© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
8.12.2003
Nguyễn Huy Thiệp
Thời của tiểu thuyết
 1   2   3 
 
1. Sự tầm thường tập thể

Khi nói về thời hiện tại, G. LeBon có một câu khinh bạc nhưng đúng: "Thời hiện tại tượng trưng chiến thắng của sự tầm thường tập thể". Câu này được ghi trong sách từ điển danh ngôn. Như thế, không phải bây giờ mà ở thế hệ nào, ở nơi nào con người ta cũng hay "bất bình" với "hiện thực". "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ", sự bất đắc chí xưa nay vẫn là lẽ thường tình ở nhiều người. Chính vì thế mà khát vọng về một tương lai tươi sáng luôn luôn thúc giục mọi người lao động, sáng tạo để cải thiện "tình trạng thổ tả của hiện thực". Văn học tiến bộ bao giờ cũng làm đủ mọi cách nhằm thúc giục nhân loại vươn lên, sống nhân đạo hơn, có ý nghĩa hơn, văn minh hơn, sướng hơn.

Trong lịch sử, nếu không có các nhà tiểu thuyết ghi lại "hiện thực" thì về sau sẽ chẳng có ai biết đâu mà lần. Bây giờ chúng ta đọc "Vũ trung tuỳ bút" của Phạm Ðình Hồ, "Ký sự lên kinh" của Lê Hữu Trác… vẫn thấy thích vì nó "hiện thực". Những tác phẩm hoặc là tô hồng, hoặc là bôi đen "hiện thực" đều không sống lâu được. "Hiện thực" nó đòi hỏi… hiện thực, nghĩa là phải đúng như tinh thần mà nó vốn có. Những nhà văn trung thành với tinh thần hiện thực sẽ có được giá trị thực trong lòng bạn đọc và làm được điều ấy không phải là dễ.

Nói đến hiện thực không có nghĩa là thực thà chân chỉ hạt bột thấy gì ghi nấy. Như vậy, còn quái gì là nghệ thuật viết văn? Sự tưởng tượng về trạng thái tinh thần của hiện thực kéo theo hệ thống hình tượng được sắp xếp khéo léo bằng những "viên gạch ngôn ngữ" là cả một chu trình lao động kiên nhẫn vừa thủ công, vừa bác học ở người nghệ sĩ. Trên thực tế, hầu hết các nhà sáng tác đều biết rõ công việc của mình sẽ phải thế nào. Song le, biết là một chuyện, thực hiện việc ấy ra sao lại là chuyện khác. Thậm chí công việc của người nghệ sĩ viết văn còn khó khăn, bí hiểm tới nỗi khiến người ta không thể không nghĩ tới cả Thượng đế: "Ngẫm hay muôn sự tại giời/ Giời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao".

Danh hiệu nhà văn thực sự bao giờ cũng hiếm. Tôi nghe nói khi xây dựng bảo tàng văn học hiện đại ở Trung Quốc người ta chỉ giới thiệu đâu có 5 nhà văn, còn lại là… những người khác. Trong số 5 nhà văn ấy có Lỗ Tấn, Ba Kim, Lão Xá… Tôi không nhớ được tên những người kia. Vào thư viện, chúng ta sững sờ trước hàng núi sách nhưng để có thể thực sự tìm được tên tuổi của "các nhà văn hàng đầu" thì thật khó! Cái gì tạo nên danh hiệu cao quý ấy? Sự nỗ lực bản thân? Chưa chắc! Vốn kiến thức hiểu biết? Chưa chắc! Vậy nó là cái gì? Có người đã cường điệu hóa gọi là "khí thiêng sông núi tích tụ lại". Trên thực tế, ở trong cái biển văn chương tầm thường thì thiên tài văn chương rõ ràng còn hiếm hơn vàng. Phải qua sàng lọc thời gian, phải qua sàng lọc của rất nhiều thế hệ độc giả, nhà văn thiên tài mới được ghi danh vào lịch sử.

Ðương thời, những trò chơi trung bình luôn được dung túng vì nhiều lẽ. Việc chống lại những tác phẩm trung bình luôn là một dằn vặt với những "ông số 1". Trên thực tế, những trò "đánh bùn sang ao" hoặc "đánh lận con đen" vẫn diễn ra nhan nhản ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Vượt lên trên hết thảy (thậm chí cả dư luận) là rất khó với các "cá nhân cô đơn", thậm chí đôi khi người ta phải "tâm đen, mặt dày" mới thoát hiểm được.

Trong văn học (cũng giống như trong chính trường, thương trường v.v…) những cá nhân nổi trội buộc phải đấu tranh với "sự tầm thường tập thể". Gần như hầu hết khi còn đương thời họ đều thất bại. Ðấy là thực tế, không phải tự dưng có câu cách ngôn "trường văn trận bút". Các nhà văn trẻ phải ý thức được điều này khi họ bắt đầu đặt chân bước lên con đường văn học chông gai, gian khó.


2. Giá trị của sách

Mặc dầu công việc của nhà tiểu thuyết thật gian khó nhưng việc viết ra được những cuốn sách giá trị cũng là một lạc thú. Trong thời buổi các phương tiện thông tin giải trí phát triển, sách vẫn có giá trị riêng của nó. Tôi không nhớ đã có ai nói: "Bạn yêu sách phải không? Như vậy là bạn sống hạnh phúc". Không có sách xấu nào mà người ta không rút ra được một điều hay. Người ta cũng thường coi những cuốn sách hay là những vị gia thần trong nhà. Thơ Nguyễn Bính có câu: "Nhà ta quý sách hơn vàng". Có người cũng cho rằng: "Không có đồ trang trí nào hấp dẫn bằng sách dù ông chủ của nó không hề lật nó ra, không đọc lấy một chữ nữa". Trên thực tế, thực ra không có vấn đề sách hợp luân hay phi luân, chỉ có sách hay và sách dở mà thôi. Một tác phẩm hay "chiếm đoạt" ngay tức khắc người ta. "Thích" là nguyên tắc đầu tiên cho một cuốn sách hay và việc làm cho độc giả khóc cười được trên một trang văn quả thực là một việc rất "nghệ thuật".

Công việc của nhà văn là công việc khó chịu đến nỗi nó làm phiền hầu hết tất cả những người thân sơ dính líu đến họ. Tất cả sẽ là đối tượng "nghiên cứu" hoặc là nguyên mẫu nhân vật cho tác phẩm tương lai của nhà văn. Vì vậy không khéo sẽ gây nên rất nhiều "hiểu nhầm". Chúng ta không nên tưởng bở rằng chúng ta biết hết "xã hội". Trên thực tế mỗi người (kể cả những người giang hồ từng trải nhất) theo sự quan sát của tôi thì đa số chỉ sống, va chạm, chịu ảnh hưởng trực tiếp đâu đó khoảng từ 60 đến 200 người là cùng. Không thể có ai "sống với nhiều người" cả. Cái hiện thực mà chúng ta vẫn hay nói đến chỉ là tinh thần của nó, sự tưởng tượng về nó. Với một nhà tiểu thuyết, cơ hội để "trải đời" thực tế cũng không hơn gì người thường, vấn đề là suy nghĩ của anh ta với "tinh thần hiện thực" và cách thức anh ta diễn đạt nó có "nghệ thuật" không.

Tổ chức được một cuộc sống sao cho "rỗi hơi" để mà suy nghĩ, nghe ngóng và viết lách là điều rất quan trọng. Văn là người. Nghệ thuật viết văn, xét cho cùng cũng là nghệ thuật sống.

Giá trị của sách là điều không phủ nhận được. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Ngập trong sách, "tẩu hỏa nhập ma" cũng là căn bệnh mà nhiều người dễ mắc, nhất là căn bệnh này lại là căn bệnh "dễ chịu", hợp với bản tính lười nhác và thích chuyện thị phi đơm đặt ở con người.


3. Tiểu thuyết mua vui

Nếu nhìn vào khía cạnh nào đó, tất cả các tiểu thuyết đều mua vui mà cũng chẳng phải để… mua vui. Gôgôn đã từng phẫn nộ: "Những chuyện mua vui à? ấy thế mà ban-công và lan can các nhà hát phải rên lên; tất cả từ dưới lên trên đều phải rung chuyển, cùng biến thành một cảm xúc, thành một khoảnh khắc, thành một con người; và mọi người đã gặp nhau như anh em trong cùng một diễn biến của tâm hồn, để rồi những đợt vỗ tay thân ái vang lên như một bài ca trân trọng tỏ lòng biết ơn một con người đã năm trăm năm nay không còn ở trên đời này nữa… Những chuyện mua vui à? Vậy mà loài người sẽ ngủ thiếp đi, cuộc sống sẽ cạn dần và tâm hồn chúng ta sẽ bị chìm ngập trong những vũng lầy nhơ nhớp nếu không có những chuyện mua vui ấy đấy!".

Gôgôn có lẽ là một nhà văn thật thà (bởi thế sau này ông đã phát điên), ông đã nổi xung bất bình trước thói phù phiếm hời hợt của đám đông độc giả. May cho ông sống ở thế kỷ XIX, chứ ở thời hiện tại, nhất là ở Việt Nam, thói phù phiếm hời hợt ở đám đông độc giả còn khủng khiếp hơn nhiều. Nhà tiểu thuyết sống trong "thời buổi chó má" của "hiện thực" giờ đây có lẽ phải "cáo" hơn nhiều mới hòng tồn tại được. Việc "giáo hóa người đời" là việc khó khăn đến nỗi chính người nào cầm bút cũng thấy băn khoăn, hoang mang ghê gớm. Thực tế càng "tinh vi" nhà tiểu thuyết không phải cứ có thể mộc mạc hồn nhiên mà "làm việc". "Muốn giáo hóa người đời/ Phải tự có phương tiện/ Chớ để họ sinh ngờ/ Tự tính liền biểu hiện". Khi ai đó nói: "Văn chương là trường học của quỷ sứ" thì câu ấy phải hiểu theo rất nhiều nghĩa. Người ta vẫn nói đến thái độ "ba phải" trong văn chương (trong bài viết về tôi, Nguyễn Hoàng Ðức cũng đã từng "mắng" tôi là ba phải) thì phải chăng nhà văn cứ phải viết theo kiểu "một phải" mới là chân lý? Nếu ta chịu khó quan sát những người cao tuổi, sau khi đã ăn đủ các ngón đòn của "số phận" (nào là đồng nghiệp, công việc, bạn bè, gia đình, nghĩa vụ v.v…) đa số đều "mươi lăm cũng ừ, mười tư cũng gật". Tôi nghĩ không phải như thế là họ không biết gì (họ biết hết) nhưng "tuổi già hạt lệ như sương, hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan", "im lặng là vàng" là tốt nhất.

Những nhà văn lọc lõi không muốn điên, đến một lúc nào đấy sẽ không viết nữa. Họ chết như mọi người và chết trong những trang sách ẩm mốc.


4. Tốt nhất là cuộc sống trưởng giả

Con đường của nhà tiểu thuyết không phải là con đường trải thảm, dễ xơi. Chọn lựa một thái độ sống, một lối sống, phù hợp cho công việc của nhà tiểu thuyết không phải là dễ chút nào. Hy sinh vì "lý tưởng viết văn" là một cái gì thật phiêu lưu hão huyền. Nguyễn Bảo Sinh (người mà tôi đã từng giới thiệu như một nhà thơ dân gian) làm nghề nuôi chó mèo cảnh, yêu thích văn chương rất mực rất sợ… viết văn vì theo ông "đối thủ" của văn chương là sự vô hình vô ảnh, người làm văn chương đa phần không thể biết mình "ở đẩu ở đâu" trên con thiên lý vạn dặm của chữ nghĩa.

Ðã có nhiều tấm gương hy sinh vì văn chương và người đời vừa thấy khâm phục, vừa thấy sợ họ! Làm người bình thường đã khó, chuyện sinh kế nuôi dưỡng vợ con không phải là chuyện đùa. Tôi nhiều lần nói với các nhà văn trẻ rằng "sự nghiệp lớn nhất của một người "đứng đắn" là học lấy một nghề "hái ra tiền", lấy vợ sinh con, nuôi dạy chúng nên người, sống già rồi chết". Thượng đế ban cho chúng ta mạng sống với khoảng sáu, bảy mươi xuân, chúng ta phải biết quý trọng cái mạng sống ấy, sống cho "có chất lượng", vui thú với đời, làm việc thiện, đóng góp với đời được gì thì đóng góp, không thì thôi, chẳng nên cố gắng đến quá sức mình. Cuộc sống trưởng giả không phải là tốt nhưng cũng không xấu. Mỗi thời có một "kiểu" nhà văn của nó. Thời của tiểu thuyết phải chăng là thời của các bậc trưởng giả ngồi rung đùi viết văn?

Thế chẳng vui sao? Thế chẳng sướng sao?

Cũng chẳng nên học bài học bị chặt đầu của Kim Thánh Thán.

5/7/2003
Nguồn: Tạp chí Ngày Nay, số 22, tháng 12. 2003