là động từ vậy. Như: Súng "là" vật giết người; lửa "có" khói, mặt trời "giống" lửa. Ba chữ "là", "có", "giống", đó tức là chuẩn động từ.

Lại hết thảy hình dung từ khi được dùng làm thuật thuyết từ, ở cái địa vị vị ngữ, thì cũng coi như chuẩn động từ cả. Như: Khẩu súng này "nặng" lắm; mặt trời "đỏ" quá.


III. Khu biệt từ, cũng có hai thứ:
  1. Hình dung từ, dùng để khu biệt những hình trạng, tính chất, số lượng, địa vị của sự vật, nên phải phụ gia nó vào danh từ. Như: "một" khẩu súng "lớn"; "cái" mặt trời "sáng chói" "kia".
  2. Phó từ, dùng để khu biệt hoặc hạn chế một lần nữa những động tác, hình trạng, tính chất của sự vật, nên phải phụ gia nó vào động từ, hình dung từ hoặc phó từ khác. Như: Người thợ "vội vã" đúc những khẩu súng "rất" lớn; mặt trời "còn" chưa mọc.


IV. Quan hệ từ, cũng có hai thứ:
  1. Giới từ, dùng để giới thiệu danh từ hoặc đại danh từ đến với động từ, danh từ hoặc đại danh từ khác để tỏ ra sự quan hệ giữa chúng nó với nhau. Như: Người thợ đúc súng "bằng" gang; mặt trời mọc "từ" phương đông; vườn hoa "của" thành phố; cuốn sách "của" tôi.
  2. Liên từ, dùng để làm dính nhau tự với tự, từ với từ, cú với cú, để tỏ ra sự quan hệ giữa chúng nó. Như: Đồng "và" sắt đều để đúc súng được; "tuy" trời đã sáng rồi "nhưng" mặt trời còn chưa mọc.


V. Tính thái từ, cũng có hai thứ:
  1. Trợ từ, dùng vào đằng sau từ, ngữ hoặc cú, để biểu thị cái thần tình, thái độ trong lúc nói. Thứ từ này không có ý nghĩa gì lắm, chẳng qua để thay cho một thứ phù hiệu nào đó thôi. Như: Có súng "à"? thế thì ta bắn "vậy"; mặt trời còn đợi đến bao giờ mới mọc "ư".
  2. Thán từ, dùng để nhại theo một thứ thanh âm biểu bình trong lúc nói. Nó cũng không có ý nghĩa gì lắm, chỉ chữ cái chức vụ truyền thanh cho nên thường không phụ thuộc vào trong câu. Như: "Thôi rồi!" khẩu súng hỏng rồi; "ối dà dà"! mặt trời gay gắt quá.


*


Mọi sự dự bị như trên kia cũng tạm gọi là đủ rồi, bây giờ đi đến chỗ thực hành. Cái khẩu hiệu của sự thực hành này là:

"Cú pháp" đi với "đồ giải".

Trên kia nhiều lần nói đến "phép đặt câu", "tổ chức câu", song ở đây phải trịnh trọng gọi nó là "cú pháp". Cú pháp tức là luật của cú hay câu, câu dù biến hóa thế nào mà cái luật của nó phải nhất định. Dạy văn pháp là dạy lấy cái luật nhất định ấy.

Đã biết trong câu có thể có đến sáu thành phần rồi, bây giờ cắt nghĩa mỗi thành phần cho rõ ràng và cắt nghĩa đến đâu vẽ thành đồ đến đó.


I. Thành phần chủ yếu: chủ ngữ và vị ngữ.
  1. Chủ ngữ - Khi nói, phải là nói về "cái gì", ấy tức là "chủ thể" trong câu. Chủ thể hoặc là người, hoặc là sự vật. Cái từ chỉ về chủ thể ấy gọi là "chủ ngữ", chủ ngữ đã đứng đại biểu cho người hoặc sự vật là chủ thể, cho nên thường phải dùng thực thể từ là danh từ hay đại danh từ.

    Nhưng "cái gì" ấy phải nói nó "thế nào" mới được chứ. Nếu không nói rõ nó "thế nào", "cái gì" tức là chủ thể ấy chỉ là một khái niệm đứng trơ mà không phải là một tư tưởng biểu thị ra với sự hoạt động, không thành câu được, cho nên sau chủ ngữ phải có tiếp theo một vị ngữ.

  2. Vị ngữ, nghĩa là dùng một thứ từ khác để thuật thuyết cái "thế nào" của chủ ngữ ấy. Thứ từ dùng làm vị ngữ thường là động từ, cho nên động từ gọi là thuật thuyết từ. Như: Súng "nổ"; mặt trời "mọc".

    Đồ giải:     Súng || nổ              Mặt trời || mọc

    ("Đường ngang dài" đội lấy "đường đứng kép" hơi thò xuống, chủ ngữ ở bên tả, vị ngữ ở bên hữu, đó là phần cốt tử, rồi sau còn gì nữa, cứ dần dần cho thêm vào).

    Vậy thì chủ ngữ và vị ngữ, hai cái nếu thiếu một thì không thành câu, cho nên hai thành phần ấy gọi là thành phần chủ yếu.


II. Thành phần liên đới: Tân ngữ và bổ túc ngữ.
  1. Tân ngữ - Trong một câu có thành phần liên đới hay không có, là quyết định ở thứ vị ngữ nào đã dùng. Như hai cái cử lệ trên sở dĩ thành câu được là vì "nổ" và "mọc" đều là nội động từ, sự động tác từ trong phát ra là đủ. Nhưng khi nào sự động tác có chạm đến vật khác ở ngoài thì vị ngữ phải dùng ngoại động từ.

    Thứ tự này bao giờ cũng đòi một thực thể từ theo sau nó, tức là cái nó chạm đến. Cái thực thể từ ấy gọi là tân ngữ. Như: Tôi ăn "cơm".

    Đồ giải:     Tôi    ||    ăn || cơm

    (Thêm "đường đứng đơn" trên "đường ngang dài" sau vị ngữ, rồi đặt tân ngữ bên hữu nó Tân ngữ, "tân" nghĩa là "khách", dịch chữ object của tiếng Anh, đối với chủ ngữ là subject. Là khách đối với chủ, cho nên tân ngữ và chủ ngữ bao giờ cũng không là đồng một vật, và vị ngữ giữa nó phải là ngoại động từ. Xem đến bổ túc ngữ sau đây càng rõ).

    Thế là "cơm" làm tân ngữ đi theo ngoại động từ "ăn" khi nó làm vị ngữ, là một thành phần liên đới.

  2. Bổ túc ngữ - Có khi cái chủ ngữ không động tác gì mà chỉ cần thuyết minh nó "là" cái gì, "có" cái gì, "giống" cái gì, thì khi ấy phải dùng chuẩn động từ làm vị ngữ. Những chuẩn động từ ấy có đeo theo thực thể từ làm bổ túc ngữ (trừ ra thứ chuẩn động từ làm bằng hình dung từ thì không có). Như: Thợ "là" người lao động; lửa "có" khói; mặt trời "giống" lửa.

    Đồ giải:     Thơ     ||     là người lao động

                    Lửa     ||     có khói; mặt trời     ||     giống lửa.

    Cái dấu hiệu bổ túc ngữ đặt cùng chỗ với tân ngữ, chỉ khác là dùng cái "đường vạch xế", xế tả hay xế hữu đều được).

    Nhưng không phải chỉ chuẩn động từ mới có bổ túc ngữ thôi đâu. Có một số nội động từ hay làm cho chủ ngữ biến hóa ra một sự vật khác, thì nó cũng đeo theo bổ túc ngữ. Như: Con tằm hóa "con nhộng"; người thợ trở nên "nhà tư bản".

    Đồ giải theo y như trên. Thứ nội động từ này gọi là nội động từ bất hoàn toàn, hơi giống ngoại động từ, nhưng nó không theo luật tân ngữ được, vì chủ và khách vốn là đồng một vật: con nhộng trước là con tằm, nhà tư bản trước là người thợ. Lại có một số ngoại động từ đã có đeo theo tân ngữ rồi, còn đeo theo thêm bổ túc ngữ nữa. Như: Họ mời tôi "diễn thuyết"; tôi ưa nó "thật thà"; người ta cử tôi "làm" "đại biểu", thì đồ giải phải là:

    Họ     ||     mời tôi diễn thuyết

    Tôi     ||     ưa nó thật thà

    Người ta     ||     cử tôi làm đại biểu.

    (Cũng thêm cái dấu hiệu bổ túc ngữ sau tân ngữ. Chỉ câu lệ thứ ba, trong bổ túc ngữ (làm) lại còn có bổ túc ngữ (đại biểu) nữa, cho nên thêm một "vạch xế ngắn").


III. Thành phần phụ gia:

Hình dung phụ gia ngữ và phó từ là phụ gia ngữ.

1. Hình dung phụ gia ngữ. - Không cứ chủ ngữ tân ngữ hay là bổ túc ngữ, hễ chúng nó đã làm bằng thực thể từ thì đều có thể thêm cho hình dung từ làm phụ gia ngữ cả. Như: "Sáu" anh dân quân "mạnh mẽ" khiêng "một" khẩu súng "lớn".

Đồ giải:     Anh dân quân     ||      khiêng | khẩu súng

                Sáu → mạnh mẽ một lớn


(Bốn thành phần kia đều ở trên "đường ngang dài", đến hai thành phần phụ gia thì ở dưới. Dấu hiệu hình dung phụ gia ngữ là "đường vạch xế tả" ở dưới "đường ngang dài").

Lại, thực thể từ cũng có khi dùng làm hình dung phụ gia ngữ được. Là khi chúng nó nhờ giới từ làm cho biến tính thành ra hình dung từ để làm phụ gia ngữ cho thực thể từ khác. Như: Sinh hoạt "của cá nhân" tùy theo hoàn cảnh "của xã hội", sợi dây "bằng đồng" vướng chân "của tôi".

Đồ giải:     Sinh hoạt     ||     tùy theo | hoàn cảnh
               cá nhân  | của                  xã hội |       của
               cá nhân  | của                  xã hội |       của

                    Sợi dây      ||      vương | chân
               đồng | bằng                      tôi | của
               đồng | bằng                      tôi | của



(Dấu hiệu của hình dung phụ gia ngữ làm bằng thực thể từ là: "đường ngang ngắn" gặp "đường đứng" bên hữu nó làm nên góc thước thợ, rồi thực thể từ nằm trên "đường ngang ngắn", giới từ đứng bên "đường đứng").

Nhưng những giới từ như "của", "bằng" ấy có nhiều khi bỏ đi được, mà cái thực thể từ đáng lẽ có nó giới thiệu cũng vẫn ở nguyên cái vị trí ấy và làm hình dung phụ gia ngữ như thường.

2. Phó từ phụ gia ngữ - Đối với một vị ngữ trong câu; nếu cần thêm cho nó cái ý tu sức hay hạn chế, phải dùng phó từ, cho nên cái phần phụ gia ấy gọi là phó từ phụ gia. Như: Vệ quốc đoàn "hăm hở" giết giặc; Việt Nam "chưa" độc lập "hoàn toàn".

Đồ giải:     Vệ quốc đoàn     ||     giết giặc
                                                           | hăm hở
                                                           |   hăm hở

              Việt Nam    ||    độc lập  --------
                                          | chưa             | hoàn toàn
                                          | chưa             |   hoàn toàn

(Dấu hiệu của phó từ phụ gia ngữ là: "Đường vạch xế hữu" ở dưới "đường ngang dài").


Nhưng phó từ chẳng những tu sức cho động từ thôi đâu, nó còn tu sức cho hình dung từ hoặc phó từ khác nữa. Cho nên ngoài sự làm phụ gia ngữ cho vị ngữ, nó còn làm phụ gia ngữ cho hết thảy phụ gia ngữ khác trong câu. Như: Chính phủ "rất" sáng suốt, "rất" cương quyết, "quyết" không nhận những điều kiện "rất" hà khốc.



(Khi phó từ làm phụ gia ngữ một lần nữa, dấu hiệu của nó là một "cái ngoặc" ở dưới "đường vạch xế").

Lại, thực thể từ cũng có khi nhờ một giới từ giới thiệu đến với vị ngữ để tu sức hoặc làm lọn nghĩa vị ngữ ấy. Thế rồi những thực thể từ được giới thiệu ấy đều biến tính thành ra phó từ mà làm phụ gia ngữ của vị ngữ. Như: Anh em thợ "đương mùa nồng nực này" "ở bên cạnh lò lửa" "dùng các thứ đồng, gang, sắt" đúc súng đạn "cho chúng ta".



(Dấu hiệu của phó từ tự phụ gia ngữ làm bằng thực thể từ là: "đường ngang ngắn" gặp "đường đứng" bên tả nó làm nên góc thước thợ, phản đối với dấu hiệu của hình dung phụ gia ngữ làm bằng thực thể từ.

Đến đây sinh ra một vấn đề. Trong câu cử lệ vừa rồi dùng bốn giới từ "đương", "ở", "dùng", "cho", nhưng duy có "cho" đi sau vị ngữ "đúc", đi trước "chúng ta", nhân đó sinh ra cái vấn đề "tân ngữ trực tiếp và tân ngữ gián tiếp".

Theo văn pháp tiếng Pháp thì cái từ "chúng ta" đó là tân ngữ gián tiếp, vì có giời từ "cho". Nhưng theo phương pháp này thì chỉ có một tân ngữ đi theo vị ngữ là ngoại động từ mà thôi, chứ không kể trực tiếp gián tiếp gì cả, lấy lẽ rằng làm như văn pháp tiếng Pháp thêm rộn mà vô ích, còn làm như thế này rất có lý mà giản tiện hơn.

Như trong câu này, "đương" để chỉ đúc lúc nào, "ở" để chỉ đúc chỗ nào, "dùng" để chỉ đúc bằng gì, "cho" để chỉ vì ai mà đúc: cả bốn giới từ đều có chung một chức vụ làm giới thiệu cho thực thể từ đến với vị ngữ "đúc" cả, thì sao lại tách riêng ba chữ "cho chúng ta" ra làm tân ngữ gián tiếp làm gì? Có hai tân ngữ lòng thòng đằng sau câu thì nhiều khi đến khó xử trí. Chi bằng cho cái tân ngữ thứ hai ấy vào thành phần phụ gia, kể như là phó từ phụ gia, có phải gọn gàng và dứt khoát hơn không?

Xin cử thêm vài cái lệ nữa cho thấy cải cách này là rất hợp lý. Như: Vợ gửi thư "cho chồng"; tôi ăn phở "ở quán bình dân"; họ làm giấy "bằng dó".



Đó là những câu mà vị ngữ làm bằng ngoại động từ, đến đây vị ngữ bằng nội động từ, cũng thế, không có tân ngữ chứ đừng nói gián tiếp. Như: Mặt trời mọc "từ phương đông"; chim bay "về núi".



Gửi cho ai? Cho chồng. Ăn ở đâu? Ở quán bình dân. Làm bằng gì? Bằng đó. Mọc từ đâu? Từ phương đông. Bay về đâu? Về núi. Cả 5 giới từ "cho", "ở", "bằng", "từ", "về" đều dính với năm cái động từ làm vị ngữ là "gửi", "ăn", "làm", "mọc", "bay" cả. Thế thì nhận cho nó và thực thể từ đi theo nó làm thành phần phụ gia coi như phó từ, giúp cho vị ngữ là phải lắm, hợp lý lắm.

Văn pháp làm theo hệt lối tiếng Pháp, nhiều khi đến bất thông, nhân đây tôi kể ra vài điều.

Vào khoảng ba mươi năm trước, có một cuốn Mẹo tiếng Việt Nam ra đời. Trong đó có mục "túc từ gián tiếp", tác giả dựng một cái thuyết rằng: Có những túc từ gián tiếp mà theo thói quen bỏ bớt giới từ đi. Như nói: "Tôi nhớ nhà", đáng lẽ phải nói "tôi nhớ nơi nhà" - vì Truyện Kiều cũng nói "nhớ nơi kỳ ngộ" - mà đã bỏ bớt giới từ "nơi" đó. Thuyết ấy không đúng. Tiếng ta có thể dùng chữ "nơi" như vậy đâu, chỉ nói "tôi nhớ nhà" là đủ rồi. Chắc tác giả muốn cưỡng bách động từ "nhớ" của ta phải giống như verbe penser của tiếng pháp thường có chữ "à" theo sau nó, còn câu Truyện Kiều cử ra đó, chữ "nơi" là danh từ, nói "nhớ nơi" cũng như nói "nhớ nhà" vậy thôi, chứng cứ là ở trên còn có nói "nhớ cảnh, nhớ người" nữa.

Lại gần nay có cuốn Việt Nam văn phạm, do ông Trần Trọng Kim cùng làm với ông Phạm Duy Khiêm, trong đó cũng có chỗ nói về "túc từ trực tiếp và gián tiếp", tác giả cử lệ rằng: Nói "cuốn sách anh Sửu" là trực tiếp, nói "những sách của tôi" là gián tiếp. Cũng lại không đúng nữa. Một cái cử lệ này phạm cho đến hai điều lỗi.

Khi người ta nói "cuốn sách anh Sửu" là lược bớt giới từ "của" giữa nó đi, cũng như nói "cha tôi, mẹ tôi", phải đều là "cha của tôi, mẹ của tôi". Vậy, sao lại gọi là trực tiếp được? Hỏi vặn thế này thì người lập luận phải bí: Trong cái lệ "những sách của tôi" mà ông cho là gián tiếp đó, há lại không bớt được chữ "của" mà nói "những sách tôi" hay sao?

Cái lỗ thứ nhất ấy thấy có người đã vạch ra trong báo Thanh Nghị. Nhưng còn cái lỗi thứ hai này nữa: Khi nói túc từ trực tiếp hay gián tiếp là khi đã thành câu rồi kia: chứ còn như hai cái lệ cứ ra đây nó chỉ là một "ngữ", là danh từ có túc từ, chẳng có trực tiếp gián tiếp gì cả.

Nếu còn để có tân ngữ gián tiếp thì sợ không khỏi có những cái nhố nhăng làm trò cười ấy, cho nên ở đây quyết bỏ đi, coi nó như phó từ và cho vào thành phần phụ gia vậy.

Sau cùng, cái công thức của phép đồ giải.

Cái khẩu hiệu "cú pháp đi với đồ giải" thực hiện ra đến đây tạm gọi là đủ, vì sáu thành phần của câu đã được chỉ ra cả rồi. Bây giờ xin tóm lại, đưa ra một cái công thức của phép "đồ giải", mà vì đây là khái luận về phương pháp, cho nên cái "công thức” chỉ có về đơn mà thôi. Theo đây, dùng một cái "tổng đồ giải" để biểu hiện cái công thức ấy.

Thuyết minh: "Tổng đồ giải" này lấy "đường ngang dài" làm "đường ngang cốt tử", trên nó có hai phần:

Từ "đường đứng đơn" giở sang bên tả, giữa có "đường đứng kép", là thành phần chủ yếu, chia ra:

  1. Chủ ngữ, dùng thực thể từ, tức là: d Danh từ, Đại danh từ.
  2. Vị ngữ dùng thuật thuyết từ, tức là: d ngoại động từ, nội động từ, chuẩn động tự, chuẩn động từ làm bằng hình dung từ.
    Từ "đường đứng đơn" sang bên hữu là thành phần liên đới, chia ra:
  3. Tân ngữ, chỉ có ngoại động từ đeo nó;
  4. Bổ túc từ, chỉ có chuẩn động từ đeo nó; cả hai đều chỉ bằng mũi tên đen.
    Còn ngoại động từ và nội động từ hoặc có khi đeo bổ túc ngữ, thì chỉ bằng mũi tên trắng.
    Dưới "đường ngang cốt tử" là thành phần phụ gia, dùng khu biệt từ, chia ra:
  5. Hình dung phụ gia ngữ, tức là: t hình dung từ hoặc thực thể từ nhờ giới từ giới thiệu;
  6. Phó từ phụ gia ngữ, tức là: t phó từ hoặc thực thể từ nhờ giới từ giới thiệu. Đó là phần từ: đường đứng đơn" giở sang bên tả.


Dưới "đường ngang cốt tử", từ "đường đứng đơn" giơ sang bên hữu, hoặc có đủ hai thứ phụ gia ngữ (5) và (6), đó là thuộc về tân ngữ và bổ túc ngữ theo sau ngoại động từ, nội động từ và chuẩn động từ, hoặc chỉ có một phụ gia ngữ (5), đó là thuộc về chuẩn động từ làm bằng hình dung từ, nó chỉ có thể có phó từ phụ gia ngữ mà thôi.



Đó, cứ như cái công thức tổng đồ giải đó, thì có thể nhận ra mỗi từ ở trong câu là thuộc về loại nào. Ấy là: chỉ có danh từ, đại danh từ, động từ (và hình dung từ khi làm bổ túc ngữ) mới nằm trên đường ngang dài và ngắn; còn hình dung từ nằm trên đường vạch xế tả, phó từ nằm trên đường vạch xế hữu, đến như giới từ thì đừng bên cạnh đường đứng gặp đường ngang ngắn làm nên góc thước thợ.

Trong công thức chia làm hai phần lớn do cái đường ngang cốt tử. Trên đường ngang cốt tử là hai thành phần chủ yếu và liên đới, dưới nó là thành phần phụ gia.

Còn liên từ, trợ từ, không quan hệ với đồ giải lắm, nên chưa nói đến.

Trên kia có nói, khi đã vẽ ra đồ, nhìn vào đó thấy cái vị trí của mỗi từ ở chỗ khác, nhận biết được chức vụ và công dụng của nó, thật quả như vậy.

Muốn có cái gì làm kết luận, tôi xin trình các ngài một sự nhận xét. Học văn pháp để mà nói và viết cho đúng. Song viết, không những cậy ở văn pháp thôi đâu, còn cậy ở luận lý học và tu từ học nữa. Thế nhưng văn pháp lại có quan hệ với luận lý học và tu từ học.

Cứ theo cái công tác tổng đồ giải đây, phần trên, trên "đường ngang cốt tử" quan hệ với luận lý; phần dưới, dưới "đường ngang cốt tử", quan hệ với tu từ. Xin cử ra đây mấy cái lệ để chứng minh điều đó.

Giá dụ có hai câu: 1. Vua Quang Trung tức là Nguyễn Huệ; 2. Tôi là nhà văn; nếu đem vẽ nó ra theo phép "đồ giải", có phải hết thảy những từ của hai câu đều nằm trên "đường ngang cốt tử" cả không? Thế nhưng câu 1 đúng với luận lý, mà câu 2 có phần không đúng.

Ấy là lấy luật "chuyển đầu" của luận lý học làm tiêu chuẩn. Câu 1 có thể đảo ngược lại mà nói "Nguyễn Huệ tức là vua Quang Trung", không có khác nghĩa một tý nào cả. Nhưng câu 2 nếu đảo lại mà nói "nhà văn là tôi", thì cái chỗ không đúng của nó phơi ra dễ thấy lắm, vì "nhà văn" còn có nhiều người, có phải một mình "tôi" đâu. Thế thì muốn cho đúng, không nên nói "tôi là nhà văn" mà phải nói "tôi là một nhà văn".

Phần dưới quan hệ với tu từ học là vì những cái ý nhị, màu mè, bay bướm của văn chương hầu hết ở phần ấy cả. Thử lấy ra một đoạn này trong Truyện Kiều:

Lần thâu gió mát trăng thanh,

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi,

Râu hùm, hàm én, mầy ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Đường đường một đáng anh hào,

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài,

Đội trời đạp đất ở đời.

Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Đông.

Một đoạn bốn câu lục bát ấy nếu đem vẽ ra theo "đồ giải" thì chỉ có bốn chữ "có khách sang chơi" là thành phần chủ yếu nằm trên "đường ngang cốt tử" mà thôi, còn kỳ dư đều phải đặt ở dưới cả, coi như hình phụ hay phó phụ cả. Nhưng đoạn ấy sở dĩ hay, đọc lên thấy cái vẻ hùng vĩ của người khách sang chơi ấy, là toàn nhờ ở cái phần phụ gia đó. Cái ý nhị, màu mè, bay bướm của văn chương là ở đó, cho nên nói phần dưới quan hệ với tu từ học.

Cái kết luận này tôi chỉ có ý tỏ ra rằng theo phép "cú pháp đi với đồ giải" có thể chỉ cho kẻ học thấy phần nào quan hệ với luận lý, phần nào quan hệ với tu từ, để mà chú ý làm cho bài văn của mình được đúng được hay, chứ không có ý nói cái phương pháp dạy văn pháp mà tôi đưa ra đây có thể chiếm lãnh cả địa bàn của luận lý học và tu từ học đâu.

Nguồn: Nxb Đà Nẵng, 1997