© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
23.2.2005
Nguyá»…n Trung LÆ°Æ¡ng
Một vài ý nghĩ nhân đọc bản dịch tác phẩm „Phê phán lý tính thuần túy“ của Immanuel Kant do Bùi Văn Nam Sơn thực hiện
 
Immanuel Kant thuộc vào hàng những nhà tư tưởng kinh điển trong triết học Tây phương nên không xa lạ đối với giới học giả Việt Nam. Nhưng sự hiểu biết về Kant tại Việt Nam - cũng như về các tư tưởng gia Tây phương khác - sau gần một thế kỷ tiếp xúc với Tây học vẫn chưa đạt được tầm vóc học thuật. Tên tuổi Kant tuy được đây đó nhắc đến và tùy theo nhu cầu nhất thời tác phẩm của ông thỉnh thoảng cũng đã được trích dẫn, nhưng thực sự tư tưởng của ông chưa được tiếp thu tương ứng với vị trí của ông trong triết học. Thiếu sót này có nhiều lý do mà một trong những lý do ấy là tác phẩm của ông chưa được dịch sang tiếng Việt. Trước năm 1975 tại miền Nam triết học của ông đã từng được giảng dạy trong đại học. Một tác phẩm chuyên đề „Triết học Kant“ do Trần Thái Đỉnh biên soạn được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước và cho đến nay vẫn là tác phẩm độc nhất tại Việt Nam về Kant. [1] Đáng tiếc là tác phẩm ra đời vào lúc thời thế bất thuận lợi nên không thể mở được những bước đầu cho một cuộc tiếp thu tư tưởng của triết gia Đức lỗi lạc này. Tại miền Bắc thì khác hẳn: Tuy không thấy có tác phẩm nào về Kant nhưng triết học của ông đuợc đánh giá rất nhất quán. Trong chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng hệ độc tôn nơi đây, chỗ đứng của triết học Kant được xác định rõ ràng. „Tính chất cơ bản của triết học Căng (Kant) là điều hòa chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm; làm cho hai chủ nghĩa ấy thỏa hiệp với nhau“. [2] Quan điểm này về „trò chơi nước đôi“ của triết học Kant nguyên rút ra từ lời phán của Lê Nin trong tác phẩm „Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm - phê phán. Bút ký phê phán một triết học phản động“ [3] và đã trở thành một định kiến kinh điển có ảnh hưởng đến sự tiếp thu tư duy của Kant. Theo lời phán này thì triết học Kant không hẳn là duy vật và cũng không hẳn là duy tâm, vừa „tiến bộ“ lại vừa „phản động“, nửa thịt nửa mỡ, mà - tệ hơn nữa - ý đồ của Kant là „thoả hiệp“. Như mọi người đều biết, đồ đệ của tư tưởng hệ Mác Lê là những người theo chủ nghĩa duy vật và tự mang cho mình sứ mệnh cứu thế nên rất hiếu chiến hiếu thắng, bởi vậy chỉ cần nghe đến chữ „thỏa hiệp“ thì họ sẽ lắc đầu cự tuyệt ngay. [4] Mà quả thật, họ xem tư tưởng của Kant chỉ có giá trị lịch sử thôi; trong triết học cổ điển Đức họ chỉ đề cao biện chứng luận của Hegel mà không cần biết rằng Kant và Hegel cùng chung một mạch tư duy, giữa Kant và Hegel có một quan hệ mật thiết: Triết học của Kant là tiền đề của triết học Hegel và không có tư duy có tính cách mạng của Kant thì biện chứng luận của Hegel bất khả dĩ. [5]

Đáng mừng là nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất (1804) và 280 năm ngày sinh (1724) của Immanuel Kant một tác phẩm của ông đã được dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam: Immanuel Kant, Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der reinen Vernunft); Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải; Thái Kim Lan dẫn luận; Nhà xuất bản Văn Học, 2004. Lần đầu tiên bạn đọc Việt Nam có dịp làm quen trực tiếp với một tác phẩm chính của Kant và cũng là một tác phẩm then chốt của triết học nói chung. Ý nghĩa và vai trò của „Phê phán lý tính thuần túy“ (PPLTTT) trong sự nghiệp của Kant và trong triết học nói chung được Thái Kim Lan [6] phác họa bao quát trong phần „Dẫn luận“ rất súc tích và theo bà thì : „...kẻ nào nghiên cứu PPLTTT, kẻ đó đã đến tận gốc rễ của triết học“ (tr. XXXI). Một ý kiến mà có lẽ cả giới triết học cùng chia sẻ.

Cũng đáng mừng là PPLTTT đã được dịch, chú giải, biên soạn (và cả ấn loát) rất nghiêm chỉnh và chu đáo (một điều hiếm có trong ngành xuất bản Việt Nam!). Nhưng càng đáng mừng hơn nữa - ít nhất đối với người viết bài này - là lần đầu tiên tôi đọc một bản dịch triết học từ tiếng Đức sang tiếng Việt dày cỡ một nghìn trang mà không hề có một thắc mắc dịch thuật nào đáng kể ra đây. Thuật ngữ triết học phức tạp, cú pháp chằng chịt của tiếng Đức và văn phong của Kant hình như không hề là trở ngại cho ngòi bút lưu loát của Bùi Văn Nam Sơn (BVNS).

Đành rằng mục đích tối hậu của dịch thuật là phải truyền đạt lại tất cả những gì tác giả muốn truyền đạt bằng những phương tiện của „ngôn ngữ đích“ mà nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã gọi phép „tái ngôn từ hóa“. [7] Nhưng để đạt được mục đích ấy, đặc biệt trong một bản dịch triết học, người dịch không những phải quán triệt chuyên môn, phải có thẩm quyền ngôn ngữ cao mà còn phải có khả năng minh giải (Hermeneutik), vì minh giải là phương pháp học thuật hòa giải được sự bất đồng mạch ngôn ngữ và văn hóa. [8] May mắn là cả ba tiền đề này chính là sở trường của họ Bùi. [9] Cũng vì thế mà tiếng Việt trong bản dịch không thụ động, không luống cuống khi phải biểu hiện những ý nghĩ mới lạ - PPLTTT đầy những ý nghĩ mới lạ! -, mà lúc nào cũng giữ được chủ quyền của mình. Có thể nói là BVNS đã vững vàng điều khiển tư duy của Kant nhập ngôn Việt. Thêm vào đó BVNS có một giọng văn dễ cảm thông. Văn bút của BVNS mạch lạc, sáng sủa nhưng không nặng tính „khoa học“ (như đa số tác phẩm học thuật), không chải chuốt, bất cận (như Phạm Quỳnh), không luận chiến ngụy biện (như Hải Triều cùng đồ đệ), không tự phô trương ầm ĩ (như Phạm Công Thiện) mà rất từ tốn, gần gũi, cởi mở. Hình như nơi đây BVNS đã chọn một văn phong phù hợp với ý định của mình: Ông muốn trao lại cho bạn đọc vốn kinh nghiệm đọc và học Kant của ông và vốn kinh nghiệm này không nhỏ, như bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra. Kiến thức về Kant mà ông trình bày rất cân nhắc trong phần chú thích và chú giải xuất phát từ một sự hiểu biết chín chắn và từ một nguồn tài liệu vừa phong phú vừa cập nhật phản ảnh được cuộc biện luận triết học Kant (philosophischer Diskurs) đương thời.

Tất nhiên thuật ngữ triết học là một vấn đề mà BVNS - như mọi dịch giả khác - phải đương đầu, nhất là vì sự tiếp thu triết học phương Tây tại Việt Nam chưa thành một truyền thống học thuật sinh động. Điển hình cho tình trạng này là việc sử dụng thuật ngữ không nhất quán, thậm chí nhiều khi có thể gây ra sự lầm lẫn giữa các dòng triết học khác nhau. Chỉ cần nhìn vào các từ điển triết học và các tác phẩm liên quan đến triết học ta có thể xác định ngay sự bất ổn thuật ngữ này. [10] BVNS chủ trương rằng „cố tránh dùng các thuật ngữ quá mới lạ hay cầu kỳ“ (tr. XXIII), và trong bản dịch PPLTTT ông đã sử dụng phần lớn thuật ngữ sẵn có. Tuy nhiên ông không tránh khỏi sự lựa chọn cần thiết. Ví dụ như ông đã dịch „Vernunft“ là „lý tính“ mà không dịch là „lý trí“, „transzendental“ là „siêu nghiệm“ chứ không là „tiên nghiệm“ hay „siêu việt“, rồi „transzendent“ lại là „siêu việt“ chứ không là „siêu nghiệm“, „Ding an sich“ là „vật tự thân“ chứ không là „vật tự nó“... Trong một cuộc hội thảo giới thiệu bản dịch PPLTTT Thái Kim Lan đã nêu ra câu hỏi: „Tiêu chuẩn khách quan nào ấn định sự lựa chọn hay đã có sẵn một qui định thuật ngữ ?“. [11] Câu hỏi rất chính đáng, nhưng cũng rất quen thuộc và đến nay cũng đã từng là đề tài của nhiều cuộc bàn cãi. Vấn đề then chốt của câu hỏi này là nó không thể được trả lời thỏa đáng một cách trừu tượng trong nghĩa là thuật ngữ nào đúng hay sai, chuẩn hay không chuẩn, nhất thiết hay tùy tiện. Như chúng ta biết, trong nhân văn học nói chung, trong triết học nói riêng, khái niệm không phải là cái gì nhất sinh bất biến; ngược lại chỉ có thể trưởng thành qua thử thách của thực tiễn tư duy, sinh sôi nẩy nở trong quá trình đối thoại, trao đổi tư tưởng sinh động. Nói một cách khác: sự chuẩn định thuật ngữ là thành tựu của một truyền thống học thuật. [12] Tôi không chút ngần ngại quả quyết rằng, phẩm chất của bản dịch PPLTTT cùng với cách soi rọi thuật ngữ từ nhiều khía cạnh trong các phần chú thích và chú giải rất căn bản và cặn kẽ là một đóng góp xuất sắc để dựng lên nền móng đối thoại, tiếp thu tư tưởng của Kant. Tôi nghĩ rằng, có gì có thể biện hộ cho sự chọn lựa thuật ngữ của họ Bùi hơn một bản dịch rất thuyết phục mà ông đã trao cho bạn đọc Việt Nam.

Triết học Kant thường được gọi là triết học siêu nghiệm (Transzendentalphilosophie) và chính Kant cũng tự gọi triết học mình như thế. Chỉ cần nhìn vào dàn bài của PPLTTT ta sẽ thấy ngay là khái niệm siêu nghiệm nổi bật trong toàn bộ tác phẩm: cảm năng học siêu nghiệm, lô gích học siêu nghiệm, phân tích pháp siêu nghiệm, biện chứng pháp siêu nghiệm, học thuyết siêu nghiệm về phương pháp. Quả vậy, siêu nghiệm là khái niệm then chốt mở đường vào triết học Kant, nhưng sẽ lầm to nếu ta xem triết học siêu nghiệm chỉ là một bộ môn triết học bên cạnh các bộ môn triết học khác. Khái niệm siêu nghiệm bao hàm sự khác biệt giữa triết học Kant và toàn bộ triết học trước ông và đặc biệt bao hàm sự thay đổi hệ hình tư duy (Change of Paradigm) mà Kant tự gọi là cuộc cách mạng Copernic của triết học. Kant quan niệm „siêu nghiệm như thế nào?“. Ông giải thích (và nhắc lại nhiều lần): „Tôi gọi mọi nhận thức là siêu nghiệm (transzendental) khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu chung về phương cách nhận thức của ta (Erkenntnisart) về các đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có được một cách tiên nghiệm. Một hệ thống các khái niệm như vậy sẽ được gọi là triết học siêu nghiệm (Transzendentalphilosophie)“ (tr. B25).

Lần đầu tiên tương quan nhận thức được xem là đề tài mấu chốt của triết học. Trước Kant - hay chính xác hơn - trước thời cận đại (thời cận đại trong triết sử bắt đầu từ Descartes) toàn bộ triết học là một sự nỗ lực tìm cách trả lời t r ự c t i ế p câu hỏi muôn thuở „Vạn vật là gì vậy?“. Trực tiếp vì triết học trước Kant mặc nhiên cho là quan hệ giữa ta và vạn vật là một quan hệ trực diện; vạn vật „có sẵn“ (hữu) đó nên ta chỉ cần phán xét kỹ là có thể biết vạn vật là gì. Tuy nhiên vạn vật khi động khi tĩnh, khi biến khi hiện nên muốn phán xét kỹ ta phải vượt qua sau (siêu) cái trực diện thì mới biết được cái gì là thực, là hư, là bản thể, là hiện tượng. Đại để đó là cách tư duy siêu hình học và thành tựu của lối suy nghĩ này đuợc tổng kết lại thành hệ thống gọi bản thể học (Ontologie; còn đuợc dịch là hữu thể học hay vật thể học). Theo Kant tri thức về vạn vật kiểu này không dựa trên một nền tảng chắc chắn vì „phương pháp của nó đến nay chỉ là sự mò mẫm đơn thuần, và càng tệ hơn, chỉ là sự mò mẫm giữa những khái niệm suông mà thôi“ (tr. BXV).

Để khắc phục những vấn đề siêu hình học Kant đã dựa vào tiền đề của chủ nghĩa duy lý (đại biểu là Descartes) và chủ nghĩa duy nghiệm (đại biểu là Hume), hai mạch tư duy tuy khác nhau về khởi điểm nhưng cùng chung sự hoài nghi về cách nhận thức siêu hình truyền thống, để xét lại toàn bộ tương quan nhận thức bằng một cuộc tự phán cực đoan của lý tính. Cực đoan vì trong cuộc tự phán này lý tính vừa là chủ thể phê phán vừa là đối tượng phê phán. Lối tư duy tự quy - tự lấy mình làm đối tượng - mà Descartes (cogito) khởi xướng đã được Kant hấp thụ và biến thành nguyên lý tư duy triết học: tư duy phải bao hàm cả điều kiện khả dĩ chi phối tư duy. „Nghĩ đi nghĩ lại“ như ta nói một cách nôm na mà trong đó cái „nghĩ đi“ là đối tượng của sự „nghĩ lại“. Đây chính là tính „phản tư“ (reflexio) mà Kant xác định là „trạng thái của tâm thức, trong đó ta quay về với chính ta để khám phá các điều kiện chủ quan nhờ đó ta có thể đạt được những khái niệm“ (tr. B316). Câu hỏi triết học muôn thuở „Vạn vật là gì vậy?“ được Kant trả lời trong PPLTTT trên bình diện phản tư bằng một cuộc khảo sát lại toàn bộ khả năng tri thức (Erkenntnisvermögen) của con người bao gồm cảm năng (Sinnlichkeit), giác tính (Verstand) và lý tính (Vernunft) với mục đích xác định những yếu tố tiên nghiệm (a priori, nghĩa là không chịu ảnh hưởng của thường nghiệm) chi phối sự hình thành đối tượng nhận thức. Theo Kant những yếu tố đó là không gian, thời gian và một bộ phạm trù gốc. Không gian và thời gian là hai mô thức trực quan thuần túy thuộc vào phạm vi cảm tính; bộ phạm trù gốc là những khái niệm thuần túy của giác tính.

Khám phá của Kant có tính chất cách mạng đưa đến sự thay đổi hệ hình tư duy là: Nhận thức không phải là một quá trình thụ động mà là chủ động; không phải mọi nhận thức của ta hướng theo các đối tượng mà các đối tượng phải hướng theo nhận thức của ta (tr. BXVI). Tất cả những cái gì có thể xác định được bằng các yếu tố thuần túy của cảm năng và giác tính sẽ thành đối tượng nhận thức và ta có thể có một tri thức vững chắc về chúng. Như vậy theo Kant nhận thức có hai nguồn gốc: „...cảm năng (Sinnlichkeit)giác tính (Verstand); nhờ cảm năng, những đối tượng được mang lại cho ta, nhờ giác tính, chúng được ta suy tưởng.“ (tr. B29). Cũng vì thế mà Kant tuyên bố: „Những tư tưởng không có nội dung thì trống rỗng, những trực quan không có khái niệm thì mù quáng“ (tr. B75). Ngược lại, tất cả những cái gì vô không gian tính, vô thời gian tính, vô khái niệm tính thì ta không thể nào nhận thức được, thì bất khả tri, là vật tự thân (Dinge an sich). Phần khả tri là thế giới hiện tượng (Phaenomenon); phần bất khả tri là thế giới vật tự thân (Noumenon; nghĩa đen: cái chỉ được suy tưởng).

Sự phân biệt giữa thế giới hiện tượng (Phaenomenon) và thế giới vật tự thân có tính quyết định cho toàn bộ triết học Kant, nhưng cũng dễ bị ngộ nhận. Ta sẽ lầm to nếu ta vẫn theo đường suy tư cũ mà cho rằng đây là sự phân biệt giữa cái hiện tượng và cái bản thể, cái hư và cái thực. BVNS chú thích: „Vật-tự thân - theo cách hiểu của Kant - chỉ là một khái niệm có tính phương pháp, chứ không phải là một khái niệm siêu hình học theo nghĩa „có“ một cái gì „ở đàng sau“ thế giới hiện tượng như là thế giới „chân thực“ có tính bản chất mà ta không thể nhận thức được, còn hiện tượng chỉ là „vỏ ngoài“ hời hợt, chỉ là „ảo tưởng“ (Schein). Vật-tự thân chỉ là khái niệm thiết yếu phải có để hiểu khả thể của kinh nghiệm mà thôi“ (tr. 74). Quả vậy, đây không phải là sự phân biệt bản thể học tính mà là sự phân biệt nhận thức học tính, hay nói theo cách hiện đại, phương pháp luận tính. Theo Kant phần hiện tượng là phần ta có thể phân tích, thao tác theo quy luật, theo điều kiện tiên nghiệm khả dĩ; thế giới của nhận thức là thế giới hiện tượng, là thế giới cảm năng, giác tính. Kant đã hạn chế khả năng tri thức vào thế giới hiện tượng, và ranh giới của thế giới hiện tượng chính là siêu nghiệm tính. Để hiểu được tính phương pháp luận của triết học Kant ta phải hiểu tính „chiến lược“ của siêu nghiệm luận: Thế giới hiện tượng - sau khi đã được mổ xẻ khám nghiệm - là chỗ đứng vững vàng, là cơ sở mà dựa vào đó ta có thể ung dung mường tượng, dự báo - chứ không thể nào nhận thức được - một cái gì bao la khác nữa, cái tận, hạn, định, tóm lại: cái vô điều kiện, cái tuyệt đối , một cái tất yếu mà chỉ có thể suy tưởng đuợc thôi (Noumenon).

Sự khám phá này đã dọn đường cho Kant áp cận vấn đề mà ông đã nêu ra ngay trong những dòng đầu tiên của PPLTTT: „Lý tính con người... có số phận đặc biệt: nó bị quấy rầy bởi những câu hỏi không thể chối từ, bởi chúng được đặt ra [như một nhiệm vụ phải giải quyết] (aufgegeben) do bản tính tự nhiên của chính lý tính, nhưng lý tính cũng không thể trả lời được bởi chúng vượt khỏi mọi quan năng của lý tính con người“ (tr. AVII). Cái „số phận đặc biệt“ mà Kant nhắc ở đây chính là số phận của triết học: Con người không thỏa mãn với tri thức về thế giới hiện tượng, mặc dù tri thức này - theo Kant - hoàn toàn vững chắc; con người còn muốn biết những điều mà theo Kant không tài nào có thể biết được (bởi ranh giới siêu nghiệm). Sự bất đồng giữa đòi hỏi và thực tế, giữa yêu cầu và quan năng là nguồn gốc của sự khẩn trương của lý tính. Nhờ biện chứng luận Kant đã phát hiện ra là những nghịch lý (Antinomien), võng luận (Paralogismen), các chứng minh về sự tồn tại của thượng đế đều là sự biểu dương của tính mâu thuẫn gây nên bởi sự khẩn trương của lý tính và đồng thời ông có thể chỉ trích cái thế giới mà tri thức siêu hình học đã tạo nên chỉ là ảo tưởng (Schein). Thế giới chỉ có thể suy tưởng được thôi (Noumenon) không phải là thế giới của tri thức vững chắc mà là thế giới của ý niệm (Ideen), của những suy luận tất yếu của lý tính mà không có một đối tượng nào của giác quan có thể tương ứng được (tr. B368, B761). Cũng vì thế mà ý niệm không có chức năng nhận thức như trong siêu hình học truyền thống (Plato) mà chỉ có chức năng điều chỉnh (regulativ) để áp cận cái vô điều kiện, cái tuyệt đối. Tự do, bất tử, thượng đế là ý niệm, là biểu dương của sự hòa giải của lý tính trong sự bất đồng với chính mình. „Hòa nhi bất đồng“ không phải là một sự giải hòa mù quáng, tùy tiện mà là một sự giải hòa đầy ý thức, là biểu hiện của tính tự quyết, tự chủ của chủ thể tư duy, là biểu hiện của minh triết.

Tóm lại: Triết học siêu nghiệm là triết học xác định nguyên lý của sự hình thành đối tượng tri thức (trong khi khảo sát từng đối tượng thuộc thẩm quyền của khoa học chuyên môn). Sự thay đổi hệ hình tư duy tác động bởi triết học siêu nghiệm của Kant nằm ở chỗ là từ Kant trở đi triết học không nhằm nhận thức vạn vật trực tiếp mà gián tiếp qua sự trung gian chi phối (Vermittlung) của chủ thể tư duy. Quả vậy, „Hiện tượng học tinh thần“ (Phaenomenologie des Geistes) của Hegel là một diễn trình biểu dương sự hình thành đối tượng nhận thức của tinh thần chủ quan (subjektiver Geist), đến tinh thần khách quan (objektiver Geist) và kết thúc trong tinh thần tuyệt đối (absoluter Geist). Sự hình thành đối tượng cũng là nguyên lý để Hegel hệ thống hóa một cách năng động toàn bộ tri thức. Trong hiện tượng học của Husserl - tương tự như phái Kant Mới - mọi đối tượng của tri thức đều có căn nguyên trong chủ thể kiến tạo. Quan hệ giữa cái hữu thể (Sein) và vật thể (Seiende) trong triết học của Heidegger là quan hệ siêu nghiệm - hữu thể là trung gian chi phối vật thể - khác hẳn với quan hệ đồng thể dị tính trong siêu hình học truyền thống. Ngay triết học ngôn ngữ - do Hamann, Herder khởi xướng đồng thời với Kant - cũng được xem là triết học siêu nghiệm vì ngôn tính là trung gian chi phối sự hình thành đối tượng nhận thức. [13]

PPLTTT, như BVNS viết, „đã khép lại một giai đoạn, mở một thời kỳ và tiếp tục gây ảnh hưỏng sâu đậm đến tương lai“ (tr. XXI). Có thể nói là PPLTTT đã đóng dấu ấn vào lịch sử triết học từ đó đến nay, biến triết học thành một cuộc biện luận cởi mở, đa dạng, sinh động trong tinh thần trọng lý. Cuộc biện luận này đã trở thành một thách thức cho mọi cuộc đối thoại tư tưởng nghiêm chỉnh , kể cả giữa phương Đông và phương Tây. Tất nhiên ngoài cuộc biện luận triết học ấy còn có những hệ tư tưởng khác, nhưng những hệ tư tưởng này chỉ có tác động trong phạm vi cục bộ, được nuôi dưỡng, khai triển trong không khí nhà kính trên cơ sở „đóng cửa dạy nhau“, tồn tại qua ngày trong tâm lý trọng thế khinh lý, lấy uy quyền thay tư duy. Trong khuôn khổ ấy tư duy sinh động đã biến thành giáo điều.

Điển hình cho kiểu tư duy giáo điều là chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng hệ do Lê Nin khởi xướng. Khác với Karl Marx (Mác), mà sự đào luyện và trưởng thành trí thức của ông gắn liền với cuộc biện luận triết học, quan điểm học thuật của Lê Nin - là người ngoại cuộc - theo đuổi một ý đồ khác. Lê Nin quả quyết: „ Về mặt triết học, Mác và Ănghen (Engels) thủy chung bao giờ cũng là những người có tính đảng“. [14] Thực ra lời khẳng định này là một sự ngộ nhận tự lộ nguyên hình không đáng để bàn cãi làm gì, vả lại qua đó họ Lê đã tự loại mình ra khỏi cuộc biện luận triết học; có điều là cái luận điệu „học thuật vị nhân sự“ này đã chi phối toàn bộ chủ nghĩa Mác Lê, một tư tưởng hệ chỉ đạo tại Việt Nam từ ngót nửa thế kỷ nay, - hơn thế nữa - nó đã ăn sâu vào đầu óc giới sĩ phu Việt Nam đương thời, đã hạn chế tầm sinh hoạt tinh thần, làm cản trở mọi cuộc đối thoại triết học nghiêm chỉnh nói chung và với tư duy của Kant nói riêng. Tuy nhiên trong phạm vi của bài này tôi chỉ có thể đề cập gợi ý một vài vấn đề có liên quan trực tiếp đến Kant.

Không ý thức đuợc sự thay đổi hệ hình tư duy triết học từ Kant cho đến nay rằng triết học là nhận thức học, là phương pháp tư tưởng, suy tư trong nội bộ chủ nghĩa Mác Lê Việt Nam vẫn quanh quẩn dưới góc độ thu hẹp lịch sử triết học thành lịch sử của một cuộc đấu tranh khốc liệt diễn ra giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm mà chủ nghĩa duy vật là chánh thuyết, chủ nghĩa duy tâm là tà thuyết. Sự ngộ nhận này đã đưa triết học Mác Xit đến chỗ bế tắc. Kiểu tư biện „vật chất là đệ nhất tính, ý thức là đệ nhị tính“ hay lối đi tìm chìa khóa vạn năng để trả lời trọn vẹn vấn đề „vạn vật là gì“ trong „thuyết chủ toàn“ của Cao Xuân Huy là lối suy nghĩ mà xét về mặt nhận thức luận là vô thưởng vô phạt, thuộc vào loại tư duy không phản tư mà từ Kant trở đi triết học đã vượt qua. [15]

Một sự ngộ nhận khác mà đã biến thành một nhận thức phổ biến trong chủ nghĩa Mác Lê là quan điểm về biện chứng trong cái gọi là „chủ nghĩa duy vật biện chứng“. Biện chứng luận từ Plato đến Hegel thông qua Kant được khai triển từ quan hệ nhận thức, chính xác hơn, được xác định bởi tính tác dụng tương hỗ giữa chủ thể và đối tượng. Trong ý nghĩa này biện chứng luận đã được Kant và Hegel cũng như Marx áp dụng vào thực thể lịch sử, xã hội. Kant dùng biện chứng luận để phê phán cũng như nhận chân siêu hình học truyền thống; Hegel dùng biện chứng luận để biểu dương diễn trình của ý niệm; Marx dùng biện chứng luận để lột trần hình thái kinh tế xã hội tư bản. Loại biện chứng luận ra khỏi thực thể lịch sử xã hội, biến nó thành một quy luật tự nhiên, thành một phương pháp nhận thức tự nhiên là một sự ngộ nhận mà Georg Lukacs, một nhà Mác-xít hàng đầu, đã từng chỉ trích trong tác phẩm nổi tiếng „Geschichte und Klassenbewußtsein“ (Lịch sử và ý thức giai cấp). [16] Quả vậy, mọi nhận thức về tự nhiên đã đạt được trong quá khứ và sẽ đạt được trong tương lai không liên quan gì đến biện chứng luận. Một Newton, một Einstein hay bất kỳ một nhà vật lý học nào khác đã và có thể khảo cứu tự nhiên thành công mà không cần phải biết gì về phương pháp biện chứng. Biện chứng luận hiểu theo nghĩa „vạn năng“ như trong chủ nghĩa Mác Lê thông dụng tại Việt Nam thực chất chỉ là một lối ngụy biện không hơn không kém.

Không ý thức được tính siêu nghiệm trong tư duy Kant về sự hình thành đối tượng tri thức nên trong chủ nghĩa Mác Lê nhận thức học được xem là vấn đề mà khoa học chuyên môn sẽ giải quyết thỏa đáng. Vật tự thân chẳng qua là cái mà khoa học chưa khảo sát đến nơi đến chốn; một khi khoa học khảo sát thành công thì „vật tự nó“ sẽ biến thành „vật cho ta“ (!). Mọi vấn đề con người chỉ là vấn đề khoa học thôi (chủ nghĩa xã hội khoa học!), hay chính xác hơn chỉ là vấn đề mà chuyên gia sẽ giải quyết. Nhưng theo Kant thì : „Cho rằng có thể giải quyết mọi vấn đề và trả lời mọi câu hỏi là sự khoác lác và tự cao vô lối, chỉ tự làm mất uy tín và sự đáng tin cậy trước người khác.“ (tr. B504). Ta sẽ không ngạc nhiên là tư tưởng hệ Mác Lê qua đó đã trở nên bất cận nhân tình. Đối với Kant sự kinh ngạc, sự bâng khuâng của con người trước thiên địa vạn vật là một nguồn cảm hứng triết học không bao giờ cạn, không phụ thuộc vào thành tựu khảo cứu của khoa học chuyên môn, không phụ thuộc vào sự sắc bén của 1ý tính công cụ. Nhờ nguyên tắc siêu nghiệm mà Kant đã xác định được một chủ thể nhận thức và dọn đường cho một chủ thể hành động. Đối với Kant trong phạm vi của lý tính thực hành một nhà bác học tài giỏi hay một người nông dân mù chữ đều cùng chung một cảnh ngộ như nhau: Phải gạt thế giới thường nghiệm sang một bên để áp cận cái vô điều kiện, cái tuyệt đối mà điều kiện khởỉ hành của mọi người đều giống như nhau. Trong một trong những đoạn văn hay nhất của PPLTTT Kant viết:“Nhưng phải chăng như vậy là đòi hỏi rằng nhận thức thiết thân với con người đều vượt khỏi trình độ của lý trí thông thường và chỉ có triết gia mới khám phá được... Triết học chỉ làm sáng tỏ điều mà trước đây ta chưa thấy hết, đó là: đối với những vấn đề liên quan thiết thân đến mọi người, tự nhiên không bao giờ thiên vị và sẵn sàng phân phối quà tặng cho mọi người chúng ta một cách công bằng, không phân biệt. Và đối với cứu cánh cơ bản và tối hậu của con người, không có nền triết học cao siêu nào có thể hướng dẫn cho ta bằng sự hướng dẫn mà Tự nhiên đã phú bẩm cho lương năng bình thường nhất“ (tr. B859). Đoạn văn này đã để hiện lên động cơ của triết học Kant: đó là tinh thần khai sáng phổ cập. Khai sáng không phải là đặc quyền cho một hạng người nào cả, không phụ thuộc vào địa vị xã hội, trình độ văn hóa, là dấu hiệu trưởng thành của con người, - hay có thể nói một cách triệt để: không khai sáng không thành nhân.

Hậu quả trầm trọng nhất của quan điểm „học thuật vị nhân sự“ (chiêu bài „nghệ thuật vị nhân sinh“ của Hải Triều hoàn toàn thuộc vào mạch tư duy này mà người viết bài này sẽ bàn trong một dịp khác) là sự công cụ hóa học thuật, làm học thuật mất tính tự trị. Học thuật rút cục chỉ còn chức năng độc nhất là phục vụ đắc lực cho kẻ cầm quyền. Dưới khía cạnh này cái mệnh của giới sĩ phu Việt Nam thời nay không khác cái mệnh của giới sĩ phu truyền thống mà Nguyễn Khắc Viện đã từng đắc ý (!) xác định. [17] Đương nhiên trong mọi thời đại sự phục vụ đắc lực cho kẻ cầm quyền không bao giờ và cũng không thể nào là một thách thức trí tuệ. Học thuật vì thế đã trở nên hư học. Tệ hơn nữa là trong không khí học thuật ấy thái độ „trọng thế khinh lý“ đã trở thành một lối sinh hoạt tinh thần phổ biến làm tổn thất tính tự chủ, làm cho giới sĩ phu Việt Nam mất hẳn tầm vóc. Dưới chế độ toàn trị truyền thống (chuyên chế „phong kiến“) lối „học thuật vị nhân sự“ là một trong những nguyên nhân đã từng cản trở sự hình thành một nền „quốc học“. Trong những thập niên đầu thế kỷ trước giới sĩ phu canh tân như Phan Khôi, Phạm Quỳnh đã nuôi hy vọng rằng cuộc tiếp xúc đối thoại nghiêm chỉnh với Tây học sẽ là cơ hội cho nền học thuật truyền thống thoát ly khỏi những ràng buộc chính trị, xã hội, đạo đức tạo tiền đề xây dựng một nền quốc học thức thời, cởi mở, đa dạng. [18] Nhưng, như chúng ta biết, dưới chế độ toàn trị hiện đại (chuyên chính vô sản) chủ trương „học thuật vị nhân sự“, tâm lý „trọng thế khinh lý“ không những đã tái sinh, mà còn trở nên cực thịnh. Học thuật thực sự đã biến thành học phiệt. „Nơi đây không có sự tranh luận sòng phẳng về học thuật, nói gì đến đối thoại vì những cơ sở của đối thoại bị thủ tiêu từ trong trứng nước. Chỉ có sự giả trá lộng hành. Họ không những làm cho lạc lối mà còn nguy hại hơn, khiến cho người đi sau chán ngán, xa rời...“. [19]

Trước trạng thái tinh thần ấy thông điệp cập nhật của Kant chỉ có thể là khai thông lý tính ngõ hầu phát huy tính tự chủ. Bản dịch PPLTTT của BVNS là lời mời bạn đọc - để nhại theo cách nói của Phan Khôi tiên sinh - cùng đến thăm nhà họ Lý (tính), không phải để lại được ru ngủ say mê với những hứa hẹn hão huyền mà là bình tĩnh dự một cuộc tự phán của chính họ Lý để tỉnh táo lại, để biết ta cũng như biết người và đặc biệt để biết dùng lý tính của mình : khai sáng thông qua phê phán lý tính.
 
Có rất nhiều lý do tại sao cần (phải, nên) đọc Kant, nhưng như Thái Kim Lan viết trong „Dẫn luận“ rất chí lý, hoàn toàn hợp với tinh thần và cốt cách của PPLTTT: “... rốt cùng chỉ có một lý do: ham thích triết học như một niềm vui tri thức, một niềm hỷ lạc trong ánh sáng ‚minh minh đức’„ (tr. LXXVI). Tuy nhiên đối với bạn đọc Việt Nam còn có thêm một lý do: Đọc bản dịch PPLTTT của BVNS là đọc một áng triết văn Việt, là dự cuộc „hôn phối tưng bừng“ [20] giữa tư duy Kant và ngôn ngữ Việt vậy.

Tháng Giêng 2005

© 2005 talawas


[1]Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant, Nxb Văn Mới, Sài gòn 1974, 419 tr.
[2]Từ điển triết học, Nxb sự thật, Hà nội 1976, tr. 111; Từ điển triết học giản yếu, nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà nội 1987, tr. 221.
[3]V. Lê Nin, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm - phê phán. Bút ký phê phán một triết học phản động“, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1960, tr. 268-269.
[4]Các cuộc đấu tranh nội bộ trong phong trào cộng sản quốc tế cũng như Việt Nam thường được xem là cuộc đấu tranh giữa hai phái tả khuynh (cách mạng, bạo động) và hữu khuynh (thỏa hiệp, cải lương). Thực sự đó chỉ là những cuộc thanh trừ đối thủ chính trị đội lốt tư tưởng.
[5]Tài liệu khảo cứu quan hệ giữa Kant và Hegel thì vô số mà một trong những tác phẩm kinh điển tiếng Đức là: Richard Kroner, Von Kant bis Hegel (từ Kant đến Hegel), Tübingen 1961.
[6]Thái Kim Lan đã theo học triết học tại đại học München/ Đức.
[7]Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2003, trang 174.
[8]Hans-Georg Gadamer: Hermeneutik I. Wahrheit und Methode. Grundzüge einer philosophischen Hermeneutik (Chân lý và phương pháp. Triết học minh giải toát yếu), Tübingen 1990, trang 387-391.
[9]Bùi Văn Nam Sơn đã theo học triết học tại đại học Frankfurt/ Đức. Cho đến nay - theo tôi biết - ông mới ra mặt trên văn đàn Việt Nam với tiểu luận „Bùi Giáng với „Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại“: Cuộc hôn phối tưng bừng“, in trong tác phẩm: Bùi Giáng, Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại, nxb Văn học, Hà Nội 2001, trang 7-36. Tuy chỉ là một tiểu luận nhưng rất ấn tượng, đủ để ta nhận ra tầm vóc trí tuệ của họ Bùi.
[10]Cao Văn Luận; Đào Văn Tập; Nguyễn Văn Trung..., Danh từ triết học, Nxb Đại học, Sài Gòn 1958. Xem: chú thích (1),(2), (3).
[11]Thái Kim Lan, Hai buổi hội thảo chuyên đề giới thiệu tác phẩn „Phê phán lý tính thuần túy“ của triết gia Đức I. Kant tại Hà nội và Huế, talawas, ngày 04.11.2004. (Lê Nin, trang 474).
[12]Về liên quan sinh động giữa sự chuẩn định thuật ngữ và học thuật trong quá trình chuyển ngữ; xem: Vĩnh Sính, Hội trí thức Meirokusha và tư tưởng khai sáng ở Nhật Bản, trong: Diễn Đàn (Paris), số 148 (2-2005), tr. 29-31; Hartmut Buchner (Chủ biên): Japan und Heidegger (Nhật Bản và Heidegger), Sigmaringen 1989, tr. 79-86.
[13]Erich Heintel, Einführung in die Sprachphilosophie (Triết học ngôn ngữ nhập môn); Darmstadt 1972, tr. 127-168
[14]V. Lê Nin, sách đã dẫn trên, tr. 474.
[15]Xem: Đào Duy Anh, Đối thoại với một nhà đạo học hiện đại. In trong: Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm. Hồi ký. Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh 2003, tr.; Cao Xuân Hạo, Quan điểm chủ toàn trong triết học Lão Trang và trong cấu trúc luận của phương Tây. In trong: Cao Xuân Hạo, sách đã dẫn trên, tr. 385-400.
[16]Georg Lukács: Geschichte und Klassenbewusstsein. Studien über marxistische Dialektik (Lịch sử và ý thức giai cấp. Khảo cứu về biện chứng luận Mác Xít). Nxb Malik Verlag, Berlin 1923, tr. 17.
[17]Nguyễn Khắc Viện, Confucianisme et Marxisme au Vietnam (Nho giáo và chủ nghĩa Mác tại Việt Nam). In trong: Nguyễn Khắc Viện: Expériences vietnamiennes (Kinh nghiệm Việt Nam), Éditions sociales, Paris 1970, trang 227-228.
[18]Xem: Phạm Quỳnh, Bàn về quốc học, in trong : Phạm Quỳnh, Luận giải văn học và triết học, Nxb Văn hóa thông tin, Hà nội 2001, tr. 74-92 ; Vu Gia, Phan Khôi - Cuộc tranh luận về quốc học, in trong: Vu Gia, Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới, Nxb Đại học quốc gia, TP Hồ Chí Minh 2003, tr. 253-277.
[19]Bùi Văn Nam Sơn, sách đã dẫn trên, tr. 17.
[20]Bùi Giáng có lần viết : „...khi dịch, cố nhiên tôi phải liệu liệu mà sửa ngữ, đổi từ, thay điệu, để đừng hại ý, đừng sát xoang, ngõ hầu kết hợp linh hồn đôi bên Á Âu trong duy-nhất-một-lần là Tưng Bừng Hôn Phối.“ Xem: Bùi Giáng, sách đã dẫn trên, tr. 184.