© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.1.2005
Nguyễn Văn Lục
Hiện trạng lão hóa nơi các nhà văn Hải ngoại
 
Trong văn học, người ta thường chỉ đưa ra những nhận xét hoặc đánh giá về vấn đề trì trệ hay phát triển, vấn đề suy thoái hay hưng thịnh của một thời kỳ văn học. Nghĩa là những đánh giá thuần túy về bản chất văn học. Nhưng hiện trạng lão hoá thì mới lắm. Bởi vì hiện trạng này chỉ thực sự xảy ra trong hoàn cảnh xã hội của người di dân ra nước ngoài. Nếu trước đây trên dưới 15 năm, có ai dám cả gan tiên đoán về có hay không một văn học của người di tản, hay sự lão hoá trong giới nhà văn thì điều đó được hiểu là một xúc phạm tinh thần, một bôi nhọ cộng đồng người Việt. Với gần 3 triệu người Việt, với hằng trăm tờ báo đủ loại, với một số nhà văn uy tín hàng đầu trong nước di tản ra nước ngoài, với sự tiếp nối của một số cây viết trẻ, nhiều người nghĩ đến một mảng văn học lưu vong so ngang tầm với mảng văn học trong nước. Niềm tự hào và ước vọng đó nay mỗi ngày mỗi suy giảm đến độ, sau 30 năm, người ta tự hỏi còn có hay chăng một mảng văn học của người Việt ở nước ngoài? Và nếu có thì có như thế nào? Có trong bao lâu nữa?

Nói về sự lão hóa, người viết bài này nhằm đưa ra những chứng liệu sát thực, những quy luật xã hội về sự hội nhập để thấy rằng hiện trạng lão hóa là điều tất yếu dẫn đưa đến sự suy tàn. Sự lão hoá không phải chỉ nhắm vào tuổi tác mà còn nhắm vào hoàn cảnh sáng tác, vào đề tài sáng tác của các nhà văn nữa.


1. Lão hoá về đề tài hay nguồn cảm hứng

Stanley Karnow, một nhà báo kỳ cựu ở Việt Nam khi đến Little Saigon đã nhận xét: ”Tôi không bao giờ kỳ vọng được trở lại trông thấy Sài Gòn một lần nữa. Nhưng bây giờ tôi đã thấy trở lại, ít nhất là về mặt tinh thần”. Và nhận xét về cuộc sống của người di tản, Karnow đã đưa ra một biểu tượng cây cầu “Vietnamese try to bridge two worlds in Orange County’s Little Saigon” (trích Stanley Karnow 1992: 29). Cây cầu đó nối liền hai thế giới Việt Nam và Mỹ, nối liền quá khứ với hiện tại. Mỗi người Việt Nam bỏ nước ra đi đều mang theo một quá khứ, phần lớn là đau thương, tủi nhục và mất mát. Họ chả quên được. Như nhà báo trẻ Andrew Lam viết trong một bài tựa đề: Viet Nam after normalization: Vietnamese in America Bid Farewell to Exile Identity (Jinn Home Page). Ông cho biết, cha ông là một cựu tướng lãnh trong quân đội miền Nam. Trong lúc ăn, các câu chuyện quá khứ thường bao trùm. Sau một vài ly rượu, cha của ông bắt đầu kể lại hồi ức về những trận chiến mà cụ tham dự và đã thắng trận. Kể riết rồi cậu bé Andrew Lam có thể nhìn thấy những trận mưa bom Napalm thắp sáng trên bầu trời đen tối. Chính những hoài niệm quá khứ này là cái căn cước của người Mỹ gốc Việt. Cái đã làm nên vinh quang của họ. Không có nó, họ còn là gì nữa? Ký ức về chiến tranh đã đưa con người Việt lưu vong vào một thế giới không còn nữa. Nó bầy tỏ một cảm thức sâu xa về một cái gì đó đã mất, rồi được huyễn hoặc về quá khứ cũng như cội nguồn của mình nhằm xoa dịu những nỗi đớn đau ấy. Ðó là một hội chứng sau 1975.

Người Việt lưu vong thế hệ đầu tiên 1975-1978, sau khi đã hội nhập vào đất nước tạm dung thường tìm cho mình một căn cước Việt tính (origin identity) như một lẽ sống còn, một chỗ trú ẩn. Hồi tưởng lại cuộc chiến là một cái trục xoáy (pivotal place) để từ đó người Việt lưu vong nhìn ra gốc gác (racial identity) của mình. Những buổi lễ, những câu truyện bên chén trà, ly rượu, những buổi diễu binh như ở Boston với những người lính Việt Nam Cộng hoà đồng phục đủ loại, với cờ quạt nghi lễ, những buổi ca nhạc kịch… Tất cả như muốn vực dậy cái quá khứ mà nay dần chỉ còn là những huyền thoại như Jean Baudrillard viết: “When the real is no longer what it used to be nostalgia assumes its full meaning. There is a proliferation of myth of origin and signs of reality, or second-hand truth… And there is a panic-ctricken production of the real and the referential” (Trích Recognizing Vietnamese Loss 1983#402 12-13).

Nhưng thường thì người ta không dửng lại ở đó. Người ta thường chuyển hoá những kỷ niệm, những hoài niệm quá khứ thành một lý tưởng, một chủ trương, một đường lối, một chỉ hướng soi đường để hành xử và phê phán. Biến cái quá khứ thành hiện tại, biến cái không thực trở thành hiện thực. Họ tự đánh rơi chính mình, biến những đau thương đó thành vũ khí chính trị, thành bạo lực đàn áp, thành một Holocauste nhắm vào những nguời cùng thân phận, những người cũng từ đó mà ra. Những năm tù cải tạo không phải là một bảo chứng hay một thứ văn bằng cho phép họ độc quyền tư tưởng và khống chế những người di tản khác. Cũng đừng vì lý do gì hạ thấp mình, nấp sau những khẩu hiệu, những lý tưởng đã cùn đã rỉ để chụp mũ bôi nhọ vô bằng. Mỗi một lời chụp mũ vô bằng cớ là những viên đạn thù tự giết chính mình. Cả hai chữ Cộng sản và Quốc gia thực ra đều đã bị sài mòn cả rồi. Ðó là những món hàng ế ẩm đã mất giá. Người Mỹ, cha đẻ sản xuất ra những món hàng đó đã quên và đã bán những món hàng mới mẻ khác rồi. Có ai còn nghe đâu đây tiếng rao hàng của người Mỹ về Thế giới Tự do nữa không?

Chỉ có đất nước và con người. Chỉ có dân tộc và quê hướng xứ sở. Chỉ có tình đất nước và tình người. Chỉ có lịch sử và giống nòi. Chỉ có tôi và anh nói cùng thứ tiếng, cùng cội nguồn. Chỉ có đất nước Việt Nam và con người Việt Nam dù ở đâu, dù ở trong hay ở ngoài.

Người Mỹ hơn ai hết hiểu rõ tâm trạng đó nên ngay từ 1975 đã có chủ trương phân tán người Việt di tản đi khắp nơi trên toàn nước Mỹ như lời bà Ellen Mathews đã viết trong cuốn Culture Clash của bà. Chính phủ Mỹ đã tìm cách phân tán mỏng những người Việt di tản để tránh cái tình trạng: “một sự nhắc nhở quá lộ liễu về chiến tranh”.

Cho nên cũng chẳng lạ gì, những nhà văn di tản lớp đầu đương nhiên lấy nguồn cảm hứng hay đề tài về cuộc chiến đã qua. Lê Tất Ðiều với bút ký Ngưng bắn ngày thứ 492 (1978). Bài thơ Cảm khái sau đây với những hoài niệm bi phẫn về cuộc chiến đã qua:

Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi vu vơ.
Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ. (1977)

Ông còn viết chung với Võ Phiến tùy bút Ly hương (1977). Võ Phiến bắt đầu viết Thư gửi bạn (1976), Ðất nước quê hương, Lại thư gửi bạn (1979). Thanh Nam với bài thơ Xuân đất khách:

Ðổi ngược họ tên cha mẹ đặt
Tập làm con trẻ nói ngu ngơ
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do. [1]

Giai đoạn di tản đợt hai từ đầu thập niên 80 tới đầu 90 với những người đã có kinh nghiệm từng sống dưới chế độ cộng sản, từng đã đi tù, từng đi cải tạo, từng nếm mùi bo bo, từng phải liều mạng trên biển mà thế giới gọi họ là “những thuyền nhân” (boat people). Nay thì đề tài chống cộng là phổ biến. Các nhà văn lớp di tản thứ hai lên án trực tiếp chế độ cộng sản bằng chính kinh nghiệm xương máu của họ qua các truyện dài, nhất là những bút ký, hồi ký đủ loại. Nguyễn Chí Thiện với tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực gây chấn động một thời. Trần Huỳnh Châu với Những năm cải tạo ở Bắc Việt (1981). Hà Thúc Sinh với Ðại học máu (1985). Tạ Chí Đại Trường với cuốn hồi ký Một khoảnh Việt Nam cộng hoà nối dài, theo tôi, đây là một cuốn hồi ký đắt giá. Cao Xuân Huy với Tháng Ba gẫy súng (1986), rất trung thực, lên án các cấp chỉ huy của mình hèn nhát bỏ lại đồng đội. Cuốn sách đã gây được sự chú ý của nhiều người đọc. Tiếp theo đó là các nhà văn như Nguyễn Mộng Giác, Duyên Anh, Nhật Tiến, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Khắc Ngữ, Lê Văn Phúc, Nguyễn Đức Lập, Tưởng Năng Tiến, Võ Hoàng, Nguyễn Bá Trạc, Xuân Vũ, Phan Nhật Nam, Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Ðiền.

Tuy vậy, cái hội chứng 75 cứ được nhắc đi nhắc lại đến ngấy, đến không còn gì để nói nữa. Tạm gọi đó là thứ văn chương H.O. Viết như thế một điệp khúc nháy đi nháy lại năm này qua năm khác thành cháy cả đám, các nhà văn ấy trở thành những người tuyên truyền lão hoá và xuống cấp mà không biết.

Nhưng khi tình hình chính trị ở Việt Nam cũng như thế giới đã có nhiều biến động, nhất là từ khi có sự sụp đổ các nước cộng sản Ðông Âu, cộng thêm đường lối cởi trói và mở cửa ở trong nước từ năm 1986. Dần dần có một số nhà văn, qua trải nghiệm thực tế, có xu hướng đặt lại những quan điểm phê phán chế độ cộng sản. Bắt đầu với Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến và Duyên Anh. Các nhà văn này xét lại những ý thức hệ cộng sản, tư bản; thực chất cuộc chiến tranh bị coi là phi nhân, phi nghĩa như một cuộc nội chiến. Ði xa hơn nữa họ nói tới tình nhân loại, con người Việt Nam không phân biệt Nam Bắc, tới quê hương dân tộc. Nhật Tiến với Một thời đang qua (1985) Mồ hôi của đá (1988). Duyên Anh với Ðồi Fanta, Nhìn lại những bên bờ. Nguyễn Mộng Giác với Ngựa nản chân bon. Sự nhìn lại mình, duyệt xét lại một quan điểm chính trị thức thời là một thái độ chân thật và can đảm của nhà văn, nhưng lại dễ bị chụp mũ và bị bôi bẩn.

Hoặc như Nguyễn Ngọc Ngạn thay vì tiếp tục viết với xu hướng chống cộng như trong truyện đầu tay The will of Heaven (1982), Biển vẫn chờ đợi đã chuyển hướng viết những truyện tình vô thưởng vô phạt, nhằm đáp ứng thị hiếu một số độc giả trên các báo chợ. Và quả thực, ông trở thành một tác giả khá ăn khách cho một giới người đọc nào đó. Một giới độc giả mà thời nào cũng có.

Kể từ đầu thập niên 90, vẫn còn một số nhà văn khai thác lại những chủ đề quen thuộc về chiến tranh, cuộc sống người tỵ nạn, kiếp lưu vong, pha trộn những khắc khoải băn khoăn của tiến trình hội nhập vào xã hội mới. Ðó là các nhà văn như Trần Diệu Hằng, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Hồ Trường An, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Quốc Bảo v.v. Nhưng trước một cuộc sống đã quá nhiều thay đổi với một đa số là giới trẻ mới lớn, thuộc thế hệ thứ hai của người di tản, những đề tài của các nhà văn trong các tiểu thuyết của họ hầu như không còn đáp ứng kịp, hoặc đã trở thành cũ mòn. Viết mãi một đề tài, nó dễ trở thành cliché, chuyện hay mấy cũng là chuyện nói rồi… Phải chăng đó là tình trạng già nua, cũ mòn, lão hoá, thiếu sáng tạo của một số nhà văn di tản?

Ngoài một vài tác giả như Nguyễn Mộng Giác, Cao xXuân Huy, Tạ Chí Đại Trường, Xuân Vũ hay một Hồ Trường An…, những nhà văn lớp trước như Nhật Tiến, Duyên Anh, Phan Nhật Nam... sức viết không còn được như trước nữa. Ấy là chưa kể đến những người như Nguyên Sa, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ. Người thì đã không còn nữa, người còn ở lại cũng ngưng viết.

Những nhà văn với những đề tài đã được nhiều người viết nên mất hẳn sức căng, sức quyến rũ. Nó như những lối mòn không khéo một chút dễ đi đến chỗ nhàm chán. Xa tý nữa, đi vào chỗ khép lại như những ghetto văn nghệ, bất chấp thực tế xã hội, bất chấp cuộc sống sinh động hiện tại, tự xếp mình vào hàng ngũ những nhà văn lưu vong. Những truyện viết như thế dần mất chỗ đứng, không có người đọc. Vì thế, mấy ai còn chịu khó đọc những tác phẩm xuất bản ở ngoài nước như Một người Nga ở Sài Gòn, Bầy sư tử lãng mạn, Nhà tù, Nhìn lại những bến bờ, Một người tên là Trần Văn Bá của Duyên Anh? Còn đâu những Hoa thiên lý, Thằng Vũ, Dấu chân sỏi đá, Vết hằn trên lưng ngựa hoang? Mấy ai đã đọc và biết đến Mồ hôi của đá, Gặp gỡ cuối năm, Tiếng kèn của Nhật Tiến? Những truyện vừa kể lấy chi để so với những Thềm hoang, Những người áo trắng, Truyện bé Phượng hồi trước 1975? Có cái gì của Phan Nhật Nam viết hiện nay có thể so sánh được với Dấu binh lửa, Dọc đường số 1, Ai trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà bình và nhất là Mùa hè đỏ lửa?

Nhưng cũng trong thời gian này, người ta thấy những đóng góp đáng kể và khởi sắc của một số nhà văn trẻ viết truyện ngắn như Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Vũ, Kiệt Tấn, Trân Sa, Mai Ninh v.v và một số nhà văn mới như Phùng Khánh Minh, Ðỗ Lê Anh Ðào v.v.


2. Tình trạng lão hoá nơi các nhà văn

Lớp nhà văn từ 70 tuổi trở lên

Ðây là dấu hiệu đáng lo ngại nhất, vì những nhà văn này đã thành danh, đã có chỗ đứng trong văn học và hiện nay không ai thế vào chỗ của họ được. Mỗi một người trong số họ mất đi, thêm một chỗ trống. Ai có thể thay thế cho Mai Thảo, Nguyên Sa, Duyên Anh? Mặc dầu Mai Thảo của thập niên 1954-1960 cũng giống Mai Thảo của thập niên 1963-1975 và cũng không khác bao nhiêu với 1979 về sau. Ông vẫn thế, bất kể những biến thiên, xáo trộn của thời cuộc đang rúng động, trụt lở dưới chân ông. Những nhà văn còn sót lại của lớp tuổi trên 70 có thể đếm trên đầu ngón tay. Chẳng hạn thế hệ nhà văn sau 1954 như Doãn Quốc Sĩ (1923), với một văn nghiệp gồm những Sợ lửa, Gìn vàng giữ ngọc, Hồ thùy dương, Cánh tay nối dài, Dòng sông định mệnh, Trái cây đau khổ và trường thiên tiểu thuyết Khu rừng lau được kể là đồ sộ. Sau 1975, ở hải ngoại, ông cho xuất bản Mình lại soi mình (1981), Người vái tứ phương (1982), Dấu chân cát xóa, Cỏ đùm (1997). [2] So ra, văn nghiệp thời kỳ sau 75 của ông kể là sút giảm. Nhưng người ta vẫn tìm thấy ở Doãn Quốc Sĩ một tấm lòng đôn hậu, lạc quan tin vào người, tin vào đời. Phải chăng, đó là nét đẹp nhất của một nhà văn, một nhà giáo? Bình Nguyên Lộc(1914-1987) với các tác phẩm Ký thác, Tâm trạng Hồng, Tình đất, Cuống rún chưa lià, Quán tai heo, nhất là cuốn Ðò dọc. Ông sang Hoa Kỳ, ở Sacramento và mất ở đó năm 1985. Ông là nhà văn tiêu biểu của văn chương miền Nam, đồng thời vừa là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà biên khảo. Duy Lam(1932) với Chồng con tôi, Gia đình tôi, Cái lưới, Lột xác, Nỗi chết không rời. Sau 1975 cho xuất bản tuyển tập Truyện mới (1995), Em phải sống (1996)... Ai đã có dịp đọc Duy Lam trong các tác phẩm đầu tay như Gia đình tôi sẽ nhận thấy ông viết rất dí dỏm, rất vui tươi lành mạnh. Minh Ðức Hoài Trinh (1930) với các tác phẩm như Lang thang, Bơ vơ, Thiên nga, Tử địa, Trà thất cũng đã ngưng sáng tác. Ðặc biệt chỉ có Võ Phiến (sinh 1925) đã xuất bản nhiều tác phẩm ở trong nước cũng như khi ở ngoài nước. Trong nước như Mưa đêm cuối năm, Ðêm trăng sáng, Giã từ, Tạp luận, Tạp bút. Sau 1975 với Văn học miền Nam tổng quan, Thư gửi Bạn, Lại thư gửi Bạn… Giai đoạn sau 75 ở Hải ngoại, ông thiên về khảo luận nhiều hơn là sáng tác. Ðiều đó cho thấy có sự suy giảm trong sáng tác. Thanh Nam (1931-1985) với Người nữ danh ca, Buồn ga nhỏ, Còn một đêm nay, Bầy ngựa hoang, Những phố không đèn, Mấy mùa thương đau, Trăng đất khách. Kể như ông đã không sáng tác được gì từ khi ra Hải ngoại, ngoại trừ một số bài thơ cảm khoái về số phận. Xuân Vũ với Ðường đi không đến, từ 1973 đến 1996 gồm 5 tập, rồi 2000 ngày đêm trấn thủ Cử Chi, Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi đã biết, đã in được 3 tập Cách mạng tháng 8, Cha đẻ còng số 8, Sông nước Hậu Giang, Bùn đỏ, Kẻ sống sót, Con người vốn quý nhất, Thiên đàng treo. Một số hồi ký như Tấm lụa đào, Quê hương yều dấu, Trăng kia chưa xế, Vàng mơ bông lúa, Những độ gà nòi, Xóm Cái Bần, Buồng cau trổ ngược… Ngoài ra, còn có một số truyện viết liên quan đến Cộng đồng người Việt Hải ngoại như Ngọc vùi, Hột xoàn là của Trời cho, và cuối cùng là The survivor (Kẻ sống sót) [3] . Có lẽ ít có nhà văn chống cộng nào viết một cách đầy đủ muôn mặt từ bên trong chế độ ấy như Xuân Vũ, với một trí nhớ kỳ diệu và một cái nhìn nhân bản soi rọi vào cái chế độ thiếu nhân tính ấy. Ngậm ngùi và đau xót với phong cách của một người miền Nam đã từng đi theo khánh chiến, từng là kẻ ở trong cuộc. Những tác phẩm của Xuân Vũ trước 75 trình bầy những mảnh đời, những câu truyện bên trong của xã hội cộng sản và được độc giả trong Nam đón nhận một cách nồng nhiệt. Hoàng Hải Thủy (1930) có khoảng 30 chục tác phẩm như Bạn và vợ, Môi thắm nửa đời, đi tù cộng sản ngay từ tháng 5. 1975, sau đó ra Hải ngoại. Ông vẫn viết cho các báo chợ và mới cho xuất bản cuốn Những tên biệt kích cầm bút, (2000). Chuyện không có gì đặc biệt, chẳng nhắn gửi được gì, cũng chẳng nói lên được gì, hoặc gây một ấn tượng đặc biệt nào. Người đọc cũng thấy rõ sức viết của ông không còn nữa. Viết như thể cho xong, tàm nhàm giống như thể một số sách dịch của ông trước 1975. Cuốn sách Những tên biệt kích cầm bút có thể nói là tầm thường, điển hình cho một loại sách viết đã hết chất, hết lửa. Người đọc ông lấy làm thất vọng. Với những năm trong tù với vốn sống như thế được viết ra như thế kể là chưa tới. Võ Ðình (1933) với Xứ sấm sét (1987), Ðóa sen và nụ cười (1990), Sao có tiếng sóng (1991) được kể là một trong số những nhà văn viết muộn ở Hải ngoại, nhưng viết có chất lượng, khá hay với một văn phong riêng, chải chuốt và đặc sắc. Vị Khuê (1931) với Ngựa hồng trên đồi cỏ (1986), Những ngày ở Virginia (1991), Vẫn chờ xe thổ mộ (1993), đều được in và xuất bản ở Hải ngoại. Nhưng không mấy đặc sắc.

Nói chung trong số tất cả những nhà văn vừa nêu trên, sức sáng tác vừa có sự sa sút rõ nét vể phẩm cũng như về lượng. Bình Nguyên Lộc, Minh Ðức Hoài Trinh, Thanh Nam kể như tắt tiếng. Hoàng Hải Thủy sa sút đến chẳng còn gì để nói. Trừ Võ Phiến và Võ Ðình có những tác phẩm được kể là sáng giá. Dù vậy, nó cũng không đủ gây một cú sốc đặc biệt trong văn học Hải ngoại. Nó vẫn chưa có được tầm vóc như độc giả mong đợi, nhất là trong trường hợp Võ Phiến. Một mặt khác, nó báo hiệu một thời kỳ suy tàn khó tránh khỏi.


Những lớp nhà văn từ 60 đến 70

Ðây là lớp tuổi nhà văn chiếm số lượng đông đảo nhất ở Hải ngoại. Họ là những Nguyễn Mộng Giác, (1940) với Nỗi băn khoăn của Kim Dung, Bóng thuyền say (1974) Tỵ nạn sang Hoa Kỳ, ông có các tác phẩm Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng, nhất là trường thiên Mùa biển động (1989) và Sông Côn mùa lũ (1991). Duyên Anh (1935) với 50 tác phẩm xuất bản trước 75. Có lẽ số lượng đầu sách xuất bản đó chỉ thua có một Bình Nguyên Lộc mà thôi. Ðó là các truyện Hoa thiên lý, Thằng Vũ, Dũng Dakao, Vết hằn trên lưng ngựa hoang, Tuổi mười ba, Áo tiểu thư, Em đã yêu anh. Ngựa chứng trong sân trường. Ông là nhà văn của tuổi thơ với những thằng Côn, thằng Khoa, thằng Vũ, con Thúy đến Dzũng Dakao, Chương Còm, Bồn, Hưng mập… Ðó là thứ tuổi trẻ bụi đời và du đãng. Thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam mang ơn ông rất nhiều về những cuốn truyện của ông viết về họ. Trang Châu với Y sĩ tiền tuyến và ở Hải ngoại với bút ký Về Biển Ðông, Dì Thu. Không có gì đặc biệt. Thế Uyên (1935) với các tác phẩm Hạt cát, Mười ngày phép của một người lính, Những ý nghĩ của bọt biển, Nỗi chết không rời, Bản tình ca, Nghĩ trong một xã hội tan rã. Kiệt Tấn (1940) tên thật là Lê Tấn Kiệt với Nụ cười tre trúc (1987), Lớp lớp phù sa (1988), Nghề múa (1989), Em ơi biết đâu tìm (1994). Phan Nhật Nam với Dấu binh lửa, Ải trần gian, Dựa lưng nỗi chết, Tù binh và Hoà bình, Dọc đường số 1 và nhất là Mùa hè đỏ lửa (1972); sau 1975 với Những chuyện cần được kể lại, Mùa đông giữ lửa, Ðường trường xa. Nhật Tiến (1936) với Những người áo trắng, Những vì sao lạc, Tay Ngọc, Chuyện bé Phượng, Người kéo màn, Chim hót trong lồng, Quê nhà yêu dấu, Lá chúc thư, Theo gió ngàn bay. Ông được nhìn nhận như một nhà văn viết cho tuổi thơ bất hạnh, viết về những mảnh đời của trẻ em mồ côi với những tên Phượng, Dung, Cúc, Alice, Hạnh. Sau 75 có Mồ hôi của đá, Tiếng kèn, Gặp gỡ cuối năm, Một thời đang qua. Ngô Thế Vinh (1941) với Mây bão, Vòng đai xanh, Mặt trận văn nghệ ở Sài Gòn, Gió mùa, Vòng đai xanh. Sau 1975, ông viết Cửu Long cạn dòng, Biển Ðông dậy sóng. Nguyễn Văn Sâm (1940) với Ngày tháng bồng bềnh, Câu hò Văn Tiên, Miền Thượng Uyển xưa. Nhã Ca, tên thật Trần Thị Thu Vân (1939) với Ðêm nghe tiếng đại bác, Ðêm dậy thì, Sống một ngày, Giải khăn sô cho Huế, Tình ca trong lửa đỏ, Một mai khi hoà bình, Lăn về phía mặt trời... Thảo Trường, tên thật Trần Duy Hinh (1939) với Thử lửa, Người đàn bà mang thai trên kinh Ðồng Tháp, Vuốt mắt, Cánh đồng đã mất, Bên đường rầy xe lửa, Người khách lạ trên quê hương. Sau 75 có Tiếng thầm trong bụi tre gai (1995) Ðá mục (1998). Túy Hồng, tên thật Nguyễn Thị Túy Hồng, vợ nhà văn Thanh Nam, (1938) với tác phẩm Thở dài, Vết thương dậy thì, Bướm khuya, Eo biển đa tình, Tay che thời tiết, Tôi nhìn tôi trên vách, Những sợi sắc không. Hoàng Khởi Phong (1943) với Ðại Nam văn hiến, Trong hoàn cảnh khác, Thư không người nhận. Sau 1975 với những sáng tác như Ngẩng mặt nhìn trăng sáng (1978) và nhất là Ngày N.+ (1998), Thư không người nhận (1991), Người trăn năm cũ (1994), Những con chuột thời thơ ấu (1995). Nguyễn Ngọc Ngạn (1946): Mầu cỏ uá, Nước đục, Lúc gần sáng, Sân khấu cuộc đời, Biển vẫn đợi chờ, Sau lần cửa khép, Ðếm những mảnh đời, Trong sân trường ngày ấy, Ngày buồn cũng qua mau, Dung nhan người goá phụ, Chút ân tình mong manh, Quay trong cơn lốc, Dấu chân xưa, Xóm Ðạo, Dòng đời lặng lẽ… Lâm Chương với Ðoạn đường Hốt Liệt (1998), Ði giữa bầy thú, Lâm Chương truyện và những đoản văn (2004). Lê Tất Ðiều hay là Cao Tần, với Khởi hành (1961), Quay trong gió lốc. Nguyễn Quốc Trụ (1937) với Những ngày ở Sài Gòn (1970), Lần cuối, Sài Gòn (1998), Nơi người chết mỉm cười (1999). Hồ Trường An (1938) với Lớp sống phế hưng, Nửa chợ nửa quê, Giai thoại hồng, Cõi ký ức xanh, Ðồng không mông quạnh, Chuyện miệt vườn, Tạp chủng, Chân trời mộng đẹp, Chuyện ma đất Tân Bồi, Trang trại thần tiên, Vùng Thôn Trang diễm ảo. Nguyễn Thị Hoàng Bắc với Long lanh hạt bụi, Bên lở bên bồi, Nhện, và có thể sắp in Kéo neo mà chạy. Phan Lạc Tiếp (1933) với Bờ sông lá mục, viết ở Hải ngoại: Quê nhà 40 năm trở lại. Song Thao, tên thật Tạ Trung Sơn (1939) với Bỏ chốn mù sương (1993), Ðong đưa cuộc tình (1996), Còn đó bóng hình (1997), Chân mang giầy số 6, Bên lưng những con chữ, Cuối này, một lần ngồi lại. Trần Doãn Nho, tên thật Trần Hữu Thực (1945) với Vết xước đầu đời (1995), Căn phòng thao thức (1997), Dặm trường (2001). Trần Long Hồ với Ngày quanh quẩn (1991), Niềm vui ung thư (1992), Cõi mù sa, Kẻ đào mồ (1993), Mưa không ướt đất (1967), Cơn hồng thủy và bóng hoa quỳ (1969), Một cuộc tình (1972), Lập đông (1973). Nam Dao, tên thật Nguyễn Mạnh Hùng, với Ðất trời (2002), Khoảng chơi vơi (2001), Trong buốt pha lê (2001), Tiếng còng (2000), Gió lửa (1999). Võ Kỳ Ðiền (1941) với Kẻ đưa đường (1986), Miền đất lạ (1992). Mai Kim Ngọc với Một chút riêng tư, Một kiếp cô liêu, Thuyền nhân. Vĩnh Hảo với Thiên thần quét lá…

Trong số những nhà văn lớp tuổi từ 60-70, có những nhà văn rơi vào sự sa sút so với thời kỳ còn ở trong nước như Nhật Tiến, Duyên Anh, Túy Hồng, Thảo Trường, Thế Uyên, Phan Lạc Tiếp và nhất là Phan Nhật Nam. Họ viết mà như thể không tới được nữa. Vốn sống nghiệt ngã tù đầy vẫn không đưa tác phẩm của họ lên cao được. Có những người thay đổi thái độ chính trị đã đành, như Duyên Anh, Nhật Tiến. Những người như Phan Nhật Nam, Thảo Trường vẫn một lòng, vẫn kiên trì, nhưng tác phẩm của họ không gửi được một message nào cho độc giả. 14 tuổi đời làm lính viết của Phan Nhật Nam đã làm nên sự nghiệp văn chương của ông. Nhưng 14 năm tù lại chẳng nên cơm cháo gì.

Có những nhà văn sáng tác không nhiều ở cả hai thời kỳ, thật khó mà đánh giá như Lâm Chương, Nguyễn Quốc Trụ, Trần Hữu Thực, Lê Tất Ðiều.

Có những nhà văn viết sau này có những đóng góp tích cực mà không thể so với thời kỳ còn ở trong nước như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Song Thao, Võ Kỳ Ðiền, Trần Long Hồ, Mai Kim Ngọc.

Có những nhà văn tạo được một bề nổi, có một số độc giả ưa chuộng nhất định như Hồ Trường An, Nguyễn Ngọc Ngạn. Cả hai đã gặt hái được những thành quả lớn nhất định, trội vượt hơn bất cứ nhà văn nào về số người đọc. Cả hai viết khá nhiều và cũng thành công ở một mặt nào đó, vì họ có một số độc giả ái mộ. Nhưng văn phong, cốt truyện, cách xây dựng nhân vật truyện thì có khác nhau. Nguyễn Ngọc Ngạn thiên về việc tả những tình tiết tâm lý rất gần với những nhà văn của thời Tự Lực Văn Đoàn. Trong cuốn Nhìn lại một thập niên, ông đã bầy tỏ không muốn trở thành một nhà văn lớn theo nghĩa có tầm kích cho bằng một nhà văn được nhiều độc giả ưa chuộng. Kể ra ông có cái lý của ông. Hồ Trường An với những ám ảnh tình dục, với những câu truyện bình dân, đời thườn,g rất gần với văn chương miệt vườn, với Hồ Biểu Chánh.

Có những tác giả tạo được một thế giá, truyện có bản sắc cá biệt nhưng lại ít được độc giả biết tới như Nam Dao với một cuốn duy nhất là Gió Lửa hay Ngô Thế Vinh với Cửu Long cạn dòng, Biển Ðông dậy sóng. Sách của cả hai tác giả này đều không hẳn là dễ đọc, dễ lôi cuốn.

Nguyễn Mộng Giác được coi là sáng tác mạnh so với thời kỳ trước 75 và thành công nổi bật nhất ở Hải ngoại với Mùa biển động và Sông Côn mùa lũ. Ðịa vị của ông trong văn học được đánh giá dựa trên những tác phẩm này với thành quả lớn so với các nhà văn đồng thời.

Trong số những nhà văn lớp tuổi này, có những người khởi đầu sự nghiệp văn chương khá trễ như Nguyễn Thị hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Ngọc Ngạn và Nam Dao. Nguyễn Thị Hoàng Bắc chỉ bắt đầu viết truyện ngắn Mặt trận dài khi ở trong trại tỵ nạn. Nguyễn Ngọc Ngạn cũng thế. Nam Dao bắt đầu văn nghiệp vào tuổi 60, tuổi của xế chiều. Nhưng quả thực, ông viết rất có nét với một văn phong, thứ của riêng ông trong cấu trúc, hành văn và nhân vật truyện trong truyện dài Gió lửa. Ðây là cuốn truyện lịch sử đánh dấu sự thành công nhất của ông. Cũng thành công như thế là Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác và Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ. Kể cũng là chuyện lạ, nếu không nói là hiếm hoi. Ba tác giả, cùng viết về một giai đoạn lịch sử với ba cái nhìn hoàn toàn trái nghịch. Nhưng đều gây cho người đọc một thích thú đến lạ lùng. Dĩ nhiên, truyện của Nam Dao cũng không phải dễ đọc cho bất cứ ai.

Cứ giả dụ rằng, nếu không có biến cố 75, nếu không có cuộc đời di tản thì những Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc và có thể cả Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ không có dịp cầm đến cây viết. Nguyễn Thị Hoàng Bắc sẽ suốt đời là cô giáo dạy văn tỉnh lẻ như cô đã tâm sự trong một bài phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh, trên Hợp Lưu số 21. Mai Kim Ngọc sẽ chỉ biết cầm ống nghe, chích thuốc và cho toa. Kể ra cuộc đời cũng nhiều chỗ chồng chéo éo le, thua thiệt có bù khuyết khó mà nói hết. Nhưng điều đó cũng cho thấy có một khoảng trống lớn trong sinh hoạt văn học Hải ngoại. Ðó là sự thiếu vắng những nhà văn trẻ. Không có trẻ nên già phải thế chỗ và Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Mai Kim Ngọc mới xả thân vào chỗ trống đó. Nhưng những người như hai tác giả trên còn có viết lách ra trò, vô số những kẻ tưởng việc viết lách như một trò chơi nhảy vô cả đám, in ấn hà rầm, múa bút trên các báo chợ đi đến chỗ lọan văn, lọan chữ. Ðó là dấu hiệu không bình thường, dấu hiệu cá biệt chỉ có trong cộng đồng người Việt di tản. Dấu hiệu lão hoá, thiếu tuổi trẻ và dấu hiệu suy đồi bát nháo. Ðiều đó cũng cho thấy, việc viết văn ở Hải ngoại có tính cách nghiệp dư rõ nét. Một thứ nghề tay trái thêm vào, có cũng được mà không cũng được. Người ta chỉ bắt đầu nghĩ tới chuyện viết văn sau khi đã ổn định chuyện cơm áo, chuyện gia đình. Viết như thế trong hoàn cảnh và tâm trạng như vậy khó mà nổi đình nổi đám, khó trở thành những nhà văn lớn, có tầm cỡ.

Hãy nhìn lại thế hệ các nhà văn miền Nam sau 54, họ đều là những người cầm bút rất trẻ và rất sớm như Mai Thảo, Nguyên Sa, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ. Tô Thùy Yên làm thơ lúc 17 tuổi, Nguyên Sa làm thơ tình lúc 22 tuổi. Chưa người nào vượt quá tuổi 30. Ðã thế, họ còn là những nhà văn có máu chuyên nghiệp. Họ cũng giống như lớp nhà văn tiền chiến Vũ Trọng Phụng, Trần Tiêu, Nam Cao và những nhà thơ như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay những nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn như Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng… Họ bắt đầu sự nghiệp văn chương với nhiệt huyết, với tâm hồn của một người trẻ tuổi. Một hành trình sáng tạo, ấp ủ một giấc mộng văn chương như một văn nghiệp theo họ suốt hành trình nhân thế. Họ là nhà văn theo nghĩa thân phận hơn là một nghiệp dư.


Những nhà văn lớp tuổi từ 45-60

Ðó là Ðặng Thơ Thơ (1962), tên thật là Thơ Thơ, với Khi phong linh vỡ. Hoàng Mai Ðạt (1960) với Cánh đồng cho emGiữa hai miền mưa nắng. Hồ Đình Nghiêm (1957) với Nguyệt thực, Tờ mộng rách rờiVầng trăng nội thành. Khánh Trường (1948( với Cho tiếp giáp với cánh đồng, Có yêu em không, Chung cuộc, Buồn ơi, tôi bỏ tôi chìm đắm. Lệ Hằng (1948) với 14 tác phẩm trước 75 như Thung lũng tình yêu, Tóc mây, Bản Tango cuối cùng, Tình yêu như băng sơn, Chết cho tình yêu, Kinh tình yêu, Sóc nâu, Mầu xanh đang lên, Như sương long lanh;ở Hải ngoại với Sa tăng dịu dàng, (1992), Nghề làm vua (1992), Bên kia là núi và tập truyện ngắn Nói thầm với đá (1998), Hạnh phúc quanh đây, Bình nguyên xanh. Lê Minh Hà (1962) với Trăng góa, Gió biếc, Thương thế, ngày xưa. Lê Thị Huệ (1953) với Bụi hồng, Lũy tre xanh, Rồng rắn, Văn hoá trì trệ nhìn từ Hà Nội, đầu thế kỷ 21. Lê Thị Thấm Vân (1961) với Xứ nắng, Mùa trăng, Âm vọng. Nguyễn Thị Ngọc Lan (1957) với Một chút hạnh phúc nhỏ (1993), Trăng đất khách. Nguyễn Thị Thảo An với Bức phù điêu chắc cạn gồm 12 truyện ngắn. Nguyễn Ý Thuần (1953) với Tối thứ năm tại quán ăn đường Fifth, Người lính còn lại, Chốn không quên. Phan Thị Trọng Tuyến(1951) với Mùa hè, Một nơi khác, Một trang đời. Trần Diệu Hằng (1952) với Vũ điệu của loài công (1985), Mưa đất lạ (1986), Chôm chôm yêu dấu (1990), Niềm im lặng của mây. Trần Vũ (1962) với Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu, Cái chết sau quá khứ, Mùa mưa gai sắc. Bên cạnh đó, có một số đông các nhà văn chuyên viết truyện ngắn như Phùng Khánh Minh, Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Nguyên Phước, Phạm Thị Minh Thư, Thúy Hằng, Lê Quỳnh Mai, Nguyễn Danh Bằng, Thuận, Mai Ninh, Ðỗ Lê Anh Ðào, Nguyễn Hương, Kiệt Tấn.

Nhận xét chung về những nhà văn lớp tuổi này là họ không còn viết như trước nữa. Gần như mỗi nhà văn, mỗi cách thể hiện, độc đáo và khác người: Ðó là cách nói và nhận xét đầy đủ nhất. Chẳng hạn như trong Tôi, Anna và Thu của Nguyễn Danh Bằng, người đọc nhận thấy có điều gì đặc biệt trong câu chuyện, trong nhân vật, nội dung truyện mà chưa bao giờ tôi có cảm nghiệm được. Cũng như thế trong truyện Hai công dụng mới của máy sấy tóc của Phan Nhiên Hạo, câu chuyện xây dựng trên những tình tiết làm người đọc ngạc nhiên và ngỡ ngàng. Thời hậu chiến của Nguyễn Hương càng đưa ta lạc lõng vào những hình thức, thể loại, dựng truyện, dựng nhân vật đến không dễ nắm bắt được. Nhà văn Nam Dao đã giới thiệu Thời hậu chiến: “Ðây là một truyện ngắn kỳ lạ qua cấu trúc thời gian và không gian, đi từ lịch sử này đến một lịch sử khác, từ một văn hoá này đến một văn hoá khác, nhưng rồi tụ lại ở thân phận người, một con người bất cứ ở đâu cũng cứ treo lửng lơ nối giữa trời và đất bằng một sợi dây đong đưa định mệnh”. Nhiều lúc đọc mà cảm thấy hụt hẫng, sút chân không theo kịp, không nắm bắt được tác giả. Ðọc Ðêm nghi ngại của Cổ Ngư, chẳng khác gì người đi trong đêm, không tìm được lối ra. Các tình tiết câu truyện xoắn sít vào nhau như những mảnh rời nối kết lại một cách rời rạc không thuận lý. Hình như người đọc chưa kịp chuẩn bị đủ để đọc họ, hay ngược lại, tác giả thiếu chuẩn bị để tiếp cận người đọc? Hình như phải có con mắt thời đại để dõi mắt theo kịp thế giới truyện của các nhà văn hiện nay. Có khoảng cách xa lìa giữa mỹ học cũ với những tầng tầng lớp lớp bụi thời gian quá khứ với lịch sử đặc và dầy che phủ kín một lối nhìn thông thoáng thông lộ ra một tia sáng lạ? Tình trạng xa cách giữa lớp người đọc cũ và những nhà văn mới, có giống cảnh quan những con người đứng nhìn vào một hang động và chỉ thấy chiếc bóng mình và thế giới từ bên ngoài chiếu lung linh trên vách tường? Có sự chậm lụt trong tầm nhìn vì sự khép lại, lội bì bõm trong quá khứ đau thương và tủi nhục không rút chân ra được của lớp người di tản trước? Bấy nhiêu câu hỏi để tự tra vấn chính mình vẫn chưa có lời giải đáp.

Nay nhìn lại sinh hoạt văn học, trong nước thì xô bồ như chợ vỡ, tạp nhạp đủ thứ... Ngoài nước thì vắng hoe như buổi chợ về chiều. Cố mà vực dậy, cố mà vươn lên với những cố gắng của một số tập san, nhà xuất bản. Thế kỷ 21, Gió Văn, Văn, Văn Học, Hợp Lưu nằm trong số đó. Cứ giả dụ không có những tập san vừa nêu trên thì số phận sinh hoạt nhà văn Hải ngoại có còn nữa không? Nhưng người ta cũng nhận thấy hiện tượng lão hóa trong số những nhà văn trẻ trên đây. Rất nhiều nhà văn cầm bút muộn hay đã quá tuổi 40. Họ được coi là trẻ trong văn nghiệp, nhưng già tính theo tuổi đời. Nam Dao bắt đầu cầm bút năm 1999, khi tuổi đời sắp bước vào tuổi 60. Miêng, Mai Ninh bắt đầu sự nghiệp viết văn lúc trên 40 tuổi. Nguyễn Thị thanh Bình nay 46, Lê Thị Thấm Vân 43, Lê Quỳnh Mai 42, Nguyễn Hương 42, Phạm Chi Lan 42, Phạm Thị Ngọc 41, Ðinh Linh 41, Cổ Ngư 41, Nguyễn Quý Ðức 42, Hoàng Mai Ðạt 41, Thận Nhiên 42, Ðặng Thơ Thơ tên thì rất trẻ, nhưng nay cũng 42. Thật trẻ họa may còn có Ðỗ Lê Anh Ðào mới 25 tuổi. Lớp người đọc bây giờ cũng từ lớp tuổi 49 đến 70. Ðiều đó cảnh báo một tương lai không sáng sủa gì cho văn học ngoài nước. Ðã thế sự nghiệp văn chương thì nhiều người còn mỏng. Và vẫn là thứ văn chương nghiệp dư... Cứ nhìn những nhà văn trẻ viết văn bằng tiếng ngoại quốc không khỏi làm chúng ta suy nghĩ. Những người như Linda Lê, Monique Trương, Lê Thị Diễm Thúy, Pedro Nguyễn, Valerie Tống Cường... Phải chăng, muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp thì chỉ có con đường chọn viết văn bằng ngoại ngữ?

Nhưng những nhà văn trẻ vừa và thật trẻ vẫn là niềm hy vọng của sinh hoạt văn học di dân Việt Nam như những đóm lửa của hy vọng còn chờ đợi. Bên nhà, niềm hy vọng đặt vào những người thật trẻ như Ðỗ Hoàng Diệu (công bố tác phẩm bên ngoài), bên này thì ai? Do dự một giây lát, những người lớp trước như Lê Thị Huệ, Trần Vũ, Mai Ninh, đã là một lẽ... nay trọng trách đó đặt trên vai một số nhà văn có tiềm năng như Ðỗ Lê Anh Ðào, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Hương, Ðặng Thơ Thơ, Lê Quỳnh Mai và Phùng Khánh Minh? Bao giờ niềm hy vọng cũng vẫn chỉ là hy vọng?


3. Tình trạng lão hóa ngay chính nơi độc giả

Xin trích dẫn câu trả lời cho một nữ độc giả trên tờ Hợp Lưu cách đây mười năm: “Sách báo hiện nay vẫn đang trong giai đọan thoi thóp. Người đọc cạn dần, mãi lực yếu. Ðiều này nguy hiểm nhất: độc giả càng ngày càng già đi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lớp thay thế hầu như không có. Ðiều này cũng xảy ra cả với người viết. Vì vậy, văn chương Việt Nam ngoài nước hầu như không thể ”trẻ” được. Một tác phẩm nào ra ra ngoài cái khuôn mòn đã được định trong vài ba thập niên qua, là lập tức bị phản bác, chê bai, chửi mắng. Vì thế, chúng ta chẳng hy vọng gì có được ”một bứt phá ngoạn mục”, như trên dưới 40 năm trước, cuả Sáng Tạo với văn chương tiền chiến...”

Ðộc giả cũng là những người lưu vong, bỏ nước ra đi. Cũng mang tâm trạng và hội chứng sau 75. Câu truyện văn chương bị chính trị hóa thành một thứ tòa án nhân dân. Người đọc có những đòi hỏi thúc bách người viết phải viết thế này, phải viết thế kia nhân danh một quan điểm, một lập trường. Lập trường đó trở thành ý kiến của quần chúng, của đa số như thể một cao trào quần chúng. Ðiều đó phản ánh tâm tình của đa số độc giả. Nó đúng chứ không phải là sai. Nhưng từ những yêu sách, những mong muốn biến thành bạo lực áp đặt, khống chế, vu khống chụp mũ, mạ lỵ, triệt hạ uy tín một cá nhân là chuyện nay thành cơm bữa. Chỗ nào có tụ hội, chỗ nào có phe nhóm, chỗ đó có cảnh chụp mũ, bôi bẩn. Sinh hoạt cộng đồng trở thành bát nháo, chửi lộn đến chỗ ai cũng trở thành nạn nhân. Thật đáng tiếc. Văn học bị vạ lây và đốt cháy. Viết từ nay phải dòm trước, dòm sau, tránh né trước một bóng ma, một thế lực vô hình. Chỉ cần một cá nhân lên tiếng, nhân danh tập thể, cộng đồng thì tiếng nói của vị ấy trở thành có trọng lượng, một thứ công lý một chiều. Chưa bao giờ độc giả lại có cái thế phán quan, vai trò xét xử đến như thế. Ðã có lần, một nhà văn tôi quen biết kể lại việc mình đem một cuốn truyện có nội dung rất tốt, chống cộng là đằng khác, đem bầy bán trong một buổi họp cộng đồng. Chỉ cần một viên cựu đại úy lên cầm micro tố cáo nhà văn về chuyện mượn tiền in cuốn sách của đám di dân Hải Phòng (di dân Hải Phòng không phải người Quốc gia), cuốn sách đột nhiên phải cuốn gói, rút lui. Văn chương trở thành một thứ tuyên truyền lúc nào không hay, nhàm chán và lão hoá. Ðến một lúc nào đó thì chả ai muốn đọc những cliché đó nữa. Và càng ngày số người đọc một giảm đi theo năm tháng. Số người trẻ lớn lên, càng chiếm đa số, nhưng lại thờ ơ với sách vở viết bằng tiếng Việt. Cuối cùng văn học chỉ là sản phẩm dư thừa, ế ẩm và thiếu chất lượng. Nhà văn Hoàng Khởi Phong đã để ra 10 năm không viết, không đụng đến chữ nghĩa, chỉ vì thấy sách báo tác phẩm văn học được xếp lẫn lộn với tiêu muối hành.

Sự ra đời của báo chợ đã đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người đọc. Từ chỗ đó, bất cứ ai cũng có thể viết, cũng có thể trở thành nhà văn. Tác giả ngày một hiếm, độc giả ngày một cạn là cớ cho một thứ văn chương bèo bọt, bát nháo, mạnh ai nấy viết. Và trong tương lai, phải chăng chỉ còn có một nền văn học báo chợ ở Hải ngoại?

Ðể tìm hiểu người đọc ngày hôm nay, tôi thử làm một thăm dò một số độc giả để xem họ nghĩ gì, thái độ ra sao đối với các nhà văn đang chiếm lĩnh văn đàn hay đang lên hiện nay. Sự chọn lựa 19 độc giả chỉ có tính cách tượng trưng, hướng dẫn, không có nghĩa đại diện. Trong số 19 độc giả, có 7 cặp và có 5 người ở tình trạng độc thân, một phụ nữ chủ báo có chồng, nhưng chồng không tham dự. Tuổi từ 49 đến 70. Có hai người trình độ tú tài, còn lại 17 người đã tốt nghiệp đại học. Trong số tốt nghiệp đại học, có 10 người tốt nghiệp đại học Âu Mỹ.

Có chín người từ lớp tuổi 49 đến 55 có đọc truyện tiếng Việt.

Với 19 độc giả vừa nêu trên, chúng ta có thể đưa ra một vài kết luận như sau: Lớp độc giả từ 60 trở lên ít đọc và ít theo dõi sinh hoạt văn học, nếu không nói có nhiều vị có bằng cấp, học vị, từ khi ra nước ngoài chưa hề cầm đọc một cuốn sách tiếng Việt, nhất là đọc các nhà văn lớp mới (từ 55 tuổi trở xuống).

Sự đánh giá tốt xấu tùy thuộc vào phái tính, nam hay nữ và hoàn cảnh gia đình.

Ðối với một số cây viết trẻ, họ không có con đường nào khác là chọn viết truyện bằng tíếng Anh, tiếng Pháp thay vì tiếng mẹ đẻ. Và chẳng bao lâu nữa, sẽ có một nền văn học của người gốc Việt viết bằng tiếng ngoại quốc? Hiện nay, xin được liệt kê tên tuổi của lớp nhà văn trẻ này mà trong số họ, có những người đã thành danh, có tên tuổi, có thế giá đối với ngay xứ sở tạm dung của họ. Linda Le ở Pháp là một trong 3 nhà văn nữ nổi tiếng hàng đầu của Pháp hiện nay. Cô đã có hơn 10 đầu sách xuất bản tại Pháp. Cạnh đó có Kim Ðoan, Kim Lefèvre, Jean-Michel Truong. Những nhà văn trẻ gốc Việt viết bằng tiếng Mỹ thì đông đảo hơn, với Monique Truong, Kien Nguyen - đặc biệt hai nhà văn này, sách có thời gian là Best seller ở nước Mỹ -, Mong Lan, Duong Van Mai Elliott, Dao Strom, Andrew Lam, Cathy Yardley, Lan Cao, Le Thi Diem Thuy, Tran Thi Nga, Le Ly Hayslip, Nguyen Quy Duc, Dinh Linh, Lee Minh McGuire. Aimée Phan, Andrew Wells-Dang, Anna Moi, Barbara Tran, Pham Andrew X, Surai Michele M, Nathalie Huynh Chau Nguyen, Ly Ho, Thuong Vuong-Riddick.

Cứ nhìn vào sự việc trước mặt, phải chẳng trong tương lai chỉ còn hai hình thức sinh hoạt sách báo ở nước ngoài: Hoặc viết báo chợ để đọc quảng cáo và tin phúng điếu, hiếu hỉ cho người Việt đọc. Hoặc nhà văn gốc Việt viết bằng tiếng Anh Pháp cho người ngoại quốc đọc?

© 2005 talawas



[1]Trích: 40 năm Văn học chiến tranh (1957-1979). Nguyễn Vy Khanh, trang 96-98. Nxb Ðại Nam. 1977
[2]Một số tên tác phẩm của các nhà văn được trích dẫn ở những phần sau đây đã được trích dẫn từ nguồn tài liệu của nhà thơ Luân Hoán dưới nhan đề: The List of Vietnamese Poets and Writers Abroad trên một website về các tác giả Việt Nam.
[3]Trích lại trong Văn học Việt Nam thế kỷ 20. Nguyễn Vy Khanh, trang 346, 34. Ðại Nam, 2004.