© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
15.2.2005
Thierry Leclère
Good morning Vietnam - Gặp gỡ thế hệ các nhà văn trẻ tại Hà Nội
Ngô Tự Lập, Tân Mai dịch
 
Không biết tới chiến tranh, họ nói nhiều về tình dục hơn chính trị. Và soi đất nước đang biến chuyển của mình qua một chiếc gương trần trụi. Dù bị kiểm duyệt…

Hà Nội nghiêm trang, thủ đô cộng sản một thời khô khan khổ hạnh, giờ đây ngập tràn quảng cáo huyên náo ngay từ lối ra sân bay. Với các ngôi nhà kiểu thuộc địa có vẻ đẹp lỗi thời, khu trung tâm giống như một bức ảnh nâu đen bị Sony va Toyota gặm nhấm. Cả thành phố rung lên như một công trường khổng lồ muốn lấy lại những năm tháng đã mất trong chiến tranh và nghèo khó. Siêu thị đầu tiên của thủ đô cộng sản vừa mở cửa. Trong các cửa tiệm, các cặp nam nữ vui nhộn, tay trong tay, mơ màng trước những màn hình phẳng cỡ lớn. Vài năm nay, thanh niên Hà Nội đã bỏ xe đạp đi xe máy Nhật, chiếc nào cũng sạch sẽ và được trau chuốt như một kho báu (mỗi chiếc trị giá sáu tháng lương), lướt như triều dâng rồi chìm trong làn xe hơi dòng 4x4 bóng lộn của đám người mới phất.

Nhưng họ mơ ước điều gì, những chàng trai và cô gái Việt đang mỉm cười với bạn, gọi bạn bằng tiếng Anh trên vỉa hè, trước khi vui vẻ biến sâu vào rạp để xem một bộ phim tình cảm hay hành động Hàn Quốc? Bảy mươi phần trăm dân số Việt Nam sinh sau 1975, tức sau ngày Sài Gòn sụp đổ và hai miền thống nhất.

Ở Pháp ít ai còn nói đến nước Việt Nam xa xôi, nhưng xứ sở này đang trở lại trong một hơi thở tươi mới, tuyệt vời, dưới dạng một tuyển tập văn học kể về những giấc mơ và những chấn thương của nó ngày hôm nay. Trong Tầng trệt thiên đường [1] , Đoàn Cầm Thi, một phụ nữ Việt trẻ, tác giả một luận văn tiến sĩ về George Sand, đã tập hợp truyện ngắn của một số tác giả tài năng nhất trong thế hệ các nhà văn trẻ. Đoàn Cầm Thi nói: «Đa phần họ không sống qua chiến tranh. Khác với thế hệ đi trước, tác phẩm của họ không bị quá khứ ám ảnh. Hơn mười tác giả do tôi tuyển chọn nói về xã hội hôm nay với nhiều hài hước. Những thất vọng về tư tưởng không còn là mối quan tâm thường ngày của họ. Rất tự nhiên, họ vén màn cấm kị, họ nói về tình dục. Tham nhũng, họ cũng viết. Nhưng luôn với một chút khoảng cách, và hình thức trong lối viết chính là điều họ kiếm tìm».

Nguyễn Bình Phương là một trong những người tiên phong của cái thế hệ vừa ngạo đời vừa thầm kín này. Thế giới của anh mang tính điện ảnh, nhiều ảo ảnh, phân đôi, phản chiếu. Nó xa rời những qui tắc của nền hiện thực xã hội chủ nghĩa đến độ nhiều tiểu thuyết của anh đã gây chấn động. Trong Môi xanh, truyện ngắn do Đoàn Cầm Thi tuyển dịch, Nguyễn Bình Phương phác hoạ một gia đình mang trên mình dấu ấn như sắt nung đỏ của hãm hiếp và loạn luân…

Dù bất đồng ngôn ngữ, gặp Nguyễn Bình Phương thực sự là một niềm vui lớn. Và cũng là một khoảnh khắc siêu thực, như thường có ở Việt Nam. Người đàn ông cỡ bốn mươi với điệu bộ nghệ sĩ đội mũ kiểu Gavroche này làm việc trong… quân đội. Thiếu tá Nguyễn Bình Phương phụ trách mục Thơ của tờ Văn Nghệ Quân Đội. Khi tôi nói với anh rằng trong quân đội Pháp ít tìm thấy các tài năng văn học, anh lờ đi, cười: «Chuyện dài lắm… Ở Việt Nam, quân đội hoà nhập với xã hội đến độ các quân nhân cũng làm đủ thứ nghề». Giới công an cũng có một nhật báo và nhiều tạp chí lôi cuốn các nhà văn…

Mâu thuẫn ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam mở rộng tự do kinh tế từ ngày Đổi Mới, chính sách do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ năm 1986, dưới ảnh hưởng Perestroika của Liên Xô. Nhưng Nguyễn Bình Phương từ chối tham gia một tổ chức chính thống đã già nua, đó là Hội Nhà văn. Anh khẳng định một cách tự hào là «không học gì ở các nhà văn Việt», và sẽ một mình tiếp tục con đường riêng… Thực ra anh biết rất rõ những gì có được nhờ nền «văn học Đổi Mới», nền văn học đã làm xáo chộn văn cảnh Việt Nam từ hai mươi năm nay. Người đứng đầu «thế hệ những kẻ vỡ hoang» đó, không nghi ngờ gì nữa, là Nguyễn Huy Thiệp, tác giả Tướng về hưu, một truyện ngắn chua cay, một dạng ngụ ngôn về chiến tranh và quyền lực. Đó còn là Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết khổng lồ Nỗi buồn chiến tranh, hay nhà văn nữ phản kháng Dương Thu Hương, người đã buộc phải im lặng, bị xoá sổ trong văn đàn vì đã chỉ trích ác liệt nhà cầm quyền.

Kiểm duyệt, đặt dưới trướng của Đảng cộng sản và Bộ Văn hoá, thay đổi tuỳ thời, nên ngay cả những người am hiểu cũng khó thấu hết. Nói chung, những kẻ nắm quyền đánh vào các nhà xuất bản, sau khi sách được in. Chuyên gia Đoàn Cầm Thi giải thích: «Chính vì vậy mà có việc các nhà xuất bản cũng như các tác giả tự kiểm duyệt. Nhưng đôi khi những người chịu trách nhiệm xuất bản lại gần gũi với các nhà văn, họ dám chấp nhận nguy hiểm». Nguyễn Việt Hà, một tác giả khác trong tuyển tập của Đoàn Cầm Thi, đã hứng chịu những cú giáng động trời vì đã «hạ thấp con người» bằng cách miêu tả «những dục vọng, suy nghĩ và hành động tầm thường, trái ngược».

Việc phát hành một số cuốn sách đã dẫn đến việc người cho xuất bản bị khiển trách, phê bình trên báo chí, cách chức. Hay tồi tệ hơn nữa là trường hợp Bùi Ngọc Tấn: cuốn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 ghi lại kinh nghiệm cải tạo (những năm 1970) của ông đã bị huỷ sau khi ra mắt được ít ngày. Đó là dấu hiệu cho thấy văn học Việt Nam vẫn đang sung sức và tiếp tục gây lo sợ? Dù sao chăng nữa, Internet đang tiếp sức: người ta không thể nào kiểm duyệt được các báo văn hoá bằng tiếng Việt phát đi từ Úc, Berlin, Paris.

Thường thường một tiểu thuyết chỉ bán khoảng 1500 bản, nhưng trên đất nước có một nền văn học xa xưa như Việt Nam, nhà văn vẫn có uy thế đặc biệt. Đoàn Cầm Thi kể: «Vào khoảng cuối những năm 1980, nhà văn giữ vai trò thầy thuốc để chạy chữa cho một xã hội đang lâm bệnh, họ gần như thay thế các chính trị gia. Nhưng sau khi đã hào hùng đánh bạt nền hiện thực xã hội chủ nghĩa, các bậc thầy của văn học Đổi Mới, như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, đã bắt đầu đuối sức. Thế hệ các nhà văn trẻ muốn tạo dựng một nền văn học với nhiều tham vọng hơn, một nền văn học hiện đại. Họ tượng trưng cho khát khao của tuổi trẻ, và vì vậy đánh dấu một bước ngoặt trong văn học Việt Nam».

Cùng với một số tác giả hải ngoại, các tài năng mới như Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Việt Hà có thể chưa tạo được một trường phái văn học mới, nhưng tác phẩm của họ phản chiếu xã hội Việt Nam trẻ, say sưa trong hưởng thụ, tự do, nông nổi. «Tuổi hai mươi hôm nay mơ gì?" - Nguyễn Bình Phương cười - "Đó là câu hỏi mà tôi rất muốn trả lời. Người Việt rất mê chuộng Phương Tây, nhưng tôi không thấy điều đó bất thường. Họ biết chắt lọc để chọn lấy những điều hay nhất. Đất nước này có một truyền thống văn hoá lâu đời, vì vậy tôi không sợ. Họ biết bảo vệ những giá trị của mình».

(Thierry Leclère là phái viên đặc biệt tới Hà Nội. Telerama là tờ tạp chí văn học nghệ thuật lớn nhất nước Pháp, mỗi số dày 160 trang, số lượng in 674.400 bản.)


© 2005 talawas


[1]Au-rez-de-chaussée du paradis, Récits vietnamiens (1991-2003), réunis, traduits et présentés par Doan Cam Thi, éd. Philippe Picquier, 240 p.

Nguồn: Telerama n° 2874 - 12 février 2005 http://livres.telerama.fr/edito.asp?art_airs=M0502071222080