© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
2.2.2005
Bùi Vĩnh Phúc
Chữ & Nghĩa: Quo Vadis?
 1   2 
 
[1]

3.

Sống ở nước ngoài đã lâu, mấy năm trước có vài lần về Việt Nam, tôi thấy bây giờ người ta dùng một số từ thật lạ. Có một số từ dùng lạ, nghịch dị một cách lạ lùng, nhưng lại tạo được nhiều sự lý thú, tôi sẽ nói sau. Những từ mà tôi muốn nói bây giờ, chẳng hạn như “đại tu xe”, hoặc “làm nội thất ô-tô”, hoặc “trung tâm bảo dưỡng xe máy”, v.v., nên được xem xét lại. “Ðại tu” thì nghe ghê quá rồi, nhưng rõ là “grand tune-up”; dù sao, tiếng Hán Việt mà dùng kiểu này thì nghe có vẻ “nổ” quá. Hay khi “đại tu” thì phải thử máy, sửa/thay bu-gi cho nên bắt buộc sự “nổ”, “xẹt lửa” là không thể tránh khỏi. Còn “làm nội thất ô-tô”? “Thất”, ngoài những nghĩa khác ra, trong “nội thất”, nó chỉ có thể là “nhà cửa”. Ô-tô mà lại có “nội thất” thì có lẽ mình định xem nó là “nhà (lầu)” hoặc là “lâu đài” (!) chăng? Còn “trung tâm bảo dưỡng xe máy”? “Dưỡng”, trong “bảo dưỡng”, tôi nghĩ chỉ có thể là “nuôi nấng, dạy dỗ”. Tại sao lại có vấn đề “nuôi nấng” cùng là “dạy dỗ” xe máy ở đây? Sao không là “bảo trì xe”, vì “bảo” là “giữ gìn” và “trì” là “cầm giữ”.

Cũng có lần, ở ngoài Bắc, tôi thấy một hàng quán quảng cáo có bán “chó hơi”. Lần đầu tiên thấy từ này, thú thật là tôi có hơi “choáng”. Trong những quan hệ liên văn bản, khi đọc “chó hơi”, tôi nghĩ đến “xe hơi”, nghĩ đến những con thú (và cả con người) giả nữa được bơm hơi cho phồng lên ở bên các nước Âu Mỹ. Các con thú giả làm bằng plastic được bơm hơi cho trẻ em ôm chơi; người giả thì được bơm hơi để tập trong các lớp về CPR (cardiopulmonary resuscitation), hoặc để người ta làm những gì gì nữa thì chỉ có giời biết được! Lúc đầu tôi nghĩ chẳng lẽ ở Việt Nam bây giờ, những con chó được bơm lên để chơi như thế lại được bày bán ở những hàng quán như thế này. Nhưng khi hiểu ra là món “chó hơi” này thường ít dành cho trẻ con, mà đa số là dành cho người lớn mua về để “đánh đụng” hai ba nhà với nhau với rượu “quốc lủi”, thì tôi quả thật thú vị. Tôi được giải thích “chó hơi” là chó còn có hơi trong bụng. Ấy là khi nó còn sống! Nhất bạch, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm, cứ theo tiêu chuẩn ấy mà tha hồ chọn lựa. Chỉ có điều mua “chó hơi” thì phải “ra tay” lấy, hơi mệt. Cứ “đèo” nhau lên khu “liên hiệp thịt chó” trên đê sông Hồng (khu Nhật Tân?) là thoải mái nhất. Vừa có trăng thanh gió mát, lại vừa được ngồi “cao lâu”. Chẳng cũng sướng sao! Trong một dịp nói chuyện với tác giả Thiên sứ sau này, tôi được chị cho biết thêm là từ “hơi” này cũng đã có từ khá lâu. Tại các buổi chợ ở nhà quê Việt Nam, người lái lợn—tức người đi buôn lợn còn sống—bao giờ cũng nói đến “lợn hơi” để phân biệt với lợn đã mổ, và tính tiền theo “cân hơi”, tức là cân khi lợn còn sống, khác với các ký lô thịt đã pha. Vậy thì từ “lợn hơi” đến “chó hơi” là đương nhiên thôi. Ðây là một nét ngôn ngữ khá thú vị. Nó phản ánh một vài khía cạnh văn hoá trong một khung cảnh đặc biệt qua suy nghĩ và qua lời ăn tiếng nói của người dân trong cuộc sống đời thường. Nó giống như đất đai của quê hương. Bốc lên một nắm, bóp vụn trong lòng bàn tay rồi se se một nhúm nhỏ giữa hai ba ngón tay. Nó bốc lên một mùi thơm ngai ngái của đất. Của mồ hôi. Và của con người. Chữ nghĩa nó đi thẳng vào cảm xúc của ta như vậy. Mùi đất này, tôi nghĩ, không thua gì mùi chiếc bánh madeleine chấm nước trà của Proust. Nó vực dậy những ký ức yêu thương một cách mơ hồ nhưng thật tha thiết.

Tôi cũng thấy trên đường đi, nhất là ở ngoài Bắc, thường có những cửa hàng kẻ chữ “thay đuôi, lắp càng” hoặc “vá yếm, làm đít, gò vành, phục hồi bu-gi” (nguyên văn). Thật là quá “choáng”! Lấy những bộ phận của con người và con vật (hoặc một vật gần gũi với cơ thể con người là cái yếm) để nói chuyện “tiểu tu”, “đại tu” cho xe máy như vậy thì nhất. Chúng buồn cười, làm ta bật phá ra, nhưng cách sử dụng từ ngữ này cũng cho ta thấy cái sinh động của ngôn ngữ. Ðặc biệt, nếu là người sống trong miền Nam, chắc bạn sẽ nhớ là, nổi bật lên trong khoảng thập niên 60 và tiếp tục sống sót cho đến 1975, có thành ngữ “teo bu-gi” để chỉ tình trạng sợ quá đến nỗi “nó” cũng phải teo tóp lại, không còn hùng hổ, ngoan cường gì được nữa. Trong thế liên văn bản của những cái sống, của những kỷ niệm liên-thời-không ấy, một người đã sống với văn hoá miền Nam như vừa nói, đọc cụm “phục hồi bu-gi” không thể không mỉm cười. Hoặc là cười phá ra. “Phục hồi”, trong suy nghĩ liên văn bản, như trong “phục hồi danh dự”, một cách rất trang trọng, lại đi với từ dịch âm “bu-gi” của ngoại quốc, mang màu sắc rất ẩn dụ một cách tự động trong bộ nhớ của một người, để chỉ cơ phận làm đánh ra tia lửa để chạy máy. Thật là một kết hợp tuyệt vời của ngôn ngữ quần chúng!

Cũng lại có một lần tôi đi xe lửa từ Sài Gòn ra Hà Nội. Xe lửa Thống Nhất bây giờ chạy cũng nhanh lắm. Nếu tôi nhớ không lầm thì lộ trình này chỉ mất khoảng 30 tiếng đồng hồ. Xe lửa cũng là cơ hội để người xa xứ về thăm đất nước có dịp được nhìn ngắm lại những khung cảnh thân yêu của quê hương. Xe chia làm nhiều toa, mỗi toa có nhiều phòng, mỗi phòng có nhiều giường. Khi mua vé, ta sẽ được hỏi là muốn mua vé “nằm cứng” hay nằm mềm” (thậm chí “ngồi cứng” hay “ngồi mềm” nữa!) [2] Như vậy là có “giường cứng” và có “giường mềm”. Cứng mềm là tuỳ sức chịu đựng của khách du đối với cuộc đời. Và cũng tuỳ vào túi tiền của khách nữa. Có những người phục vụ đẩy những cái quầy/xe bán hàng nhỏ nhắn để bán các thức quà ăn sáng, ăn trưa, ăn tối cho khách. Có lúc, khách du cũng có cảm tưởng là mình đang đi trên Orient Express. Chẳng kém gì Paul Theroux. Mỗi toa lại có hai nhà vệ sinh, đặt ở đầu và cuối toa. Một nhà dành cho người thích hoặc quen với tư thế của người phương Tây; nhà kia, dành cho người mình. Khách du, trong khi sử dụng những “nhà” này, có thể mở cửa sổ để nhìn ra khung cảnh bên ngoài, hoặc là để đón gió lộng bốn phương khi đã ra khỏi thành phố. Nhưng, cẩn thận, lúc mở cửa sổ và đứng lên, hoặc lúc đứng lên sau khi đã mở cửa sổ rồi, vì tất cả mọi người ngoài đường (nhất là những người ngồi trên đủ các loại xe máy đang chờ trước rào cản cho xe lửa đi qua) đều có thể nhìn thấy một phần của người “trong nhà” vì vị trí của cửa sổ. Khách du có thể mua vé để nằm trong toa có máy lạnh. Nhưng nếu trong buổi tối mùa hè, là lúc cần máy lạnh nhất để tìm một “giấc mộng đêm hè” (của Shakespeare), mà khách du có lỡ khám phá ra là máy lạnh đã được tắt đi, thì xin cũng đừng ngạc nhiên. Có thể để tiết kiệm điện chăng, hay là do sự điều hành tuỳ tiện của những người có trách nhiệm trên xe lửa? Ðiều làm tôi thích thú nhất là khi đi bách bộ từ đầu toa đến cuối toa, khách du sẽ thấy trên cửa của một “nhà vệ sinh” này cụm từ “Xí bệt” (có mở ngoặc đơn và chua “Western W.C.”); khi qua đến đầu bên kia, khách du sẽ thấy trên cửa nhà kia đề “Xí xổm” (chua “Vietnamese W.C.”). Chữ dùng đến là thần tình! [3] Những cái âm phát ra nghe rất ấn tượng. Gọn nhẹ, hớn hở, đúng điệu, và gợi hình. Tôi không còn tin vào Ferdinand de Saussure nữa. Những “signifier”(cái biểu đạt) và “signified” (cái được biểu đạt) này rõ ràng là không có tính võ đoán hay chấp định (arbitrary) tí nào. Chúng là của nhau, cho nhau, và vì nhau!

Ở Việt Nam, dạo sau này, nổi lên mấy từ mà tôi thấy khá thú vị là “ấn tượng”, “vô tư” và “cực”. “Ấn tượng”, trong tiếng Việt, căn bản là một danh từ, trong thời gian gần đây, được dùng làm tính từ (impressive, being impressed), một cách thật... ấn tượng. Có khi nó lại được dùng như là trạng từ (“Chơi ấn tượng quá đấy nhé!”) Gần như trường hợp của từ “phản ánh”, “phản ảnh”, căn bản là danh từ, được biến thành động từ [4] . Duy hai từ “phản ánh”, “phản ảnh”, trong nhiều ngữ cảnh, được sử dụng trong những văn bản mang tính chính luận, nên chúng không có được cái danh tiếng và hiệu ứng như từ “ấn tượng”, vốn được dùng nhiều trong ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ phóng sự và ngôn ngữ của giới trẻ. Nhìn thế để thấy rằng môi sinh của từ ngữ cũng thật là điều quan trọng, không những cho cái sống, cái chết của chúng, mà còn cho cả tiếng tăm và phong cách của chúng nữa! Nếu các từ ngữ cũng giống như con người, sống trong những quần thể xã hội, chúng có thể hỏi nhau là bạn thường chơi với ai, hoặc bạn thường đánh bạn với tầng lớp xã hội nào, thường xuất hiện trong những buổi họp mặt của giới nào, thường “bung ra” ở những văn bản loại nào, người ta sẽ có thể cho biết bạn là ai và “danh giá” của bạn ra sao. Tại sao không?

Một từ nữa mà tôi muốn kể ra đây là từ “vô tư”. Ngày xưa, “vô tư” (cũng có khi là “vô tư lự”) chỉ cái tâm trạng hồn nhiên, không lo lắng. Như khi nói về một cô bé lòng còn ngây thơ trong trắng, chưa biết lo lắng gì về những việc đang xảy ra chung quanh hay sắp xảy đến cho mình. “Tư” có trên dưới 30 nghĩa; nhưng trong “vô tư”, nó chỉ có nghĩa là “nghĩ, suy nghĩ, nghĩ đến, lo liệu” (như trong “tư vô tà”). “Vô tư” bây giờ, ngoài nghĩa nghiêm túc như vừa nói, ngoài đời thường và trong lời nói hàng ngày, nó còn có thể có một số nghĩa mà ngày xưa người ta không thể tưởng tượng là nó có thể có được. Tạm kể, nó có thể là “Cứ tự nhiên, không phải ngại ngùng gì cả” (Ăn vô tư, chơi vô tư, hôn vô tư, v.v.); “Không sao”; “Không có chi” (Ta có thể cám ơn một người vì người ấy đã làm một điều gì tốt cho ta, người này có thể trả lời thoải mái: “Vô tư!”. Rủ người yêu đi ăn kem bờ hồ, cô nàng cũng có thể trả lời là “Vô tư!”, có nghiã “Ði thì đi, em không bận, và không ngại không sợ gì cả!). Trong tiếng Mỹ, tuỳ ngữ cảnh hoặc tuỳ hoàn cảnh hành ngôn, người ta có thể dịch nó thành “Any time!” hay “Go ahead!” (không nhất thiết theo sau phải là “Make my day!” theo lối của Clint Easwood). Tiếng Pháp, “Pas de problème”, hay “De rien”, “Il n’y a pas de quoi”. Tiếng Tây-ban-nha, “No problema”/”Ningún problema”, hay “De nada”. Vân vân. Môi sinh ngôn ngữ hoặc những biến động tâm lý, xã hội nào của con người đã biến đổi gốc tích và hành trạng của “vô tư” đến độ như thế? Nó đã đi quá xa từ nơi “cung cấm” để nhập vào cuộc chơi tại chốn bụi hồng. Nhưng “vô tư” mang trên nó một khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười, nghịch ngợm và hóm hỉnh. Vì thế, tôi nghĩ là đa số mọi người đều yêu nó, cho dù nhiều người ở ngoài nước lần đầu tiên gặp nó không thể không khỏi ngỡ ngàng. Nó mặc quần áo lạ lùng và tính cách nó bây giờ quả là khác xưa nhiều quá.

Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam có một bài thơ rất đáng yêu về cái từ và cái sự “vô tư” này. Ông đã đọc cho tôi và một anh bạn nghe, trong một lúc nói chuyện văn nghệ, khi ông đến chơi ở California khoảng gần một chục năm trước. Tôi nhớ cái hạnh phúc và sảng khoái của anh khi anh gật gù và khoái chá giải thích cho chúng tôi về cái từ “vô tư” này, lúc ấy vừa mọc lên ở Việt Nam. Anh không giải thích chi tiết như tôi đã thử giải thích nó ở trên, nhưng, lúc ấy, nghe anh nói và nghe anh đọc thơ, tôi đã thấy nó thật đáng yêu. Nó nhanh nhẹn, láu lỉnh và nghịch ngợm một cách thông minh làm sao.

Có một từ nữa mà tôi cũng muốn nói ở đây, vì nó cũng thật... ấn tượng. Ấy là từ “cực”. Một từ Hán Việt. Nó thường đi chung với một từ Hán Việt khác để tạo thành một cụm. Có khi là một tính ngữ hay ngữ tính từ (adjective phrase): cực khổ; có khi là một động ngữ: cực tả (như trong tả cảnh, tả người); có khi là một danh ngữ: cực độ. Có thể vì do đã được định hình qua một thời gian sử dụng rất dài, những từ này và những từ có kết hợp tương tự sau đó thường được dùng như một từ ghép (chứ không phải là một cụm từ nữa). Ở Việt Nam bây giờ, tôi nghe người ta nói và viết những câu như: “Thằng ấy cực máu. Mê bài bạc lắm. Rồi chắc sẽ ra đường mà ở!”. Cực máu, một Hán một Việt, nghe buồn cười. Nhưng nó tạo được ấn tượng (về) cuộc đời. Thật ra, từ xưa, ta vẫn có lối ghép đó. Người ta vẫn nói “cực hay” đấy chứ. Nhưng “hay” là tính từ rõ ràng, cho dù nó là từ Việt. Ðằng này lại “máu”. “Máu” là danh từ. Chắc hẳn nó phải là hiểu tắt của “máu mê”, một tính từ ghép. “Cực máu”... hậu hiện đại quá! Nó mang tính lai tạp của các phần mảnh. Nó là cuộc sống bây giờ, một cuộc sống đầy tính phần mảnh và không còn tâm điểm. Một cuộc sống rất “vất” (chỉ là “vất” thôi, không phải “vất vả”, theo lối nói của người Việt trong nước (nhất là ở ngoài Bắc) như bây giờ. Từ ngữ bị cắt cụt cánh. Và đời sống chạy rất nhanh về phía trước. “Vất vả” cũng không còn được đi hai bước theo nhịp cũ của nó nữa. Bây giờ chỉ nhảy một bước thôi, chỉ “vất” thôi!) Và không còn cái gì là chính, cái gì là phụ nữa. Cuộc đời chạy hàng ngang, qua lại, lên xuống. Không cái gì còn tính độc quyền. Thế nên bây giờ người ta không nói (hoặc ít nói) là “cực hay” nữa. Bây giờ là “hay cực”; “cực” chạy ra sau, không chịu yên bề đứng bên tả nữa rồi. Nhưng “cực máu” là hay và ấn tượng lắm, không cần phải thay đổi nữa. “Cực” mang một âm trắc rất thấp; và “máu” cũng là một âm trắc, nhưng đi lên cao. Từ “máu” đặt sau tạo ra một ấn tượng là máu đang dâng lên, sủi lên đến độ. Nếu nói “máu cực” thì sẽ không có được hiệu ứng về âm như vậy.


4.

Sau đây là một số cặp từ mà, từ lâu, tôi đã theo dõi hành trạng cũng như cuộc sống của chúng một cách thích thú. Những cặp từ ấy được dùng để diễn tả cùng một khái niệm và đều là những từ Hán Việt. Chúng có một cuộc sống khi thì song hành, khi thì một từ được sử dụng và từ kia (có vẻ như) được cho về hưu. Nhưng ta không thể biết chắc là nó có về hưu thật sự không, hay một ngày nào đó nó lại được mời ra để tiếp tục sống và sinh hoạt trong các văn bản.


Bàn về từ Hán Việt, có quan hệ chính phụ, việc nói lại về vấn đề từ pháp có lẽ không vô ích. Nguyên tắc là chính sau, phụ trước. Và vì đó là một từ Hán Việt, với kết hợp theo từ pháp của chữ Hán, trên nguyên tắc, ta phải tránh tạo những từ theo kiểu (máy) “vi tính”, hoặc “tái bầu”, “phó quay phim”, “phụ quay phim”, “lò vi sóng”, “nữ nhà văn”... Từ “vi tính” đã được bàn nhiều rồi, hãy nói về “tái bầu”. Ðây là một từ tôi thường nghe thấy không chỉ từ một vài đài phát thanh tiếng Việt địa phương ở California, nơi tôi sống, mà còn trong cả những đài phát thanh Việt ngữ có tính quốc tế. Tại sao không nói “tái đắc cử”, hay nôm na hơn thì “được bầu lại”. “Tái bầu” rất không nghiêm chỉnh vì nó mặc quần áo lộn xộn. Nó sai quy tắc. Mong những dịch giả để ý hơn để chúng ta có những từ dịch đúng nghĩa và hợp lý. “Phó (hay “phụ) quay phim” thì đầy dẫy ở Việt Nam. Nó là một tập hợp vừa Hán, vừa Việt, vừa Anh/Pháp. Dù sao, “phim” đã được Việt hoá. “Phó” hay “phụ” không phải là những danh từ. “Phụ tá” thì may ra, khi nó được dùng như những từ “bảo vệ” và “phục vụ”. Thoạt tiên, những từ này chỉ là động từ, người Việt trong nước bây giờ dùng nó như danh từ. “Bảo vệ” có nghĩa là “người làm nhiệm vụ bảo vệ”, chẳng hạn như nói: “Bảo vệ không có ở đây nên mất cái xe rồi!”. Cũng như thế đối với từ “phục vụ”. Tôi không biết cách dùng này có ổn không, nhưng tôi thấy nó tràn lan trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết tại Việt Nam. Nếu đây là một lối nói tắt và đã được chấp nhận để trở thành thông dụng, trong cụm “phó (hay “phụ”) quay phim” đang bàn, tôi nghĩ ít ra ta nên nói (và viết) là “phụ tá quay phim”. Chuyển “phụ” sang “phụ tá” để biến nó thành danh từ. “Phó quay phim” thì nghe ghê quá! Tôi biết người tạo từ đó muốn coi “quay phim” mới là danh từ (chuyển từ vai trò động từ sang, giống như những trường hợp của “bảo vệ” và “phục vụ” vừa nói), và “phụ” hay “phó” đúng là chỉ giữ một vai trò phụ thôi. Nhưng trong trường hợp của “bảo vệ” và “phục vụ”, những từ này đã là từ Hán Việt. Còn “quay phim” đang là động từ tiếng Việt, dùng theo lối Việt, mà lại biến nó thành danh từ, “người quay phim”, rồi cho “phó” hay “phụ” lên đầu. Nghe không ổn! Người ta có thể nói “phó tướng”, “phó giáo sư”, “phó tiến sĩ”, v.v., nhưng, nên nhớ, trong những từ này, sau từ “phó” phải là một danh từ. Và những từ như “tướng”, “giáo sư”, “tiến sĩ” đều là những từ Hán Việt. “Phó quay phim” không ở trong trường hợp như vậy.

“Phó” và “phụ” (dĩ nhiên, ta đang nói về từ “phụ” với nghĩa là “giúp, thêm”), về mặt ý nghĩa là giống nhau, nhưng cách dùng có khác. Trong khá nhiều trường hợp, người ta thường dùng “phó” trước danh từ và “phụ” trước động từ, có nghĩa là, trong những trường hợp ấy, “phó” được dùng như một tính từ và “phụ” được dùng như một trạng từ. Bởi thế, chúng ta nói “phó tướng” mà không nói “phụ tướng”; nói “phó giáo sư’ mà không nói “phụ giáo sư”; nói “phó đô đốc” mà không nói “phụ đô đốc”; nói “phụ tá” mà không nói “phó tá”; nói “phụ giảng” mà không “phó giảng”; nói “phụ tùng” mà không “phó tùng”; và nói “phó vương” mà không “phụ vương” (có từ “phụ vương” đấy, nhưng “phụ” ở đây lại là “cha”); nói “phó sứ” mà không “phụ sứ”. Nhưng không hẳn đó là một quy luật, vì cũng có những trường hợp “phụ” lại đi trước một danh từ, như trong “phụ đề” (tiểu đề đặt ở dưới hoặc bên đầu đề chính), “phụ bản” (tranh ảnh hoặc bản đồ kèm vào trong sách báo), “phụ cấp” (số tiền trợ cấp thêm ngoài số lương chính / “cấp” có thể được dùng như động từ hay danh từ)... Vậy thì có lẽ phải nói, dùng “phó” hay “phụ” là một thói quen, một tập quán, qua những từ đã được định hình và hầu như không có một quy tắc gì rõ rệt. Ta cũng có thể kiếm được một số từ trong đó “phó” đi với một động từ chứ không phải một danh từ. Chẳng hạn, “phó thự (“thự” là “tạm thay thế người nào”)... Dù sao, có ít nhất một từ đi nước đôi, chơi trò ac-dc (“être polyvalent”, “marcher à voile et à vapeur”, hoặc “to be ac-dc”, “to swing both ways”) là “phụ tế” / “phó tế” (“tế” theo nghĩa là “cúng tế, dâng lễ”—tế thần như thần tại).

Từ “lò vi sóng” thì nên đổi lại là “lò vi ba”, một từ đã được dùng từ trước 1975. “Ba” ở đây là sóng nhỏ, còn có nghĩa là tia sáng của con mắt; còn “đào” là sóng lớn, sóng cả. “Khoé (nét) thu ba” là để chỉ ánh mắt, nói rộng ra là chỉ nét đẹp, của người con gái thật mềm dịu và quyến rũ như sóng mùa thu. “Lò vi sóng” thì thất cách quá, mặc dầu nghe cũng có lúc thấy hay hay. Ðứa con lai nào mà chẳng có cái ngộ nghĩnh của nó. Nhưng “nữ nhà văn” thì nghe kỳ lắm. Một là dùng từ Hán Việt theo kết cấu Hán, “nữ văn sĩ”, hai là dùng từ Việt theo kết cấu Việt, “nhà văn nữ” (“nữ” ở đây đã trở thành một từ được Việt hoá). Hoặc, tốt hơn hết, là bỏ từ “nữ” đi. Chỉ “văn sĩ” hay “nhà văn” là đã đủ rồi.

Trong đoạn văn trên, tôi có viết câu: ““Khoé (nét) thu ba” là để chỉ ánh mắt, nói rộng ra là chỉ nét đẹp, của người con gái thật mềm dịu và quyến rũ như sóng mùa thu.“ Quyến rũ. Nhà văn Phạm Thị Hoài, trong một bài viết đã lâu, có đưa ra một nhận xét thật sáng mà tôi xin phép chỉ tóm gọn ý ở đây vì không nhớ hết các chi tiết. Chị ngờ rằng từ “quyến rũ” mà chúng ta hay dùng có lẽ phải là “quyến rủ”. “Rủ” theo nghĩa là “rủ rê, lôi cuốn”. Như vậy thì mới rõ nghĩa lý. Nhận xét thật bất ngờ, và có lý vô cùng, về một từ mà chúng ta đã dùng quen nhưng không mấy ai để ý kỹ đến nghĩa lý của nó. Nhất là, nếu nhớ lại, trong Kiều có câu “Quyến anh rủ yến, tội này tại ai”. Tôi nghĩ “quyến rũ”, một từ Hán-Nôm, quan hệ đồng đẳng, hoặc có thể cứ coi nó là một từ Việt (với “quyến” đã được Việt hoá ở một mức độ nào đó), là do “quyến dụ”, một từ Hán Việt mà ra. Thay vì “quyến rủ”, nó biến âm thành “quyến rũ” [6] . Cũng như “nhắc nhở” là từ “nhắc (cho) nhớ” mà ra; “đứng đắn” là từ “đúng đắn”; “mười lăm” là từ “mười (và) năm”; “đo đỏ”, “tim tím”, “trăng trắng” là từ “đỏ đỏ”, “tím tím”, “trắng trắng”, v.v. Nhưng tại sao lại biến ra “quyến rũ” để làm gì nhỉ? “Quyến rủ” nghe êm, thanh, nhẹ và ngọt hơn “quyến rũ” nhiều chứ, dễ lôi cuốn và... hớp hồn “đối tượng” hơn chứ. Hay vì âm “rũ” gần với âm “dụ” hơn? Nói về biến âm, “dụ” ra “rủ”, ra “rũ”, rồi còn ra “rù” nữa đấy! Xin đừng cho là tôi nói đùa. Trong Nam, người ta có từ “rù quến” (“Anh Tư Lửa rõ ràng là đang bị con Thơm rù quến!”). Chưa hết, ngoài rủ, rũ, rù ra, lại còn có rụ nữa đấy. Từ “rụ” này cũng là do “dụ” mà ra, được phát âm và ký âm theo lối cổ (rụ rỗ, rẫn rụ, đồng nghĩa với dụ dỗ, dẫn dụ). Nó có nghĩa là rủ rê, dẫn dắt, lôi kéo, đúng nghĩa của từ dụ Hán Việt. Mà không chừng ngoài rủ, rũ, rù, rụ ra, còn có cả ru nữa đấy. “Ru” là gì, nếu nó không phải chính là những âm điệu được (mẹ, chị, bà ông, thậm chí người yêu—Ngủ đi em hãy tựa đầu / Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi) phát ra một cách “dụ hoặc” để “quyến dụ”, dẫn dắt người nghe vào một giấc mộng. Không phải sao? Chữ nghĩa biến đổi thần tình quá! Nó giống như một ống kính vạn hoa (keleidoscope), chỉ khẽ xoay đi một cái lại cho ta một cấu trúc mới, một dạng hoa khác lạ, làm ta mê mẩn.

Chữ nghĩa của con người, nó biến hoá không cùng. Nó có những lúc như không chịu sự gò bó, ràng buộc của những quy luật. Có những lúc, nó như muốn thoát ra khỏi sự kiểm soát của chúng ta. Không biết rồi nó sẽ đi về đâu? Hỏi như thế, nhưng ai cũng biết rằng chữ nghĩa và ta sống trong một tình trạng cộng cư. Nó ở đâu thì ta ở đấy, và ta đi đâu thì cũng phải gọi nó đi cùng. Bởi lẽ, chữ nghĩa chính là ta. Nó chính là khuôn mặt và tâm hồn của một tập thể người sống quần cư với nhau, hoặc là khuôn mặt và tâm hồn của mỗi con người khi đối diện với người khác hoặc khi đối diện với chính mình. Nó là cái vỏ bên ngoài của tấm linh hồn con người. Nó biểu hiện cách nhìn đời, cách sống đời và cách ở đời của tất cả và mỗi một chúng ta. Tóm lại, nó là chính chúng ta.

Bởi vậy, mặc dù đôi khi ta cảm thấy lạc đường, cảm thấy bối rối vì chữ nghĩa của mình, có lẽ ta cũng không nên hỏi, như tựa đề bài này dã hỏi, một cách thật sai lầm, “Chữ nghĩa của ta ơi, mày đang bỏ đi đâu đấy?” Quo vadis? Bởi vì nó chính là ta. Tuy hai mà một, tuy một mà hai. Hãy tự đặt lại câu hỏi, cho chính mình, “Kẻ kia, ngươi đang đi đâu? Ngươi đang về đâu?”. Hoặc, một câu hỏi có tính tập thể hơn, Quo vadimus? “Chúng ta đang đi đâu?”. Từ đó, ta sẽ tỉnh thức, ngồi xuống ngẫm nghĩ, và tự định hướng lại cho cuộc đi của mình.

Tustin Ranch, California

29.1.2005

© 2005 talawas



[1]Quo Vadis? Tựa đề bài này dựa theo tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng thế giới mang cùng tên của nhà văn Ba-Lan Henryk Sienkiewicz (1846-1916), viết về thời bạo chúa Nero ở La Mã. QuoVadis? có nghĩa là “Anh/Con đang đi đâu?”
[2] “Ngồi cứng”, “ngồi mềm” là ngồi trên ghế trơn, không có nệm, hoặc ngồi trên ghế có nệm cho đỡ đau lưng. “Nằm cứng” hay “nằm mềm” cũng thế. Chữ nghĩa được tóm gọn và cắt cụt đến thế thì thôi!
[3]Xin phép để được nhắc cho các bạn trẻ sống ở nước ngoài: “nhà xí” là từ được dùng để chỉ “nhà vệ sinh” (restroom hay toilet room) ở Việt Nam từ rất lâu rồi. Từ đó, có “đi xí”. Không biết bây giờ từ này còn được dùng một cách phổ thông trong cuộc sống hàng ngày hay không? “Bệt” (ngồi bệt) và “xổm” (ngồi xổm), những tư thế, như vậy, được dùng như những bổ từ trong “Xí xổm” và “Xí bệt”. Chúng có thể là những tính từ hay trạng từ chỉ thể cách tuỳ theo ta xét “Xí” là danh từ hay động từ.
[4]Xin xem thêm một bài viết khác, trình bày kỹ quan niệm của tôi về cách dùng hai từ này, trong “Mấy suy nghĩ và nhận xét về chữ và nghĩa” trong Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và Phê bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975 - 1995, California: Văn Nghệ, 1996. (trang 670-696).
[5]Có thể xem Võ Như Nguyện & Nguyễn Hồng Giao, Hán văn giáo khoa thư (hai tập). Ðà Nẵng: Nhà xuất bản Ðà Nẵng, 1997.
[6]Từ “rũ”, trong tiếng Việt, còn có nghĩa là “uể oải, lười biếng, như muốn bị bệnh” hoặc “thô, xấu, không có sinh khí”. Như trong “rũ rượi”, “rũ liệt”, “ủ rũ”; hay như trong Quán thu phong đứng rũ tà huy (Cung oán ngâm khúc). Và, đặc biệt, trong “ (treo) cờ rũ” nữa. “Cờ rũ” cũng có thể viết là “cờ rủ”. Như thế, ở đây, “rũ” và “rủ” cũng có thể dùng thay đổi cho nhau. “Rủ”, trong “(ngồi) củ rủ” cũng mang nét nghĩa “uể oải, buồn chán, lo buồn, không sinh động, không hứng thú”. Có khi nó được mở rộng ra để thành “củ rủ cù rù”.