Seamus Heaney, Nobel văn chương 1995
Lần đầu tiên nghe cái tên Stockholm, tôi không nghĩ mình sẽ có dịp được hiện diện ở thành phố này; còn về chuyện trở thành khách của Viện Hàn lâm Thụy Ðiển và Ủy ban Nobel, thì khi đó, dù chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng không thể. Vào quãng thời gian mà bây giờ tôi đang nhớ lại đó, sự kiện của ngày hôm nay hình như không chỉ là hão huyền, mà hoàn toàn không hề tồn tại trong đầu óc tôi. Giữa những năm 40, là con trai lớn trong một gia đình đông con - và liên tục đông thêm - của một chủ trại ở địa hạt Derry, chúng tôi chen chúc trong một ngôi nhà lợp mái rạ kiểu truyền thống gồm ba phòng, và trải qua cuộc sống nói tóm lại như trong hang hốc, tách biệt với thế giới bên ngoài cả về mặt tình cảm lẫn tinh thần. Ðó là một sự tồn tại khép kín, tự túc, thậm chí có phần nào hơi giống súc vật, khi xen lẫn với tiếng người lớn ngồi trò chuyện trong bếp sau một bức tường khác có cả những tiếng sột soạt ban đêm của con ngựa nhốt trong ngăn chuồng sau bức tường phòng ngủ. Tất nhiên là chúng tôi, một lũ trẻ con, với sự thèm khát đã nhập vào mình tất cả những gì diễn ra xung quanh: cả cơn mưa trên cây cối, cả tiếng lũ chuột trên căn phòng áp mái, lẫn chiếc đầu máy xe lửa xả hơi phì phì bên kia cánh đồng, - nhưng chúng tôi làm việc này với một vẻ gì đó mơ mơ màng màng, như thể trong trạng thái ngủ. Sống trong thế giới ngoài lịch sử và trước thời kì phát dục, trong trạng thái chơi vơi giữa thời cũ và mới, chúng tôi cũng nhạy cảm và dễ hấp thụ như thứ nước uống đựng trong chiếc xô đặt ở phòng xép cạnh căn bếp nhà mình: mỗi khi mặt đất rung lên bởi đoàn tàu ầm ầm chạy từ xa, trên mặt nước lại có những vòng tròn đồng tâm im lìm, chầm chậm tản ra.
Nhưng vọng đến thính giác của chúng tôi không chỉ có rung động của đất; không khí quanh chúng tôi và bên trên chúng tôi cũng không chút kém phần sống động và có ý nghĩa. Gió lắc lư không riêng những cành sồi, mà cả các cần ăng-ten thép gắn chắc trên cành dẻ cao nhất. Một sợi dây dẫn được kéo xuống, qua cửa sổ bếp luồn vào nhà và chui thẳng vào ruột chiếc máy thu thanh, rồi từ đó, xuyên qua tiếng lào xào và lẹt xẹt khó hiểu là giọng nói của phát thanh viên đài BBC, giống như
deus ex machina [1] bất thình lình hiện ra từ khoảng trống. Nằm trên giường, chúng tôi nghe thấy cả cái giọng nói này, nó át cả tiếng trò chuyện của những người lớn ở ngoài bếp, y hệt như thường nghe thấy những tín hiệu Morse loạn xị, chối tai cắt ngang tất cả mọi thứ giọng xung quanh.
Trong câu chuyện bằng tiếng địa phương rì rầm của cha mẹ chúng tôi nghe thấy các tên láng giềng; còn trong giọng đọc nhanh, chuẩn của phát thanh viên - là tên gọi các máy bay oanh tạc và các thành phố bị oanh tạc, các chiến trường, các sư đoàn, số máy bay bị hạ, số lính bị bắt làm tù binh, những thiệt hại và tên các vùng lãnh thổ đã chiếm lại được; tất nhiên chúng tôi cũng phân biệt được cả những từ hoàn toàn khác, vang lên một cách trang trọng và thậm chí có vẻ gì đó hiên ngang như là "quân địch" và "đồng minh". Nhưng cả lúc ấy, không một thông báo nào trong những bản tin tương tự về cái thế giới đang co giật trong những cơn động kinh đó khiến tôi khiếp hãi. Nếu trong giọng phát thanh viên có cảm thấy điều gì đó đáng sợ, thì trong nhận thức của chúng tôi về điều đang xảy ra lúc ấy lại có cái gì uể oải, đờ đẫn; nếu sự dốt nát chính trị kiểu này vào thời đó, trong hoàn cảnh đó, là đáng lên án, thì thái độ an nhiên tự tại - kết quả của sự dốt nát ấy ở tôi - cũng có những khía cạnh tích cực của mình. Nói cách khác, với tôi thời kì chiến tranh là thời trước tư duy. Và cũng là trước văn chương. Và ở một ý nghĩa nào đó là cả trước lịch sử. Sau đó, khi mức độ quan tâm của tôi với cái máy thu thanh trở nên có mục đích rõ rệt hơn, tôi bắt đầu trèo lên lưng tựa chiếc đi văng to, cố gắng để ở gần với phát thanh viên hơn. Nhưng cả lúc ấy, điều làm tôi quan tâm hơn cả không phải các bản tin thời sự, mà là những câu chuyện hấp dẫn như là bộ truyện trinh thám về điệp viên người Anh Dick Barton, hoặc vở kịch truyền thanh phỏng theo một trong những chuyện phiêu lưu hấp dẫn của thuyền trưởng U. John với sự tham gia của một phi công Không lực Hoàng gia Anh tài ba. Còn bây giờ, khi các anh chị em của tôi đã lớn, và trong bếp thường xuyên ồn ào, để nghe rõ hơn, tôi đã buộc phải ghé sát tai vào máy thu thanh, mắt căng thẳng dán vào thang khắc dò sóng bật sáng và làm quen với những tên đài phát thanh nước ngoài, với những Leipzig, Oslo, Stuttgart, Warszawa, và tất nhiên là với cả Stockholm.
Chuyển từ sóng BBC sang Radio Eireann, từ ngữ điệu London sang ngữ điệu Dublin, tôi đã quen với những tràng ngoại ngữ bất ngờ, và mặc dù không hiểu gì trong những âm rít và âm thanh quản của các ngôn ngữ Châu Âu, tự mình không ý thức được, tôi đã bắt đầu một cuộc du hành vào những khoảng không bao la của vũ trụ, và tiếp đó - qua các khoảng không bao la của ngôn ngữ, một cuộc du hành mà mỗi điểm trên bản đồ (dù là trong thơ ca hay trong cuộc đời) đã biến thành không đơn thuần là điểm đến, mà đúng hơn là một trạm chuyển tiếp; cuộc du hành này cuối cùng đã đưa tôi đến diễn đàn vinh dự ngày hôm nay. Tuy nhiên, diễn đàn này không hẳn là một trạm chuyển tiếp, mà là một trạm liên hành tinh, và bởi vậy, dẫu chỉ là một lần trong đời, tôi không từ chối mình niềm vui được lướt qua không gian này.
Tôi đang nói lời tôn vinh thơ ca. Không có thơ ca, cuộc du ngoạn trên bầu trời sẽ không thực hiện được. Tôi tôn vinh thơ hết sức cụ thể vì dòng thơ đã viết chưa lâu, khi tôi tự khuyên chính mình (cũng như bất kì ai sẵn lòng nghe lời khuyên đó) "hãy lướt trong không gian, xem thường ý nghĩ khôn ngoan". Nhưng tôi tôn vinh thơ ca cả trong ý nghĩa cao cả nhất, bởi vì chỉ thơ ca là có khả năng thiết lập được trật tự sự vật đồng đẳng tuân theo cả tác động ngoại cảnh, cả những quy luật nội tại của bản chất thơ ca, tương tự như những vòng tròn trên mặt nước cứ tản ra, tản ra trong chính chiếc xô ở căn phòng xép năm mươi năm về trước. Một trật tự sự vật mà với nó cuối cùng chúng ta có thể đạt đến cái trạng thái đã tích tụ được cùng với sự trưởng thành của chúng ta. Ðó là một trật tự sự vật luôn thỏa mãn những thèm khát trí tuệ và khơi nguồn cảm xúc. Nói cách khác, tôi tôn vinh thơ vì rằng thơ ca vừa thể hiện chính mình, vừa giúp thực hiện mối quan hệ thoáng qua có tác dụng chữa trị giữa trung tâm lí trí và ngoại vi của nó, giữa đứa trẻ căng thẳng nhìn vào chữ "Stockholm" trên thang khắc dò sóng của chiếc máy thu thanh và người đàn ông đang nhìn khuôn mặt của những con người mà anh ta được gặp gỡ ở Stockholm trong cái ngày đáng ghi nhớ này. Tôi tôn vinh thơ, bởi vì thơ xứng đáng với lời tôn vinh này - trong thời đại chúng ta và mọi thời đại khác. Thơ xứng đáng bằng chân lí của cuộc sống - trong tất cả sự đa nghĩa của cụm từ này.
Ngay từ đầu, tôi muốn chân lí của cuộc sống phải cụ thể, chân thực, và tôi đặc biệt tự hào khi bài thơ trở thành hình ảnh trực tiếp, trung thực của cái thế giới mà nó đại diện và bênh vực - hoặc là đối lập với bản thân nó. Khi còn là một cậu học trò, tôi đã yêu bản tụng ca
Gửi mùa thu của John Keats vì trong bài thơ này ngôn từ và cảm xúc hòa hợp với nhau; lớn lên chút nữa tôi yêu Gerard Manley Hopkins vì tiếng thốt reo thi vị, lần đầu tôi cảm nhận trọn vẹn sự đồng nhất của niềm hân hoan và nỗi đau; tôi yêu Robert Frost bởi tính chi li kiểu nông dân và sự trần tục cố ý của ông, tôi yêu cả Chaucer - cũng cùng nguyên do đó. Về sau, tôi đã phát hiện một kiểu chi li hoàn toàn khác, một sự nhập thế đạo đức mà tôi đã cảm nhận và sẽ luôn cảm nhận rất gần gũi ở thơ thời chiến của Wilfred Owen, nơi tính đa cảm của
Tân ước bị sốc trước cái man rợ của Thời đại Mới. Sau đó muộn hơn, qua sự trong trẻo của Elizabeth Bishop, sự quyết liệt trần trụi của Robert Lowell, sự trắng trợn đầy khiêu khích của Patrick Kavanagh
[2] tôi đã cảm thấy thêm những bằng chứng không thể bác bỏ của khả năng - và cả trách nhiệm - của thơ nói lên sự thật về những điều đang xảy ra, để "thương lấy hành tinh", để "không mê đắm với Thơ".
Khuynh hướng gốc rễ trong tính cách của tôi thiên về nghệ thuật nghiêm túc và trung thực đã được củng cố thêm bởi cả kinh nghiệm sống: tôi sinh ra và được nuôi dạy ở Bắc Ireland và luôn luôn sống bằng đất nước này, mặc dù đã một phần tư thế kỉ nay tôi không sống ở đó. Không nơi đâu trên thế giới có đủ lí do hơn để tự hào với tính cảnh giác và chủ nghĩa hiện thực cố hữu của nó, không tìm ở đâu ra hơn thái độ phủ nhận nhất quán bất kì những biểu hiện nào của thói ba hoa hoặc bốc đồng. Ðiều đó lí giải tại sao, một mặt, sau khi hấp thụ vào mình những quan điểm này cùng với sữa mẹ, còn mặt khác - sau khi đã tạo miễn dịch đối với chúng, trong suốt nhiều năm tôi đã phần nào chạy trốn, thậm chí còn chống lại sự đa dạng, phong phú của các nhà thơ rất khác nhau, như Wallace Stevens và Rainer Maria Rilke; đã đánh giá không đầy đủ tính tự mãn mong manh của Emily Dickinson, cái linh cảm đa nghĩa và những khúc ngoặt liên tưởng của bà, đã từ chối hiểu cái siêu thoát tiên tri của Eliot
[3] . Thói keo cú thẩm mĩ học ấy đã được củng cố bằng cả cái ý thức không mong muốn dành cho nhà thơ quyền lớn hơn bất kì một công dân nào khác, và về sau sự cần thiết làm thơ trong hoàn cảnh cưỡng bức chính trị không ngừng và bất mãn xã hội đã kích thích nó; xã hội, tuy vậy, đã hi vọng không phải vào thơ, mà vào sự xích lại gần nhau của các quan điểm giữa những đảng phái cách xa nhau về mặt chính trị.
Trong những hoàn cảnh như vậy, lí trí mặc dù thừa nhận tính hỗn độn trong các hành động và nhu cầu của bản thân, nhưng vẫn nỗ lực tìm kiếm cho mình chỗ dựa ở cái mà Samuel Johnson
[4] sinh thời đã gọi tên một cách rất chính xác là "tính bền vững của chân lí". Không cần đến các lập luận lí thuyết, ý thức nhanh chóng đoán định được rằng nó chính là nơi đụng độ của các tiền đề logic cạnh tranh. Một đứa trẻ ngồi trong căn phòng nghe đồng thời vừa ngôn ngữ quê nhà của những người thân Ireland của mình, vừa thứ ngôn ngữ trịnh trọng của đài phát thanh Anh quốc, thêm vào đó còn thâu nhận những tiếng ồn âu lo khác, khi đó đã dần dần chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đời người lớn của mình, cho tương lai của mình, nơi nó buộc phải đáp lại những thôi thúc được phân chia thành các khuynh hướng luân lí, thẩm mĩ, đạo đức, chính trị, vần luật, hoài nghi, văn hóa, thời sự, điển hình, hậu thuộc địa - những thôi thúc nói chung là loại trừ lẫn nhau. Tôi cũng trải nghiệm những điều này vào giữa những năm 70, trong một ngôi nhà trang trại khác, lần này là ở hạt Wicklow nằm ở phía Nam Dublin, nơi mà tôi, đã lập gia đình riêng và mua được một chiếc máy thu thanh nhỏ hơn, lại như ngày xưa, lắng nghe tiếng ồn của mưa và những bản tin chiến sự - bây giờ bom đã nổ gần hơn, không chỉ ở Belfast, nơi Quân đội Lâm thời Cộng hòa Ireland (IRA) hoạt động, mà cả ở Dublin, nơi các nhóm vũ trang Thanh giáo miền Bắc hoạt động tàn bạo không kém. Biết rằng những trải nghiệm của mình là hết sức nhỏ nhoi so với số phận bi thảm của Osip Mandelstam, đồng thời tôi càng củng cố quyết định của mình, bất chấp mọi hoài nghi, rằng cần phải "ở ngoài cuộc", nhất là khi được nghe kể, ví dụ như chuyện về một bạn đồng học của tôi, người theo như tôi còn nhớ, là một sinh linh hết sức ôn hoà, đã bị tống giam sau song sắt không qua xét xử vì bị ngờ có dính dáng đến một vụ sát hại chính trị. Những năm tháng đó tôi đã nỗ lực hướng đến không chỉ sự ổn định, mà còn trốn chạy khỏi bãi lầy của thuyết tương đối, để tôn vinh thơ ca mà không phải sợ hãi và biện minh. Trong bài thơ
Phơi trần (Exposure) của mình, tôi đã viết:
Nếu lạc chân lên thiên thạch!
Tôi sẽ lang thang giữa ẩm ướt tán cây
Của mùa thu qua phí hoài vô ích,
Mường tượng người hùng
Ðâu đó trong bùn lầy công sự.
Quà của gã, hệt viên đá trên dây ná cao su
Bắn xoáy đi cho ai tuyệt vọng.
Làm sao tôi lại đến nỗi này?
Thường hay nghĩ về lời khuyên của bạn bè tôi
Thẳng băng quá tuyệt,
Về sự lì lợm của những kẻ ghét tôi, -
Tôi ngồi vậy và mãi đắn đo, đắn đo
Những tristia
[5] đúng đắn của mình.
Vì điều gì? Ðể cho lời đồn đãi qua đi? Cho con người?
Ðể người ta đặt điều sau lưng tôi?
Cơn mưa rơi xuyên rừng trăn.
Những tiếng rì rào của nó không thể thích hợp hơn
Với tiếng thì thầm về sự suy tàn và thối rữa,
Nhưng mỗi giọt mưa đều gợi
Sự hoàn hảo kim cương.
Và tôi không phải là tù binh, chẳng phải là tên chỉ điểm;
Tôi là một gã tóc dài, kẻ lưu vong trên đất quê nhà
Và là cậu lính gỗ Ireland trầm tư
Thoát cuộc tàn sát
Khoác màu tự vệ
Của đất sét, vỏ cây
Và cảm nhận hơi thở muôn ngàn gió,
Ai đang thổi sức nóng lụi tàn từ những đốm lửa này
Chợt một lần đã bỏ lỡ -
Ðiềm triệu cuộc đời mình
Bông hoa hồng rung động ánh sao bay.
(Trích
Miền Bắc)
Trong những câu thơ rất được sinh viên thế hệ của tôi hâm mộ, những câu thơ có thể nói đã thấm hút vào mình tất cả dưỡng chất của chủ nghĩa tượng trưng, nhà thơ Mỹ Archibald MacLeish [6] đã khẳng định rằng "Thơ ngang với tất cả/những gì không chính xác". Với tư cách là một ẩn dụ táo bạo cho rằng thơ biết nói sự thật, nhưng là nói một cách gián tiếp, lời khẳng định này có sức thuyết phục và sức nặng. Tuy nhiên cũng có những thời kì đặt ra các nhiệm vụ có chiều sâu hơn, khi thơ không phải chỉ chân thực một cách tinh tế, mà còn phải trở nên tột bậc thông thái, không chỉ là những biến tấu độc đáo của những đề tài thế giới, mà là hiện thân của chính thế giới. Chúng tôi muốn tính độc đáo thơ ca thực sự công hiệu, như cú đấm sốt ruột khiến sau đó trên màn hình tivi lại hiện lên hình ảnh, như là cú sốc điện phục hồi nhịp đập của trái tim yếu ớt. Chúng tôi muốn chính điều mà người phụ nữ trong đoàn người xếp hàng ở nhà tù tại Leningrad muốn, với đôi môi xanh xám vì giá rét, khẽ thì thầm, để bản thân không bị đưa vào những phòng tra tấn của Stalin, cô đã hỏi Anna Akhmatova, liệu bà có thể mô tả hết tất cả những điều đó không, liệu thơ của bà có thể truyền đạt nổi những gì mà họ đã phải chịu đựng không. Và tôi cũng đã trải qua chính điều đòi hỏi đó, khi, trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều, ở hạt Wicklow, đã viết những dòng vừa được trích dẫn ở trên: sự đòi hỏi thơ ca phải xứng đáng với định nghĩa mà tôi đã dẫn chưa lâu: “Ðồng đẳng tuân theo cả tác động ngoại cảnh, cả những quy luật nội tại của bản chất thơ ca".
Hiện thực bề ngoài và động thái bên trong của các sự kiện ở Bắc Ireland giữa những năm 1968 và 1974 chứa đầy thay đổi, - những thay đổi này, theo sự thừa nhận chung, là mang tính cưỡng bức và dù sao đối với cộng đồng thiểu số sinh sống tại đó (dân Thiên Chúa giáo) chúng đã chín muồi từ lâu. Những thay đổi đáng ra đã phải đến sớm hơn nhiều, trong làn sóng bất mãn xã hội biến thành các cuộc tuần hành của quần chúng cuối những năm 60, - tuy nhiên điều đó đã không diễn ra, và những cơn phẫn nộ chín muồi bao năm đã nhất loạt bùng nổ. Là nhà đạo đức Cơ Ðốc giáo, một người dân Bắc Ireland không thể không lên án chính sách vô nhân đạo của IRA với những vụ nổ và ám sát của tổ chức này; là người Ireland "chân chính", anh ta cảm thấy kinh hoàng trước sự tàn bạo mà các lính Anh đã thể hiện đầy đủ trong những sự kiện như Ngày Chủ Nhật đẫm máu ở Derry vào năm 1972. Nhưng là đại diện của nhóm người thiểu số, tức là những người đã lớn lên với cảm giác bị người ta đối xử với mình (cả với những người như mình) một cách có định kiến và không tin tưởng vì bất cứ lí do chính thức hay không chính thức nào, anh ta nhìn nhận hoàn cảnh trong sự phù hợp hoàn toàn với chân lí thơ: để cuộc sống ở Bắc Ireland phát triển theo hướng tốt hơn, nhất thiết phải có những thay đổi. Tuy nhiên, cũng đại diện của nhóm người thiểu số này lại không thể không thừa nhận - cũng trong sự phù hợp với chân lí thơ - rằng bản thân sự tàn bạo mà IRA sử dụng để thực hiện các thay đổi đang phá hoại niềm tin mà trên đó các quan hệ mới có thể được vun đắp.
Tuy nhiên cho đến khi chính phủ Anh chưa làm hỏng tất cả mọi chuyện bằng cách sau Hội nghị Sunningdale vào năm 1974 đã chìa tay giúp nhóm công nhân trung tín tỉnh Ulster hành động trên quan điểm sức mạnh, một đầu óc tỉnh táo vẫn còn có thể hi vọng cứu vãn tình thế, để đưa vào ổn định tất cả những gì tốt đẹp cùng với những gì đã bị tàn phá và thực hiện điều mà nửa thế kỉ trước W.B. Yeats đã thử làm, là "đưa thực tại và công lí vào làm một". Nhưng sau năm 1974 và đến tận hiệp ước ngừng bắn vào tháng Tám năm 1994, suốt hai mươi năm dài niềm hi vọng này đã tỏ ra vô vọng. Bạo lực từ bên dưới chỉ làm tăng thêm bạo lực đáp trả từ bên trên, ước mơ về công lí bị hiện thực tàn nhẫn nuốt chửng, và con người trong một phần tư thế kỉ chìm đắm trong trống rỗng và nhỏ nhen, càng trở nên tàn bạo hơn, càng cách biệt nhau hơn - và tất cả những cái đó là hậu quả trực tiếp của sự câu kết chính trị, của những đọa đày không chịu nổi, cũng như của bản năng tự vệ tối thiểu.
Một trong những thời điểm xé lòng nhất của những năm đó, khi tâm hồn Bắc Ireland quặn thắt, vào một buổi chiều tháng Giêng năm 1976, một chiếc mini-bus chở công nhân đi làm về đã bị đám người đeo mặt nạ chĩa tiểu liên chặn lại, lệnh cho các hành khách bước xuống và đứng xếp hàng dọc theo con đường. "Tất cả người Thiên Chúa giáo bước lên!" - một tên đao phủ quát. Hoàn toàn ngẫu nhiên, tất cả công nhân trong nhóm, chỉ trừ một người, đều là tín đồ Thanh giáo, do vậy trong ý nghĩ đầu tiên của họ, rõ ràng bọn người đeo mặt nạ thuộc tổ chức vũ trang trung tín và chúng đang định bắn chết người Thiên Chúa giáo duy nhất, "lẽ đương nhiên" có cảm tình với IRA. Người Thiên Chúa giáo này đã trải qua những khoảnh khắc hãi hùng, cảm thấy mình đồng thời vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân, nhưng sau những lưỡng lự giày vò anh đã quyết định bước lên. Và người này, trong một phần rất nhỏ của giây, trong sự che phủ cứu vớt của những buổi chiều đông chập choạng, anh chợt cảm thấy người công nhân Thanh giáo đứng bên cạnh sờ vào tay mình và bóp khẽ: im lặng, đừng nhúc nhích, chúng tôi sẽ không nộp anh, sẽ không ai biết anh thuộc đức tin nào, đảng phái nào. Nhưng cái bóp tay đã chậm: người Thiên Chúa giáo đã bước lên phía trước - nhưng thay vì để nhận viên đạn vào thái dương, anh bị đẩy sang một bên, và đúng khoảnh khắc đó, bọn khủng bố nổ súng vào những người còn lại đứng bên vệ đường. Hoá ra những tên khủng bố không phải là các tín đồ Thanh giáo, mà là thành viên của IRA Lâm thời.
Ðôi khi khó thoát khỏi ý nghĩ rằng lịch sử không mang tính giáo huấn hơn một cái lò sát sinh; rằng Tacitus [7] đã đúng và hoà bình chỉ đạt được trên đống đổ nát sót lại sau những hành động tàn nhẫn của sức mạnh tàn bạo. Chẳng hạn, tôi còn nhớ bản thân tôi đã rất kinh hãi với ý nghĩ: nếu người bạn đồng học của tôi, chính cái anh bạn bị nhốt sau chấn song nhà tù những năm 70 vì bị khép tội sát hại chính trị, bằng tội ác của mình đã giúp tương lai được sinh ra. Liệu anh ta có phá vỡ những giáo luật đã lỗi thời, giải phóng xu thế mới bằng cách thức thực tế duy nhất (do vậy mà đúng đắn) là bạo lực? Từ ý nghĩ điên rồ này trong giây lát toát ra cái giá lạnh vũ trụ nào đó khiến đóng băng cả tâm hồn, khiến gợi nhắc đến cái đáy tận cùng nơi những sinh vật người đã buộc phải tồn tại. Nhưng chỉ trong giây lát. Sự ra đời của tương lai mà chúng ta mong muốn đó là ở trong cái bóp tay mà người Thiên Chúa giáo hoảng sợ đến chết khiếp bên vệ đường cảm thấy, khi trên bàn tay anh có một bàn tay khác đặt lên, chứ không phải trong loạt đạn súng tiểu liên một giây sau đó đã phá vỡ yên lặng, bao trùm tất cả và cũng chỉ trong chốc lát, cứ như thể cả nó, cái loạt đạn tiểu liên ấy là một phần của khúc nhạc thường.
Chủ nghĩa hiện thực của những kẻ trần tục và những người yêu nước của chúng tôi, cảm xúc thẩm mĩ của các nhà văn và độc giả của chúng tôi buộc chúng tôi có thái độ cảnh giác với quan điểm tích cực về thế giới. Loạt đạn tiểu liên tự thân nó làm căng ý chí của chúng tôi, sự tàn bạo mang lại ý nghĩa cho những nỗ lực vốn được khơi dậy để chống lại sự tàn bạo. Những vần thơ đau đớn của Paul Celan [8] có thẩm quyền gợi lên trong chúng ta những rung động thành kính, giọng nghẹt thở của Samuel Beckett [9] làm say đắm, bởi vì sáng tác của cả hai người là bằng chứng cho thấy nghệ thuật có thể ở trên đỉnh cao của hoàn cảnh, là tiếng nói thể hiện cả số phận bi thảm của Celan - nạn nhân sống sót sau Holocaust [10] , lẫn chủ nghĩa anh hùng khiêm tốn của Beckett - thành viên phong trào Kháng Chiến của nước Pháp. Bằng cách tương tự, chúng tôi có thái độ ngờ vực tự nhiên đối với tất cả những gì vang lên nghe quá yên bình trong hoàn cảnh đen tối; kinh nghiệm nghiệt ngã cuối thế kỉ XX buộc chúng tôi đánh giá lại khắt khe di sản văn hoá của mình. Chỉ những kẻ rất ngu ngốc hay rất cần thiết mới có thể, vào trong thời đại của chúng ta, nghi ngờ việc lịch sử nhân loại luôn được viết bằng máu và nước mắt, dù thậm chí chúng đã khô đi từ lâu. Khi áp dụng định hướng trí tuệ này cho các sự kiện ở Ulster, Israel, Rwanda và Bosnia, cũng như ở hàng nghìn điểm đổ máu khác trên địa cầu, chúng tôi có thái độ không chỉ không quá tin cậy tiềm năng mang tính xây dựng của con người, mà còn không đặc biệt đánh giá cao những sự khởi đầu tích cực được nhấn mạnh trong tác phẩm nghệ thuật.
Chính vì thế nhiều năm trời tôi đã ngồi lì trước bàn viết, y hệt vị thầy tu trước bục cầu nguyện: đắm mình thành kính vào chiêm vọng cứu rỗi, gắng để chất lên vai mình một phần gánh nặng của thế gian; ông ta biết mình không có khả năng hành động anh hùng lẫn hi sinh cứu chuộc, nên buộc phải vì đức tin nhân lên các nỗ lực và hàng giờ quỳ gối ngưỡng vọng. Cần thắp lên những tia lửa vì hơi ấm mong manh. Cần quên đi đức tin và hướng sự toàn thiện sáng tạo. Ðến những giá trị tối cao và tuyệt đối. Kể cả những giá trị hoàn toàn là giả tưởng. Tôi đã ngồi, ngồi mãi, và cuối cùng - không phải do hoàn cảnh buồn đau của Tổ quốc tôi, mà bất chấp điều đó - tôi đã quả quyết đứng thẳng dậy. Mấy năm trước, trong những dự định và tưởng tượng của mình tôi đã quan tâm không chỉ đến tất cả những gì có thể hủy diệt, mà cả những gì có thể cứu chữa. Ðể trình bày rõ hơn thực chất những đổi thay đã diễn ra với mình, tôi xin phép được trở lại với kinh nghiệm Ireland.
Kinh nghiệm này gắn với câu chuyện của một thầy tu nữa, cũng nổi tiếng về sự nhẫn nại. Người ta kể rằng, trước kia ở Glendalough, trong một tu viện cách không xa chỗ ở địa hạt Derry, nơi chúng tôi đã sống, Thánh Kevin quỳ gối, đôi tay chắp lại đưa ra phía trước. Cần phải nói rằng chỗ này cả đến hôm nay vẫn được coi là một trong những nơi hoang vu nhất nước. Thế rồi, một con chim sáo bay qua, nhầm cánh tay đang giang ra của thầy tu với cái giàn cây, đã đậu xuống đẻ trứng và kết tổ, cứ như đó chẳng phải là cánh tay người mà là cái cành cây vậy. Và khi đó, vì thương con chim và tuân theo lời răn yêu thương tất cả chúng sinh trên mặt đất, Thánh Kevin đã ngồi bất động nhiều giờ, rồi nhiều ngày, nhiều đêm, nhiều tuần, giữ cánh tay trong tư thế đó cho đến khi lũ chim non nở ra và mọc cánh. Vị thầy tu vẫn trung thành với cuộc sống, mặc dù đã đi ngược lại lẽ thường, đứng ở giao điểm của quá trình tự nhiên với lí tưởng nhất thời - đồng thời vừa là cây cột chỉ lối vừa là lời nhắc nhở. Tư thế của ông tượng trưng cho trật tự sự vật khi có thể đạt tới trạng thái tích tụ được cùng với sự trưởng thành.
Trường hợp Thánh Kevin, như tôi đã nói, là một câu chuyện Ireland. Nhưng tôi nghĩ điều tương tự cũng có thể xảy ra cả ở ấn Ðộ, cả ở Châu Phi, cả ở Bắc Cực, và ở hai miền Châu Mỹ. Nói như vậy, tôi không muốn bàn về phân loại học truyện dân gian hay tranh cãi về giá trị của nó, có ý nghi ngờ tính độc lập của câu chuyện này trong ngữ cảnh văn hóa nói chung. Ngược lại, độ tin cậy (và đáng lưu ý) của nó có một mối liên quan trực tiếp nhất đến bản sắc địa phương. Hôm nay, dĩ nhiên rất dễ dàng trình bày nó như ẩn dụ của chủ nghĩa thực dân, thể hiện Thánh Kevin là một tên đế quốc cao thượng (hay một nhà truyền giáo theo chân) bắt cuộc sống bản địa lệ thuộc vào mình, xâm phạm vào thiên nhiên trinh bạch. Không thể không thừa nhận là có một chút mỉa mai nào đó ở chuyện chính ai là người đã ghi chép và lưu giữ ví dụ về vẻ đẹp đích thực của di sản Ireland, vì lần đầu tiên câu chuyện về Thánh Kevin được chép trong những công trình của Giraldus Cambrensia, một trong những kẻ xâm lược Ireland hồi thế kỉ XII và năm trăm năm sau được Geoffrey Keating - một người Ireland - gọi là "Thủ lĩnh của bè lũ dựng nên lịch sử ngụy tạo của Ireland". Nhưng thậm chí nếu điều này là có thật thì đằng nào tôi cũng không hiểu tại sao một hiện tượng như vậy của nền văn minh tiền Cơ Ðốc giáo lại được lí giải thô thiển như một trang man rợ và không thể dung thứ trong lịch sử của chúng tôi - ngày hôm qua và cả hôm nay. Tôi cảm nhận câu chuyện Thánh Kevin hoàn toàn khác, cũng gần giống như điều mà tôi nhìn thấy vài tuần trước trong một viện bảo tàng nhỏ ở Sparta vào buổi sáng hôm công bố người được trao giải Nobel Văn học năm nay. Ðó là một tác phẩm nghệ thuật sinh ra từ tín điều tôn giáo không có gì chung với đức tin Thánh Kevin rao giảng. Nhưng cả ở đây cũng mô tả con chim trên giàn cây, một con thú đờ đẫn và con người ngây ngất trong khoái cảm tột đỉnh - chỉ khác con người ở đây là Orpheus và chàng đắm mình trong khoái cảm tột đỉnh không phải vì đang cầu kinh mà vì âm nhạc. Tôi đang nói về bức điêu khắc mà vì không kìm được, tôi đã vẽ lại vào sổ tay của tôi, không kìm cả việc tìm hiểu dòng chú giải ghi trên tấm bảng dưới hiện vật. Bản thân bức tượng làm tôi sửng sốt vì nó rất cổ xưa và bền lâu, còn dòng chú giải đã mang lại tên và ý nghĩa cho công việc mà tôi làm đã ba thập niên nay. "Tượng Orpheus, - trên tấm bảng ghi, - có lẽ được thực hiện theo đơn đặt hàng của một nhà thơ bản địa. Công trình của nhà điêu khắc vô danh cổ Hy Lạp".
Chỉ có điều quý vị đừng nghĩ rằng tôi đa cảm, hoặc như cách nói bây giờ là quá tôn sùng các truyền thống dân tộc. Tuyệt đối không. Tôi chỉ muốn nói rằng những hình tượng và truyền thuyết như vậy có giá trị thực sự. Trong thế kỉ này chủ nghĩa quốc xã đã bị đánh bại bởi sức mạnh vũ khí, chế độ Xô Viết đã sụp đổ, mà một trong những nguyên nhân là vì hệ tư tưởng áp đặt từ trên xuống đã lung lay tự bên trong một cách bền bỉ và có định hướng bởi sự hiện diện của những giá trị văn hoá và sự phản kháng tâm lí của chính những loại giá trị được thể hiện trong những huyền thoại và hình tượng đó. Và thậm chí cả khi chúng ta đã học được cách biết sợ hãi một cách sâu sắc và có căn cứ trước việc đề cao những tập tục và hình thái văn hóa của dân tộc này trước dân tộc khác; thậm chí cả khi chúng ta đã có được những bằng chứng khủng khiếp của quá trình biến thái khó nhận thấy từ thói kiêu ngạo dân tộc và tôn giáo thành chủ nghĩa phát xít, thì thái độ cảnh giác cũng không thể gạt bỏ tình yêu và niềm tin vào những di sản của dân tộc mình. Ngược lại, lòng tin vào sức mạnh không suy giảm và bản sắc độc đáo của di sản đó chính là cơ sở của niềm tin vào khả năng một trật tự thế giới, nơi sự tôn trọng đối với giá trị của mỗi truyền thống sẽ trở thành cơ sở cho sự ra đời và duy trì một không gian chính trị lành mạnh. Bất chấp sự tàn phá khốc hại, sự luân phiên liên tục các vụ sát hại chính trị và tàn sát tập thể, một giai đoạn mới trong quan hệ giữa người Palestin và Israel, giữa người Phi bản địa và người Phi gốc Âu, cũng như sự sụp đổ của các bức tường Âu Châu và việc vén lên những tấm màn sắt, đang gieo hi vọng về việc các khả năng mới cũng sẽ xuất hiện cả ở Ireland. Gốc rễ vấn đề Ireland là ở chỗ hòn đảo này, như trước đây, vẫn sống theo hai bộ luật, của Anh và của Ireland, tuân theo hai truyền thống, của Anh và của Ireland; tuy nhiên, mỗi người dân của đất nước này đều có quyền trông đợi hai chính phủ Ireland biết thiết lập những trật tự, trong đó ranh giới giữa hai quốc gia sẽ gợi nhắc nhiều hơn đến tấm lưới ngăn trên sân quần vợt, đến một giới tuyến cho phép có thể đi đến những nhượng bộ qua lại, gặp gỡ và ganh đua, thúc đẩy một tương lai, khi năng lượng, trước đây được toát ra từ những ngôn từ kích thích như “đối thủ” và “các đồng minh”, sẽ bắt đầu phát sinh những ngôn từ hoàn toàn khác, không tạo thành một cặp từ không chia cắt được, và ít ra, kém phần bó buộc hơn.
Khi nhà thơ W.B. Yeats hơn bảy mươi năm trước bước lên diễn đàn này, Ireland chỉ vừa mới thoát khỏi những cơn hoảng loạn của cuộc nội chiến đau đớn đã nổ ra gần như tức thì ngay sau kết thúc Chiến tranh giành độc lập chống quân Anh. Cuộc nội chiến kéo dài không lâu và kết thúc vào tháng Năm năm 1923, bảy tháng trước khi Yeats lên đường đến Stockholm, nhưng lại là cuộc chiến đẫm máu, tàn khốc và chưa chấm dứt hẳn, nó đã đặt ra cho nhiều thế hệ tiếp sau những nguyên tắc của trò chơi chính trị tại hai mươi sáu tỉnh độc lập của Ireland – tại chính phần đất của hòn đảo mà thuở ban đầu được gọi tên là Nhà nước Ireland Tự do, còn sau đó là Cộng hoà Ireland. Tuy nhiên trong diễn văn nhận giải Nobel của mình Yeats chỉ đề cập thoáng qua đến cuộc nội chiến và Chiến tranh giành độc lập. Không ai hiểu rõ hơn ông có mối liên hệ khăng khít nào tồn tại giữa việc xây dựng hay phá hoại các thể chế quốc gia và giữa sự hưng thịnh hay trì trệ trong nền văn hóa, tuy nhiên vào ngày hôm đó Yeats lại muốn nói nhiều hơn đến Phong trào kịch của Ireland. Ông kể về các nhiệm vụ sáng tác của tổ chức này và rằng nó có rất nhiều tài năng; bởi vì trong Phong trào đó, bên cạnh Yeats còn có các bạn bè ông là những nhân vật tầm cỡ như John Millington Synge và Augusta Gregory. Yeats đến Thụy Ðiển để nói với cả thế giới rằng trong những đổi thay diễn ra với Tổ Quốc ông và với cả thời đại nói chung, các nhà thơ và nhà viết kịch có vai trò không hề thua kém các du kích ẩn mình nơi mai phục. Trong những lời hứng khởi của bài diễn văn của ông đã vang lên cũng chính niềm tự hào như ở bài thơ Trở lại phòng tranh thành phố ông viết mười năm sau đó. Trong những vần thơ này, Yeats hiện ra trước chúng ta giữa những bức chân dung cổ xưa và các bức tranh có chủ đề ca ngợi các sự kiện và những anh hùng của lịch sử chưa xa, và ông bất chợt nhận ra rằng đã xảy ra một điều gì đó thực sự có ý nghĩa thời đại: “Không phải Ireland chết, mà đây là giấc mơ/vui tươi và hùng dũng, được các nhà thơ gìn giữ thiêng liêng”. Bài thơ kết thúc bằng hai câu thơ có lẽ được trích dẫn nhiều nhất từ di sản thơ của ông:
Vinh quang là gì, và ai là người phán xét?
Niềm vinh quang của tôi là các bạn tôi.
Những câu thơ vang lên thật khoan dung và khảng khái, chúng là mẫu mực của thứ thơ ca trước hết biết giá trị của chính mình hơn là đánh giá kẻ khác; chúng là tín điều danh dự của nhà thơ và ít nhất, trong ý nghĩa này, chúng cũng gợi nhắc điều mà tôi muốn nói bằng bài phát biểu của mình. Ðể áp dụng cho chính bản thân mình, đáng ra tôi nên trích dẫn những câu khác từ bài thơ này: “Ðời sau ơi, tôi trăng trối với người/ Không phải là tôi cả đâu trong điều trang sách kia gìn giữ ”. Thay vào đó, tôi xin gửi đến quý vị chính điều mà Yeats đã gửi đến độc giả của ông: suy ngẫm về những thành quả trong bốn mươi năm vừa qua của các nhà thơ, nhà viết kịch và nhà văn Ireland, mà nhiều người trong số họ tôi có thể tự hào gọi là những người bạn lớn của tôi. Về các vấn đề văn học, Ezra Pound [11] khuyên không nên nghe theo kiến giải của những người “tự thân không tạo nên điều gì đáng giá”, và tôi luôn coi tuân theo lời khuyên này là nghĩa vụ của mình: từ hơn ba mươi năm trước, hồi vẫn còn ở Belfast, khi lần đầu tiên cầm bút, tôi đã luôn lắng nghe ý kiến các bậc thầy lớn, hoàn toàn không nhất thiết phải là những đồng bào của mình. Chính họ là những người giúp tôi hiểu đất nước Ireland, nơi tôi đang sống bây giờ.
Yeats, tuy vậy, không phải bao giờ cũng tin vào bản thân, vào sứ mệnh của mình. Tôn vinh thơ ca của thế kỉ chúng ta, không thể không nhắc đến hai bài thơ nổi tiếng của ông Năm 1919 và Suy tư thời nội chiến. Trong bài thứ hai có đoạn nổi tiếng về cái tổ chim dưới cửa sổ của nhà thơ - một dạo, trong kẽ bức tường cũ ở đó đã trú ngụ một con chim sáo đá. Những năm đó nhà thơ sống trong toà tháp Norman gìn giữ được từ thời xa xưa và cũng rất nhiễu loạn, và suy ngẫm về sự trớ trêu của lịch sử (các lãnh chúa tàn bạo và hùng mạnh thoạt đầu đã biến thế giới thành những đống đổ nát, còn sau đó kêu gọi các nghệ sĩ và kiến trúc sư), ông so sánh con chim mớm mồi cho lũ chim non với con ong làm mật, hình ảnh đã bắt rễ sâu xa trong truyền thống thơ ca và đã luôn là biểu tượng của sự cần mẫn, hài hòa và chắc chắn:
Những con ong đến làm tổ trong kẽ nứt
Của bức tường vữa lở, và ở đó
Con chim mẹ mớm mồi và bay đi.
Bức tường của tôi đang lung lay: những con ong mật
Hãy đến làm tổ trong ngôi nhà trống rỗng của con sáo đá
Chúng tôi đã nhốt mình bên trong, và chìa khoá đã vặn lại
Trong mông lung của chúng tôi, đôi chỗ
Một người bị giết, hoặc một ngôi nhà bốc cháy
Nhưng không có gì chắc chắn để nhận ra
Hãy đến làm tổ trong ngôi nhà trống rỗng của con sáo đá
Một chiến lũy bằng đá hoặc bằng gỗ
Dựng lên mười bốn ngày nội chiến
Ðêm trước đã đổ ụp xuống con đường
Anh lính chết kia trong vũng máu của mình
Hãy đến làm tổ trong ngôi nhà trống rỗng của con sáo đá
Chúng tôi đã nuôi con tim bằng những chuyện thần tiên
Trái tim lớn lên tàn nhẫn từ món ăn:
Có nhiều chất trong sự thù hằn của chúng ta
Hơn là trong tình yêu của chúng ta. Ôi những con ong mật
Hãy đến làm tổ trong ngôi nhà trống rỗng của con sáo đá. [12]
Tôi thường nghe ở Ireland người ta dẫn cả từng phần, cả nguyên vẹn bài thơ này và không hề ngạc nhiên với điều đó, bởi vì từ bài thơ toát lên một sức sống mạnh mẽ giống như từ câu chuyện huyền thoại về Thánh Kevin, một sự tỉnh táo đối với điều đang diễn ra trong cuộc sống và với cuộc sống, như từ Homere vậy. Nhà thơ biết rằng những cuộc thảm sát vẫn sẽ tiếp diễn và, lúc tàn ngày, người ta vẫn nhiều lần lôi các công nhân từ ô tô buýt xuống, xếp hàng bên vệ đường và xả súng; nhưng ông còn biết cả một điều khác: trên đời còn có cả những cái siết tay, cả sự cảm thông và mong muốn cứu giúp. Những vần thơ ấy thỏa mãn các đòi hỏi trái ngược nhau sinh ra trong tâm thức chúng ta vào thời kì của những thử thách nặng nề; một mặt, đó là nhu cầu đòi sự thật, nghiệt ngã và tàn nhẫn, còn mặt khác – là nhu cầu không biến lí trí thành nghiệt ngã đến mức đánh mất khao khát vốn có của nó đối với sự đồng cảm và tin cậy. Và đó là bằng chứng cho thấy rằng thơ có thể đồng thời ngang BằNG cuộc sống và trung thành với nó, là ví dụ của sự tương đồng mà người phụ nữ trong hàng người đã nói với Anna Akhmatova, và là sự tương đồng mà William Wordsworth đã tạo nên đúng hai trăm năm trước, cũng ở giao lộ của cuộc khủng hoảng lịch sử với những hoạn nạn cá nhân.
Khi nhà thơ Demodocus kể về sự sụp đổ thành Troie và cuộc thảm sát gây nên trong thời gian chiếm đánh thành phố, Odysseus đã khóc, còn Homere nói rằng nước mắt của chàng giống nước mắt của người vợ khóc chồng ngã xuống trên bãi chiến trường. Dưới dạng mở rộng, cái ẩn dụ sử thi đó như sau:
Nhìn chàng thở hổn hển và hấp hối nơi đó,
nàng sụp xuống ghì ôm, và oà khóc;
rồi cảm thấy ngọn giáo thúc vào lưng và vai mình
rồi rơi vào cảnh nô lệ và sầu bi;
Nước mắt đau thương làm mỏi mòn đôi má:
nhưng chẳng buồn hơn lệ chảy từ mắt Odysseus
giấu khuất bây giờ, trước những bạn bè. [13]
Thậm chí hôm nay, ba nghìn năm sau, khi vô số ví dụ của sự man rợ hiện đại từng phút xuất hiện trên màn hình tivi của chúng ta qua sóng truyền trực tiếp, khi sự quá tải thông tin khiến chúng ta không còn khả năng tiếp nhận, khi những thước phim tư liệu cũ với các trại tập trung của Hitler và Stalin được tiếp nhận như là một cái gì đó quen thuộc gần như chán ngấy, thì hình tượng của Homere vẫn có thể làm ta xúc động như xưa. Sự tàn nhẫn của những ngọn giáo thúc cán vào vai và lưng người thiếu phụ được lưu giữ trong mọi ngôn ngữ và mọi thời đại – những ẩn dụ này không biết khuất phục thời gian. Hình ảnh này là tương đồng bởi vì nó phù hợp với toàn bộ điều chúng ta biết về sự không chịu đựng nổi.
Nhưng có cả một sự tương đồng khác - mang tính trữ tình. Trích dẫn sau đây từ một bài thơ của Yeats là ví dụ của sự tương đồng này: “Thánh đường ở trong tai ta”. Sự tương đồng này sinh ra từ cái mà Mandelstam gọi là “tính bền vững của cấu âm ngôn ngữ”, từ sự dứt khoát và độc lập toát ra từ bất kì một bài thơ đã định hình nào. Sự tương đồng trữ tình còn nảy sinh cả từ năng lượng của sự phân rã và kết hợp ngôn ngữ học, từ sự phấn hứng của tâm hồn sinh ra bởi nhịp điệu, cảm xúc, thi vận và cách phân đoạn; nó sinh ra cả từ giá trị của bài thơ nói chung, cũng như từ sự trung thực của nhà thơ. Trong thơ trữ tình, sự trung thực được nhận biết như không gian khép kín của sự thật. Chính trong nỗ lực kiên trì, nhắm thẳng đến sự trung thực này - được thể hiện trọn vẹn hơn nơi Emily Dickinson và Paul Celan và khoáng đạt hơn nơi John Keats - tai nhà thơ căng thẳng lắng nghe một giọng nói, trong đó, khác với tất cả các giọng nói khác, vang lên sự tự tín tuyệt đối vào lẽ phải của mình.
Nói cách khác, về thực chất vậy là tôi vẫn không hề rời khỏi chiếc đi văng xưa cũ nhất đó. Có thể, tôi đã bắt đầu quan tâm hơn đến những tin tức thời sự, nhạy cảm hơn với lịch sử thế giới và nỗi bi thương ẩn giấu đằng sau nó. Nhưng vẫn như ngày xưa, tôi lắng nghe không phải những điều phát thanh viên nói; là một nhà thơ, với sự Căng Thẳng tôi lắng nghe sự Căng Thẳng của giọng nói, tức là dồn nỗ lực để tìm ra trong đó chính sự bền vững được tạo nên bởi trật tự âm nhạc của các âm thanh. Giống như các vòng tròn trên mặt nước, nếu có thể vì ý muốn kì quặc của chúng không chỉ tỏa ra, mà còn hội tụ – ngược lại, về điểm xuất phát.
Tôi cố gắng kiếm tìm sự Căng Thẳng này cả khi tôi đọc thơ. Và tôi tìm thấy nó, chẳng hạn, trong điệp khúc của Yeats: “Come build in the empty house of the stare” (Hãy đến làm tổ trong ngôi nhà trống rỗng), trong đó có cả lời khẩn cầu, cả các âm hưởng khắc nghiệt trong các từ “build”, “house”, và cảm giác sụp đổ trong từ “empty”. Tôi tìm kiếm nó trong tam giác lực được cân bằng bởi nhịp ba “fantasies – enmities – honey-bees”, cũng như trong bản thân bài thơ, trong một hình thức xác định trong hệ thống ngôn ngữ. Hình thức thơ đồng thời vừa là con tàu, vừa là mỏ neo. Ðó là cơn bùng phát và sự kìm nén, cùng lúc huy động toàn bộ lực li tâm và hướng tâm trong lí trí và thân thể chúng ta. Bằng những phương tiện này Yeats đã đạt được điều mà thơ ca luôn cần phải hướng tới: chạm đến những căn nguyên trong bản chất thiện cảm của con người, đồng thời xuyên thấu vào trong bản chất lãnh đạm của thế giới, mà bản chất con người luôn hướng đến. Nói cách khác, hình thức của bài thơ đóng một vai trò nhất định trong khả năng của thơ ca thực hiện điều mà vì nó chúng ta đã luôn tôn vinh và sẽ tôn vinh thơ; trong khả năng thuyết phục ý thức bị thương tổn của chúng ta vào lẽ phải của mình, bất chấp sự bất công rành rành ở tất thảy những gì vây quanh nó; trong khả năng thường xuyên gợi nhắc, rằng chúng ta là những kẻ kiếm tìm những giá trị tối cao, rằng thậm chí cả sự khốn quẫn của chúng ta, những hoạn nạn của chúng ta cũng làm nên danh dự cho chúng ta – bởi vì chính chúng là những đảm bảo của tính người đích thực.
© 2005 talawas
[1]Deus ex machina (tiếng Latinh): vị thần từ máy móc. Trong kịch cổ điển Hy Lạp, đôi khi để giải quyết một tình huống kịch phi thường nào đó người ta cho một vị thần xuất hiện nhờ các bộ máy đạo cụ đặc biệt. Ở đây chỉ sự bất ngờ, đáng kinh ngạc.
[2]John Keats (1795-1821): nhà thơ Anh; Gerard Manley Hopkins (1844-1889): nhà thơ Anh; Robert Frost (1874-1963): nhà thơ Mỹ; Geoffrey Chaucer (1343?-1400): nhà thơ Anh; Wilfred Owen (1893-1918): nhà thơ Anh; Elizabeth Bishop (1911-1979): nhà thơ Mỹ; Robert Lowell(1917-1977): nhà thơ Mỹ; Patrick Kavanagh (1904-1960): nhà thơ, nhà văn Ireland.
[3] Wallace Stevens (1879-1955): nhà thơ Mỹ; Rainer Maria Rilke (1875-1926): nhà thơ, nhà văn Áo - Ðức; Emily Dickinson (1830-1886): nữ nhà thơ Mỹ; T.S.Eliot (1888-1965), nhà thơ Anh.
[4]Samuel Johnson (1709-1784): nhà văn, nhà từ điển học Anh.
[5]Tristia: khúc bi ca (tiếng Latinh).
[6]Archibald MacLeish (1892-1982): nhà thơ Mỹ.
[7]Tacitus (khoảng năm 58-117): sử gia La Mã có các công trình chính về lịch sử La Mã và đế quốc La Mã những năm 14-68 và 69-96, cũng như về tôn giáo, thể chế xã hội và cuộc sống của người German cổ.
[8]Paul Celan (1920-1970): nhà thơ Pháp gốc Đức.
[9]Samuel Beckett (1906-1989): nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Ireland.
[10]Holocaust: (gốc từ tiếng Hy Lạp: holo (toàn bộ) và cautos (thiêu) kế hoạch tiêu diệt toàn bộ người Do Thái ở Châu Âu do phát xít Ðức và những kẻ hợp tác với chúng thực hiện trong Thế Chiến II.
[11]Ezra Pound (1885-1972): nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả người Mỹ.
[12]Dịch theo bản tiếng Anh.
[13]Dịch từ bản tiếng Anh.