© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
3.1.2005
Nguyễn Trọng Văn
Trí thức không cộng sản
 1   2 
 
9. Năm tiền giả định của vấn đề trí thức

  1. Khác các nhà lý luận hậu hiện đại phủ nhận đại tự sự, tôi đề cao đại tự sự. Ðể tiếp cận (và giải quyết vấn đề trí thức) tôi dựa trên năm giả định có tính đại tự sự sau đây:

    1. Truyền thống và hiện đại: Trong truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, cũng như trong tình hình xã hội hiện đại, anh đứng ở vị trí nào?

    2. Quan hệ Tri và Hành: Triết lý muôn đời, phương Ðông cũng như phương Tây, đều nhấn mạnh cần kết hợp Tri-Hành, nhưng nói chung trí thức nặng về Tri hơn Hành, dù rằng trí thức kết hợp được cả tri và hành không phải là quá hiếm. Trong thực tiễn Việt Nam, nói về quyền lực và thực sự nắm quyền lực trong tay, anh thuộc loại nào?

    3. Nhân bản và chống nhân bản (Humanisme/Antihumanisme): Lịch sử và các chế độ chính trị không thể không đặt vấn đề con người. Có nhiều thứ chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa chống-nhân bản, có thứ cổ điển, có thứ hiện đại, có thứ đề cao chủ thể, có thứ phủ nhận chủ thể, anh chọn thứ nào?

    4. Mặt nạ và không mặt nạ: Chữ nghĩa vừa thông báo về thực tại vừa che dấu thực tại. Mỗi trang giấy, mỗi văn bản trở thành một chiếc mặt nạ cho người khác và cho chính mình. Có khi nào anh thấy cần bỏ mặt nạ ra, -trong phòng tắm, cầu tiêu, khi đi ngủ, dĩ nhiên-, nhưng ý tôi muốn nói chỗ đông người, như trên internet chẳng hạn?

    5. Hội nhập, toàn cầu hóa: Ðây là một đại tự sự rất lớn, kể cả với những ai phủ nhận đại tự sự. Ðỉnh cao của hiện đại hóa, công nghiệp hóa là hội nhập, toàn cầu hóa; anh kiếm ra chỗ đứng của mình chưa, anh muốn đứng vị trí nào?


  2. Năm tiền giả định này xuất hiện mơ hồ, vô hình như những hộp thoại rỗng trên máy vi tính, nội dung đối thoại không hẳn từ người khác (cái khác “otherness”) mà từ chính “chủ thể”. Tôi không thấy người khác, nhưng tôi thấy tôi nghĩ về người khác như thế nào, muốn họ suy nghĩ và hành động cho họ và cho tôi như thế nào.

    Qua những hộp thoại rỗng trong mục 9, i (và mục 4, i, ii, iii) tôi đọc thấy cái “tôi” và cái không-tôi, cái khác-tôi” như sau:

    1. Truyền thống yêu nước: Trí thức tiểu tư sản thành thị, khuynh tả, chống Mỹ. Trí thức không-cộng sản sống dưới chế độ cộng sản. Rất nhạy cảm trước những điều bất công, thiếu dân chủ; Những người này tin rằng Ðảng và Nhà nước sinh ra để phục vụ Nhân dân chứ không phải Nhân dân sinh ra để phục vụ Ðảng và Nhà nước.

    2. Trước 1975, với tư cách trí thức, nói và làm, kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, trong đấu tranh chống Mỹ, góp phần giành độc lập chủ quyền cho đất nước và dân tộc. Sau 1975, với tư cách trí thức không-cộng sản (ngoài Ðảng) chỉ nói về quyền lực chứ thực tế không nắm quyền lực. Không được và cũng không thích. Chỉ muốn làm chuyên môn và bày tỏ thái độ với tư cách trí thức đối với những hành động có hại cho việc xây dựng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" (bất công, tham nhũng, kiêu ngạo cộng sản, dân chủ trá hình, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm).

    3. Chủ nghĩa nhân bản đích thực: Chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn đấu tranh cách mạng, chống thực dân đế quốc có tính dân tộc, nhân bản đích thực. Khi trở thành Ðảng cầm quyền, ÐCS xa dần lý tưởng nhân bản chân chính thông qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất, NVGP ở miền Bắc /cải tạo tư sản công thương nghiệp, vấn đề “thuyền nhân” ở miền Nam. Mặt khác, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc phát triển lên thành độc lập, dân chủ, tự do, còn chủ nghĩa cộng sản phát triển lên thành chủ nghĩa quốc tế vô sản, toàn trị, giáo điều. Cơ chế xã hội nặng nề nghiền nát vai trò của cá nhân, chủ thể bị xóa mờ, phân mảnh, rã đám, trở nên dửng dưng, vô cảm, vô trách nhiệm đối với chính mình và với người khác. Ðây là những khoảng trống về lý luận và thực tế làm trí thức yêu nước không-cộng sản (trong cũng như ở nước ngoài) không thể không băn khoăn, trăn trở về chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng như về định hướng xã hội chủ nghĩa.

    4. Ai cũng phải đeo mặt nạ, đó là chuyện bình thường, nói không đeo mặt nạ là lời nói dối thô bỉ và khôi hài nhất. Ðeo mặt nạ liên hệ tới Che giấu-Phơi bày/Ðúng-Sai/Mythos-Logos/Nên làm-Nên tránh/Thiện-Ác/Ðẹp-Xấu... nghĩa là liên hệ tới vấn đề ý nghĩa, giá trị. Nếu cho rằng cuộc đời không ý nghĩa và con người là sinh vật không có mặt mũi (như triết học hậu hiện đại chủ trương) thì đeo hoặc không đeo mặt nạ chẳng có ý nghĩa gì. Tôi thì tôi cho rằng mỗi người có một cái mặt, có những lúc nên đeo mặt nạ, nhưng cũng có lúc nên liệng nó đi.

    5. Bước vào hội nhập, toàn cầu hóa, có hai vấn đề: thứ nhất, chủ nghĩa xã hội đã phải dùng những khẩu hiệu hành động của chủ nghĩa yêu nước nhưng không thực sự phấn đấu vì lợi ích của chủ nghĩa yêu nước (xem bảng 1,đoạn 8, B3 ); thứ hai, những người có quyền thì không quyết tâm làm, những người muốn làm thì không có quyền. Hậu quả là chúng ta ở vào tình trạng hỗn độn, trồng tréo, thực giả lẫn lộn, lừa dối lẫn nhau, đảo lộn không gian-thời gian, có nghĩa-vô nghĩa, dân chủ-thiếu dân chủ, tiến bộ-lạc hậu, tử tế-không tử tế, hệt những điều được mô tả trong văn học hậu hiện đại. Tuy nhiên, khác chủ nghĩa hậu hiện đại, tôi hoàn toàn tin rằng có thể tìm ra ý nghĩatrật tự trong mớ hỗn độn những điều vô nghĩa, vô trật tự trước mặt.


  3. Mớ bòng bong đan xen cái hỗn loạn vô nghĩa, vô trật tự và cái ý nghĩa, cái trật tự có thể diễn tả như sau (Bảng 2):

    Bảng 2: Tình hình rối loạn, vô trật tự và ổn định, trật tự nhìn từ góc độ cộng sản và không-cộng sản.
      Ðảng cáchmạng (1) 1930-1945-1954 (Nói + Làm) Ðảng cầm quyền (2) 1954-1975-1986 (Nói+ Không làm) ÐỔI MỚI (3) 1986-2004 (Nói+làm nhép) KẾT QUẢ (4) 2004
    (A) CỘNG SẢN Yêu nước, chống thực dân, đế quốc, vì độc lập, chủ quyền, dân tộc Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc (54-75): Xây dựng chủ nghĩa xã hội. CCRÐ, đấu tố, NVGP, chủ nghĩa lý lịch. Miền Nam (54-75): Giải phóng miền Nam, chủ nghĩa yêu nước, độc lập, chủ quyền, dân tộc. Yêu nước là xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kinh tế thị trường +định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
    Ðại đoàn kết dân tộc.
    Lý luận và hành động mâu thuẫn nhau. Niềm tin của nhân dân vào Ðảng suy giảm. Khả năng lãnh đạo bị nghi ngờ.
    (B) KHÔNG - CỘNG SẢN

    Nhìn mọi việc làm của cộng sản với con mắt và thái độ khác, từ tin tưởng tới nghi ngờ, thất vọng, mất tin tưởng ở khả năng lãnh đạo, khả năng dám nhận sai lầm và sửa sai của người cộng sản
    - Với những người yêu nước thân cộng, chống thực dân, đế quốc vì Ðộc lập, chủ quyền, dân tộc: chủ nghĩa yêu nước đi đôi với cnxh.
    - Với những người yêu nước chống cộng, hợp tác với thực dân đế quốc (các đảng phái quốc gia), yêu nước không phải là yêu chủ nghĩa xã hội.
    - Ngoài ra còn có những người yêu nước không thân cũng không chống cộng, một đa số trầm lặng, có vẻ không là gì cả nhưng cũng có thể là tất cả.
    - MB (54-75): Với những người không-cộng sản, yêu nước, yêu dân chủ, qua vụ CCRÐ, đấu tố, NVGP, thấy yêu nước không phải là yêu cnxh. Thất hứa lần 1
    -MN (54-75): Giải phóng dân tộc, Yêu nước là yêu cnxh. Ðộc lập, chủ quyền, dân tộc. Vẫn tin tưởng ở chủ nghĩa xã hội. 75-86: Tới cải tạo tư sản, công thương nghiệp, vượt biên: người Miền Nam cũng nhận ra yêu nước không phải là yêu cnxh. Thất hứa lần thứ hai.
    Xây dựng dân giàu, nước mạnh dựa vào Mỹ và phương Tây có là chệch hướng? Xã hội công bằng, dânchủ, văn minh, của dân do dân, vì dân: đây là những lý tưởng dân chủ tư sản, có là diễn biến hòa bình? KT thị trường + định hướng xhcn? Thực chất là lợi dụng cơ chế kt thị trường và luật pháp xhcn để trì hoãn đổi mới, duy trì đặc quyền đặc lợi của thiểu số trên đại đa số (bất công, tham nhũng, cửa quyền, vô cảm vô trách nhiệm)? Ðại Ðoàn Kết phát huy tác dụng hay không đều do việc làm của Ðảng và Nhà nước. Ðảng đã thất hứa với trí thức và nhân dân hai lần.
    Có thất hứa lần thứ ba không? Khẩu hiệu đại đoàn kết mất hiệu lực. Cần những hành động, những cơ chế cụ thể hơn. Cần tỏ rõ quyết tâm cải tổ kinh tế, cải tổ dân chủ, ít ra cũng như trường hợp TQ. Cần chính danh. Việc làm của Ðảng có chính danh, chính nghĩa như trước?


    Nhận xét

    1. Rối loạn, phức tạp do thay đổi mục tiêu, phương pháp cách mạng (1A, 2A, 3A) niềm tin, công tác mặt trận (2B, 4B) quan điểm về địch ta bạn thù (3A, 3B), thái độ đối với bất công, tham nhũng: bao che, đồng lõa (3B).

    2. Lẫn trong mớ bòng bong trên là một đề tài cũ, - có khả năng làm đảo lộn tất cả -, tưởng đã nằm im trong kho lưu trữ, nay được sống lại với mọi vẻ thời sự nóng hổi của nó: tính chính danh (về mặt lý luận), chính nghĩa (về mặt đạo lý), chính đáng (về mặt pháp lý) của Ðảng.

    3. Sợi chỉ đỏ (hay đen?) xuyên suốt vấn đề là “phe ta” cộng sản tìm (mọi) cách thực hiện “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” bằng những lời hứa hẹn suông (như đã làm trót lọt hai lần trước, xem 2B, 4B). “Phe ta” không-cộng sản ngại bị thất hứa như những lần trước, muốn lý tưởng phải được cùng nhau thực hiện bằng những hành động cụ thể, thực sự và hữu hiệu. Người có quyền thì không muốn làm, còn người muốn làm thì không có quyền.


10. Bài học từ những giai thoại về quan hệ cộng sản và trí thức

  1. Hồi 1979-80, tại trường Ðại Học Tổng hợp Tp.HCM, tôi có đọc một bài tham luận nhan đề “Diễn biến tư tưởng của trí thức tại chỗ từ 1975 đến 1980”, nói về quan hệ trí thức và cộng sản. Nhiều trí thức tham gia cách mạng, phấn khởi chào đón cách mạng thành công, nhưng sau đó chỉ ít lâu họ lại thất vọng, chán nản, chọn con đường ra đi. Hồi đó người ta thường nói, Cái cột đèn mà có chân thì cũng phải ra đi. Chỉ có trí thức 3N mới ở lại [3N là Ngu (tin lời Cộng sản) Nghèo (không có vàng), Nhát (sợ cướp biển, sợ chôn xác trong bụng cá mập)]. Với tư cách là phó Tổng Thư ký Mặt trận Giải phóng (55 Mạc Ðĩnh Chi) và Phó Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước (43 Nguyễn Thông), tôi có dịp theo dõi rất sát tình hình những người ra đi và ở lại, nhất là đọc những báo cáo được cập nhật hàng tuần về tình hình vượt biên của trí thức miền Nam. Có những người bạn mới tuần trước còn ngồi uống cà-phê với nhau, tuần sau được tin họ đã chết. Nhiều lý do khiến trí thức ra đi hay ở lại, trong số những lý do này tôi có nói tới quan hệ cộng sản và trí thức. Bài tham luận này lập tức gây tiếng vang và được nhiều người, nhiều giới chú ý. Nó được in ra nhiều bản để mọi người có thể “thảo luận”. “trao đổi”, “tiếp tục trao đổi”. Lúc đầu ở Ðại Học Tổng Hợp, cơ sở 2, dãy trệt; 15 ngày sau “tiếp tục trao đổi” ở tầng lầu (sáng và chiều, có ghi băng); sau cùng được “đúc kết” tại Ban Chấp hành Hội Trí thức Yêu nước. Vài vị lãnh đạo cao cấp của thành phố có tới dự và “phát biểu”. Tôi nhớ một vị nói, đại ý: “Những phê phán kiểu của anh đối với Ðảng và Nhà nước chúng tôi được nghe nhiều rồi, còn hơn thế nữa, tiếng nói của anh nhỏ bé lắm, chỉ là tiếng chuông rè thôi. Tôi khuyên anh không nên nói nữa, vì những phê phán của anh có thể bị địch lợi dụng”. Nhờ lời nhắn nhủ trên, tôi phát hiện ra mình là CIA, hoặc ít ra cũng là bị CIA giật giây. Một không khí nặng nề, nghiêm trọng bao trùm giảng đường. Tôi để ý những ý kiến chỉ đạo buổi trao đổi được ghi băng nên tương kế tựu kế, tôi phát biểu ngay: “Bác Hồ có nói phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, nay tôi đã nói to lên mà đồng chí không muốn nghe còn ra lệnh im mồm đi. Ðây có phải là biểu hiệu rõ ràng nhất của thái độ quan liêu, mệnh lệnh đối với nhân dân, đối với trí thức không?” Một vị khác nhắn nhủ trí thức với những lời lẽ chân tình và đầy hình tượng: “Các bạn cứ yên tâm, không nên nóng vội bỏ đất nước ra đi. Năm năm nữa tình hình sẽ tốt đẹp hơn, nếu sau 5 năm mà còn “bầy hầy” như vậy, tôi hứa với các bạn chúng tôi sẽ đưa các bạn ra tận sân bay để ra nước ngoài, không phải vượt biên, chết sông chết biển, mang tiếng là Ðảng không biết dùng trí thức”. Một số cả tin xem ra cũng siêu lòng. Tôi không nghĩ vậy. Mặt khác, hình ảnh đưa ra sân bay thấy ngồ ngộ. Tôi nói, đại ý: “Toàn bộ quyền hành đều trong tay Ðảng, nếu sau 5 năm mà tình hình còn “bầy hầy” thì chính các đồng chí phải ra đi chứ tại sao lại là chúng tôi? Chúng tôi sẽ đưa các đồng chí ra tận sân bay. Chúng tôi đã từng đấu tranh vì đất nước, dân tộc thì chúng tôi ở lại với đất nước và dân tộc, việc gì chúng tôi phải ra đi?”

  2. Có một sự kiện “bên lề” nhưng lại rất quan trọng: những cuộn băng ghi âm. Hôm “tiếp tục trao đổi” bên cơ sở 2, trên lầu, số người tham dự rất đông, tôi thấy có những người tới để “trao đổi” (ngoài khoa Triết còn có một số anh em khoa Sử Ðịa, Ngữ Văn, một số khách mời và không mời mà đến, những người phải ngấp nghé ngoài cửa sổ), một số VIP tới để ra “huấn thị”, nhưng tôi thực sự chú ý tới một người tới không phải để trao đổi, cũng không phải để ra huấn thị. Công việc của anh là để thu băng những lời trao đổi và những huấn thị. Anh nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm pha chút lo lắng. Tôi cảm thấy gần gũi, an tâm hơn. Bỗng hình ảnh NVGP hiện ra trong óc. Tôi linh cảm những cuốn băng sẽ là nhân chứng rất lợi hại, giúp tôi trong những giờ phút “trọng đại” này. Quả đúng như vậy. Những cuộn băng sau này được nhân lên, phổ biến trong thành ủy, ra ngoài Bắc, tới Bộ Chính trị, rồi có những ý kiến khác nhau, khen có chê có. Nghe nói có vị đã khóc khi được nghe cuốn băng...

    1. Những người không đồng ý, ở thành phố cũng như ở trung ương, cho tôi là CIA, bị CIA giật dây mà không biết, luận điệu có lợi cho địch, cần phải bắt ngay. Những người đồng ý, trái lại, cho rằng phải tôn trọng ý kiến của trí thức. Trong số những người đồng ý, có người giữ chức vụ rất cao trong Ðảng. Vị này nói, “Ðừng đụng tới anh ta!” Tôi được cánh báo chí nể mặt, tưởng có “cây đa cây đề” che chở (thực tế tôi không hề họ hàng, quen biết gì với nhân vật khả kính trên, nhưng tôi đã yên lặng, không hề cải chính gì về sự ngộ nhận này). Chính nhờ cái sự có khen, có chê, từ thành phố tới trung ương, mà tôi được “tai qua nạn khỏi” giữa những lằn đạn mũi tên veo véo trên đầu.

    2. Trong dịp tiếp đoàn đại biểu quốc hội miền Nam ra thăm miền Bắc, cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng cũng có hỏi về trường hợp của tôi. Ông nói, đại ý “Bố anh ta làm cho hãng thầu xây cất RMK của Mỹ, nhưng anh ta theo chúng ta, nhiều lần vô bưng học tập. Anh ta là người can đảm, trung thực, đầu óc rất dân chủ (phê bình nhà cầm quyền công khai trước giảng đường, chứ không rỉ tai, đặt thơ, đặt vè nói xấu sau lưng như ở miền Bắc). Mẫu người trí thức như vậy cần phải trân trọng”. Rõ ràng những lời nói này là nhờ ở những tin tức “tình báo”, và những cuốn băng ghi âm! Vui chuyện, các đại biểu than về tình hình cán bộ làm mất lòng dân, cụ PVÐ nói, “Mấy chú thấy đấy, cán bộ đảng viên là trung gian giữa Nhà nước và nhân dân. Vì là trung gian nên có người trung có người gian... Có điều trung thì ít còn gian thì nhiều quá!... Ðó là bây giờ chứ 5, 10 năm nữa số trung sẽ tăng lên và số gian sẽ giảm bớt đi!” (Dự đoán này tỏ ra quá lạc quan!).

    3. Sau khi vụ việc nổ ra, tôi bị “mất dạy” và mất khá nhiều bạn. Mất dạy vì tuy tôi (phải) tới trường hàng ngày nhưng không được dạy học nữa. Tôi phải làm công việc ghi chép sổ sách như một thư ký. Mất bạn, vì tới thăm ai tôi cũng nhận được câu trả lời, đại loại: “Nhà tôi không có nhà anh ạ” hoặc “Anh ấy vừa mới đi xong”. Nói của đáng tội, mất bạn cũ nhưng cũng được vài người bạn mới. Hai ông bạn này đeo kính đen, thường ngồi đầu hẻm uống cà phê, mỗi khi tôi đi qua họ kín đáo nhìn theo, im lặng. Tôi nói quen là quen cặp kiếng đen và tư thế ngồi uống cà phê, hút thuốc trong im lặng của họ. Không có điều gì lạ xẩy ra. Ðúng là “diễn biến hòa bình”! Có đến 5, 6 tháng trời như vậy. Trong thời gian làm thư ký, tôi có dịp tiếp xúc với một giáo sư (rất) nổi tiếng của miền Bắc. Anh vào Tp.HCM dạy học hay dự một hội nghị gì đó. Anh tới gặp tôi, hỏi thăm về vụ việc, và xin tôi bài tham luận. Anh còn nói rõ hơn: bài đọc ấy chứ không lấy bài viết. Cần nói thêm cho rõ: cùng tựa đề “Diễn biến tư tưởng của trí thức tại chỗ từ 1975 đến 1980”, tôi có đến 3 bài tham luận, hình thức giống hệt nhau: một bài gửi cho Ban tổ chức Hội nghị, một bài riêng dùng để đọc, một bài chằng chịt số liệu, bài báo nước ngoài nói về trí thức vượt biên, để gửi bạn bè ở nước ngoài. Tôi đưa cho anh bài tham luận đọc. Hôm ấy khi về nhà, tôi có cảm tưởng hai ông bạn đeo kính đen quan sát tôi kỹ hơn. Chột dạ, tôi khẽ gật đầu chào họ rồi nghiêm mặt đi thẳng.

    4. Bạn có bao giờ gặp một lãnh đạo cộng sản đối xử với bạn với tư cách một người trí thức, có khi còn hơn cả trí thức đối với nhau (kiểu xu nịnh, ganh ghét, nói xấu sau lưng)? Khi vụ “trao đổi” Ðảng và trí thức tới lúc căng thẳng thì tôi nhận được một bức thư ngắn và một món quà (một số báo SGGP) của một vị lãnh đạo ở Tp.HCM. Bức thư như sau:

      “Anh Văn thân mến,

      Hẳn anh còn nhớ hôm UBND chiêu đãi Tết năm ngoái chúng ta đã gặp nhau và nói về cuộc họp bàn về văn hóa của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Anh và tôi cũng đã trao đổi với nhau. Sau này tôi có nghe anh phát biểu về những suy nghĩ của trí thức và anh em đã có trao đổi nhiều với anh.

      Cho đến một hôm tôi đọc trong Lénine toàn tập một số thơ Lénine viết cho Gorki, tôi nghĩ giá anh đọc qua những bài ấy. Tôi có nói anh em TH nên gửi cho anh. Tôi nghĩ họ chưa làm đâu. Nay bỗng nhiên đọc trong tờ SGGP trang 2 tôi lại gặp lại những bài này. Tôi chắc anh có tờ báo này nhưng tôi cứ gửi lại anh để anh đọc.

      Tôi không rõ anh sẽ nghĩ thế nào, nhưng tôi gửi anh với tấm lòng của một người bạn cũ đã gặp nhau trước Giải phóng và mong mỏi mọi sự tốt lành cho nhau.

      Thân, X”

      Bức thư quả có tác dụng trấn an đối với tôi và hạ hỏa với những người muốn “trao đổi nhiều” với tôi. Ông đã chỉ cho họ “cộng sản phải đối xử với trí thức” như thế nào, với tư cách một người trí thức, yêu dân chủ, tự do, chứ không phải với tư cách một người cộng sản, quen mệnh lệnh, giáo điều.


  3. Ðiều tôi học được từ những giai thoại trên là:

    1. Còn “bầy hầy” thì còn phải la lên, và la thật lớn, đừng bao giờ chịu im lặng. Trước kia, “Tôi biểu tình, vậy tôi hiện hữu”. Ngày nay, “Tôi la, vậy tôi hiện hữu”. Thực đơn ghi “giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” mà nhà bếp lại mang lên “tham nhũng, dân chủ trá hình, mua bán quota” thì coi thường Thượng Ðế quá, không la sao được. Không lẽ đất nước đã biến thành quán cơm tù?

    2. Cần can đảm và trung thực, đấu tranh bảo vệ điều mình tin là đúng, là tốt, chống điều mình nghĩ là sai, là xấu. Không nói có thành không, nói không thành có. Có khi cần đeo mặt nạ, có khi phải bỏ mặt nạ ra.

    3. Chân lý có sức mạnh thu hút, đoàn kết những người thành tâm, thiện chí, không phân biệt trong Ðảng ngoài Ðảng, trong nước hay ở nước ngoài.

    4. Về vấn đề xây dựng dân chủ, tôi rút ra được hai ý: Có một khoảng cách rất xa giữa chủ nghĩa xã hội trong đầu óc các nhà trí thức (cộng sản và không-cộng sản) và chủ nghĩa xã hội hiện thực trước mắt. Mặt khác, thái độ của trí thức và của nhà nước đối với trí thức tùy thuộc vào tinh thần và trình độ dân chủ của hoàn cảnh lúc xảy ra vụ việc. Một số nghĩ tới NVGP, có thể, nhưng tôi thì tôi nghĩ khác. Tinh thần dân chủ của Miền Nam lúc đó không cho phép anh muốn làm gì thì làm đối với trí thức như ở miền Bắc trước kia. Phải công bằng mà nói, Nhà nước ngoài mồm răn đe dữ dằn vậy thôi, chứ trong lòng cũng cảm phục hoặc ngán trí thức. Mềm nắn rắn buông. Bản thân anh trí thức thì chẳng có gì đáng ngán, đáng ngán là cái tinh thần dân chủ mà anh trí thức miền Nam được thừa hưởng, và nhất là cái khí thế bừng bừng lúc đó. Có một câu chơi chữ rất nổi tiếng, Nordmalisation du Sud, Démocratisation du Nord, nghĩa là áp đặt chuẩn mực miền Bắc cho miền Nam- dân chủ hóa miền Bắc, dạy cho miền Bắc thế nào là dân chủ. Ðáng lý Bắc-kỳ-hóa miền Nam phải đối lại bằng Nam-kỳ-hoá miền Bắc, người ta đã thay Nam-kỳ-hóa bằng Dân-chủ-hóa. Ðối không chỉnh, nhưng hay ở chỗ không chỉnh đó. Miền Nam tiêu biểu cho Dân chủ, chỉ cần nhắc tới đặc trưng này thì mọi người hiểu là miền Nam còn (chế độ) miền Bắc, thì không có đặc trưng nào trội bật ngoài cái tên trần trụi của mình. Khi một âm mưu bị phanh phui trước mọi người thì nó trở thành một so sánh què quặt, một trò hề, cần điều chỉnh lại, chứ không thể nhắm mắt thực hiện như ý đồ ban đầu nữa. Nói cách khác, xu thế dân chủ hoá của thời đại không cho phép có một NVGP thứ hai (điều này đúng với miền Nam những năm 80, càng đúng với Việt Nam bước vào thế kỷ 21, hội nhập, toàn cầu hóa).


    11. Trách nhiệm chính trị của trí thức

    1. Cuối cùng, mối quan hệ Ðảng và trí thức-cộng sản, không-cộng sản, trong nước, ở nước ngoài - đã diễn ra như thế nào? Trăn trở và nghi ngờ. Trăn trở vì người nắm quyền không thực lòng muốn đổi mới, còn người muốn đổi mới lại không có quyền; nghi ngờ vì Ðảng đã thất hứa với nhân dân hai lần (bảng 2, 2B, 4B); có gì bảo đảm không thất hứa lần thứ ba? Ðã tới lúc nên bỏ mặt nạ ra.

    2. 1990, chủ nghĩa xã hội sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới. Chủ nghĩa yêu nước tiếp tục phát triển (độc lập, dân chủ, tự do), còn chủ nghĩa xã hội trắng tay, phải bắt đầu lại từ số không (quốc tế vô sản, toàn trị, giáo điều). Những lý tưởng mà chủ nghĩa xã hội hiện đang lớn tiếng hô hào thực ra được vay mượn từ chủ nghĩa yêu nước. Việt Nam có cái may lạ lùng là được bước vào quá trình hội nhập, toàn cầu hóa, một mặt nhờ vào “đế quốc” Mỹ và các nước tư bản phương Tây, mặt khác được Trung Quốc truyền cho nhiều bài học rất quý báu, trong đó có bài học Ðảng phải TỰ VƯỢT như thế nào khi bước vào quỹ đạo của kinh tế tư bản, mà vẫn giữ được bản sắc xã hội chủ nghĩa của mình. Tuy nhiên, với những thuận lợi trên, Ðảng vẫn muốn duy trì cơ cấu kinh tế chính trị lỗi thời, chưa tỏ ra thực sự muốn TỰ VƯỢT, muốn đổi mới. Các nhà báo nước ngoài nói anh nài cộng sản vừa đua vừa tìm cách thắng ngựa lại, vì đặc quyền, đặc lợi của đại công ty, bất chấp lợi ích nhân dân, xu thế phát triển của thời đại. Bầy hầy gia tăng (tham nhũng, thiếu dân chủ, vô trách nhiệm) không muốn chống. Những lý tưởng hô hào toàn dân góp sức thực hiện (giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh), chính bản thân Ðảng lại không muốn làm. Ðảng và Nhà nước có còn là của dân, do dân, vì dân, hay đã trở thành lực cản của tiến bộ, công bằng và phát triển xã hội? Ðảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài, càng không phải là một xí nghiệp tham nhũng, buôn bán quota, dân chủ trá hình. Ðảng còn là những gì đáng tự hào trăm ngàn lần hơn thế nữa. Hãy hành động cụ thể, hữu hiệu, đủ sức thuyết phục, cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, xây dựng đất nước “giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.” Nếu không, nhân dân -trong đó có trí thức cộng sản và không-cộng sản – không thể không đặt vấn đề về tính chính danh (về mặt lý luận), chính nghĩa (về mặt đạo đức) và chính đáng (về mặt pháp lý) của Ðảng.

    3. Người trí thức chẳng có gì ngoài sự trung thực và liêm khiết. Trách nhiệm của họ là nói lên những sự thực bị che giấu, ở những thời điểm đặc biệt của lịch sử. Cộng sản, người anh em của tôi: Mong những tín hiệu mới và đừng thất hứa nữa nghe!


    Kỷ niệm Cách mạng tháng 10

    7. 11. 2004

    © 2005 talawas