© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.4.2005
Trương Văn
„Chữ ơi, đừng làm tôi đau...” hay sự vô cảm của ngôn ngữ
 
Theo tôi, một nhà văn thực thụ chỉ viết khi họ đau; nỗi đau được gửi gắm qua chữ nghĩa khiến người đọc đau theo. Mục đích chỉ đơn giản như vậy. Giải Nobel văn chương hình như chỉ dành cho những người biết làm đau thực thụ, không những vài người đọc đau mà dường như cả nhân loại.

Tôi cũng có ít chữ trong đầu, nên thi thoảng cảm thấy đau, mặc dù không biết chính xác mình đau hay chữ đau [1] . Suy đi ngẫm lại, chữ nghĩa của người khác rất dễ làm tôi đau. Cụ Nguyễn Du ngày xưa, đã từng bị chữ của Đoạn trường Tân Thanh làm cho nhức nhối, nên mới viết được Truyện Kiều bất hủ. "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"!

talawas có một loạt bài đã làm tôi đau, trong số đó có bài viết của nhà văn Kiệt Tấn. Tôi đã bị đau lây sau ông. Nhưng tôi dám quả quyết rằng cái đau của tôi không so sánh được với cái đau của nhà văn. Vì độ nhạy cảm của tôi chắc chắn không thể bằng của Kiệt Tấn, nên có cố gắng hết sức mình cũng không thể viết ra được một bài như "Sục cặc trước bàn thờ" của ông.

Tiếp đó, tôi đọc một loạt bài chỉ trích cũng có, bênh vực cũng có xung quanh bài viết này. Càng đọc càng thấy đau. Đau đến nỗi không chịu được nữa. Đành phải ngồi viết những dòng này gửi talawas. Cũng chỉ mong nỗi đau thuyên giảm chứ không hề có ý định làm ai đau.

Trải qua một cuộc bể dâu, ngoài những điều trông thấy mà đau đớn lòng ra, tôi còn nghiệm một điều: mỗi nhân tài của Việt Nam đều để lại cho đời một chữ gì đấy. Nguyễn Du ru đời nỗi đau. Nguyễn Tuân luân trầm cái sợ. Văn Cao cạo phím piano tiếng ca. Vũ Trọng Phụng tung hứng làm đĩ. Nam Cao cào rách mặt chí phèo, ấy chết, chữ phèo. Trịnh Công Sơn vờn đàn tìm hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi... Tóm lại, mỗi nhân tài đều dồn cảm xúc của mình vào một chữ để lại cho đời!

Kiệt Tấn với "Sục cặc trước bàn thờ" chẳng hề mang tính "dâm thư", "ô uế". Thậm chí, nếu ông viết "Sục cặc rồi phóng tinh vào bàn thờ" thì cũng không có gì gọi là "xú uế" cả. Ở đây, vấn đề là tình cảm của người viết và người đọc. Trong trường hợp này ông/bà Hà Minh cùng một số người viết thư cho Tienve "chê trách" nhà văn Phan Nhiên Hạo có lẽ khó đi „làm cách mạng" được. Nỗi nào đã mất bình tĩnh nhanh đến thế!

Khi đọc Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, tôi rất thích một câu. Đó là câu "dục tốc bất đạt", chắc của người Tàu. Mà người Tàu nổi tiếng về sự thâm thuý. Những người chiến sĩ cách mạng chân chính ngày xưa nếu cứ "dục tốc" ào ào thì có lẽ hỏng hết. Trong tôi hiện lên hình ảnh những người nữ du kích bị giặc tra tấn (nếu những hình ảnh này đã xảy ra trong thực tế - sau "vụ Lê Văn Tám” tôi đâm ra nghi ngờ tất cả, có thể tôi muộn màng chăng!) một cách hết sức dã man là dùng que sắt chọc vào âm hộ (tôi không muốn viết lồn, vì biết rằng điều này sẽ làm một vài độc giả đau) của họ, hòng làm những người phụ nữ này quá đau đớn về thể xác mà khai báo, nhưng họ không khai báo.

Tôi dùng hình ảnh này để giải thích tại sao những người tôi vừa nêu trên khó đi „làm cách mạng”. Những cực hình thể xác nhiều khi phản tác dụng. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học nên không dám bàn đến chuyện ngữ nghĩa, mặc dù rất muốn góp đôi ba câu trong dịp tranh luận rất rôm rả về từ "vi tính" trên talawas vừa qua. Chỉ người đọc mới gán tình cảm cho ngôn ngữ. Bản thân tác giả cũng gán tình cảm vào câu chữ của mình. Điều trớ trêu là người đọc ít khi cảm nhận hết được tình cảm tác giả gửi gắm.

Ví dụ, vì không là đảng viên cộng sản, nên khi nhìn thấy khẩu hiệu: "Đảng cộng sản quang vinh muôn năm" trong người tôi chẳng „dấy” lên một tình cảm gì đặc biệt. Thế nhưng một đảng viên cộng sản thực thụ khi đọc khẩu hiệu này sẽ cảm động, sẽ cảm thấy thiêng liêng và đầy ý thức trách nhiệm. Cũng như kẻ chống cộng sản sẽ cảm thấy căm ghét khi bắt gặp khẩu hiệu này.

talawas phải chăng cũng là một tấm biển, nơi treo nhiều loại khẩu hiệu khác nhau. Tại sao vì nội dung của nhiều loại khẩu hiệu lại đi chê trách kẻ giăng tấm biển? Nếu không có tấm biển, biết đọc khẩu hiệu từ đâu?

Phải chăng, nỗi đau chỉ nên tồn tại trong mỗi cá nhân, chớ nên chia sẻ? Bởi đời rất nhiều nỗi đau, nỗi đau nào cũng lớn. Đấy là chưa kể nỗi đau của người đôi khi lại là hạnh phúc của ta. Nỗi nhục mất nước của kẻ này biết đâu lại là niềm vinh quang chiến thắng của kẻ khác.

Tôi đánh giá cao hành động "xả thân" treo biển của talawas giữa thời đại hiện hữu của mọi loại khẩu hiệu.
Hình như đối với tôi những nỗi đau mang nhiều ý nghĩa hơn cả. Một người không có những nỗi đau thì còn gì để nói?

Và mong rằng: "Chữ ơi, đừng làm ta đau..."

© 2004 talawas



[1]Mượn ý từ câu văn của Nguyễn Huy Thiệp: „Xin đừng làm chữ của tôi đau”