© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.4.2005
Phùng Ký́ Tài
Gót sen ba tấc
Tiểu thuyết (10 kỳ)
Phạm Tú Châu dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10 
 
Hồi thứ mười ba
Hỗn chiến loạn xà ngầu

Bây giờ là niên hiệu Tuyên Thống năm thứ mấy nhỉ? Ô, còn Tuyên Thống gì nữa! Tuyên Thống chỉ ngồi trên ngai rồng có ba năm là bị lật đổ, niên hiệu Đại Thanh cũng thôi rồi. Bây giờ là năm dân quốc!

Cô cao hơn trong hai cô lên tiếng trước:

- Nghe nói ông dấy chuyện cởi chân bó, lại diễn thuyết đòi phủ quan hạ lệnh không cho con gái bó chân được ra vào, đi chơi trong ngoài thành?

- Đúng vậy, thì đã sao? Sợ à? Tôi chẳng qua chỉ muốn khuyên các cô cởi đám giẻ quấn chân hôi thối ấy vất đi, có gì là khó?

Đám thanh niên ngỗ ngược đứng vây quanh, nghe nói thế liền cười phá ra, tìm cách trêu hai cô cho vui. Giám đốc Lục thấy có người cười cũng đắc ý cười theo. Đầu tiên cười ruồi, sau cười mỉm rồi cười ầm lên cười đến nỗi ngất cả đầu ra đàng sau.

Cô gái thấp hơn đưa hai cái bánh quấn thừng rán dầu cho giám đốc họ Lục.

- Cái này để làm gì? - Giám đốc Lục hỏi.

- Cô gái thấp cười hì hì:

- Nhờ ông gỡ ra và nắn thẳng hộ.

- Kì quá, xoắn ngược lại làm gì? Vả chăng bột đã xoắn thành hình thế này nắn sao cho thẳng? Cô ăn ngán rồi tìm tôi để đùa chăng?

- Ông thì có gì đáng để đùa? Đã không nắn thẳng được thì dù cởi chân bó, chân có thẳng lại được không?

Giám đốc Lục mắt trợn lên, không trả lời được. Đám thanh niên thấy hay hay bu lại xem kia đều là những cậu nhàn rỗi, thấy bên nào cứng cựa thì ủng hộ bên ấy, nay vừa thấy cô gái thấp đối đáp rất tuyệt, liền ngó cả về ông giám đốc Lục mà cười ha hả. Cô gái cao thấy đối phương lúng túng liền dồn thêm mấy câu nữa:

- Về nhà hỏi kĩ mẹ ông đã rồi hãy liến láu cái mồm! Chân bó có đẹp hay không, tạm chưa bàn đến, nhưng ông cũng do người đàn bà bó chân đẻ ra. Ông có dám nói ông là con bà chân to không nào?

Mấy câu này đúng là đóng đinh ông giám đốc Lục ngay tại chỗ. Bộ râu chữ bát trên miệng giống như đôi cánh con bướm đen lúc cụp lúc xòe. Đám thanh niên càn quấy nói góp vào càng dữ, những từ khó nghe nhất đều nói vung cả ra. Hai người con gái ném toẹt mấy cái bánh cuốn thừng rán xuống đất, quay đầu bỏ đi, từ đường Hải Đại men theo chân tường thành rồi vào thành về nhà. Vào đến sảnh trước, hai cô kể lại chuyện vừa rồi với Qua Hương Liên, tưởng Qua Hương Liên thế nào cũng vui lòng. Ngờ đâu cô không hề mỉm cười như thể trong nhà lại vừa xảy ra việc gì khác, chỉ xua tay bảo Hạnh Nhi, Hoa Nhi về buồng.

Đào Nhi bước vào, Hương Liên hỏi ngay:

- Đã hỏi dò được rõ ràng chưa?

Đào Nhi khép cửa lại, hạ thấp giọng thưa:

- Rõ cả rồi ạ. Mĩ Tử bảo rằng tối hôm qua, mợ Hai vào phòng mợ Tư, hẹn mợ Tư đi nghe diễn thuyết ở Sở nghiên cứu văn minh, nhưng chưa thấy nói vào ngày nào nên chưa đi.

- Họ có đi không nhỉ? - Đôi lông mày thanh tú của Hương Liền phướn lên. Đấy là điều cô thầm sợ nhất.

- Theo cháu thi..? - Đào Nhi dồn hai con ngươi lại suy nghĩ một lát, nói tiếp. - Họ có thể đi lắm. Chân mợ Tư không ăn nhằm gì. Chân có không ra gì mới toan tính cởi. Mĩ Tử bảo, ngay mấy tháng trước đây, ban đêm mợ Tư đã không bó chân cho cô ấy nữa, mà mợ Tư cũng không bó chân mình, thả chân ra mà ngủ. Đều do mợ Hai xui nên cả.

- Còn gì nữa không? - Hương Liên hỏi, khuôn mặt trắng trẻo đỏ bừng.

- Sáng hôm nay...

- Thôi không cần nói nữa! Phải mợ Hai không bó chân, kéo lê đôi dép ngủ đi đi lại lại ngoài hành lang không? Ta trông thấy cả rồi. Mợ ấy cốt làm cho ta thấy đấy!

Đào Nhi thấy miệng Hương Liên đã như quả hồng khô, không dám nói thêm nữa. Hương Liên vẫn hỏi tiếp:

- Nguyệt Lan, Nguyệt Quế thì thế nào?

Đào Nhi ấp úng trong miệng.

- Nói! Đừng sợ! Ta không nói là em mách đâu!

Hạnh Nhi bảo hai chị em cô ấy mấy hôm rồi đều ra khỏi nhà, rồi mang về mấy tờ yết thị khuyên cởi chân. Bọn Hạnh Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi cũng thấy cả rồi. Nghe nói Nguyệt Lan còn định đi dạo, không biết kiếm ở đâu về một quyển kinh.

Qua Hương Liên mặt trắng bệch ra, giận giữ nói:

- Tất cả nhũng chuyện ấy đều nhằm vào ta đấy!

Bà đứng bật dậy, tay áo suýt nữa gạt đổ cái cốc trên bàn trà, làm Đào Nhi giật nảy mình. Rồi chỉ tay ra ngoài cửa, bà bảo Đào Nhi:

- Em truyền đạt lời ta: cả nhà đều phải có mặt ở trước sân này.

Đào Nhi đi báo. Lát sau cả nhà đã đủ mặt ở trước sân. Lúc này, Nguyệt Lan, Nguyệt Quế, Mĩ Tử đã là thiếu nữ, thêm a hoàn và người làm, đứng đặc một khoảng sân. Hương Liên nghiêm mặt nói:

- Mấy ngày gần đây, bên ngoài không yên ổn, mà nhà ta cũng không yên ổn .

Nói xong bà nhìn vào Nguyệt Lan:

- Cháu cầm hết những tờ yết thị khuyên cởi chân mang ở ngoài về đem ra đây, một tờ cũng không được thiếu. Thiếu tờ nào ta cũng biết.

Hương Liên sợ nói nhiều, người khác có thời giờ ngầm phòng bị nên nói huỵch toẹt ngay, không để người kia rảnh tay đỡ đòn.

Bạch Kim Bảo thấy tình hình bất lợi, toan chống đỡ cho con gái. Song Nguyệt Lan vốn nhút nhát, lại bị bác mắng phủ đầu, liền ngoan ngoãn trở về phòng đem ra, tất cả có mấy tờ và một quyển sách nhỏ. Một tờ là Bài ca khuyên cởi chân, tờ thứ hai cũng là Bài ca cởi chân, do Nghiêm Tu biên soạn cho trường nữ thục của gia đình từ mấy năm trước, ngoài phố lớn đã có nhiều người biết hát. Một tờ nữa là Lời dụ về việc khuyên ngăn bó chân do Tổng đốc Tứ Xuyên phát cho dân từ năm Quang Tự thứ hai mươi bảy triều Thanh, đã thấy từ lâu. Còn quyển sách nhỏ kia mới là thứ mới mẻ, thiết thực lợi hại chết người, tên gọi là Tranh khuyên cởi chân. Tờ nào cũng có chứ có tranh, nào là "Nguồn gốc tục bó chân", "Kiểu chân các nước", "Nỗi khổ vì bó chân", "Cái hại của bó chân", "Nghiệp chướng của bó chân", "Nguyên do nên cởi chân", "Cái lợi của cởi chân", "Các cách cởi chân", "Niềm vui khi cởi chân", v.v… có đến mấy chục trang. Hương Liên giở xem soạn soạt, xem đến nỗi trống ngực Nguyệt Lan cứ đánh thùng thùng, chỉ đợi bác Cả gái nổi giận. Ngờ đâu Hương Liên giữ được bình tĩnh, chỉ dồn thêm một câu:

- Còn cái quyển kinh thánh lôi từ nhà thờ về đâu?

Nguyệt Lan sững người. Cô tưởng đâu như bác Cả luôn luôn có mặt sau lưng mình, nếu không, làm sao biết được? Nguyệt Quế tinh nhanh hơn cô chị nhiều, liền đỡ lời:

- Quyển ấy có người qua đường cho không, không mất tiền, chúng cháu tiện tay cầm một quyển về để kẹp mẫu giầy.

Hương Liên không thèm nhìn Nguyệt Quế chỉ nhằm vào Nguyệt Lan:

- Đem ra đây!

Nguyệt Lan đem ra. Một quyển sách của nước ngoài thật dầy, bìa da, phết sơn nhũ; giở ra xem, bên trong quả có kẹp mấy trang mẫu giầy. Hương Liên rút mấy tờ mẫu giầy ra, giao sách cho Đào Nhi, không hề nổi nóng, nói năng điềm tĩnh nhưng nghe ra thì câu chứ nào cũng vang như sấm nổ:

- Ngọn gió cởi chân đang nổi lên dữ dội ngoài phố chợ, nhưng nhà họ Đồng chúng ta có quy củ của nhà mình. Tục ngữ có câu, nước có quy củ của nước, nhà có phép tắc của nhà, không được sai một li. Người nào nếu không có chủ kiến ắt sẽ bị cuốn theo chiều gió. Quy củ của nhà họ Đồng như thế nào, tôi đã nói đến rách mép ra rồi, không để tâm ghi nhớ mà chỉ để lọt lỗ tai thôi cũng đủ thuộc lòng. Hôm nay, tôi nói lại lần nữa, mà cũng chỉ một lần này thôi, phải ghi nhớ lấy. Ai làm sai quy củ, tôi sẽ hỏi người đó, đừng có trách. Tất cả có bốn điều. Điều thứ nhất, ai muốn cởi chân hãy đi khỏi nhà này! Điều thứ hai, ai thích nói chuyện cởi chân, cũng ra khỏi nhà này. Điều thứ ba, ai toan cầm, xem, giấu. truyền những dâm thư, dâm họa như thế hãy ra khỏi cửa! Điều thứ tư, ai vụng trộm cởi chân, bất kể ngày hay đêm, nếu biết được tôi cũng tống cổ ngay lập tức ra khỏi cửa! Những người ấy làm như vậy không phải chống tôi đâu mà là cố ý hủy hoại nhà họ Đồng của chúng ta!

Mấy câu nói sau cùng làm cho Đổng Thu Dung và Mỹ Tử mặt nóng bừng, gáy lạnh buốt, đùi mỏi nhừ, chân tê dại, toan rụt chân vào sau vạt váy mà không nhấc nổi chân. Hương Liên bảo mấy cô hầu Đào Nhì, Hạnh Nhi gom mấy tờ giấy, tờ tranh, quyển sách thành đống đặt trên nền gạch châm lửa đốt. Không ai được bỏ đi, đều phải chứng kiến việc đốt bỏ. Quyển kinh thánh có bìa cứng như cục gạch không bắt lửa. Đào Nhi nghĩ ra cách, cô đứng lên giở sách như xòe quạt. Giấy có khoảng trống, bắt lửa bùng bùng, trong giây lát đã thành tro. Đúng lúc đó bỗng nổi lên một luồng gió. Vút một cái thổi tung tro bời bời bốc lên ngọn cây, nóc nhà, trong nháy mắt đã tản hết, trên mặt đất chẳng còn một vết tích nào. Trời đang yên lành, ở đâu ra luống gió này? Thổi một cái là tan ngay, sau đó chẳng còn chút gió gì nữa. Hạnh Nhi lè lưỡi nói:

- Hay là hồn cụ ông về thu hết cả đi rồi chăng?

Ai nấy há mồm, trợn mắt, khắp người nổi da gà, chân tóc dựng lên, đứng ngây ra tại chỗ như cọc gỗ.

Từ hôm ấy, người trong nhà sợ im thin thít, nhưng ngoài đường không chịu yên. Phía trong tường không náo nhiệt thì phía ngoài tường thật náo nhiệt. Mấy mợ chủ không ra khỏi cửa, các cô và đám người hầu cũng ít khi ra ngoài. Nguyệt Lan, Nguyệt Quế, Mĩ Tử, Hạnh Nhi, Hoa Nhi, Thảo Nhi đã thành thói quen, nghe thấy gì ở ngoài, khi về miệng cứ câm như hến, gì cũng chẳng nói, hễ hỏi đến là lắc đầu. Miệng càng im thít thì trong lòng càng có chuyện. Trước mặt người khác không nói thì nói sau lưng, không nói công khai thì nói vụng trộm. Mọi loại tin đều ngấm ngầm từ Đào Nhi truyền đến tai Hương Liên. Hương Liên vốn toan nổi nóng, song nghĩ lại thấy rằng trong nhà này ngoài Đào Nhi ra, chẳng ai còn nói thật với bà, bà không ra khỏi cửa, việc bên ngoài không hề hay biết, nếu nổi nóng thì đường dây Đào Nhi sẽ bị đứt, chẳng những việc trong nhà không nắm được mà việc bên ngoài càng chẳng biết gì. Bà ắt phải đổi cách khác, làm như chẳng biết một tí gì, để bí mật giỏng tai lắng nghe. Nhưng càng ngừng thì càng loạn, càng làm dữ thì càng náo nhiệt, càng mù mờ thì càng đau lòng, càng bất lực hoặc càng biết chắc thì càng mất hướng. Phát
điên lên được!

Nghe bên ngoài truyền đi tin quan phủ sắp bắt bỏ tục bó chân, lập ra "thuế chân bó". Bắt đầu từ mồng một tháng sáu, người nào chân ba tấc mỗi ngày phải nộp ba mươi tiền, dài thêm một tấc được giảm mười tiền, dài sáu tấc, miễn nộp. Làm như thế chẳng những cấm được bó chân mà quốc gia còn được không một khoản tiền nộp lớn, nhất cử lưỡng tiện, một mũi tên trúng hai con chim. Nghe nói sắp tới sẽ đi từng nhà tra xét người bó chân để lập sổ đóng thuế. Tin này nếu đúng, chẳng khác gì xua đuổi tiêu diệt hết người bó chân.

Lập tức những ai bó chân đều núp ở nhà, lo lắng sợ hãi. Có người đem chôn vàng chôn bạc, chôn vòng nhẫn, chôn tiền đồng, toan trốn đi xa. Nhưng sau đó lại nghe nói, lập ra việc quyên tiền những ai bó chân là ý định của một viên quan vô lại. Hắn quá nhàn rỗi chẳng có việc gì làm, buổi tối lúc rỡn chơi với chân bó, hắn bỗng nghĩ ra cách này để kiếm tiền cho dễ. Kì thực phủ quan xưa nay không cho chân để tự nhiên, đã từng bắt những người đàn bà nào bị quỷ ám không chịu bó chân giao cho đồn cảnh sát xử lí. Quy định gồm có ba điều. Điều một, hễ phụ nữ nào để chân tự nhiên ra phối lập tức bắt vào đồn. Điều hai, trong đồn đặt phòng bó chân, sẵn có những dụng cụ gọt chân của tây và vải bó chân, ai tự nguyện bó chân sẽ được sử dụng vải bó không mất tiền, ai ngoan cố không chịu bó, dùng dụng cụ gọt chân của tây xén luôn mấy ngón chân đi. Điều thứ ba, phàm những ai vừa kêu khóc, vùa làm ồn, dây dưa kiếm chuyện không chịu bó, ngoài việc cưỡng chế bó chân ra, nếu là con gái, trong một đến ba năm không được lấy chồng; nếu là đàn bà, từ hai đến năm năm không được chung chăn gối với chồng, ai trái lệnh bị bắt giam vào nhà lao, theo kì hạn xử phạt mà cắt cử người chuyên canh gác. Tin này truyền ra, ngoài phố như nồi nước đang sôi bị giội một chậu nước lạnh im ắng ngay xuống.

Hương Liên nghe được tin này liền an tâm. Nhưng chưa tan hết nỗi bực mình thì lại có chuyện. Hôm ấy có hai người đàn ông mặc áo sa, đập cổng rất mạnh, vào khỏi cổng tự xưng là nhân viên kiểm tra do phòng cảnh sát cử đến kiểm tra người bó chân đã cởi chân hay chưa. Nguyệt Lan đúng lúc đó đang đứng dưới vòm cổng, hai người đàn ông này giắt cái quạt đang cầm trong tay vào sau cổ áo, moi thước ra ngồi xổm xuống đo chân Nguyệt Lan, đo đi đo lại thừa cơ nắm lấy rỡn chơi, khiến Nguyệt Lan sợ quá kêu thét lên nhưng không dám bỏ chạy. Nguyệt Quế thấy thế, núp sau vách, bụm miệng giả giọng đàn ông ồm ồm quát tướng lên:

- Bắt lấy hai thằng này đưa lên quan!

Hai gã vội buông chân Nguyệt Lan ra bỏ chạy. Chúng đi rồi, Nguyệt Lan còn đứng đấy khóc mãi, người trong nhà kéo ra vừa an ủi Nguyệt Lan vừa bàn luận chuyện này. Ai nấy bảo chắc chắn bọn này là nhân viên kiểm tra dởm, không chừng là bọn "nghiền gót sen" mượn cớ kiểm tra giở trò rỡn chân nhỏ. Chân nhỏ nhà họ Đồng nổi tiếng quá, gây chú ý quá, nếu không, chúng đã chẳng dám tìm đến tận cửa.

Hương Liên sai người đóng cổng lớn thật kĩ, ra vào chỉ đi cổng sau. Thế là trước cổng lớn, càng ngày càng náo nhiệt. Người của Sở nghiên cứu phong tục đem đến nào ván, nào chiếu, nào cọc, dựng một cái rạp diễn thuyết ngay trước cổng lớn, mấy người luân phiên nhau lên đài diễn giảng; tốn sức nhất, to mồm nhất là ông giám đốc họ Lục. Ông ta gân cổ lên gào trước cổng lớn, tiếng ông ta dường như không phải vượt qua tường mà là xuyên qua tường vào trong nhà. Hương Liên ngồi trong sảnh, nghe rõ từng câu từng chữ một:

- Các vị phụ lão, bà con đồng bào và chị em hãy nghe đây! Mọi vật trên đời này đều có thiên tính, sinh trưởng tự nhiên. Nếu cây nào đang lớn bỗng nhiên không lớn nữa, ai cũng lấy làm tiếc. Nếu có kẻ lấy thừng thít chặt cây lại không cho lớn, tất ai cũng mắng chửi người ấy. Thế mà tại sao chân mình thì bó lại, không cho lớn, cho là chuyện bình thường? Cha mẹ nào mà chẳng thương yêu con gái? Con gái hơi ốm, hơi đau, bố mẹ đã hoảng lên, vậy tại sao bó chặt chân lại là ngoại lệ? Phải nói rằng bó chân khổ hơn đau ốm rất nhiều. Các bà, các thím, các mợ, các cô ai chẳng từng nếm qua? Tôi không cần hình dung, cũng không nỡ hình dung ra cảnh khổ ấy. Chẳng trách người nước ngoài bảo các bậc làm cha làm mẹ người Trung Quốc có trái tim gấu, tim hổ, tim beo, tim sắt! Có người bảo chân to không dễ kiếm chồng, bó chân cốt làm thỏa mãn ý thích của các ông. Đàn ông là người, đàn bà cũng là người. Vì chiều ý thích rỡn chơi của đàn ông, chị em chúng ta ngay từ lúc bốn, năm tuổi đã sáng bó chân, tối bó chân, ngày nào cũng bó, cho đến lúc chết cũng vẫn phải bó. Bó nên chạy không nổi, đi không nhanh, con chim con vịt cũng đuổi không kịp. Mùa hè hấp hơi thối inh, mùa đông lạnh đến phát cước! Rồi gọt chai chân, khêu chai nhọn, khổ đến cùng cực rồi! Từ ngày hôm nay, người nào còn cứ chân nhỏ mới lấy làm vợ thì hãy để cho người ấy suốt đời phòng không, tuyệt tự!

Sau hai tiếng "tuyệt tự", một tràng những lời khen, tiếng gào, tiếng cười, tiếng chửi vượt qua tường bay vào, trong đó có nhiều tiếng phụ nữ. Tay họ Lục kia càng hứng, cổ càng gân, nói càng hăng:

- Các vị phụ lão, bà con đồng bào và chị em? Ngày nào ta cũng nghe bọn Tây dương bảo Trung Quốc chúng ta nhu nhược, chửi Trung Quốc chúng ta hồ đồ, hoang đường, chỉ là đồ bỏ đi, người đông mà vô dụng, nên ngày càng lấn lướt chúng ta. Nghĩ cho kĩ hơn chút thì việc đó có quan hệ rất lớn với chuyện bó chân. Trên đời này ngoài nam giới ra là nữ giới, phụ nữ bó chân ngồi ở nhà, khi cần xuất đầu lộ diện chỉ biết dựa vào nam giới. Trong xã hội có biết bao nhiêu việc cần tỉ mỉ, chẳng hạn nghề nông, nghề làm thuốc, phụ nữ mà làm ắt hơn đứt nam giới. Còn ở nước ngoài, phụ nữ và nam giới cùng ra ngoài làm việc như nhau. Phụ nữ nước ta bị buộc ở nhà, người làm việc nước ít đi một nửa. Lại thêm phụ nữ đã bó chân thì thể lực cũng bị tổn thương, con cái sinh ra không được khỏe mạnh. Quốc gia như ngôi nhà lớn, dân chúng như những viên gạch, cây kèo. Thổ mộc không vững chắc, ngôi nhà lớn có kiên cố được chăng? Ngày nay ai cũng kêu gào nước nhà phải mạnh, vậy dân chúng trước hết hãy mạnh đi, do đó không trừ bỏ bó chân thì không xong! Có người bảo cởi chân bó, để chân tự nhiên là học thói Tây dương, phản tổ tông. Có biết đâu rằng thời các vua Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương, rồi Chu công, Khổng Tử, làm gì có bó chân? Các vị chắc đã đọc Hiếu kinh, ngay đầu sách có một câu chắc ai cũng nhớ, đó là "thân thể da tóc nhận từ cha mẹ, chẳng dám làm tổn thương", vậy mà bó chân lại, hỏi hủy hoại thành ra cái giống gì? Bó chân mới là phản tổ tông!

Bài diễn thuyết của ông giám đốc họ Lục thật sự tấn công và thủ thế cả ở tám phía, nói đến nỗi Hương Liên lạnh toát cả hai tay, ngẩn ngơ như mất hồn vía, chân không vững, bụng hoang mang. Đúng lúc đó chợt bên cạnh có người nói:

- Bác ơi, ông ấy nói hay nhỉ, có phải thế không ạ?

Hương Liên giật mình, nhìn lại thì ra con gái Bạch Kim Bảo là Nguyệt Quế đang nhìn mình mà cười hì hì. Nhìn lại mình, bà càng giật mình, thì ra mình đang đứng ngay dưới chân tường nghiêng người lắng nghe phía bên ngoài. Từ lúc nào bà đi từ sảnh trước ra đây, bà cũng chẳng hề hay biết, cứ như người mộng du. Bà vừa nhận ra liền mắng ngay Nguyệt Quế:

- Về phòng ngay. Những lời lẽ bẩn thỉu ấy, không thấy rác tai à?

Nguyệt Quế sợ quá vội vàng trở vào phòng.

Bà mắng khiến Nguyệt Quế phải bỏ đi nhưng không mắng rã được đám người của Sở nghiên cứu phong tục. Đám người này ngày ngày làm rộn, nói không dứt, không hết, cả sớm lẫn tối, chẳng nghỉ ngơi, chẳng cần biết nông sâu. Dần dà người diễn thuyết không chỉ riêng bọn giám đốc họ Lục mà có nhiều giọng khác, có cả nữ lên bục kể nỗi khổ phải bó chân. Nghe nói còn có một đội "nữ tử ám sát đoàn", người nào người nấy chít khăn đỏ, thắt lưng đỏ, tay cầm dao găm có tua đỏ, chân đều to đi giầy vải dỏ, lượn đi lượn lại trước cổng nhà họ Đồng. Họ lại còn cầm dao găm vạch một chừ thập trên mặt đất rồi nhổ nước bọt vào đấy, chẳng biết yểm chú cái gì. Hương Liên bảo người nhà không được tin những lời nhảm nhí đó, nhưng có người dám công nhiên giơ tay đập vào cửa thình thình, ngày một to, ngày một hung tợn, rồi ném gạch ném đất qua tường vào bên trong rào rào, làm cho chậu hoa, bàn sứ, cửa kính, thống cá vàng bày trước sân không nứt cũng vỡ tan. Những con cá vàng to bự dài hơn một thước ta nhảy ra ngoài qua lỗ thủng, vật mình lăn lộn trên đất, người nhà đành thả vào chậu rửa mặt, chum đựng gạo mà nuôi. Nhưng chúng sống ở cái thống lớn đã quen, đổi chỗ khác không hợp, chưa được mấy ngày, những con cá chúa sắp thành tinh này, phơi cái bụng trắng hếu to tướng trên mặt nước, thế là tong!

Hương Liên tức lắm, hận lắm. Họ làm loạn cả nước cờ, nên bà dù đã ra một chiêu, song mới tính được bước đầu mà chưa tính đến hậu quả. Bà sai mấy người làm đi cổng sau, thừa lúc đêm khuya người vắng châm lửa đốt béng ngay cái rạp của Sở nghiên cứu phong tục. Nhưng lửa vừa bén, thì thanh la của hội cứu hỏa cũng vang lên, Hương Liên chợt cảm thấy đã làm to chuyện. Xưa nay bà thường nén được giận, lần này làm sao lại sơ suất đến thế? Bà lo người của Sở sẽ xông qua cửa vào đập phá nhà mình nên gọi mọi người cài tất cả cửa ngõ, tắt đèn, giụi lửa, lên giường, không được nói chuyện. Khi ngoài cổng lửa đã tắt, người đã tan, cũng không thấy có ai đến gây sự. Song vừa mới thầm cho là may mắn thì Tiểu Ô đi tuần đêm bỗng kêu to lên là có trộm. Đào Nhi đưa Hương Liên ra xem. Thì ra cổng sau mở toang, then cửa vất ngay bên cạnh, nhất định có trộm rồi. Hai người sợ quá cũng kêu ầm lên, người trong nhà tất cả đều trở dậy, ánh đèn lấp loáng, bóng người cũng lấp loáng, người này đụng phải người kia. Chưa tìm ra trộm thì Bạch Kim Bảo bỗng gào khóc ầm lên, thì ra chẳng thấy Nguyệt Quế đâu nữa. Nếu Nguyệt Quế mất tích thật thì Bạch Kim Bảo không sống nổi.

Năm trước, Dưỡng Cổ Trai bị kẻ trộm là người nhà khoắng sạch, Đồng Thiệu Hoa và Hoạt Thụ bỏ trốn, từ đấy không có tin tức gì. Hương Liên vẫn lo lắng chỉ sợ Đồng Thiệu Hoa trở về lật đổ. May nhờ đức Phật chở che, Đồng Thiệu Hoa từ đấy không thấy lộ mặt. Kể cũng lạ, lẽ nào hắn đã chết nơi đất khách? Kiều Lục Kiều bảo có phần chắc hắn xuống Thượng Hải chơi bời rồi. Hắn lấy của nhà đi bao nhiêu thứ, bao nhiêu tiền, chơi cả đời, vung vãi cả đời không hết. Nhà này bây giờ chỉ còn cái khung, hắn mà trở về thế nào Bạch Kim Bảo cũng lúm lấy. Nói như vậy cũng có lí. Một năm sau, có người nói ở Tây Cô, trong cái chòi nát bỏ đã lâu của người săn chim nhạn tìm thấy một xác đàn ông. Hương Liên sinh nghi, cho người đến xem. Cái xác ấy mặt đã quắt queo nhưng quần áo vẫn nhận ra được là của Đồng Thiệu Hoa. Hương Liên đi báo quan, quan cho khám nghiệm phát hiện trên sọ có hai vết nứt do bị vật gì cứng đập vào. Mọi người bàn tán cho có đến tám phần, thậm chí mười phần do Hoạt Thụ hạ thủ; giết xong, hắn cuỗm tất cả tiền của bỏ trốn. Người tài giỏi như trời cũng không thể ngờ rằng cơ nghiệp mấy đời của nhà họ Đồng cuối cùng lại rơi vào tay một kẻ tàn phế lỏi con không đáng để ý này. Thì ra trên đời phần mở đầu và đoạn kết thường không phải của cùng một vở kịch.

Bạch Kim Bảo cũng thành goá phụ, còn chút hơi nào lập tức xì ra hết. Suốt ngày bà ta chán chường, ngơ ngác, già đi trông thấy. Sau khi con gái lớn lên, dần dần bà nghe lời con gái. Lúc trẻ, người trẻ theo lời người già; về già, người già nghe lời người trẻ, đó là quy luật thường tình. Nguyệt Lan mềm yếu, Nguyệt Quế mạnh mẽ nên Nguyệt Quế trở thành trụ cột của gia đình ấy. Bất cứ việc gì, kể cả việc chẳng ra việc đều phải nhìn xem Nguyệt Quế gật hay lắc đầu Nguyệt Quế mất tích, Bạch Kim Bảo đừng không nổi, cứ bò ra đất mà khóc. Lần đầu tiên Hương Liên ăn nói mềm mỏng với bà ta:

- Tôi cũng mất một đứa con như thím. Thím mất một, hãy còn một, đỡ hơn tôi nhiều. Vả lại nhà còn bao nhiêu người, có việc gì thím cứ nhờ mọi người giúp!

Nói xong Hương Liên quay người đi luôn. Mấy người hầu nhìn thấy mắt mợ Cả long lanh như hai giọt nước sóng sánh, biết chắc bà lại nhớ đến Liên Tâm.

Cả nhà bàn nhau, trời vừa rạng, sai người đi hai ngả, một tìm Nguyệt Quế, một đi báo quan. Nhưng lúc trời vừa sáng, một trận mưa gạch củ đậu từ bên ngoài ập vào, rơi xuống sân và trên mái nhà, có hòn như mưa đá, đập vào ngói chan chát rồi ào ào rơi xuống. Thì ra người của Sở nghiên cứu thấy rạp bị đốt, đoán chắc người nhà họ Đồng gây ra, nên la ó đòi cùng đốt nhà họ Đồng, trừ hết lũ bó chân đi. Bó đuốc từ bên ngoài kéo theo một luồng khói đen rơi xuống giữa sân, rồi họ đập cửa ầm ầm, tiếng to hơn tiếng sấm, làm cho cả nhà toàn đàn bà bó chân sợ hãi run lẩy bẩy từ đầu đến chân. Đến trưa, không thấy ai xông vào nhưng bên ngoài vẫn tụ tập cả đống người vừa kêu gào vừa chửi rủa. Lại còn bọn trẻ con cứ hát mãi không thôi:

Chân bó cởi, chân bó cởi
Đàn bà bó chân chạy không nổi!

Hương Liên mím chặt môi, không nói nửa lời, lẳng lặng ngồi ở sảnh trước cả một buổi sáng. Sau bữa trưa, chợt tươi tỉnh nét mặt, bà triệu tập cả nhà lại:

- Con người ta sống, một là vì nắm được lí, hai là vì để mở mặt mở mày. Nhà họ Đồng mình nắm được lí thì không được nhụt chí, phải cố mà mở mày. Không mở mày được thì chết đi cho yên chuyện. Chúng nó bảo chân bó không đẹp có phải không? Chúng ta hãy cho chúng thấy. Ta nghĩ ra được kế này. Này, Đào Nhi, em với Hạnh Nhi đem hết các thứ để khâu giầy và dụng cụ đến đây ta đổi kiểu đi, cho chúng nó thấy lạ, thấy mới, gây khí thế cho chị em bó chân trong thiên hạ.

Mấy người hầu chuẩn bị đầy đủ vật dụng khâu giầy. Hương Liên trải giấy ra, cầm bút vẽ mấy mẫu giầy, bảo mọi người cứ thế làm theo. Tài khâu giầy của người trong nhà này đều được u Phan truyền cho, toàn đạt đến trình độ của nghề chuyên môn cả. Bất cứ kiểu cách mới nào, chỉ thoáng qua là nắm được. Kiểu giầy của Hương Liên lần này đổi cửa giầy là cốt yếu. Lâu nay cửa giầy thường nhọn, lần này bà đổi thành tròn. Tủ mũi giầy đến hai má và mu giầy khoét tròn rộng ra vài ba phân, phía trước đính con chim, mỏ chim ngậm một hạt đậu vàng hoặc rủ xuống một xâu hạt ngọc. Một điều cốt yếu nữa là những dây ngũ sắc trang điểm hai bên má giầy thêu vòng ra tận gót. Ai nấy bận bịu gần hết ngày, tự làm cho mình rồi đi thử, ngó xuống đều thấy chưa bao giờ đôi chân mình đáng yêu đến thế. Đổi mới một chút, động viên một chút, ai nấy vui vẻ ríu rít cả lên.

Đào Nhi cầm một đôi chim sẻ thêu đưa cho Hương Liên, bảo bà đính lên mũi giầy. Hương Liên gọi:

- Ai nấy lại mà xem này!

Rồi đưa cho mọi người xem. Thoạt trông như chim thật. Nhìn kĩ, mỗi chiếc lông là một sợi chỉ, ít nhất cũng có đến mấy nghìn cái lông, cần đến mấy nghìn sợi chỉ tơ, mấy nghìn đường kim. Màu sắc càng thiên biến vạn hóa, xem đến nỗi mắt lồi ra mà vẫn thấy chưa xem được kĩ.

- Em thêu từ bao giờ thế? - Hương Liên hỏi.

Đào Nhi cười đáp

- Đây là thứ cháu cất dưới đáy hòm từ lâu, phải thêu mất đúng một trăm ngày. Năm ấy cụ ông nhìn thấy đôi chim này mới cho gọi cháu vào làm trong nhà đấy.

Hương Liên lẳng lặng gật đầu, thầm phục con mắt tinh đời của Đồng Nhẫn An.

- Chị Đào, mai chị dạy em thêu hai con như thế này nhé - Mĩ Tử nói.

Đào Nhi không nói gí, tủm tỉm liếc cô ta rồi cầm một sợi chỉ tơ trắng, đặt giữa ngón cái và ngón trỏ, vê một cái lập tức tở ra thành mười sợi, mỗi sợi mảnh hơn tơ nhện. Đào Nhi chỉ lấy một sợi trong mười sợi đó, những sợi còn lại bỏ đi, lại rút trong túi đeo lủng lẳng trước ngực một cây kim nhỏ như lông bò, chẳng nhìn thấy lỗ kim đâu. Đào Nhi cong mấy ngón tay như búp lan cầm chặt cây kim, cổ tay hơi xoay một chút, sợi tơ đã xâu vào lỗ kim, đưa cho Mĩ Tử bảo:

- Cầm chắc lấy nhé!

Mĩ Tử cảm thấy hai bàn tay mình vừa to vừa thó, vữa cứng lại vừa ngượng nghịu, kêu lên:

- Chả thấy kim, chỉ đâu cả!

Mĩ Tử cầm nhưng cầm không trúng, kim rơi xuống đất. Đào Nhi nhặt lên đưa lần nữa nhưng Mĩ Tử vẫn chưa cầm chắc, kim lại rơi xuống. Lần này chẳng những Mĩ Tử mà ai cũng chẳng nhìn thấy kim đâu. Đào Nhi giơ hai ngón tay nhón một cái trên váy của Mĩ Tử. Lần này chẳng thấy chỉ đâu, lại thấy cây kim mảnh như sợi lông bò lấp lánh dưới đất, cách ngón tay Đào Nhi chừng nửa thước.

- Hôm nay mới biết chi Đào tài tình đến bậc này! Em cả đời chưa chắc đã học được - Mĩ Tử nói. Cô vừa phục vừa khen, vừa thẹn lại vừa nản, cứ mím môi, lắc đầu khiến ai nấy cười ầm cả lên.

Lúc này Hương Liên đã đính xong đôi chim sẻ lên mũi giầy của mình. Mũi giầy vừa nhúc nhích, đầu chim đã vươn lên, mầu sắc lóng lánh lấp loáng. Bạch Kim Bảo đang buồn vì mất con cũng phả nói:

- Lần này chắc chắn bọn chúng phải nhìn lác cả mắt!

Đổng Thu Dung nói:.

- Có điều cửa giầy tròn này... trông kì kì thế nào ấy! - Vừa nói đến đây Thu Dung vội nín bặt; sợ Hương Liên không bằng lòng, lại giả vờ cười ngó Hương Liên.

Đào Nhi bảo:

- Mợ Tư nói sai rồi! Bây giờ nếu dùng kiểu cũ ắt chẳng xong, đổi kiểu mới cũng chưa chắc đã ăn ai. Vả chăng, dù đổi kiểu, vẫn cứ là chân nhỏ chứ đã phải là chân to đâu!

Đào Nhi tuy là người hầu nhưng địa vị hiện nay không kém cạnh gì Đổng Thu Dung. Ai cũng biết năm Hương Liên thi chân đoạt giải nhất, Đào Nhi có công lớn lắm. Mấy bộ quần áo thêu Hương Liên mặc hôm ấy đểu do Đào Nhi tỉ mỉ thêu cho cả, bây giờ lại là người tâm phúc của Hương Liên, Bạch Kim Bảo cũng còn phải sợ cô ta. Khẩu khí của cô ta vừa rồi thẳng quá nhưng cô ta có lí, mọi người đều thấy đúng, Hương Liên cũng gật đầu tỏ ý câu ấy hợp với ý mình.

Sáng hôm sau, bên ngoài đang huyên náo, người nhà họ Đồng liền diện kiểu giầy mới, chuẩn bị ra cổng thị uy. Đổng Thu Dung nói:

- Tim tôi đập dữ quá đi mất!

Nói rồi cầm tay Mĩ Tử đặt lên ngực. Tay bên kia Mĩ Tử cầm lấy tay Hạnh Nhi, cũng đặt lên ngực mình. Hạnh Nhi le lưỡi nói:

- Sắp sửa nhẩy bật ra rồi này?

Mĩ Tử chợt kêu:

- Ô! Tim mẹ sao không đập thế này?

Tiếng kêu làm Đổng Thu Dung nhợt nhạt cả mặt mày, tưởng mình sắp chết.

Hương Liên nghiêm mặt nói:

- Ngày xưa mười hai người gái góa còn dám chinh Tây. Nay chúng ta tuy chỉ có ba người nhưng ngoài cửa đâu có phải rợ Hồ mười vạn? Tiểu ô, mở cổng ra!

Nói cứ y như sắp sửa liều mạng đến nơi! Mọi người được câu đó thúc đẩy hăng lên thật. Mấy ngày vừa qua, ai nấy như gà sợ chồn cáo phải nhốt trong lồng, lặng tiếng im hơi chẳng dám động cựa, bí bách quá lắm. Liều mạng, ừ thì liều mạng! Nghĩ đến đây, thế là chẳng ai sợ nữa.

Bên ngoài, một đám người đang ném bùn đất lên cánh cổng, đất bám từng cục. Chẳng ai tin người nhà họ Đồng dám ra ngoài. Nhưng cánh cổng chợt cọt kẹt rồi mở toang ra, người bên ngoài hết hồn lùi cả lại, kẻ non gan đã toan bỏ chạy. Chỉ thấy Hương Liên dẫn đầu một đoàn phụ nữ ăn mặc chải chuốt, khí thế đàng hoàng bước ra. Việc này thật bất ngờ, chẳng ai dám làm ồn, trái lại có người kêu lên:

- Nhìn chân bó, mau nhìn chân bó kìa! Đẹp quá! Đẹp thật đấy!

Tất cả mọi người không dừng được, đều dán mắt vào chân đoàn phụ nữ ấy. Hương Liên đã căn dặn từ trước, hôm nay ra đường ra phố, hai chân không được giấu mãi trong ống quần, thỉnh thoảng phải phô ra một cái. Mỗi khi phô chân ra phải để lộ đến cổ giầy để người ta nhìn thấy hết sự tân kì. Còn khi bước phải vận sức vào cổ chân, ngoắt bên này ngoắt bên kia, để chùm tua rua đính trên má giầy vung vẩy. Đàn bà con gái nhà họ Đồng giở hết kĩ năng, bản lĩnh và công phu tu dưỡng bấy lâu nay, một bước ngoắt ba lần, ngoắt vai, ngoái lưng, ngoắt mông, sau đó ngoắt cổ chân, chùm tua rua ngũ sắc trên má giầy loạt xoạt tung lên chẳng khác nào những con cá vàng đủ mầu bơi lội dưới gấu váy. Mỗi khi họ phô chân, một loạt tiếng xuýt xoa ngạc nhiên lại rộ lên. Chẳng ai còn dám la ó hoặc nghĩ đến la ó nữa. Đám con gái còn đi theo ngay bên cạnh để vừa đi vừa ngắm nhìn vì lúc nhìn rõ lúc nhìn chưa rõ. Lúc ấy các cô chỉ muốn bốc con ngươi bỏ xuống dưới gấu mấy cái váy kia để nhìn cho gần.

Hương Liên thấy đã đủ làm mọi người thòm thèm liền quay đầu trở về nhà, bước khỏi bậc cổng bèn đóng sầm ngay cổng lại, tiếng đóng cổng rất to như dập một gậy vào đầu những người đứng ngoài. Điều bất ngờ ấy khiến ai nấy ngớ ra, có người ngây tán tàn, mắt không chớp, mũi không thở, sống mà như chết rồi.

Chiêu này khiến người họ Đồng vùng được lên, làm cho người trong toàn thành lại mến mộ chân bó như xưa. Đám đàn bà con gái sáng ý khéo tay theo mẫu nhìn thấy hôm ấy mà khâu giầy, xỏ vào khoe với hàng phố. Rồi có người bắt chước tiếp, lập tức kiểu giầy ấy thành ra mốt. Người cẩn thận thì đến nhà họ Đồng gọi cổng hỏi thăm kiểu giầy. Hương Liên đã tính đến nước cờ này, bảo mọi người trong nhà vẽ rất nhiều kiểu giầy để sẵn, ai hỏi đến thì cho. Có người hỏi:

- Kiểu giầy này tên là gì?

Giầy vốn không có tên. Đào Nhi nhìn thấy cổ giầy tròn tròn, thuận miệng đáp:

- Kiểu này gọi là kiểu cửa trăng!

- Thế còn tua rua trên má giầy?

- Gọi là tua trăng?

Chỉ một loáng, kiểu cửa trăng và tua trăng đã lan khắp thành. Theo lời đám đàn bà đến xin kiểu giầy, vợ trùm côn đồ Tiểu Tôn Vương Ngũ cũng bó chân, mấy hôm trước bị người của Sở nghiên cứu phong tục ngăn lại ở ngoài cửa đông nhục mạ một trận, khiến Vương Ngũ tức giận bốc cả Sở nghiên cứu đi. Không biết việc đó đúng hay sai, có điều Giám đốc họ Lục không thấy đến ngoài cổng diễn thuyết nữa, cũng không có ai đến kiếm chuyện, gây rối nữa. Hương Liên giành được lợi thế nhưng không hề lơi tay. Trong việc phối mầu, dùng nguyên liệu, ra kiểu, lắp má giầy, dán đế, đính giây, lắp mũi giầy, từ trong đến ngoài, từ mũi đến gót, khoét miệng giầy, dựng vách giầy, không chỗ nào bà không dốc hết tâm can, tốn bao tâm huyết. Đủ kiểu giầy, kiểu này thay thế kiểu khác, đè bẹp kiểu khác, nào giầy có đế, giầy lưới, giầy mỏ quạ, giầy mỏ phượng, nào giầy cánh cổng, giầy trăng non..., sau đó lại chế ra một kiểu giầy tân kì hơn nữa làm chấn động cả thành. Kiểu giấy này đổi miệng tròn trở lại miệng nhọn, nhưng bỏ miếng vải che mu bàn chân đi, toàn bộ mu giầy dùng chỉ trắng đan thành lưới, đan xen các kiểu hoa, thật là tốn bao tâm sức. Kết hoa có kiểu mắt voi, kiểu đan ngang, rồi chữ vạn, đuôi phượng, quả trám, tiền cổ, kiểu tết liên hoàn, kiểu mây lành vô biên v.v.. thật là đẹp. Khéo hơn nữa là đế giấy không dùng gỗ mà dùng vải cát bá, ghép hơn chục lượt vải thành một miếng làm để, rồi dùng nhĩ trà bôi phía trong, lấy miếng sắt hơ nóng ủi qua thành màu nâu, tựa như đế da nhưng nhẹ, mỏng, mềm, dễ chịu hơn nhiều, khiến cho các cô gái lớn, nàng dâu nhỏ thích đến mê muội, thích như điên. Hương Liên bảo người trong nhà làm gấp, hàng ngày đặt ngay tại cổng cho mọi người xem, học theo mà làm, còn tên thì vì kết hoa kiểu mắt voi nên đặt là "giầy vạn tượng canh tân". Do hợp với trào lưu một thời nên danh tiếng lan tràn khắp vệ Thiên Tân. Kể cả người mốt nhất, văn minh nhất cũng muốn nhắc đến tên "vạn tượng canh tân". Yêu giầy tất yêu chân, giọng điệu phản đối chân bó vô hình trung dịu đi, rồi lặng hẳn.

Hôm ấy Kiều Lục Kiểu cũng đến thăm nhà họ Đồng. Mười năm trôi qua, lão già đi nhiều, răng hàm trên hàm dưới đều rụng, mở miệng ra là thấy cái hốc miệng đen ngòm. Da mặt khô đến nỗi cứng đơ, mặt không có sắc, cái bím tóc bé tí tẹo như cái đuôi lợn bột. Sau khi Đống Nhẫn An chết, lão ta ít khi đến. Kì vừa qua nhộn nhạo, càng không thấy lão đâu. Hôm nay lão ngồi xuống nói luôn:

- Thì ra mợ vẫn chưa biết à? Cái ông giám đốc Sở nghiên cứu họ Lục ấy chính là ông Tư Lục, Lục Đạt Phu ấy mà!

Hương Liên "a" lên một tiếng, kinh ngạc đến nỗi mãi mới thốt nên lời:

- Tôi không sao nhận ra được. Hồi ông cụ tôi còn sống, ông ta có theo các ông đến đây mấy lần. Nhưng nay đã cắt bím tóc, để râu, đeo kính, càng khó nhận ra. Được ông bảo cho biết, thấy giống thật, tiếng nói cũng giống... Có điều tôi không oán không thù gì với ông ấy, sao ông ấy lại nhằm vào tôi?

- Cây to đón gió mà lị! Vệ Thiên Tân này ai chẳng biết tiếng chân nhỏ nhà họ Đồng, ai chẳng biết tiếng chân nhỏ của mợ Cả nhà họ Đồng? Nhưng người ta thuộc phái văn minh, chống chân bó không chống mợ thì chống ai? Sức mấy chống cái mụ chẳng có tên tuổi gì? - Kiều Lục Kiều nhệch miệng ra cười, khi cười vẫn cái vẻ khinh cuồng như trước.

- Thế thì lạ đấy! ông ta chẳng từng mê chân bó đó sao? Sao bây giờ lại chống? Người ta không biết cái bản mặt của ông ta chăng? Lần sau tôi mà gặp ấy à, tôi vạch trần bộ mặt lão cho người ta biết! - Hương Liên tức giận nói.
- Chẳng cần phải thế, lão đã bị người trong Sở nghiên cứu phong tục đuổi ra rồi!

- Vì sao? Ông đừng để cho tôi phải đoán mò mãi, có được không?

- Mợ nghe đây! Hôm nay tôi đã nói ắt là nói hết với mợ. Đồn rằng ông Tư Lục mỗi tối đến Sở soạn bài diễn thuyết, người của Sở thấy ông ta lần nào cũng xách theo cái va li da nhỏ. Trước khi soạn bài, ông ta đóng chặt cửa lại, mở va li ra, mũi như mũi chó ngửi khắp một lượt. Người ta nhòm qua khe cửa thấy thế. Một hôm thừa lúc ông ta ra ngoài, họ nậy cửa vào mở va li, tưởng có thuốc lá ngửi, son phấn, nước hoa thượng hạng hay của lạ nước ngoài gì đó, chợt nhìn thì... Mợ thử đoán là gì nào?

- Là cái gì?

Kiều Lục Kiều cười ha hả khiến khuôn mặt càng nhiều nếp nhăn:

- Là một va li giầy thêu nhỏ xíu! Thì ra trước khi đặt bút, ông ta phải ngửi hương gót sen. Có lên giây cót tinh thần thì tử văn mới đến. Mợ bảo ông Tư Lục có kì không? Ngửi gót sen để chống gót sen, cũng là một việc kì lạ trong thiên hạ. Người của Sở tức quá, lại vừa đúng lúc cái kiểu giầy cửa trăng của mợ gây náo động, Sở nghiên cứu không chống đỡ nổi, nội bộ tranh cãi, thế là tống cổ cả ông ta với cái va li đầy giầy nhỏ của ông ta.

Hương Liên nghe xong, vẻ kinh ngạc lộ trên nét mặt trước đây không còn nữa:

- Việc này thì tôi tin đấy!

- Tại sao mợ tin được?

- Nếu ông là tôi, ông cũng tin như tôi.

Kiều Lục Kiều nghe Hương Liên nói tựa như hiểu mà lại như chưa hiểu, hay mới hiểu được một nửa. Lão vốn là người hiếu sự. Đã là người hiếu sự thường hay hiếu kì. Nhưng bây giờ tuổi tác lão đã khác trước, bụng tuy muốn biết mà miệng lại ngại hỏi. Hương Liên bảo lão:

- Ông thường hay đi đây đi đó, tôi xin gửi gắm ông việc này. Ông dò hỏi dùm xem Nguyệt Quế có tin tức gì không?

Bốn ngày sau Kiều Lục Kiều đến báo: .

- Không cần đi tìm nửa!
- Chết rồi à? - Hương Liền giật nảy mình.

- Chết là thế nào, sống sờ sờ ấy chứ! Có điều mợ nhất định không còn nhận ra cô cháu gái này nữa đâu.

- Lấy vụng người nước ngoài rồi à?

- Không, không, chỉ tham gia hội Thiên Túc thôi

- Sao? Hội Thiên Túc? Ở đâu nảy nòi ra cái hội này?

Tim bà thắt lại, sợ từ nay về sau không còn có ngày được yên tĩnh nữa.



Hồi thứ mười bốn
Cởi chân bó, Bó chân cởi, Chân cởi Bó, Cởi bó chân

Chỉ trong nửa năm, Hương Liên như già đi mười tuổi. Thường ngày chải đầu, hàng túm tóc rụng theo lược. Trán như rộng ra, mép cong xệ xuống, mặt cũng chảy dài, mi mắt thêm mấy tầng nếp gấp, luôn cảm thấy mệt mỏi. Đấy đều do hội Thiên Túc gây nên cả.

Mùa đông năm trước, đảng cách mạng mưu binh biến không thành, các đảng, các hội giải tán hàng loạt, chỉ riêng hội Thiên Túc là không giải tán. Nhưng chẳng ai biết trụ sở hội ấy đặt đâu. Có người bảo đặt ở tô giới nước ý tại rừng Trúc Tía, người lại bảo ở tòa nhà Gordon tại Trung Nhai. Mặc dù tô giới chỉ cách thành Thiên Tân không quá bốn năm dặm, song Hương Liên chưa tới đó bao giờ. Bà tưởng tượng trụ sở Thiên Túc hội cũng là một tòa nhà mái nhọn như giáo đường, trong đó một lũ đàn bà con gái mất nết chân to để trần, quấy đảo, diễn thuyết, tán chuyện dông dài, chửi rủa chân bó, trồng cây chuối nhào lộn, ngủ với Tây, cho Tây mân mó đôi chân to, rồi túm tụm lại với nhau nghĩ ra đủ cách độc hại đối phó với bà. Bên ngoài cổng nhà bà luôn luôn dán đồ biểu ngữ bằng giấy đỏ, giấy vàng hoặc trắng, trên đỏ viết nào là "Bố mẹ nào bắt con gái bó chân, người ấy ác như rắn độc, dã thú", "Phụ nữ nào không chịu cởi chân là cam tâm làm đồ chơi cho nam giới", nào là "Đàn ông lấy vợ bó chân là kẻ phản bội thời đại!", "Quẳng giẻ bó chân đi, vươn mình đứng dậy!". Tên ghi phần nhiều là Thiên Túc hội, cũng có tờ đề là Phóng Túc hội. Nào ai biết Thiên Túc hội với Phóng Túc hội là một hay là hai? Nguyệt Quế rốt cuộc tham gia hội nào? Bạch Kim Bảo nhớ con quá chừng, bèn lẻn ra ngoài cổng, ngơ ngẩn nhìn mãi ba chữ Thiên Túc hội đề trên giấy dán, mỗi lần như thế đến hàng nửa ngày. Sự việc đó cũng đã được báo đến tai Hương Liên, bà làm như không biết gì, chỉ ghi nhớ trong lòng.

Lúc ấy bốn cửa thành đông, tây, nam, bắc, lầu treo trống, đường cái ven biển, kho bạc nhà nước ở Cũng Nam, Cũng Bắc, các chùa miếu, giáo đường lớn nhỏ, trường con trai, trường con gái như Bắc phương sư phạm học đường, Công nghệ học đường, Cao đẳng nữ học đường, Nữ tử tiểu học đường, Trường trung học quốc lập Am Như ý v.v.., ở trước cửa, ven đường, đầu phố, cuối ngõ, dưới chân cột cờ, cột đèn đều đặt một cái giỏ to tướng, trên dán giấy vàng viết sáu chữ "Cởi chân ra được tự do". Đã có người quẳng giầy nhỏ và vải buộc chân vào đó. Nhưng đặt chưa được mấy ngày đã có kẻ lén đem chặt, đem đốt, đem quẳng xuống sông hoặc lấy đi.

Giỏ đặt trước giáo đường và học đường không ai dám động đến, được đến nửa giỏ giấy nhỏ, đủ kiểu loại, vải, lụa, gai, sa, tơ, đoạn, trơn, thêu hoa, nhọn, mập, mới, cũ, rách... Như vậy rồi lại đến lượt bọn con gái cởi chân đi ngay giữa phố. Người chửi, người cười, người xem trò lạ, lại có người phục lăn, lẳng lặng nới vải bó chân thử xem sao. Người cởi chân khi thoạt cởi, chân như cây đứt rễ, khi bước đi không vồ trước cũng ngả sau, nghiêng đằng tây, chúi đằng đông, dựa bên trái, níu bên phải. Bọn trẻ mất nết gọi ầm bên:

- Ra xem này, hội cà kheo đến rồi!

Một hôm, có một bà già cũng cởi chân, đi xiêu vẹo từ cửa bắc vào thành.

Có người mắng:

- Già mà chẳng chết cho? Bọn con gái mới không hiểu biết gì, chứ mụ sống sắp thành tinh rồi mà cũng ngu ngốc thế à?

Bọn trẻ con bám đuôi kêu ầm lên có con rết bám đũng quần, bà già hoảng quá bỏ chạy, nhưng được vài bước đã ngã chổng kềnh.

Nếu như trước kia, con gái chân to ra phố đều phải nghe chửi, lúc đi đều phải giấu chân sau vạt váy, ống quần. Bây giờ chẳng ai sợ nữa, dám xắn cạp quần, hoặc túm gấu quần, khoe chân to, phô sức sống, bước đi tanh tách, thoăn thoắt như bay. Các cô bó chân chỉ có thể giương mắt nhìn suông. Cảnh tượng đó khiến một số cô bó chân nghĩ cách khâu một đôi giầy to lồng ra ngoài đôi giầy nhỏ, đằng trước đằng sau, bên trái bên phải độn chèn bông và giẻ rách, giả cách chân to. Một số cô học trường Tây tìm đến hiệu giầy thửa riêng giầy cao gót bằng da kiểu ngoại, dài đến năm tấc, mũi nhọn, gót cao. Làm bằng da nên cứng, lồng vào ôm khít lấy bàn chân, không khác bó chân là bao mà đi dường không bị xiêu vẹo. Tuy chân các cô vẫn là chân nhỏ nhưng lại không hẳn là bó, được tiếng khen là phụ nữ mô-đéc. Thời bấy giờ, cách này được xem là tuyệt nhất, khéo nhất, đỡ mất công nhất, hiệu quả nhất và được tiếng khen nhất.

Nhưng cô gái chân nhỏ chính hiệu hễ gặp các cô này ở ngoài đường, thể nào cũng chửi nhau như quân thù quân hằn. Chân nhỏ mắng chân to là "ngói tây , "xương rồng", “mặt lùa", "dưa bở"; chân to chửi chân nhỏ là "góc bánh thiu”, "móng giò thối", "chó chê tiền". Chửi nhau đến lúc hăng lên thì nhổ nước bọt vào nhau, khiến cho người qua đường, kẻ rỗi việc được một mẻ trò vui.

Những tin đó ngày ngày cứ rót vào tai Hương Liên, song bà chẳng có cách gì khác, đành hết lòng hết sức tìm kiểu mới, thu hút hứng thú của mọi người vào đôi chân nhỏ. Dần dần bà cảm thấy đầu óc rỗng không, chẳng còn cách gì giữ người ta lại nữa. Nhưng trước mắt, bản thân bà cũng như đôi chân bó, nếu buông lơi ra thì công phu mấy chục năm cũng là công cốc; đối với bên ngoài cũng như trong nhà, thế là hết. Chỉ có một con đường: gắng gượng tinh thần mà chống lại.

Bỗng một hôm, một cô gái cắt tóc theo mốt mới xiêu vẹo cởi vào cổng nhà họ Đồng. Đào Nhi và mấy người nữa bước ra coi, thảy đều kêu thất thanh: "Cô Hai về rồi này!". Nhưng nhìn kĩ, thần sắc Nguyệt Quế không bình thường họ vội vàng đỡ vào trong phòng. Người trong nhà nghe tiếng gọi ùa ra coi Nguyệt Quế, thấy cô đang gục vào lòng mẹ khóc nức nở. Bạch Kim Bảo chùi nước mắt, Nguyệt Lan đứng cạnh cũng chùi nước mắt khiến ai nấy hết hồn, đoán già đoán non cô bị người nước ngoài rủ rê, mân mó chân rồi phá cả trinh tiết. Lúc đã bình tĩnh, Hương Liên hỏi ra mới biết chẳng có chuyện gì, Nguyệt Quế cũng không gia nhập Thiên Túc hội, Phóng Túc hội. Cô chỉ theo cô bạn họ Tạ ở phố sau lên xin học ở một trường con gái. Các cô học trò đều cởi chân. Hương Liên ngó thấy đôi giầy đế bằng dưới chân cô, lạnh lùng bảo:

- Cởi chân ra chẳng chạy được rồi hay sao? Việc gì phải trở về? Còn khóc nỗi gì nữa?

Nguyệt Quế nức nở, ấm ức nói:

- Bác nhìn xem đây này...

Nói rồi cởi giầy ra, cởi cả đôi tất ngoại mầu trắng, bàn chân để trần không bó vải vảy mà không duỗi thẳng ra được, cứ oặt ẹo sưng sưng như con vịt bỏ trong nước lã mà luộc. Đầu ngón chân đều cong quặp cả vào, nắn cũng không ra, trên dưới, bên phải bên trái đều cọ sát phổng rộp lên, mu bàn chân sưng tấy, trông thật đáng thương. Hương Liên nói:

- Tự mình chuốc lấy khổ thì ráng mà chịu!

Nói rồi xoay người đi luôn. Người xung quanh cũng không ở lại lâu, khẽ khàng khuyên Nguyệt Quế, Kim Bảo mấy câu rồi bảo nhau tản đi cả.

Nhiều năm qua Hương Liên chỉ thích ngồi một mình. Buổi sáng ở sảnh trên, buổi chiều ở trong phòng, có ai ở bên cạnh cũng chịu không nổi, đuổi ra ngoài hết. Nhưng từ khi Nguyệt Quế trở về, Hương Liên lại như không ngồi được một minh, thường gọi Đào Nhi đến bên bầu bạn, có đêm cũng gọi Đào Nhi vào buồng. Hai người ngồi bên nhau, rất ít khi nói chuyện đến dăm ba câu. Đào Nhi ngồi ghé vào đèn thêu thùa, Hương Liên ngồi trên mép giường ngơ ngẩn nhìn đăm đăm góc buồng mờ tối trống không. Một người ngồi chỗ sáng, một người ngồi chỗ tối, Đào Nhi có gợi chuyện Hương Liên cũng không nói, không bảo Đào Nhi đi ra. Đào Nhi khe khẽ hé mắt nhìn chủ, song cô không nhìn ra điều gì trên khuôn mặt trắng trẻo, thuần khiết, hư không ấy. Điều đó khiến Đào Nhi phải tốn công suy nghĩ. Hai hôm nay trong bữa cơm, Hương Liên lại khích bác Bạch Kim Bảo. Từ ngày Nguyệt Quế bỏ đi hơn nửa năm trời, bà đối xử với Kim Bảo hòa dịu hơn rất nhiều, nhưng Nguyệt Quế vừa trở về nhà, Hương Liên lại gắt gỏng, tức tối với Kim Bảo như cũ. Nếu chỉ vì Nguyệt Quế thì sao bà lại không trách mắng cô ta?

Cũng hai sáng nay, Đào Nhi dọn phòng cho chủ, bỗng thấy bên trong lá màn che giường treo một chùm đa giác tết bằng chỉ tơ ngũ sắc. Đây là vật Đào Nhi tết cho Liên Tâm đeo trên cổ để trừ tà nhân ngày tết Đoan ngọ mười mấy năm trước đây. Đào Nhi là người tế nhị. Từ khi Liên Tâm mất tích, Đào Nhi lén nhặt nhạnh tất cả quần áo, đồ dùng, đồ chơi chẳng những thứ linh tinh khác của Liên Tâm đem đi chỗ khác để chủ không thấy bóng dáng của Liên Tâm đâu nữa. Hương Liên biết cả nhưng không hỏi. Hai người hiểu lòng nhau nhưng đều chẳng nói ra. Vậy thì Hương Liên lại tìm ở đâu ra chùm đa giác này, chẳng lẽ bà đeo bên mình từng ấy năm trời? Vật ấy còn nguyên vẹn, không sứt sẹo chỗ nào, rõ ràng treo trên màn che mới gần đây thôi. Trong trái tim Đào Nhi như chợt có tấm gương soi thấu nỗi lòng của chủ, cô quỳ xuống bên giường đua tay tháo chùm đa giác ấy xuống.

Buổi chiều Hương Liên ở trong phòng bỗng làm ầm ĩ lên. Đào Nhi lúc ấy đang ở ngoài giếng vò vải bó chân, khi trở vào thấy Hạnh Nhi không biết có việc gì cũng ở trong phòng. Hương Liên mặt mũi đỏ bừng, màn che giường bị rách một mảng lớn, gối, vải phủ gối, chổi quét giường, vải trải giường vút đầy đất. Trên mặt đất còn có một que sào, giấy ngủ, bô đi tiểu, hộp giấy, cúc áo, tiền cổ dính đầy bụi đất được khều ra từ dưới gầm giường, bên trên có những con bọ đất đang bò và mạng nhẹn. Đào Nhi hiểu ngay lập tức. Hương Liên nhướn lông mày lên đang định hỏi thẳng Đào Nhi, thấy có Hạnh Nhi, bà thôi không hỏi nữa, quay qua hỏi Hạnh Nhi:

- Mấy hôm nay cái con bé đáng chết Nguyệt Quế ấy tuồn những nọc độc gì ra với mày thế?

Hạnh Nhi đáp:

- Thưa không ạ, mợ Hai có cho cô ấy nói chuyện với chúng cháu đâu!

Hương Liên lặng một lát, dặn:

- Ta mà nghe thấy mày nói lại những chuyện tà ma quỷ quái gì đó thì ta gang miệng mày ra đó.

Nói xong, Hương Liên đi ra ngoài tiền sảnh. Cả một buổi chiều bà ngồi yên không động đậy như chết. Cho tới khi trời tối, Đào Nhi vào phòng trải giường, thắp nến, chuẩn bị xong chậu rửa chân, vải bó chân, ấm nước nóng mới đi mời Hương Liên vào nghỉ. Hương Liên về phòng, vừa trông thấy chùm đa giác treo chỗ cũ liền như người sống lại, gọi Đào Nhi tới, mặt không có nét cười cũng không nói năng, chỉ đưa cho Đào Nhi một đôi hoa tai hình trái tim bằng ngọc mỡ dê.