© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
5.4.2005
Phùng Ký́ Tài
Gót sen ba tấc
Tiểu thuyết (10 kỳ)
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Hồi thứ tám
Như thơ như hoạ, như mộng như ca, như rượu như khói

Sáng bảnh vừa mở mắt ra, hoa tuyết rơi mãi không thôi, sau bữa trưa, đã dầy đến hai tấc. Mặt đất, ven tường, cạnh chum, ghế đá, lan can đều phủ một lớp tuyết xốp. Chạc cây to nhỏ đều như những cái móc trắng, chạc to móc to, chạc nhỏ móc nhỏ. Mỗi đóa hoa mai vàng tươi rói đều như ngậm một miếng đường bông.

Hôm nay là ngày hội hoa đăng, hai cánh cổng nhà họ Đồng đóng chặt như liền một cánh. Khách đến thăm đập vòng cửa. Nghe đứa nhỏ chờ sắn dưới vòm cửa gào thật to sau cánh cổng:

- Đi xem đèn hết rồi, không có ai ở nhà!

Thật ra họ ở cả trong nhà, các nàng dâu ở trong phòng chải đầu chuốt tóc, trang điểm đôi chân, các a hoàn đi lại tất bật ngoài hành lang, mang nước nóng, thức dùng, đồ ăn, tin tức cho các phòng. Ai nấy ăn mặc trang điểm thật đẹp, nét mặt trang trọng giữ gìn in hệt chuẩn bị cúng tất niên vào tối ba mươi tết.

Lúc này Đồng Nhẫn An đang ở trên tiền sảnh tiếp nước và chuyện trò cùng Kiều Lục Kiều, Hoa Lâm, Ngưu Phượng Chương, Lục Đạt Phu và ái Liên cư sĩ Lã Hiển Khanh từ Sơn Tây đến. Cả khách lẫn chủ đều mặc áo quần mới tinh, Năm Ngưu không đội mũ thì đầu cũng mới cạo, nhẩn nhụi như cái gáo bầu. Sáu Kiều cũng không tềnh toàng như mọi ngày, mặc áo vạt không xếp lên nhau, cúc gài thẳng hàng như sắp ra sân khấu.

Lần này không như lần trước, cửa thông gió vào mùa đông đều đóng kín, chỗ khách ngồi đặt một cái chậu đổng lớn, than trong chậu từ chiều hôm qua đã quạt đỏ để qua đêm không cần ủ, bây giờ đang rực hồng. Hơi lạnh bám lên các ô cửa kính bốc hơi đọng thành nước nhỏ giọt. Trên chiếc án dài bằng gỗ hồng sắc trước mặt, bày một bó hoa mà theo lệ ở đây phải có khi đón năm mới, được gọi là "phú quý ngọc đường", gồm một cành hải đường đỏ chót, một cành bạch đào một cành bích đào, bốn cành mẫu đơn, bốn đóa thủy tiên, thêm vào một vài màu hoa nữa cắm trong một cái chậu gỗ. Đỏ phải thật đỏ, trắng phải thật trắng, vàng ra vàng, xanh ra xanh, cao thật cao, thấp thật thấp, to ra to, nhỏ ra nhỏ, không có gió mà hương thơm thay phiên nhau tỏa ra. Hương thơm từ mũi người này bay ra lại chui vào mũi người khác, thật là vui sướng, khoan khoái!

Sáu Kiều chiêu một ngụm trà, miệng chép chép ngon lành nói:

- Trà hôm nay thơm thật, cụ Đồng mua của nhà Chính Hưng Đức đấy à?

Đồng Nhẫn An đáp:

- Chính Hưng Đức làm gì có thứ trà ngon thế này? Đây là tôi ghi tên lùng mua tận An Huy đấy! Trà thường uống đến nước thứ hai mới ngấm, nhưng thử trà này vừa chế nước sôi vào là sắc vị tan ra ngay. Không tin các vị cứ nhìn mà xem, sắc xanh mươn mướt chẳng khác gì ngồi xổm trên bờ hồ sen. Trà này chẳng những uống thơm mà sau ba nước, bỏ lá chè vào mồm nhấm, cứ non như lá ba lăng.

Sáu Kiều nhìn mặt mọi người chợt kêu lên:

- Ơ đúng thật này! Các vị mau nhìn sắc mặt ông Năm Ngưu, cứ xanh lè như mặt quỷ đầu trâu dưới âm phủ vậy.

Mọi người ha hả cười ầm cả lên. Lục Đạt Phu cười đến nỗi đầu ngật ra phía sau, yết hầu trên cổ cứ rung lên mãi. Ngưu Phượng Chương nguẩy đầu nói:

- Thịt trâu bò là một trong năm thứ thịt hôi, lừa, ngựa, chó, la, trâu bò. Các vị không ngán cứ việc xẻ tôi ra mà chén.

Lực Đạt Phu bảo:

- Có thịt thì thịt luôn đi! Để sau tết lập xuân mới giết, ắt bị phạt trăm trượng, đầy đi Urumxi. [1]

Mọi người lại cười phá lên. Đồng Nhẫn An quay qua Lã Hiển Khanh hỏi:

- Thứ trà ngài uống đây gọi là "Thái Bình hầu khôi", vậy ngài có biết lai lịch ra sao không?

Lã Hiển Khanh lắc đầu không đáp. Lão và Đồng Nhẫn An vẫn luôn ngầm đọ sức với nhau, ai lắc đầu là người ấy bí rị. Sáu Kiều lên tiếng:

- Tên trà quái lạ thật, chắc đến tám phần có chuyện thú vị gì đây.

Đồng Nhẫn An chỉ còn chờ câu khơi gợi đó. Lão vội nói:

- Ông Sáu Kiều nói trúng mất rồi. Đây là thứ trà đặc sản của huyện Thái Bình tỉnh An Huy. Nghe nói huyện này có quả núi cao hàng trăm trượng, trà mọc tận đỉnh núi, người không lên hái được phải nuôi dạy một bầy khỉ, cho chúng đội nón, đeo gùi leo lên hái, cho nên mới có tên là trà "khỉ đầu đàn huyện Thái Bình". Trà này cũng là của hiếm. Vả chăng trà mọc trên đỉnh núi, quanh năm ướp mây mù, vị trà tất thanh nhã mà siêu thoát.

- Bốn chữ thanh nhã siêu thoát này dùng xác đáng lắm! - Hóa Lâm bỗng lên tiếng. Tay lão chỉ chén trà nhưng mắt lão không nhìn chén trà. - Trần gian có được thứ trà này quý thay, chỉ tiếc không có bức tranh nào cũng quý như thế!

Đồng Nhẫn An đáp lời:

- Hôm nay tôi không có ý định phối trà với tranh mà muốn phối trà với gót sen kia.

Lã Hiển Khanh nắm ngay lấy câu đó, tiếp lời:

- Cụ Đồng này, lần trước hễ mở miệng là cụ nói đến thần phẩm. Trăm nghe không bằng một thấy. Nói về trà, thứ trà này kể là thần vị, còn thần phẩm của gót sen vẫn chưa được thấy. Chúng tôi đợi cuộc thi chân hôm nay để được thấy đấy. Nếu không được thấy, chớ trách chúng tôi cho nhà họ Đồng đây chỉ biết khoác lác suông thôi đấy nhé.- Nói dứt lời lão cười hề hề, như nói đùa lại như kiếm cớ gây gổ.

Đồng Nhẫn An nghe nói không hề đổi sắc mặt. Lão nhấc ấm trà nhỏ lên, nhè nhẹ gõ đầu ngón tay vào bụng ấm ba cái. Ngay sau tiếng gõ, một loạt tiếng lách cách vang lên, những tấm vách ngăn bằng kính thông sang ba dẫy nhà sau mở hết cỡ, hơi lạnh ập ngay vào. Đang ấm áp gặp lạnh, nhiều người hắt hơi ầm ĩ, nhưng hắt hơi mấy cái lại hóa ra sảng khoái hẳn. Ngoài sân là quang cảnh tuyết trắng xóa như bạc, vừa yên tĩnh vừa thanh nhã. Lã Hiển Khanh nhấp nhổrn toan bước ra ngoài xem. Đồng Nhẫn An nói:

- Ngài cư sĩ cứ yên tâm, đừng sốt ruột. Lần này cách thức đổi lại, các vị không cần ra khỏi nhà cứ ngồi nguyên chỗ là được. Các vị cần giữ ấm, chớ để bị lạnh đầu.

Khách khứa đứng cả dậy, người lấy mũ to trùm ngoài chụp vào, người cầm mũ từ trên giá đội lên đầu. Trong lúc lặng như tờ, đã thấy u Phan đứng ngoài hành lang. Trên người vẫn mặc bộ quần áo đen, chỉ ở mạng tóc, vạt áo, cửa giầy chạy thêm ba đường viền màu vàng khá chói mắt. Xà cạp bằng đoạn đen bó chặt chẽ theo hình chữ V từ cổ chân chớm tới đầu gối càng làm nổi bật đôi bàn chân nhỏ, chẳng khác nào hai cái đinh cắm trên mặt đất. Kiều Lục Kiều chợt nhớ tới lời Năm Ngưu kể hôm qua ở nhà hàng Nghĩa Thăng Thành, bèn định bụng từ đôi chân này phát hiện ta điều bí ẩn nào đó, nhưng càng nhìn càng chẳng thấy được cái gì. Lão quay lại toan hỏi Lục Đạt Phu thì thấy Đồng Nhẫn An ngoảnh ra cửa gật đầu với u Phan, thoắt cái mụ biến đi ngay như một làn gió. Ngay sau đó, mấy cô gái từ hành lang phía Tây đi lên. Đến trước cửa, người dừng chân đứng lại giây lát, người hai chân đổi cho nhau quành đi quành lại vài vòng, lại có người lướt qua như mây bay nước chảy không dừng lấy nửa bước, nhưng ai nấy đều thoáng để lộ đôi chân xinh xinh cho nhìn sơ sơ hoặc nhìn rõ. Mấy cô nàng ấy Năm Ngưu đều quen biết, đó là Đào Nhi, Phượng Nhi, Châu Nhi và một a hoàn nhỏ mới vào làm là Thảo Nhi; mợ Tư là người đi cuối cùng. Đôi chân của các cô như những chiếc bánh lá quấn chỉ ngũ sắc ngày Tết Đoan ngọ, xanh xanh đỏ đỏ, rực rỡ nhiều mầu thành một chuỗi diễu qua, đủ làm các vị nghiền gót sen hoa cả mắt. Lục Đạt Phu cười nói:

- Quang cảnh này hơn hẳn hội hoa đăng năm nay ở phố lớn Bắc Cũng rồi!

- Theo tôi, đây là đèn kéo quân, mắt theo chẳng kịp, sắp bật tròng cả đây này! - Kiều Lục Kiểu kêu lên.

Trong đám khách chỉ có Lã Hiển Khanh và Hoa Lâm không lên tiếng. Ai biết khẩu vị của họ sành hay là ngồi im để tỏ ra khẩu vị của mình cao? Bỗng u Phan bước lên thưa:

- Thưa mợ Cả chóng mặt, e không thi được.

Khách khứa sững người, Đồng Nhẫn An càng ngây ra ngó sững u Phan như thể không tin, nhưng khuôn mặt như tạc băng đá của mụ không tỏ một vẻ gì ngoài mấy nếp nhăn thẳng đứng. Đồng Nhẫn An cuống lên bảo:

- Các vị khách đang chờ cả đây, để người ta mất hứng à?

U Phan nói:

- Mợ Cả nói xin mời mợ Hai lên trước.

Đồng Nhẫn An cầm chiếc ấm nhỏ thong thả tu mấy ngụm, mắt đảo lia lịa. Chợt mắt lóe sáng, lão gật đầu với u Phan:

- Được, mời mợ Hai lên thi chân trước vậy.

U Phan thoáng cái đã mất hút. Đợi giây lát, mé phòng phía Tây xuất hiện bốn cô gái mặc váy áo bốn mầu xanh da trời, xanh nước hồ, hồng đào và vàng trăng, chính là Đào Nhiệm Phượng Nhi, Châu Nhi và Thảo Nhi. Mỗi cô cầm một cái chổi cán dài, đứng thành hai hàng đều tay vung chổi lên. Bụi tuyết tung bay dần dần mở một con đường lát gạch vuông đen đen dưới lớp tuyết, kéo dài tới tận thềm nhà tiền sảnh. Rồi các a hoàn rút lui, rèm cửa phòng phía tây được vén lên, những chiếc nhạc bằng bạc buộc trên rèm tinh tang vang khẽ, Bạch Kim Bảo như bó đuốc cháy rực đứng trước cửa buồng. Cô ta mặc bộ váy áo đỏ chót thêu kín hoa óng vàng lượn lờ như mây, ngoài trùm áo khoác bằng đoạn đỏ tươi có mũ lót bằng lông cừu trắng toát, làm nổi bật tấm thân vừa mềm mại dẻo dai, vừa xinh tươi khêu gợi. Quang cảnh này chẳng khác nào tướng soái xuất hiện trên sân khấu với khí thế đoạt giải nhất. Tóc cô ta búi thành búi cao theo kiểu "măng ngọc chầu trời", chóp búi cài một cái trâm vàng, đầu trâm lủng lẳng một con phượng lớn bằng nhung đỏ do nhà Ngọc Phong Thái chế tạo tinh vi, mỏ phượng ngậm một chuỗi hạt trai. Mỗi một hạt trai đều là một viên ngọc lớn quý hiếm, lúc lắc đung đưa rủ xuống, và đằng sau những viên ngọc trai óng ánh đó là khuôn mặt xinh đẹp, chỗ nào đỏ thật đỏ, chỗ nào trắng thật tráng, rực sáng trước mắt mọi người. Nhưng cô ta đứng trong bậc cửa cao, chẳng trông thấy chân đâu. Kiều Lục Kiều, Ngưu Phượng Chương, Lục Đạt Phu và cả Lã Hiển Khanh đều nhổm đít, ngỏng cổ, chẳng quản ngượng ngùng ngó về phía buồng the.

Nhìn mãi, nhìn mãi, cuối cùng họ cũng thấy một bàn chân xinh xinh vàng óng bước qua bậc cửa in hệt một chú gà con bằng vàng nhảy ra. Lập tức Kiều Lục Kiểu kêu ré lên, lạc cả giọng. Từ xưa tới nay, chưa ai nhìn thấy đôi giầy xinh bằng vàng, thêu bằng chỉ vàng, dát bằng lá vàng, đánh bằng vàng ròng, cũng chưa ai đoán được có đôi giầy như thế. Tiếp theo, bàn chân còn lại cũng bước nốt ra ngoài bậc cửa, chân trái sát bên chân phải, chân phải kề liền chân trái, rồi hai chân mũi gót bằng nhau đứng lại như chưng bày hai vật báu bằng vàng. Đợi mọi người vừa kịp nhìn rõ, đôi chân liền uyển chuyển bước tới, mỗi bước để lại trên nền gạch xanh đen một vết giầy trắng. Lối đi làm gì còn tuyết, ở đâu ra cái vết trắng ấy? Bạch Kim Bảo bước thẳng lên trên thềm. Mọi người để mắt nhìn kĩ theo gót chân cô ta, thì ra trên mặt đất là những hình hoa sen in bằng phấn trắng, lại có mùi hương lạ thơm nức mũi. Trong một lúc, mọi người nhìn ngây ra. Lã Hiển Khanh đích thân đứng lên cũng kính nói:

- Thưa mợ Hai, ái Liên cư sĩ tôi đây tự cho là đã thấy hết chân xinh, giầy xinh trong thiên hạ, ngờ đâu đứng trước mợ, tôi mới được mở mắt. ắt hẳn mợ sẽ cho tôi biết bông sen bạc kia in trên đất như thế nào. Nếu mợ không muốn tôi nói lộ với người ngoài, tôi đảm bảo sẽ không nói. Khi nào nói lộ ra, khi ấy ắt tôi phải viết ngược họ của mình.

Kiều Lục Kiều kêu lên:

- Chớ có nghe lời ông ta? Chữ Lã có viết ngược cũng vẫn là Lã! [2]

Lã Hiển Khanh vội vàng xua tay:

- Chớ có nghe ông Sáu! ông ta có học, lắm kiến thức, còn chúng tôi là người buôn bán, đâu có nhiều mưu mẹo như vậy? Nếu mợ không tin, cho tôi biết, tôi xin cắt lưỡi ngay!

Lục Đạt Phu nói đùa:

- Cắt lưỡi thì ông còn có thể cầm bút viết cho người ta xem!

- Nếu vậy, nói cho nghe xong là đem chôn sống ngay! - Kiểu Lục Kiều bàn .

Mọi người cười ồ. Lã Hiển Khanh bối rối nhưng vẫn đòi biết cho kì được. Bạch Kim Bảo thấy Qua Hương Liên không ló mặt, nghĩ bụng bất kể cô ta ốm thật hay sợ hãi bỏ chạy trước khi lâm trận, mình đang được nước, vậy phải làm sao cho vang dội đến cùng. Cô ta chắc mẩm chín phần đoạt giải nhất, thầm lấy làm vui, nói:

- Đâu dám để cư sĩ cắt lười, tùy ý ngài nói tung ra cũng chẳng hề gì. Bạch Kim Bảo này có chín mươi chín tuyệt chiêu, mới dùng có một chiêu thôi. Mời ngài coi!

Bạch Kim Bảo ngồi trên ghế đẩu, gác một chân lên đùi chân kia, khẽ vén gấu váy lên để lộ một bàn chân nhỏ cong cong vàng óng như vầng trăng non. Khách khứa đứng cả dậy nhìn chằm chằm. Bạch Kim Bảo vạch má giầy, để đế ngửa lên trên, thì ra đế giầy bằng gỗ khắc hình một đóa hoa sen, những chỗ lõm đều đục rỗng thông với bên trên. Cô ta lại kéo ở tầng dưới đế ra một cái ngăn kéo làm rất tinh xảo, má bằng gỗ, đáy bằng lưới lụa đựng đầy phấn thơm. Chờ mọi người nhìn rõ cả, cô ta đẩy ngăn kéo vào, bỏ chân xuống dậm một cái rồi nhấc chân lên, phấn lọt xuống dưới đế giầy in rõ hình một đóa hoa sen trên nền nhà. Ai nấy đều khen là tuyệt diệu.

Lã Hiển Khanh không kiếm chế nổi cũng kêu lên:

- Thế mới gọi là "mỗi bước nảy đóa sen", vận dụng ý người xưa khéo tuyệt! Xuất quỉ nhập thần, nhập thần xuất quỉ! Cụ Đồng này, hôm nay tôi mới gọi là hiểu hai chữ thần phẩm như cự nói là...

Nói đến đây Lã Hiển Khanh bất giác im bặt. Chỉ thấy Đồng Nhẫn An nhìn thẳng vào sân trên, hai con ngươi long lanh phát sáng, dường như không hề nghe thấy Lã Hiển Khanh nói gì. Rồi lão ngoảnh lại lắc đầu nói:

- Đôi mà ngài nhìn thấy, cùng lắm cũng chẳng qua là diệu phẩm thôi!

Câu này làm mọi người trong phòng, kể cả Bạch Kim Bảo đều ngẩn người ra. Lã Hiển Khanh toan hỏi rõ xem thế nào, chợt Kiều Lục Kiều chỉ tay về phía hòn non bộ trong sân, kêu luôn miệng:

- Nhìn, nhìn kìa, chỗ kia phải không?

Lão này tinh mắt, còn Ngưu Phượng Chương mắt nhắm mở đến mấy lần cũng chẳng nhìn thấy gì.
Chẳng bao lâu, trước sau một chút rồi mọi người đều nhìn thấy dưới chân hòn non bộ có hai đốm màu xanh như hai ngọn măng non vừa nhú trồi lên mặt đất. Măng non ở đâu ra giữa trời đông tháng giá này? Nhưng rõ ràng trên nền tuyết trắng, giữa những chấm hoa mai hồng, màu xanh lá cây ấy vừa non tươi mềm mại, vừa chói mắt, chướng mắt lại vừa thích mắt. Cái gì thế nhỉ? Không đợi lên tiếng cũng không đợi hỏi, hai chấm xanh ấy rung rinh, lắc lư, chuyển động, chẳng khác nào hai chiếc lá trôi trên mặt nước, đỡ lấy một người con gái quành qua góc hòn non bộ tiến đến rồi đứng sững như một cây trúc. Chiếc áo choàng màu xám, phủ kín thân cô trông như một bóng người bằng đá, đầu cúi thấp nhìn không rõ mặt. Cô nhẹ bước qua lại vài lần, hai chấm màu xanh thấp thoáng dưới gấu váy, bấy giờ mới biết là đôi giầy màu xanh, khiến ai nấy bất giác dồn cả mắt lại. Trời băng đất giá, mai hồng lưa thưa rụng, màu xanh lá cây này lập tức khiến cảnh vật khắp sân sống động hẳn lên.

Lã Hiển Khanh như mê, không nhận ra cách thức này ngụ ý gì. Kiều Lục Kiều vốn là tài tử, rất nhạy bén, chợt tỉnh ngộ kêu lên:

- Đây là cách vận dụng ngược câu thơ "một chấm hồng giữa vạn cây xanh" thành ra "một chấm xanh giữa vạn bụi hồng" đấy!

Câu nói này chuyển ánh mắt của mọi người lên trên bậc thềm.

Nhưng thoáng một cái chấm xanh lại biến mất, bóng người cũng biến mất, khoảng sân lập tức trở lại vắng vẻ, tuyết không còn sáng, mai cũng nhạt màu. Mọi người vẫn chưa định thần, càng không rõ cô gái ấy là ai, cả Bạch Kim Bảo cũng nhận không ra, thì chợt cửa buồng dẫy đằng Đông mở tung, người con gái mặc áo choàng bước ra, chính là Qua Hương Liền. Hai tay cô quặt ngửa về phía sau phảy một cái, áo choàng rơi xuống để lộ ra một kiểu trang điểm chưa có trên đời, cũng chưa có trong tranh. Lại nhìn đến phong độ, khí sắc, tư thế, thần thái, Hương Liên hôm nay nào phải cùng một người với Hương Liên thi chân hôm nào?

Bạch Kim Bảo giật nảy mình, tưởng đâu Hương Liên giở trò mượn một người khác thế chân.

Trước hết nói về cách ăn mặc. Bên trên là chiếc áo lụa màu nguyệt bạch mềm mại, góc bên phải vạt trước thêu một cành đào phai, dưới rậm trên thưa, lấm chấm lên đến tận vai; lúc men theo hai tay, chỉ còn là những cánh hoa rơi lả tả đến tận cổ tay. Chỉ riêng cành đào rậm thưa trên áo đã tượng trưng cho hai mùa, thật không gì tuyệt bằng. Cổ tay, cổ áo viền bằng đoạn màu tím hoa cà, trên đó thêu bướm các kiểu, toàn một màu ánh bạc. Bên dưới là chiếc váy lụa xếp nhiều nếp màu ngà trơn không hoa, các nếp gập đều chằn chặn như gấp quạt. Chiếc thắt lưng to màu thiên thanh ôm một vòng quanh lưng rồi buông lơi xuống, khác nào gió thổi bay một nhánh liễu đính trên eo. Sau nói đến cách trang điểm. Thoa phấn son mà như không thoa, vẽ lông mày mà như chẳng vẽ, mày tô nhạt đến mức như một thoáng mơ màng trên đôi mắt. Tóc càng như tiện tay quấn thành búi to như quả dưa bở trên đầu, bên ngoài lồng cái mạng tóc mầu đen, không hoa không hột, không vàng bạc, càng không có châu ngọc gì hết. Từ đầu đến chân, màu sắc không phai thì cũng nhạt, hết thảy sắc màu đều như tiêu tan trên người cô. Cái vẻ sơ sài, trễ nải, tự tại, phóng khoáng này vừa hay đối chọi và nổi bật trước cái vẻ điểm tô, chuyên chú, ăn thua và căng thẳng của Bạch Kim Bảo. Cái vẻ ấy cùng với ý không ganh đua với đời khiến người khác xem trọng. Trên đời này, nếu gắng sức thường nên để cho người khác găng, mình găng thì mệt mình mà lại tạo thuận lợi cho người khác. Hơn nữa, lúc này Qua Hương Liên nghiêng nghiêng khuôn mặt, mắt nhìn xuống, bảy phần thoải mái còn ba phần là thẹn thùng, thật khiến cho ai nấy mắt nhìn mà trong bụng như có con gì bò, cứ ngứa ngáy ngứa ngáy, muốn gãi mà không sao gãi được. Ai cũng muốn xem đôi chân xinh của cô, vậy mà đôi chân lại bị chiếc váy xếp nếp che kín. Cô đi nhẹ như lướt, một tay để chéo trước bụng, tay kia quặt ra sau lưng, mỗi bước đi lưng lại uốn lượn vừa trẻ trung vừa yêu kiều, chiếc váy xếp nếp cũng chuyển động theo, nhưng dù chuyển, dù động đến thế nào, mũi giầy cũng không hề lộ ra. Cô đi thẳng đến trước thềm thì đứng lại, đưa cánh tay đặt sau lưng về trước ngực, giơ lên và xòe ra, lòng bàn tay như có bông hoa màu đen đang nở, nhìn kĩ hóa ra quả cầu lông màu đen. Lục Đạt Phu dường như ngầm lĩnh hội được, kêu to lên:

- Hay quá! Chiêu này hẳn làm khối người chết đây!

Hương Liên tung quả cầu lên trên không, sau đó nhấc cao váy lên, dưới gấu váy như có con chim sẻ đỏ bay ra bắt lấy quả cầu kia. Quả cầu cũng như một sinh vật, chạm một cái là nhảy vọt lên. Mỗi khi quả cầu bay vọt lên, Hương Liên ngửa đầu để lộ chiếc cổ trắng ngần, mắt long lanh nhìn chăm chú quả cầu thần sắc khác hẳn lối nghiêng nghiêng ghé mắt vừa nãy. Quả cầu rơi xuống, lập tức con chim sẻ đỏ dưới gấu váy lại bay vút ra, không còn là cái vẻ đi đứng nhẹ nhàng lúc trước. Chỉ còn thấy chiếc váy lụa xếp nếp tung bay qua lại, quả cầu lông màu đen vút lên rơi xuống, hai con chim sẻ đỏ bên trái bên phải, con ra tổ con vào tổ, hết sức đẹp mắt. Thì ra quỉ thần cũng chẳng biết đôi giầy màu xanh lục khi nãy được thay bằng đôi giầy đỏ từ lúc nào, cho nên mọi người mới lầm. Không hiểu sao cô lại nghĩ ra được cách phối hợp váy áo trắng với đôi giầy đỏ, lại thêm quả cầu màu đen, trông thật sướng mắt.

Đôi giầy đỏ nhảy qua nhảy lại, nhìn không rõ, thấy không rành nhưng nhận ra được là rất xinh. Nhọn, xinh xắn, linh hoạt, mỗi bàn chân như đều có hồn. Chợt Hương Liên quá đà, đá quả cầu vọt khỏi cầu rơi về phía sau. Mọi người kêu ầm lên, tưởng sẽ rơi xuống đất. Bạch Kim Bảo sung sướng kêu ré lên: "Hỏng rồi!". Trái lại Hương Liên không hoang mang, chẳng vội vàng, cô xoay lưng, tà váy lụa vung tròn theo thế chim cắt chao mình, chân móc lên, đế giầy lật ngừa. Kiểu đá này gọi là "móc vàng treo ngược", dùng đế giầy đá cầu, quả cầu đen nhánh vọt lên khỏi đầu, rơi lại về đằng trước mặt, chân kia giơ ra, cho mọi người nhìn thỏa con mắt. Bàn chân thật nhỏ, thật mỏng, thật nhọn, thật xinh, chẳng khác nào một lát dưa thơm tho, nhưng món ăn ngon ấy chỉ có thể để cho mà ngắm nghía. Rồi Hương Liên khéo léo hất nhẹ chân, quả cầu tung lên rơi trở lại bàn tay, bàn chân nhỏ lại lấp trong tà váy lụa.

Hương Liên xinh đẹp đứng đó, mắt không nhìn ai mà thẹn thò nhìn xuống. Sau một hồi nhảy tới nhảy lui vừa nãy, lúc này ngực cô phập phồng thở nhẹ càng thêm yêu kiều khả ái.

Trong sảnh, ngoài sảnh, im lặng như tờ một lúc lâu, chợt ào lên những tiếng khen ngợi. Đám nghiền gót sen như say như cuồng, Sáu Kiều sướng quá hoa chân múa tay khiến người ta tưởng lão giả vờ bị ma ám để giở trò làm rộn. Lục Đạt Phu không cười, chỉ nghệt mặt ra. Ngưu Phượng Chương ánh mắt ngơ ngác, cứ như đổ dồn hai mắt lại nhìn, rồi con ngươi không trở được về chỗ cũ. Vẻ ngạo mạn của Hoa Lâm cũng giảm hẳn đi. Sau khi làm ồn ào một trận, Sáu Kiều lặng dần, thở dài nói:

- Thật là như thơ như họa, như ca như mộng, như rượu, như khói, khiến cho người ta như mê, như say, như ngơ ngẩn, chết cũng đáng. Chân nhỏ mà điệu nghệ đến mức này thì trên đời có thể chẳng cần gì nữa hết!

Đám nghiền gót sen nghe xong đều vô cùng cảm khái. Lã Hiển Khanh bảo Đồng Nhẫn An:

- Hôm qua bọn ông Sáu Kiều bàn về "Thiên Tân nhất tuyệt", có đưa cụ vào số đó, xin thú thật là tôi không phục. Hôm nay tôi dám nói rằng cụ không những là "Thiên Tân nhất tuyệt" mà còn là tuyệt đỉnh trong thiên hạ. Gót sen này xuất ngoại sang đất Tây dương, đảm bảo cũng tuyệt đỉnh. Chân của đàn bà Tây dương mà đọ thì cứ như là con thuyền tây!

- Cư sĩ, người nội địa các ông kiến thức có hạn thật. Ai lại gọi là thuyền tây, gọi là tầu máy chứ? - Lục Đạt Phu kêu lên.

Đồng Nhẫn An mặt mày hớn hở, gọi người dọn rượu, thức nhắm, lại gọi Qua Hương Liên, Bạch Kim Bảo và Đổng Thu Dung ra tiếp chuyện khách.

Nhưng khi nhìn đến, Bạch Kim Bảo đã không còn ở đấy nữa. Đào Nhi toan đi mời thì Đồng Nhẫn An ngăn lại bảo:

- Chắc là Thiệu Hoa trở về, thôi cứ kệ mợ ấy!

Nói rồi Đồng Nhẫn An đi tới nói cười cùng khách. Chẳng mấy chốc rượu thịt, món ăn, cơm, bánh, hoa quả lục tục bày lên. Lúc này là giữa đông, đúng lúc chén "tám món quý ở Thiên Tân". Cá bạc, cua bể tía, chim sẻ, tôm nõn, giá đỗ, hẹ vàng, củ cải non, quả áp lê, toàn những thứ chọn lựa kĩ càng, mua về pha chế tinh xảo. Bạc, vàng, tía, trắng, đỏ, hồng, biếc, xanh, đĩa gác lên đĩa, bát sát vào bát, la liệt đầy một bàn.
Rượu rót ra vừa mới uống, Lục Đạt Phu nảy ý hay đề nghị Hương Liên tháo một chiếc giầy đặt cách chỗ ngồi ba bước, mọi người ném đũa cho trúng vào giầy, bắt chước trò chơi "đầu hồ" (ném đũa vào trong bầu) ngày xưa. Ném trúng thì thắng ném chệch thi thua, phải phạt một cốc vại. Đám nghiền gót sen lập tức hưởng ứng, đều nói riêng ý hay này đã đáng giá ba trăm lạng bạc, chỉ sợ Hương Liên không hứng. Nhưng Hương Liên rất thoải mái, ưng liền. Khách khứa đổ dồn mắt lại nhìn nàng tháo giầy, chẳng ngờ Hương Liên nhếch mép cười mỉm, không vén gấu váy lên, chỉ đưa hai tay xuống như vớt mặt trăng đáy biển, lấy từ dưới gấu váy ra một chiếc hài xinh xinh mầu đỏ tươi bằng đoạn trơn, không thêu không hoa, đế hài bằng gỗ. đàn hương, mũi hài cong như lưỡi câu bằng đồng, kiểu rất lạ. Lã Hiển Khanh nói:

- Đế cong gót cao, mặt trước thẳng vát, mũi hài uốn lưỡi câu, giản dị xinh xắn, đó là hài phụ nữ kiểu xưa ở đất Yên, Triệu. Ngày nay rất ít thấy, cũng coi như đồ cổ. Phải chăng là đồ gia truyền của mợ Cả?

Hương Liên không đáp. Đồng Nhẫn An cưới hề hề hai tiếng, cũng không nói gì. U Phan đứng cạnh vừa chợt thấy, lập tức biến sắc mặt, những nếp nhăn trên mặt chảy xệ xuống, ngoắt người đi luôn, thoắt cái không thấy đâu nữa. Mọi người đang rối tinh, chẳng ai để ý đến mụ.

Chiếc hài nhỏ đặt trên đất, từng người một cầm đũa ném vào. Ai nấy chưa bị phạt đã say trước cả rồi, riêng Kiều Lục Kiều như mèo mù đụng trúng chuột chết, ném được một lần. Ngưu Phượng Chương hai lần đều trượt, bị phạt hai cốc rượu. Đồng Nhẫn An một chiếc đũa ném chưa tới, một chiếc khác trúng cái ống nhổ bằng đồng đặt ở xa, bị phạt hai cốc. Lã Hiển Khanh ngắm chiếc hài từ xa như người mất hồn, tay run run cầm đũa không chắc, liền tình nguyện chịu phạt hai chén mặc dù chưa ném. Qua mấy lượt, đũa rơi đầy nhà, chiếc hài nhỏ cô đơn đặt ở giữa.

Đồng Nhẫn An nói:

- Chơi cách này khó quá, tay ai cũng đều không sai khiến nổi, chẳng mấy chốc bị phạt mà say, mất cả hứng thú. Ông Tư Lục ơi, đổi cách chơi khác được không?

Lục Đạt Phu lập tức nghĩ ra cách khác. Ai nấy đã là dân ghiền gót sen, vậy thì mỗi người đều phải nêu được những nét đẹp công phu của gót sen, không nói được mới bị phạt. Đám khách khen cách chơi này hay, vừa phong nhã vừa tăng thêm kiến thức, thế là ồn lên bảo Ngưu Phượng Chương nói trước.

- Sao thế? Tưởng mỗ đây kiến thức không bằng các ông hẳn? - Ngưu Phượng Chương đứng dậy, mở miệng nói luôn:- Mập, mềm, xinh!

Kiều Lực Kiều hỏi:

- Hết chưa?

- Lại còn chưa à? Đến lượt ông đó!

- Ba chữ ranh đã định qua cửa ải? Không qua được đâu nhé, phạt rượu!

- Ô ba chữ của tôi có sách hẳn hoi đấy. Mập, mềm, xinh là "kim liên tam quý", câu của Lạp ông Lí Ngư. Ông cứ hỏi cụ Đồng xem có đúng không. Học vấn nông sâu đâu ở số chữ nhiều hay ít, nếu không ông dẫn nhiều chữ ra xem nào!

- Được lắm, ông cứ giỏng tai lên, còn miệng thì đếm theo. Trước hết xin nói "kim liên nhị thập mĩ" gồm hai mươi chữ, là "gày nhỏ thơm mềm nhọn, nhẹ khéo ngay nếp cong, cứng gấp thon phẳng ấm, vững gọn đẹp đều khô". Còn số chữ nhiều hơn nữa là "hương liên tam thập lục phẩm" gồm ba mươi sáu chữ, là bằng, ngay, tròn, thẳng, quanh, hẹp, thon nhọn, vững xứng, nhẹ mỏng, an nhàn, đẹp đẽ, xinh xắn, gầy yếu, mập láng, đẹp, chỉnh, mềm, mạnh, văn, vũ, thoáng nhã, siêu dật, tinh khiết, khéo léo. Đấy đều là chữ trong sách, không kể được là giỏi giang. Bây giờ mới nói cho ông nghe. Sáu Kiều tôi đây tự sáng tạo ra, gọi là "kim liên nhị thập tứ cách". Hai mươi bốn cách này chia thành bốn loại, là hình, chất, dáng, thần, mỗi loại sáu chữ, bốn lần sáu vừa tròn hai mươi bốn. Hình gồm thon, nhọn, ngắn, mập, cong, xứng; chất gồm nhẹ, đều, sạch, láng, mỏng, thơm; dáng gồm xinh, khéo, đẹp, nhanh, vững, thanh; thần gồm nhàn, nhã, siêu, văn, vận, đạm.

Lã Hiển Khanh nói:

- Có kiến thức đấy, nhất là sáu chữ thuộc loại thần. Nếu hôm nay không được thấy chân mợ Cả, e rằng có lấy hết sức từ khi bú mớm ra vị tất đã hiểu. Nhưng trong mấy chữ đó, duy chữ "đạm" còn cảm thấy lơ mơ thế nào ấy.

Kiều Lục Kiều bảo:

- Lơ mơ gì đâu nào! Cái đoạn mợ Cả ở đằng sau hòn non bộ vừa nãy, ông còn chưa nhận ra vị "đạm"' à? Đạm nhã, đạm viễn, đạm bạc, đạm mạc, sơ đạm, thanh đạm, khoáng đạm, đạm đạm, như thế chẳng phải vận dụng chữ "đạm" đến tuyệt đỉnh rồi sao?

Ông khách Sơn Tây nghe đến phát ngây, vòng tay giơ lên nói:

- Ông Sáu Kiều quả không thẹn là bậc tài tử lớn ở vệ Thiên Tân, mở miệng ra là đến đầu đến đũa. Được lắm, tôi đây cũng xin góp một chút, ấy là "kim liên tứ cảnh", không biết cụ Đồng đã nghe thấy bao giờ chưa? - Lã Hiển Khanh né tránh tay Sáu Kiều bụng đầy chữ nghĩa, quay qua hỏi Đồng Nhẫn An. Lão vẫn chưa quên đối thủ già đời này.

- Cứ nói coi, tôi nghe đây! - Đồng Nhẫn An đáp.

- Bó chân, rửa chân, tạo giầy, thử giầy. Bốn cảnh ấy thế nào? Ha ha! Lã Hiển Khanh ngoác miệng cười để lộ hàm răng vàng khè.

Mấy người có mặt thấy lão ra tay chẳng cao siêu gì nên chẳng ai đón lời. Chỉ riêng tay làm tranh giả Ngưu Phòng Chương gật đầu lia lịa nói:

- Khớ đấy, khớ đấy!

Đồng Nhẫn An chẳng thèm cười đãi bôi lấy một cái mà liếc nhìn Hương Liên. Hương Liên cũng tỏ vẻ không coi ông khách Sơn Tây ra gì. Hoa Lâm thì ngước mắt mãi lên, chẳng còn tròng đen, càng coi thường hơn nữa. Ngưu Phượng Chương thấy vậy, chọc chơi lão:

- Ông Bảy Hoa ơi, đừng tốn sức suy nghĩ nửa. Hãy nói cái gì tuyệt đỉnh làm ù tai chúng tôi xem nào!

Hoa Lâm cười ruồi, liếc mắt nói:

- Gót sen tuyệt đỉnh chỉ gồm một chữ thôi, ấy là "không"!

Đám nghiền gót sen nghe xong mắt lớn ngó mắt nhỏ, không biết bình luận câu ấy đúng sai ra sao. Ngưu Phượng Chương nhổ phắt miếng xương chim đang nhai trong mồm xuống đất, xua tay nói:

- Không hiểu, không thể hiểu được! Ông chuyên đem những gì người khác không hiểu được ra dọa người. Không có một vật gì cả mà là gót sen ư? Không cả chân nữa sao? Đáng phạt, phạt đi!

Không ngờ Hương Liên chợt lên tiếng:

- Tôi rất thích cái chữ "không" này!

Nghe xong, đám nghiền gót sen càng nghệt mặt ra. Thật khó hiểu, cố gắng hiểu mà không hiểu, không cách gì hiểu nổi. Đồng Nhẫn An ngồi đó cũng ngẩn người cũng như trong chữ ấy ẩn dấu một tri thức nào đó cực sâu sắc chẳng ai dám lên tiếng nhận là hiểu.

Lục Đạt Phu cười ha hả:

- Tôi thì lại chẳng "không", những điều nói ra đều có cả, gọi là "Kim liên tam thượng tam trung tam hạ tam để". Các ông nghe cho kĩ nhé. Tam thượng là trên bàn tay, trên vai, trên bàn đu; tam trung là trong lúc say, trong khi ngủ, trong tuyết; tam hạ là dưới rèm, dưới bình phong, dưới giậu; tam để là đáy xiêm, đáy chăn, đáy thân...

Kiều Lục Kiều ẩy vai Lục Đạt Phu một cái, cười hì hì nói:

- Ông Tư Lục ơi, ông bịp ai chứ bịp không nổi tôi đâu. Ba cái tam trên - tam thượng, tam trung, tam hạ ấy mà, là lời của Phương Huyến, cớ sách để kiểm tra. Còn cái "tam để" cuối cùng nhất định là ông thêm vào. Vì sao? Vì ngài Tư Lục xưa nay toàn ăn mặn, có ăn chay bao giờ đâu!

Lục Đạt Phu cười như điên, cười đến nỗi đầu lão ngật ngửa về đằng sau lưng ghế. Đến lượt Đồng Nhẫn An. Vốn dĩ lão đã định nói, không hiểu tại sao lại không nói được. Việc xong rồi mới biết thì ra lão bị chữ "không" của Hoa Lâm đè dí xuống, đấy là câu chuyện về sau. Lúc ấy Đồng Nhẫn An chỉ nói:

- Tôi chẳng nghĩ ra gì để nói cả xin chịu phạt!

Lão ngửa cổ dốc tuột cốc rượu để trước mặt vào bụng, rồi nói:

- Nên đổi trò chơi khác cho hứng thú được nhiều vẻ.

Đám khách biết Đồng Nhẫn An thừa tri thức về gót sen, không khi nào chịu bí, chỉ cho là lão không muốn nói nhăng cuội tầm phào nên không ai ép lão. Kiều Lục Kiều nói:

- Thôi lại để Sáu Kiều tôi ra một bài từ vậy. Chúng ta chơi trò tửu lệnh, được không? Phép chơi là ai nấy đều phải xoay quanh gót sen mà nói, không được nói sang cái khác. Ta mượn điệu Giang Nam đẹp, đổi tên thành Kim liên đẹp, mỗi người một khúc, cao thấp không tính, hiệp vần đúng bằng trắc là được. Thế này nhé, trước hết bắt đầu từ tôi rồi truyền vòng theo bàn về phía trái, hết người này đến người khác, ai không nói được thì bị phạt.

Thế là hứng thú lại bốc lên đầu đám nghiền gót sen, ai nấy đều khen chủ ý ấy của Kiểu Lục Kiều càng hay, câng phong nhã, càng tận hứng hơn nữa. Ngưu Phượng Chương vội vàng gắp mấy miếng thịt trong lẩu bỏ vào miệng để lót dạ, kẻo lúc bị phạt không cầm cự được với rượu.

Kiều Lục Kiều quả là bậc tài tử, mở miệng ra là thành câu:

Kim liên đẹp,
Gấu xiêm rỡn xuân phong,
Thước vàng đem đo vừa ba tấc,
Yểu điệu thon thon đi trong tuyết,
Thong thả thử hài hồng.

- Hay! Hay lắm!

Đám khách cùng lên tiếng khen ngợi. Kiều Lục Kiều búng "tách" một cái vào đầu Ngưu Phượng Chương bảo:

- Đừng tọng nữa, đến lượt ông rồi!

- Tôi học theo cụ Đồng lúc nãy, uống một cốc rượu phạt là xong, - Ngưu Phượng Chương đáp.

- Không được! ông bì sao được với cụ Đồng? Cụ Đồng là bậc đệ nhất tuyệt ở Thiên Tân. Loại ngưu mã như ông đâu có thiếu. ông muốn chịu phạt thì phải uống cả bầu! - Kiều Lục Kiều nói.

Mọi người cùng ồ lên:

- Phải đấy!

Ngưu Phượng Chương bị ép buộc dồn nén đến nỗi cứ bẹo tai vặt má, rồi đột nhiên không ngờ lão bật ra được mấy câu:

Kim liên đẹp,
ấy là chân mợ Cả,
Cầu đá tám trượng ngước trông theo
Ai còn bảo chân ấy không đẹp,
Đáng uống nước đái mèo!

Lão vừa nói dứt, khách khứa bò ra cười như điên, cười đến nỗi ôm lấy bụng, chảy nước mắt, gập người về trước, ngả người ra sau làm đổ ghế. Hoa Lâm cười phun bắn cả một ngụm nước chè.

- Chớ có đánh giá là thiếu hơi văn, câu của ông Năm Ngưu làm mợ Cả vui lắm đấy. -Lã Hiển Khanh nói.

Câu nói đó khiến Hương Liên che miệng cười khanh khách, cười đến nỗi phát ho lên.

Ngưu Phượng Chương đắc ý khác thường, một tay nắm lấy Lục Đạt Phu đang gặm càng cua kéo đứng lên, bắt Lục phải nói ngay, không được đánh trống lảng kéo dài thời gian, một tay vớ lấy hồ rượu chuẩn bị phạt.

Ai ngờ Lục Đạt Phu hình như không cần nghĩ ngợi, chỉ mở miệng là nói luôn:

Kim liên đẹp
Đêm xuống mới mê hồn.
Nhô khỏi nước hai cánh sen non,
Đôi chân ngọc không hề nhiễm bụi,
Cảng nhỏ càng thỏa lòng

Hương Liên nghe xong xấu hổ quá phải quay mặt đi. Kiều Lục Kiều nói:

- Bất nhã, bất nhã quá! Phải phạt, phải phạt!

Cả đám khách xúm lại đổ rượu cho Lục Đạt Phu. Lão này luôn mồm kêu oan :

- Thế mới gọi là nhã tục cùng thưởng thức chứ! Nhã không trở ngại đến tục, tục không tổn thương đến nhã. Mấy câu này tôi dám đưa lên báo đấy! - Lục Đạt Phu gạt tay mọi người ra, vừa cười vừa bịt mồm không để cho phạt.

Kiểu Lục Kiều cứ bắt phạt cho bằng được. Lúc này, ai nấy vừa đùa vừa uống, rượu từ bụng bốc lên đầu, cả đám đều muốn nô rỡn. Lục Đạt Phu bỗng đứng dậy nói lớn:

- Muốn tôi uống cũng không khó, chỉ một điều kiện, bằng lòng thì bắt uống mấy cũng xong!

- Thế nào, cứ nói coi? - Kiều Lục Kiều bảo lão mà như gào với lão.

- Xin mợ Cả cho tôi mượn chiếc hài dùng để chơi "đầu hồ" lúc nãy. Lục Đạt Phu chìa tay về phía Hương Liên.

Hương Liên cởi hài đưa cho lão, không hiểu lão sẽ dùng để làm gì. Chợt thấy Lục đặt cốc rượu vào trong hài, cốc thì to, hài thì nhỏ, cố mãi mới nhét vào được Lục cười lớn vừa kêu to:

- Tôi cầm thế này mà uống đây!

- Thế không phải là bậy à? - Ngưu Phượng Chương hỏi, rồi ngoảnh mặt nhìn Đồng Nhan An.

Đồng Nhẫn An không lấy thế làm điều, trái lại vui vẻ nói:

- Người xưa cũng làm như thế, gọi là "thuyền hái sen', truyền rượu cho nhau uống bằng cốc đựng trong hài, như thế mới thật tận hứng?

- Câu này vừa nói ra, đám nghiền gót sen không còn ai muốn chơi trò tửu lệnh nửa, chỉ đòi được phạt. Họ mắng mỏ Lục Đạt Phu là kẻ gian xảo bậc nhất, mọi việc trên đời đúng là "sợ với người nhỏ mật, vui với kẻ to gan", càng lếu láo càng chẳng việc gì, càng cẩn thận lại càng sinh chuyện. Trong lục phủ ngũ tạng, chỉ cái mật là hữu dụng nhất. Thế là cả đám giật lấy cái cốc để trong hài từ tay Lục Đạt Phu, ai nấy truyền cho nhau, giật của nhau, tranh giành nhau, giữ chặt lấy, rồi lại giữ chặt lấy, tranh giành nhau, giật của nhau, đoạt của nhau, đổ đầy rượu mà uống, kẻ bảo là ngon, kẻ nói là say, kẻ nói không say, còn uống nữa. Kiều Lục Kiều giật lấy chiếc hài bưng lên miệng uống. Khi buông hai tay ra, chiếc hài không biết rơi đâu mất, ai nấy nhìn xuống đất, tìm trên đất. Bỗng Lục Đạt Phu chỉ tay vào Sáu Kiều cười lớn. Thì ra chiếc hài đeo trên miệng lão, răng lão cắn lấy mũi hài như cắn lấy một quả ớt thật to, đỏ chót.



[1]Urumxi: tên một miền ở Tân Cương, nơi tập trung người bị lao động cải tạo trong cách mạng văn hóa.
[2]Chữ lã gồm hai chữ khẩu chồng lên nhau.