© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
18.11.2003
Lê Đạt
Nghiệp thơ
 
Trăng Ba Vì sao đổi chữ thiên di.
L. Đ.


Trong các bộ môn văn học nghệ thuật, thơ có lẽ là bộ môn chịu nhiều hiểu lầm hơn cả.
Anh muốn vẽ ư? Anh phải đi học họa (dầu không phải học tại trường Mỹ thuật). Anh muốn làm nhạc ư? Tốt nhất mời anh thi vào Nhạc viện. Hình như chỉ có thơ là không cần phải học. Nhiều người nghĩ rằng thơ cũng như khả năng ngoại cảm hoàn toàn trời cho. Và tìm chữ cũng như tìm mồ mả hài cốt!

Các nhà thơ cũng góp phần không nhỏ vào sự ngộ nhận này. Nào nhà thơ đêm nằm nghe thiên hứng từ một cõi thanh vắng đọc cho mình nghe như thánh ốp vào miệng một cô đồng phải ghi tắp lự, không đến sớm mai có thể rơi vãi mất hết! Nào nhà thơ cưỡi trên con ngựa bay của cảm hứng mà các lý luận Trung Hoa dựa vào âm tiếng Anh của tự "inspira - tron" chuyển dịch một cách thần bí và sang trọng là " Yêu sĩ phi lý thuần", vân vân và vân vân.

Sinh thời Thơ Mới những năm 30, một nhà thơ đầu đàn viết:

Hôm qua đi hái mấy vần thơ
Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ.

Chẳng ai biết Lạc Hồ ở đâu, nhưng lập tức đẻ ra một loạt các ông đầu bù tóc rối đi trong mưa tìm hứng thơ. Nhiều ông đi lạc xuống phố Khâm Thiên tìm thơ trong thú đi mây về gió với sự trợ giúp của nhựa cây anh túc cũng như thân xác của mấy nàng thơ "mỳ ăn liền".

Khói huyền lên khói huyền lên
...
Lung linh vàng dội cung quỳnh
Nhịp nhàng biến hiện những mình tiên nga.

Kết quả chẳng biết sinh ra bao nhiêu nhà thơ, chỉ biết khá nhiều người tiền mất tật mang và ngày càng lún sâu vào cái mà ngày nay ta gọi là tệ nạn xã hội.

Các nhà lý luận nói nhiều đến cách làm việc cần mẫn của người viết tiểu thuyết hơn của người làm thơ. Người ta ca ngợi việc Tolstoi viết đi viết lại nhiều lần bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình. Nhưng người ta lại trầm trồ việc Lý Bạch say túy lúy đặt bút không cần nghĩ, viết một mạch những câu thơ trác tuyệt bị thúc đẩy bởi một cuồng hứng.
Điều đó khiến nhiều người hiểu lầm rằng thơ không cần lao động cực nhọc mà chỉ cần cảm hứng. Mà cảm hứng thì như người tính thất thường, nhõng nhẽo, thoắt đến, thoắt đi ai mà lường trước được.

Theo tôi thơ là một nghề. Đã là một nghề thì phải có kỷ luật lao động. Không nên thụ động thắp hương chờ mà phải chủ động gọi hứng đến. Công việc này đòi hỏi một kỷ luật nghiệt ngã và gian khổ.

Các nhà thơ hãy tập thói quen hàng ngày ngồi vào bàn làm việc như một người lao động bình thường viết - cố viết. Không nghĩ ra cũng phải nghĩ cho ra, cũng phải viết - Đừng có nản - Viết một chữ một, câu bật chợt đến. Rồi chữa. Rồi phát triển. Rồi xóa sạch nếu cần. Nhưng nhất định phải viết - Dầu công cốc, dầu tốn giấy mực và thời gian.

Hãy đi đến tận cùng chán nản để vật ngã nó. Thật ra, nói không được gì chỉ là nhìn bề ngoài. Việc viết xóa, sửa chữa viết đi viết lại tưởng như là vô ích này là những yếu tố tích lũy và kích thích cảm hứng rất tốt.

Một số nhà thơ cho rằng những câu bắt đầu là của trời cho. Cũng có thể. Nhưng trời chỉ đầu tư mấy câu đầu như một thứ vốn "ưu đãi xóa đói giảm nghèo" còn việc ăn nên làm ra là việc của từng người không ai làm thay được.

Valery, nhà thơ, nhà lý luận thơ kiệt xuất người Pháp có một ý kiến đáng để ta suy nghĩ: " Một hai câu đầu có thể trời cho, phần còn lại là khổ sai chữ".

*

Thiên hạ không ngớt lời khen Tào Thực đi một bước làm một câu thơ. Đó là một lời khen không tốt. Nó dễ khiến người nhẹ dạ lầm lẫn thơ với một cuộc thi tốc độ. Thời Đường có bao nhiêu thần đồng xuất khẩu thành thi, đến nay tên còn lại bao nhiêu người? Tôi không thích những thần đồng Tôi yêu những người lao động có tri thức một nắng hai sương trên cánh đồng chữ bận tâm những vụ mùa cao sản.

Phê bình thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, Thánh Thán có một nhận xét rất được:
"Phàm cổ nhân mà có một lời, một hàng, một câu, một chữ đủ để biết một mình trong một thời, chiếm cứ cả ngàn năm thì ta phải tin rằng không có gì - không do ở đọc sách ( hay học tập - L. Đ) dưỡng khí (hay rèn luyện - L. Đ) mà ra".

Thơ là chóp của Kim Tự Tháp văn hóa - Không có nền vững, chóp dễ sụp đổ như một lâu đài cát. Không có thơ hay ở trình độ cấp I. Làm thơ nhanh hay chậm, dễ dàng hay khó khăn chỉ là cách riêng của từng nhà thơ không phải biểu hiện của tài năng.

Người luyện võ đến mức siêu chỉ phấy tay đủ phát trưởng phá núi - Cái phấy tay đủ phát chưởng phá núi - Cái phẩy tay đó hàm chứa bạc đầu khổ luyện. Một cái múa bút của Lý Trích Tiên thật ra công lực như Hạng Vương cử đỉnh. Người ta chỉ nhìn thấy Tào Thực ung dung đi một bước làm một câu thơ, không nhìn thấy những đêm trắng "độc thư Huyện thi" phu phen của họ Tào.

Maia có một cuốn sổ tay vật bất ly thân để tích lũy chất liệu thơ hàng ngày (một ý hay, một từ ngộ nghĩnh, một câu thơ chợt đến), ông coi nó như một kho hậu cần của sáng tạo. Đó là một kinh nghiệm hay.

Đỗ Phủ có một đòi hỏi hết sức nghiêm khắc đối với việc làm thơ - Nhà thơ khổ sai chữ này, di chúc đời sau "Viết một câu quỷ thần chưa khiếp kinh, chết không nhắm được mắt".

*

Nhiều cây bút trẻ than thở về cảnh ngộ cô đơn và khó khăn của nghề chữ. Theo tôi đó không phải là cảnh ngộ riêng đối với các nhà thơ trẻ mà là số phận chung của các nhà thơ thứ thiệt.

Một người chữ lẫy lừng như Baudelaire mà suốt đời vẫn thấp thỏm lo lắng: "Thượng đế! Cầu xin người phù hộ cho dăm ba câu thơ đủ sức chứng minh rằng Baudelaire không đến nỗi là kẻ mạt hạng thấp kém so với đám người mình khinh bỉ".

Lời cầu xin của tác giả Ác hoa không phải là một lời cầu xin đầu lưỡi hay làm dáng - Một người làm thơ tự trọng luôn hoài nghi, luôn nơm nớp mình là kẻ ngoài lề vô dụng và cần phải cố công, cùng sức làm được một vài câu thơ đủ chứng minh (không phải cho đời mà cho chính bản thân) rằng mình không đến nỗi là một kẻ vét đĩa vứt đi.

Tôi kỵ những nhà thơ tự phong hay được sắc phong "thi sĩ suốt đời". Nhà thơ đích thực bao giờ cũng ghế bất trắc và buộc phải bảo vệ ( không phải bệ vệ) thi phận của mình qua thử thách khắc nghiệt và vô tư của chữ.

Ai cũng biết Victor Hugo là một nhà thơ đồ sộ. Viết về nhà thơ này, Jean Cocteau, một nhà thơ nổi tiếng nhận xét: "Hugo, cái anh chàng rồ cứ ngỡ mình là Victor Hugo!". Như vậy là ông nhà thơ đồ sộ kia cũng từng đã không ít lần bị loại qua các cuộc bầu cử của chữ.

Làm thơ là một nghề hơi bị nguy hiểm. Tôi không nói đến cái nguy cơ bị ăn đòn bởi các nhà phê bình đao to búa lớn - Thời nào cũng có những kẻ đao búa. Cái nguy hiểm trầm trọng hơn là tình trạng mà Rilke gọi là niềm "cô đơn không tận" của nghiệp thơ. Các nhà văn xuôi cũng cô đơn, nhưng cô đơn khủng khiếp nhất hình như vẫn là các nhà thơ.

Không người làm thơ nào không trải qua những cơn tuyệt vọng muốn quắng bút đi làm nghề khác cho nó khỏe - Nhưng thơ là một nghiệp, một tình yêu đắm đuối - Yêu cũng mạo hiểm lắm chứ! Nhưng có ai vì thế mà chưa yêu đâu.

Trong một phút xuất thần, Nguyễn Du khi nói về thân phận nàng Kiều đã cám cảnh nói hộ bản thân ông và các nhà thơ:

Ma đưa lối quỷ dẫn đường
Lại tìm những lối đoạn trường mà đi

Ai buộc anh phải làm thơ, phải bước vào "con đường khổ ải" đó. Chẳng ai cả - Thân làm tội đời mà thôi!

Trong bức thư nổi tiếng gửi người làm thơ trẻ, Rilke nhắc đi nhắc lại rằng họ chỉ nên đeo đuổi nghiệp thơ, nếu từ chỗ sâu thẳm nhất của tâm hồn họ cảm thấy không viết không được.

Lẽ dĩ nhiên đứng về phương diện quản lý, Hội Nhà văn phải thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của các nhà thơ trẻ mà niềm nở ân cần đối với họ, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho họ có thể gặp gỡ trao đổi với nhau. Báo Thơ rất nên mở ra cho họ một sân chơi, thông thoáng và hiện đại. Và nên tránh những lời quở trách chung chung và nặng chùy như "lai căng" "quay lưng lại với cuộc sống" " thơ hũ nút, xa rời quần chúng" vân vân và vân vân. Họ còn mới bắt đầu mà đã chụp những cái mũ trọng tội thế. Phải thương yêu, giúp đỡ họ( tôi rất ghét từ nâng đỡ) chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm cụ thể với một thái độ khoan dung nhận chân thành vì họ chính là ngân hàng tương lai của chúng ta - Đừng nên quá, "chữ nghĩa nhiều khi có thể giết người".

Phải hiểu quy luật tiếp nối trong văn học. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước là phải tìm ra được tiếng nói riêng, nhiều khi rất khó nghe đối với lỗ tai của thế hệ trước. Trong cuộc đấu tranh giữa thơ "cũ" và thơ "mới" những năm 30, đã có "cụ" gay gắt lên án đòi chém Lưu Trọng Lư. Tiếp nối không phải rập khuôn làm theo mà làm khác thế hệ cha anh như thế hệ cha anh đã từng làm khác thế hệ trước. Tiếp nối truyền thống là trẻ hóa, phát triển nó tạo ra những truyền thống mới sống động và khác lạ. Đó là một lao động hết sức gian nan và vất vả đòi hỏi một đam mê mãnh liệt đến mức dũng cảm.

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

Anh bạn trẻ! Anh đã trèo được mấy núi rồI?
Đam mê một người còn không xong, sức mấy mà đam mê chữ.
Nguồn: Văn nghệ, Phụ san ThÆ¡ số 5, tháng 11.2003