© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
31.3.2005
Phùng Ký́ Tài
Gót sen ba tấc
Tiểu thuyết (10 kỳ)
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 

Hồi thứ hai
Viêc quái lạ mới bắt đầu

Trong đời này, những việc đi từng cặp với nhau như xấu tốt, thành bại, thật giả, vinh nhục, ân oán, cong thẳng, thuận nghịch, yêu ghét v.v..., xem ra đối đầu quyết liệt với nhau, như không tốt tức là xấu, không thật tức là giả, không được tức là mất, không thành tức là bại. Có biết đâu giữa những cái xấu tốt, thẳng cong, ân oán, thật giả ấy còn tiềm ẩn biết bao quanh co, biết bao kiểu cách, biết bao tri thức, nếu không, làm sao lại có lắm việc rối rắm quện chặt cứng lại thành cục không phân giải ra được đến thế? Làm sao lại có lắm người bị lừa, trúng kế, vào tròng, xong việc rồi lại vẫn có lắm người bị lừa, trúng kế, vào tròng lần nữa đến thế?

Chỉ đơn cử hai chữ thật giả, trong đó đã có biết bao điểu sâu sắc, kì bí mà nếu có mời thánh nhân nói mỏi mồm, chưa chắc đã nói được rành. Có thật tất có giả, có giả ắt có thật; thật càng nhiều, giả càng ít, mà giả càng nhiều, thật càng ít. Ngay ở sự thật thật giả giả này, từ xưa tới nay đã có biết bao nhiêu trò vè, đã diễn biết bao nhiêu màn kịch lớn nhỏ? Kịch tiếp theo kịch, kịch lồng trong kịch, chưa bao giờ thôi. Thay thật bằng giả là thủ đoạn cao của con người; dùng giả nhiễu thật là tài năng của con người; tưởng giả là thật, ấy là đầu óc anh mù mờ, mắt anh kém cỏi. Xin bạn đừng giận, đừng sốt ruột, biết bao người cả đời tưởng giả là thật, đến lúc chết vẫn chưa nhận ra sự thật, thế chẳng phải giả chính là thật hay sao? Giữa hai chữ thật giả này, người thật thà chỉ biết đó là hai cực, người tinh ranh biết lộn sòng ở quãng giữa, còn có người nhờ vào chúng mà kiếm cơm nữa kia.

Ông họ Đồng, chủ hiệu đồ cổ Dưỡng cổ trai trên phố lớn Bắc Cũng là một người như thế. Con người này ngón nghề như thế nào khoan hãy bàn. Ông còn là một quái nhân. Thế nào gọi là quái? Người viết truyện không thể nói trắng ra được, chỉ có thể kể sự việc để các bạn nghe lời lẽ ông ta, xem hành động ông ta, đo nỗi lòng ông ta, dần dần suy ra mà thôi.

Một sáng nọ, Đồng Nhẫn An từ nhà đi ra, vào đến cửa hiệu liền cho tất cả người làm công lớn nhỏ ra ngoài, cài chặt cửa, chỉ để cậu chủ Đồng Thiệu Hoa và thằng bé coi kho tên là Hoạt Thụ ở lại. Không đợi hai người có thì giờ nghỉ ngơi, ông chủ vội bảo:

- Mau đem mấy bức tranh ấy treo lên coi!

Khi nào cửa hiệu mua được món hàng tốt, mời ông chủ xem qua đều làm như thế. Đồ cổ thật hay giả là điều tuyệt mật, không được để lọt tăm hơi ra ngoài. Đồng Thiệu Hoa là con trai, tất nhiên không cần giấu. Còn thằng Hoạt Thụ coi kho không phải là đứa tin được mà chỉ vì nó là thằng nửa ngây dại nửa tàn phế. Gần hai chục tuổi đầu mà bộ dạng chỉ bằng dứa trẻ mười ba, mười bốn, người không sao lớn lên được, lại còn vẹo ngực lệch vai, chẳng khác gì cái hộp giấy bẹp dúm dó. Nói thì cứ như miệng ngậm hột thị, không biết là lưỡi đầy hay lưỡi ngắn, hai con mắt từ nhỏ không mở to được con ngươi bé tí thụt trong kẽ mắt như là không có con ngươi vậy. Hắn lại có bệnh suyễn, một năm ba trăm sáu lăm ngày, hơi thở cứ mắc trong cổ họng kêu khò khè, ngồi không mà thở cũng đứt hơi, từ lúc đẻ ra đã có cái đức đó rồi, thuở nhỏ gọi là Hoạt Thụ lúc lớn vẫn gọi Hoạt Thụ, cha mẹ liệu chừng hắn không sống được lâu, đặt tên hẳn hoi cho là rách việc. Đồng Nhẫn An lại ưng ý cái bộ dạng không mắt, không mồm, hụt hơi, ngây dại của hắn, thuê hắn coi kho, đem người chết dùng như người sống mà cũng là đem người sống dùng như người đã chết.

Hoạt Thụ mở kho, ôm bó tranh mua hôm qua ra, cầm cây gậy khều từng bức một treo lên. Đồng Nhẫn An hé mắt liếc qua mặt tranh, rồi nói:

- Thiệu Hoa, con hãy nói chất lượng mấy bức tranh này cho cha nghe! - Nói xong, lão chủ ngồi xuống uống trà.

Đồng Thiệu Hoa cố nén khoe tài trước mặt cha từ nãy, bây giờ cha vừa khép miệng hắn liền mở mồm:

- Theo mắt con, bức tranh sơn thủy có trục cuốn của Đại Địch Tử này cũ thì cũ thật đấy nhưng nhìn kĩ thì không phải, chữ đề nét yếu ớt, con ngờ chỉ là món đồ chơi hù dọa người đúng không ạ? Bức Mây phủ trăng treo này tất nhiên không phải giả, nhưng trong số tranh của Kim Giới Chu, nhiều nhất cũng chỉ vào loại trung bình. Còn bốn bức vẽ cảnh sĩ nữ của Tiêu Bỉnh Trinh và bức Vượn trắng hái đào của Lang Thế Ninh này lại là của hiếm. Cha nhìn kìa, lụa bồi tranh toàn thứ lụa hoàng lăng. Người bán nói đây là bức lấy được từ một nhà giàu có hồi kinh thành bị đánh phá năm xưa. Câu ấy đúrg thôi, nhà tầm thường quyết không thể có đồ vật cỡ đó được...

- Người bán có phải con cháu nhà Trương Lâm ở Vấn Tân viên không?

- Cha có cách gì nhận ra được thế? Trên tranh có đề lạc khoản đâu? - Đồng Thiệu Hoa giật mình.

Đồng Nhan An có ánh mắt hút hồn người, lần nào duyệt tranh cũng làm Thiệu Hoa giật mình kinh ngạc như thế. Đồng Nhẫn An không trả lời, giơ tay chỉ một bức tranh lụa khổ rộng treo trên bức tường phía Đông, bảo:

- Lại nói về bức kia xem...

Trước kia, khi duyệt tranh, Thiệu Hoa hễ mở miệng là cha hắn đã lắc đầu. Hôm nay cha hắn không lắc cũng không gật, hắn chắc mẩm đoán đúng đến tám phần, bèn đắc ý cười:

- Cha còn định thử con à? Ai mà chẳng thấy đó là tranh Tô Châu chính cống, loại hàng chợ? Bút pháp thì đúng bút pháp người đời Tống, tiếc rằng già dặn một chút nên để lộ ra là giả. Việc làm giả này thua kém bản lĩnh ông Năm Ngưu, tức ông Ngưu Phượng Chương ấy. Cha xem, họ cố ý không để lạc khoản, là vì sợ lộ chân tướng, hoặc giả muốn làm mê hồn trận... Sao thế? Cha nhìn thấy gì đó?

Thiệu Hoa thấy cha đứng lên, mắt sáng quắc nhìn đăm đăm vào bức tranh lớn đang treo. Hắn biết mỗi khi cha nhận ra vật báu, mắt cứ tóe lửa ra như thế. Lẽ nào đó là hàng thật sao? Đồng Nhẫn An kêu lên:

- Anh lại đấy xem xem trên cành cây khô ở góc dưới kia có viết gì không? - Bàn tay chỉ bức họa của Nhẫn An run bắn.

Đồng Thiệu Hoa bước tới, thoạt nhìn hắn đã kêu "oái" lên một tiếng như con vịt bị ai dẫm phải, đoạn nói:

- Trên đó viết "Bề tôi là Phạm Khoan làm", thì ra tranh đời Tống. Cha thánh thật đấy? Hôm mua con đã xem đi xem lại đến ba ngày cũng không nhìn ra trên chỗ này có chữ! Cha, cha... - Hắn không hiểu vì sao Đồng Nhẫn An đứng cách tranh đến một trượng mà nhận ra có chữ trên tranh.

Chẳng ai biết Đồng Nhẫn An mắt viễn thị, chỉ có một mình lão biết. Lão tránh câu trả lời, chỉ nói:

- Làm rộn cái gì? Kêu ầm cái gì? Ta đã dạy từ lâu rằng người đời Tống không thịnh đề chữ trên tranh. Lạc khoản không viết trên đá thì cũng để xen vào đám cây. Như thế gọi là "tàng khoản". Mấy điều đó ta đều nói cả rồi, anh chẳng để ý nghe lại còn kinh ngạc hỏi lại...

- Thế thì nhà ta vớ được bức tranh quý rồi. Cha biết không, tổng cộng mình chỉ mất có mấy đồng...

- Tranh quý cái gì? Ta còn chưa xem kĩ, ai dám chắc đúng là tranh đời Tống? - Đồng Nhẫn An chặn ngang, mặt sầm xuống, ngoảnh đầu liếc xéo Hoạt Thụ đứng đằng sau, bảo hắn: - Đem bức tranh khổ lớn, tranh sơn thủy có trục cuốn và bức Mây phủ trăng treo của Kim Giới Chu cuộn lại nhập kho!

- Coòng... lai... mí... bứ... treng... a! - Hoạt Thụ rụt rè hỏi.

- Lắp ba lắp bắp cái gì, đi! - Lão chủ sốt ruột nói.

Hoạt Thụ rướn đầu lưỡi, cố nói rành rọt câu vừa rồi:

- Còn - lại - mấy - bức - tranh - này - thì - sao - ạ? - Hắn chỉ vào mấy bức của Tiêu Bỉnh Trinh và Lang Thế Ninh.

- Giữ lại quầy đề giá bán! - Đồng Nhẫn An ngoảnh lại bảo Thiệu Hoa. - Người nước ngoài hỏi thì đòi giá cao vào!

- Chà, chẳng lẽ mấy bức tranh này không phải là...

Đồng Nhẫn An lộ rõ vẻ khinh thường. Lão thở một hơi rõ dài, hơi thở lạnh giá, bất giác lẩm nhẩm bốn câu vè lưu truyền ở vệ Thiên Tân:

Nước biển về Đông chảy,
Đất này khó bền lâu.
Giầu sang ba đời hiếm,
Thanh liêm chẳng đến đầu.

Rồi lão lại lẩm bẩm nói một mình:

- Người làm nên thì làm nên, kẻ sa sút thì sa sút. Hoa nở rồi lại tàn, nước đầy rồi tự cạn, chẳng ai thoát ra khỏi cái vòng này. Ôi chao...

Lão trầm ngâm một lát, tính nén cơn giận trong lòng song không được. Lão toan lên tiếng, chợt liếc thấy Hoạt Thụ đang nghiêng vai lệch cổ như đợi nghe lão nói tiếp, bèn giục hắn ôm đống tranh xuống kho. Hoạt Thụ vừa bước khỏi, lão đã xông tới trước mặt con trai gắt lên:

- Hừ, hỏi này hỏi nọ mãi! Thật giả mày nhìn ngược hết cả, lại còn muốn tao chỉnh cho mày một trận trước mặt kẻ dưới hay sao? Vả lại, có mặt người ngoài, nói chuyện thật giả được không? Tao hỏi mày, ta kiếm cơm bằng cái gì?

- Bằng thật giả.

- Câu này đúng. Nhưng mà thật giả ở chỗ nào?

- Ở trên tranh.

- Tầm bậy! Sao lại ở tranh? Ở mắt mày ấy! Mày nhìn không ra thì tranh thật hay giả có ích gì? Của quý dưới mắt mày thành tờ giấy lộn, tờ giấy lộn dưới mắt mày trở nên của quý! Mấy bức Lang Thế Ninh, Tiêu Bỉnh Trinh rõ ràng phơi bày "đường cổng sau", vậy mà mày lại cho là của tốt, ngược lại coi tranh thật đời Tống là tranh chợ Tô Châu. Bức tranh đời Tống ấy đủ cho mày xài nửa đời, vậy mà mày có mắt như mù, cầm vàng bạc quý giá vứt ra đường như vứt cứt chó! Còn bức tranh có trục cuốn ấy cũng là giả à? Mày không biết từ năm thứ hai mươi chín đến năm ba mươi mốt niên hiệu Khang Hy, nhà vua đến làm khách ở Thiên Tân, ở ngay nhà họ Trương trong Vấn Tân viên hay sao? Tranh rõ ràng ghi năm Tân Mùi niên hiệu Khang Hy, chính là được vẽ hồi ngài ngự ở nhà họ Trương niên hiệu Khang Hy năm thứ ba mươi. Dựa vào ngón nghề lặt vặt bề ngoài cũng kiếm được cái định kiếm, thế mà mày không nắm vững, lại còn định làm nghề buôn đồ cổ. Tao để cửa hiệu cho mày chẳng bằng cho một mồi lửa còn hơn! Vài ba năm nữa, không chừng mày gán cả xương cốt cái thân già này. Nghe đây, từ ngày mai, mày cuốn chăn đệm dọn đến đây ở, tao chưa bảo, không được phép về nhà. Bảo thằng Hoạt Thụ lục đồ trong kho ra, từng thứ một, xem, xem, xem, xem, xem... - Nói đến đây, miệng Đồng Nhẫn An cứ loanh quanh với tiếng "xem", y hệt âm này ngáng ngang miệng lão.

Đồng Thiệu Hoa thấy cha hắn nhìn ra phía ngoài cửa sổ mà mắt cứ sáng quắc thì tưởng lão lại nhìn thấy cái gì quý báu hiếm có trên đời. Dõi theo ánh mắt của cha qua chấn song cửa hình ô vuông, hắn thấy có mấy người đang làm việc ở sân sau.

Sân sau này, người ngoài không ai biết, là nơi bí mật làm giả đồ cổ của hiệu Dưỡng cổ trai. Thì ra lão Đồng Nhẫn An này không giống người khác: lão làm nghề buôn đồ cổ nhưng không bán của thật, chỉ bán của giả. Tất cả các hàng đổ cổ khác đều bán cả của giả lẫn của thật. Phàm những ai đến cửa hiệu đồ cồ đểu muốn kiếm đồ thật, nhưng cũng có người chuyên kiếm đồ dởm. Đồng Nhẫn An nhận thấy điều đó. Cửa hiệu của lão tuyệt không bày đồ thật, toàn một mã đồ giả, khác nào Gia Cát Lượng bày kế thành bỏ trống, không có lấy một lính, mốt tốt nào. Trong nghề đồ cổ, cách đó gọi là dùng giả làm nhiễu thật; chiêu này thực sự đã vận dụng bí quyết của nghề buôn đồ cổ đến chỗ huyền diệu. Chỉ cần xỉa tiền ra là thế nào cũng vào bẫy, đừng hòng được lợi tẹo nào. Lão Nhẫn An còn có ngón nghề kì lạ, ấy là làm đồ giả. Dưới quyền lão có những người chuyên làm tranh giả cho lão. Còn ở sân sau, lão đóng chặt cửa làm đồ cổ giả. Đồ ngọc, đồ đồng, tiền cổ, quạt xưa, lò Tuyên Đức, đồ ngà, nghiên mực, đồ sứ, đồ mạ, thảm, mực Huy Châu v.v..., không thứ nào lão không hiểu, không biết, không thể làm. Làm phỏng theo đồ cổ không khó, làm nhiễu được đồ thật mới khó. Kiểu dáng, chất liệu, hoa văn của đồ cổ, mỗi triều đại một dạng, thậm chí một triều đại có mấy trăm dạng, ngư long biến hóa vô cùng tận, thiếu chút tay nghề thì chớ nói sờ đến cửa nghề, ngay bức tường vây quanh "nơi làm nghề" cũng chưa mó́ đến được. Khó hơn nữa là cái vóc, cái khí, cái vị, cái thần của đồ cổ. Chẳng hạn như cách nói của nghề đồ cổ, có loại cổ "truyền thế" và loại cổ "xuất thổ". Cổ truyền thế là những đồ truyền từ đời này sang đời khác, tay người sờ đi mó lại, lâu dần đồ cổ nhẵn bóng, không thật rõ vận. Cổ xuất thổ là những thứ được chôn dưới đất từ lâu, khi đào lên dính nhiều mạt đất và sét gỉ, có một vẻ cổ riêng. Nói chi tiết hơn, những đồ ngọc xuất thổ như trâm cài tóc, sáo, chụp ngón tay, vòng đeo tay, chuỗi hạt, ống điếu vùi trong đất hàng trăm hàng ngàn năm, để cạnh những đồ đồng tủy tảng, lâu ngày gỉ đồng ngấm vào nên có những chấm xanh, gọi là "tẩm đồng"; máu người chết ngấm vào sinh ra những chấm đỏ, gọi là "tẩm huyết". Làm đồ giả làm thế nào có được "tẩm đồng" và "tẩm huyết"? Lại nói đồ vật để lâu ngày, không va chạm cũng sinh ra những vết rạn, lâu hơn nữa có một tầng vết rạn trùm lên trên hết, tầng này đến tầng khác, tự nhiên như thế, làm lấy được thì rõ ngay là giả, người tinh đời chỉ ra được liền. Riêng Đồng Nhẫn An có phép làm được tất. Phép đó, một nhờ từng trải, hai nhờ mắt tinh, ba nhờ ngón nghề.

Ba thứ đó gọi là cao thủ, cao nhãn, cao chiêu, thiếu một là không xong. Hàng giả cũng có hạ phẩm, trung phẩm, thượng phẩm, tuyệt phẩm. Hàng giả tuyệt đỉnh là thứ phải nhờ "con mọt" trong nghề ngắm đủ một trăm lẻ tám ngày mà trong lòng không do dự thì mới gọi là được. Đông Nhẫn An chỉ làm thứ hàng đó.

Người giúp việc do lão thuê cũng khác với các hàng đồ cổ nói chung. Lão không dạy nghề, chỉ sai việc vặt. Những người được thuê làm đồ giả đểu là người nghèo không biết tí gì về đồ cổ, chẳng khác gì trứng vịt muối, than qua lửa, bảo làm sao thì làm vậy. Khắp sân chất đầy vại chưa nung, gộc củi, hộp bột màu, sọt, than đá, đất sét, sắt đỏ, đồng xanh, người ngoài có nhìn vào cũng không thể biết làm cái gì.

Lúc ấy, nơi thu hút ánh mắt của Đồng Nhẫn An có hai cô gái đang kéo một tấm thảm để làm thành thảm cổ theo phương pháp của lão. Lão mua thảm sản xuất ở Trương Gia Khẩu, toàn thảm hoa xanh viền đen kiểu đời Minh. Lão quết phẩm vàng, vắt ngang sợi chão lớn, sai hai người kéo đi kéo lại cho thảm mòn tuyết. Xong, lấy bàn chải sắt chải hết tuyết rụng, rồi dùng vải thấm nước chùi sạch lần nữa, thế là thành cũ. Kéo thảm không được kéo nhanh, phải mài từ từ mới thành vẻ xưa cũ. Đồng Nhẫn An cố ý thuê đàn bà để kéo; đàn bà sức yếu tất nhiên kéo chậm. Hai người con gái ấy mỗi người nắm một góc thảm, kéo qua kéo lại, người này rướn lên, người kia thụp xuống.

Cô gái đứng bên này tấm thảm quay lưng lại phía lão, cô đứng phía bên kia khuôn mặt lấp sau tấm thảm, chỉ có thể nhìn thấy đôi chân xinh xinh, xỏ trong đôi giày vải đỏ trơn thông thường, bình dị. Mỗi khi cô đẩy tấm thảm lên, gót giầy kiễng cao, mỗi khi kéo về, gót dận xuống lùi lại, trông sinh động chẳng khác gì đôi cá lội. .

- Thiệu Hoa! - Đồng Nhẫn An gọi to.

- Con đây, có việc gì thế?

- Con bé kia ở đâu đến vậy?

- Đứa nào? Đứa xây lưng lại ấy à?

- Không, con bé đi giày đỏ kia!

- Con không biết. Con nhà Hàn thuê hộ, để con đi hỏi.

- Khỏi, khỏi cần, anh ra dẫn nó vào đây, ta muốn hỏi nó vài câu.

Đồng Thiệu Hoa chạy ra dẫn cô gái vào. Cô gái lần đầu tiên lên nhà trên, lần đầu tiên gặp cụ chủ nên rụt rè xấu hổ, mắt không biết nhìn vào đâu, luống cuống thế nào lại nhìn vào chính lão. Nhưng lão không nhìn mặt cô mà cứ nhìn chăm chăm vào đôi chân nhỏ của cô ánh mắt dấp dính như dán chặt vào chân cô, cô càng hoảng, không biết dấu chân vào chỗ nào. Khi ngước mắt lên, con ngươi lão tựa dát vàng lóe lên những tia sững sờ cứ như gặp ma không bằng. Cô gái sợ sệt, trống ngực đánh liên hồi. Thiệu Hoa đứng cạnh ngầm đoán ra, bèn bảo cô gái:

- Bước thử một bước xem sao.

Cô gái không biết ý tứ ra sao, càng sợ, bước lùi lại nửa bước. Hai chân rụt về phía sau, như đôi chim sẻ đỏ tinh nhanh, sợ hãi, run rẩy chui vào tổ, chỉ còn lại hai mũi giầy thò ra dưới gấu quần như hai cái đầu chim. Đồng Nhẫn An mặt mày hớn hở hỏi cô gái:

- Cháu bao nhiêu tuổi?

- Thưa mười bảy.

- Họ gì tên gì?

- Dạ họ Qua, tên Hương Liên.

Đồng Nhẫn An hơi giật mình, sau đó kêu lên:

- Tên hay đấy! Ai đặt cho cháu?

Qua Hương Liên xấu hổ không dám nói nữa, thầm lấy làm lạ. Tên Hương Liên có gì là hay? Nghe cụ chủ hỏi, nhìn nét mặt cụ chủ, cô như rơi vào đám sương mù.

Đồng Nhẫn An lập tức bảo Đồng Thiệu Hoa trả công cho cô đủ ba tháng, không giao việc cho cô nữa, bảo cô cứ ở nhà. Hương Liên bối rối. Cô làm việc chăm chỉ, chẳng nói nửa câu gì, sao lại bị thải về? Nhưng xem ra không phải bị thải mà như muốn trọng dụng cô. Không biết cụ chủ toan tính cái gì? Rồi đây là việc tốt hay xấu, cô chưa biết, chỉ biết lúc này là một việc lạ.

Nếu nói đến việc quái lạ, lúc này chẳng qua mới chỉ bắt đầu.


Hồi thứ ba
Ấy mới là việc quái lạ mới chỉ bắt đầu

Chưa đến nửa tháng sau, vào một ngày đại cát nên lấy vợ và cũng nên gả chồng, Qua Hương Liên sửa soạn về làm dâu trưởng nhà họ Đồng. Mấy gia đình quanh bờ ao, ai cũng nghe tin, ai cũng biết, ai cũng không chịu tin rồi ai cũng tin cả. Chiếc kiệu hoa lớn đã đỗ trước cổng nhà họ Qua.

Ở̉ vệ Thiên Tân này, nhờ danh tiếng, nhà họ Đồng cưới nàng dâu dễ dàng hơn mua mớ cá. Tuy Hương Liên da trắng, mặt xinh, mi thanh mục tú, eo lưng cũng đẹp nhưng còn lâu mới đẹp bằng tiên. Vậy thì tại sao nhà họ Đồng cứ đòi cưới con gái nhà nghèo, lại muốn cưới hỏi đàng hoàng, bỏ tiền mời bà mối nổi tiếng khắp thành là bà Ba họ Hoắc đến tận nhà du thuyết? Con gái nhà nghèo như vậy mà cũng cần du thuyết sao? Bắn một cái tin lại chả vội vàng đưa con gái đến? Nghe nói khi hai nhà trao đổi thiếp cho nhau, thoạt so, năm sinh tháng đẻ đã xung khắc. Cậu cả nhà họ Đồng tuổi Gà, Hương Liên tuổi Khỉ. "Bạch Mã phạm vào Thanh Ngưu, Gà Khỉ chẳng được bạch đầu," ấy là hai tuổi rất kỵ nhau, nhưng nhà họ Đồng vẫn cho là được. Đến ngày "định hôn", nhà họ Đồng theo đúng lệ cử người đưa tám khoản đồ vàng là hoa tai, nhẫn, vòng, trâm, dây chuyền, mặt dây chuyền, cặp tóc, móc quần; ngoài ra còn thêm năm trăm cân bánh dẫn lễ bằng bột trắng. Ngay như môn đăng hộ đối muốn dẫn lễ cho sang, nhà có danh có giá chẳng qua cũng chỉ đến thế là cùng. Vậy vì lẽ gì? Hay uống nhầm thuốc?

Người ta bảo chắc hẳn vì cậu cả nhà họ Đồng dở người, con gái nhà giầu chẳng cô nào muốn cặp kè với anh chồng dở ngây dở dại ấy cả đời. Đấy cũng chỉ là cách xỉa tiền ra mua nàng dâu. Song ngẫm lại, cũng không hẳn thế. Nhà họ Đồng không có con gái, có bốn người con trai, như thường nói là "tứ hổ giữ nhà". Xấp này lấy chữ Thiệu làm tên đệm, chữ cuối cùng của tên thì trưởng là Vinh, thứ là Hoa, thứ nữa là Phú, út là Quý, vừa đủ "vinh hoa phú quý". Ai cũng bảo mụ vợ Đồng Nhẫn An khéo đẻ, góp đủ mặt "vinh hoa phú quý" rồi mới đi xuống âm phủ. Nhưng bốn người con trai này, một nửa không trọn vẹn. Cậu cả Đồng Thiệu Vinh là đứa dở người, cậu út Đồng Thiệu Quý từ nhỏ đã có bệnh tim, lấy vợ được ba năm thì Diêm Vương sai lũ tiểu quỷ lôi về. Nhưng nàng dâu út Đổng Thu Dung lại là viên ngọc quý nâng niu trên tay của Đổng Đình Bạch, chủ hãng muối Chấn Hoa, thế mà dù biết cậu út nhà họ Đồng đã bị Diêm Vương chấm tên từ lâu, vẫn chẳng đưa con gái đến là gì? Ấy là để giải vận số, nhằm vào cái gia tài để lại của nhà họ Đồng. Đồng Nhẫn An mua nàng dâu không khi nào mua của giả. Lão mua Hương Liên thì thế nào?

Bà già họ Qua cứ cười luôn miệng, cười hở cả răng lợi bảo rằng cụ chủ mua là mua đôi chân của cháu gái bà.

Câu ấy không thể bảo là sai. Đôi chân xinh của Hương Liên ai cũng khen, ai cũng thích. Hồi bấy giờ lấy vợ, người ta xem chân trước, xem mặt sau. Mặt là bẩm sinh, chân do người bó, kĩ xảo công phu tất cả ở đôi chân. Nhưng con gái trong toàn thành ai chẳng bó chân? Bố mẹ dụng tâm, các cô lưu ý, chân đã bó đẹp, đôi nào chẳng như đôi nào? Tại sao cụ chủ vừa thấy đã chọn ngay Hương Liên? Bà già họ Qua chẳng thèm đếm xỉa đến những lời đoán mò, bàn tán ấy, dù rằng bà còn mù mờ nhiều về cuộc hôn nhân kì lạ này. Mù mờ thì cứ việc mù mờ, dù sao Hương Liên cũng gả bán rồi, lại vớ được món hời, nhà họ Đồng chẳng quản của hồi môn là bao nhiêu. Chỉ có hai bọc quần áo, hai tấm chăn lụa, một đôi gối thêu uyên ương, hai cái bô sơn kim nhu, hai người làm nhà họ Đồng quơ một cái là mang gọn về.

Trước lúc lên kiệu, Hương Liên không khỏi ôm lấy bà khóc như mưa như gió. Bà cũng nước mắt đầm đìa bảo cháu:

- Bà nghèo hèn, không thể theo cháu sang bên đó được, cháu đi cho may mắn nhé! Thôi cũng kể cháu vào được nhà người ta như lên thiên đường, bà như trút được cục đá đè nặng bên lòng. Cháu ở với bà ngần ấy năm trời, bà biết cháu rất thương bà. Chỉ một lần, cái đận bó chân ấy, cháu giận bà. Cháu đừng ngăn bà nói. Việc ấy bà nén trong lòng mười năm trời, hôm nay không nói không xong. ấy là khi mẹ cháu sắp mất có trối lại với bà, bảo nếu bà bó không đẹp thì vong hồn mẹ cháu sẽ trở lại tìm bà...

Hương Liên đưa tay bịt miệng bà, nước mắt lã chã:

- Cháu hiểu chứ, lúc ấy bà càng dữ dằn là càng thương cháu. Không có ngày ấy, làm gì có hôm nay!

Bấy giờ bà mới cười, lau nước mắt, rút dưới gối ra một gói vải đỏ; mở ra, là ba đôi giầy nhỏ, đôi nào cũng tinh xảo. Một đôi lụa tím đế trắng, một đôi đế mềm thêu chỉ năm mầu, còn một đôi rất lạ, không thấy đường chỉ, như một mảnh vải màu hoàng hạnh gấp lại vậy, không biết bà kiếm ở đâu và đem ra làm gì. Đôi môi nhăn nheo của bà ghé sát vào tai cô:

- Ba đôi giầy cưới này là bà nhờ mẹ thằng cu Đen ở phố trước làm gấp cho cháu. Nhà trước ngõ sau, chỉ mình bà ấy là hợp nhất. Nghe cho rõ bà dặn cháu cách đi ba đôi giầy cưới này nhé. Lát nữa cháu thay đôi giầy tím đế trắng này trước - tím (tử) và trắng (bạch), đảo lại là "bách tử" sau này cháu có đàn con béo tròn. Đôi giầy vàng này trước lúc lên kiệu thì lồng ra ngoài đôi giày tím. Như thế gọi là "giầy hoàng đạo". Nhớ lấy, lồng vào rồi thì "hai chân rời đất nhà mẹ đẻ", bà phải bế cháu lên kiệu. Lại còn, khi đến nhà chồng, nhất thiết phải bước lên thảm đỏ, không được để dính tí đất cát nào. Đi đôi giày này vào lễ nhà thờ, lễ xong thì gọi là "giầy lên nhà trên". Khi nào vào đến phòng cô dâu thì cởi đôi vàng ra, cất vào chỗ thật kín, chớ để người khác nhìn thấy. Tục ngữ có câu, "thu một đời thì phát một đời, ngày hoàng đạo đi giầy hoàng đạo". Có nó cất kĩ bên mình, dù tà ma gì cũng không hại được tới cháu...

Hương Liên nghe một thôi một hồi thấy ngộ quá, đôi mắt ngấn lệ cười nhìn bà, thuận tay lơ đãng cầm đôi đế mềm lên, lật má giầy toan xem đến đế. Bà giật ngay lấy, vẻ mặt thần bí:

- Chớ vội xem lung tung! Đây là đôi giầy ngủ... Vào động phòng thì cởi đôi lên nhà trên ra, thay đôi giầy này vào. Nhớ kĩ nhé, trước khi lên giường, đôi này phải do tự tay chú rể cởi ra. Xấu hổ à? Ai lấy chồng chẳng phải thế! Giỏng tai nghe cho kĩ, còn câu này cần ghi nhớ, ấy là bên trong má giầy có bức vẽ, con với chú rể phải cùng xem... - Nói đến đây, bà cười tủm tỉm.

Hương Liên chùa thấy bà cưới kiểu đó bao giờ, càng tò mò hỏi:

- Tranh gì mà không được xem trước vậy bà? - Nói rồi thò tay cấm lấy giấy.

Bà đập đánh đét vào tay cô, bảo:

- Chưa về nhà chồng chưa xem được! Giắt vào trong lưng ấy, khi nào động phòng thì xem! - Nói rồi bà giắt vào lưng cho cô.

Đàn sáo, trống, kèn đã vang lên nhộn nhịp ngoài cổng. Bà vội bảo Hương Liên thay đôi giầy tím, ngoài lồng đôi màu vàng. môi thoa chút son, trán thêm chút phấn, đội mũ phượng, phủ ngoài bằng vuông vải đỏ cho đỡ xấu hổ. Bà còn gài thêm hai đóa hoa bằng nhung vào hai bên mái tóc bạc trắng của mình rồi vặn lưng cúi xuống bế bổng Hương Liên đi ra cổng. Việc này vốn do cha, anh cô dâu đảm đương, nhưng Hương Liên không còn cha, chẳng có anh nên bà đành gánh lấy.

Hương Liên giấu khuôn mặt sau mảnh vải dầy, kín như bưng, tai ù lên vì tiếng người ầm ĩ, tiếng kèn trống và tiếng pháo nổ vang. Cô chợt thấy buồn, níu lấy đôi vai xương xẩu của bà, khẽ nói:

- Hương Liên không nỡ xa bà đâu, bà ơi!

Bà già rồi lại phải bế cô cháu gái khỏe mạnh, đã hết hơi hết sức, chợt nghe cháu thủ thỉ, xót xa trong lòng, chân nhũn ra, lưng không ưỡn lên được, thế là "huỵch" một cái, hai bà cháu ngã vồ vào nhau. Người đứng hai bên vội vàng kéo họ lên. Trán bà vập vào đòn kiệu, u lên một nắm, hai đầu gối dính bết đất nhưng bà chẳng để ý, cứ cuống cuồng kêu to:

- Tôi không sao đâu! Cần nhất đừng để chân Hương Liên chấm đất. Mau bế vào kiệu, mau bế vào kiệu!

Hương Liên bị ngã bất ngờ, chưa kịp hé vải che mặt ra nhìn thì người đã ở trong kiệu. Rồi kiệu lắc la lắc lư đi trong ồn ào huyên náo, cô cảm thấy mình như cái cây bị nhổ bật cả rễ, không còn gì để nhờ, để tựa, để nương, để bám nữa, liền bật khóc, khóc mãi, khóc hoài. Chợt nhớ nước mắt làm nhoè má phấn, cô vội lấy khăn tay, hay đâu rút ra đôi giầy ngủ thêu hoa đế mềm. Nghĩ tới lời bà dặn vừa nãy, cô tò mò vạch má giầy lấy mảnh lụa vàng ra xem. Thì ra có nhiều hình người bé xíu thêu bằng chỉ đen và chỉ đỏ đang đùa bỡn nhau như trẻ con; nhìn kĩ, toàn là đàn ông đàn bà trần truồng ôm ấp nhau, đàn ông thêu chỉ đen, đàn bà thêu chỉ đỏ. Họ làm gì Hương Liên tuy không thấy rõ, nhưng cô đã từng thấy gà, mèo, chó làm cái chuyện ấy. Thế là đỏ bừng mặt, tim đập thình thình, cô gào lên:

- Đưa tôi về nhà, đưa tôi về nhà với bà!

Mặc kệ Trong tiếng trống tiếng nhạc, kiệu cứ đi thẳng. Khi kiệu dừng cô cảm thấy có bốn cánh tay nâng hai khuỷu tay cô, rồi chân cô vừa ra khỏi kiệu là dẫm lên tấm thảm mềm. Cô bước đi, tấm khăn che mặt đung đưa, chỉ thấy một mầu đỏ chói thấp thoáng dưới chân. Trên đường đi phải bước qua một cái cửa, một cái cửa nữa rồi lại một cái nữa. Mỗi lần nhấc chân qua bậc cửa, cô đều nghe tiếng người nó to:

- Mau nhìn chân kìa!

- Tôi thấy đôi chân nhỏ rồi!

- Nhỏ chừng nào?

- Nhìn không được hay sao?

Hương Liên nhớ lời bà dặn, ở nhà người giầu, khi bước, nhiều nhất chỉ để lộ mũi giầy. Lúc này tuy hoang mang bối rối nhưng mỗi khi bước qua cửa, cô vẫn để ý rụt chân, mũi giầy vừa chấm tới gấu váy, không để lộ ra, làm cho người xung quanh cuống quít khom lưng, cúi cổ, ghé mắt nhưng chẳng ai nhìn rõ.

Cuối cùng hình như tới một căn phòng lớn. Mùi thuốc lá, mùi phấn son và hương hoa quyện lẫn nhau. Bỗng soạt một cái, ánh sáng xanh đỏ tím vàng chói lòa trước mặt. Một anh chàng to béo, áo bào hoa, mũ đội lệch, giật mảnh vải đỏ che mặt Hương Liên, đôi môi nung núc nhếch lên:

- Anh muốn xem đôi chân nhỏ của em!

Xung quanh cười ầm ĩ. Chắc hẳn đấy là chú rể. Hương Liên định thần nhìn bốn phía. Khắp phòng là đàn ông đàn bà áo xanh áo đỏ, đeo đầy vàng bạc, cảnh giầu sang không cần phải nói. Mấy chục cây nến đại hồng to như những cây gậy chiếu sáng lòa khiến cả gian phòng như ở giữa nắng. Từ nhỏ đến giờ Hương Liên chưa từng thấy cảnh này nên mụ cả người. May sao cô gái đỡ cô đẩy anh chàng béo kia ra bảo:

- Cậu cả ơi, lễ trời đất đã rồi mới xem được.

Hương Liên thấy cô gái này thanh tú xinh đẹp như người trong tranh. Điều khác lạ là cổ cô đeo một cái túi thêu hoa, cắm rất nhiều kim khâu, chỉ các mầu xâu ở lỗ kim rủ lòng thòng trước ngực.

Chú rể kêu lên:

- Con Đào Nhi này hay chửa, cho mày hầu hạ vợ chồng tao, mày chỉ bênh mợ mày không bênh tao, vậy tao hãy xem chân nhỏ của mày trước vậy. - Nói rồi bước tới nắm lấy ống quần Đào Nhi, làm Đào Nhi sợ quá vừa nhảy vừa kêu, những sợi chỉ trước ngực tung bay. Mấy người khác vội bước tới vừa dỗ dành vừa ngăn cậu cả. Bấy giờ Hương Liên mới nhìn thấy ông chủ bố chồng mặc áo bào mới cứng ngồi trên ghế thái sư ngay trước mặt. Mấy người ấn cậu cả quỳ xuống cùng Hương Liên lễ trời đất. Lễ xong, chưa kịp đứng lên, cô đã nghe một giọng đàn bà lanh lảnh nói:

- Cậu cả ngốc thế, sao không vén gấu váy lên mà coi!

Hương Liên đang sững sờ thì cậu cả đã lật gấu váy cô lên, đôi chân nhỏ̉ không còn gì che đậy, phơi bày ra. Người trong phòng mắt to mắt nhỏ nhất tề nhìn ngắm chân cô, người sửng sờ, người ngây dại, người kinh ngạc, người ngẩn ngơ, không còn nghe một tiếng động nào nữa. Đào Nhi đứng bên cạnh cũng cúi nhìn chân cô. Bỗng giữa đám đông lách vào một bà già mặt vàng như nghệ. Bà ta vươn dài cổ ngắm chân cô, con ngươi lồi ra như sắp bật khỏi tròng, sau đó quay ngoắt chen ra. Bốn xung quanh vang lên tiếng trẩm trồ úi cha, ái dà, í da, cha chả! Hương Liên như bị lột trần ra cho người ta xem, khắp người ớn lạnh, cứ quỳ nguyên chỗ cũ. Đồng Nhẫn An lên tiếng:

- Thiệu Vinh, thôi không phá quấy nữa! Đào Nhi, mày ngẩn người ra làm gì thế, không mau đỡ mợ cả vào phòng sao?

Đào Nhi vội vàng đỡ Hương Liên đứng dậy đi vào phòng cô dâu, cậu cả đi đàng sau vừa lôi vừa kéo, cứ đòi xem chân nhỏ. Mọi người cũng vây lấy cười đùa bỡn cợt, mãi đến tối khuya mới tan. Cậu cả đuổi Đào Nhi ra ngoài, Hoàng Liên chưa kịp thay giầy ngủ như lời bà dặn thì cậu ta đã đẩy cô ngã lăn xuống giường, lột phắt giầy ra, dứt đứt vải quấn, rồi nắm lấy đôi chân xinh xinh của cô mà kêu mà gọi, mà cả cười mãi không thôi. Gã đàn ông này khỏe như vâm, Hương Liên vốn yếu đuối, làm sao địch được hắn? Cô né tránh, trì lại, đánh trả, gạt ra, xé ra, bỗng chợt nghĩ mình đã thuộc về người ta thì đôi chân nhỏ cũng của người ta, nhà chủ dù ngu ngốc cũng vẫn là nhà chủ. Nghĩ đến đây, Hương Liên không còn biết là tức, là bực, là hận hay là đau khổ nữa. Cô nhắm mắt duỗi dài đôi bàn chân trần mặc cho anh chồng ngốc kia mân mó như vuốt ve con mèo, con chim.

Chỉ mấy hôm sau ngày cưới, một chuyện quái lạ nữa lại xảy ra. Mỗi sáng khi Hương Liên trang điểm trước gương, cô đều thấy vài ba lỗ thủng trên mảnh giấy dán cửa sổ. Nhìn tầm thước, không phải bọn trẻ con nghịch ngợm chọc thủng mà cũng không phải chọc thủng bằng ngón tay. Xung quanh lỗ xơ như bông, áng chừng dùng lưỡi thám nước bọt mà thành. Hôm nay lấy mảnh giấy dán vào, ngày mai lại có hai lỗ mới ở hai bên. Ai thế nhỉ?

Trưa hôm ấy, cậu cả đi chơi chợ xem bán chim, Hoàng Liên một mình nằm ngủ. Ngủ đang say, cô mơ hồ cảm thấy có người nắm chân cô. Trước cô tưởng anh chồng dở hơi quấy đảo, sau thấy dường như không phải. Tay chân anh chàng ngốc không lịch sự như thế. Người ấy ấn mỗi bên tay một ngón vào hai ngón chân cái của cô, hai ngón tay khác vòng ra sau gót, những ngón tay còn lại khẽ xoa lòng bàn chân nhưng cô không thấy buồn, ngược lại thấy khoan khoái khôn tả. Sau đó người ấy đổi cách: ngón tay cái đặt trên mu bàn chân mấy ngón kia vòng xuống dưới ép chặt lấy bốn ngón chân đã bị bẻ quặp vào lòng bàn chân, rồi thả ra, thả ra rồi ép chặt, cứ như thế, dường như có cách thức hẳn hoi. Hương Liên biết không phải nằm mơ, chỉ không biết thằng giặc nào to gan ban ngày ban mặt dám lẻn vào phòng cô, sờ nắn chân cô theo cách thức quái đản đó, khiến cô vừa xấu hổ, vừa sợ hãi, vừa tò mò, vừa khoan khoái. Cô khẽ hé mắt ra chợt hết hồn. Chính là ông bố chồng Đồng Nhẫn An! Lão già lim dim mắt, mặt như say. Lão say rượu chăng? Còn định giở trò gì nữa? Cô không dám kêu, tim thót lại, đôi chân bất giác cũng rụt vào trong chăn. Đồng Nhẫn An giật mình nhưng lập tức lấy lại vẻ bình thường. Lão không hề say! Cô vội vàng nhắm mắt giả vờ ngủ. Khi cô mở mắt ra, phòng trống không. Đồng Nhẫn An đã ra khỏi phòng từ lúc nào.

Cửa không đóng, Hương Liên thấy xa xa ngoài hành lang có một người đứng đó, mặc toàn đồ đen, nhưng không phải Đồng Nhẫn An mà là mụ già mặt vàng như nghê lách qua đám người vào xem chân cô hôm cưới. Mụ đang hầm hầm trừng mắt nhìn cô, ánh mắt như xuyên thấu tim cô. Tại sao mụ trừng mắt với cô?
Lúc nhìn ra lần nữa, thoáng cái sau đã mất hút.

Hương Liên không còn hiểu ra sao nữa.