© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
7.4.2005
Phùng Ký́ Tài
Gót sen ba tấc
Tiểu thuyết (10 kỳ)
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Hồi thứ mười một
Giả đến mức thật, thật hóa ra giả

Trời chưa mở mắt, đất chưa mở mắt, nhưng trong chợ âm phủ ai nấy mở mắt thật to, thật sáng. Từ lò gốm nhà họ Triệu đến ven sông có bức tường, giữa đám lúp xúp lều tranh, tiệm đất, đèn treo bờ rào và trên những con đường ngoằn ngoèo quẹo qua quẹo lại, ngày nào cũng vậy, chợ âm phủ họp trước khi trời sáng. Đầu tiên chỉ gồm những người mua bán đồng nát, mang những đồ dùng thường ngày tạp nham rao mua được như áo cũ, quần rách, bình cổ, chuông xưa, giầy vẹt, mũ bấn, sách nát, tranh mòn, thiếu chỗ này, khuyết chỗ kia, chất từng sọt gánh đến bán. Nhờ lúc trời tối nhập nhoạng nhìn không rõ, xem xét vội vàng, biến tốt thành xấu, người có tiền chẳng ai đến mua những đồ cũ nát đó. Nhưng sự việc không thể chỉ có một kiểu, lời nói không thể chỉ có một cách, dần dần có người mang đồ tốt, đồ thật, đồ mới đến bán, nhưng vẫn là tay này cầm tiền, tay kia giao hàng. Mua bán vừa xong quay đầu đi luôn, dù có trở lại tìm cũng không ai nhận là vừa mua bán. Người ta gọi thế là "làm ăn với đất". Vì sao? Vì người làm ăn với nghề này phần lớn là đồ trộm cắp, thó được vật gì đem đến đây phi tang. Ai to gan mới dám bán, ai lớn mật mới dám mua. Cũng có con cái hư hỏng nhà có của, không mặt dạn mày dầy lộ mặt ở cửa hiệu cầm đồ, hiệu đổ cổ hoặc hiệu đồ tầm tầm được, bèn mang đồ đến đây tìm xó tối đứng đấy đợi người mua. Ai có con mắt hiểu biết, chỉ bỏ vài ba đồng là mua được bức hoạ chữ, đồ châu báu, ngọc đá, đồ sứ, đồ đeo tay, đồ bày biện cực tốt hoặc sách quí, thiếp viết chữ còn duy nhất một bản. Cơ hội đó, một nhờ tài nghệ, hai nhờ vận may, hai điều ấy chập lại thì phát tài to.

Hôm nay, trong đám người chen qua lách lại có một lão già còm nhom, rụt đầu giấu mặt, không xách đèn lồng, hai con mắt láo liên xoi mói khi lách qua đám người. Bỗng như mèo nhìn thấy chuột, lão gạt mấy người đâm đầu chồm tới. Sát tường, bên một cái tủ nát, một người đàn ông gập chân ngồi xổm, trên đất trước mặt trải một mảnh vải, bầy một cái điếu ống bằng đồng bạch, một hộp trang điểm sơn khảm vàng, một cuộn giây lưng thêu hoa, ba đôi giầy nhỏ đều bằng vải đỏ vài xanh, ghép hai mặt, cực hẹp cực mỏng, mũi giầy vừa ngắn vừa nhọn như mỏ quạ, ở vệ Thiên Tân không thấy kiểu giầy này. Lão già còm vơ ngay lấy, lật đi lật lại xem qua rồi kêu lên:

- Chà, giầy mỏ quạ, kiểu "Tô Bắc khôn hài" đây!

Người đàn ông bán hàng trán lép mắt lồi, hình thù tựa con cóc. Gã ngước mắt ngắm lão già, bảo:

- Gặp được người trong nghề, chẳng mấy khi! Cụ muốn mua à?

Lão già còm cũng gập đầu gối đánh soạt ngồi xổm xuống, nói khẽ:

- Mua tất! ở đây không thể thấy loại giầy này.

Lão già còm rất kì quặc. Đi mua đồ ở chợ âm phủ này, dù gặp được thứ vừa ý cũng phải giả vờ không hiểu biết, không mặn mà, không vừa ý, đâu có kiểu vừa trông thấy đã vồ vập như gặp của quý? Càng kì quặc hơn là người đàn ông mặt cóc bán hàng, gã cũng không lên mặt người bán, cũng như gặp của quý, cất tiếng hỏi:

- Cụ thích những món này lắm nhỉ!

- Đúng vậy! Nói cho tôi biết bác kiếm những đôi giầy này ở đâu ra? Bác là người miền Nam?

- Cụ không phải hỏi, cứ biết tôi không phải người miền Bắc là được rồi. Nói thực với cụ, tôi cũng thích những của này, nhưng bây giờ mấy tỉnh ở Giang Nam đều hè nhau không bó chân nữa. Giầy nhỏ vứt khắp nơi, ở trong miếu cũng có, lại còn trôi trên sông...

- Oan nghiệt! Oan nghiệt! - Lão già còm nói xong, cảm thấy chưa hết ý, nói thêm.- Chi bằng chặt chân đi cho rồi!

Lão nín lặng dẹp cơn giận xuống, nói:

- Bác nên nhân cơ hội này thu nhặt ngay các kiểu giầy nhỏ đó, mai ngày không chừng là của quý đấy!

- Cụ nói phải, cụ hiểu biết thật! Nghe nói miền Bắc chưa nô nức cởi chân bó, phải không ạ?

- Có hô hào đấy nhưng không mấy người cởi chân, chỉ kêu gào dữ thôi. Theo ý tôi, ngọn gió này dập không nổi, chỉ biết hôm nay, không có ngày mai. - Lão già còm luôn miệng thở dài.

- Đúng vậy. Tôi nghe nói nên mới vội vàng làm mấy bao tải giầy nhỏ miền Nam, đi quanh miền Bắc, liệu chừng thế nào cũng gặp những người có tấm lòng như cụ chịu bỏ tiền mua một ít cất đi. Tôi định bán một ít giầy miền Nam, mua ít giầy miền Bắc, không chừng góp đủ loại giầy nhỏ trong thiên hạ cũng nên. - Người đàng ông mặt cóc nói. - Tôi đã cất giữ được đầy một nhà!

- Một nhà! - Lão già còm mắt loé sáng.- Hay lắm! Quý lắm! Lần này bác mang đến những loại nào?

Người đàng ông mặt cóc nhếch miệng cười, từ bao tải để sau lưng rút ra hai đôi giầy nhỏ lẳng lặng đưa cho lão già còm, như muốn thử kiểm tra kiến thức của lão. Lão già đón lấy, thấy là giầy cũ, đế đã đi mòn nhưng kiểu cách cực lạ. Má giầy cao, cao như giầy ống, phía trước dựng đứng, toàn bằng đoạn bóng màu đen, đường viền sát đế bằng đoạn thêu hoa. Một đôi thêu mẫu đơn và quả đào dâng thọ, giữa hao và quả đào thêu mấy đồng tiền cổ bằng chỉ đỏ, kiểu ấy gọi là Ỏphú quý song toànÕ. Đôi kia thêu lá thông hoa mai và cành trúc. Thông đỡ mai, mai ánh trúc, trúc làm nổi thông, kiểu ấy gọi là Ỏtuế hàn tam hữuÕ. Giữa đế gỗ và đế lót mềm có một mảnh đồng thau, dài từ gót đếm mũi, lại từ mũi ló ra ngoài, uốn cong lên nữa vòng rồi chĩa ra trước như dáng rắn ra khỏi hang. Lão già gầy nói:

- Đây là giầy đời Tấn kiểu cổ.

Người đàn ông mặt cóc hơi sững người, sau đó cười:

- Cụ tài thật! Người biết được kiểu giầy này không có mấy đâu.

- Mấy đôi này cũng bán à?

- Hàng bán cho người biết của. Không nói giá nữa, cụ trả bao nhiêu tôi cũng nhận.

Lão già gầy trước sau mua cả năm đôi, móc ra năm lạng trả. Phải nói rằng só tiền này mua năm đôi giầy
bằng bạc cũng còn thừa. Người bán hàng mặt cóc vội vàng giắt bạc vào bụng, mặt mày tươi tỉnh:

- Nói thực với cụ, bây giờ thứ giầy này đúng là ba đồng chẳng bán được hai. Tôi chẳng hám tiền cụ đâu, chỉ định đem chúng đi mua kha khá giầy nhỏ miền Bắc đem về. Nếu cụ còn giữ được các kiểu giầy miền Bắc, ông con mình đem đổi cho nhau là xong, đỡ phải đụng đến tiền bạc.

- Thế càng hay! Bác còn loại giầy nào nữa?

- Này cụ, cụ tuy biết nhiều thấy rộng, nhưng giầy nhỏ của tám phủ miền Đông Chiết Giang e cụ chưa thấy đâu nhỉ?

- Trước đây có nghe nói tám phủ miền Đông Chiết Giang nổi tiếng kì lạ về kích thước nhỏ. Hai chục năm trước, tôi có thấy một đôi chân nhỏ ở Ninh Ba, hai tấc tư. Nhưng hai năm mới rồi lại thấy một cô gái ở Kinh chân nhỏ có hai tấc hai. Thật là nhỏ đến cùng đến cực!

- Thế cũng chưa sánh được với chân nhỏ ở Đông Hoãn thuộc Quảng Châu. Chân nhỏ ở Diên Thành miền Bắc Giang Tô cũng còn phải nhường. Chân ở Đông Hoãn vừa tròn hai tấc. Một đôi giầy nhấc lên để lọt lòng bàn tay. Lại còn một loại giầy "nhà văn" ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, do một văn nhân nghĩ ra, kì tuyệt?

- Tuyệt thế nào?

- Có hơi hướng một quyển sách, cứ như một quyển sách con con vậy!

- Hay lắm! Bác có cả à? Đã mang đến chưa?

- Tôi để ở nhà trọ. Cụ muốn đổi, ta hẹn ngày giờ trước.

Ai cũng muốn gấp, hai người hẹn ngày mai vào giờ này, gặp nhau dưới gốc cây liễu già vẹo cổ bên bờ sông có bức tường đàng trước mặt. Hôm sau cả hai đến đúng giờ, đổi cho nhau rất vừa ý, tựa như tặng lễ vật cho nhau vậy. Lại hẹn nhau ngày thứ ba. Sau khi trao đổi cho nhau xong, lão già gầy còm xách hơn chục đôi gầy nhỏ đi xuyên qua chợ âm phủ, vui vẻ mãn nguyện trở về nhà. Đi tới một chỗ ngoặt, toàn là bia, thiếp chữ, tranh, đồ cổ, đồ bầy chơi, chợt lão thấy một người thấp bé đứng ở góc tường, chiếc mũ có vành trên đầu sụp xuống tận mí mắt trên, nách kẹp một cuộn tranh, bên trên chỉ thò cái đầu trục cuốn tranh bằng sứ hoa xanh.

Lão già gầy vừa thấy cái trục bằng sứ biết ngay tranh không tầm thường, liền bước tới hỏi giá. Người kia giơ bàn tay phải, chồng ngón trỏ với ngón giữa vào làm một rồi lập úp xuống, chỉ bật ra một chữ:

- Thanh!

Quy định của chợ âm phủ là nói giá, đưa giá, cho giá, đòi giá, tranh giá, ghìm giá đều không nói số tiền mà ra hiệu bằng tay và nói tiếng lóng, tục gọi là "ám xuân". Một là tiếu, hai là đạo, ba là đào, bốn là phúc, năm là lạc, sáu là tôn, bảy là hiền, tám là thê, chín là vạn, mười là thanh. Tay lật một cái là gấp đôi. Tiếng "thanh" của người kia thêm dấu hiệu tay lật một cái nghĩa là đòi hai chục lạng. Lão còm nói:

- Tranh gì mà giá ấy, xem tí nào!

Lão đặt cái túi đựng đến một nửa là giầy xuống, cầm lấy cuộn tranh. Mở ra xem một đoạn, vừa tới chỗ lộ ra lạc khoản trên bức tranh, lão bỗng giật mình hỏi:

- Mày là đứa nào?

Người thấp bé kia sững người, đâm đầu bỏ chạy. Lão già chỉ cần chạy mấy bước là đuổi kịp, song sợ mất nửa túi giầy. Trong lúc ngừng lạ đó, người thấp bé kia chui vào một ngõ hẻm rồi mất hút. Lão còm la lên:

- Ấy, ấy, bắt lấy...

Một kẻ cao lớn đứng bên lão, tối om om chẳng nhìn rõ mặt, cái bóng gã đã to bằng quả chuông lớn. Gã ngoảnh bảo lão còm với giọng ồm ồm cố nén xuống:

- Gào cái gì, có đuổi kịp cũng chịu thua thôi. Mau xách đồ biến đi, cẩn thận chọc giận kẻ khác, bị trấn mà còn bị tẩn nữa đấy!

Lão già còm nghe mà như không nghe thấy gì hết

Sáng sớm hôm ấy, Đồng Nhẫn An từ ngoài lỏn về nhà rất sớm rồi đòi ra cửa hàng ngay, mặt tỏ vẻ gấp gáp lắm, chẳng ai biết vì sao. Ngựa đã sẵn sàng ngoài cửa, lão vừa ra khỏi cửa liền trượt chân, ngồi bệt xuống thềm, chỉ kêu thấy trời chuyển, đất chuyển, người chuyển, ngựa chuyển, cây quay, ống khói quay, kì thực là đầu óc lão quay cuồng. Đám người hầu vội vàng đỡ lão vào nhà, đặt ngồi trên ghế xích đu. Hương Liên thấy mặt lão nhợt nhạt, thần sắc cũng nhợt nhạt, liền mời lão vào phòng trong nằm nghỉ. Lão không chịu, cứ bắt người nhà đi ngay đến cửa hiệu gọi Đồng Thiệu Hoa và Hoạt Thụ về nhà ngay, lại điểm một số bức tranh, bảo Hoạt Thụ mở kho lấy đem về. Mãi một lúc lâu mới thấy có người về, nhưng lại là cậu giúp việc ngoài cửa hiệu họ Ô. Cậu này nói cậu chủ không có mặt ở cửa hiệu, Hoạt Thụ lên cơn hen, không đến được, bảo cậu ta mang tranh về. Đồng Nhẫn An không dậy được, đành nửa nằm nửa ngồi, gọi người giở một bức tranh ra coi. Trước hết xem bức Lan thảo của Lí Phục Đường. Lão xem mà cứ chớp mắt hoài:

- Mắt ta có dử à?

Hương Liên nhìn rồi đáp:

- Không thấy có, cha váng đầu hoa mắt đấy, lát nữa xem thì hơn.

Đồng Nhẫn An xua tay đòi xem tiếp. Tiểu Ô lại giở một bức khác, chính là bức tranh sơn thủy đời Tống.

Thường ngày Đồng Nhẫn An xem tranh, nhiều nhất chỉ nhìn nửa bức, thật giả có thể đoán định được ngay. Nửa dưới không cần nhìn đã bảo người cuộn lại. Lão làm thế một vì giỏi, hai để tỏ điệu nghệ. Hoạt Thụ biết thói quen này của lão nên giở tranh chỉ giở một nửa, thấy lão gật đầu hay lắc đầu là cuộn lại ngay. Hôm nay nếu là Hoạt Thụ giở tranh cho lão xem thì tiếp theo đã chẳng có chuyện. Lại đúng cu cậu họ Ô soạt một cái giở tung từ đầu chí cuối bức tranh, Đồng Nhẫn An lập tức ngẩn người ra, con ngươi như chực rớt xuống đất. Lão nhô người về phía trước la lên:

- Nửa dưới là của giả rồi!

- Sao có thể nửa bức là giả được? Hay là mắt cha làm sao rồi? - Hương Liên nói.

- Mắt có sao đâu! Bức tranh này chữ viết là thật, tranh là giả. - Đồng Nhẫn An chỉ vào bức tranh mà la, tiếng la nghe như đâm vào tai.

Hương Liên bước tới xem. Nửa trên che khuất bằng nhiều đoạn lạc khoản với lời đề, lời bạt, bài thơ, nửa dưới bức tranh vẽ sơn thủy. Cô hỏi:

- Thế này không lạ à? Lẽ nào tráo nửa dưới mà khúc giữa lại không thấy vết nối?

- Chị thì biết cái gì? Cách này gọi là "chuyển đỉnh núi”, là tuyệt chiêu trong cách làm tranh giả. Bỏ tranh vào nước ngâm, xé rời đĩnh núi theo đường vẽ núi; trước đó vẽ một bức tranh giả, cũng ngâm nước rồi xé như thế. Sau đó lấy phần có chữ của tranh thật ghép với phần vẽ của tranh giả thành một bức; lại lấy phần có chữ của tranh giả ghép với phần vẽ của tranh thật thành một bức thứ hai. Một thành hai, bức nào cũng có thật có giả, nếu bị phát hiện là giả thì cũng không thể nói toàn là giả, trong đó cũng có thật, người thạo nghề chẳng nói gì được nó. Nhưng... cách làm này chưa ai biết, cả ông Năm Ngưu cũng không biết. Lẽ nào lúc mới mua tranh ta nhìn lầm?

- Cha xem tranh chỉ nhìn có một nửa, nửa dưới có xem đâu!

- Quả có thế... - Đồng Nhẫn An vừa gật gù chợt kêu lên - Không phải! Bức này mấy năm trước treo trên tường ngoài cửa hiệu để xem mãi mà!

Nói đến đây, nghĩ đến đây, ánh mắt lão như bắn tên ra. Lão bảo Tiểu Ô:

- Đem tranh ra cửa, giơ lên cho ánh sáng lọt qua, ta xem lần nữa!

Tiểu Ô mang tranh ra cửa giơ lên, ánh sáng bên ngoài chiếu qua bức tranh, trông rõ ràng rành mạch có một đường nối lượn theo đầu núi trong tranh, quả nhiên tranh đã bị người khác làm giả! Đồng Nhẫn An đỏ tía cả đỉnh đầu liền đó kêu lên:

- Ta hiểu rồi, bức tranh Lí Phục Đường vừa nãy cũng là giả!

Không đợi Hương Liên hỏi, lão già đã nói tiếp.

- Kiểu ấy gọi là "bóc hai lớp". Bóc từng lớp giấy Tuyên trên tranh ra, lớp một lớp ba bồi với nhau thành một bức, lớp hai lớp bốn bồi với nhau thành một bức nữa, cũng là phép một thành hai! Tuy vẫn là tranh vốn có nhưng thần sắc không còn nữa. Nếu không, sao ta lại thấy bức tranh ấy nét bút không hồn, mực không láng bóng? Lại cứ ngờ mắt mình có dử!

Hương Liên nghe đến ngẩn ngơ. Không ngờ trên đời làm của giả cũng có công phu tuyệt đỉnh đến thế! Nhìn đến Đồng Nhẫn An, cô thấy ông ta khác thường, hai tay run bần bật những móng tay dài cạo kín kít vào tay vịn ghế, ánh mắt như ngưng trệ. Sợ ông ta bực bội đâm ốm, cô vội khuyên:
- Cha tức giận làm gì, một vài bức có đáng gì đâu!

Đồng Nhẫn An càng run rẩy hơn nửa. Tay run, chân run, cằm run, tiếng nói cũng run:

- Chị mà còn mơ hồ thế à? Ngoài cửa hiệu chẳng có bức nào là tranh thật! Đồng Nhẫn An này cả đời bán của giả, rút cục đến mình cũng thành giả nốt. Cả một ổ trộm cắp!

Nói đến đây, đường gân xanh trên trán giật một cái, mắt lão đờ ra. Hương Liên thấy nguy, hoảng lên, không biết nói gì để khuyên giải. Lại thấy lão ngoẹo đầu, méo miệng, lệch vai, nằm thượt trên ghế.

Lập tức cả nhà nhốn nháo, người này kêu người kia, người kia gọi người nọ, mãi một lúc sau mới nhớ ra phải đi mời thấy thuốc.

Hương Liên lau nước mắt nói:

- Ai bảo cụ ông hiểu biết lắm vào! Không biết thật với giả thì đã chẳng đến nỗi uất lên như thế!

Lát sau, thầy thuốc đến, bảo ngoài sảnh có gió, kêu người nhà khiêng Đồng Nhẫn An vào nhà trong chạy chữa.

Hương Liên bình tĩnh lại. Cô lập tức sai Tiểu Ô đi mời cậu chủ về, lại gọi cả Hoạt Thụ đến. Tiểu Ô đi một lúc về báo Hoạt Thụ đã gói ghém bỏ trốn, Đồng Thiệu Hoa vẫn chẳng thấy đâu. Hương Liên nghe như sét đánh ban ngày, biết trong nhà xảy ra chuyện lớn. Bạch Kim Bảo hỏi có chuyện gì, Hương Liên chỉ đáp:

- Thím biết rồi còn hỏi làm gì?

Rồi cô mang theo Đào Nhi lên kiệu cấp tốc đi đến cửa hiệu.

Cửa hiệu lộn xộn tung tóe như vừa bị khám nhà. Hai cậu giúp việc vừa khóc vừa nói:

- Mợ Cả cứ mắng, cứ đánh, cứ phạt chúng cháu cũng được, chỉ đừng trách chúng cháu không nói thực. Chúng cháu có biết gì đâu kia chứ!

Hương Liên nghĩ bụng ở nhà cũng còn đang loạn lên, liền bảo họ chọn lấy những đồ thật để kháo lại. Hai cậu người làm lại mếu máo:

- Chúng cháu chẳng biết thứ nào thật, thứ nào giả. Cụ chủ, cậu chủ dặn chúng cháu nói với khách hàng toàn là đồ thật thôi!

Hương Liên đành bảo chúng chẳng kể thật giả cứ nhặt lên chất thành một đống, niêm phong lại, sau hẵng hay.

Về đến nhà, Bạch Kim Bảo không biết nghe tin ở đâu nói Đồng Thiệu Hoa lấy đồ vật trong nhà trốn đi, đang ở trong phòng vừa khóc vừa kêu, vừa kêu vừa khóc, khóc rồi lại kể lể:

- Đồ chết băm chết vằm, làm như thế có khác gì chôn sống cha, chôn sống cả ba mẹ con nhà này... Chắc là lại theo con đĩ nào làm bậy làm bạ rồi, ới chồng ơi là chồng...

Hương Liên nghiêm mặt, bảo Đào Nhi truyền cho Hạnh Nhi, Thảo Nhi phải coi chừng phòng của Bạch Kim Bảo, không được cho cô ta đi đâu, cũng không cho người khác vào phòng, càng không được cho bất cứ ai mang đồ vật ra vào.

Bạch Kim Bảo thấy phòng mình bị canh giữ, khóc càng to nhưng không dám gây chuyện với Hương Liên. Cô ta đâu có ngốc? Đồng Thiệu Hoa bỏ trốn, chẳng còn ai bênh cô. Cô mà gây chuyện, có thể Hương Liên sẽ cho người trói lại.

Lúc này, được thầy thuốc chạy chữa, Đồng Nhẫn An đã đỡ, liền cho gọi Hương Liên. Tuy lão chưa biết rõ trong nhà, ngoài hiệu xảy ra những việc gì nhưng hình như đã biết tất cả. Hai mắt lão sáng quắc, cái miệng mấp máy bật ra ba tiếng khô khốc:

- Đóng, cổng, lớn!

Hương Liên gật đầu:

- Vâng, đóng ngay bây giờ!

Cô vội vàng truyền bảo người nhà. Lập tức hai cánh cổng lớn kin kít chuyển động rồi "ình" một tiếng, đóng sập lại.

Hồi thứ mười hai
Thế là nhắm mắt xuôi tay

Đồng Nhẫn An nằm thượt trên giường như một vắt đất nhão, đầu cũng không ngóc lên được, lưng dán chặt xuống mặt giường, thức không ra thức, ngủ chẳng ra ngủ, mắt như nằm mộng. Nói lúc thì tỉnh, lúc lú lẫn. Khi tỉnh, không thấy Thiệu Hoa, lão cứ hỏi mãi, mọi người phải bịa ra bao lí do để dỗ lão; lúc lẫn, lão kể thôi là kể tên đủ loại chân bó. Các bậc danh y trong thành từ danh y Tô kim Tản, thần y Vương Thập Nhị, cao thủ họ Hạ, thiết trượng họ Lí, Trại Hoa Đà, thần tiên họ Lưu ở phía bắc thành, cụ Hai Hồ không cần hỏi bệnh và bắt mạch, cụ Chín Hoàng không có bệnh cũng tìm ra được bệnh... đều lần lượt được mời đến nhưng ai cũng nói bọn tiểu quỷ dưới âm ti đã túm chặt một cẳng của cụ Đồng rồi, thuốc đến mấy cũng không giành lại được.

Hôm đó, Đào Nhi dẫn con gái Hương Liên là Liên Tâm đến thăm ông. Liên Tâm vào đến phòng là leo lên giường ông chơi. Bỗng con bé kêu thét, khóc thét lên. Đào Nhi tưởng Liên Tâm hết hồn vì bộ dạng chết dở của ông nội, ngờ đâu vì ông nội nắm lấy chân con bé. Không biết sức lực Đồng Nhẫn An ở đâu ra mà lão nắm cứng lấy không buông. Khuôn mặt như chết lại có khí sắc, mắt sáng long lanh, cơ thịt cứng ngắc ở miệng đã rung rung động đậy, hai lỗ mũi lúc nhỏ lúc to thở phì phò. Đào Nhi không biết cụ chủ muốn chết đi hay muốn sống lại, sợ đến nỗi kêu toáng lên. Hương Liên nghe tiếng vội đến, thấy tình cảnh đó, mặt bợt ra như tờ giấy trắng, vội túm lấy Liên Tâm kéo xuống rồi mắng Đào Nhi.

- Ở đâu chơi chẳng được mà phải vào đây? Mau đưa ra!

Đào Nhi vội vàng bế Liên Tâm ra ngoài. Mắt Đồng Nhẫn An vẫn lóe sáng, người như tỉnh ra, đến chiều đã nói được, tuy chưa thành câu song nghe rõ ràng từng chữ một. Lão bảo Hương Liên:

- Đến-lúc-bó-chân-cho-các-cháu-rồi! '

Hương Liên lặng giây lát, mặt không tỏ vẻ gì, chỉ gật đầu khẽ đáp:

- Con hiểu!

Trước ngày ốm nặng, ngày nào Đồng Nhẫn An cũng không quên việc này. Bên ngoài có kẻ nói phải cởi chân bó ra, có kẻ nói cấm bó chân rồi, làm lão nao núng không yên. Lứa cháu trong nhà lại đều là con gái, Liên Tâm bốn tuổi, hai con gái Bạch Kim Bảo, đứa lên năm, đứa lên sáu. Con gái Đổng Thu Dung cũng sáu tuổi, đều đến lúc bó chân cả rồi. Chỉ vì Hương Liên bảo Liên Tâm còn nhỏ quá, nên trùng trình để đấy. Đồng Nhẫn An bề ngoài không tiện thúc Hương Liên, song vẫn canh cánh bên lòng. Lúc này lão không thể đợi được nữa, tâm sự sắp trở thành hậu sự rồi. Lão kêu lên:

- Gọi -u -Phan, gọi -u -Phan!

Việc bó chân, không có u Phan không xong.

Nhưng từ ngày thi chân lần thứ hai, u Phan thấy Hương Liên đi đôi giầy đỏ năm xưa của vợ Đồng Nhẫn An thì đi thẳng về phòng, rất ít khi ló mặt. Ngoài mấy cô hầu tìm mụ nhờ vẽ kiểu giầy, khâu má giầy, lắp đế giầy, dán mặt giầy, rồi nữa là mở cửa cho mèo ra ngoài, đóng cửa sau khi đón mèo vào, không ai biết mụ làm những gì trong buồng. Bất chợt mụ có gặp Hương Liên giữa sân thì chẳng ai ngó ngàng đến ai. Bây giờ ờ nhà họ Đồng, Hương Liên là chúa, duy có nể u Phan vài phần. Có đồ ăn thức uống gì ngon lành mà không dễ kiếm, cô đều sai cô hầu mang đến biếu mụ. Riêng cô không vào phòng mụ, mà cũng có thể nói, cô chưa hề bước chân vào phòng mụ bao giờ.

Lúc này, bất kể Đồng Nhẫn An nói đi nói lại cho gọi u Phan, Hương Liên cũng không nhúc nhích, vẫn cứ ngồi bên cạnh canh chừng. Khuya lắm, chừng nửa đêm, Đồng Nhẫn An không giục nữa, mắt mở to chớp liền liền, như lắng nghe, rồi chuyển dịch bàn tay từng chút một về phía vách gỗ sát liền giường. Lão cố sức cào vách ván gỗ, không biết định làm gì. Bỗng phía đầu tủ cạch cạch liền mấy tiếng. Có người? Hương Liên sợ quá đứng bật dậy, mắt nhìn thấy vách gỗ đằng ấy chuyển động, từ từ mở ra như một cánh cửa rồi một bóng đàn bà đen kịt bước vào. Hương Liên suýt kêu thành tiếng, người đàn bà kia cũng giật mình, rõ ràng không ngờ cô cũng có mặt trong phòng này. Người đàn bà đen kịt ấy chính là u Phan. Mụ ta vào bằng cách nào? Chẳng lẽ đi xuyên tường mà vào? Hương Liên chợt tỉnh ngộ! Thì ra bức vách ấy là một cánh cửa ngầm, phòng mụ ta ở ngay sau bức vách ấy. Ngay tức khắc, Hương Liên nhìn thấu đến đáy mọi việc ở nhà họ Đổng. Cả phần dưới cái đáy ấy cô cũng thấy rõ mồn một.

Bất kể việc gì, một khi thấy rõ thì lập tức lòng bình tĩnh lại. Mấy năm qua, Hương Liên chưa nhìn thẳng u Phan lần nào, lần này vừa liếc mắt, cô thấy mụ thay đổi dữ quá. Tóc mụ một màu trắng xóa không thấy màu đen, thịt trên mặt đi đâu hết chỉ còn da bọc xương. Da chùng xuống nếp nhăn càng nhiều, mặt càng nhăn nheo, chỉ có đôi con ngươi phát ra ánh sáng lạnh lẽo từ hai hốc mắt đen ngòm. U Phan và Hương Liên đứng đối mặt nhau, ngó sững nhau, ngơ ngẩn nhìn nhau, trừng mắt nhìn nhau một lúc lâu. Rốt cuộc Hương Liên vẫn có bản lĩnh hơn. Cô chỉ vào Đồng Nhẫn An, lên tiếng trước với u Phan:

- Ông cụ có chuyện muốn nói với bà.

U Phan bước tới trước giường, đứng đợi. Đồng Nhẫn An nói:

- Chuẩn-bị-sẵn-ngày-mai-bó-bó tất!

Hai chữ cuối cùng lão nói liền được một hơi. U Phan gật đầu sau đó ngước mắt lên nhìn Hương Liên một cái. Cái nhìn này như nhát dao đâm trúng tim Hương Liên. Cô hiểu ánh mắt ấy là tất cả những gì mụ ta để bụng mấy năm nay muốn nói mà chưa có dịp nói với cô. Sau đó mụ quay người đi luôn, nhưng không đi theo lối cửa bí mật mà mở cửa chính bước ra. Thân hình mặc toàn đồ đen lập tức tan biến trong đêm tối.

Sáng sớm hôm sau, Hương Liên cho gọi mọi người ra sân báo tin:

- Cụ ông ra lệnh, chiều hôm nay, trẻ con các phòng nhất loạt bó chân, ai nấy chuẩn bị sẵn đi!

Nói xong cô trở về phòng mình. Các phòng, phòng thì im lặng, phòng thì có tiếng khóc, phòng thì nói chuyện, nhưng đều hạ giọng nói khe khẽ thôi. Đến giữa trưa, Đào Nhi bỗng cất cao giọng ngay giữa sân gọi Liên Tâm. Hương Liên chạy ra cửa hỏi, thì ra Liên Tâm không thấy đâu nữa. Cả mấy cô hầu và người làm trong nhà sục tìm nhà trước phòng sau, cả ngách hòn non bộ, nhà bếp, thống nuôi cá, nhà xí, nóc nhà, ống khói đều tìm cả nhưng đều không thấy. Hương Liên mặt biến sắc, hai tay giang ra, vả cho Đào Nhi mười tám cái vào hai bên má đến nỗi vả gấy một cái răng nanh bên trái, máu chảy cả ra mép. Đào Nhi không kêu, không van xin, chỉ rớt nước mắt nghe Hương Liên quát the thé:

- Cổng đóng sao lại mất con bé? Mày ăn nó rồi ăn thịt nó rồi, mày nhả nó ra cho tao!

Rồi khóc, rồi ầm ĩ, rồi kêu gào, rồi bới lộn cả lên, chẳng còn ai ra người nữa.

Liên Tâm mất tích, hôm ấy việc bó chân không thành. Đồng Nhẫn An sau khi biết tin, bảo:

- Đợi-đợi-bó-một-thể!

Thế là đằng thì đợi, đằng thì đi tìm. Trong nhà tìm không thấy thì ra ngoài tìm. Hàng xóm láng giềng, nhà trước cửa sau, đầu ngõ cuối ngõ, trong thành ngoài thành, sông đàng đông ngòi đàng tây, cả chợ buôn người ở mé ngoài thành phía tây cũng đến, nhưng nào thấy tăm hơi? Lần chạy đi tìm này mới thấy thành Thiên Tân quả là rộng vô bờ, người đông không đếm xuể, khiến hai bàn chân Đào Nhi sưng lên mà vẫn phải chạy khắp nơi. Người bảo bị đại tiên chộp mất, kẻ bảo bị mẹ mìn bỏ bùa mê đem bán cho cha cố nhà thờ moi tim gan, khoét mắt, cắt lưỡi, lộn mề, căng tai làm thuốc tây rồi. Từ khi người nước ngoài xây nhà thờ ở Thiên Tân, dân chúng ngày đêm lo lắng chỉ sợ con trẻ bị bắt cóc để chế biến thuốc tây.

Đào Nhi quỳ thưa với Hương Liên trước mặt mọi người, hai mắt khóc đỏ mọng như hai quả nhót:

- Liên Tâm e mất tích thật rồi, cháu cũng chẳng thiết sống nữa, mợ muốn bắt chết như thế nào cũng xin vâng.

Hương Liên không nói nên lời. Nước mắt lúc ướt lúc khô trên má. Ở chỗ u Phan đã chuẩn bị xong. Mấy chục cuộn vải bó chân, nhuộm đủ màu phơi trẽn cành mai giữa sân như đón tết. Mấy cô hầu thấy thế đều khóc thầm:

- Thương cho Liên Tâm quá...

Hương Liên thấy thế bèn lên nhà nói với Đồng Nhẫn An: .

- Cháu Liên Tâm chưa tìm được, thôi đừng chờ nữa, cha cho bó đi thôi!

Khuôn mặt đã chết một nửa của Đồng Nhẫn An giật một cái, lão giận giữ thốt lên:

- Đợi!

Bảy ngày trôi quá. Đồng Nhẫn An không vượt qua, không chống chọi được, chỉ còn chút hơi thoi thóp ở cổ. Lúc nói, miệng như ngậm đậu phụ nóng, lúng ba lúng búng chẳng ai nghe ra: Sau chỉ thấy mồm mấp máy không thành tiếng nữa. Buổi sáng cả nhà ăn cơm ở sảnh trước, cơm xong Đổng Thu Dung ở lại bàn với Hương Liên:

- Chị Cả ạ, xem chừng ông cụ qua được mồng một chứ khó qua nổi hôm rằm. Mấy ngày hôm nay, nói dại nói dột, cháu Liên Tâm mất tích, ruột em cũng như đứt thành hai khúc. Nhưng bây giờ chị làm chủ nhà này, chị phải gượng lấy lại tinh thần lọ liệu hậu sự cho ông cụ. Lại nhân lúc ông cụ không còn tỉnh táo mà làm cho xong cái việc bó chân đi.

Hương Liên lúc này mới gật đầu, bảo ban người nhà dọn sạch bàn, ghế, tủ, giá ở sảnh trước đi, quét dọn sạch sẽ để bày linh sàng. Các thứ dùng cho đám táng, thuê mượn về đầy đủ, lại sai người đến cũng Thiên Hậu, điện thần tài và đền Lã Tổ mời sẵn hòa thượng, đạo sĩ, ni cô, thày chùa đọc kinh cho bốn rạp, sau đó mời nhà đám chuyên dựng rạp, rồi xe lừa, xe ngựa, xe bò, xe đẩy chở tre nứa, gỗ lạt, chiếu lau. ván sàn, vải vàng, vải trắng, vải xanh, giây thừng to nhỏ... đến. Nhưng đến lúc ấy người đi tìm Liên Tâm vẫn chưa thấy bóng dáng cô bé đâu, Đổng Nhẫn An lại cố gắng gượng ba ngày nữa, da đã xạm đen, bảo chết thì cũng là chết rồi. Khi khiêng đặt lên linh sàng, lão như không thở nữa nhưng vẫn mở to mắt, con ngươi long lanh như hai hạt thủy tinh. Hạnh Nhi nói:

- Các mợ nhìn mắt cụ ông kìa, không chừng sắp hoàn dương cũng nên!

Hương Liên vội đến nhìn. Mắt Đồng Nhẫn An sáng đến phát sợ. Cô hiểu ý, ghé sát xuống nói khẽ với lão:

- Cháu Liên Tâm tìm thấy rồi, ngay bây giờ bó chân cho các cháu!

Cô nói xong, mắt Đồng Nhẫn An lập tức không còn ánh sáng phát sợ ấy nữa nhưng vẫn mở.

Hương Liên ghé vào tai Đào Nhi nới thầm mấy câu, bảo Đào Nhi làm ngay lập tức lại gọi Hạnh Nhi mời u Phan chuẩn bị gấp mấy thứ đồ bó chân, sai Hoa Nhi, Thảo Nhi chia nhau đến phòng Bạch Kim Bảo và Đổng Thu Dung đưa mấy đứa nhỏ ra sân để bó chân.

Lát sau, nơi bó chân đã bày biện xong. Hai con gái Bạch Kim Bảo là Nguyệt Lan, Nguyệt Quế, con gái Đổng Thu Dung là Mĩ Tử đều được dẫn ra sân, sắp một hàng ngang. Ba cô hầu gái Hạnh Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi chia nhau coi ba đứa trẻ, mọi việc có u Phan sai phái. Các cô hầu vừa mới bầy các thử chậu, bình, kéo, vải, chai thuốc, hũ thuốc lên, mấy đứa trẻ đã sợ phát khóc, cừ y như có người vừa chết vậy.

Cảnh này bày ra ngay trước mặt sảnh trên mà cửa sảnh lại mở toang, thành thử cũng là bày ngay trước mặt Đồng Nhẫn An đang mở mắt nằm ngay đơ trên linh sàng đặt trong sảnh. Hương Liên ngồi trên đôn sứ đặt bên cạnh, Đào Nhi đứng hầu đằng sau.

U Phan vẫn mặc toàn đồ đen nhưng lần này từ đầu đến chân không hề có màu sắc nào khác. Mụ ta đến trước mặt từng đứa trẻ, lột giầy ra vất đi, cầm lấy ban chân ngắm nghía trước sau, phải trái, trên dưới, trong ngoài rồi bỏ vào chậu nước ấm ngâm, cứ như sắp sửa mổ thịt. Một mặt mụ dặn Hạnh Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi các cách bó khác nhau, một mặt mụ phân phát mấy dôi giầy nhọn, thon, ngắn, hẹp khác nhau. Xong, mụ bước ra giữa sân, chân vừa đứng, mắt liền trừng, tay liền vẫy, giọng khàn khàn ra lệnh.

- Bó!

Mấy cô hầu gái ra tay cùng một lúc. Họ kéo chân bọn trẻ ra khỏi chậu để bó. Bọn trẻ khóc ầm lên. Nguyệt Quế túm ngay lấy tay áo Bạch Kim Bảo:

- Mẹ ơi, con không nghịch hộp son của mẹ nữa đâu, mẹ tha cho con!

Bạch Kim Bảo tát cho cô bé một cái, nói:

- Phúc nhà mày đấy con chết dẫm ạ. Người ta muốn bó còn không được bó, để chân to cho tuyệt nòi nhà mày đi!

Người ở ngoài sân ai cũng biết câu đó cốt nói cho Hương Liên nghe. Hương Liên ung dung ngồi, không lộ vẻ tức hay giận, nét mặt cứ điềm nhiên như không, dáng dấp lúc nào cũng như bà chúa trong cũng Thiên Hậu. Chỉ thấy trẻ con khóc, người lớn la và mấy dải vải bó chân trong tay mấy cô hâu kêu sột soạt, ngoài ra là giọng khàn khàn của u Phan ra sức hô: "Chặt, chặt, chặt vào!". Đổng Thu Dung khóc thảm thiết hơn con gái nhưng không thành tiếng, người cứ nấc giật lên, nước mắt thấm ướt cả vạt áo trước như áo bị hắt nửa chậu nước. Bạch Kim Bảo thì không cú lấy một giọt nước mắt, khuôn mặt xinh như hoa tươi cười, thỉnh thoảng lại giật lấy dải vải bó chân trong tay Hạnh Nhi, Hoa Nhi ra sức néo chặt, chừng như muốn để thế hệ sau trả mối thù kiếp này cho mình vậy.

U Phan quát Thảo Nhi:

- Làm gì mà để con bé khác gào lên thế?

Thảo Nhi đáp:

- Ngón chân cứng quá, gập được ngón này, ngón khác lại bật lên.

U Phan mắng:

- Đồ chết toi! Mày gập ngón thứ hai với ngón út, ngón giữa với ngón thứ tư không cần gập cũng cong xuống đấy!

Thảo Nhi đổi cách bó, Mĩ Tử cũng thôi không gào nữa.

Hương Liên thầm nghĩ, u Phan thật là nhà nghề chính cống. Hồi ấy nếu bà ta không cứu mình thì sao mình có ngày nay? Cho dù sau này thành thù oán thì vẫn phải ghi nhớ ơn đức trước kia của người ta mới phải. Cô bèn bảo Đào Nhi bê cái đôn sứ ra ngoài sân.

Đào Nhi mang cái đôn sứ đặt cạnh u Phan, nói:

- Mợ Cả nói với bà ngồi xuống đây nghỉ chốc lát!

Ngờ đâu u Phan không thèm để ý, chỉ ngó sững đôi chân từng đứa trẻ một. Khi đã bó xong, mụ bước tới kiểm tra từng bàn chân. Chỗ vuốt cho ngay, chỗ nắn lại cho khỏi vẹo, tay ấn ấn vào gan bàn chân, bàn chân nào cũng phải trọn vẹn từ mé trong cho tới ngón mới được. Cuối cùng mụ rút chiếc lược bí giắt trên đầu, một nửa là răng lược để chải tóc, một nửa là thước đo vừa ba tấc Mụ đo từng bàn chân một, đo dọc đo ngang, đo xiên, đo thẳng, đo cả bàn, đo trung đoạn. Đo xong, mụ lạnh lùng bảo:

- Được rồi!

Rồi không để mắt tới Hương Liên, mụ quay đầu trở về phòng mình.

Hương Liên bảo khẽ Đào Nhi một câu gì đó, Đào Nhi vào phòng Hương Liên dắt ra một bé gái. Ai nấy giật mình tưởng đã tìm được Liên Tâm, đã bó xong chân, đi đôi giầy nhỏ cho em. Khi lại gần, nhìn mặt không phải Liên Tâm, chỉ cách ăn mặc là giống. Thì ra Hương Liên tìm một bé gái thay cho Liên Tâm, lám Bạch Kim Bảo giật mình một lát.

Hương Liên dẫn hai người đàn ông giúp việc vào linh đường. Ba người, một đứng bên phải, một đứng bên trái, một đứng phía trên, đỡ cho đầu Đồng Nhẫn An ngẩng lên. Hương Liên nói:

- Cha nhìn kìa, đứng giữa là cháu Liên Tâm, bên trái là Nguyệt Quế, Nguyệt Lan, bên phải là Mĩ Tử, các cháu đều bó chân cả rồi.

Đồng Nhẫn An vốn như đã tắt thở, lúc này lại sống lại! Hai con ngươi đưa đẩy liếc một cái, nhìn khắp lượt những đôi chân bó thành góc bánh, thành ngạnh ấu, thành búp măng của mấy đứa cháu gái đứng thành hàng ngang bên dưới, lập tức ánh mắt càng trở nên rạng rỡ, chẳng khác nào hai viên ngọc trân châu thật to. Hương Liên biết đó là "hồi quang phản chiếu", nhưng chưa kịp dặn hai anh người làm ở hai bên cẩn thận thì Đồng Nhẫn An đã thở hắt ra, hơi thở thối dựng cả râu hàm trên, mắt trợn ngược, ngực dô lên, chân duỗi ra, thế là ngoẻo. Chớ nói Hương Liên, cả hai anh người làm cũng sợ, tay đỡ không vững, đầu Đồng Nhẫn An rơi bịch xuống giường như trái dưa rơi xuống đất. Chẳng cần người vuốt, mắt đã nhắm tịt lại rồi. Da mặt không xạm đen đáng sợ như trước mà trắng dần ra, tĩnh lặng như mặt hồ ngày xuân.

Hương Liên khóc to:

- Ới ông ơi, ông đừng bỏ chúng con một lũ mẹ góa con côi mà đi ông ơi!

Cô dậm chân, tay đập vào vách giường. Khắp nhà, người lớn trẻ con vừa gọi, vừa kêu khóc, ầm ĩ cả lên. Trẻ con khóc càng dữ, chẳng biết khóc ông chết hay khóc chân đau.

Hương Liên vừa khóc vừa gào:

- Ông nhẫn tâm thế, ông nhẫn tâm quá ông ơi?... Con biết làm sao bây giờ ông ơi!...

Tiếng gào khóc chói tai người khác chứ nào có lọt tai người chết!

Chỉ riêng phía phòng u Phan không thấy động tĩnh gì. Con mèo đen to bự vẫn nằm trên đầu tường, cằm gác lên chân, đưa mắt lười biếng nhìn về phía bên này.

Theo phép tắc của tổ tông truyền lại, người chết được đặt tại linh đường, bày đạo tràng, mời hòa thượng và đạo sĩ đọc kinh, siêu độ vong hổn, gọi là lễ cúng chay "lũy thất". Cúng chay bao nhiêu ngày tùy mình định, tuần đầu là bảy ngày, tuần hai là mười bốn ngày, tuần ba là hai mốt ngày, cử bảy ngày một mà tăng lên. Người lắm tiền thì cố tăng lên mãi. Tục này nghe nói bắt đầu từ năm thứ năm niên hiệu Đạo Quang (1825), ông già nhà họ Lưu ở Thổ Thành chết, kinh đọc đến ngày thứ ba thì đến lượt một đám ni cô đọc kinh tì khưu ni? Nhè nhẹ tiếng chiêng tiếng mõ. ông già bỗng trở mình ngồi dậy, làm người coi linh sàng hết hồn bỏ chạy, đám sư nữ nhảy ào từ trên rạp xuống, sái cả chân, tưởng xác ông già biết trỗi dậy. Ông già giơ hai tay ra nháp, rồi dụi mắt, gắt lên với mọi người:

- Chúng mày làm gì thế? Diễn tuồng à? Tao đói quá!

Người táo gan bước đến coi, thì ra ông già sống lại thật. Cái năm ấy, người giả chết cũng có nhiều. Từ hôm đó, nhà có của ở Thiên Tân cúng chay đến bốn chín ngày, để người nằm đó bốc mùi lên mới khâm liệm, hạ huyệt an táng.

Nhà họ Đồng cúng chay đã đến tuần thứ bảy. Những thứ dùng cho ngày đưa ma như xe loan, lọng vàng, kiệu đưa hồn, phướn, minh tinh, đình để lư, để hương, để ảnh, để hoa, người giấy, ngựa giấy, móng vàng, cối ngọc, ghế triều thiên, thanh la mở đường, cờ dẹp đường, trống kèn, huyết lễ cán đỏ, tuyết liễu cán trắng v.v.. đứng kín hai hàng từ cổng ra tới ngoài đường, chẳng khác nào cảnh mở cửa hàng của cả một dẫy phố. Thần ngăn đường, quỷ mở lối đặt dựa vào tường phía ngoài, cao đến ba trượng, nhô lên khỏi đầu tường đến nửa người, đầu đột mũ, tóc buông xõa, thè cái lưỡi đỏ dài tám thước, khiến cho lũ bé gái vừa mới bó chân còn ở trên giường sợ hết hồn, không dám bám vào cửa sổ ngó ra ngoài. Ba mợ chủ Qua Hương Liên, Bạch Kim Bảo, Đổng Thu Dung mặc áo sô ngày đêm thay nhau túc trực trước linh cừu. Có điều lạ là Đồng Thiệu Hoa vẫn chưa thấy mặt mũi đâu, có phần chắc đi xa không biết tin tức, nếu không lúc này đúng là dịp tốt để hắn trở về độc quyền cai quản nhà họ Đồng. Bạch Kim Bảo mong hắn trở về, Qua Hương Liên lại mong Đồng Nhẫn An sống lại. Dù ai được như nguyện thì tình thế nhà họ Đồng cũng biến đổi hẳn. Nhưng hơn bốn mươi ngày đã trôi qua vẫn chẳng thấy tăm hơi Thiệu Hoa đâu, mặt Đồng Nhẫn An đã teo tóp, dù có sống lại cũng là quỷ sống.

Người được cử đem tin báo cho Đồng Thiệu Phú, Nhĩ Nhã Quyên mới đi được nửa đường, trở về nói nước sông Hoàng Hà, Hoài Hà đều to, không vượt qua được; nếu từ Bạch Hà ra biển rồi quành trở lại thì cũng muộn mất rồi, bởi vậy chỉ có mấy nàng dâu trực quan tài. Việc đó khiến cho rất nhiều người chẳng phải bạn bè, thân thích, thậm chí bắn súng cũng không tới, chẳng có thiếp báo tang cũng kéo đến, mượn cớ điếu phúng người chết mà xem chân ba mợ nàng dâu, nhất là mợ Qua Hương Liên danh nổi như cồn. Ngược lại, bạn bè ngày thường vẫn đến, lại chẳng thấy ló mặt. Thật đúng như tục ngữ nói "bạn trên ngựa hết tình khi xuống ngựa, bạn sinh thời lúc chết cũng thôi luôn". Lòng dạ Hương Liên thật u ám, buồn thảm.

Nhưng nói gì thì nói, cô cũng không thể nói đến chữ chết. Trước ngày đưa ma một hôm, chiếc chuông nhỏ ở cổng vừa reo, chiêng trống của nhà sư vang lên, thì có một người đàn ông vừa vào đến cửa đã thụp xuống trước linh cữu, rập đầu liền năm cái. "Người sống ba, người chết bốn", lệ xưa nay rập đầu lễ người chết chỉ có bốn cái, sao người này lại rập đầu thừa ra một cái? Tim Hương Liên như nẩy bật lên cổ, tưởng đâu Đồng Thiệu Hoa hổ thẹn về chịu tang. Đợi người kia ngẩng cái mặt bị thịt lên, thì ra là Ngưu Phượng Chương. Bộ mặt đưa ma ấy nhếch mồm kể lể:

- Cụ Đồng ơi, cụ suốt đời đối xử hậu với tơi, vậy mà tôi có hai việc làm không phải với cụ. Việc thứ nhất khiến cụ bỏ mạng, việc thứ hai nếu cụ biết, cụ ắt không tha thứ cho tôi. Tôi thật chẳng ra gì! Còn cụ...

Nói đến đây, lão thấy mắt Hương Liên bắn ra một tia sáng nhọn hơn đầu mũi tên khiến lão sợ hãi nuốt câu định nói đó đi. Ngừng một lát, lão lại khấn:

- Cụ có thành quỷ cũng đừng về tóm tôi đấy nhé! Cự hẳn thấy tôi hơn hai chục năm trời nay, việc gì cũng làm theo lời cụ. Tôi còn có đấy nhà vợ con, kẻ trên người dưới nhờ cậy tôi nuôi sống mà cụ ơi! - Nói xong lão hu hu khóc ầm lên.

Lẽ ra Hương Liên phải đáp lại cái lễ rập đầu đó, xong phải mời người ta vào rạp uống nước ăn bánh trái. Nhưng cô lại nói:

- Đừng để ông Năm Ngưu thương tâm quá!

Rồi sai người nhà đưa ông ta ra khỏi cổng.

Sau khi Ngưu Phượng Chương đi khỏi, trời đã tối, trong ngoài đèn lồng, nến, hương thắp sáng trưng. Ngày mai đưa ma, một đống việc đang chờ Hương Liên lo liệu. Bỗng Đào Nhi chạy xộc vào kêu:

- Hỏng rồi, hỏng rồi...

Hương Liên thấy Đào Nhi mặt đỏ bửng, tay chỉ phía sau lưng cô, miệng không nói nên lời; trong phút chốc Hương Liên ngẩn ngơ hoảng hốt tưởng Đồng Nhẫn An trỗi xác hay đã sống lại. Cô quay đấu lại nhìn, thấy sân trong rần rật ánh sáng đỏ, chiếu loang loáng mọi vật và mọi khuôn mặt ở xung quanh. Là thần, là phật, là tiên hay quỷ quái yêu ma đây? Rồi người này tiếp theo người khác kêu ầm lên:

- Cháy, cháy, cháy rồi!

Hương Liên theo mọi người ùa vào sân trong, thấy lửa từ cửa sổ một gian nhà phía tây bắc phụt ra. Những lưỡi lửa dài bò ra bên ngoài như con rắn vặn mình, khói đen cùng với nhũng đốm lửa cuồn cuộn bốc lên. Hương Liên giật bắn người: đó là phòng u Phan!

May sao lửa chưa bốc lên mái nhà, lửa không mạnh vì không có gió. Thanh la hội cứu hỏa gần dấy chừa nổi lên thì người nhà và cả hòa thượng, đạo sĩ đang đọc kinh đã ba chân bốn cẳng bưng chậu, xách thùng dập tắt được lửa. Hương Liên bị khói xông chảy cả nước mắt nhưng vẫn gọi:

- Cứu người đi! Đưa u Phan ra ngoài!

Mấy người đàn ông đầu trùm chăn thấm nước chui vào trong phòng, lát sau đã chui ra, không thấy đưa u Phan ra, hỏi cũng không đáp, luôn mồm ho vì sặc khói. Con mèo đen to bự đứng trên đầu tường ra sức gào về phía căn phòng cháy, tiếng gào xuyên qua lỗ tai mọi người vào đến tận tim. Hương Liên không cần biết mặt đất là lửa hay là than, là than hay là lửa, cứ bước qua, nhờ ánh đèn lồng nhìn vào trong. U Phan ôm một cuộn vải dầu, đã chết cháy, người co rúm lại. Trên mặt đất khắp phòng là những chiếc giầy xinh thêu hoa cháy bết vào nhau, có đến mấy trăm đôi. Mùi khét dễ khiến người ói mửa. Hương Liên buồn nôn, vội vàng bước ra khỏi phòng.

Hôm sau, Đồng Nhẫn An được sáu mươi tư cây đòn khiêng đi. Suốt dọc đường, người đông đúc rung trời chuyển đất đưa lão đến chôn ở phần mộ Đại Tiểu Viên ngoài cửa Tây. U Phan cũng được thuê bốn người đi cổng sau đưa chôn lặng lẽ âm thầm ở nghĩa địa ngoải cửa Nam. Khu nghĩa địa này do hội đồng hương Chiết Giang bỏ tiền mua, dành chôn những cô hồn không người thân thích. Thật ra, làm rùm beng hay mai táng lặng lẽ, cách nào cũng đều do người sống bày đặt ra cả.

Người chết rốt cuộc đều trở về nằm dưới đất đen.