© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
12.3.2005
DÅ©ng VÅ©
Vài suy nghĩ về tính thực dụng dã chiến của người Việt trong ngôn ngữ
 
Những ý kiến xoay quanh mấy từ kiểu như vi tính cứ kéo dài mãi. Không có ý kiến mới nào chứng minh được tính đúng đắn của một sản phẩm ngôn ngữ như thế, ngoài sự tự biện, nó đã xuất hiện và làm trọn công việc đại diện cho một khái niệm. Nó đã được đẻ ra quá dễ dàng như thể, đó, có một khái niệm, tôi gọi đại là như vậy, dịch đại là như vậy; cứ gọi thế, người nghe sẽ hiểu người nói muốn nói gì, không cần quy tắc gì hết.

Tinh thần ấy biểu lộ cái tính thực dụng dã chiến tiêu biểu của người Việt.

Một từ như vi tính đã được chứng minh là một sản phẩm ngôn ngữ thiếu hoàn chỉnh. Biết vậy, chỉ cần điều chỉnh hoặc tránh dùng là xong. Một việc hết sức đơn giản. Nhưng, tưởng vậy mà không phải vậy.

Tính thực dụng của người Việt rất mạnh. Nói thế không có nghĩa là các dân tộc khác không có tính thực dụng. Có, nhưng không dã chiến như người Việt. Tính dã chiến của người Việt mạnh đến độ, tùy cơ ứng biến, người ta có thể nghĩ ra một giải pháp nhanh như chớp để giải quyết vấn đề. Giải pháp tuy tạm thời nhưng có thể dùng được suốt đời, nếu muốn. Trong thời chiến, người ta gọi tên ông tổng thống Mỹ Kennedy là Ken. Trong thời bình người ta gọi bia Heineken cũng là Ken. Khi hỏi, làm sao phân biệt được ông tổng thống với bia, câu trả lời sẽ là: thì gọi là tổng Ken. Một cái tên, người ta sẵn sàng chặt ra làm ba khúc, chỉ dùng một khúc cho gọn. Đến khi cần phân biệt, thì gắn thêm một cái gì (cũng đã bị chặt) vào là xong. Một giải pháp dã chiến coi có vẻ tiểu nông vậy nhưng rất tuyệt vời; người sử dụng hoàn toàn mãn nguyện.

Tính thực dụng ngôn ngữ một cách dã chiến của người Việt đã tràn lan khắp xã hội hôm nay. Hình như ai cũng có khả năng biến đổi, sáng tạo ngôn ngữ tùy trình độ học vấn, văn hóa, địa vị,... Hiện tượng một người Việt hải ngoại bỡ ngỡ trước những từ lạ khi về thăm nhà dễ được người trong nước giải thích là: vì sống xa tổ quốc lâu năm, nên tiếng Việt của bạn bị hạn chế. Ít ra đó là kinh nghiệm của tôi. Người ta thương hại tôi, vì sống xa tổ quốc lâu năm, nên tiếng Việt của tôi bị hạn chế. Rõ ràng là hạn chế. Nghe hai chữ giá bèo, không hiểu, thì được giải thích là giá rẻ như bèo. Thì ra thế. Bèo là một danh từ, giờ biến thành một tính từ, có nghĩa là rẻ. Vô tư khi xưa được hiểu là ngây thơ, hồn nhiên, v.d. như tính vô tư của trẻ nhỏ, còn ngày nay phải được hiểu thêm là tự nhiên, thoải mái. Ngữ nghĩa của vô tư đã mất giá trị độc quyền dành cho trẻ nhỏ, những con người vô tư thực sự. Ngày nay người đầu đầy sạn cũng muốn vô tư: Vô tư đi uống bia ôm, vô tư đi mátxa tươi mát, vô tư cặp bồ nhí... Tự nhiên và thoải mái. Người ta còn dạy tôi, anh có di động không? có nghĩa là anh có điện thoại di động không?, xe có điều hòa không? có nghĩa là xe có máy điều hòa không khí không?,... Và người ta hỏi: Anh thấy, tiếng Việt hiện đại phong phú hơn trước nhiều, đúng không?

Chu vi sử dụng ngôn ngữ dã chiến trong nước gần như không còn bị giới hạn. Trong lời ăn tiếng nói bình dân, người ta cũng dùng loại sản phẩm ấy; trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, người ta cũng dùng loại sản phẩm ấy.

Đọc báo trong nước, người đọc dễ nhận thấy, văn phong của một bản tin, của một bài phóng sự, của một bài bình luận không khác nhau mấy. Viết như nói. Ít thấy một bài viết nào mà không chêm một cụm chữ được đóng trong ngoặc kép. Ít thấy một bài viết nào mà không dùng tiếng lóng, tiếng bình dân/thời thượng. Phe vé, Đời sống của một số sao đang tụt dốc, Cô gái "phoọc nhon". Kiểu ngữ dụng này bị lạm dụng đến độ làm cho bài viết trở nên quê mùa.

Lợi điểm của viết văn viết là người viết có thì giờ cân nhắc, trau chuốt câu cú, chọn lựa từ ngữ, làm bài viết thêm tính văn chương, thẩm mỹ, nhưng anh ta không khai thác. Hoặc vì lười biếng hoặc cố tình, người viết không cung cấp cho người đọc loại sản phẩm ấy mà là loại sản phẩm dã chiến dễ đọc, dễ hiểu. Chỉ vậy thôi. Cuối cùng, trình độ đọc của người đọc ngừng tại đó. Người đọc không thể nào nâng cao được trình độ cảm thụ cái hay, cái đẹp, những yếu tố quan trọng cho sự phát triển tính văn minh của xã hội và tính lịch lãm của con người.

Thực tế đã cho thấy, tính thực dụng ngôn ngữ của người Việt không chỉ tự chứng minh được khả năng cung cấp dồi dào những sản phẩm ngôn ngữ dã chiến mà còn cả khả năng tiêu thụ mạnh. Hầu như ai cũng dễ dàng chấp nhận và sử dụng những gì được đẻ ra mà không cần thắc mắc. Đến khi có người chỉ ra vấn đề, thì lập tức sẽ bị cái đại đa số coi như một hành động phá rối trật tự xã hội. Mọi giải thích của anh ta càng khoa học, càng khó thuyết phục được ai, vì anh ta quên mất, mình đang nói chuyện với ai.

Đó là vấn đề, một vấn đề tự nhiên.

Rất nhiều người Việt chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với sự phát triển của con người, đất nước. Không ít phụ huynh thường thắc mắc, tại sao con em mình phải học tiếng Việt suốt một thời gian quá dài, từ mẫu giáo cho tới khi thi tú tài.Học sinh ở Tây phương cũng vậy. Không hiểu tại sao môn ngôn ngữ lại chiếm quá nhiều thời gian so với các môn khác như Toán, Lý, Hóa,... Ngay cả học sinh cũng không hiểu.

Đó là một ví dụ. Thử ngẫm nghiệm xem tại sao.

Không chỉ ở khía cạnh ngôn ngữ mà nói chung ở mọi khía cạnh, có thể nói rằng, cái mấu chốt của vấn đề hiện tại là phần đông người Việt chưa nhận thức được vấn đề. Có lẽ phải cần nhiều năm nữa. Phải qua khỏi giai đoạn tiền kinh tế thị trường náo loạn hôm nay. Người Việt trong nước hôm nay vẫn chưa gột bỏ được tính dã chiến của thời chiến. Họ vẫn dùng nó để sống và giải quyết mọi sự trong thời bình. Ít ai biết đó là một bộ thắng tốt đã kìm hãm sự tiến bộ.

Stuttgart, 08.03.2005

© 2005 talawas