© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
22.3.2005
Cao Xuân Hạo
Sự tích bốn chữ “CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU” trong Việt ngữ học
 1   2   3 
 
2. Luật mô phỏng trật tự thời gian (Loi de succession)

Nội dung của quy luật này là những sự việc được nói đến phải theo đúng cái trình tự như nó đã nối tiếp theo nhau mà diễn ra trong thời gian (La loi de succession veut que les faits énoncés se succèdent dans leur ordre chronologique). Như vậy quy luật này cũng có thể gọi là luật Có trước nói trước, có sau nói sau.

Ðể minh hoạ cho quy luật này, L. Cadière dẫn câu sau đây:

Nó bắc ấm nước xuống rót vào ba cái chén sành rồi xếp đũa bát vào rổ đem ra chum nước rửa cho sạch.

Những câu sau đây, khi so sánh với câu cùng nghĩa viết bằng tiếng Pháp, còn cho thấy rõ hơn nữa tác dụng của quy luật: «tiếp nối theo đúng trật tự thời gian của sự việc”:


Coupez-le aux ciseauxHãy cắt bằng kéoLấy kéo mà cắt
Revenir de la chasseVề sau buổi đi sănÐi săn về
Il sort de sa maisonNó đi ra từ nhàNó ở trong nhà đi ra
Mère rentre du marchéMẹ đã về từ chợMẹ đi chợ đã về
Je rentre de l’écoleCon về từ trườngCon đi học về
Je viens de CannesTôi sang từ CannesTôi ở Cannes sang
Je reviens de HuéEm về từ HuếEm ở Huế ra
Il remonte du puitsNó lên từ dưới giếngNó ở dưới giếng leo lên


Ðiều cần chú ý là những câu tiếng Việt ở cột giữa đều hoàn toàn đúng ngữ pháp trong cách tổ chức trật tự từ, cách dùng các thực từ cũng như cách dùng các giới từ [1] . Nhưng không hiểu sao người Việt không bao giờ nói như thế, (nếu không kể câu đầu tiên được dẫn chứng trên đây), ngay cả sau 1945, cái năm mà theo GS. Phan Ngọc thì tiếng Việt đã sao chép hoàn toàn đúng ngữ pháp chuẩn mực của tiếng Pháp. Dù là trẻ con mới biết nói cũng không bao giờ nói như thế. Nếu có ai nói những câu như thế, người nghe có thể biết chắc mười phần rằng đó là một người Việt không bình thường hay một người ngoại quốc mới học tiếng Việt chưa được bao lâu. Ðó tuyệt nhiên không phải là những câu nói bằng tiếng Việt của người Việt.

Tôi còn nhớ hồi Tổng thống Clinton của nước Mỹ chuẩn bị sang thăm Việt Nam. Trong mấy ngày liền các báo của ta lần lượt đưa tin về chuyến thăm này.

Một tờ báo viết:Clinton sẽ ở đây trong ba ngày.
Một tờ khác viết: Clinton sẽ đến đây trong vòng ba ngày.
Một tờ thứ ba viết: Clinton sẽ đến đây nội trong ba ngày.
Một tờ nữa viết: Clinton sẽ ở đây sau ba ngày.
Một tờ khác viết: Clinton sẽ đến đây sau ba ngày nữa.


Hỏi xem bản tin gốc mới biết đó là năm cách dịch khác nhau của câu Clinton will be here in three days. Tôi nghĩ cả năm cách dịch đều không đúng, nghĩa là không chuyển đạt trung thành nội dung của bản tin gốc bằng một câu tiếng Việt thật tự nhiên, và người nghe không biết được chính xác ngày Clinton đến.

Thật ra cách dịch chính xác nhất (và đúng với cách nói của người Việt nhất) là Ba ngày nữa Clinton (sẽ) đến. Nhưng những người dịch bản tin không dám đổi trật tự của từ ngữ trong câu, sợ “không sát” với nguyên bản. Khốn nỗi đó là cách dịch duy nhất đúng với tinh thần của quy luật thứ hai do L. Cadière lập thức. Ðó cũng là cách dịch duy nhất đúng với nguyên văn và tự nhiên đối với người nghe hay người đọc.

Cái quy luật về thứ tự thời gian do L. Cadière lập thức có liên quan đến một vấn đề hết sức hệ trọng trong lý thuyết ngôn ngữ học và Lý thuyết về dấu hiệu nói chung.

Kế từ khoảng những năm 1980, càng ngày càng nhiều nhà ngôn ngữ học bắt đầu chú ý đến cái khái niệm iconicity của C. S. Peirce (1839-1914) đã được R. Jakobson nêu lên mấy lần nhân nói đến chức năng thi ca của ngôn ngữ (1960). Theo Peirce, có ba loại dấu hiệu có thể phân biệt theo mối quan hệ giữa hình thức biểu hiện và nghĩa của nó. Ðó là: 1. Chỉ hiệu (Index), 2. Hình hiệu (Icon), và 3. Ký hiệu (Symbol), trong đó nét đặc trưng của Hình hiệu là có sự giống nhau giữa hình và nghĩa (“âm mô phỏng nghĩa”) – Tuy sự giống nhau này có thể rất đa dạng về phương diện và mức độ.

F. de Saussure quan niệm rằng ký hiệu trong ngôn ngữ là “võ đoán”, nghĩa là không có nguyên do (immotivated), nhưng càng ngày càng có nhiều tác giả nhận ra rằng người bản ngữ có khuynh hướng nghĩ rằng những từ ngữ có mặt trong tiếng mẹ đẻ của mình đều “có nguyên do”, và do đó đều là “tự nhiên” hơn từ ngữ của các thứ tiếng khác. Chính sự kiện này khiến những người đi theo thuyết “võ đoán” của Saussure phải nghĩ lại, vì công lao chủ yếu của Saussure chính là ở chỗ phát hiện ra cái quan điểm duy nhất đúng của ngôn ngữ học (và tất cả các khoa học nhân văn khác): quan điểm chủ quan của người bản ngữ.

Như vậy phải chăng Saussure tự mâu thuẫn trong quan điểm chủ quan luận về nhận thức của người bản ngữ và quan điểm khách quan luận về tính võ đoán của mối quan hệ giữa âm hình và ý nghĩa?

L. Cadière dĩ nhiên là thiên về thuyết “võ đoán”, tuy ông không nói gì về vấn đề này. Thật ra, trước Saussure, có lẽ bất kỳ ai biết lấy ba bốn ngoại ngữ, nhất là khi trong những ngoại ngữ ấy gồm có một thứ tiếng khác loại hình với các thứ tiếng kia, đều có thể thấy ngay tính võ đoán trong cách gọi tên các sự vật, và một người quan tâm đến “cái thần” của ngôn ngữ như ông không thể không thấy rõ hơn ai hết sự khác nhau rất bất ngờ giữa từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt với từ vựng và ngữ pháp tiếng châu Âu.

Nhưng mặt khác, chính là do mối quan tâm đặc biệt đến tất cả những nét đặc thù của tiếng Việt so với tiếng mẹ đẻ của mình, ông đã nhìn thấy xa hơn những cái gì là chuẩn mực và cái gì lệch chuẩn – tức những quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt – để tìm cho ra những tập quán tư duy và nhận thức thế giới của những người nói thứ tiếng này, như ông đã từng làm với các “danh từ phạm trù” (noms de catègorie) cuả nó. Nhờ đó, ông đã phát hiện được một quy luật mà trước ông chưa có một tác giả nào để ý đến: tính hình hiệu trên trục thời gian (temporal iconicity) của câu tiếng Việt [2] .


3. Luật bất phân định (Loi d’indétermination)

Một quy luật được L. Cadière coi như hệ luận (corrollaire) của hai quy luật nói trên là Luật bất phân định (Loi d’indétermination). Nội dung của nó như sau:

Một khi các từ ngữ trong câu đã làm rõ nghĩa cho nhau theo quy tắc chính trước phụ sau và theo quy tắc việc có trước nói trước nói trước, việc đến sau nói sau, thì tiếng Việt có thể tự cho phép mình miễn biểu đạt những ý nghĩa thứ yếu về thời, về ngôi, về nguyên nhân, về hậu quả, v.v. – vốn đã được biểu đạt một cách đương nhiên trong mối liên hệ của các từ ngữ rồi.

Trong chương thứ nhất, Các thành phần của câu (thuộc Phần thứ hai, Cú pháp của câu) có một thiên II dành cho vị từ, trong đó nói khá kỹ về khái niệm thời gian [3] . Mở đầu cho thiên này, L. Cadìère viết:

Nếu nghiên cứu tiếng Việt trong bản thân nó, theo đúng những vật liệu mà nó dùng và có chú ý đến cái cách thức nó dùng các vật liệu đó, ta phải nhận thấy rằng ngôn ngữ này rất ít quan tâm đến ý niệm thời gian (elle attribue à l’idée de temps une très petite importance). Ðiều này rất rõ, vì:

  1. Trong tiếng nói hàng ngày, không có từ ngữ nào, kết cấu nào chuyên dùng để chỉ thời gian. Tiếng Việt giao phó hết cho ngôn cảnh cái bổn phận chỉ rõ thời gian.
  2. Cho nên cũng một kết cấu ấy mà khi thì dùng để nói về thời hiện tại, khi thì dùng để nói về thời quá khứ, khi thì dùng để nói về thời tương lai. Chẳng hạn câu Tôi ăn, tùy theo từng hoàn cảnh, có thể có nghĩa là Je mange, Je mangerai hay J’ai mangé [4] .
  3. Vì vậy thời hiện tại không được đánh dấu riêng, trừ khi câu có dùng danh từ (như hôm nay) hay trạng ngữ riêng chỉ thời hiện tại.
  4. Có một tiểu từ (particule) chỉ thời tương lai. Ðó là sẽ, nhưng từ này hầu như không bao giờ dùng đến. Thường thường thì người ta cũng không đánh dấu như đối với thời hiện tại.
  5. Có mấy tiểu từ riêng để diễn đạt thì quá khứ. Những từ này khá thông dụng, nhưng hình như nó tương ứng với ý nghĩa “hoàn thành” hay “kết thúc” thì đúng hơn là với ý nghĩa “thời quá khứ” thực sự. Cho nên, xét cho cùng, trong ba ý nghĩa “quá khứ”, hiện tại và “tương lai”, cái thứ ý nghĩa “quá khứ” này mới là cái ý mà tiếng Việt diễn đạt nhiều hơn cả. (tr. 87)

Ðến trang 93, L. Cadière cho biết đó là những tiểu từ gì:

Nghĩa của đã. Tiểu từ đã chỉ một việc, một trạng thái đã đạt được (un fait, un état acquis), một phẩm chất trước kia chưa có mà bây giờ mới có [18] (une qualité qu’on n’avait pas et qu’on possède maintenant). Vậy nó không xét đến thời gian, mà xét thành quả hiện tại của một việc đã qua (elle ne considère donc pas le temps, mais l’achèvement présent d’un fait passé). Ex.:Tôi đã thấy, je suis en possession d’une réalité; j’ai vu. Ðã lành, il est guéri.

Nghĩa của rồi. Nói chung, rồi biểu đạt ý nghĩa “hoàn thành” (le parfait); nó chỉ sự kết thúc của một sự việc

trong hiện tại:Tôi ăn rồi,
trong quá khứ: Lúc ấy tôi ăn rồi;
trong tương lai: Mai, khi tôi ăn rồi.


ngoài ra rồi cũng dùng đế nói về sự thực hiện của một biến cố đang mong đợi hay đang lo sợ:

Mưa rồi! (Voilà qu’il pleut!);
Cháy rồi! (Voilà que çà brûle!)
Ăn rồi! (Voilà qu’il mange!)

Nghĩa của xong. Cũng như với tiểu từ rồi, tiểu từ xong chỉ sự kết thúc, nhưng với một sắc thái riêng: sự kết thúc ấy là tuyệt đối, dứt khoát, không còn hoán cải được nữa (tr.96). [5]

Ðiều đáng chú ý nhất trong những nhận định trên đây của L. Cadière không hẳn là sự tinh tế và tính chính xác của ông [6] . Vì bất cứ chú học sinh lớp ba nào khi đọc những câu như:

Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu

cũng đủ vốn tri thức (không hiển ngôn) về tiếng Việt để hiểu rằng câu này nói về thời hiện tại chứ không phải về thời quá khứ như sách ngữ pháp kể từ thời Alexandre de Rhodes cho đến thời Trương Vĩnh Ký vẫn dạy. Bài học của L. Cadière không phải là “ta phải tinh tế”, “ta phải thông minh” hay “ta phải thông thạo tiếng Việt” mà là “ta chớ giữ một định kiến gì cho sẵn về tiếng Việt, dù có thấy cái định kiến ấy “dĩ nhiên phải đúng, phải khoa học, phải văn minh đến đâu chăng nữa. Vì ta chưa biết được gì đáng kể về thứ tiếng mà ta đang cần quan sát.

Bài học này càng thấm thía hơn nữa khi ta thấy một bậc trí thức lỗi lạc như Trương Vĩnh Ký mà chỉ vì một định kiến tưởng như “dĩ nhiên là đúng” còn đâm ra lú lẫn đến nỗi tưởng đã, đang, sẽ là cách diễn đạt của ba thì quá khứ, hiện tại tương lai.

Nói tóm lại, người nghiên cứu chỉ cần không quên lời dặn dò mà những người phải lăn lộn với những nền văn hoá và những thứ tiếng xa lạ như F. Boas hay L. Cadière đã từng nhắc nhở không ngừng: “Các thứ tiếng có thể khác nhau một cách bất ngờ đến mức không sao tưởng tượng nổi”.


*


Sau khi đã tìm được cái xuất xứ đầu tiên của bốn chữ CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU, ta có thể rút ra những kết luận tất nhiên phải có:

  1. Ngôn ngữ học là một khoa học kinh nghiệm (an empiric science), cho nên điều trước tiên mà nhà ngôn ngữ học phải thực hiện cho được là quan sát đối tượng thật kỹ, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào trong thứ tiếng mình nghiên cứu.

  2. Nếu nhà ngữ học không phải là người bản ngữ, việc cần làm cho được là phải khắc phục những định kiến có thể có do quá quen với tiếng mẹ đẻ của mình. Những người bản ngữ cũng có thể rơi vào tình thế này nếu không được học tiếng mẹ đẻ kỹ lưỡng bằng học một ngoại ngữ nào đó (đây là tình trạng phổ biến của các nhà ngữ học Việt Nam.

  3. Chính nhờ có ý thức rất rõ về hai điều nói trên mà L. Cadière đã có được những nhận xét đúng đắn (hay ít nhất cũng không hoàn toàn trái ngược với sự thật như trong những cuốn sách sao chép nguyên văn sách tiếng Pháp) trong cuốn Cú pháp tiếng Việt Nam của ông.

  4. Nếu các nhà ngữ học Việt Nam đọc kỹ cuốn sách này với một thái độ phê phán khách quan sau khi từ bỏ những định kiến cho rằng tiếng Pháp thế nào thì tiếng Việt “dĩ nhiên phải y hệt như thế”, ta sẽ còn hy vọng có được một cuốn sách dạy tiếng Việt tốt hơn.


*


Phụ lục về các vị từ tình thái thông dụng

Vị từ
tình thái
Vị từ bổ ngữ
trực tiếp (mẫu)
Nghĩa tình thái
của câu
Bị chú
về nghĩa phạm trù [7]
bắt đầu làm; đi khởi phát thể khởi phát [8]
bậnlàm việctr. thái không rỗi trạng thái tĩnh
bèn ra đi lập tức sau đó thể khởi phát
bị ngã; đánh gặp chuyện rủi “xui” (cf. “hên”)
biết nói; đi bới có tri thức, kỹ năng trạng thái tĩnh
bốc cháy khởi phát thể khởi phát
bỗng thấy; bỏ chạy đột nhiên thể dĩ thành
bớt đau; nói giảm mức chuyển biến
buồn đái; nôn; ngủ muốn (bản năng) trạng thái
bùng cháy, nổ bắt đầu (đột ngột) thể khởi phát
bừng sáng; sáng lên thể khởi phát
cam chịu đành lòng trạng thái
càng tốt; to; ồn tăng mức chuyển biến
cấm đái; xả rác không được phép hành động
cần có; đến, làm có nhu cầu trạng thái
chả làm; nói; biết phủ định thực cách [9]
chẳng làm; đi; biết phủ định sự thể thực cách
chậm biết, hiểu; lớn kém về tốc độ phương thức
chí có; biết giới hạn giới hạn
chịu đi; khó; ưng thuận thực cách
chóng chín; về nhanh phương thức
chớ làm; đi; khuyên can phủ định
chợt nhớ; thấy đột nhiên điểm tính [10]
chúa lười; hết sức (dung tục)
chưa biết; làm phủ định đã thể dĩ thành [11]
chực ăn vụng chờ sẵn tư thế
1 ăn; làm khẳng định thực cách
2 ăn (không?) câu hỏi có/khôngi thực cách
có cơ làm xong có triển vọng khả năng
có thể làm; xong có khả năng khả năng
cóc ăn; làm; biết phủ định (dung tục)
còn làm; ăn đang tiếp tục thể vị thành [12]
cố làm; hiểu ra sức khắc phục
cố gắng làm; hiểu ra sức khắc phục
cốt hiều; nhớ đặt trọng tâm vào tiêu điểm
cùng làm; ăn liên đới hợp quần
cũng biết; làm đồng nhất hành trạng
cứ làm; đi bất chấp trở ngại hàm thực
dám làm; nghĩ đủ quả cảm hàm thực [13]
dễ làm; thương có nhiều thuận lợi để hiện thực hoá
đã làm; hiểu rồi thể dĩ thành
đến (là) khổ; phiền thật là cực cấp
gắng làm; hiểu nỗ lực dụng công
gặng hỏi cố tình dụng công
gần đến; xong hầu như đạt gần dĩ thành
gượng cười; đáp bất đằc dĩ miễn cưỡng
ham làm; hiểu biết rất thích có xu hướng mạnh
hãy làm; vui lên cổ vũ thức mệnh lệnh
hằng ao ước; mong kiên trì mong muốn phương thức
hẵng (rồi ~) đi; làm yêu cầu để sau thể trì hoãn
hề (không; chưa; có) đến; đi phủ định tuyệt đồi phủ định tổng quát
hết đau; mưa kết thúc trạng thái thể kết thúc
hết sức xa; khó; cố gắng cực cấp cực cấp
hòng lừa; xui tham vọng không đạt t. th. mong muốn
khả kính; thi khả năng t. th. khả năng
khá giàu; đủ mức thoả đáng t. th. khả năng
khắc biết; hiểu sẽ thực hiện ngay thể tự phát
khó chịu; hiểu có trở ngại t. th. chướng ngại
khoái đánh cờ, đá bóng coi là lạc thú t. th. mong muốn
khoan đi; làm yêu cầu trì hoãn thể trì hoãn
khỏi chào; đến được miễn t. th. miễn giảm
không làm; mệt phủ định thực cách
không được làm; đái mệnh lệnh phủ định t. th. mệnh lệnh
kíp cứu viện; về gấp gáp phương thức
kịp đến; cứu có đủ thì giờ t. th. khả năng
lại đến; về; sợ tái hiện thể hồi quy
lập tức ra đòn ngay sau đó phương thức h. đ
liền đứng dậy ngay sau đó phương thức h. đ.
lỡ quên; đánh vỡ làm việc đáng tiếc t. th. đánh giá
luôn (luôn) nhầm lẫn làm với tần số cao t. th. tần suất
luống ngậm ngùi cf. những cf. những
mải nhìn; nghĩ sao lãng do tập trung t. th. cường độ
(không) màng hy vọng; chờ đợi không hy vọng hão t. th. mong muốn
mong được; thắng; có nguyện vọng t. th. nguyện vọng
mót đái; ỉa có nhu cầu bản năng t. th. nhu cầu
mới1 học; bắt đầu vừa khởi phát thể khởi phát
mới2 phải; được chỉ có một t. th. giới hạn
muốn đi; laøm có ý nguyện tự giác t. th. mong muốn
năng đi; tập làm với tần suất cao t. th. tần suất
nên làm; biết khích lệ t. th. khích lệ
ngại hỏi; làm phiền thấy là phiền hà t. th. mong muốn
ngán chờ; hỏi thấy chán t. th. mong muốn
ngỡ là; rằng có ảo giác tri giác
ngớt mưa; gió bớt cường độ giảm cường độ
ngừng chảy; đánh dừng hành động thể kết thúc
nhất định thắng; đi quyết làm t. th. khẳng dịnh
nhất nhất phải; điều kiện nhất thiết t. th. nhất thiết
nhất quyết thi hành quyết làm bằng được t. th. nhất thiết
nhịn ăn; uống có chủ ý không làm t. th. phủ định
nhỡ vấp; gặp không may làm sự thể không chủ ý
nhớ đến; về; làm giữ lại trong ký ức trạng thái tĩnh
những tưởng; mong thường xuyên t. th. đoạn tính
nổi giận; khùng lên cơn thể khởi phát
nỡ đánh; bỏ có đủ tàn nhẫn để t. th. ứng xử [14]
phải đi; làm; chịu tất yếu t. th. tất yếu
phát điên; rồ bắt đầu thể khởi phát
quả có; đến xác nhận t. th. xác nhận
quá trẻ, sớm lệch chuẩn t. th. phủ định
quyết làm; ở cực cấp (ý chí) t. th. khẳng định
rất biết; giỏi cực cấp (tuyệt đốI) t. th. hiện thực
sắp về; đi đang chuẩn bị t. th. dự tính
sẽ làm; có mặt vị thành giả thiết
sợ thua; bị mắng có nguy cơ t. th. dự tính
suýt ngã; chết gần sát hàm hư
sực tỉnh; nhớ đột nhiên chuyển (điểm tính)
tha chết; miễn xá t. th. ứng xử
tha thiết cầu xin; khẩn khoản t. th. ứng xử
thà chết; không thế còn hơn t. th. mong muốn [15]
thật mạnh; giỏi cực cấp t. th. mong muốn
thèm ăn; có sở dục t. th. mong muốn
thêm buồn; tăng độ t. th. tăng cường
thích chơi; đùa có sở thích t. th. mong muốn
thiết (không ~ ) không có nhu cầu t. th. phủ định
thoắt gãy, biến đột ngột phương thức
thôi học; hút từ bỏ thể kết thúc
thử làm; thí nghiệm dự kiến
thường nói; đến có tập quán t. th. tái diễn
toan đi; về; đánh dự kiến dự kiến (hàm hư) [16]
toàn trốn; chơi luôn luôn t. th. tần suất
tính đi; làm dự kiến t. th. dự kiến vô hàm
tránh gặp; hỏi tìm cách không gặp t. th. phủ định
trót nhầm; đánh đáng tiếc t. th. kinh nghiệm
tự làm; thấy do bản thân t. th. phản thân
tức thì ra về; bỏ đi ngay sau đó ph. thức kế tiếp
từng làm; ở có kinh nghiệm t. th. kinh nghiệm
ưa nhìn; có sở thích t. th. mong muốn
vẫn có; khoẻ giữ nguyên t. th. duy trì
vội đi; về làm gấp t. th. dự kiến
vờ ngã; đau nguỵ tạo hàm hư
vút bay lên rất nhanh phương thức
vụt biến mất đột ngột phương thức
vừa ở đây; đi; xong quá khứ gần mới chuyển biến
xịch đỗ; đột ngột tượng thanh
xin hỏi; thưa ngôn hành câu ngôn hành [17]




© 2005 talawas


[1]Xin chú ý rằng cách sắp xếp trật tự từ này không phải do công thức “từ A đến B” (nguồn-đích) chi phối, vì chữ từ cũng như chữ đến hoàn toàn có thể thay bằng chữ khác (ở, trong, ngoài, trên, bên, sang, về, lại, v.v.).
[2]Về tính hình hiệu trong ngôn ngữ và thi ca, x. R. Jakobson. Linguistics and Poetics, in Style in Language, Th. Sebeok (ed.), Cambridge (Mass.), M.I.T. Press. 1960; về tính hình hiệu trong cú pháp, x. Haiman J. (ed.). Natural Syntax. Iconicity and Erosion. Cambridge, 1980: Proceedings of a Symposium on Icnicity in Syntax. Amsterdam: John Benjamins 1985; The Motivated Sign. Iconicity in Laguage and Literature 2 (eds. Olga Fischer & Max Nanny (eds,). Amsterdam/Philadelphia: John Benjanins. 2001
[3]“En effet, les mots dans la phrase se déterminant réciproquement selon la loi de précision, et les faits se succèdant chronologiquement selon là loi de succession, la langue vietnamienne peut se dispenser d’exprimer certaines notions secondaires de temps (tôi nhấn mạnh. CXH), de personne, de cause, de conséquence, etc. déjà exprimés naturellemen par l’enchaýnement des termes.
[4]Có lẽ trong tình huống điển hình, câu j’ai mangé dùng không có trạng ngữ tương đương với tôi ăn rồi nhiều hơn, còn tôi ăn tương đương với je mangeais nhiều hơn.
[5]Muốn hiểu được tất cả những nỗi khó khăn mà L. Cadière phải khắc phục trong khi diễn đạt những ý kiến này ta cần nhớ rằng với sách ngữ pháp tiếng Pháp dùng trong nhà trường từ thế kỷ XVIII cho đến rất gần đây, giáo viên và học sinh hoàn toàn không biết thể là gì hết. Khái niệm này bao giờ cũng được gọi là “thời” (“temps”). Ngay cả khi có dùng đến những thuật ngữ chỉ thể rõ ràng như parfait/imparfait (dĩ thành, vị thành – cf. perfect/imperfect), người ta cũng vẫn gọi đó là “temps: temps imparfait, temps plus-que-parfait.
[6]Về tính chất vô bổ của việc đánh dấu ý nghĩa thời gian (“thì”), xem ý kiến của một nhà logic học hiện đại mà bản ngữ là tiếng Âu châu, W. V. Quine (1960): Ngôn ngữ bình thường của chúng ta cho thấy một thái độ thiên vị đáng bực mình trong cách xử lý thời gian. Những mối quan hệ thời gian được suy tôn lên bằng những quy tắc ngữ pháp có tính cưỡng bức, trong khi những mối quan hệ về vị trí, về trọng lượng, về màu sắc thì lại không được xử lý như vậy. Thái độ thiên lệch này là một khuyết điểm có hại cho tính đơn giản trang nhã của lý thuyết. Hơn nữa, cái hình thức thể hiện của nó –dưới dạng một yêu cầu nhất thiết là mỗi hình thái vị từ phải cho thấy một thì (tense) – chính là một cội nguồn sản sinh ra đủ thứ chuyện rắc rối không đáng có, vì nó bắt buộc người ta phải đãi môi đãi mép đối với thời gian trong khi người ta không mảy may quan tâm đến nó. (cf. Tiếng Việt. Mấy vấn đề Ngữ âm, Ngữ pháp, ngữ nghĩa. 1989, sđd, tr. 537-8.
[7]Theo cách hiểu theo nghĩa rộng (“AktionsArt”) của những những tác giả như A. Martinet, tất cả những vị từ liệt kê trong bảng này đều có thể gọi là Vị từ tình thái (Modal / Modality Verbs). Trong tiếng Việt, vị trí của các vị từ này đều đặt trước vị từ có nghĩa “ngôn liệu” (dictum) thường được coi là trung tâm của ngữ đoạn vị từ (Verb Phrase).
[8]inchoative
[9]modus
[10]punctual
[11]persistence
[12]imperfect
[13]factual
[14]behabitive
[15]optative
[16]counterfactual
[17]performative
[18]Nhận định này hết sức chính xác và đáng ngạc nhiên ở một người làm việc vào một thời mà người ta chưa biết đến sự phân biệt giữa hai sự thể [±telic]. Cadière biết hoàn toàn chính xác ý nghĩa của đã khi được dùng với một vị từ [tĩnh} như trong câu Em đã có chồng hay Tôi đã khoẻ. Trong câu sau, dùng để trả lời câu hỏi Anh đã khoẻ chưa, có một tiền giả định (presupposition) mà không phải ai cũng thấy ngay: người được hỏi phải có đau ốm trước khi được hỏi như vậy. Nếu không, thì không có cách gì trả lời được, vì dù trả lời như thế nào thì cũng thừa nhận một tiền giả định sai trái. Câu He was healthy mà dịch là Nó đã khoẻ thì sai hoàn toàn, vì câu tiếng Anh có nghĩa là «Trước kia nó khoẻ (chứ không phải bây giờ)», còn câu tiếng Việt có nghĩa là «bây giờ nó khoẻ rồi, chứ không còn ốm nữa» - hai câu không những khác nhau, mà còn trái ngược với nhau.