© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.4.2005
Phùng Ký́ Tài
Gót sen ba tấc
Tiểu thuyết (10 kỳ)
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Hồi thứ chín
Người thực sự tài không lộ mặt

Con người bé nhỏ méo mó vẹo vọ đó đội mũ quả dưa hai lần vải có hai tai may bằng lông thỏ đã cũ, trông chẳng khác nào hai con chuột chết đeo hai bên má, nách kẹp một bọc dài dài bằng vải. Rét căm căm làm hắn so vai rụt cổ, co ro tay chân, chốc chốc lạt lấy tay áo quệt nước mũi. Chân hắn líu ríu nhưng đi rất nhanh, cứ như có con chó dữ đuổi đằng sau. Hắn quay người chạy tọt vào đám nhà bên con sông đào ở trong cửa Nam môn, ngoặt ba lán về phía tay trái, ngoặt hai lấn về tay phải rồi đi xuyên chéo vào một ngõ nhỏ. Người vẹo vọ đi đường đường ngay thì thành vẹo, đường vẹo lại thành ngay, cho nên con người vẹo vọ đó vào đến cái ngõ xiên xẹo này thấy thẳng thớm hẳn lên. Hắn dừng lại trước một cảnh cửa gỗ đã hư nát gõ ba tiếng gấp, một tiếng khoan, ba lần như thế, cửa liền mở ra. Người mở cửa là Ngưu Phượng Chương. Thấy hắn, lão nói:

- Ô, Hoạt Thụ đấy à! Sao bây giờ mày mới đến, tao tưởng mày lộn cổ xuống sông đào rồi kia! Cụ Ba Đằng chờ mày đến nửa ngày rồi đấy!

Hoạt Thụ thở hào hển, cổ họng khẽ rít lên, miệng mở ra mà chẳng thốt nên lời. Ngưu Phượng Chương bảo:

- Đừng đứng đây mà thở mãi thế, cẩn thận kẻo người ta lại trông thấy.

Nói rồi lão dẫn Hoạt Thụ vào nhà. Trong nhà, trên bếp lò đặt một chảo gang lớn đang hấp tranh. Hơi nước bốc lên khiến Ngưu Phượng Chương mặt mũi đỏ bừng, cứ y như món sỏ bò ở hàng lão Trương Quan Nhi dưới lầu treo trống vậy. Bên chiếc bàn bát tiên có một người beo béo đang ngồi, thoạt trông biết ngay là được ăn uống tốt. Mắt, miệng, ngón tay, móng tay, chỗ nào cũng vừa múp míp vừa bóng nhẫy. ăn mặc cũng lịch sự, giải dây tơ buộc túi đựng điếu hít thêu hoa ở thắt lưng bỏ thõng, trên bàn đặt cải điếu hít chạm hoa màu lam to tướng, nắp ngọc viền vàng, lại một cái đĩa đựng thuốc lá bằng sứ, trên đã có nhúm thuốc lá để ngửi. Hoạt Thụ hé mắt nhìn thấy ngay cái đã ấy làm bằng mảnh sứ đời Tống, không phải đồ tốt.
Ông Ba Đằng thấy Hoạt Thụ, tỏ vẻ không bằng lòng. Hoạt Thụ mồm miệng ngọng nghịu nhưng nói cứ liến thoắng:

- Cửa hên (hiệu) có quây (quy) định, thớ (thật) giả không được nó (nói). Bi (bây) giờ mí nó thớ (mới nói thật), mí (mấy) lần mua trước đều là đồ giả... - Nói đến đây hắn nổi hen, vừa thở vừa nói tiếp. - ông chẳng oán ấy (ai) được, thớ (thật) giả phải do mớ (mắt) mình, hễ giao tiền đem hàng ra khỏi cớ (cửa), dù có mất đầu cũng đành phải chịu. Hôm nay nể mí (mặt) ông Năm Ngưu, ông bỏ hây (hai) trăm lạng nữa ra đây, cầm cuộn tranh này về, bảo đảm hàng loại một...

Nói rồi hắn mở bọc vải, lại giở cuộn tranh ra, chính là bức tranh của Trương Thạch Đào vẽ mà hiệu Dưỡng Cổ Trai mua vào cách đây hai năm.

Hai con mắt ông Ba Đằng cứ ngó xuôi ngó ngược mãi trên bức tranh, chỉ sợ lại mua phải của giả. Ông ta bèn liếc Ngưu Phượng Chương, ra ý nài lão đoán định giúp thật giả. Ngưu Phượng Chương chỉ thạo làm tranh giả, không hiểu biết mấy về tranh thật nên hỏi lại Hoạt Thụ:

- Bức này quả cụ Đồng bảo là thật à? Thôi đừng hại ông Ba Đằng nữa đi! Ông Ba có tiền nhưng không thể cứ làm kẻ bị bịp mãi. Từ khi ông khách Sơn Tây Lã Hiển Khanh giới thiệu ông Ba đến cửa hiệu nhà mày mua đồ cổ đem về đưa cho người trong nghề xem, ai thoạt thấy cũng lắc đầu. Như thế chẳng phải cố ý làm người ta khuynh gia bại sản là gì? Hoạt Thụ này, tục ngữ có câu "hại người một lần, hao mười tuổi thọ" đấy!

- Coi ông nó (nói) kìa... Nếu là giả, đã, chẳng bá (bán) từ lâu rồi sao? Bức này cất ở trong co (kho), tôi coi dứ (giữ) nó vừa đúng hây (hai) năm rưỡi rồi...

- Mày lấy trộm bức tranh ấy đem đến đây, không sợ cụ Đồng nhà mày biết à? - ông Ba Đằng hỏi.

- Việc ấy thu xếp dế (dễ) lắm... Tôi nghĩ kĩ rồi, nhờ ông Năm làm bí (bức) tranh giả, thay vào chỗ tranh thớ (thật) này...

Ngưu Phượng Chương cười nhạt:

- Tính toán dễ nghe nhỉ! Tiền hai ông con nhà mày đút túi, vạ thì vạ mình tao. Đã ai thoát khỏi hai con mắt cụ Đồng? Ông ấy không những thấy ngay là giả mà còn biết do tao làm giả nữa kia! - Lão xua tay. - Lớn bé ba đời nhà tao đều sống nhờ cậy vào tao, mày chớ có hại xong ông Ba Đằng quay lại hại tao nữa!

- Việc ấy dế (dễ) lắm! Tôi có... cá (cách)... - Mặt Hoạt Thụ ánh lên vẻ tươi cười.

- Cách gì? - Ngưu Phượng Chương vội hỏi. Lão nhìn chằm chằm vào mắt Hoạt Thụ, nhưng không cách nào thấy được hai con ngươi của hắn.

Hoạt Thụ không đáp. Ngưu Phượng Chương chỉ vào Ba Đằng bảo hắn:

- Người ta mất tiền, mày phải cho người ta biết rõ ràng, ví dù có chết cũng khỏi chết oan chứ!

Hoạt Thụ ngẩn ra giây lát, vẫn chỉ đáp:

- Công việc của nghề đồ cổ, có nói (nói) chưa chắc ông ấy đã hiểu. Chẳng biết cửa hiệu nhà họ Đồng có hại khách hàng hay không, còn Hoạt Thụ này bảo đảm không hại ông Ba Đằng là được rồi...

Nghe nói Ngưu Phượng Chương biết hắn muốn giấu Ba Đằng điều gì đó, bèn chuyển câu chuyện:

- Bức tranh này muốn làm giả, ít nhất cũng phải để ở chỗ tôi cả tháng, nếu cậu chủ tìm không thấy ở nhà, lại chẳng hỏng việc hay sao?

Hoại Thụ lại cười, đôi mắt nhỏ không còn trông thấy đâu nữa:

- Cậu chủ đâu cò lò (còn lòng) dạ nào trông nom đến tranh nữa.

- Làm sao? - Ba Đằng là người ngoài, không biết chuyện.

- Cụ cứ hỏi ông Năm Ngưu, ông ấy biết hế (hết) chuyện nhà họ Đồng. Từ cái bữa thi chân ngày hội hoa đăng ấy, mợ Cả được nước, mợ Hai hế thờ (hết thời). Nhà họ Đồng bi (bây) giờ là thiên hạ của mợ Cả. Chẳng những bọn hầu gái đổ xô về phòng mợ Cả mà cả cụ Đồng cũng chạy đến phòng mớ Cả nữa cơ, hì hì... Cậu Hai không được thơm lây, chân bế (bết) những cứ (cứt). Vợ chồng cậu Hai mợ Hai ngày nào cũng cá (cãi) nhau, nắm tó (tóc) nhau, đánh gỡ (gấy) cả răng nhau...

- Nghe cư sĩ họ Lã nói, mợ Cả nhà ấy vốn là con gái nhà nghèo, vậy mà đảm đương được một nhà đại gia như vậy sao? - Ba Đằng hỏi.

Ngưu Phượng Chương đáp:

- Ông Ba nói như thế e chưa ổn. Tài năng con người có chia theo giàu nghèo đâu? Theo tôi, cái cô nàng ấy nếu là nam giới; có thể làm tới quan đại thần Bắc dương ấy chứ! Vả lại... còn có cụ Đồng nâng đỡ cho nữa chứ, ai dám không vâng lời, không phục?

- Chuyện nhà họ Đồng kì quặc thật, chỉ nhờ đôi chân mà cũng xưng vương được! Ba Đằng nghe đang say sưa, luôn tay đưa thuốc lá lên mũi ngửi.

Ngưu Phượng Chương cười:

- Ông đã biết gì về chuyện đôi chân bó? Nếu ông muốn mở rộng tầm mắt, hôm nào đó tôi sẽ dẫn ông đi xem sự đời. Đôi chân bó ấy thật là tuyệt thế vô song, cứ nhọn như mũi thương của Thường Sơn Triệu Tử Long ấy chứ lị! À mà này, cái hôm cư sĩ họ Lã lần đầu tiên đưa ông đến Thiên Tân, câu chuyện bọn chúng nói với nhau ở nhà hàng Nghĩa Hợp Thăng, ông chẳng đã nghe cả rồi còn gì? Cư sĩ họ Lã cũng phục lăn, thừa nhận chân bó nhà họ Đồng là Thiên Tân nhất tuyệt đấy!

Ai ngờ Ba Đằng vừa nghe đã giẩu mồm ra, lé mắt nói:

- Ông cư sĩ họ Lã phục từ trong lòng ra tới ngoài miệng, chứ tôi không khi nào như thế cả. Nói thật với ông nhá, cư sĩ họ Lã mà bàn về đôi chân bó với tôi ấy à, tôi như ở trong nhà, còn ông ấy ở ngoài cửa. Nếu không thế thì dù cái hôm thi chân ấy, các ông có mời, tôi cũng chẳng đi. Tôi dám nói, tôi đánh đổ được mợ Cả nhà các ông đấy!

- Sao! ông á? Chân của ông to bằng hòn gạch, bằng cả con vịt, cả cái thuyền! Thôi đừng đem thân ra làm trò cười nửa.- Ngưu Phượng Chương ngoác miệng cười lớn.

- Ai đùa với ông? Tôi nói thật đấy! Hôm nay ông hẹn trước với nhà họ Đồng, ngày mai tôi đưa con gái tôi đến! - Ba Đằng nghiêm mặt nói.

- Sao, sao, con gái ông à? ở đâu đấy? Sao tôi chẳng nghe nói?

- Cháu ở nhà trọ, tôi đưa cháu đến Thiên Tân chơi mà! Ông cứ lên Kinh hỏi thăm xem, hai tấc hai nhé! Ở Kinh, con gái tôi đứng thứ nhất đấy!

- Hai tấc hai, là kích thước của bàn chân? Bằng chứng nào? - Ngưu Phượng Chương tròn xoe mắt.

Ba Đằng lấy ngón tay chọc đổ cái điếu hít, đáp:

- Bằng chừng này này? Chân mợ Cả nhà các ông đọ được chăng?

- Ái chà chà! Trong thiên hạ lại còn có bàn chân bằng chừng ấy? Chưa từng nghe nói bao giờ. Lát nữa tôi phải xin xem trước mới được. Hay dở gì tôi cũng kể được là dân nghiền gót sen. Ông muốn tôi mở rộng tầm rnắt, tôi cũng muốn ông được như vậy. Tôi có trữ được một vài đồ cổ thật đây!

Ngưu Phượng Chương nói xong đứng dậy mở tủ, lấy ra một tấm gương bằng đồng có chạm thú biển, chim lành và nho, một lò hương bằng gốm đen, một cái nghiên mực Hấp Khê hình quả bầu, nửa bộ tượng bát tiên bằng ngọc, chỉ còn lại có bốn vị tiên là Lã Động Tân, Lâm Thái Hòa, Hán Chung Li và Tào Quốc Cữu, cùng một kiểu chân trổ, người nào cũng mặt mày tay chân quần áo sinh động như thật. Ông Ba Đằng vừa trông thấy đã hoa cả mắt, mừng rỡ cứ xát hai lòng bàn tay vào với nhau. Hoạt Thụ đứng bên cạnh không lên tiếng nhưng thấy ngay trong mấy thứ đó chỉ có tấm gương đồng là gương đời Đường, còn lò với nghiên đều là của dỏm. Bốn vị tiên bằng ngọc kia cũng chỉ là thứ đồ chơi, không gọi được là cổ. Rồi hắn nói:

- Ông Ba ạ, nếu thớ (thật) ông đưa ra được đôi chân hây (hai) tấc hây (hai), chèn được mợ Cả nhà chúng tôi xớ (xuống), tôi đảm bảo cậu chủ tôi thế nào cũng biếu ông cái đỉ (đỉnh) nhà Chu để tạ ơn.
- Việc ấy dễ ợt. Mày về nói trước đi, ngày mai tao sẽ đến tận nhà bái kiến. - Ba Đằng nói.

Hoạt Thụ mừng rỡ đứng dậy cáo từ. Ngưu Phượng Chương đưa chân hắn ra ngoài cửa, khép cửa lại, hỏi:

- Vừa nãy chú em bảo có cách gì? Làm tranh giả loại ấy tớ ngán lắm, sợ không giống, cố lắm cũng chỉ giống được năm phần... Mà chớ có nói năm phần, chỉ ba phần thôi cũng khá lắm rồi!

Hoạt Thụ đến sát bên, nhón gót đứng bằng mấy đầu ngón chân, miệng chõ vào cái tai to như tai voi của Ngưu Phượng Chương thì thào một hồi, khiến miệng lão chành ra như muốn rách, kinh ngạc thốt lên:

Tay nghề của chú em còn giỏi hơn cả tớ!

Lão ngơ ngẩn ngắm Hoạt Thụ, bộ dạng lão chẳng biết giống người gặp ma hay gặp thần. Lão không hiểu cái thằng dở sống dở chết này làm sao lại biết được tuyệt kĩ làm tranh giả. Thế mới gọi là người thực sự tài không lộ mặt. Quả là người tài thực sự không lộ mặt. Hoạt Thụ nói:

- Sau này chá (cháu) với ông cùng cộ (cộng) tác, ông chỉ biết làm giả thôi hay sao? Kiểu cháu làm là nửa giả nửa thớ (thật), có thớ (thật) có giả, muốn nhợ (nhận) cũng nhợ (nhận) chẳng ra.

- Tuyệt thì tuyệt thật đấy, nhưng trống ngực tớ cứ đánh thình thình, tớ sợ cụ Đồng lắm!

- Sợ gì cụ ấy! Cụ Đồng đặt hết tâm trí vào chân bó, chẳng còn ai ngó ngà (ngàng) đến cửa hêu (hiệu). ông thử gẩy bàn tí (tính) mà xem, chỉ một tờ tranh kiểu này ăn đứt tra (trăm) tờ của ông trước kia chứ chẳng chơi...

Đôi mắt như mắt trâu của Ngưu Phượng Chương lóe sáng. Lão đã có gan làm, chỉ dặn:

- Đến lúc ấy chú mày chớ có cắn lại tao đấy nhé! - Lão lại thỉ thào. - Chú em phải để ý, cái tranh to như thế này mang ra mang vào dễ gây chú ý lắm đấy!

Khuôn mặt nhỏ vừa bệch vừa méo vừa bóng vừa lạnh của Hoạt Thụ nở một nụ cười khinh thường. Hắn không tiếp lời, chỉ nói:

- Ông để mắt đến ông Ba Đằng nhé! Ngày mai thế nà (nào) cũng bảo ông ấy đưa con gái đến. Chỉ cần đôi chân hây tấc ấy đè bẹ (bẹp) được mợ Cả, thì nhà họ Đồng lại lộn tùng phèo lần nửa, ông có dọn cả cửa hếu (hiệu) về đây cũng chẳng ai ngó ngà (ngàng) đến đâu...

Ngưu Phượng Chương dựng đứng hai mắt lên, thì thào:

- Còn cái việc làm tranh giả để tráo tranh thật ấy, tớ vẫn chưa nắm thật vững đâu đấy!

Nhưng Hoạt Thụ đã quay lưng đi rồi.


Hồi thứ mười
Bạch Kim Bảo tam chiến Qua Hương Liên

Mấy mợ nàng dâu sửa soạn từ đầu đến chân xong xuôi, đang đợi ông Ba Đằng dẫn con gái đến chơi. Nói đến chơi là nói cho dễ nghe thực ra là đến đấu với nhau.

Bạch Kim Bảo hôm nay rất phấn khởi, người nhẹ nhõm hẳn. Cô ta biết tiểu thư nhà họ Đằng đến không có hại gì cho mình, ngược lại là giúp cho mình. Cô ta thấy mình chẳng cần gắng hết sức, chỉ coi như một màn trò hay mà thôi. Cô ngoảnh mật ghé vào mợ ba Nhĩ Nhã Quyên đang ngồi bên cạnh bảo:

- Nghe nói bàn chân cô bé ấy nhiều nhất mới có hai tấc hai. Mình chẳng tin. Nếu quả thật như thế thì chân nhà họ Đồng chúng ta vứt đi đâu? Có đúng không?

Tiếng cô ta không to cũng chẳng nhỏ, vừa đủ để cho Qua Hương Liên ngồi phía bên kia nghe thấy. Nhĩ Nhã Quyên cụp mắt xuống ngó Qua Hương Liên, không dám lên tiếng. Hương Liên mặt cứ tỉnh khô khiến người khác không có cách gì biết được cô có vững vàng trước cuộc chiến hôm nay hay không, thắng bại như thế nào.

Nhĩ Nhã Quyên hôm kia mới từ miền Nam trở về. Vốn định cùng cậu Ba Triệu Phú về sớm rồi ăn Tết, nào ngờ lúc sắp lên đường, cậu Ba bị con rùa đồng từ trên giá rơi xuống đập gẫy xương mu bàn chân nên không chuyển dịch được lấy một bước. Nhĩ Nhã Quyên đành nhờ một bà thím họ xa làm bạn cùng về Thiên Tân thăm nhà chồng, thăm người quen, vả cũng muốn thăm người chị dâu chồng chưa hề gặp mặt là Qua Hương Liên. Lâu nay có nghe nói đôi chân chị dâu đẹp hơn cả đôi chân bà mẹ chồng khi trước. Tai nghe không bằng mắt thấy, thâm tâm cô còn muốn thử so đọ xem thế nào. Về đến nhà, Bạch Kim Bảo liền kéo luôn cô vào phòng mình kể lể nọ kia, trước hết kể Qua Hương Liên ở nhà một tay che kín trời như thế nào, sau đó xúi Nhĩ Nhã Quyên thi chân cùng Hương Liên.

Gót sen Dương Châu cũng nổi tiếng trong thiên hạ, Nhĩ Nhã Quyên lại là người vừa mắt Đồng Nhan An khi ông đến Dương Châu mua thiếp viết chữ, cho nên càng là "vạn người chọn được một". Lệ cũ ở Dương Châu cũng rất nổi tiếng, người tài giỏi đều kiêu ngạo, lại thêrn bị Bạch Kim Bạo nói khích, nỗi kiêu ngầm trong lòng nhĩ Nhã Quyên lộ hẳn ra mặt. Cô lập tức xỏ chân vào đôi giầy bằng đồng trắng để đi gặp bà chị dâu chồng. Bạch Kim Bảo theo sát đằng sau. Cô ta tính kĩ rồi, chỉ cần Nhĩ Nhã Quyên lần này thắng, cô ta sẽ cho Hương Liên nếm mùi "trống thủng mặc người đánh loạn xạ" là thế nào.

Hương Liên thấy Nhĩ Nhã Quyên đến thì hỏi hết chuyện này sang chuyện khác, như cười mà chẳng cười, không lạnh lùng cũng chẳng vồn vã, không nhạt nhẽo cũng chẳng mặn mà. Đôi mắt cô chỉ ngắm khuôn mặt xinh xinh như một đóa hoa nguyệt quý của Nhã Quyên mà chẳng hể nhìn đôi chân của cô ta. Còn cô, váy trùm kín chân để Nhã Quyên không có cách nào so đọ được với cô. Rồi Hương Liên đang nói cười, bỗng chỉ tay vào chân Nhã Quyên hỏi:

- Đôi giầy bằng đồng trắng này, thím nhờ người đánh cho đấy à?

Nhĩ Nhã Quyên chộp được cơ hội, lập tức trả lời:

- Đôi này do một khách buôn ở Hồ Nam tặng em. ông ấy thấy một người con gái làm xiếc ở Sương Tây đì dôi hài này làm trò leo dây và đá ván. Tấm ván dầy một tấc thế mà mỗi chân đá thủng một lỗ. ông khách buôn ấy bỏ ra mấy trăm lạng để mua đôi này rồi cứ đòi tặng cho em. Giầy thường không so với giầy này được vì mặt giầy, đế giầy, má giầy đều cứng không một chỗ nào mềm. Chân mập một chút, vẹo một chút, dai một chút thôi cũng không đi vừa. Giầy không nể nang chủ, mà chủ có muốn chiều ý nó cũng không được. Nào ngờ em vừa xỏ thử đã vừa như in.

Nói đến đây, Nhĩ Nhã Quyên nhoẻn một nụ cười tươi như hoa nở, lại liếc mắt nhìn Bạch Kim Bảo. Bạch Kim Bảo nhân đó nói:

- Cũng tùy loại chân, thật đấy! Móng lừa, chân gà đương nhiên đâu có đi được?

Hương Liên làm như không nghe tiếng, mỉm cười bảo Nhĩ Nhã Quyên:

- Thím cho chị mượn đi thử được không?

Nhĩ Nhã Quyên ngẩn ra. Cô đang muốn cho Hương Liên đi thử để bà chị bẽ mặt. Đôi giầy đồng này cứng ngắc, mười đôi chân có đến chín đôi rưỡi đi không vừa. Chắc bà chị không rõ mưu kế của mình nên chưa cân nhắc đã đâm đầu vào. Càng hay! Nhĩ Nhã Quyên không chút do dự, tháo ngay giầy ra đưa cho Hương Liên. Nào ngờ Hương Liên vừa xỏ chân vào đã lọt thỏm như bỏ một vật vào trong túi. Cô ngoảnh mặt bảo cô hầu Đào Nhi đứng sau lưng:

- Đi lấy ít bông đem lại đây, đôi giầy này to quá!

Câu nói ấy khác nào một nhát búa bổ xuống Nhĩ Nhã Quyên. Cô ta chưa từng thấy đôi chân nào vừa xinh, vừa mềm, vừa thon, vừa đẹp như thế. Giầy bằng đồng dù có cứng hơn nữa cũng kềm không chặt đôi chân ấy. Hương Liên chúm chím cười, lại bảo với Bạch Kim Bảo:

- Thím Hai, thím cũng thử chơi một cái xem nào!

Câu này lại là một nhát búa nữa bổ xuống Bạch Kim Bảo. Bạch Kim Bảo tự biết có xỏ thử cũng xỏ không vừa nên lắc đầu, mặt bẽn lẽn. Hương Liên đứng lên, không nói một lời, dẫn Đào Nhi trở về phòng. Từ lúc ấy trở đi, Nhĩ Nhã Quyên sợ cô. Bạch Kim Bảo lại càng sợ cô, mấy ngày sau cũng không dám nhìn thẳng vào mắt Hương Liên, còn cảm thấy Hương Liên coi chừng cô để trả thù. Thật ra Hương Liên nào có để ý, chỉ coi như chẳng có việc gì xảy ra.

Hôm nay Bạch Kim Bảo lại hoạt bát hẳn lên. Chân có hai tấc hai, riêng kích thước nhỏ ấy đã đủ làm Hương Liên hoảng rồi. Trống ngực có ta không đánh thình thình thì mới lạ!

Trong khi bốn mợ nàng dâu chờ cô tiểu thư nhà họ Đằng thì Kiều Lục Kiều, Lục Đạt Phu và mấy người nữa đến mời Đồng Nhẫn An tới hí viện Khánh Lai Khôn đường Hải Đại xem vở Chiếc vòng ngọc đánh rơi. Đồng Nhẫn An định ở nhà chờ xem đôi chân hai tấc hai. Kiều Lục Kiều bảo:

- Ở đằng ấy cũng có một đôi chân nữa, còn hơn mười lần đôi hai tấc hai kia? Tôi nói sai, cụ cứ xẻo mũi!

Đồng Nhẫn An nghi hoặc nhẩm tính:

- Hơn mười lần đôi hai tấc hai thì là hai phân hai, chỉ lớn bằng con kiến hay sao?
Rồi lão ra cửa lên xe, suốt dọc đường nói cười hỉ hả. Thực ra, vé xem diễn trò do Đồng Thiệu Hoa bỏ tiền mua để Kiều Lục Kiều đến mời, nhằm dụ Đồng Nhẫn An ra khỏi nhà, không còn ai che đỡ cho Hương Liên nữa. Ở nhà, chỉ cần tiểu thư nhà họ Đằng thắng là Bạch Kim Bảo chọc trời khuấy đất. Thật là một bên xem trò, một bên diễn trò. Diễn trò, xem trò, náo trò, phỉnh trò, dỗ trò, làm trò, chỉ trừ không có trò mà thôi, còn lại đều là trò cả. Nhưng nói cho sâu sắc thì không có trò càng mới là trò.

Ở bên ấy, khi Đồng Nhẫn An bước vào bãi diễn thì trò đã bắt đầu. Tôn Ngọc Giảo đang ngồi trên ghế giữa sàn diễn, chân trái gác lên chân phải, uốn éo nói:

- Tiểu nữ Tôn Ngọc Giảo này, mẫu thân đi dâng hương cúng Phật, tôi ở nhà nhàn rỗi chẳng có việc gì, đành thêu thùa khâu vá giải bớt muộn phiền vậy à!

Nói đến đây, tiếng thanh la khua vang, bàn chân trái diễn viên dang giơ lên bỗng ruỗi ra, phô rõ đế hài hai mầu xanh trắng nõn nà chẳng khác gì mầm măng thon nhọn. Động tác này suýt nữa khiến Đồng Nhẫn An nhìn đến phát ngất. Lão rối rít hỏi tên cô đào, Thiệu Hoa vội bảo cô ta tên Nguyệt Trung Tiên. Thế là lão cứ luôn mồm lẩm nhẩm: "Nguyệt Trung Tiên ơi tiên trong vầng nguyệt...", thành thử màn trò đệm "Bờ nước trắng" sau đó, lão có nhìn mà như không xem. Đợi đến vở sau "Bắt sống Tam Lang" Nguyệt Trung Tiên lại ra diễn; diễn đến cho hồn Diêm Tích Giao hiện lên, đôi chân nhỏ chạy khắp sàn diễn nhanh như một làn khói xanh. Đồng Nhẫn An bất chấp người ngồi cạnh, cứ không ngớt kêu ầm lên: "Hay! Hay a?... Giỏi, giỏi lắm?", khiến cả đám mê trò nhắc lão, khuyên lão, mắng lão, ném hạt táo vào lão cũng không sao làm lão ngừng kêu.

Ở bên này, Ngưu Phượng Chương một tay vén vạt áo bào, chạy thình thịch vào nhà Đồng Nhan An. Bốn mợ nàng dâu trông thấy, Bạch Kim Bảo hỏi độp ngay:

- Khách đâu? Tiểu thư họ Đằng đâu?

Ngưu Phuợng Chương chưa kịp uốn lưỡi, họ đã thấy một ông mập bế một cô bé xinh xắn rảo bước tiến vào. Cô gái dù nhẹ mấy đi nữa cũng ba lăm, bốn chục kí, thảo nào ông mập thở hổn hà hổn hển. Xem ra đây chính là ông Ba Đằng và tiểu thư họ Đằng rồi. Mấy mợ chủ đều tưởng cô tiểu thư nửa đường bị ốm, vội gọi các cô hầu đến chăm sóc. Ngờ đâu ông mập đặt cô tiểu thư xuống, rút chiếc khân tay trắng ra lau mồ hôi rồi cười hà hà:

- Không sao, không sao! Cháu vẫn mạnh!

Tiểu thư họ Đằng ngay sau đó cũng mỉm cười. Mọi người không hiểu vì sao một người khỏe mạnh lại phải có người bế đến?

Nhưng chẳng ai để ý xem vì sao, cứ xúm xít bâu lại ngắm đôi chân hai tấc hai của cô tiểu thư họ Đằng. Ai chợt nhìn cũng phải kinh ngạc. Bàn chân ấy nhọn như một cái mầm mọc ra từ cổ chân, lại cong cong to chỉ bằng mút quýt, ngoài mang đôi giầy nhỏ đỏ tươi ánh bạc, thêu đầy những cánh hoa ngũ sắc rất tinh xảo. Giây hoa quanh cổ giầy chỉ nhỏ bằng răng lược. Đôi giầy như không phải để đi mà như làm riêng để ngắm, nhưng vẫn có đủ dáng, đu thế, không sứt chẳng mẻ, ngón chân cái thỉnh thoảng còn ngọ ngoạy ở bên trong.

- Chân người mà bó được nhỏ đến thế, thực sự kể được là kì tích trên thế gian, chưa nhìn thấy hẳn chẳng ai tin.

Không cần đọ nữa, những đôi chân nhà họ Đồng chẳng dám phô ra.

Hương Liên mặt nhợt hẳn đi, liếc mắt thấy Ngưu Phượng Chương đứng bên cạnh liền bảo nhỏ:

- Giỏi lắm, ông Năm! Thì ra ông thấy tôi chưa chết nên chưa thỏa chứ gì?

Ngưu Phượng Chương nghe nói thế rùng mình một cái, vội thanh minh:

- Không dám dấu mợ Cả, đây là do cậu Hai mời họ đến, chẳng qua sai tôi chạy vặt nên chẳng tiện từ chối mà thôi. Tôi là người của cụ Đồng, đâu dám làm quấy với mợ. Cũng định bụng để mợ thấy một kiểu mới. Mợ chớ chỉ nhìn thấy nhỏ, mà vì nhỏ quá mức nên đứng không vững, đi lại phải có người đỡ, ra ngoài phải có người bế, đứng cũng đứng không vững nữa! Ở Kinh, người ta đều gọi là "tiểu thư bế". Nhưng người khác bế không được, cứ phải là ông bố cô ta, vì chiều mà! Ông Ba Đằng là người xài sang, sao lại chẳng hiểu?
Hương Liên bất giác "a" một tiếng, mắt lóe sáng, lòng cũng lóe sáng, dường như bất ngờ nắm được chiêu số để giành phần thắng.

Bạch Kim Bảo đứng giữa đám người trong nhà nói to:

- Chẳng kể người khác có phục hay không, chứ tôi thì tôi phục đấy! Ai không phục cứ đi mà so, so cho mà rồi đời! Đôi chân người ta bày ra đó, có đúng không? Nhã Quyên, Thu Dung, Đào Nhi, Hạnh Nhi này... - Cô ta hỏi từng người, càng nói càng cao giọng chỉ riêng không hỏi Hương Liên, song câu nào cũng nhằm vào Hương Liên.

Chẳng ai ngửng đầu nhìn Hương Liên vì ai cũng nể sợ cô.

Hương Liên đứng đó, chẳng nói chẳng rằng. Bạch Kim Bảo chưa gây sự đến cùng thì cô cũng chưa xuất chiêu. Bạch Kim Bảo lại tưởng cô sợ, bèn càng làm ầm lên:

- Đã có đôi chân này thì chân ai như thế nào tôi cũng chẳng coi ra gì! Đợi lát nữa cụ chủ về để cụ cũng mở rộng tầm mắt!

Cô ta lại ngoảnh mặt nói với ông Ba Đằng:

- Cụ để tiểu thư ở chơi nhà chúng tôi vài hôm có được không ạ? Cô em ở chung phòng với tôi, tôi sẽ bảo Đào Nhi thêu cho cô đôi giầy chim sẻ đỏ...

Ông Ba Đằng đáp:
- Mợ Hai có lòng hậu ái như thế, tất nhiên xin vâng. Có điều con em nó nhà chúng tôi...

Hương Liên thấy đã đúng lúc liền đi đến trước mặt "tiểu thư bế", cười tủm tỉm:

- Cô em theo chị ra sân xem hoa đào được không? Hai hôm trước trời chợt ấm, cây đương đầy nụ mà nở vô khối hoa, lại còn dụ ong mật đến nữa, trông đẹp lắm!

"Tiểu thư bế" đáp:

- Em chả quen đi! - Giọng cô ta nũng nịu cứ như đứa trẻ bảy tám tuổi uốn lưỡi nói vậy.

- Không sao, chị đỡ em mà! Mấy bước là tới sân thôi!

Hương Liên nói xong, đỡ cô ta đứng lên. Không ai hiểu dụng ý của Hương Liên, chỉ thấy cô vừa đỡ vừa nâng "tiểu thư bế" ra tiền sảnh, bước xuống thềm. Mấy bước đi đó đủ cho thấy khuyết tật của cô bé. Đôi chân "tiểu thư bế" như nhủn nát, không sao bám được đất. Còn Hương Liên mỗi một bước đi, vai uốn theo lưng, lưng lượn theo gót, không bước nào không đẹp. Đến giữa sân, Hương Liên ngẩng đầu ngắm hoa, chợt như bất giác buông cánh tay cô "tiểu thư bế", bước lên hai bước reo to.

- Tiểu thư xem này, xem này? Cả một đám hoa nở rộ chẳng khác nào một đám mây hồng, thích quá! Ngẩng đầu lên mà nhìn kìa, ngay ở trên đầu em đấy!

Hương Liên chỉ tay lên phía trên. Cô tiểu thư bế vừa ngẩng đầu, chân đứng không vững, chưa kịp kêu đã "huỵch" một cái, ngã bệt xuống đất. Da đã non, thịt lại ít, đốt xương cùng của tiểu thư đập xuống gạch đánh "cốp" khiến ai nghe thấy cũng buốt cả ruột.

Hương Liên hốt hoảng kêu lên!

- Đang đứng yên lành, chẳng gạch đá nào vướng vào chân, sao lại ngã được nhỉ? Mau lên, Đào Nhi, Châu Nhi đâu? Không mau đỡ tiểu thư dậy à?

Ông Ba Đằng cùng mọi người chạy đến đỡ cô ta. Tiểu thư bị bẽ mặt, cứ ngồi bệt dưới đất che mặt khóc, không ai nâng dậy được.

- Để cô em ngã, tôi thật đáng tội chết. Thế nào, cô em đứng cũng không vừng hả cụ? - Hương Liên hỏi ông Ba Đằng.
- Mợ Cả chẳng có gì đáng trách. Không có người đỡ, em nó đứng không vững đâu.

- Thế thì lạ đấy! Chân có tật sao? - Hoàng Liên hỏi, không rõ cô giả vờ hay có ý châm biếm.

- Không có tật gì cả, chỉ vì bó nhỏ quá nên đứng không vững đó thôi. - ông Ba Đằng nói xong, cúi xuống bảo con gái. - Không mau đứng lên, ngồi đấy ra thể thống gì nữa?

Câu này càng làm mếch lòng tiểu thư, cô ta ra sức nguẩy vai không cho ai đỡ, ai đụng đến liền đánh, hai chân đạp lung tung văng cả giầy, xổ cả vải bó chân. Hương Liên thấy thế, chỉ mong cô ta tuột hẳn chân ra, song ngoài miệng vẫn nói:

- Đào Nhi, mau giúp tiểu thư đi giầy vào kẻo lạnh!

Ông Ba Đằng thấy con gái làm rộn lên như thế, tỏ vẻ khó xử, luôn miệng xin lỗi Hương Liên. Cô đáp:

- Cụ nói như thế là xem tôi như người ngoài rồi. Tôi quả thực lòng thương cô nhà. Chân cô ấy mà không đứng được, không đi được, chả hóa ra hỏng ư? Bó thế là giỏi nhưng đến đứng cũng không đứng được, hỏi còn hay nỗi gì? Xem ra đôi chân này không cứu được nữa, cụ nên nghĩ cách gì đó về đôi giầy cho tiểu thư. Như vậy chăng?

Mấy câu này bóng gió chửi khéo cô tiểu thư. Ông Ba Đằng luôn miệng "vâng, vâng", gò lưng bế con gái lên ra về luôn, cẳng xoạc dài hơn so với lúc đi vào. Ngưu Phượng Chương cũng vội vàng cáo lui. Cảm thấy một luồng khí lạnh toát ra từ vẻ mặt tươi cười của Hương Liên, lão sợ hãi chẳng kịp quay người, cứ đi giật lùi, ba bước đã ra khỏi cửa.

Sau khi cô “tiểu thư bế" đã đi khỏi, trước mặt mọi người, Hương Liên cười bảo Đào Nhi:

- Nực cười thật! Mắt ông Năm Ngưu không phải mắt trâu mà là mắt chó, có vậy mới ngớ ngẩn để mắt đến đôi móng giò thối nát ấy chứ!

Đào Nhi không cười cũng chẳng đáp, cô biết mấy câu ấy cốt nói cho Bạch Kim Bảo nghe. Từ nãy Bạch Kim Bảo đã sượng mặt. Hương Liên ăn nói nhẹ nhàng, sắc mặt bĩnh thản như không, chỉ đến khi về tới phòng mình, trái tim treo lơ lửng của cô mới tọt một cái trở về vị trí cũ.

Nhưng ba hôm sau, tim Hương Liên thót lên một lần nữa. Bạch Kim Bảo đứng giữa sân rêu rao cụ Đồng mới mời được một đôi chân biết bay, sau bữa cơm sẽ tới, còn nói đó là một cô đào đang lúc vận đỏ ở huyện Bảo Để, tên là Nguyệt Trung Tiên. Chẳng những chân nhỏ đẹp mà còn lượn như bay trên sàn diễn chẳng khác nào hạt ngọc lăn trên mâm. Hiển nhiên cô ấy khác hẳn "tiểu thư bế" không biết đứng trước đây ba hôm. Một đằng đứng không đứng nổi, đi chẳng biết đi, dựng cũng không vững, một đằng như ruổi, như bay, như cá lội nước, như chim xuyên trời. Bạch Kim Bảo giọng giòn như củ cải non, chữ nhả ra mỗi chữ là một hạt đậu mẩy, Hương Liên còn nghe được một câu như sau: "Nghe nói lúc chân bay, có bắt cũng chẳng bắt kịp nữa kìa!"

Hương Liên tuy thắng cô "tiểu thư bế" nhưng chẳng dám chắc thắng được cô đào Nguyệt Trung Tiên này. Thiên hạ rộng lớn lăm, chẳng điều kì lạ nào mà không có, Hương Liên đâu dám nghi ngờ? Nếu chẳng có thật, khi nào Bạch Kim Bảo lại dám đe như thế? Từ lâu, Hương Liên đã thầm hiểu rằng con người ta bao giờ cũng muốn ngoi lên, cứng đụng với cứng, không xô tan kẻ khác thì mình bị tan, cho nên bao giờ cũng phải đề phòng những đối thủ cứng cựa. Cô đóng cửa phòng, nghĩ cách. Nhưng không hiểu tí gì về nội tình của Nguyệt Trung Tiên, cô biết sử dụng chiêu nào đây? Thật là khó. Cách tốt nhất là cứ ngồi trong phòng mà quan sát, chờ thời cơ.

Sau bữa trưa, tiếng cười nói ồn ào ùa vào tiền sảnh. Chợt nghe một người nói:

- Bề trên có cụ Đồng, kẻ mọn Nguyệt Trung Tiện này xin bái kiến!

Giọng nói vừa điệu, vừa trong, vừa thanh, vừa vang, chẳng khác nào chim hoàng oanh hót, kiểu cách như lời bạch trong tuồng. Tiếng nói ấy vừa dứt, tiếng cười nói huyên náo lại nổi lên. Rồi tiếng cụ Đồng nói:

- Chư vị ở nhà tôi đây đều là người say gót sen cả. Nghe nói Nguyệt Trung Tiên có tuyệt kĩ về gót sen, ai nấy đều muốn có phúc được nhìn no con mắt. Vậy xin mời ra trước sân biểu diễn một phen!

Ngay sau đó, tiếng cười nói chuyển ra sân. Lại nghe Nguyệt Trung Tiên nói: "Xin hiến tài mọn". Không nghe tiếng chân bước, chạy, mà chỉ nghe tiếng chắt lưỡi khen ngợi và tiếng vỗ tay. Tiếng Nhĩ Nhã Quyên kinh ngạc kêu lên:

- Ô nhanh đến mức tôi chỉ thấy bóng người thôi!

Tiếng Đồng Thiệu Hoa:

- Kim Bảo, mình không chạy theo lấy vài vòng à?

Tiếng Bạch Kim Bảo:

- Tôi sao có được đôi chân như vậy? Hãi quá, chỉ muốn về phòng đóng tịt các cửa lại mà trốn cho rồi!

Lại nhưng tiếng nói cười, kêu to, bỡn cợt. Tiếng Đồng Nhẫn An:

- Ừ nhỉ, sao không thấy Hương Liên ra nhỉ?

Tiếng Bạch Kim Bảo:

- Mèo đã đến, chuột nào còn dám ra?

Hương Liên đang nín thở ở trong phòng. Trong lòng cô như có ngọn lửa bừng bừng bốc lên. Thế nào cũng phải đọ một phen mới biết thắng hay bại. Cô lách cách mở toang cửa, bước ra ngoài xem. Sân chật ních những người, mắt hoa lên, trong chốc lát cô không nhìn rõ ai với ai. Đào Nhi chạy tới trước mặt, nháy mắt nói:

- Mợ nhìn Nguyệt Trung Tiên kia, đàn ông đấy!

Hương Liên nhìn theo ngón tay trỏ xinh xẻo của Đào Nhi, thấy giữa đám đông quả có một người đàn ông gày gò đang đứng, bên dưới lại là đôi chân nhỏ nhắn xinh đẹp như của đàn bà. Dáng chừng là một vai nam chuyên đóng nữ, nhưng ở đâu ra đôi gót sen đó? Trong thiên hạ, việc chưa biết quả nhiều hơn việc biết rất nhiều. Lúc này, người đàn ông nhỏ nhắn kia đang nhìn cô.

Chợt anh ta kêu lên:

- Ái chà, phải chăng đây là mợ Cả nhà họ Đồng, cô Qua Hương Liền nổi tiếng khắp Thiên Tân?

Nói xong, anh ta chạy như một làn gió, hai chân dường như không chạm đất, trong nháy mắt tới trước mặt Hương Liên, hai tay chắp trước bụng vái chào, giọng nói vẫn là giọng đóng tuồng:

- Nguyệt Trung Tiên xin bái kiến mợ Cả!

Hương Liên hơi ngây người, chưa hiểu rõ ra làm sao. ở đằng kia, Bạch Kim Bảo và Đồng Thiệu Hoa bật cười ha hả, như cô là trò cười của họ.

Nguyệt Trung Tiên bỗng làm một chiêu "đồng tử công", vắt một chân lên vai, bàn chân cao hơn đầu, nói với Hương Liên:

- Mợ Cả nhìn chân của Nguyệt Trung Tiên tôi đây xem có sánh được với chân mợ không nào?

Hương Liên nhìn bàn chân nhỏ để ngửa cao hơn chỏm đầu, mới hay đó chỉ là bàn chân giả làm bằng gỗ, chót mũi có túi vải lồng vào với chân thật, dùng giây tơ cuốn chặt như người đi cà kheo, áo quần che đi, chẳng khác gì chân thật. Đấy chính là một kiểu cà kheo các diễn viên nam đóng giả nữ thường dùng. Trước đây từng nghe nói, nay mới thấy tận mắt! Hương Liên như vừa tỉnh cơn mộng, thở phào. Mọi người cùng cười khanh khách coi như câu chuyện thú vị. Duy Bạch Kim Bảo và Đồng Thiệu Hoa cười dữ quá, Bạch Kim Bảo cười đứt cả hơi, gò cả lưng ôm lấy bụng. Hương Liên tức thì hiểu ra. Chẳng qua cô ta đẩy Nhĩ Nhã Quyên và tiểu thư họ Đằng ra đấu nhưng không thắng được Hương Liên, mới moi óc nghĩ ra trò Nguyệt Trung Tiên để hù doạ cô, biến cô thành trò cười rồi chế nhạo cô trước mặt mọi người. Nhưng cô lại nghĩ, chính vì Bạch Kim Bảo không làm gì được cô mới sử dụng chiêu này. Chiêu này vụng về quá vì rốt cuộc chỉ là trò giả, chẳng qua bõ tức trong chốc lát, nhưng càng làm nổi bật đôi chân cô, không ai đánh đổ được. Nghĩ đây Hương Liên vui lên, nét cười trên mặt không còn ngơ ngác nữa. Cô nói với Nguyệt Trung Tiên:

- Đôi chân giả của anh hù tôi không hề gì, nhưng cũng dọa nổi cha chồng tôi ư? Cha tôi có đôi mắt lửa con ngươi vàng, không khi nào để anh qua mặt đâu!

Đồng Nhẫn An nghe giọng nói có ý châm chọc, bèn lên tiếng:

- Ta thoạt nhìn cũng bị nhầm. Lâu nay cứ tưởng đồ cổ mới có thật giả, ngờ đâu người sống cũng có thật
giả. Nhưng mà giả có tuyệt vời mấy đi nữa cũng không bằng cái thật bình thường.

Hương Liên đã buộc Đồng Nhẫn An lên tiếng nói thay cho mình. Đợi Đồng Nhan An nói xong, cô nhếch mép mỉm cười với vợ chồng Bạch Kim Bảo, nhưng lại quay qua nói với Đồng Nhẫn An:

- Cha nói thế làm phật ý Nguyệt Trung Tiên rồi! Trên đài diễn không bàn thật giả. Người trong vở đều là giả, bất kể chân họ giả hay không, cứ doạ được người là thắng rồi!

- Có lí đấy nói có lí đấy! - Đồng Nhẫn An vội vàng nói theo rồi bảo mọi người lên trên sảnh nói chuyện.

Nguyệt Trung Tiên nói với Qua Hương Liên:

- Xin có lời mời mợ Cả...

Anh ta tuy không nói như trong vở diễn nữa nhưng âm điệu vẫn là giọng nữ, cả phong thái, động tác giơ tay, đưa chân cũng rụt rè e lệ, mềm mại dịu dàng y như phụ nữ thật.

Hương Liên thấy anh ta không phải đối thủ của mình thì vui mừng phấn khởi, cùng Nguyệt Trung Tiên sóng bước lên trên sảnh. Mấy bước đó, Nguyệt Trung Tiên như đạp mây cưỡi gió, Qua Hương Liên như nước chảy mây trôi, thoăn thoắt vững vàng mà vai không đưa, eo không rung, chân chẳng bước, chẳng thấy động ở chỗ nào, chỉ thấy vạt xiêm bay, giải thắt lưng phấp phới như đứng trước gió, chớp mắt cùng lên tới trên sảnh.

Nguyệt Trung Tiên vỗ tay khen:

- Mợ Cả thật là danh bất hư truyền, mấy bước đó đã hơn tôi đến mười lần rồi!

Lúc vỗ tay, anh ta cong mấy ngón trắng thon lên, chỉ vỗ bằng lòng bàn tay; bé gái thế nào, anh ta y như thế. Sau đó anh ta cứ xin xem cho được đôi chân của Hương Liên. Trước con người ái nam ái nữ, chẳng ra nam chẳng ra nữ này, Hương Liên không cảm thấy xấu hổ. Cô giơ chân cho anh ta thấy, Nguyệt Trung Tiên lại vỗ tay:

- Tôi đi khắp Giang Nam, Giang Bắc, dám nói đôi chân như thế này tuyệt nhất trong thiên hạ. Cậu chủ cứ bảo tôi đến dọa mợ, hóa ra mợ lại làm tôi phục lăn.

Hương Liên nghe nói chỉ cười, không thèm liếc nhìn Đồng Thiệu Hoa nữa. Cô đòi xem đôi chân cà kheo của Nguyệt Trung Tiên. Nguyệt Trung Tiên là đàn ông, tuổi đã lớn, vậy mà ngồi trên ghế cũng vặn người, xây lưng, nghẹo đầu, cụp mắt ra vẻ thẹn thò. Sau đó, anh ta cong mười ngón tay theo kiểu những búp hoa lan, cởi dây buộc ở chân:

- Nếu mợ Cả ưng ý, tôi xin biếu mợ!

Hương Liên thuận miệng bảo:

- Thôi, anh tặng cho mợ Hai nhà chúng tôi đi, mợ ấy vừa mắt với cái trò này lắm!

Nói xong, cô nghe phía sau lưng có tiếng gì đó đổ rồi tiếng kêu gọi ầm ĩ, trong đó tiếng Nhĩ Nhã Quyên rõ hơn cả. Cô ngoảnh lại nhìn, thì ra Bạch Kim Bảo uất quá, ngã bật ngửa trên đất. Mấy cô hầu vừa kéo chân kéo tay, vừa lắc cổ đấm lưng cho cô ta, Thiệu Hoa thì ra sức ấn ngón tay cái vào huyệt nhân trung dưới mũi Bạch Kim Bảo, ấn đến chảy máu cô ta mới tỉnh lại.

Riêng Hương Liên cứ ngồi nguyên chỗ không động đậy, thong thả nhấp trà, nhìn vơ vẩn mấy con côn trùng bay qua bay lại đuổi nhau ngoài cửa sổ.