© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
8.2.2005
DÅ©ng VÅ©
Chính trước phụ sau
 
Anh/chị HN và bạn đọc thân mến,

trước nhất xin cảm ơn các câu hỏi của anh/chị HN đã đặt ra cho tôi. Qua bài viết này, tôi sẽ trả lời anh/chị và đồng thời trò chuyện cùng bạn đọc. Cũng xin cảm ơn các anh chị đã đóng góp nhiều ý kiến hay, đặc biệt là anh Bùi Việt Bắc, người đã khởi đầu một cuộc thảo luận thật bổ ích cho tiếng Việt.

Để cho dễ theo dõi, tôi xin được phép ghi lại nguyên văn lá thư của anh/chị HN:

"Tôi vừa đọc bài trả lời chị Tường Vân của anh Dũng Vũ trên talawas (31.01.2005).

Kết luận khoa học của anh Dũng Vũ sau đây:

"Như tôi đã nói: từ ghép đôi có bổ ngữ trong tiếng Việt bao giờ cũng theo hệ thống: bổ ngữ nằm bên phải từ được bổ nghĩa… Tiếng Hoa ngược lại, bổ ngữ nằm bên trái. Và dĩ nhiên người Hoa chỉ dùng toàn tiếng Hán.

Ðừng để ý đến những khái niệm như Hán-Việt, thuần Việt, ... chi cho rắc rối, cứ nhớ rằng, muốn tạo "từ ghép đôi có bổ ngữ" kiểu Việt, ta theo nguyên tắc "chính trước, phụ sau", tức từ chính đi trước, từ phụ đi sau; bất kể dùng toàn từ Việt, hay nửa Hán nửa Việt, hay toàn Hán."


khiến tôi không thể không nêu một thắc mắc: anh Dũng Vũ có thể đưa ra một định nghĩa về các yếu tố chínhphụ trong các từ “ghép đôi”?"

"Tôi xin lấy lại các ví dụ của anh Dũng Vũ và đặt chúng vào loạt những từ ghép cùng loại, đồng thời đưa thêm một vài ví dụ nữa:

Đàn gà, đàn việt, đàn lợn…
Đàn ghi-ta, đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn nhị…
Quả bóng, quả cam, quả buởi, quả hồng, quả na…
Cây ô, cây táo, cây tre, cây chuối…
Con người, con vật, con thú, con chim, con cá…

Vậy trong những kết hợp nêu trên, từ nào là chính, từ nào là phụ? Và khái niệm “từ ghép đôi có bổ ngữ” cần được hiểu như thế nào? "



Chính trước phụ sau

Cụm từ này nghe khá hay, vừa có vần, vừa đối chữ, dễ nhớ như một câu tục ngữ. Hình như nó xuất xứ từ miền Bắc hoặc mới có sau này. Trước 75, sống ở Sài Gòn, tôi chưa nghe bao giờ.

Như đã nói,"chính trước phụ sau" là một nguyên tắc tạo từ ghép đôi có bổ ngữ trong tiếng Việt. Có thể hiểu đơn giản thế này: Phụ có nghĩa là cái phụ, giữ nhiệm vụ phụ nghĩa cho một các khác; cái khác ấy là cái được phụ nghĩa, nghịch lại cái phụ, và được gọi là cái chính. "Chính trước phụ sau" còn nói lên cái trật tự: cái chính đứng trước, cái phụ đứng sau. Chỉ vậy thôi.

Giải thích một cách bình dân là thế, còn giải thích theo ngôn ngữ học, thì đối với quan hệ chính phụ của một tổ hợp từ, yếu tố "phụ" được hiểu là một bổ ngữ (complement) có công dụng bổ nghĩa cho một thành tố [1] (từ/ngữ đoạn) phía trước, nghĩa là bổ ngữ nằm bên tay phải thành tố được bổ nghĩa.

Tóm lại, ý nghĩa của nguyên tắc "chính trước phụ sau" trong cách tạo từ ghép đôi có bổ ngữ của tiếng Việt là: từ chính là từ được bổ nghĩa, đứng trước, từ phụ là từ làm công việc bổ nghĩa, đứng sau.

(Khái niệm "chính trước phụ sau" có thể tìm thấy trong những tài liệu của Cao Xuân Hạo (1998) tr. 192-22 , Nguyễn Tài Cẩn (1999) tr. 49, 57, Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Thanh Lan (2000) tr. 99. Gần đây trên talawas, ông Bùi Vĩnh Phúc cũng có nhắc đến mối quan hệ chính phụ này trong bài viết Chữ & Nghĩa: Quo Vadis?).

Nói chung, cách tạo từ có bổ ngữ trong tiếng Việt hoàn toàn không khó; nhà trường nên dạy cho học sinh biết. Có khó chăng là phải biết từ nào là từ gốc Hán, từ nào là từ gốc Việt. Nếu không rõ thì tra từ điển. Thế nhưng từ điển Việt Nam thường thiếu thông tin này [2] .


Từ ghép đôi có bổ ngữ

Trong mọi bài tham luận về cách tạo từ, tôi chỉ đề cập đến từ ghép đôi do tính phổ biến một cách đặc biệt của nó. Hầu hết từ ghép trong tiếng Việt đều là từ ghép đôi.

Cần phân biệt giữa từchữ. Từ - hiểu theo giới ngôn ngữ học Tây phương – là một đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất, có âm, ý nghĩa và loại từ vựng (lexical) nhất định (danh từ, động từ, tính từ, liên từ, giới từ,...). Đối với tiếng Việt, chữ là một đơn vị có thể nhỏ hơn từ, nó biểu thị một tiếng, và không nhất thiết phải có nghĩa. Ví dụ: " ăn", "năn" là hai chữ khác nhau, biểu thị hai tiếng khác nhau. "Ăn" là một từ, có ý nghĩa, là một động từ, có thể đứng độc lập dưới dạng một từ đơn. "Năn" không có nghĩa, không phải là từ. Nhưng "ăn năn" lại là một từ có nghĩa, và là một động từ.

Trên thực tế, một từ tiếng Việt có thể chứa nhiều chữ. Thậm chí nó cũng có thể là từ ghép gồm hai từ, như "thư viện", "quốc gia", "quốc phòng", "người Việt", v.v.. Bất kể từ đơn hay từ ghép, tất cả đều là từ. Và khi ghép hai từ lại, ta lại có một sản phẩm của từ ghép đôi. Ví dụ: "Quốc" "phòng" là hai từ gốc Hán (quốc: quốc gia, phòng: giữ gìn). Ghép hai từ này lại (theo kiểu tiếng Hoa), ta được một từ ghép: "quốc phòng". "Bộ" là một từ. Ghép với từ "quốc phòng" (theo kiểu tiếng Việt), ta được một từ ghép: "bộ Quốc phòng".

Đó là ý nghĩa của từ ghép đôi.

Tất nhiên cũng có những từ ghép ba, v.d.: "Bộ Văn hóa Thông tin". Dù hai từ "Văn hóa", "Thông tin" không bổ nghĩa cho nhau nhưng cùng bổ nghĩa cho từ "Bộ".


"Đàn", "quả", "cây", "con", ...

Một danh từ tiếng Việt được bổ nghĩa thường là một danh từ cụ thể: "Thành phố Huế", "chợ Bến Thành", "phố Hàng Đào",... Nói đến thành phố thì không thể nhầm lẫn với tỉnh lỵ, nói đến chợ thì không thể nhầm lẫn với chùa, hoặc nói đến phố thì không thể nhầm lẫn với ngõ hẻm. Những từ như thế rất rõ ràng. Thế nhưng, trong tiếng Việt cũng có những từ không rõ ràng. Tôi nghĩ ẩn ý của anh/chị HN khi liệt ra những từ ghép có chứa các từ "đàn", "quả", "cây", "con" là muốn nói đến trường hợp này.

Tiếng Việt có nhiều từ như thế, ít nhất là hơn 140 trường hợp sau:

Cái, Áng, Anh, Ánh, Bà, Bác, Bài, Bãi, Bản, Bao, Bận, Bầy, Bề, Bó, Bọn, Bộ, Bờ, Buồng, Bụm, Bức, Cách, Cánh, Cảnh, Căn, Cặp, Câu, Cậu, Cây, Chàng, Chị, Chiếc, Chiều, Chồng, Chú, Chùm, Chuỗi, Chương, Con, Cô, Cỗ, Cú, Cục, Cụm, Cuốc, Cuộc, Cuốn, Dãy, Dịp, Dòng, Đám, Đàn, Đạo, Đấng, Đóa, Đoàn, Đoạn, Đôi, Đồ, Đống, Đợt, Đứa, Đức, Em, Gã, Gian, Giọt, Góc, Gói, Hạt, Hòn, Hột, Hớp, Kẻ, Khẩu, Khóm, Khu, Khúc, Kiện, Kỳ, Làn, Lão, Loại, Loài, Loạt, Lô, Lời, Lũ, Luồng, Mảnh, Mảng, Mẩu, Mé, Miếng, Món, Mớ, Mụ, Mùa, Mụn, Nải, Nàng, Nắm, Nén, Nền, Ngọn, Ngôi, Ngụm, Người, Nhà, Nhóm, Niềm, Nỗi, Nụ, Ông, Phần, Pho, Quả, Quyển, Sự, Sợi, Tay, Tảng, Tấm, Tấn, Tập, Tên, Thang, Thanh, Thằng, Thày, Thể, Thứ, Thửa, Tiếng, Tính, Toán, Tốp, Tờ, Trái, Tụi, Vầng, Viên, Vị, Việc, Vở, Vốc, Vũng, Xấp, Xó, ...

Còn nhiều nữa (xin xem thêm Cao Xuân Hạo (1998) tr. 305-346, Nguyễn Tài Cẩn (1999) tr. 164-178).

Thực chất của những từ trên là danh từ chứ không phải là loại từ (classifier); tôi tạm gọi là danh từ hình thức (formal noun) [3] . Sở dĩ gọi vậy là vì loại danh từ này có khả năng hình thức hóa một cái chung chung thành một thực thể cá biệt. Mỗi từ như thế có thể kết hợp với một thành tố (từ/ngữ đoạn) để thành lập một từ ghép mang tính danh từ. Ví dụ:


Nhận xét chung, danh từ hình thức có thể:

  1. kết hợp với một thành tố (từ/ngữ đoạn) để thành lập một thành tố lớn hơn (từ ghép) mang tính danh từ. Kết quả diễn tả một đối tượng đã được hình thức hóa mà đa số đều đếm được.
  2. đại diện cả thành tố được thành lập ấy về mặt cú pháp ở một môi trường ngữ cảnh đã được làm rõ phía trước.

Xem vài ví dụ người Việt nói được:


Chúng ta biết "thơ" là một danh từ cụ thể, thế nhưng không đếm được. "Thơ" là một tập hợp rất chung chung. Muốn đếm được, người ta phải giới hạn nó bằng một hình thức như một "bài thơ", "câu thơ", ... Những hình thức này chính là những đối tượng cụ thể tựa như những tập hợp con đã được phân loại từ một tập hợp rất lớn và tổng quát. Vì "thơ" không đếm được, cho nên không thể nói:


Nhờ đơn vị hóa "thơ" bằng hình thức "bài", chúng ta mới có một loại thực thể đếm được, đó là "bài thơ". Đây là khả năng thứ nhất của danh từ hình thức.

Khả năng thứ hai của danh từ hình thức ("bài") là đại diện cho đối tượng ("bài thơ") đã được làm rõ trong môi trường ngữ cảnh phía trước. Nhờ ngữ cảnh "thơ" đã xuất hiện ở câu đầu, cho nên ở câu sau, chúng ta mới có thể lược bỏ chữ "thơ" bằng cách nói tắt là "một bài":


Giữ chức năng như một danh từ, "bài" đại diện cho thực thể "bài thơ" để câu sau đừng sai ngữ pháp. Nếu không nhờ ngữ cảnh trong câu, chúng ta không thể nói khơi khơi "một bài". Không ai hiểu "bài" đây là bài gì cả.

(Có thể xem thêm chi tiết trong Tiếng Việt và ngôn ngữ học hiện đại - Sơ khảo về cú pháp, tr.105-111, tủ sách talawas /Cái, Con, vân vân và vân vân, talawas 15.12.2003).

Nói tóm lại, dù là danh từ thường hay danh từ hình thức, người Việt đều bổ nghĩa nó bên phải. Lý do thế nào, theo tôi, có lẽ cũng giải thích được, thế nhưng xin nhường cho một chuyên luận khác.

Hy vọng những gì được trình bày bên trên không lạc ý anh/chị HN. Còn gì thắc mắc, xin anh/chị HN và bạn đọc cứ nêu ra, tôi sẽ cố gắng trả lời trong khả năng của mình hoặc xin nhờ các vị học giả khác giúp giùm. Mỗi cuộc thảo luận như vậy rất có ích cho tiếng Việt của chúng ta.

Một lần nữa, xin cảm ơn tất cả mọi người.

Stuttgart, 05.02.2005


Tài liệu tham khảo



© 2005 talawas




[1]Trong ngôn ngữ học, thành tố có nghĩa là một từ/cụm từ nói được.
[2]Thiết nghĩ, giới làm từ điển Việt Nam nên ghi chú thêm nguồn gốc từ gốc (Việt, Hán,...) như bên này thường làm. V.d. dùng từ điển Duden, Brockhaus của Đức, người tra cứu có thể biết gốc gác của từ (Hy Lạp, Ả rập, La mã,...).
[3]Có tác giả gọi là phó danh từ (Nguyễn Kim Thản), tiền danh từ (Phan Khôi), loại từ (Lê Văn Lý).