© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
31.12.2004
Michel Houellebecq
Hạt cơ bản
Tiểu thuyết (11 kỳ)
Cao Việt Dũng dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
 
12.

Chế độ mẫu

Trong các thời kỳ cách mạng, những người tự cho mình, với một sự cao ngạo lạ kỳ, có vinh dự phát triển ở những người cùng thời những đam mê vô chính phủ, không nhận thức được cái vẻ thành công đáng hổ thẹn của họ chủ yếu chỉ là một cái gì đó bột phát, do tổng thể tình hình xã hội tương ứng quy định.”

(Auguste Comte - Bài giảng triết học thực chứng, Bài số 48)

Ðiều nổi bật của những năm giữa thập niên bảy mươi ở Pháp là thành công của cuộc xì căng đan mà Con ma ở thiên đường, Quả cam tự động Những kẻ lang thang [1] tạo ra được: ba bộ phim cực kỳ khác nhau, mà thành công chung hẳn đã tạo ra tính thương mại thường trực của một văn hóa “trẻ”, về bản chất dựa trên tình dục và bạo lực, cái sẽ còn chiếm lĩnh thị trường nhiều thập niên sau nữa. Những người ở độ tuổi ba mươi làm giàu trong những năm sáu mươi thấy lại mình hoàn toàn trong bộ phim Emmanuelle, trình chiếu năm 1974: trình bày một kiểu tiêu xài thời gian, các địa điểm xa lạ và những cuộc đắm say, bộ phim của Just Jaeckin thuộc về một mình ông, ở giữa một nền văn hóa từ lâu gắn sâu trong truyền thống Do Thái - Thiên chúa giáo, là một tuyên ngôn cho bước tiến đầu tiên vào nền văn minh giải trí.

Nói một cách chung hơn, phong trào ủng hộ tự do hóa quan hệ vào năm 1974 có được những thành công quan trọng. Ngày 20 tháng Ba ở Paris câu lạc bộ Vilatopp đầu tiên mở cửa, nó sẽ đóng vai trò đi tiên phong trong lĩnh vực hình thể và sùng kính cơ thể. Ngày 5 tháng Bảy thông qua đạo luật đưa tuổi chịu trách nhiệm hành vi xuống mười tám, ngày 11 là luật ly hôn với sự đồng thuận chung - điều khoản ngoại tình biến mất khỏi bộ Luật hình sự. Cuối cùng, ngày 28 tháng Mười một, đạo luật Veil cho phép phá thai đã được thông qua, nhờ vào sự ủng hộ của cánh tả, sau một trận tranh cãi ầm ĩ - được đánh giá là “lịch sử” bởi phần đông những người bình luận. Quả thực nhân học Thiên chúa, từ lâu chiếm đa số trong những nước phương Tây, đã thỏa thuận một tầm quan trọng vô hạn với mỗi đời người, từ khi sinh ra cho đến khi chết đi; tầm quan trọng này là nối lại với việc các tín đồ Thiên chúa tin vào sự tồn tại ở bên trong cơ thể, của một hồn - hồn trong nghĩa bất tử của nó, và sau này được dùng để chỉ đức Chúa. Dưới sự thúc đẩy của những tiến bộ sinh học dần dần phát triển ở thế kỷ XIX và XX một nhân học duy vật, hoàn toàn khác biệt với những gì trước đó, và khiêm tốn hơn nhiều trong những khuyến dụ đạo đức của mình. Một mặt là bào thai, tập hợp nho nhỏ các tế bào đang ở trạng thái phân chia tăng dần, chỉ thấy mình là sự tồn tại cá nhân độc lập với điều kiện tập hợp được một sự chấp nhận của xã hội (sự thiếu vắng tì vết về gen thủ tiêu hiệu lực, sự nhất trí của bố mẹ). Mặt khác người già, đồng nghĩa với các cơ quan đang liên tục bị tan rã, chỉ có thể tỏ ra sự sống qua sự phối hợp đầy đủ các chức năng cơ quan - sự xuất hiện của khái niệm phẩm cách con người. Những vấn đề đạo đức được đặt ra như thế bởi các tuổi cực của cuộc đời (phá thai, rồi sau đó vài thập kỷ, trợ tịch) ngay từ đó hẳn đã thiết lập những yếu tố chống đối không thể vượt qua giữa hai cách nhìn nhận thế giới, hai nhân học về bản chất đối kháng nhau kịch liệt.

Thuyết bất khả tri nằm ở nguyên lý của Cộng hòa Pháp hình như đã giúp rất nhiều cho cái thắng lợi đạo đức giả, lũy tiến và thậm chí hơi xảo trá của nhân học duy vật. Chưa bao giờ được công khai đưa ra, các vấn đề giá trị cuộc sống con người vẫn tiến lên những bước mạnh mẽ không ngừng trong mỗi tâm trí; có thể khẳng định chúng đóng góp một phần, trong những thập niên cuối cùng của văn minh Tây phương, cho việc tạo ra một bầu không khí nhìn chung là u ám, thậm chí có phần khổ dâm.

Với Bruno, khi đó vừa mười tám tuổi, mùa hè năm 1974 là một quãng thời gian quan trọng, thậm chí cốt tử. Nhiều năm sau khi đến gặp bác sĩ tâm lý, anh sẽ quay trở lại với nó nhiều lần, thay đổi một vài chi tiết - bác sĩ tâm lý rõ ràng có vẻ đánh giá rất cao câu chuyện này. Ðây là phiên bản chính thức mà Bruno thường thích kể:

“Ðiều đó xảy ra vào khoảng cuối tháng Bảy. Tôi ở nhà mẹ tôi ở Bãi biển một tuần. Luôn có nhiều người qua lại. Mùa hè năm đó, bà làm tình với một anh chàng Canada trẻ tuổi rất cường tráng, một tiều phu thực thụ. Buổi sáng hôm ra đi, tôi vào phòng họ, cả hai đều đang ngủ. Tôi do dự vài giây, rồi kéo chăn ra. Mẹ tôi cử động, tôi tưởng chừng bà sắp mở mắt; hai chân bà vẫn hơi dạng ra. Tôi quỳ xuống trước âm hộ bà. Tôi đã đưa tay lại gần nó chừng vài xăng-ti-mét, nhưng không dám chạm vào. Tôi đi ra khỏi phòng để thủ dâm. Bà mẹ tôi nuôi nhiều mèo, tất cả bọn chúng không ít thì nhiều cũng hơi hoang dại. Tôi lại gần một con mèo đen đang sưởi nắng trên một tảng đá. Ðất quanh nhà đầy sỏi trắng, một màu trắng kinh người. Con mèo nhiều lần nhìn tôi khi tôi thủ dâm, nhưng nó nhắm mắt lại trước khi tôi phóng tinh. Tôi cúi xuống, nhặt một hòn đá to. Ðầu con mèo vỡ tung ra, một ít não vãi ra xung quanh. Tôi lấy đá phủ lên xác nó, rồi quay vào nhà. Vẫn chưa ai ngủ dậy. Trong buổi sáng mẹ tôi chở tôi đến nhà bố, cách đó khoảng năm mươi cây số. Trong xe, lần đầu tiên, bà nói đến di Meola. Ông ta cũng đã rời khỏi California, bốn năm trước. Ông đã mua một mảnh đất lớn gần Avignon, trên sườn đồi Ventoux. Mùa hè ông tiếp những người trẻ tuổi đến từ khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Bà nghĩ tôi nên đến đó một mùa hè để mở rộng tầm mắt. Giáo dục mà di Meola nhận được chủ yếu tập trung ở truyền thống Brahms, nhưng theo bà không hề có cuồng tín hay co cụm nội bộ. Ông cũng coi trọng những thành tựu của điều khiển học, PNL [2] và các kỹ thuật giải chương trình do Esalen phát triển. Vấn đề tiên quyết là giải phóng cá nhân, khả năng sáng tạo tiềm ẩn ở bề sâu. “Chúng ta mới chỉ sử dụng 10% nơ ron thần kinh của mình thôi.”

“Thêm vào đó, Jane nói tiếp (họ đang đi qua một khu rừng thông), ở đó con sẽ gặp những người ở độ tuổi của con. Trong thời gian con ở đây, bọn mẹ đều có cảm giác con có vấn đề về tình dục.” Cung cách sống tình dục của phương Tây, bà nói thêm, là hoàn toàn chệch hướng và đồi bại. Trong nhiều xã hội nguyên thủy, sự hướng dẫn tình dục diễn ra tự nhiên hơn, vào đầu thời kỳ thiếu niên, dưới sự kiểm soát của những người trưởng thành của bộ lạc. “Mẹ là mẹ con” bà nói cụ thể hơn. Bà tránh không thêm vào là vào năm 1963 bà đã hướng dẫn David, con trai di Meola. Khi đó David mười ba tuổi. Buổi chiều đầu tiên, bà cởi quần áo trước mặt cậu ta để khuyến khích cậu ta trong cuộc thủ dâm. Buổi chiều thứ hai, bà đã tự tay giúp cậu thủ dâm và thổi kèn cậu. Cuối cùng, vào buổi chiều thứ ba, cậu ta đã có thể đi vào cơ thể bà. Với Jane đó là một kỷ niệm rất dễ chịu, dương vật của cậu bé con rất cứng và hoàn toàn có khả năng hành sự, ngay cả sau nhiều lần phóng tinh. Chính từ lúc đó bà đã quyết định hướng hẳn về các chàng trai trẻ. “Tuy nhiên, bà nói thêm, sự hướng dẫn ban đầu luôn được thực hiện ở bên ngoài quan hệ gia đình trực hệ. Ðiều đó là nhất thiết để có thể mở ra với thế giới.” Bruno thiếu điều nhảy dựng lên, tự hỏi không biết sáng đó quả thực bà có mở mắt không khi cậu đang nhìn hau háu vào âm hộ bà. Nhận xét của bà mẹ, tuy nhiên, không có gì là đáng ngạc nhiên; cấm kỵ loạn luân đã được thử nghiệm ở ngỗng tro và khỉ mặt xanh. Xe dừng lại ở Sainte-Maxime.

“Khi đến nhà bố tôi, Bruno tiếp tục, tôi nhận ra ông không được khỏe. Mùa hè năm đó, ông chỉ có thể đi nghỉ hai tuần. Hồi đó tôi chưa nhận thức được nhưng quả thật ông có vấn đề về tiền bạc, lần đầu tiên công việc kinh doanh của ông gặp trục trặc. Sau này, ông đã kể cho tôi tất cả. Ông đã bỏ lỡ dịp nhảy vào thị trường si li côn độn ngực đang nổi lên. Với ông đó là một thứ mốt thoáng qua, không thể vượt quá được thị trường Mỹ. Rõ ràng là quá ngu ngốc. Không có ví dụ nào cho thấy một mốt đến từ Mỹ lại không phát triển mạnh ở Tây Âu mấy năm sau đó, không hề có. Một trong những liên doanh của ông đã chớp lấy cơ hội, nhảy vào bằng tiền túi của mình và chiếm được một lượng lớn khách hàng sử dụng ngực si li côn làm sản phẩm phụ trợ.”

Khi thú nhận điều đó, bố của Bruno đã bảy mươi tuổi, và sắp sửa quỵ ngã vì bệnh xơ gan. “Lịch sử lặp lại, ông buồn rầu nói, khua mấy cục đá trong cốc. Thằng ngốc Poncet đó (tức là nhà phẫu thuật thẩm mỹ trẻ tuổi đầy sức bật, người hai mươi năm trước là nguồn gốc sự lụn bại của ông), cái thằng ngốc Poncet đó vừa mới từ chối đầu tư vào ngành phẫu thuật kéo dài dương vật. Nó thấy như thế là xôi thịt, mà không hiểu là thị trường thẩm mỹ cho đàn ông sẽ lớn mạnh ở châu Âu. Thằng ngu. Cũng ngu ngang với bố thời đó. Nếu bây giờ bố mới ba mươi tuổi, bố sẽ lao ngay vào việc kéo dài dương vật!” Nói xong ông thường chìm đắm vào một cơn mộng tưởng xa xôi, rất gần với trạng thái lơ mơ. Câu chuyện chậm chạp hơn một chút ở tuổi đó.

Vào tháng Bảy năm 1974 đó, bố Bruno mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự xuống dốc. Buổi chiều ông trốn vào phòng với một chồng truyện tranh San Antonio và một chai Bourbon. Ðến bảy giờ ông mới bước ra, nấu ăn với bàn tay run rẩy. Không phải ông không muốn nói chuyện với con trai, nhưng ông không thể làm được, thực sự ông không thể làm được. Hai ngày sau, bầu không khí trở nên vô cùng nặng nề. Bruno bắt đầu ra khỏi nhà, cả buổi chiều. Anh nằm đờ đẫn trên bãi biển.

Bác sĩ tâm lý không đánh giá cao lắm đoạn tiếp theo của câu chuyện, nhưng Bruno lại rất thích kể, anh không muốn nó bị trôi qua trong im lặng. Mà cái thằng cha ngu xuẩn ấy ngồi đó để lắng nghe cơ mà, không phải hắn được thuê để làm việc ấy à?

“Nàng ngồi một mình, Bruno kể tiếp, nàng ngồi một mình suốt buổi chiều trên bãi biển. Một đứa con gái nhỏ tội nghiệp của những người giàu có, giống như tôi vậy; nàng mười bảy tuổi. Trông nàng tròn xoe, thân hình đồ sộ cộng với khuôn mặt dè dặt, da quá trắng lại đầy mụn. Buổi chiều thứ tư, ngay trước hôm tôi chuẩn bị ra đi, tôi đặt khăn tắm và ngồi xuống cạnh nàng. Nàng đang nằm sấp, đã tháo dây xu chiêng áo tắm. Ðiều duy nhất tôi tìm ra được để nói, tôi còn nhớ, là: “Em đang đi nghỉ à?” Nàng ngước mắt lên: rõ ràng nàng không chờ đợi một cái gì chói sáng, thậm chí cũng có thể không phải cả là cái gì đó ngu ngốc đến thế. Sau đó chúng tôi hỏi tên nhau, nàng tên là Annick. Vào một lúc nào đó nàng phải đứng lên, và tôi tự hỏi: nàng có định cài lại xu chiêng từ đằng sau không? Hay nàng sẽ đứng lên và để lộ bộ ngực? Ðiều nàng làm nằm giữa hai cái đó: nàng quay người lại và giữ một nửa cái xu chiêng trên ngực. Trong tư thế cuối cùng cái bao vú bị lộn ra, nó chỉ che được phân nửa. Nàng có bộ ngực thật là đồ sộ, thậm chí hơi nhão, chắc sau này sẽ sệ xuống một cách khủng khiếp. Tôi tự nhủ nàng thật là dũng cảm. Tôi đưa tay lại gần và luồn tay xuống dưới cái bao vú, khám phá dần dần bầu vú. Nàng không cử động nhưng người nàng hơi cứng lại, nàng nhắm mắt. Tôi tiếp tục đưa tay đi tiếp, hai núm vú của nàng cứng đanh. Ðó là một trong những giây phút hạnh phúc nhất đời tôi.

Sau đó, mọi việc trở nên khó khăn hơn. Tôi đưa nàng về nhà, và cả hai leo ngay lên phòng tôi. Tôi sợ bố tôi trông thấy nàng; dù sao ông cũng đã từng có rất nhiều người đàn bà đẹp trong đời. Nhưng ông đang ngủ, quả thật buổi chiều hôm đó ông say hoàn toàn và mãi đến mười giờ tối mới tỉnh dậy. Thật lạ lùng, nàng không chịu để tôi cởi quần lót. Nàng chưa bao giờ làm thế, nàng nói với tôi, nàng chưa bao giờ làm gì với một cậu con trai, quả thật là như thế. Nhưng nàng không ngần ngại thủ dâm cho tôi, rất hăng hái; tôi nhớ nàng đã mỉm cười. Tiếp đó, tôi đưa dương vật lại gần miệng nàng, nàng mút vài cái nhưng không thích lắm. Tôi không ép nàng, tôi nhảy lên ngồi lên người nàng. Khi tôi đưa dương vật vào giữa hai vú nàng tôi cảm thấy nàng thực sự hạnh phúc, nàng thốt ra một tiếng rên nhỏ. Ðiều đó kích thích tôi mạnh đến nỗi tôi đứng dậy và kéo tụt quần lót của nàng ra. Lần này thì nàng không chống cự, thậm chí nàng còn nâng hai chân lên để giúp tôi. Quả thật nàng không phải một cô gái đẹp, nhưng âm hộ nàng rất hấp dẫn, hấp dẫn hơn của bất kỳ người đàn bà nào khác. Nàng nhắm mắt lại. Vào lúc tôi trườn tay xuống dưới mông nàng, nàng dang rộng hoàn toàn hai đùi. Ðiều này gây cho tôi một hiệu ứng mạnh đến nỗi tôi phóng tinh ngay lập tức, trước khi vào được trong nàng. Một ít tinh trùng dính lại trên đám lông kín của nàng. Tôi vô cùng hối tiếc, nhưng nàng nói không có gì đâu, nàng đã thỏa mãn rồi.

Chúng tôi không có nhiều thời gian lắm để nói chuyện, đã tám giờ tối và nàng phải về nhà bố mẹ ngay lập tức. Nàng nói với tôi, tôi cũng không hiểu lắm tại sao, rằng nàng là con một. Nàng có vẻ vô cùng hạnh phúc, vô cùng hãnh diện vì có lý do về ăn tối muộn, đến nỗi tôi suýt trào nước mắt. Chúng tôi hôn nhau rất lâu trong vườn trước nhà. Buổi sáng hôm sau, tôi lên đường về Paris.”

Sau khi kể câu chuyện nhỏ đó, Bruno ngừng nói một lúc. Nhà trị liệu kín đáo nuốt khan, rồi nói chung chung: “Tốt.” Rồi vì giờ đã sắp hết ông nói một câu vô thưởng vô phạt: “Hôm nay thế thôi nhỉ?” và hơi lên giọng ở cuối câu để chứng tỏ đó là một câu hỏi. Nụ cười của anh trước câu nói này nhẹ nhõm một cách cao thượng.


13.

Cùng mùa hè năm 1974 đó, Annabelle để cho một thằng con trai hôn mình trong một sàn nhảy ở Saint-Palais. Nàng vừa đọc trên tờ Spéphanie một hồ sơ về tình bạn trai-gái. Ðề cập đến vấn đề tình bạn tuổi thơ, tờ tạp chí phát triển một chủ đề đặc biệt đáng tởm: cực kỳ hiếm người bạn trai thời bé thơ trở thành người yêu; số phận tự nhiên của chàng ta phần nhiều sẽ là trở thành một người bạn, một người bạn trung thành; thậm chí cậu ta có thể thường xuyên trở thành người để tâm sự và giúp đỡ khi có những khủng hoảng về tình cảm do những ve vãn đầu tiên gây ra.

Trong những giây đầu tiên sau nụ hôn đầu tiên này, và dù đã có những khẳng định của tờ tạp chí, Annabelle vẫn cảm thấy vô cùng buồn bã. Một điều gì đó đau đớn và mới mẻ nhanh chóng xâm chiếm lồng ngực nàng. Nàng ra khỏi Kathmandou, từ chối để thằng con trai đi theo. Nàng hơi run lên khi mở khóa chiếc xe máy của mình. Tối đó nàng mặc chiếc váy đẹp nhất. Nhà anh trai nàng chỉ cách đó một cây số, lúc nàng đến nơi mới chỉ là mười một giờ, vẫn còn đèn sáng trong phòng khách; khi nhìn thấy ánh đèn, nàng bật khóc. Chính trong những tình huống như thế này, một đêm tháng Bảy năm 1974, Annabelle đã có nhận thức đau đớn và quả quyết về sự tồn tại cá nhân của mình. Thoạt tiên được thức tỉnh theo kiểu con vật dưới hình thức đau đớn bên ngoài, sự tồn tại cá nhân chỉ xâm nhập các xã hội người với đầy đủ ý thức về chính mình bởi trung gian là lời nói dối, quả là sự tồn tại đó có thể bị nhầm với cái này. Cho đến mười sáu tuổi, Annabelle không hề có bí mật nào với bố mẹ; nàng cũng không hề có - và điều đó đã từng, cho đến giờ thì nàng nhận ra, là một điều gì đó quý giá và hiếm có - bí mật với Michel. Trong vài giờ đêm đó, Annabelle nhận thức được rằng đời người là một chuỗi không dứt những lời nói dối. Cũng dịp đó, nàng nhận thức được vẻ đẹp của mình.

Sự tồn tại của cá nhân, cảm giác về tự do nảy trào từ đó tạo nên nền tảng tự nhiên của dân chủ. Trong chế độ dân chủ, các mối quan hệ giữa những cá nhân được điều hòa một cách cổ điển bởi hình thức khế ước. Mọi khế ước vượt quá những quyền tự nhiên của một trong những người tham gia, hay không xuất phát từ những điều khoản rõ ràng của điều khoản hủy bỏ, sẽ vô hiệu trong thực tế.

Rất sẵn sàng nhắc lại chi tiết mùa hè năm 1974, nhưng Bruno lại ít khi nói về năm học tiếp theo đó; nói đúng ra nó chỉ để lại trong anh ấn tượng về một sự khó chịu ngày càng lớn. Một mảnh thời gian không xác định, nhưng lại có giọng điệu rất sâu thẳm. Cậu vẫn thường xuyên gặp cả Annabelle và Michel, về nguyên tắc hai người rất thân thiết; tuy nhiên họ sẽ thi bằng tú tài, và chắc chắn đến cuối năm sẽ phải chia tay nhau. Michel đã thay đổi: cậu nghe Jimmy Hendrix và lăn lộn trên thảm, âm nhạc đó thật căng thẳng; khá lâu sau những người khác, cậu mới bắt đầu có những dấu hiệu rõ ràng của tuổi niên thiếu. Annabelle và cậu cảm thấy ngượng ngùng, hai người không còn dễ dàng cầm tay nhau nữa. Tóm lại, câu chuyện giống như Bruno một lần đã tóm tắt cho bác sĩ của mình: “Tất cả dừng lại ở đùi non.”

Từ sau khi gặp Annick, người mà cậu có xu hướng tưởng tượng đẹp hơn thực trong kỷ niệm của mình (dù vậy cậu cũng thận trọng tránh nhắc đến cô), Bruno cảm thấy tự tin hơn một chút. Cuộc chinh phục đầu tiên ấy dù sao cũng không thể thay thế được các cuộc chinh phục khác sau này, và cậu đã bị Sylvie tống cổ thẳng cánh khi cố hôn cô, Sylvie là một cô gái tóc nâu xinh đẹp rất ngon lành học cùng lớp với Annabelle. Tuy nhiên đã từng có một cô gái muốn cậu, cậu vẫn có thể có những người khác nữa; và cậu bắt đầu cảm thấy một tình cảm mơ hồ cần phải bảo vệ Michel. Dù sao đó cũng là em trai cậu, cậu hơn em trai những hai tuổi. “Em phải làm điều gì đó với Annabelle đi», cậu nhắc đi nhắc lại, «nó chỉ chờ có thể thôi đấy, nó yêu em và nó là đứa con gái xinh nhất trường đấy.” Michel vặn vẹo trên ghế, đáp: “Vâng.” Nhiều tuần trôi qua. Có thể thấy rõ ràng là cậu đang lưỡng lự ở bên bờ ngưỡng trở thành người lớn. Hôn Annabelle, có lẽ với cả hai người, là phương cách duy nhất để vượt qua được ngõ cụt ấy; nhưng cậu không có ý thức về điều đó; cậu bồng bềnh trong một cảm giác giả dối về sự vĩnh hằng. Tháng Tư, cậu khiến các thầy giáo của mình tức giận vì không chịu điền vào hồ sơ đăng ký học lớp dự bị. Hiển nhiên là, hơn tất cả những học sinh khác, cậu có những cơ hội rất lớn vào được một trường lớn. Kỳ thi tú tài sẽ đến trong một tháng rưỡi nữa, và càng ngày cậu càng gây cảm giác mình đang bồng bềnh trôi nổi. Qua những cửa sổ rèm sắt của phòng học cậu ngắm nhìn những đám mây, những cây mận, những học sinh khác; có vẻ như không một sự kiện nào của loài người có khả năng chạm được đến cậu nữa.

Bruno, về phần mình, đã quyết định ghi tên học văn chương: cậu bắt đầu đã chán các công thức Taylor-Maclaurin, và nhất là ở các khoa văn chương có rất nhiều, rất nhiều con gái. Bố cậu không phản đối gì. Cũng giống như tất cả những người từng có thời sống phóng túng, về giai đoạn cuối đời ông trở nên tình cảm, và tự trách mình thậm tệ đã làm hỏng cuộc đời con trai vì thói ích kỷ; điều này không hoàn toàn sai. Ðầu tháng Năm ông bỏ Julie, người tình cuối cùng của ông, nhưng cũng là một người đàn bà rất đẹp; cô tên là Julie Lamour, nhưng tên hiệu khi đi diễn là Julie Love. Cô đóng trong những bộ phim porno [3] đầu tiên theo kiểu Pháp, những bộ phim của Burd Tranbaree hay Francis Leroi ngày nay đã bị quên lãng. Cô hơi giống Janine, nhưng điên rồ hơn rất nhiều. “Tôi bị trừng phạt... Tôi bị trừng phạt...” bố của Bruno lặp đi lặp lại khi ông nhận ra sự giống nhau lúc tình cờ nhìn lại một bức ảnh thời trẻ của người vợ cũ. Trong một bữa tối ở Bénazéraf người tình của ông đã gặp Deleuze, và kể từ đó cô thường xuyên lao vào công việc mang lại những giải thích mang tính trí tuệ cho các bộ phim porno, điều này thật quá sức chịu đựng. Hơn nữa cô khiến ông tốn quá nhiều tiền, cô có thói quen đi đến phòng quay bằng xe Rolls đi thuê, mặc áo khoác lông thú, tất cả những trò điệu bộ mang tính dục tình này với ông, khi đã về già, trở nên đặc biệt nặng nề. Cuối năm 74, ông phải bán nhà ở Sainte-Maxime. Vài tháng sau, ông mua cho con trai một căn hộ nhỏ gần vườn Thiên văn tại Port-Royal: một căn hộ rất đẹp, sáng sủa, yên tĩnh, không đối diện với nhà khác. Khi đưa Bruno đến thăm nhà ông không hề có cảm giác đang tặng cậu một món quà đặc biệt, mà chỉ để cố gắng, trong phạm vi có thể, sửa chữa lỗi lầm của mình; và dù thế đây cũng là một việc tốt. Nhìn quanh căn nhà một vòng, ông hơi vui lên một tí: “Con có thể dẫn bạn gái về đây!” ông bộp chộp thốt lên. Nhìn vẻ mặt của con trai, ông hối tiếc liền vì câu nói.

Cuối cùng Michel ghi tên vào đại học Orsay, chuyên ngành toán-lý; cậu bị hấp dẫn trước tiên bởi trung tâm đại học ngay bên cạnh; cậu đã lý luận theo cách đó. Hai người nhận bằng tú tài không khó khăn gì lắm. Annabelle đi cùng họ hôm đi xem kết quả, khuôn mặt nàng nghiêm trang, trong vòng một năm nàng đã lớn lên rất nhiều. Hơi gầy đi, với một nụ cười đằm sâu hơn, thật bất hạnh là nàng ngày càng đẹp hơn. Bruno quyết định đưa ra một đề nghị: không còn ngôi nhà nghỉ ở Sainte-Maxime, nhưng cậu có thể đến nhà của di Meola, như mẹ cậu đã từng gợi ý; cậu bảo hai người còn lại đi cùng mình. Một tháng sau họ khởi hành, vào cuối tháng Bảy.


14.

Mùa hè năm 75

Tác phẩm của họ không cho phép họ trở về bên Chúa
Vì họ còn tinh thần của kẻ điếm
Và vì họ không biết Vĩnh hằng
(Osée, 5, 4)


Một người đàn ông gầy gò, ốm yếu đón họ ở cửa xe buýt Carpentras. Là con trai một người vô chính phủ Italia lưu vong ở Mỹ trong những năm hai mươi, Francesco di Meola rõ ràng là đã thành công trong đời, cả trên lĩnh vực tài chính. Cũng như Serge Clément chàng trai trẻ Italia ngay sau Thế chiến thứ nhất đã hiểu là người ta đang bước vào một thế giới hoàn toàn mới, và các hoạt động lâu nay vẫn được coi là ưu tú luận hay bên lề sẽ có được sức mạnh kinh tế đáng kể. Trong khi bố của Bruno đầu tư vào ngành giải phẫu thẩm mỹ, di Meola lao vào sản xuất đĩa hát; một số người khác kiếm được nhiều tiền hơn ông, hẳn thế, nhưng dù sao ông cũng kiếm được một phần không nhỏ. Tuổi tứ tuần đến, ông cũng như nhiều người California khác có trực giác về một làn sóng mới, sâu sắc hơn một phong trào mốt đơn thuần, sẽ ào lên để quét sạch toàn bộ nền văn minh phương Tây; chính vì thế, trong tòa biệt thự của mình ở Big Sur, ông có thể tiếp đón Allan Watts, Paul Tillich, Carlos Castaneda, Abraham Maslow và Carl Rogers [4] . Một thời gian ngắn sau ông còn có vinh hạnh được gặp Aldous Huxley, người cha tinh thần thực sự của phong trào. Già cả và gần như lòa mắt, Huxley chỉ cho phép một sự quan tâm hạn hẹp: cuộc gặp này, tuy nhiên, sẽ để lại cho ông ấn tượng mang tính quyết định.
Những nguyên do thúc đẩy ông rời bỏ California vào năm 1970 để mua một khu đất ở Haute-Provence không thật rõ ràng trong mắt chính ông. Sau này, khi đã gần đất xa trời, ông tự nhủ mình đã từng muốn, vì những lý do mù mờ, chết ở châu Âu; nhưng khi đó ông mới chỉ có những động cơ hời hợt hơn nhiều. Phong trào tháng Năm 1968 gây ấn tượng mạnh lên ông, và vào lúc phong trào hippie bắt đầu lan tràn ở California ông cho rằng có lẽ có thể làm được gì đó với tuổi trẻ châu Âu. Jane khuyến khích ông theo hướng đó. Tuổi trẻ Pháp nói riêng đang bị sự gò bó mang tính cha chú của chủ nghĩa de Gaulle vây bủa, đè nén; nhưng theo bà chỉ cần một tia lửa để đốt cháy toàn bộ. Từ vài năm nay khoái lạc lớn nhất của Francesco là hút marijuana cùng những cô gái rất trẻ bị vầng hào quang của phong trào thu hút; rồi sau đó làm tình với họ, giữa các mandala [5] và mùi hương trầm. Những cô gái đổ đến Big Sur thường là những con nhóc Tin lành điên rồ; ít nhất một nửa trong số đó còn trinh. Cuối những năm sáu mươi, làn sóng bắt đầu giảm xuống. Khi đó ông tự nhủ có lẽ đã đến lúc trở về châu Âu; ông tự thấy mình kỳ lạ khi suy nghĩ như thế, khi mà ông đã rời Italia khi mới lên năm tuổi. Bố ông không chỉ là một chiến sĩ cách mạng mà còn là người có học, say đắm ngôn từ đẹp, một nhà duy mỹ. Hẳn những cái đó phải để lại những dấu vết ở ông. Trong tâm can ông vẫn luôn coi người Mỹ là những kẻ ngu ngốc.

Ông vẫn còn rất đẹp, với một khuôn mặt góc cạnh và gân guốc, mái tóc bạc dài, lượn sóng và dày; tuy nhiên bên trong cơ thể các tế bào đã bắt đầu sinh sôi mất trật tự, tàn phá mã di truyền của các tế bào bên cạnh và tiết ra chất độc. Các chuyên gia mà ông đến khám nói khác nhau về rất nhiều điểm, trừ việc ông sắp chết. Bệnh ung thư của ông không thể chữa được, nó tiếp tục di căn khắp cơ thể. Phần lớn các bác sĩ nghĩ đến một cơn hấp hối nhẹ nhàng, và thậm chí một số thuốc để ngăn cho đến lúc kết thúc những cơn đau hành hạ cơ thể; quả thật, cho đến lúc này, ông chỉ cảm thấy một nỗi mệt mỏi toàn thân to lớn. Tuy nhiên, ông không cam chịu; thậm chí ông không thể hình dung ra được sự cam chịu. Với phương Tây hiện đại, ngay cả khi ông hoàn toàn khỏe mạnh, suy nghĩ về cái chết vẫn dựng lên một kiểu tiếng ồn sâu thẳm làm trí óc ông trống rỗng ngay khi những kế hoạch và ham muốn bị mờ đi. Tuổi tác càng cao, sự hiện diện của tiếng ồn này ngày càng xâm chiếm nhiều hơn; người ta có thể so sánh nó với một tiếng ngáy rất to, đôi khi đi kèm với sự nghiến răng kèn kẹt. Ở những giai đoạn khác, tiếng ồn sâu thẳm được tạo nên bởi sự chờ đợi vương quốc của Chúa; ngày hôm nay, nó được xây dựng bởi sự chờ đợi cái chết. Thế đấy.

Huxley, ông vẫn luôn nhớ rõ, có vẻ bàng quan với cái chết của chính mình; nhưng cũng có khả năng ông chỉ trơ ra, hoặc say thuốc. Di Meola từng đọc Platon [6] , Bhagavad-Gita [7] và Ðạo Ðức Kinh [8] ; không cuốn sách nào trong số đó mang lại cho ông chút dễ chịu. Ông mới sáu mươi tuổi, thế mà ông đang chết đi, tất cả các triệu chứng đã rành rành, không thể nhầm lẫn được. Thậm chí ông bắt đầu chán tình dục, khi bắt gặp vẻ đẹp của Annabelle ông có cảm giác như thể lãng ra được khỏi nỗi chán chường trong giây lát. Ông không buồn chú ý đến hai cậu con trai. Từ lâu ông vẫn sống giữa đám thanh niên, và có lẽ vì thói quen ông tỏ ra hơi tò mò muốn gặp các con trai của Jane; trong tâm can, rõ ràng là như thế, ông chẳng mảy may đoái hoài. Ông cho họ ở giữa khu đất, bảo họ dựng lều ở đâu cũng được; ông muốn đi ngủ, ngủ một mình. Về mặt thể chất ông vẫn còn là đại diện hoàn hảo cho loại đàn ông vững chãi và nhiều cảm xúc, với cái nhìn thấu suốt đầy mỉa mai, thậm chí thông thái; một vài cô gái đặc biệt ngu ngốc còn cho là khuôn mặt ông có gì đó chói sáng và hiền hậu. Ông không cảm thấy trong mình chút hiền hậu nào, và hơn thế ông có cảm giác mình là một diễn viên hạng thường: làm sao tất cả mọi người lại dễ để bị ông lừa thế nhỉ? Rõ ràng, đôi khi ông tự nhủ, hơi buồn bã, những đứa trẻ ranh tìm kiếm các giá trị tinh thần mới đó quả thật là ngu ngốc.

Chỉ vài giây sau khi bước xuống khỏi chiếc xe jeep, Bruno hiểu là cậu đã phạm sai lầm. Tòa nhà thoai thoải dốc xuống phía Nam, hơi trũng xuống, có những cây nhỏ và hoa. Một thác nước chìm trong một lỗ nước, màu xanh lá cây và im lìm; ngay bên cạnh, trải rộng trên một tảng đá phẳng, trần trụi, một người phụ nữ đang phơi nắng, trong khi một người khác đang xoa xà phòng trước khi lặn xuống. Rất gần họ, quỳ trên một tấm khăn, một tay thanh niên cao lớn râu rậm đang suy tư hoặc ngủ. Gã cũng trần truồng và da rất rám nắng; mái tóc dài có màu vàng nhạt xòe rất mạnh mẽ xuống làn da nâu; gã hơi giống với Kris Kristofferson [9] . Bruno cảm thấy tuyệt vọng. Đúng ra thì cậu phải chờ đợi gì khác nào? Có lẽ còn có đủ thời gian để ra đi, với điều kiện phải làm việc đó ngay lập tức. Cậu liếc nhìn hai người bạn đồng hành: Annabelle vô cùng bình thản bắt đầu gỡ lều; ngồi trên một gốc cây, Michel nghịch đống dây buộc của chiếc ba lô của mình, cậu hoàn toàn có vẻ xa vắng.

Nước chảy dọc theo mỗi chỗ dốc. Ðã bị quy định về mặt nguyên tắc và gần như trong mỗi hành động của mình, lối xử sự của con người chỉ chấp nhận không nhiều lắm những nhánh rẽ, và những lối rẽ đó cũng ít được đi theo. Năm 1950, di Meola có một đứa con trai với một cô đào Ý - một diễn viên hạng hai, người không bao giờ vượt quá được vai nô lệ Ai Cập, nhưng cũng có lần - đó là đỉnh cao sự nghiệp của cô ta - có được hai câu thoại trong phim Quo Vadis [10] ? Họ đặt trước tên con là David. Lên mười lăm tuổi, David đã mơ trở thành rock star [11] . Gã không phải là người duy nhất. Giàu hơn giám đốc và chủ ngân hàng rất nhiều, các rock star vẫn giữ được nét nổi loạn của mình. Trẻ trung, đẹp trai, nổi tiếng, được tất cả phụ nữ thèm muốn và bị tất cả đàn ông ghen tị, các rock star tạo thành đỉnh cao tuyệt đối của hệ thống thang bậc xã hội. Không có gì trong lịch sử loài người, kể từ khi có sự thần thánh hóa các pharaon tại Ai Cập cổ đại, có thể so sánh được với sự tôn thờ mà tuổi trẻ châu Âu và Mỹ dành cho các rock star. Về mặt ngoại hình mà nói, David có đầy đủ tất cả mọi thứ để đạt tới mục đích của mình: gã có một vẻ đẹp hoàn bị, vừa súc vật vừa quỷ quái, một khuôn mặt đầy nam tính, nhưng lại có những nét cực kỳ trong trẻo; mái tóc đen dài rất dày, hơi xoăn, đôi mắt xanh thăm thẳm.

Nhờ các mối quan hệ của ông bố, David đã ghi âm được một đĩa 45 vòng đầu tiên ngay khi mới mười bảy tuổi; một thất bại hoàn toàn. Phải nói thêm là nó ra cùng năm với Sgt Peppers, Days of Future Passed [12] và rất nhiều đĩa nữa. Jimi Hendrix, Rolling Stones, The Doors đang ở đỉnh cao phong độ; Neil Young bắt đầu ghi đĩa, và người ta bắt đầu trông đợi được ở Brian Wilson. Những năm đó không có chỗ đứng cho một tay bass cứng tay nhưng không giàu óc sáng tạo lắm. David vẫn bướng bỉnh, gã thay liền bốn ban nhạc, thử nhiều hình thức khác nhau; ba năm sau khi ông bố ra đi, gã cũng quyết định thử vận may ở châu Âu. Gã dễ dàng tìm được một hợp đồng trong một câu lạc bộ ở Bờ biển, điều đó không thành vấn đề; gái chờ gã hàng tối trong lô, điều đó cũng không thành vấn đề mấy. Nhưng không ai, ở bất kỳ hãng đĩa nhạc nào, mảy may quan tâm đến những bản đề mô của gã.

Khi David gặp Annabelle, đã có khoảng năm trăm gái qua tay gã, nhưng gã không nhớ đã từng thấy một sự hoàn hảo nào về hình thể đến thế chưa. Annabelle cũng bị gã hấp dẫn, như tất cả các cô gái khác. Nàng cưỡng lại trong nhiều ngày, và mãi đến một tuần sau khi đến mới gục ngã. Họ có khoảng ba mươi người đang nhảy ở sau nhà, màn đêm đầy sao và dịu nhẹ. Annabelle bận một chiếc váy ngắn màu trắng và một áo phông ngắn vẽ hình mặt trời. David nhảy rất sát nàng, đôi khi xoay nàng nhảy trong một điệu rock nào đó. Họ nhảy không mệt mỏi, từ hơn một giờ, trên một nhịp trống lúc chậm lúc nhanh. Bruno đứng im lìm dựa vào một cái cây, tim thắt lại, đầy cảnh giác, trong trạng thái rình mò. Michel khi thì xuất hiện bên lề vòng tròn sáng rực rỡ, khi biến mất vào trong màn đêm. Ðột nhiên cậu đứng đó, chỉ cách năm mét. Bruno thấy Annabelle rời khỏi đám người đang nhảy đến đứng trước mặt Michel, và nghe thấy nàng hỏi rất rõ: “Anh không nhảy à?”; khuôn mặt nàng lúc đó thật là buồn. Michel từ chối lời mời bằng một cử chỉ chậm đến kinh ngạc, như là một con thú thời tiền sử vừa mới sống dậy. Annabelle đứng lặng trước cậu chừng năm đến mười giây, rồi quay lại nhập vào nhóm người đang nhảy. David quàng tay quanh người nàng và kéo mạnh nàng sát vào gã. Nàng đặt tay lên vai gã. Bruno quay lại nhìn Michel, cậu có cảm giác một nụ cười vụt thoáng qua trên khuôn mặt em trai mình, cậu cúi xuống không nhìn nữa. Khi ngẩng đầu lên, Michel đã biến mất. Annabelle đang ở trong vòng tay của David, môi của họ đã rất gần nhau.

Nằm dài dưới lều của mình, Michel chờ đến bình minh. Khoảng cuối đêm một trận giông rất dữ dội nổ ra, cậu ngạc nhiên thấy mình hơi sợ. Rồi bầu trời yên dần, và một trận mưa đều đặn và chậm rãi rơi xuống. Những giọt mưa đập mạnh vào mái lều, cách mặt cậu vài xăng-ti-mét, nhưng không chạm được vào cậu. Ðột ngột cậu có dự cảm toàn bộ cuộc đời mình sẽ giống với khoảnh khắc này. Cậu sẽ trải qua những xúc cảm con người, đôi khi sẽ ở rất gần với chúng; những người khác biết đến hạnh phúc, hoặc thất vọng; tất cả những điều đó không liên quan đến cậu, cũng không với được đến cậu. Cậu đã từng muốn nhúc nhích một chút, nhưng đã không thể làm được; cậu có cảm giác rất rõ rệt đang đắm vào trong một thứ nước lạnh giá. Tuy nhiên, tất cả đều cực kỳ yên tĩnh. Cậu cảm thấy tách biệt khỏi thế giới bởi vài xăng-ti-mét trống rỗng, tạo thành xung quanh cậu một chiếc mai rùa hay một bộ áo giáp.


15.

Buổi sáng hôm sau, lều của Michel trống không. Toàn bộ đồ đạc đã biến mất, nhưng cậu để lại một mẩu giấy viết rất đơn giản: “ÐỪNG LO LẮNG”.

Một tuần sau Bruno đi. Khi ở trong tàu cậu nhận ra trong đợt vừa rồi cậu đã không hề thử tán gái, thậm chí còn không hề nói gì với ai hết.

Khoảng cuối tháng Tám, Annabelle nhận ra kinh nguyệt của mình bị chậm. Nàng tự nhủ như thế thì tốt hơn. Không có vấn đề gì hết: bố David quen một bác sĩ, một chiến sĩ của phong trào Kế hoạch hóa gia đình [13] , làm việc ở Marseille. Ðó là một người đàn ông trạc ba mươi tuổi, say mê, với một hàng ria mép nhỏ màu đỏ, tên là Laurent. Anh ta nằng nặc bắt nàng gọi mình bằng tên: Laurent. Anh ta cho nàng xem nhiều loại dụng cụ khác nhau, giải thích cho nàng cơ chế hoạt động của hệ hô hấp và sự nạo thai. Anh ta luôn cố tạo một cuộc trò chuyện dân chủ với khách hàng, những người mà anh ta coi như là bạn của mình. Ngay từ đầu anh ta đã ủng hộ phong trào đấu tranh của phụ nữ, và theo anh ta còn rất nhiều việc phải làm. Cuộc phẫu thuật được ấn định vào ngày hôm sau, chi phí do Chương trình Kế hoạch hóa gia đình chịu.

Annabelle trở về phòng mình ở khách sạn, rất căng thẳng. Ngày hôm sau nàng sẽ phá thai, nàng sẽ ngủ một đêm nữa ở khách sạn, rồi nàng sẽ trở về nhà; nàng đã quyết định như vậy. Từ ba tuần nay đêm nào nàng cũng ngủ với David ở lều của mình. Lần đầu tiên nàng hơi đau nhưng sau đó nàng cảm thấy khoái cảm, rất nhiều khoái cảm, trước nàng chưa bao giờ nghĩ khoái cảm tình dục lại có thể lớn đến thế. Tuy vậy, nàng không có chút cảm tình nào với gã trai này; nàng biết mình sẽ thay hắn rất nhanh, thậm chí có khả năng gã cũng đang làm như thế.

Tối đó, trong một bữa tối với bạn bè, Laurent say sưa nói về ca của Annabelle. Chính vì những người con gái như nàng mà anh ta muốn đấu tranh, anh ta khẳng định; để tránh cho một cô gái mới mười bảy tuổi (“và hơn nữa rất xinh”, anh ta phải nói thêm) không đánh mất cả cuộc đời bởi một cuộc phiêu lưu mùa hè.

Annabelle rất e ngại cuộc trở về Crécy-en-Brie, nhưng trên thực tế đã không có gì xảy ra. Hôm đó là ngày 4 tháng Chín; bố mẹ chúc mừng nàng về làn ra rám nắng. Họ nói cho nàng biết là Michel đã đi, cậu đã đến ở tại ký túc xá đại học ở Bures-sur-Yvette; rõ ràng họ không nghi ngờ gì hết cả. Nàng đến nhà bà nội Michel. Bà già có vẻ mệt mỏi, nhưng đón tiếp nàng rất niềm nở, và không khó khăn gì cho nàng địa chỉ của đứa cháu trai. Bà thấy hơi lạ vì Michel đi trước những người khác, bà cũng thấy lạ khi anh đến ở một tháng trước khai trường, nhưng Michel vẫn là một cậu bé kỳ lạ.

Trong môi trường man dã tự nhiên, con người đôi khi (hiếm khi) có thể tạo ra những địa điểm nồng ấm cho tình yêu tỏa sáng. Những khoảng không gian đóng kín, bí mật, nơi sự thân mật và tình yêu ngự trị.

Hai tuần sau đó, Annabelle dành để viết thư cho Michel. Việc này thật khó khăn, nàng phải bỏ đi viết lại rất nhiều lần. Khi viết xong, bức thư dài bốn mươi trang; lần đầu tiên trong đời, đó thực sự là một bức thư tình. Nàng đi gửi thư ngày 17 tháng Chín, ngày khai trường; sau đó nàng chờ đợi.

Ðại học Orsay - Paris XI là trường đại học duy nhất của Paris thực sự được xây dựng theo mô hình campus của Mỹ. Nhiều tòa nhà rải rác trong một khu vườn đón tiếp sinh viên từ giai đoạn một đến giai đoạn ba. Orsay không chỉ là nơi học, mà còn là một trung tâm nghiên cứu vật lý hạt cơ bản trình độ rất cao.

Michel ở một căn phòng ở góc hành lang, ở tầng bốn, tầng cao nhất của tòa nhà số 233; ngay lập tức cậu rất thích ở đây. Cậu có một cái giường nhỏ, một bàn làm việc, giá để đựng sách. Cửa sổ phòng cậu nhìn xuống một bãi cỏ thoai thoải xuống đến sông; cúi người xuống một chút, thẳng trước mặt, có thể nhìn thấy rõ bê tông của máy gia tốc hạt. Mùa này, một tháng trước ngày bắt đầu vào học, khu nhà gần như trống không; chỉ mới có vài sinh viên người Phi - với họ vấn đề chủ yếu là ở vào tháng Tám, khi các ký túc xá đóng cửa hoàn toàn. Michel nói vài câu với người gác cửa; trong ngày, cậu đi bộ dọc sông. Cậu chưa ngờ là mình sẽ ở đây hơn tám năm trời.

Một sáng, khoảng mười một giờ, cậu nằm dài trên bãi cỏ, giữa những cây cối vô tình. Cậu ngạc nhiên thấy mình đau khổ đến thế. Xa lạ một cách sâu sắc với các quan niệm Thiên chúa về giải thoát và ân sủng, thậm chí xa lạ với khái niệm tự do và tha thứ, tầm nhìn về thế giới của cậu vẫn thu nhận từ đó một vài thứ cứng nhắc và không khoan nhượng. Một khi các điều kiện ban đầu được thỏa mãn, cậu nghĩ, một khi hệ thống tương tác ban đầu được đo đạc, các sự kiện sẽ phát triển trong một không gian buồn bã và trống rỗng; số phận của chúng là không thể đảo ngược. Cái đã được tạo ra sẽ được tái tạo tiếp, không thể khác được; không ai có thể ở đó để chịu trách nhiệm. Ðêm đến Michel mơ đến những không gian trừu tượng, phủ đầy tuyết trắng; cơ thể cậu quấn đầy những dải băng trôi dạt dưới một bầu trời thật thấp, giữa các nhà máy luyện kim. Ban ngày đôi khi cậu gặp một sinh viên châu Phi, một anh chàng người Mali bé nhỏ da xám; họ gật đầu chào nhau. Quán ăn sinh viên còn chưa mở; cậu mua cá ngừ đóng hộp ở siêu thị Continent ở Courcelles-sur-Yvette, rồi đi về phòng mình. Ðêm buông xuống. Cậu bước đi trong những hành lang trống vắng.

Khoảng giữa tháng Mười, Annabelle viết cho cậu lá thư thứ hai, ngắn hơn lá trước. Trong khoảng thời gian đó nàng cũng gọi điện cho Bruno, cũng đang không có tin tức gì của em trai; anh chỉ biết Michel đều đặn gọi điện cho bà nội, nhưng có lẽ phải đến Noel mới về gặp bà.

Một buổi tối tháng Mười một, khi ra khỏi một TD [14] phân tích, Michel thấy có một tin nhắn trong hòm thư ở tòa nhà đại học. Tin nhắn có nội dung: “Gọi cho bác Marie-Thérèse. KHẨN.” Ðã hai năm cậu không gặp bà bác Marie-Thérèse nhiều lắm, cũng như cô chị Brigitte. Cậu gọi ngay lập tức. Bà cậu bị một cơn đột quỵ mới, người ta đã phải đưa bà vào bệnh viện ở Meaux. Lần này nặng, thậm chí rất nặng. Ðộng mạch chủ quá yếu, trái tim có nguy cơ ngừng đập.

Cậu đi bộ băng qua Meaux, đi ngang qua trường trung học; đã gần mười giờ. Cùng lúc đó, trong một phòng học, Annabele đang nghiên cứu một bài viết của Epicure - nhà tư tưởng rực rỡ, điều độ, người Hy Lạp, và tóm lại, hơi khó chịu một chút. Bầu trời u tối, nước sông Meaux vẩn đục bẩn thỉu. Không khó khăn gì cậu tìm thấy tòa nhà bệnh viện Saint-Antoine - một tòa nhà cực kỳ hiện đại, toàn bộ bằng kính và thép, vừa khánh thành năm trước. Bà bác Marie-Thérèse và cô chị họ Brigitte chờ cậu ở sảnh tầng bảy; rõ ràng họ vừa khóc. “Bác không biết cháu có nên gặp bà không...” Marie-Thérèse nói. Cậu không đứng dậy. Ðiều gì phải trải qua, cậu sẽ trải qua.

Ðó là một căn phòng đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, bà cậu nằm một mình. Ga trải giường, trắng đến kỳ lạ, để lộ cánh tay và vai của bà; anh thấy thật khó rời mắt khỏi lớp da trần, nhăn nhúm, trắng bạch và già nua khủng khiếp đó. Hai cánh tay được nẹp cố định vào thành giường. Một đường ống khía rãnh đặt vào cổ họng bà. Nhiều sợi dây thò ra từ dưới ga trải giường, nối với các loại máy đo. Người ta đã cởi áo ngủ của bà; người ta cũng không để bà búi lại tóc, như thói quen hàng sáng từ nhiều năm nay. Với những sợi tóc màu ghi dài trần trụi, đó dường như không hoàn toàn là bà của cậu nữa; đó là một sinh vật khốn khổ có da thịt, vừa rất trẻ vừa rất già, giờ đây đã rơi vào tay y học. Michel cầm lấy tay bà; chỉ qua bàn tay đó cậu mới hoàn toàn nhận ra bà mình. Cậu vẫn thường cầm tay bà trong suốt mười bảy năm qua. Mắt bà không mở; nhưng dù sao có thể bà vẫn nhận ra sự tiếp xúc đó. Cậu không nắm chặt lắm, cậu chỉ cầm tay bà trong tay mình, như vẫn thường làm thế trước kia; cậu rất hy vọng bà nhận ra sự tiếp xúc đó.

Người đàn bà này đã có một tuổi thơ khủng khiếp, phải làm công việc nặng ở nông trại từ tuổi lên bảy, giữa những kẻ nát rượu thô bỉ. Tuổi niên thiếu của bà ngắn ngủi đến nỗi bà không còn giữ lại được một kỷ niệm thật sự nào. Sau khi chồng chết bà làm việc ở nhà máy để nuôi bốn đứa con; giữa mùa đông bà vẫn phải đi lấy nước trong sân để cả nhà tắm giặt. Hơn sáu mươi tuổi, từ khi nghỉ hưu, bà lại nhận nuôi một đứa trẻ - con trai của con trai bà. Ðứa bé đó đã không thiếu thốn gì - quần áo sạch, những bữa ăn ngon buổi trưa Chủ nhật, và tình yêu. Bà là người cho cậu tất cả những cái đó. Một sự xem xét đầy đủ nhân tính cần thiết phải quan tâm cả đến những hiện tượng đó. Những con người như thế đã từng tồn tại trong lịch sử. Những con người đã làm việc cả đời, và làm việc rất nặng, chỉ vì lòng tận tụy và tình yêu; những người xét theo nghĩa đen đã thực sự mang lại cuộc sống cho những người khác với lòng tận tụy và tình yêu; những người tuy thế chưa bao giờ có cảm giác là mình đang phải hy sinh; những người trên thực tế không biết đến một cách sống nào khác ngoài việc dành cuộc đời mình cho người khác vì lòng tận tụy và tình yêu. Nhìn đúng ra những người như thế chủ yếu là phụ nữ.

Michel ngồi lại trong phòng khoảng mười lăm phút, cầm tay bà; rồi một bác sĩ nội trú đến, bảo là cậu nên đi ra. Có thể người ta sắp phải làm điều gì đó; không phải là phẫu thuật, không, điều đó là không thể, mà có thể là cái gì đó, vẫn phải làm, nhìn chung vẫn chưa thể hết hy vọng được.

Trên đường trở về không ai nói năng gì; Marie-Thérèse lái một cách máy móc chiếc Renault 16. Lúc ăn họ cũng không nói nhiều lắm, đôi lúc nhắc lại một vài kỷ niệm. Marie-Thérèse nấu ăn, bà cần phải hoạt động nhiều; thỉnh thoảng bà dừng lại, khóc một chút rồi lại quay về với cái bếp.

Annabelle có ở đó khi xe cứu thương chuyển bánh, và cả khi chiếc Renault quay về. Khoảng một giờ sáng nàng tỉnh dậy mặc quần áo, bố mẹ nàng đã ngủ; nàng bước đến hàng rào nhà Michel. Ðèn trong nhà vẫn bật, có lẽ họ đang ở phòng khách; nhưng qua ri đô không thể nhìn thấy gì. Ðúng lúc đó trời đổ một trận mưa nhẹ. Khoảng mười phút trôi qua. Annabelle biết là nàng có thể bấm chuông cửa và gặp Michel; nhưng nàng cũng có thể không làm gì hết. Nàng không biết chính xác mình đang trải qua kinh nghiệm cụ thể của tự do; dù sao nó cũng vô cùng tàn khốc, và nàng sẽ không thể như cũ nữa sau mười phút đó. Nhiều năm sau này, Michel sẽ trình bày một lý thuyết ngắn gọn về tự do con người dựa trên sự tương đồng với tập tính của chất héli đặc biệt trơn. Những hiện tượng nguyên tử kín đáo, những trao đổi electron giữa các nơron và các sợi liên bào ở bên trong não về cơ bản nằm dưới sự chi phối của tính đột xuất lượng tử; tuy vậy số lượng to lớn nơron, bởi sự loại bỏ thống kê của những khác biệt cơ bản, khiến cho tập tính con người - về những nét chính cũng như trong các chi tiết của nó - cũng được quy định chặt chẽ giống như trong hệ thống tự nhiên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cực kỳ hiếm - các tín đồ Thiên chúa giáo nói về sự vận hành của ân sủng - một sóng liên kết mới nổi lên và lan truyền bên trong não bộ; một tập tính mới xuất hiện, hoặc tạm thời hoặc bền vững, được quy định bởi một hệ thống của các máy dao động hài hòa khác hẳn; khi đó người ta quan sát được cái nên được gọi là một hành động tự do.

Không hề có gì tương tự xảy ra vào đêm đó, và Annabelle trở về nhà của bố nàng. Nàng cảm thấy rõ ràng mình đã già đi. Gần hai mươi năm nữa trôi qua nàng mới gặp lại Michel.

Ðiện thoại đổ chuông vào khoảng ba giờ; cô y tá có vẻ rất tiếc thương. Quả thực họ đã làm tất cả những gì có thể; nhưng về bản chất không gì còn có thể nữa cả. Trái tim đã quá già nua, chỉ vậy thôi. Chỉ có thể đảm bảo để bà không đau, còn thì không thể nói gì hơn nữa cả. Nhưng cũng phải nói như thế là đã hết.

Michel đi về phòng mình, cậu bước từng bước thật ngắn, khoảng hai mươi xăng-ti-mét mỗi bước. Brigitte muốn đứng dậy nhưng Marie-Thérèse ngăn lại. Trôi qua khoảng hai phút, rồi người ta nghe thấy, từ phòng cậu, một tiếng động như là tiếng mèo kêu hay tiếng hú. Ðến lúc này, Brigitte dấn bước lên. Michel đang nằm cuộn mình dưới chân giường. Mắt cậu hơi lồi ra. Khuôn mặt cậu không phản chiếu gì giống với sự buồn rầu hay tình cảm nào đó của con người. Khuôn mặt cậu đầy một sự khủng bố của con vật, và hạ đẳng.

© 2004 talawas


[1]Ba bộ phim nổi tiếng: Phantom of the Paradise, Orange mécaniqueLes Valseuses.
[2]PNL: Programmation, Neurologie et Linguistique: Chương trình hóa, Thần kinh học và Ngôn ngữ học.
[3]Phim kích dâm.
[4]Allan Watts, Paul Tillich, Carlos Castaneda, Abraham Maslow và Carl Rogers: các nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ.
[5]Mandala: trong Mật tông Tây Tạng, mandala là một biểu tượng thiêng liêng, được làm từ cát màu đính lên một mặt phẳng, thể hiện nhiều hình ảnh.
[6]Platon (423-348 tr. CN), triết gia Hy Lạp.
[7]Bhagavad-Gita: bài thơ cổ ấn Ðộ, viết bằng tiếng Phạn sankrit, nằm trong Mahabharata.
[8]Ðạo Ðức Kinh: tác phẩm duy nhất của Lão Tử.
[9]Kris Kristofferson: diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Mỹ.
[10]Quo Vadis: bộ phim dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan H. Sienkiewicz
[11]Rock star: tiếng Anh, nghĩa là ngôi sao nhạc rock.
[12]Một của ban nhạc The Beatles, một của ban nhạc The Moody Blues
[13]Planning familial: phong trào lớn khởi đầu từ năm 1956 đấu tranh cho quyền tự do tình dục.
[14]TD (Travaux Dirigés): tại các tường đại học Pháp, sinh viên thường phải nghe giảng ở giảng đường chung (gọi là CM: Cours Magistral), sau đó được giảng kỹ hơn tại các TD với số lượng ít hơn.