© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.4.2005
Đinh Linh
Trăm năm trong cõi đồi trụy
 
Khi tập truyện Fake House của tôi ra mắt năm 2000, tôi đang sống ở Việt Nam. Nhà xuất bản ở New York gửi một quyển về Sài Gòn cho tôi. Tôi hớn hở lại bưu điện để lãnh sách nhưng họ không đưa. Khi họ bảo phải giữ sách để xét nội dung, tôi giải thích cho họ chính tôi là tác giả. Sách không thể lây bệnh cho tôi vì tôi là nguồn bệnh. Hơn nữa, sách được viết bằng tiếng Anh nên khó có thể gây ô nhiễm cho tâm hồn trong trắng muôn thuở (xấp xỉ 4.000 năm) của người Việt. Lắc đầu, họ hẹn tôi 2 tuần gặp lại. Sau 2 tuần, tôi trở lại bưu điện nhưng chỉ được phát một hóa đơn: “tịch thâu 1 sách vì nội dung đồi trụy và phản động.”

Quyển Fake House gồm 21 truyện. Trong đó, có chiến tranh, có hòa bình, có người lương thiện, có lưu manh, có đĩ điếm, có tình yêu ngớ ngẩn, ngô nghê, có dâm đãng, có bệnh hoạn. Tất cả những gì trong Fake House bạn có thể tìm ra ngay trong bất cứ cái hẻm nào ở Sài Gòn. Tất cả những gì trong Fake House bạn có thể tìm ra ngay trong cái đầu u u của chính bạn. Quyển Fake House không thể đồi trụy hơn cái xã hội mà nó diễn tả.

Tiêu chuẩn duy nhất ta nên dùng để đánh giá một tác phẩm là nó hay hay dở, chứ không phải là nó đồi trụy hay phản động. Tác phẩm dở thì nhan nhản, dĩ nhiên, tác phẩm hay thì rất hiếm. Khi lỡ đọc một vài hàng dở, bạn chỉ cần ngừng đọc thì bài đó biến đi ngay. Khi lỡ thấy tên một tác giả dở trong mục lục, bạn chỉ cần lờ tên hắn, thì hắn cũng biến đi ngay. Khác với những chính trị gia, nhà văn không thể xía vào đời bạn nếu bạn không cho phép. Vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi thấy một vài bài đả kích ban biên tập talawas và Tiền Vệ với những lời lẽ hậm hực, chua ngoa. Nếu bạn không đồng ý với cái gu hay lập trường của ban biên tập, nếu bạn chỉ thích văn chương sạch sẽ, đằm thắm, không đồi trụy, chẳng hạn, thì bạn có thể đọc cả trăm những tạp chí khác vừa lòng mình hơn. Tạp chí ở một nước tự do luôn luôn phản ảnh sở thích của ban biên tập, một nhóm độc lập không lệ thuộc vào chỉ định từ trên hay áp lực từ dưới. Báo chí ở một nước tự do chỉ chiều khách khi họ muốn kiếm tiền, nhưng talawas và Tiền Vệ thì không hoạt động vì tiền mà vì tha thiết với văn chương và đất nước. Trong một thế giới vụ lợi, tham nhũng, họ quả là những nhân vật cực kỳ hiếm, đáng được ta ca ngợi. Ðã làm việc chùa mà còn bị chửi bởi những kẻ ăn không ngồi rồi, rung đùi trong quán cóc! Thật là một thế giới trớ trêu và đảo ngược! Nước Việt xưa nay vẫn là một xã hội nhiều cấm đoán, thậm chí tù đày. Chẳng lẽ người Việt lại tình nguyện làm cai tù để kiểm soát nhau?

Trở về vấn đề đồi trụy. Tôi cảm thấy người Việt định nghĩa từ này rất rộng rãi. Cứ nhắc đến bộ phận sinh dục hay bài tiết thì bị gài là đồi trụy. Có lẽ đây là ảnh hưởng ngàn năm của văn hóa Trung Hoa, một nền văn hóa cực kỳ đồi trụy trên thực tế nhưng lại rất kín đáo trong nghệ thuật. Khác với nghệ thuật Tây Phương, phát nguồn từ Ai Cập và Hy Lạp, và nghệ thuật Ấn Ðộ, chẳng hạn, Trung Hoa không có truyền thống vẽ hay tạc hình khỏa thân. Cách đây 2.000 năm, trong khi người Hy Lạp tổ chức thế vận hội với những đoàn lực sĩ khỏa thân vạm vỡ thì người Trung Hoa trùm cái thân teo choắt, méo mó của họ lại bằng những y phục ôi ơi là luộm thuộm, nhiều màu.

  tượng Ai Cập


lực sĩ Hy Lạp


y phục Trung Hoa


Tất cả những nền văn minh thô sơ đều có truyền thống vẽ hay tạc hình khỏa thân. Cơ thể của chính mình là nền tảng của ý thức. Cái đầu phải cúi xuống để nhận ra thân mình. Ai không nhận ra thân mình thì không biết gì cả. Chấp nhận thân mình, bạn chấp nhận những chức năng của nó. Tổ tiên loài người cũng đều thờ Bà. Bà là biểu tượng cho sinh sản và nẩy nở. Một trong những tượng cổ nhất của nhân loại, được tạc cách đây cỡ 26.000 năm, là một đàn bà khỏa thân với một kẽ lồn rõ nét và hai vú khổng lồ. Tượng được đặt tên là “Venus của Willendorf,” tức tỉnh Willendorf ở nước Áo. Dân Ái Nhĩ Lan thì thờ nữ thần Sheila na Gig. Sheila na Gig vạch lồn để biểu lộ sức mạnh của mình. Ba “anh hùng” đầu tiên của người Việt cũng là đàn bà. Có lẽ ta nên gọi họ là những “chị hùng.”

Venus của Willendorf


Sheila na Gig


tượng từ Nigeria


tượng Aztec từ Mexico



Dưới ách Trung Hoa, dưới Nho giáo, ảnh hưởng của Bà ở Việt Nam đã bị sụt nhiều, nhưng vẫn không mất. Ở Âu Châu, đạo Thiên Chúa cũng đã tìm đủ mọi cách để xóa ảnh hưởng của Bà và những thái độ cởi mở về cơ thể, nhưng không thành công. Ở Âu Châu, tranh và tượng khỏa thân là một hiện tượng rất bình thường. Thái độ tò mò, chiêm ngưỡng và đào tạo cơ thể đã cho phép họ tiến xa hơn Ðông Á trong nhiều lãnh vực, từ y khoa đến nghệ thuật đến thời trang. Trong khi họ nhảy nhót một cách hồn nhiên, lắc vú, rung đít, ta chỉ biết múa ngượng nghịu theo bài bản. Thật là một bọn đồi trụy!

phác họa của Leonardo Da Vinci, thế kỷ 15


tượng tại Firenze, Y, bởi Bartolomeo Ammannati, thế kỷ 16



© 2005 talawas